Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Biểu

Ngày đăng: 10/09/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Biểu

Nội dung:

DANH NHÂN HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
Nguyễn Biểu (chữ Hán: 阮表, ?- 1413) là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, quê ở quê làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái sử (Ngự Sử). Khi quân nhà Minh xâm lược Đại Ngu, ông đã phò vua Trần Trùng Quang Đế (1409-1413) tổ chức cuộc kháng chiến.
Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An,vua Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu. Từ Nghệ An rút vào đây, vua Trần hy vọng có thể nhóm lại lực lượng, rồi từ căn cứ cực nam của đất nước, tung quân đi dẹp bọn xâm lượt nhà Minh, rửa hận cho thần dân, dựng lại cơ nghiệp nhà Trần.
Chiếm giữ được Nghệ An, quân số trong tay còn độ bằng, bốn phần mười, lực lượng khó khăn, cho nên trước sức tấn công ồ ạt của quân xâm lược do Trương Phụ và Mộc Thạch chỉ huy, nhà vua đã cùng bầy tôi chạy vào vùng đất Hóa Châu xa xôi này. Lao đao lận đận nhiều phen vì sự nghiệp chống giặc, trong lúc tình thế lại ngày càng bất lợi, vua sai ông đi sứ giảng hoà.
Sau mấy ngày dừng lại ở quê nhà để bái yết tổ tiên, Nguyễn Biểu dẫn đoàn tùy tòng rời làng Bình Hồ từ sáng sớm. Lúc chia tay nhà vua, Vua Trần Trùng Quang làm bài thơ: Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ
Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa
Trịnh trọng rầy nhân dựng khúc ca
Chiếu phượng mười hàng tơ cãn kẽ
Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha
Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ
Khương quế thêm cay tính tuổi già
Việc nước một mai công ngõ vẹn
Gác lân danh tiếng dọi lầu xa
Bài họa Của Nguyễn Biểu:
Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca
Đường mây vó ký lần lần trải
Ải tuyết cờ mao thức thức pha
Há một cung tên lồng chí trẻ
Bội mười vàng sắt đúc gan già
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối
Dịch lội ba ngàn dám ngại xa
Lúc này, mỗi bước một xa quê hương, Nguyễn Biểu cảm thấy lòng nặng trĩu. Trên đất Chi La này, năm năm về trước, Nguyễn Biểu đã cùng các chiến hữu tôn nhà vua lên ngôi và tự nguyện đứng dưới cờ dấy nghiệp cứu nước. Cũng trên dải đất này, hôm nay cảnh vật đã trở nên điêu tàn, xơ xác dưới lưỡi gươm của giặc. Vì quê hương đất nước, Nguyễn Biểu xin hiến dâng cả cuộc đời. Và giờ đây Nguyễn Biểu đang ung dung đi vào thành giặc mà không phải không biết rằng mình đang nhận một trọng trách. Mải suy nghĩ, Nguyễn Biểu không để ý đến điếm canh của giặc trên bờ sông Lam đã hiện ra trước mắt. Trương Phụ cho mời ông vào yết kiến. Tại đây ông đã gặp tên ngụy quan Chẳng phải là ai xa lạ, chính là Phan Liêu, con Phan Quý Hựu. Thái Bảo của nhà Trần đã đầu hàng giặc. Nay Quý Hựu chết, Phan Liêu được Trương Phụ cho thay cha giữ chức tri phủ Nghệ An đang chắp tay đứng hầu phía bên tả. Nguyễn Biểu cho hai người tùy tòng đem hòm lễ vật và tờ biểu cầu phong cuốn trong hộp sơn son thiếp vàng ra mắt Trương Phụ. Nghe lời nói của Nguyễn Biểu, Trương Phụ gật gù. Trước thái độ đường hoàng chững chạc và lý lẽ đanh thép của một người có chính nghĩa, tên tướng giặc tự thấy yếu thế. Ra lệnh cho Phan Liêu tiếp sứ giả, Trương Phụ lùi vào tư thất với những ý đồ đen tối.
Cho đến đúng ngọ, tổng binh Trương Phụ thiết tiệc sứ giả của nhà Trần. Trong căn phòng trang trí lộng lẫy, một mâm cỗ đặt trên chiếc sập gụ màu nâu sẫm. Chiếc lồng bàn đan bằng sợi ngà trắng toát chụp trên mâm đồng trạm trổ tinh vi càng làm cho mâm tiệc thêm vẻ thanh lịch. Cạnh mâm, một nậm rượu và cái chén đặt ngay ngắn trên khay khảm xà cừ. Đây là bữa tiệc của Trương Phụ dành cho vị khách quý. Khi người lính hầu nhấc chiếc lồng bàn ra thì cũng là lúc Nguyễn Biểu sững sốt: Mâm cỗ quái đản và ghê tởm: Một cái đầu người! Cái đầu của một người bất hạnh nào đó đã được luộc chín, hai hàm răng nhe ra như trút oán hờn vào kẻ thù. Nguyễn Biểu không ngờ Trương Phụ dã tâm đến mức gây ra trò hung bạo nhường ấy. Đây là cái đầu của ai vậy? Và tại sao Trương Phụ lại giở trò này? để ứng phó với hành động man rợ quỷ quyệt của tướng giặc, Nguyễn Biểu không có thì giờ suy nghĩ nhiều. Những chuyện đối đáp thử thách với sứ giả xưa nay có nhiều, Nguyễn Biểu đã từng nghe nói hoặc đọc trong sách vở. Nhưng đến mức này thì Nguyễn Biểu chưa hề thấy. Chắc chắn rằng đây là đầu một người dân lành đã bị Trương Phụ bắt và hành tội. Không ăn thì tên tướng giặc cho là sứ giả hèn nhát, còn ăn thì ghê tởm mà lại ăn thịt đồng bào của mình! Không chút do dự, Nguyễn Biểu ngồi xuống sập, ung dung rót rượu. Sau một tợp rượu khai vị, Nguyễn Biểu cầm đũa ngà moi đôi mắt chấm vào dấm muối nuốt một cách ngon lành. Sau khi cạn chén rượu, Nguyễn Biểu cười kiêu hãnh nói một mình như nhắn bảo cho Trương Phụ biết:
- Không mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc.
Khi rượu đã cạn, Nguyễn Biểu rung đùi ngâm bài thơ tức sự:
Ngọc thiệt, trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem chuông, chả phượng còn thua béo.
Thịt gụ, gan lân cũng kém tươi.
Cá lối lộc minh so cũng một
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn.
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Khi nghe quân hầu thuật lại về Nguyễn Biểu với mâm cỗ đầu người, Trương Phụ tròn xoe mắt kinh ngạc. Trong cái nghề làm tướng cầm quân đánh đông dẹp bắc của Trương Phụ, chưa bao giờ hắn gặp một người như Nguyễn Biểu. Tự cho mình là anh hùng hảo hán, tỏ ra mình cũng biết trọng những kẻ có tài năng, khí phách, Trương Phụ lấy lễ tiếp đãi Nguyễn Biểu rồi tiễn chân sứ giả ra về. Ngồi ngả người trên kỷ, tên tướng giặc lấy làm khoái chí vì hành động "Nghĩa khí” của hắn. Rồi đây hắn sẽ làm cỏ Hóa Châu, cả triều đình nhà Trần sẽ không thoát khỏi tay hắn. Ấy thế mà hôm nay Trương Phụ lại tha sứ giả của Trần Trùng Quang. Thấy Trương Phụ tha Nguyễn Biểu, Phan Liêu tỏ nỗi lo lắng của mình:
- Nhưng thưa Tổng binh, ngài muốn lấy nước Nam mà tha người ấy về thì làm sao mà xong việc được.
Cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của Trương Phụ sớm bung ra. Con quỷ dữ hiện nguyên hình. Trương Phụ hạ lệnh cho quân lính đuổi theo đoàn sứ giả. Chiếc cầu gỗ rung rinh. Đoàn sứ giả chưa qua khỏi cầu thì đã nghe tiếng vó ngựa rầm rập từ phía sau. Một toán kỵ binh giặc ập đến. Theo lệnh của Trương Phụ chúng đòi Nguyễn Biểu quay lại. Đến nông nỗi này, Nguyễn Biểu biết khó thoát khỏi tay giặc. Nguyễn Biểu xuống ngựa quay về hướng đông nam, nhìn về Hóa Châu sụp lạy rồi sai người lấy bút mực. Cái nóng hừng hực của nắng chiều đã làm cho hàng chữ đen nhánh vừa viết: "Thất nguyệt, sợ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử” khô đi rất nhanh trên cột cầu bằng gỗ màu bạc thếch. Ngắm lại dòng chữ vừa viết lần cuối cùng, Nguyễn Biểu ung dung lên ngựa. Trước khi thúc ngựa, vị sứ giả của triều Trần dặn đoàn tùy tòng:
- Các ngươi trở về Hóa Châu tâu với nhà vua hãy lo luyện quân để cự giặc.
Không nói với lũ giặc một nữa lời, Nguyễn Biểu giục ngựa vượt lên hàng đầu, trở lại thành giặc. Vừa nghe tin quân lính đã điệu Nguyễn Biểu về, Trương Phụ đem theo một bầy dũng sĩ mang gươm hộ vệ, bước ra thềm dinh đứng đợi sẵn. Tên tướng giặc định ngay từ đầu đã dùng quyền uy bắt Nguyễn Biểu phải khuất phục. Nguyễn Biểu hất tay, bước vội tới, chỉ vào mặt Trương Phụ quát mắng:
- Trong bụng toan tính việc đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt lại phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải lại còn giết hại nhân dân, bọn mày thật là lũ giặc bạo ngược.
Bất lực trong việc khuất phục Nguyễn Biểu bằng lời nói và thái độ cư xử, Trương Phụ dùng đến sức mạnh của tên tướng giặc bạo tàn. Hắn ra lệnh chém đầu sứ giả. Trên con đường đi tới chân núi Thành Sơn để chịu chết, Nguyễn Biểu vẫn ung dung bình thản. Ông bình thản vì sự nghiệp giữ nước, vì thà chết chứ không bao giờ chịu quỳ gối trước giặc ngoại xâm. Trong khi Nguyễn Biểu cất cao đầu đi đến nơi hành hình thì Trương Phụ quay vào dinh Tổng binh, hắn cúi đầu sợ hãi. Nguyễn Biểu đã bị điệu ra ngoài thành, những tiếng quát tháo chửi mắng của con người ấy đối với tên tướng giặc như còn vọng lại. Trương Phụ thầm nghĩ: Cả dân nước Nam này ai cũng như Nguyễn Biểu thì làm sao có thể dẹp nổi?
Chỉ sau đó năm năm thôi, vào năm Mậu Tuất (1418) cả nước Nam này đã vùng dậy chiến đấu trong mười năm trời, đánh tan đội quân xâm lược của nhà Minh, lật đổ toàn bộ ách thống trị của chúng mà chính bản thân Trương Phụ đã góp phần đặt lên đầu cả dân tộc nhỏ bé ở Phương nam này. Lúc bấy giờ Nguyễn Biểu không còn nữa, nhưng khí phách anh hùng và tinh thần xả thân vì nước của ông được cả dân tộc kế tục để làm tròn sự nghiệp giữ nước mà Nguyễn Biểu còn bỏ dở.
Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng quân Minh đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương, tức Nghĩa sỹ Đại Vương. Đến đời vua Lê Thánh Tông sai lập miếu thờ Nghĩa sĩ ở Bình Hồ. Đến cuối thế kỷ 18 đền bị cháy, sau cơn binh lửa vua Gia Long lại có sắc phong, năm Kỷ Tị (1869) nhân dân trùng tu lại đền. Hiện nay đền vẫn giữ được nhà bái đường, Thượng điện, cột nanh, tắc môn, hai tấm bia đá. Nhiều đồ thờ, tượng chạm khắc, câu đối, hoành phi và 5 đạo sắc phong vẫn còn nguyên vẹn.
Từ năm 1941, tác giả Hoàng Xuân Hãn đã công bố trong Khai trí tiến đức, tập san số 2 và 3, mấy bài thơ Nôm đời Hậu-Trần được gom trong Nghĩa sĩ truyện: một bài của vua Trùng Quang (1409-1413) tặng Nguyễn Biểu khi lĩnh mạng đi sứ, bài họa lại và sau đó là bài thơ bữa tiệc "đầu người" của Nguyễn Biểu khi bị giặc làm áp lực, bài tế Nguyễn Biểu của vua Trùng Quang và bài tụng chí khí của Nguyễn Biểu do sư chùa Yên Quốc làm ra.
Cùng với núi Thành Sơn, với dòng sông Lam, Nguyễn Biểu còn mãi mãi được các thế hệ mai sau ngợi ca cùng câu đối ghi ở đền Nghĩa Liệt:
"Tồn Trần kính tiết Thành sơn thạch. Mạ tặc dư thanh Lam thủy ba".
(Tiết cứng phò Trần đá Nghĩa Liệt .Tiếng vang mắng giặc sóng Lam Giang).
Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có phố mang tên ông. (http://vi.wikipedia.org/).

Trong hình ảnh có thể có: cây, thực vật, bầu trời và ngoài trời

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018