Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Thời Trung – Ông Tổ ngành da dày Việt Nam

Ngày đăng: 07/10/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Thời Trung – Ông Tổ ngành da dày Việt Nam

Nội dung:

Nguyễn Thời Trung – Ông Tổ ngành da dày Việt Nam

Nguyễn Thời Trung người làng Phong Lâm (còn gọi là làng Trắm), tổng Phạm Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng thời Lê, nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.

Năm 45 tuổi ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc năm thứ tư (1565), triều nhà Mạc, làm quan đến chức Thừa chính sứ (theo "Tiến sĩ nho họ Hải Dương" xuất bản bản năm 1999). Thời phong kiến nhà Mạc bị coi là ngụy triều nên tên tuổi ông không được khắc ghi trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Theo sắc phong và văn tế còn lưu giữ tại địa phương: đầu thời Mạc, tiến sĩ Nguyễn Thời Trung phụng mệnh triều đình đi sứ nhà Minh dâng lễ cống. Khi đi ông xin mang theo ba người cùng quê là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sỹ Bân, người làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm với ước vọng tìm nghề mới mang về truyền dạy cho dân làng.

Trong thời gian lưu lại ở kinh đô Trung Quốc, các ông vẫn ngày ngày làm việc trong sứ quán, tối tối lại dạo khắp kinh thành thăm dò quan sát xem xét nên học nghề gì? Thấy một tiệm chuyên đóng giầy dép cho vua quan, các ông bàn bạc quyết tâm học bằng được nghề này. Nhờ lân la tìm hiểu quan sát, khéo léo ngoại giao, các ông được chủ tiệm giầy quý mến tiếp đón ân cần. Nhờ đó, các ông đã thu lượm được kiến thức về thuộc da và đóng giầy của người Trung Quốc.

Hết thời gian đi sứ, các ông về nước mang theo những bí quyết về nghề da giầy. Các ông cũng tự đóng được một số mẫu giầy đem dâng vua và tâu lên vua ý định truyền bá nghề này cho dân làng. Vua thấy giầy đóng rất đẹp, ngợi khen và chấp nhận lời thỉnh cầu của các ông, sắc phong cho bốn ông là: "Dực bảo trung hưng tôn thần". Sau này triều đình lại sắc phong cho Nguyễn Thời Trung làm Thành hoàng làng kiêm tổ nghề da giầy. Ba ông còn lại, mỗi ông làm Tổ nghề của một trong ba làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm.

Trong thực tế những vị này có thể là đã cải tiến kiến thức về thuộc da và sáng chế những mẫu giầy dép mới. Chứ thực ra nghề da ở nước ta đã có từ lâu đời Trong các ngôi mộ cổ cách nay một, hai nghìn năm đã có những đồ tuỳ táng làm bằng da thuộc. Thời bấy giờ, nhu cầu về da giầy chủ yếu ở chốn thị thành vào dịp hội hè đầu xuân, hầu hết các thợ giầy Tam Lâm phải ra các nơi thị thành hành nghề. Họ tạm biệt quê hương vào cuối thu mang theo đồ nghề ra phố phường - Kẻ Chợ. Ở đây họ mở hiệu, hoạt động sôi nổi suốt mùa đông cho đến giữa mùa xuân khi nhu cầu về giầy dép giảm thì lại trở về quê hương làm ruộng. "Nông vi bản" là thế!

Trong phong trào chung đó, một số người có đầu óc kinh doanh, giàu lên, mở cửa hiệu và xưởng đóng giầy, ở lại chốn đô thành. Họ quây quần thành một phường gọi là phường Hài Tượng (Hà Nội) (hài là giầy dép, tượng là người thợ, phường Hài Tượng là phố phường của những người làm giầy dép). Năm tháng qua đi họ phát triển sang cả ngõ Hàng Hành lập ra một phố mới gọi là phố Hàng Da tồn tại đến ngày nay. Từ một làng nghề truyền thống ở xứ Đông họ đã góp phần tạo nên một trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Năm 1804, Thành Đông được khởi lập, tạo tiền đề cho TP Hải Dương phát triển. Những người thợ giầy Tam Lâm cũng lên Hải Dương sinh sống, lập nên một phố Hàng Giầy sầm uất đông vui. Phố Hàng Giầy trước đây san sát cửa hiệu giầy, là một phố cổ của Hải Dương xưa. Thợ đóng giầy Hải Dương khéo tay. Các cửa hàng giầy lớn của Hà Nội, Hải Phòng vẫn về đây cất hàng. Người cầu kỳ còn về đây đo chân đóng giầy.

Công sứ Groleau trong báo cáo viết tay về "Tình hình Hải Dương năm 1899" gửi lên Thống sứ Bắc Kỳ hiện còn lưu giữ được, có nhận xét tinh tế như sau: "Họ (Thợ giầy Tam Lâm) đi kinh doanh khắp nơi song không hề cắt đứt liên hệ với làng xóm quê hương. Hằng năm họ trở về làng ăn giỗ tổ hay dự đình đám (23 tháng 2 và 16 nháng 8 âm lịch).( http://baohaiduong.vn/, ngày 24/6/2012).

Theo http://www.donghungfootwear.com/, ngày 12/5/2014, Ngày 15/3/2014 (tức ngày 15/2/2014 Âm lịch), tại Đình thờ tổ Tam Lâm Linh Từ (Số 69/240 Tô Hiệu – Lê Chân – Hải Phòng), Ban tổ chức lễ hội đình thờ tổ Tam Lâm Linh Từ đã tổ chức long trọng buổi Lễ Dâng Hương Giỗ Tổ Ngành Da Giày tại Hải Phòng.

Tam Lâm Linh Từ là nơi thờ tự bốn vị sư tổ ngành giày Việt Nam, được những người thợ giày ba làng sinh sống tại Hải Phòng xây dựng cách đây hơn 100 năm. Vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm, những người làm giày từ khắp mọi miền Tổ Quốc về dự lễ Dâng Hương để tưởng nhớ 4 vị sư tổ đó là: Cụ Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, Cụ Phạm Đức Chính, Cụ Nguyễn Sĩ Bân, Cụ Phạm Thuần Chính.

Mùa hạ năm Đinh Mùi (năm 1487) tiễn sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ hòa đàm với nhà Minh, 3 cụ Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân, Phạm Thuần Chính là ba người làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm thuộc tổng Phan Xá, Phủ Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương cũng được cử đi tòng xứ với mục đính tìm hiểu, học hỏi, về ngành sản xuất giày của Trung Quốc mà trong nước còn nhiều hạn chế và yếu kém.

Để tôn vinh công lao của các cụ, vua Lê Thánh Tôn đã ban chức Thượng Y cho cả 4 người , và đế đời vua Khải Định, nhà vua đã gia phong cho các cụ sắc phong “ Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”.

Để tưởng nhớ đến công lao của các cụ, tất cả những người thợ giày trong cả nước đã suy tôn các cụ là những ông Tổ của ngành sản xuất giày dép Việt Nam và lập đền thờ ở khắp mọi miền đất nước.

Tam Lâm Linh Từ tại Hải Phòng vinh dự là 1 trong 4 địa phương trong cả nước được xây dựng đã lâu năm và là nơi suy tôn, tưởng nhớ, hội họp, giao lưu của những người thợ giày luôn nhớ về cội nguồn và tri ân đối với những người đã có công lao to lớn trong việc khai thông, xây dựng và phát triển ngành giày ngày nay.

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh