Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Đăng

Ngày đăng: 01/11/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Đăng

Nội dung:

Nguyễn Đăng (1577-?) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Đăng người làng Đại Toán, huyện Quế Dương, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Ông có học vấn sâu xa, sở trường về thơ Đường luật và phú tám vần. Mỗi bài ông soạn ra đều được mọi người truyền tụng cho là bài mẫu, đến nỗi mang tiền đến xin mua văn của ông.

Nguyễn Đăng đi thi Hương, đỗ Giải nguyên. Năm 1602 đời Lê Kính Tông, ông đỗ Hội nguyên. Cả 4 kỳ thi ông đều đứng đầu hạng ưu; sau đó vào thi Đình, ông đỗ Hoàng giáp đình nguyên, ứng chế đỗ thứ nhất.

Văn chương của Nguyễn Đăng hơn các đồng nghiệp, được triều đình tôn trọng.

Năm 1603, Nguyễn Đăng cùng Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Đường Xuyên đi sứ nhà Minh. Dọc đường, ông ngâm vịnh thơ cùng các quan lại Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên, có nhiều câu hay. Khi đi qua Phi Lai, ông làm bài phú 8 vần, được mọi người truyền tụng. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép lại bài phú này.

Khi đi sứ về, ông được thăng làm Hữu bộ thị lang Bộ Hộ, tước Phúc Nham hầu.

Ít lâu sau ông qua đời không rõ năm nào, được phong làm phúc thần ở xã Hán Đà, trước thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, nay thuộc huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. (http://vi.wikipedia.org/)

Theo http://bacninh.gov.vn/: Thần tích kể rằng: Bấy giờ 4 thôn Tỏi đều có nghề đan dó bị bằng cói. Nhà nghèo, Nguyễn Đăng thường phải gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Đến đâu thấy có trường học là Nguyễn Đăng lân la tới gần, đứng ngoài học lỏm. Có một thầy đồ thương tình nhận vào cho học. Nguyễn Đăng nghèo không đủ tiền mua giấy bút, thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nhưng Nguyễn Đăng lại tưởng là tấm ván quan tài, cho nên hôm sau chàng liền vác sang nhà thầy một tấm ván thượng mà người ta cất mả vứt bỏ ở bãi tha ma. Bọn học trò thấy thế cười ồ cả lên chế nhạo. Thầy đồ nhìn tấm ván mà rằng:

 Các trò chớ coi thường Nguyễn Đăng. Cậu bé này về sau sẽ làm đến thượng quan đó, chúng ta không theo kịp đâu.

 Một lần, Nguyễn Đăng đi học gặp mưa phải vào đình Hán Đà, bấy giờ quan viên trong đình đang làm lễ tế thần. Khi Nguyễn Đăng vào đến cổng thì đèn nến trong đình tự dưng phụt tắt, chiêng trống vấn khua nhưng chẳng hiểu tại sao không phát ra tiếng kêu. Lễ tế thần đành phải dừng lại. Lúc ấy, thần hoàng đình nhập vào chủ tế nói rằng:

 Có quan bác tới chơi, phải ra nghênh tiếp.

 Mọi người tìm khắp cả đình, chỉ thấy Nguyễn Đăng ngồi co ro tránh rét ở giải vũ, mới mời ngồi vào chiếu thần vị. Vừa lúc ấy đèn nến lại tự dưng cháy sáng, chiêng trống lại kêu vang, ai nấy làm ngạc nhiên lắm.

 Sau, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng đi sứ, được vua nhà Minh phong làm Trạng nguyên.

 Lúc về qua làng Hán Đà, tự nhiên vô bệnh mà mất. Dân làng Hán Đà nhớ đến chuyện xưa liền lập bàn thờ ông, gọi là đền Trạng nguyên. Bốn giáp Đông Ngạn, Tây Ngạn, Đông Đà, Tây Đà phiên phụng sự.

 Đó là ký ức dân gian được các quan bộ lễ sưu tập đưa vào thần tích, vậy nên đã có phần huyền thoại hóa. Song qua đó, có thể thấy rõ phần cốt lõi hiện thực là khiếu thông minh, hiếu học, tài năng, đức độ của Nguyễn Đăng. Đồng thời, đó cũng là thể hiện sự mến mộ của dân gian đối với ông.

 Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Khoa mục chí” ghi về sự đỗ đạt của Nguyễn Đăng như sau:

 “Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 3 (1602), khoa nhâm dần, lấy đỗ tiến sĩ 10. Hội nguyên, đình nguyên, hoàng giáp: Nguyễn Đăng, thi hương, hội đình đều đỗ đầu”.

Chính vì từ thi hương đến thi đình ông đều đỗ đầu nên thời bấy giờ người ta gọi là Tam nguyên Nguyễn Đăng, mặc dù khoa thi đình ấy không lấy Trạng nguyên mà người đỗ đầu gọi là Hoàng giáp. Trường hợp này giống như ông Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi nho học tam trường năm 1075, khi đó vua Lý Nhân Tông cũng không lấy Trạng nguyên.

 Với quan niệm người đỗ đầu khoa thi đình là Trạng nguyên, nên khi Nguyễn Đăng mất, người ta lập đền thờ gọi là đền Trạng nguyên. Còn như khẩu khí dân gian thì quen gọi ông với cái tên gần gũi, chân quê: Trạng Tỏi (tức là ông Trạng làng Tỏi)

Cách gọi ấy âu cũng là tấm lòng mến mộ của người đời đối với ông vậy!

 Nguyễn Đăng làm quan được thăng tới chức Hộ bộ tả thị lang, tước Phúc nham hầu. Ông đã từng phụng mệnh vua đi sứ nhà Minh phong làm Trạng nguyên, vì thế mà không ít người quen gọi ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

 Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” , phần “nhân vật chí” viết về chuyến đi sứ và tài thơ phú của Nguyễn Đăng: “Văn chương của ông hơn các bậc đồng bối..Năm quý sửu (1613) ông cùng Lưu Đình Chất, Nguyễn Đường Xuyên vâng mệnh vua đi sứ Minh. Dọc đường ngâm vịnh và họa đáp các bài thơ của người Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên, có nhiều câu hay. Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài phú tám vần, mọi người tranh nhau truyền tụng”

 Về sự nghiệp văn chương, Nguyễn Đăng để lại cho người đời sau tác phẩm “Phi Lai tự phú”.  Sách “Danh thần danh nho truyện ký” chép rất tỷ mỉ về bài phú nổi tiếng này. Sách viết rằng Nguyễn Đăng “về từ phú đứng đầu thiên hạ. Đàn bà, trẻ con ai cũng biết tên, đặt câu mà nói rằng “Phú ông Tỏi, hỏi làm chi!” …Ông cùng Thượng thư Lưu Đình Chất đi sứ Trung Quốc. Lưu cũng là người nổi tiếng giỏi phú, ngày thường nghe tiếng ông vẫn có ý không phục. Gặp lúc cùng đi công cán, dọc đường qua chùa Phi Lai, mới ngầm soạn một bài phú tám vần, điệp thể, sớm chiều gọt rũa, tự lấy làm đắc ý. Khi tới chùa, Lưu mới bảo ông làm bài phú. Ông vẩy bút một chốc mà thành. Hai thể so nhau. Lưu bất giác thán phục. Tục truyền rằng người Trung Quốc thấy bài phú của ông (Nguyễn Đăng) đều xuống ngựa vái lạy và khắc bài phú ấy vào bia đá đề ở cạnh chùa…”

 Chùa Phi Lai nằm trên núi Phi Lai thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Truyền rằng vào đời Tấn, một nhà sư Ấn Độ tên là Tuệ Lý leo lên núi đó ngạc nhiên mà than rằng “Đây là một ngọn nhỏ của núi Linh Thứu nước Tây Trúc (đất Phật) không biết bay về đây (Phi Lai) từ năm nào” , nhân đó mới đặt tên là núi Phi Lai. Lại có truyện cho rằng: Xưa, có con vượn trắng tu ở chùa Phi Lai đắc đạo, hóa thành mỹ nữ gọi là Viên Thị. Viên Thị gặp Tôn Khác rồi lấy nhau sinh được hai con. Rồi đó, Viên Thị hết hạn ở hạ giới phải về trời. Tuy ở cõi tiên, nhưng Viên Thị lại đau khổ vì không thể quên những ngày hạnh phúc đã được hưởng ở chốn trần gian. Thượng đế thương tình cho nàng xuống tái hợp với Tôn Khác…

 Nguyễn Đăng đã cảm hứng trước những truyền thuyết trên mà làm ra bài “Phi Lai tự phú” Ông Nguyễn Khắc Hạnh dịch như sau (trích):

“Sự việc cần nghiên cứu về thời cổ, lý luận còn chiêm nghiệm ở đời nay.

Lạ, miệng nhẩm dễ tin, buồn, dấu xưa khó kiếm.

Miệng cứ đồn chùa có thể bay, lơ lửng tầng không xòe cánh phượng.

Tai vẫn nghe chuông dồn độ cuối, vang vang xa lắng tiếng chày kình

Nọ loài vật sánh làm chồng vợ, mà kìa ai lẫn với thú câm.

Tuy: Lý không lời hư nhuyễn, không là sắc, sắc là không.

Nhưng: Khách có hứng đăng lâm, phật tức tâm, tâm tức Phật”

 Trạng Tỏi Nguyễn Đăng mất vào khoảng những năm 1638 - 1639. Tuy ông chỉ hưởng thọ hơn sáu mươi tuổi, nhưng ngày nay - gần 400 năm sau, người dân quê hương ông vẫn thờ phụng, vẫn ghi nhớ, truyền tụng và mãi tự hào về ông Trạng Tỏi Nguyễn Đăng hiếu học, tài hoa. Đền thờ ông ở làng Hán Đà, xã Hán Quảng (Quế Võ) đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018