Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Văn Giai

Ngày đăng: 28/10/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Văn Giai

Nội dung:

Nguyễn Văn Giai (chữ Hán: 阮文階, 1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần "khai quốc” thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, ông đồng thời cũng là một nhà thơ.

Nguyễn Văn Giai, sinh năm Giáp Dần (1554), tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Khi đã có vốn chữ nghĩa, cần học lên, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục học ở Thăng Long. Ông học rất thông minh, nổi tiếng về thơ Nôm và về tài ứng đối.

Năm 1579, nhà Lê trung hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa, ông lại ra thi và lại đỗ Giải nguyên.

Tháng 8 năm 1580, nhà Hậu Lê mở khoa thi Hội đầu tiên ở sách Vạn Lại, ông đi thi tiếp, đỗ Hội nguyên (đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân), rồi vào thi Đình đỗ luôn Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê trung hưng.

Ngay trong năm này, Nguyễn Văn Giai được Trịnh Tùng bổ nhiệm chức Tán ký lục trong quân đội. Ông đóng vai trò tham mưu kế sách quân sự trong trướng cho Trịnh Tùng, đóng góp công lao vào việc đánh bại nhà Mạc, chiếm kinh thành Thăng Long năm 1592. Năm sau, Nguyễn Văn Giai được thăng chức Đề hình Giám sát Ngự sử.

Năm 1608, ông được thăng làm Đô ngự sử. Lúc đó nhà Lê làm chủ Bắc Bộ, bắt đầu giao hiếu với nhà Minh. Trịnh Tùng giao cho ông và Đỗ Uông tới Nam Quan để hội khám nhưng tướng nhà Minh không đến.

Năm 1609, ông lại vâng mệnh lên Nam Quan hội khám cùng vua Lê. Năm đó gặp tướng nhà Minh. Sau khi tiếp kiến trở về, ông được thăng làm Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, nắm việc cả 6 Bộ kiêm Đô ngự sử, Thiếu bảo, Lễ quận công.

Năm 1623, con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân gây biến. Vua Lê Thần Tông phải chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Văn Giai tham gia bày mưu giúp chúa Trịnh dẹp yên biến loạn. Sau đó ông có công cùng đi đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, được thăng làm Thiếu úy, gia phong Dực vận tán trị công thần, rồi thăng làm Thái bảo, được xem là người có công lao đứng đầu lúc đương thời.

Ông mất khi đang tại chức ngày 13 tháng giêng năm Mậu Thìn, tức 27 tháng 2 năm 1628, thọ 75 tuổi. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ.

Dưới quyền cai quản của Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê trung hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dầu xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619 nhưng ông ra sức nắm cương triều chính, không để xảy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng. Khi có những mâu thuẫn tranh chấp giữa hai con Trịnh Tùng là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân, Nguyễn Văn Giai đã cố sức dập tắt, cuối cùng bắt được Xuân về cho Tùng trị tội, nhờ đó các thế lực phản loạn bị dẹp yên.

Để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã có sáng kiến lập ra Phủ Thừa tướng bên cạnh Phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê.

Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể. Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần: Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy. Nhưng ông cũng là người mang tư tưởng chính thống cứng nhắc, đem tài sức mình dựng lại một thế lực thực tế đã mất vai trò lịch sử.

Ông còn là một nhà thơ Nôm nổi danh, có cái cười trào tiếu và triết lý thâm thúy về mọi sự ở đời, tuy số lượng thơ để lại không nhiều.

Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,

Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn.

Công nghiệp chưa thành sanh cũng uổng

Quan tài sẵn đó chết thì chôn.

Giang hồ, lang miếu, trời đôi ngả,

Bị gậy, cân đai, đất một hòn.

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,

Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn

(https://vi.wikipedia.org/)

Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên đường Nguyễn Văn Giai nối đường Đinh Tiên Hoàng với đường Mai Thị Lựu.

Theo http://giadinh.net.vn/,ngày 7 Tháng 2, 2011. Đạo sắc bằng lụa gấm, dài gần 5m vừa được phát hiện ở dòng họ Nguyễn Văn (Hậu Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một dải đạo sắc rất có giá trị. Ông Nguyễn Văn Tân- hậu duệ đời thứ 13 của danh thần Nguyễn Văn Giai, người đang trực tiếp lưu giữ đạo sắc này

Trước khi bê tráp gỗ đựng 43 đạo sắc còn lưu giữ được từ trên ban thờ xuống, ông Tân không quên "triệu tập” các bậc cao niên trong dòng họ đến thành kính làm lễ xin phép trước ban thờ tổ tiên. Trong khi ông Tân và các bậc cao niên dòng họ Nguyễn Văn làm lễ, có một cụ già 86 tuổi đứng bên tôi thì thầm: "Không phải ai cũng được họ đồng ý cho coi mô đâu (xem đâu). Tui (tôi) sống đã bạc đầu rồi mà vẫn mới chỉ nghe kể lại chứ chưa khi mô (bao giờ) được nhìn thấy đạo sắc một lần. Tui cứ ao ước mần răng (làm sao) coi (xem) đạo sắc một lần tui chết cũng thỏa mãn. Hàng năm, đến ngày giỗ tổ, bầy tui (chúng tôi) làm lễ cúng tại từ đường nhà tộc trưởng rồi để nguyên cả tráp ơ rứa (như thế) rước lên kiệu và rước ra đình thờ cụ chứ không hề bóc tách ra vì sợ mắc tội".

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục không thể thiếu, ông Tân đại diện cho cả dòng họ cẩn trọng bê tráp nhỏ, làm bằng gỗ lim, có sơn son thiếp vàng nhưng đã bị trầy xước khá nhiều xuống sân và nhẹ nhàng lần dở từng tấm đạo sắc. Trong mùi thơm của hương trầm, không gian như vỡ òa khi dải đạo sắc bằng lụa gấm được ông Tân lấy ra và trải dài trên tấm bạt đã trải sẵn trên sân.

Ông Tân cho biết, hiện dòng họ ông còn giữ được tất cả 43 đạo sắc, trong đó chỉ duy nhất đạo sắc này bằng lụa, còn lại là bằng giấy có hoa văn. Thực ra, ngày xưa số lượng đạo sắc nhiều gấp đôi số hiện có và ngoài dải đạo sắc bằng lụa gấm này còn có một dải đạo sắc tương tự. Nhưng vì chiến tranh loạn lạc, phải di chuyển nhiều nơi những đạo sắc đó đã bị thất lạc lúc nào không ai hay biết. Từ ngày hòa bình, con cháu dòng họ đã quyết định gom tất cả các đạo sắc lại để chung trong một tráp gỗ và thờ cúng trên ban thờ chứ không bao giờ lấy xuống, ngoại trừ ngày giỗ tổ.

Theo tìm hiểu, tất cả đạo sắc này là của các vị vua nhà Lê và nhà Nguyễn phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai - người đã từng làm tể tướng ba triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), là bậc "khai quốc” công thần nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh.

Hiện trên bia mộ của ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do chính vua Lê Kính Tông tặng trước lúc ông tạ thế:

"Quốc thạch trụ tam triều danh tướng

Địa giang sơn vạn cổ phúc thần"

(Tạm dịch nghĩa: Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/ Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương). Sau khi ông mất được 60 năm, con cháu dòng họ Nguyễn Văn đã lập một tấm bia đá ghi lại công trạng của ông qua các thời kỳ lịch sử. Hiện trong đền thờ của ông còn lưu giữ nguyên xi tấm bia đá này cùng với hai bản di huấn dạy con cái trong nhà và các quan chức dưới quyền của ông thời bấy giờ về đạo lý làm con, làm tôi.

Vua ca ngợi hết lời

Theo tìm hiểu, trong 43 đạo sắc còn lưu giữ được, có một số đạo có niên đại khá sớm: 3 đạo có niên hiệu Quang Hưng năm thứ 14 (1593), Quang Hưng năm thứ 16 (1595), Quang Hưng năm thứ 20 (1599); 1 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), 2 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 (1607), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 9 (1608), 2 đạo niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1611), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 19 (1618)… Phần lớn trong số đó đã bị rách do ẩm ướt và mối mọt. Ngoài ra, chưa hề có đạo sắc nào được phiên âm, dịch nghĩa.

Trước đây, số sắc phong đó được thờ tại đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai, nhưng do điều kiện bảo quản không đảm bảo nên vào khoảng những năm đầu thập niên 1970, hội đồng gia tộc Nguyễn Văn mới quyết định chuyển về gia đình ông Nguyễn Văn Tân để tôn thờ và bảo quản.

Riêng đạo sắc bằng lụa gấm có chiều dài 4,5m, rộng 0,5m, màu vàng, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng ngang, 5 hàng dọc, được viết trực tiếp lên lụa. Qua khảo cứu sơ bộ, ông Hồ Bách Khoa - Phó phòng Quản lí di sản của Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách nên chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua. Tuy nhiên, bằng các nghiệp vụ chuyên môn, bảo tàng đã xác định được đạo sắc có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.

Còn dựa vào nét chữ trên đạo sắc, PGS - TS Hán Nôm Nguyễn Văn Thịnh nhận định: Chữ viết trong đạo sắc rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp. Đây là kiểu chữ Khải đá hành (kiểu chữ chân phương được mềm mại hóa) rất đặc trưng của dạng chữ Khải thời Lê. Ngoài ra, nếu xem qua nội dung của dải đạo sắc có thể thấy đây là một dạng "chế” chứ không phải "sắc".

"Chế cũng là một dạng đạo sắc mà nhà vua hay dùng để ban truyền, phong tặng cho một ai đó (tương tự giấy khen, bằng khen thời nay), nhưng chế có phạm vi rộng hơn. Chế không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định như sắc mà có thể nói được nhiều điều hơn. Với thể loại chế, nhà vua có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật mà Ngài muốn ban tặng…” - PGS, TS Nguyễn Văn Thịnh nói.

Hòa thượng Thích Thanh Nguyện - Trụ trì chùa Linh Ứng, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội sau khi xem xét phần nguyên tác chữ Hán đã cho biết, nội dung chính của đạo sắc này là nhà vua thuận theo mệnh trời đặc tiến cho Kim Tử Vinh Lộc đại phu, chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô Ngự sử của Ngự sử đài, Vĩnh Lộc hầu, là bậc trụ quốc (chỗ dựa của đất nước) Nguyễn Văn Giai.

Ông vốn là bậc chân nho trong một gia đình khoa bảng, từng làm trụ cột cho nhà vua trong việc chỉnh đốn đất nước. Ông là người có tài kinh bang tế thế, giỏi cả văn lẫn võ, bày đặt mưu lược cho nhà vua, giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước láng giềng. Sinh thời ông cũng là người bộc trực, thẳng thắn, luôn làm theo lẽ phải và lúc nào cũng hết mình vì dân, đề cao chữ đức.

"Nhìn nhận về giá trị văn học thì đây là một bài “chế” giàu giá trị văn học vì nó mang nhiều cảm xúc chủ quan của người viết. Riêng về giá trị lịch sử thì rõ ràng nó đề cập khá đầy đủ chân dung của một vị danh thần, có nhiều đóng góp với triều đình qua nhiều giai đoạn lịch sử. Còn xét ở góc độ văn hóa thì đây đúng là một di sản quý hiếm, cần phải được nghiên cứu và bảo tồn” - Hòa thượng Thích Thanh Nguyện nói.

Soi chiếu vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, Nguyễn Văn Giai từng được nhà vua và sĩ phu Lê - Trịnh nhiều đời tôn xưng là một công thần bậc nhất bởi ông là người trực tiếp tham dự vào công cuộc đánh Mạc, khôi phục lại ngai vàng cho nhà Lê. Ông đã từng hai lần cùng với đại quân Lê - Trịnh nắm giữ các đạo quân tiến ra Bắc, chiếm lại Thăng Long từ quân nhà Mạc, bình định thành trì. Sau đó lại giúp nhà Lê thu phục lại Thăng Long, xa giá vua Lê trở về kinh thành. Tiếp đấy, ông còn được cử đi dẹp dư đảng của nhà Mạc và chủ trì việc giao hảo với Trung Quốc, để Trung Quốc thừa nhận nhà Lê Trung hưng.

Cuộc thương nghị kéo dài trên một năm, từ tháng Ba năm 1596 đến tháng Tư năm 1597 mới hoàn tất. Ông còn được nhà vua giao chuyên việc từ hàn, soạn văn thư đặt quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Năm 1599, Mạc Kính Cung lên ngôi vua, cấu kết được với một số võ tướng Lê - Trịnh đã kéo đại quân về bao vây Thăng Long khiến vua Lê Kính Tông phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Văn Giai lại cùng Trịnh Tùng xuất quân đốc chiến, đánh bại quân Mạc, giành lại Thăng Long. Sau trận này ông được thăng Hữu Thị lang Bộ Lại.

Năm 1600, Mạc Kính Cung cất quân đánh xuống Thăng Long một lần nữa. Đang lúc về quê chịu tang cha nhưng ông vẫn trở lại kinh đô dẫn quân băng vào sào huyệt đánh lui quân giặc và được phong Đô ngự sử ở Ngự sử đài. Năm 1604, ông được phong Thượng thư Bộ Hộ và hai năm sau được gia phong Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Hầu. Đến năm 1612, được đặc phong Quận công. Năm 1617 thăng lên Thiếu phó và chỉ một năm sau được giao quyền cai quản cả lục bộ. Ông cùng Trịnh Tráng (1623-1657) thân chinh đi đánh Mạc Kính Khoan (1623-1638) thắng trận, trở về được thăng Thiếu úy, liệt vào hàng “Kiệt tiết tuyên lực dực vận tán trị công thần”.

Trong những năm vua Lê chúa Trịnh có nhiều lục đục, tranh giành quyền bính, Nguyễn Văn Giai là người đứng ra giải quyết êm thấm những sự cố đầy bi thương này. Ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn, tức 27 tháng Hai năm 1628, ông mất tại chức, được truy phong chức Tư đồ. Các triều đại sau đều ra sắc chỉ nâng chức tước, phẩm hàm của ông lên những bậc cao hơn.

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh