Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Xí

Ngày đăng: 18/09/2019
Tóm tắt:

Nguyễn Xí

Nội dung:

Nguyễn Xí (chữ Hán: 阮熾; 1396-1465) là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, sinh ra ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, gốc người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Việt Nam, tên của ông còn được đặt cho một số con đường ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Ông nội Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Nguyễn Hợp dời nhà đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây Nguyễn Hợp đã cùng Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha con Nguyễn Hội và Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa, do đó rất thân quen với Lê Lợi khi đó là phụ đạo ở Lam Sơn.

Năm lên 9 tuổi (1405), Nguyễn Xí đến gặp Lê Lợi lần đầu. Cùng năm ấy cha ông bị hổ vồ chết tại quê nhà Thượng Xá, ông theo anh đến làm người nhà Lê Lợi. Nguyễn Xí đã tỏ ra vũ dũng hơn người, được Lê Lợi quý như con cháu trong nhà.

Lê Lợi sai ông nuôi một đàn chó săn 100 con. Ông chia cơm, dùng hiệu chuông dạy chó rất tài, cả đàn răm rắp nghe theo lệnh. Lê Lợi cho rằng ông có tài làm tướng nên sai ông quản đội Thiết đột thứ nhất.

Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi. Ông thường theo hầu hạ bên Lê Lợi những lúc hiểm nghèo ở núi Chí Linh.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lê Triện tiến đến gần Đông Quan gặp Trần Trí kéo ra, liền đánh bại Trí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Vua Minh lại sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nguyễn Xí bắt được thám tử của Vương Thông, ông biết Thông định chia đường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Đinh Lễ bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Nguyễn Xí được lệnh cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Lê Lợi thấy ông về mừng rỡ.

Sau đó ông lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.

Ông là công thần 4 đời vua:

Năm 1428, Nguyễn Xí được phong chức Long hổ tướng quân Suy trung bảo chính công thần.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm huyện hầu.

Năm 1437 đời Lê Thái Tông, ông làm chức quan chính sự kiêm Tri từ tụng.

Năm 1442, vua Lê Thái Tông mất, ông cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò vua Lê Nhân Tông.

Năm 1445, vua Nhân Tông còn nhỏ, Nguyễn Thái hậu nhiếp chính, ông làm Nhập nội đô đốc, nhận lệnh cùng Lê Thận mang quân đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi thì bị quyền thần tố cáo tội lỗi nên bị bãi chức. Năm 1448 Nguyễn Xí được phục hồi chức thiếu bảo.

Tháng 10 năm 1459, anh Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết vua lên ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Các đại thần Đỗ Bí, Lê Thụ, Lê Ngang mưu lật đổ vua Thiên Hưng bị bại lộ đều bị giết. Nguyễn Xí bàn mưu với Lê Lăng (con Lê Triện), Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) lật đổ Nghi Dân lần nữa.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460 Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tháng 6 năm 1460, Nguyễn Xí được phong làm khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, giúp việc chính sự. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái quận công.

Năm 1462, con Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi không hợp cánh với một số đại thần nên làm thơ vứt ra đường để vu cho họ làm loạn nhưng việc bị phát giác. Vua Thánh Tông nể công lao của ông nên không trị tội Sư Hồi.

Năm đó ông được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức thái uý.

Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, được truy tặng làm thái sư, thuỵ là Nghĩa Vũ.

Theo Đại Việt thông sử, ông có 16 người con trai và 8 người con gái. Con cháu Nguyễn Xí về sau theo giúp nhà Lê trung hưng.

Đền Nguyễn Xí được xây dựng dưới thời Nhà Lê, niên hiệu Quang Thuận thứ 8, năm Đinh Hợi 1467, theo lệnh của nhà vua “Quốc tế, quốc tạo”. (http://vi.wikipedia.org/)

Thái Sư Nguyễn Xí và biến cố tháng 10 niên hiệu Diên niên thứ 16 (1459)

Nguyễn Xí là người có công đầu trong công cuộc dẹp loạn, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi báu mà đã phải trả giá một cách bi tráng có một không hai trong lịch sử. Sử sách đã chép rõ như thế:

Tháng 10 niên hiệu Diên niên thứ 16 (1459), Lạng sơn vương Lê Nghi Dân dùng bọn tay sai Phan Ban, Phạm Đồn, Trần Lăng, ban đêm trèo tường vào cung điện giết vua Lê Nhân Tông, sáng hôm sau, giết nốt Thái hậu, lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thiên Hưng, gây nên cảnh “các quan văn võ phải nuốt hận ngậm đau, nhân dân bốn phương như mất cha mẹ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Những bậc quần thần trung thành với triều đại Lê sơ và trên hết là với cơ đồ của giang sơn Đại Việt đã mưu toan công cuộc phản đảo chính. Ngoài những nhân vật chính là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Lăng, còn là: Lê Nhân Thuận,Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Yên, Lê Vĩnh Trường, Lê Bô, Lê Giải, Lê Bảo, Lê Quyết Trung, Lê Nhân Qúi, Lê Lật, Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngân, Lê Sư Lộ…và Nguyễn Sư Hồi, trưởng nam của Nguyễn Xí. Nhưng lãnh xướng của công cuộc phản đảo chính này, không ai khác là Nguyễn Xí. Lời dụ của vua Lê Thánh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử tổng vịnh của Tự Đức… đều cho thấy như thế. Lúc có sự cố, Nguyễn Xí đang dự chức Thái Bảo trong triều, đã lấy cớ mắt bị mù, xin nghỉ việc triều chính về nhà. Bọn phản nghịch đã dùng các phép thử. Chúng cho tay sai chọc ghẹo tỳ thiếp của Ngài. Ngài biết và hỏi: “Mần (làm) chi đó?”. Chúng nói: “giã chè”. Ngài nói: “Giã mau lên đun nước ta uống”. Tiếp theo, chúng đã dùng một phép thử vô cùng ác độc là nhằm lúc Ngài sắp ra sân, chúng đặt người con thứ mười sáu là Duy Tân ở ngay bộc cửa. Biết vậy nhưng Ngài đã cầm lòng vậy đành lòng vậy đạp chết người con măng sữa chưa đầy tuổi tôi trong nỗi đau xé ruột xé lòng. Bọn phản nghịch đã tin nhưng chưa tin trọn. Nhân một bữa yến tiệc, chúng mời Ngài tới dự và biết Ngài là người giỏi về cốt tướng, xem tướng bằng cách sờ nắn xương cốt, đã nhờ xem hộ. Dĩ nhiên cũng là một dịp để chúng dò thêm thái độ của vị Thái Bảo đầu triều này. Ngài đã xem, xem đến đâu khen đến đó. Nhưng đến ót thì tóm lấy cổ, trợn mắt lên, rút dao đã nhét sẵn dưới hài đâm chết Phạm Đồn, hô lực lượng tiếp ứng xông vào giết sạch bè lũ phản nghịch. Sau đó, hạ bệ Lê Nghi Dân; Dẹp xong loạn Lê Nghi Dân, một vấn đề đặt ra là chọn ai lên ngôi vua? Quả là một bài toán khó. Đã có sự tranh chấp trong lời giải. Lê Lăng và một số người chọn Cung vương Khắc Xương “người đứng đầu trong các con thứ” mà theo Lê Quí Đôn là người sống “phong nhã đạm bạc…chất phác như một nho sinh”. Nhưng Nguyễn Xí không bằng lòng, bèn rước lập Thánh Tông tức Lê Tư Thành vốn là một phiên vương sống ở ngoại ô mà theo Ngô Sĩ Liên là người có “dáng điệu đứng đắn, thông minh hơn người thường lại càng che dấu, không lộ anh khí ra ngoài, chỉ vui với sách vở đời xưa, nghĩa lý của thánh hiền …ưa điều thiện, thích người hiền”. Quả thật trong việc chọn Lê Tư Thành lên ngôi báu để thành Lê Thánh Tông đệ nhất minh quân như thế, rõ ràng Nguyễn Xí đã có cặp mắt thần, có khả năng dự báo siêu đẳng. Sau này có người cho rằng sao Ngài lại đạp chết con. Phải chăng chữ TRUNG NGHĨA đã được Ngài thể hiện một cách tuyệt đối. Đây là một hành động cao cả mang tính chất bi tráng có một không hai trong lịch sử trung đại. Bởi nhìn vào hậu quả của hành động là đưa được Lê Thánh Tông lên ngôi báu, một vị đệ nhất minh quân trị vị 38 năm, đã đưa đất nước lên mức hùng cường ngang độ hùng cường của một số nước trong khu vực. Đã biết tận dụng hơn mặt tích cực của Nho giáo để làm nền tảng tinh thần cho đất nước. Đã mở mang phát triển và bước đầu dân chủ hóa nền giáo dục của nước nhà, biến giáo dục thành quốc sách hàng đầu thực sự. Đã sản sinh cho đất nước nhiều bậc hiền tài đúng với nguyên lý hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Đã chớm có tư tưởng pháp quyền một khi nhà vua đã tuyên bố trước quần thần: Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta cùng các ngươi phải tuân theo. Đã có mầm mống tư tưởng bình đẳng cho phái nữ một khi mà bộ luật Hồng Đức qui định: Con gái đã hứa gả chồng mà chưa cưới, dù đã nhận sính lễ, nếu người chồng bị ác tật hoặc phạm tội, hoặc cửa nhà tan nát thì cho phép người con gái kêu quan để từ hôn và trả đồ lễ. Ngược lại , đã nộp sính lễ mà phía trai vì một lý do không chính đáng mà hủy hôn thì bị phạt 80 trượng và chịu mất sính lễ. Cưới hỏi xong mà năm tháng chồng không ăn nằm với vợ thì vợ có quyền ly hôn. Trường hợp vợ đã có con thì cho hạn một năm. Về tài sản, có ba bộ phận. Của riêng do nhà trai cho chồng. Của riêng do nhà gái cho vợ. Của chung do hai vợ chồng làm ra. Nhưng khi bán tài sản nào phải có chữ ký của cả chồng và vợ. Nhà có con trai trưởng thì ruộng hương hỏa là cho trai trưởng. Phần còn lại chia đều cho con trai và con gái. Trường hợp không có trai trưởng thì trai thứ hưởng hương hỏa hoặc nữ trưởng được hưởng hương hỏa đó nhưng chỉ hết đời mình. Vợ có quyền hưởng một phần tài sản của chồng. Trường hợp vợ chồng chưa có con, nếu ly hôn không do lỗi của người vợ hoặc một khi người chồng chết, người vợ ngoài quyền sở hữu tài sản riêng của mình còn được chia một nửa tài sản riêng của chồng, nếu chết hoặc tái giá thì tài sản này sẽ giao lại cho nhà chồng…Từ sự hy sinh một người con để có một vương triều sán lạn.

Đương thời, trước hành động cao cả mang tính chất bi tráng của Nguyễn Xí, đã xuất hiện bài thơ: “Thiên hạ vĩ bình công mục manh / Thiên hạ dĩ bình công mục minh / Hành khan thế sự chuyển như bình / Như hà bất thính đáo trà thanh”. (Dịch là: Thiên hạ chưa bình yên thì mắt ông mù /Thiên hạ bình yên rồi thì mắt ông sáng/ Hãy xem cuộc thế như xoay chuyển cái bình / Lẽ nào lại không nghe tiếng giã trà).

Nguyễn Xí được hoàng đế Lê Thánh Tông hết sức nể vì, tưởng thưởng. Trong tháng sáu năm 1460, từ vị trí là Thái bảo, Nguyễn Xí đã được lên hàng Thái phó đứng thứ hai trong “Tam Thái” , kèm hai chữ tin cẩn: “Nhập nội” và giữ chức Bình chương quân quốc trọng sự (tức Tể tướng), với tước phong Á quận hầu. Đến tháng Mười năm ấy chính thức luận công khen thưởng, tước hiệu của Nguyễn Xí đã được vinh thăng thành Quỳ Quận công (tức: Quận công phủ Quỳ Châu). Ngự chế của nhà vua ban cho Nguyễn Xí, dệt gấm thêu hoa chẳng những công lao mà còn cả tính cách người lập công: “Xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn, ngươi đã có công như công yên được nhà Hán; lấy ngôi thượng công mà ban phong thưởng ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong... Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng; nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt... Lúc nước có biến phi thường, chỉ mình ngươi lo cứu vãn. Ngươi thực là bề tôi trung ái của ta...”.

Được thừa nhận là “bề tôi trung ái” , không chỉ của Lê Thánh Tông, mà còn trải liền bốn đời hoàng đế triều đại Lê sơ: từ Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông đến Thánh Tông, trong vòng hơn 30 năm làm người Đông Kinh, như Nguyễn Xí, quả là không dễ dàng. Những danh thần cũng từng là “bề tôi trung ái” và “bằng vai phải lứa” với Nguyễn Xí, thì chẳng hạn như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú... ngay từ đời Thái Tổ đã phải “ngậm cười nơi chín suối”. Các Đại tư đồ, Đại đô đốc như Lê Sát, Lê Ngân cũng đã mất mạng trong đời Thái Tông. Đến như thiên tài Nguyễn Trãi mà cũng bị nạn “tru di tam tộc” trong buổi giao thời Thái Tông - Nhân Tông. Và chỉ mới đây thôi, không khéo trong việc mưu đồ trừ diệt phe cánh Lê Nghi Dân, nhóm các đại thần Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ, cũng đã bị sát hại!

Vì thế ở vào tuổi 68, vinh hoa phú quý đã đến tột đỉnh ở giữa đô thành Đông Kinh, với chức vụ Hữu tướng quốc. Khi lâm bệnh nặng vào năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Xí chắc cũng đã tự biết thanh thản phận mình, nhất là lại còn được cả lời hạ cố dỗ dành chí tâm chí tình của hoàng đế Thánh Tông: “Công người trẫm chưa chút báo, bệnh ngươi sao lại liên miên? Ngươi nghĩ đến nước, thì hãy cơm cháo cố mà điều dưỡng. Ngươi lo đến trẫm, thì hãy thuốc men, dù tê đắng cũng gắng mà uống...” “(Đại Việt sử ký toàn thư). (http://www.vanhoanghean.com.vn; http://www.baoquangngai.vn.)

Nguyễn Xí với ông Hoàng Mười

Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười.

Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê. Hàng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của ông Hoàng Mười

Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà) (http://lichvansu.wap.vn/).

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh