Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Tiền quân Nguyễn Văn Thành

Ngày đăng: 11/07/2019
Tóm tắt:

Tiền quân Nguyễn Văn Thành

Nội dung:

Nguyễn Văn Thành (chữ Hán: 阮文誠; 1758 - 1817) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn đồng thời là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam (1802-1945).

Nguyễn Văn Thành sinh ngày 13 tháng 11 âm lịch năm Mậu Dần (1758). Tiên tổ của ông người xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng. Tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định.

Sử cũ ghi: "Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ".

Võ nghiệp

Năm Quý Tị 1773, ông cùng cha ra tận đất Phú Yên ngày nay để theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, chống Tây Sơn.

Năm Ất Mùi 1775, tháng 7 âm lịch, Phú Yên bị đánh úp, cai đội Nguyễn Văn Hiền tử trận.

Năm Mậu Tuất 1778, ông theo Nguyễn Văn Hoàng đóng đồn ở Phan Rí. Khi Nguyễn Văn Hoàng mất, Nguyễn Ánh cho triệu ông về.

Năm Bính Ngọ 1786, ông cùng Lê Văn Quân giúp quân Xiêm đánh tan quân Miến Điện ở Sài Nặc (trên đất Xiêm), vua Xiêm thán phục trở về đem vànglụa đến tạ, lại ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Ánh triệu chư tướng hội bàn, ông tâu rằng: "Vua Thiếu Khang chỉ một lữ còn dựng được cơ đồ nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc có thể làm được, lính Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp, nếu nhờ binh lực họ mà thành công lại có sự lo sau, không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn". Vua cho là phải, nên việc ấy bèn thôi.

Năm Đinh Mùi 1787, vào mùa thu, Đại Nam Liệt Truyện ghi: "...trận đánh ở Mỹ Tho, quân ta thất lợi. Hoặc có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ. Thành nói rằng: “Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được, và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế”.

Năm Tân Dậu 1801, ông lãnh ấn Khâm Sai Chưởng Tiền QuânBình Tây Đại tướng Quân, tước Quận Công.

Ông là người "biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích".

Về tài cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị tướng "phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ".

Trong một truyền dụ của triều đình còn ghi: "quân ta giao tranh, đánh ba trận thắng ba trận, ta lấy được tuy chưa bắt được hết nhưng cũng là toàn thắng. Đó thực là do đại tướng giỏi cầm quân và các quân vui theo mệnh lệnh”.  

Năm Quý Dậu 1813, sau khi xác định được rõ vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng từ trước nên triều đình nhà Nguyễn đã cho đo đạc cửa biển của thành phố này, kết hợp với việc vẽ bản đồ và bố trí thủy quân. Ông được vua cử đi lập pháo đài Điện Hải và đài An Hải nằm hai bên tả hữu sông Hàn, ở miền giáp giới với biển, để kiểm soát thuyền bè ra vào và trấn giữ Đà Nẵng .

 Tổng trấn Bắc thànhVề sau, triều đình cho rằng các pháo đài này có thành trì, trấn giữ hùng mạnh ở bờ biển khác hẳn những pháo đài khác nên đặc cách cho gọi là thành.

Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị.

Vào tháng Chạp năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài "Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong", lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cái cảm tình của một ông võ tướng mà giải bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn, đây thật là một áng văn chương tuyệt bút của nền văn học Việt Nam.

Do một sự giao hoà tự nhiên của đất trời mà sách còn chép rằng: “Khi Tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc bài văn tế trên, chung quanh đài lễ mây mù khói nổi, vang vọng tiếng gươm đao chát chúa và tiếng ngựa hí cuồng. Trên không trung, từng luồng gió rít ngang, nghe mơ hồ tiếng than vãn nhớ thương lẫn tiếng chân người rầm rập đi qua. Khi bài văn tế kết thúc, trời quang, mây mù tan hết, cảnh vật chung quanh trở nên tĩnh lặng như cũ. Phải chăng đây là oan hồn của bao nhiêu binh lính và lương dân đã bỏ mình trong chiến trận, hiển linh để nghe bài văn tế giải oan cho họ?”.

Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại là người rất coi trọng việc học hành thi cử, Giáp Tý 1804, ông tâu:"Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo". Vua liền chuẩn lời tâu.

Cũng trong năm Giáp Tý 1804 ông đã nỗ lực thống nhất các đồ cân, đo, lường ở các trấn Bắc Thành. Đồng thời ông còn cho đúc thước đạc điển được dùng từ Quảng Bình trở vào Nam và thước Kinh được dùng từ Nghệ An trở ra Bắc.

Cùng thời gian lãnh mệnh triều đình đứng ra coi việc xây dựng lại Bắc Thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.

Năm Bính Dần 1806, sau khi xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc đường biên giới phía bắc dựa vào địa dư từ thủa trước đến thực tế hiện tại Tiền quân Thành đã đề nghị đưa thư và xin đề cử người trao đổi với quan nhà Thanh, vạch rõ địa giới hai nước, dù vua Gia Long chưa quyết định. Vào mùa đông cùng năm, khi vào kinh chầu, Tiền quân Thành đã dâng bản đồ nội ngoại 11 trấn và các phủ, châu, huyện tất cả 164 bản.

Tháng 12 năm Đinh Mão 1807, Tiền quân Thành cho khắc sách Đại học diễn nghĩa.

Năm Kỷ Tị 1809, gặp Bắc Thành dân đói, ông dâng sớ tâu: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm, xin bàn cách phát chẩn và cho vay để đỡ túng ngặt cho dân". Vua đều nghe theo.

Soạn luật Gia Long

Năm Canh Ngọ 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao cử chức Tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (thường được gọi là luật Gia Long). Việc soạn Hoàng Việt Luật Lệ bắt đầu từ tháng 2 năm 1811 và đến tháng 8 năm 1812 thì hoàn tất. Bộ luật có hai phần, chia làm hai mươi hai quyển, có tất cả ba trăm chín mươi tám điều, ban hành năm 1812, đến năm 1815 được khắc in. Hoàng Việt Luật Lệ là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất thời bấy giờ.

Trước khi ban hành, Nguyễn Văn Thành có dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ ông trình bày về việc: "...đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Điều dễ thấy nhất trong bộ luật là các cực hình trong luật nhà Thanh như: Tru di tam tộc, Lăng trì, Yêm,… đều hoàn toàn bị loại bỏ”.

Ngoài ra, tính nhân đạo của bộ luật còn thấy rõ qua từng phiên tòa mở trong năm (trừ các tội Mưu phản, Đại phản nghịch, Đạo tặc…). Theo luật, các phiên xử thường tổ chức vào đầu mùa thu chứ không mở vào đầu mùa hè vì theo luật, mùa hè, thời tiết nóng, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc buộc tội của các phán quan. Nếu phiên tòa xử trong mùa thu năm nay mà chưa có phán quyết cuối cùng thì phải đợi đến mùa thu năm tới mới quyết án chung thẩm. Trường hợp gặp tội nhân bị án tử hình (giam chờ - đợi để chống án hoặc xin ân xá hay chờ thỉnh ý vua) thì cũng phải đợi đến mùa thu khi có phiên tòa mới xử chung thẩm. Việc mở phiên tòa vào mùa thu là một điểm đáng chú ý của bộ luật này mà đến nay chưa có bộ luật nào ngay cả luật các nước khác có được. Đây là đặc điểm và tính nhân đạo của Hoàng Việt Luật Lệ.

Vào tháng 1 năm 1812, Tiền quân Nguyễn Văn Thành được sung chức tổng tài trong việc biên soạn Quốc Triều Thực Lục. Như vậy trong cùng một khoảng thời gian, ông đã kiêm nhiệm hai chức Tổng tài.

Được triệu tập giữ chức Tổng tài biên soạn Quốc Triều Thực Lục, Tiền quân Nguyễn Văn Thành dâng phong thư kín viết ra bốn điều mà điều thứ ba:"xin kén thêm nho thần để sung Sử cục” vua chấp nhận và cho thực hiện (San định Quốc Sử).

Khi công việc đi dần vào ổn định thì sự kiện 1817 xảy ra và đến hơn 4 năm sau việc biên soạn công trình này mới được tiếp tục dưới thời vua Minh Mạng.

Hoàng Việt Luật Lệ và Quốc Triều Thực Lục là hai công trình văn hóa quan trọng của triều Nguyễn.

Vụ án có nguồn gốc từ một bài thơ

Năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long thi đỗ hương cống. Vốn là người hâm mộ văn chương, ông Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ lại nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng là hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng, thơ dịch âm rằng:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,

Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.

Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,

Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.

U-cốc hữu hương thiên lý viễn,

Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.

Thư hồi được đắc Sơn trung tể,

Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.

Dịch nghĩa là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,

Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Sơn tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

Một số người vốn có tị hiềm với ông dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua.

Mọi việc kêu oan của ông đều không được Gia Long minh xét. Ông hiểu rằng:"Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung", di biểu để lại còn ghi:"sớm rèn tối luyện dệt thành cái tội rất độc ác cho cha con thần, không biết kêu oan vào đâu, chỉ chết mà thôi". Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi, con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.

Nhận định và phục hồi chức năng

Nguyễn Văn Thành là bậc nho tướng, giỏi việc quân, biết dùng người hiền tài, mang phong thái của một mạnh thường quân, việc tài chánh, giao thiệp với ngoại bang, biên soạn hình luật, không gì không làm được, giỏi văn chương, giao hảo với Ngô Nhân Tịnh, có thơ tặng đáp với Lê Quang Định, nhưng thơ văn phần nhiều không thấy hành thế, nay chỉ còn vài tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là bài "Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong“viết bằng chữ Nôm.

Sách Đại Nam Liệt Truyên còn ghi:

"...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước...”

Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Sau đây là bản dịch nghĩa Sắc gia ân do dịch giả Lê Xuân Hoàng phụng dịch:

Nhân lúc vận trời đang hưng vượng Hoàng Đế phán rằng:

Ta nghĩ công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xảy ra. Các quan nhà Châu đều đặt ra tám nghị (điều) còn bên sách Tả truyện thì có mười điều là để khen chê những người có công hay có tội.

Trước đây Vọng Các Công Thần là ông Quận Công Thành, NGUYỄN VĂN THÀNH là một người công thần cũ, là con của ông NGUYỄN VĂN HIỀN, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến Đại tướng, chức đến Thượng công.

Sử sách còn để rõ ràng. Về triều đại Gia Long, nhân vì người con có tội, mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà Vua cũng cảm động. Đến triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta đây thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng. Sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự.

Như thế là đã tri ân nhiều cho ông NGUYỄN VĂN THÀNH được phục chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công, được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.

Than ôi ! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một chút đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà Vua vậy.

Như vậy là đã đối xử một cách rất hậu đối với tướng tài, nhà Vua không quên ơn của người có công, mặc dầu đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.

Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21.

Xây dựng lại thành Thăng Long

Mùa hạ năm Giáp Tý1804, Tiền Quân Nguyễn Văn Thành đứng ra trông coi việc xây dựng lại thành Thăng Long. Công trình này hoàn tất vào mùa thu năm Ất Sửu 1805.

Một số nét chính của thành mới:

Trong Hoàng Thành, lấy cửa Đoan Môn Điện Kính Thiên làm chuẩn, phía trước dựng cột cờ gọi là kỳ đài cao một trăm thước ta, lấy đó làm hiệu lệnh trong quân.

Ngoài thành mở bảy cửa, trên có lầu đều có trụ đồng, dẫn sông Tô Lịch làm hào thành, trên hào lấy gạch nung làm cầu

Kiềng thành khuất khúc như hoa bát giác hồi hương, nền thành rộng bảy trượng, mặt thành hai trượng trong có năm bậc phía trên là tường nhỏ thấp, có lỗ châu mai.

Gỗ, đá bào trơn như mài, các doanh, vệ ngang dọc như bàn cờ, đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông (chợ Đồng Xuân ngày nay), phân chia quán xá, đường đi thật vuông, thẳng.

Ngoài cùng đắp đất, trồng tre làm lũy, tùy chỗ mà đặt của ô, trên có lầu gác súng.

Bài minh trên bia đá thành Thăng Long có viết:

Kiểu đất bụng rồng, hình thể nhất đây.

Tản Viên là cột, sông Nhị là đai.

Trải đời dấy nghiệp, chọn nơi rộng rãi.

Văn vật biến thiên, non sông chẳng đổi.

Nguồn gốc Khuê Văn Các

Năm 1805, Tiền Quân Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. Sau đây là một vài hình ảnh của Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Hà Nội. Về nguồn gốc Khuê Văn Các trong bức ảnh thứ nhất đã ghi rõ như sau:

Tháng 6, năm Ất Mùi niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805) Quận công Nguyễn Văn Thành dựng Khuê Văn Các bên cạnh giếng vuông, trước sân Văn Miếu.

Trần Bá Lãm có thơ ca ngợi:

Mấy lớp cung tường sừng sững cổ kim

Bốn mùa hoa cỏ sum xuê tươi tốt

Thánh triều gây dựng quy mô lớn

Lâu dài mãi với núi Nùng cao, sông Nhị sâu

Trích: Quốc sử di biên

Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, gồm bốn trụ gạch vuông có hoa văn, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát, mái mỗi bề xếp thành hai lớp tạo cho gác là một đài tháp tám mái, bốn mặt gác đều có cửa sổ hình tròn với kích thước hài hòa, cân xứng, tỏa ra những tia sáng, tia sáng sao khuê chiếu lên bề mặt địa cầu mà giếng vuông Thiên Quang là biểu tượng, hai bên phải, trái của gác Khuê Văn là hai cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn (văn hàm súc và văn sáng đẹp).

Các câu đối trước, sau và các chữ trong phần chính cũng như toàn bộ hình tượng của kiến trúc mang ý nghĩa và vẻ đẹp của sao Khuê, ngôi sao chủ của văn học theo quan niệm xưa.

Giai thoại

1. Tương truyền hôm làm rạp để tế, khi trang hoàng xong mới thấy hai bên cột chưa có câu đối, nhân lúc có đông đủ các mặt đại thần, tiền quân Thành liền yêu cầu cử tọa nghĩ tại tịch một câu để viết và dán ngay cho kịp.

Các vị bàn tán hồi lâu, nghĩ được mấy câu, cử một người đứng ra đọc cho Tiền quân chấm, xem câu nào hơn thì sẽ viết.

Tiền quân Ngyễn Văn Thành nghe xong còn đương tần ngần lựa chọn vì chưa có câu nào vừa ý bỗng nhiên thấy phía ngoài, gần cửa có một thanh niên nhìn vào phía mình, miệng cười nhạt, mặt khinh khỉnh.

Ông thấy lạ cho gọi vào trách:

Đây là chỗ đại thần nghị việc, anh từ đâu tới, dám có cử chỉ vô lễ như vậy?

Người này thưa:

Vì câu đối nghe không được, nên bất giác có thái độ làm phật ý quan tổng trấn, dám xin ngài thứ tội.

Ở đây toàn bậc danh nho trong nước, mà anh nghe không được, thì hỗn thật! Nay cho thử làm xem sao, nếu cũng lại không nghe được thì đừng có trách.

Chúng tôi là thiếu niên thư sinh, đâu dám so tài với bậc tôn trưởng, chắc rằng có nghĩ ra câu nào cũng không thể nào bằng các vị đại khoa được, vậy nếu quan tổng trấn cho phép, chúng tôi xin lấy văn cổ ra ghép thành câu để trình chuộc tội.

Kim hay cổ không sao, miễn nghe được như lời vừa nói.

Chúng tôi xin giấy bút.

Người này cầm bút viết hai dòng trình lên:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Nghĩa:

Bóng chiều đã ngã đầu làng cũ

Xưa nay chinh chiến mấy ai về

Tiền quân đọc lên cho các quan nghe mà không ngớt lời khen ngợi: tướng sĩ trận vong đều ở Nam, Trung ra Bắc thì hương quan xứ thị thật là hợp tình. Chinh chiến kỷ nhân hồi là một lời thật thấm thía! Hay, hay thật!

Về sau, người này được Tiền quân Nguyễn Văn Thành cho mời tới phủ ngỏ ý bổ dụng một chức quan, nhưng lại khước từ. Nguyễn Văn Thành ái tài, thường đến thăm tận nhà, coi như một người bạn tâm giao.

2. Sau khi vua Gia Long cho thu hồi ấn và gươm lệnh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành về nhà buồn bực đem rượu ra uống. Một mình nâng chén, nghĩ đến sự đời càng thêm ngán ngẩm: nào lúc bôn tẩu thì mình đã cùng bao người khác đem tâm lực ra mà gây dựng nên một dải quan hà, nào lúc bị mắc vạ oan thì ngoảnh lại chỉ còn một mình. Rượu ngà ngà say, lòng gây gây buồn, Nguyễn Văn Thành bèn lấy giấy mực viết luôn hai câu tuyệt bút:

Chạnh niềm sương tuyết một mình đi...Chung dải quan hà bao kẻ đứng?

Lăng mộ

Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Văn Thành hiện an vị ở xã Thủy Phương, huyện Hương ThủyThừa Thiên Huế. Lăng mộ có diện tích năm mươi mét vuông, bao gồm bốn cột trụ biểu, bia tiền và bia hậu. Trên bức bia tiền còn ghi rõ chức tước của Tiền quân khi đã trở về cố đô Huế vào năm 1810 cho đến khi mất: "Việt Cố Khâm Sai Chưởng Trung Quân Bình Tây Đại tướng Quân Thành Quận Công Chi Mộ". Trên Bức bia hậu ghi tóm tắt tiểu sử công trạng cùng tên tuổi gia quyến của Tiền quân. Đặc biệt trên bia còn khắc cảnh Xuân Hạ Thu Đông và các hoa văn tượng trưng cho uy quyền và đức độ của ngài khi xưa.

Đền thờ: Tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trên vùng đất cao trong khu rừng sao, ngôi đền thờ Tiền quân Nguyễn Văn Thành được xây dựng từ năm 1820. Toàn bộ khung sườn đền đều làm bằng gỗ sao đốn từ những cây sao già tại khu rừng ấy. Trải qua hơn một trăm tám mươi năm thăng trầm của lịch sử, đền vẫn còn đó dáng uy nghiêm và trầm mặc. Hằng năm vào ngày rằm tháng Mười Một âm lịch là ngày giỗ của Tiền quân.

Ngày giỗ: Theo như lệ thường hàng năm, vào ngày mười lăm tháng mười một âm lịch năm Bính Tuất, tức là vào thứ tư, ngày mùng ba tháng giêng dương lịch năm 2007 đã diễn ra buổi lễ cúng đình thần, Đức Tiền quân Nguyễn Văn Thành, tại xã Tân An. Từ tờ mờ sớm đã diễn ra lễ rước sắc phong thần từ ngôi nhà cổ vào đền Tân An. Trong bầu không khí trang nghiêm và long trọng của buổi lễ cúng thần, các đội tế lễ trong trang phục truyền thống, áo dài khăn đóng, đã ra làm lễ tế. Các khách thập phương lũ lượt từ các nơi gần xa cũng đã có mặt đông đủ tại đình cổ Tân An để thấp hương và cầu an.

Đường phố;  Ở Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1985 có tới 2 con đường mang tên Nguyễn Văn Thành. Đường Nguyễn Văn Thành (thường hay gọi là bến Nguyễn Văn Thành, do nằm dọc theo rạch Hàng Bàng) của Đô thành Sài Gòn cũ hiện nay là đường Phan Văn Khỏe (trước đó cũng gọi là bến Phan Văn Khỏe, nhưng hiện nay không còn gọi là bến nữa do rạch Hàng Bàng đã bị lấp gần hết) ở quận 5 và quận 6, còn đường Nguyễn Văn Thành của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Huỳnh Đình Hai ở quận Bình Thạnh. (http://vi.wikipedia.org/)

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh