Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Duy Thì

Ngày đăng: 03/11/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Duy Thì

Nội dung:

Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652) quê ở thôn Yên Lan, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nguyễn Duy Thì là một danh nhân văn hóa tầm cỡ quốc gia. Tại khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đời vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, được triều đình Lê Trịnh trọng dụng. Ông đã hai lần đi sứ Trung Quốc (năm 1606 và 1620) được cả triều đình nhà Minh nể phục. Khi trở về ông được phong làm Thiêm ngự sử, tước Phương Tuyền bá.

Nguyễn Duy Thì dâng khải lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức có lợi cho dân chúng. Ý kiến của ông được Trịnh Tùng khen ngợi và nhận lời làm theo.

Năm 1616, ông được đổi sang làm Đô ngự sử rồi thăng Tả thị lang bộ Lễ.

Trịnh Tùng làm chúa, lấn át quyền hành của vua Lê Kính Tông. Vua Lê liên kết với con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân để chống lại.

Năm 1619, Trịnh Xuân nhân danh giúp Lê Kính Tông, khởi binh chống lại Trịnh Tùng. Lúc đó Nguyễn Duy Thì cùng Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ đều khuyên Trịnh Tùng làm việc phế lập, với danh nghĩa theo gương phụ chính của Hoắc Quang nhà Hán phế Xương Ấp vương Lưu Hạ. Trịnh Tùng nghe theo, bèn bắt giết Lê Kính Tông và Trịnh Xuân, lập vua mới là Lê Thần Tông lên ngôi.

Thời Lê Thần Tông, Nguyễn Duy Thì được đổi sang làm Tả thị lang Bộ Lại, tước hầu. Năm 1623 vì có công hộ giá vua và đi sứ nhà Minh, ông được phong làm Vận Dực tán trị công thần.

Năm 1626, ông được thăng làm Thượng thư Bộ Công, rồi Tuyền quận công, gia thăng làm Thiếu phó.

Năm 1642, ông đổi sang làm Thượng thư bộ Binh, rồi gia thăng làm Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, giữ việc 6 Bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, coi học viện Hàn lâm. Sau đó ông được thăng làm Thái phó, được mở phủ gọi là Bỉnh Quân.

Cùng năm ông qua đời, thọ 81 tuổi, được truy tặng là Thái tể. (http://vi.wikipedia.org/).

Theo PGS.TS Ngô Đức Thọ, cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã được nhiều cuộc hội thảo đề cập, cũng như được ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều văn bia, sắc phong dành cho ông.

Vào thời đó, chính quyền triều Lê - Trịnh tuy đã thiết lập khá ổn định, trong nước đã tương đối được yên bình, nhưng do cuộc nội chiến với nhà Mạc suốt mấy chục năm khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều chưa phục hồi, mất mùa liên tiếp nhiều năm. Lo lắng trước tình đó, tháng 8 năm Hoằng Định 13 (tức tháng 9 năm 1612), Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát ngự sử Phạm Trân (TS năm 1592 đời nhà Mạc) và mấy đồng liêu khác nữa đã trình lên chúa Trịnh Tùng một bản khải văn bày tỏ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, nêu lên những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai họa thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người.

Tờ khải viết: "Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay Thánh thượng (chỉ chúa Trịnh - TG) để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy... Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời và chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy”.

Triết vương Trịnh Tùng khen và phê chuẩn các điều trong bài khải của Nguyễn Duy Thì. Khoảng cuối năm 1613, triều đình sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu dạt thì tha tạp dịch 3 năm để về yên cư phục nghiệp.

Những điều mà Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì làm tới giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ông được chia ấp. Sau này, khi ông mất đi, dân lập thành phủ thờ ông. Nay con cháu vẫn còn hương khói và giữ được các sắc phong dành cho ông và người con trai cả Nguyễn Duy Hiểu.

Vẫn theo PGS.TS Ngô Đức Thọ thì hơn 50 năm giữ trọng trách dưới 3 triều vua 2 đời chúa, uy danh Thái Tể Nguyễn Duy Thì lừng lẫy một giai đoạn nhiều biến động lịch sử đầu thời Lê Trung hưng. Nguyễn Duy Thì là nhà chính trị có tài, biết lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người dân. Tờ Khải năm 1612 do ông khởi thảo có tác dụng với đương thời và được lưu ghi trong sử sách. Ông còn là nhà Nho có uy vọng, nhiều năm giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám - trường đại học đào tạo nhân tài Nho học cho các triều đại Việt Nam. (http://www.baomoi.com/).

Sách “Toàn Việt thị lục” của Lê Quý Đôn đã có những dòng chữ trang trọng khắc ghi về uy danh Tướng công Nguyễn Duy Thì.

Suốt 50 năm làm quan, ông lần lượt được thăng chức từ Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, đến những chức ngang hàng Tể Tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ Chúa.

Nguyễn Duy Thì là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân.

Ngày nay, tên ông được đặt cho một trường trung học ở thị trấn Quang Hà, huyện Bình Xuyên; phủ đường nơi ông làm việc ở quê, được người dân Thanh Lãng sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng khi ông mất và tồn tại đến ngày nay đã hàng trăm năm.

Ghi nhận những giá trị kiến trúc và văn hóa của đền thờ ông, năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là Vĩnh Phúc) đã công nhận đền thờ Tướng công Nguyễn Duy Thì là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hàng năm vào ngày 11 tháng 9 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Duy Thì, nhân dân địa phương, nhân dân các xã trong vùng với lòng thành kính đã về dâng hương tưởng niệm tại di tích, nhiều trò chơi dân gian mang sắc thái truyền thống quê hương cũng được tổ chức, như chọi gà, chơi đu, cờ người rất tưng bừng náo nhiệt. (http://mobile.coviet.vn/)

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018