Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

ĐIÊÙ LỆ HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM (sửa đổi lần 2)

Ngày đăng: 28/06/2019
Tóm tắt:

ĐIÊÙ LỆ HỘI  NGƯỜI  HỌ NGUYỄN VIỆT NAM (được thông qua Đại hôi II)

Nội dung:

CHƯƠNG I: TÊN GỌI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

Điều 1: Hội có tên là: HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Tên giao dịch quốc tế:   NGUYEN ASSOCIATION VIETNAM

Hội có lô gô của Hội: biểu tượng          

 Có 2 con rồng chầu 2 bên để nâng các chữ Nguyễn Việt Nam, bằng tiếng Việt và tiếng Hán, trên nền trống đồng Ngọc Lũ Việt Nam.

Có Website: honguyenvietnam.vn.

Hội lấy Thuỷ tổ Kinh Dương Vương của nước Việt là Thuỷ tổ của Họ Nguyễn Việt Nam, Người có tên là Nguyễn Quảng là vua và là người lập nên nước Xích Quỷ tiền thân của nước Đại Việt, là cha đẻ của Lạc Long Quân và là ông nội của Vua Hùng - Người đã có công dựng nước Văn Lang được cả nước tôn thờ, giỗ của Người đã trở thành Quốc giỗ.

Hội tôn thờ đức thánh Tản Viên - Nguyễn Tuấn, vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong tứ bất tử là ông Tổ. Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh hết lòng vì nước vì dân đã được truyền tụng từ ngàn xưa đến nay, là biểu hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt; cái thiện thắng cái ác.

Điều 2: Hội người Họ Nguyễn Việt Nam là một tổ chức tự nguyện rộng rãi của những người cùng mang Họ Nguyễn ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài không phân biệt tôn giáo, tầng lớp, nghề nghiệp, tuổi tác, địa vị xã hội có cùng tâm huyết tôn vinh, giữ gìn bảo tồn dòng họ mình.

Hội hoạt động trên phạm vi cả nước. Hội có con dấu riêng. Trụ sở của Hôi: tại số 45 phố Kim Mã, Ba Đình, TP. Hà Nội. Hà Nội. Hội hoạt động tuân thủ theo các qui định của Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Điều 3: Hội hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục đem lại cho những người cùng mang Họ Nguyễn ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài có được những hiểu biết về lịch sử của dòng họ mình, từ đó khích lệ những người cùng mang Họ Nguyễn có tinh thần thương yêu giúp đỡ đùm bọc nhau, xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, làm rạng danh Tổ tông, khích lệ con cháu họ Nguyễn noi theo các bậc tiền bối để xây dựng cuộc sống mới, văn minh. Góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và thịnh vượng

Hội giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hội liên kết với các tổ chức xã hội và các dòng họ khác trên đất nước Việt Nam như họ Trần, họ lý, họ Lê, họ Dương… trên tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ CỦA HỘI

Điều 4: Nhiệm vụ chủ yếu của Hội

Nghiên cứu nguồn gốc Họ Nguyễn Việt Nam, lịch sử phát triển và sự ra đời của các chi Họ.Tìm hiểu và vinh danh những nhân vật nổi tiếng, các danh nhân của dòng họ nhằm khích lệ con cháu họ Nguyễn noi theo để xây dựng cuộc sống mới, văn minh. Góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Nghiên cứu lịch sử họ Nguyễn, các gia phả của các chi họ, chắp nối các chi họ để tìm về cội nguồn Tiên Tổ.

Xây dựng quỹ công đức từ sự vận động đóng góp của những nhà hảo tâm, các doanh nhân, doanh nghiệp mang dòng họ Nguyễn ở Việt Nam, trên toàn thế giới và các tổ chức xã hội, để từ đó giúp đỡ về vật chất và tinh thần các gia đình, con em gặp khó khăn trong cuộc sống, xây dựng nhà thờ, nhà truyền thống họ Nguyễn tại Việt Nam, tôn tạo các di tích có liên quan đến các danh nhân lịch sử họ Nguyễn.

Phát huy truyền thống Dòng họ về tài, hiếu học, coi trọng trí thức. Với phương châm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “phi trí bất hưng”, trong thời đại ngày nay trí tuệ của con người đã trở thành tài sản quí giá nhất. Hội người họ Nguyễn Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức Ban khuyến học, khuyến tài nhằm giúp đỡ và khích lệ các con em trong dòng tộc vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong thực tiễn sản xuất, phấn đấu để trở thành những nhân tài không chỉ cho dòng họ mà còn cho cả đất nước Việt Nam

Liên kết giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân trong dòng họ, nhằm hỗ trợ nhau, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ, tay nghề và tạo công ăn việc làm cho các thế hệ

Điều 5: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và danh dự của hội viên của Hội.

    Hội tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu để tuyên truyền về nguồn gốc, lịch sử phát triển họ Nguyễn Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển hội viên, quan tâm sự phát triển hội viên ở mọi tầng lớp. Phát triển hội viên tán trợ ở trong nước và nước ngoài nếu họ tự nguyện.

CHƯƠNG III: HỘI VIÊN

Điều 6: Người Việt Nam và người ở nước ngoài sống xa Tổ quốc mang họ Nguyễn có tâm huyết tôn vinh, giữ gìn bảo tồn dòng họ mình và tán thành điều lệ Hội, tự nguyện đăng ký  làm thành viên của Hội, tham gia các hoạt động của Hội thì sẽ được vào danh sách chính thức của Hội.

    Những người có nhiều đóng góp cho Hội có thể được cộng nhận là hội viên tán trợ hoặc hội viên danh dự của Hội.

Điều 7: Hội viên có nghĩa vụ:

1. Thường xuyên tham gia hoạt động của Hội thông qua các chi hội, các trung tâm, các câu lạc bộ, các nhóm nghiên cứu cơ sở của Hội.

2. Chấp hành đúng điều lệ, tôn chỉ, mục đích của Hội và của Hiến pháp, Pháp luật Nhà nước và địa phương.

3. Tuyên truyền phát triển hội viên mới, tham gia giáo dục lòng nhân ái, giúp đỡ mọi người, mọi gia đình họ Nguyễn khi có khó khăn hoạn nạn.

4. Chống mọi khuynh hướng chia rẽ, bè phái ảnh hưởng không tốt đến sự đoàn kết nhất trí và danh dự của Hội.

5. Có tinh thần tự nguyện đóng góp, đóng hội phí và vận động mọi người đóng góp cho quỹ Hội và tham gia các chương trình dự án của Hội.

Điều 8: Hội viên có quyền lợi:

1. Đề xuất, thảo luận, biểu quyết, giám sát các hoạt động của Hội, góp ý kiến cho các lãnh đạo của Hội.

2. Tham gia các cuộc họp cơ sở của Hội, các sinh hoạt và hoạt động phong tràocủa Hội

3. Đề xuất các hoạt động, dự án, các cuộc vận động từ thiện, xây dựng của Hội.

4. Được tham gia ứng cử, đề cử vào các chức danh của Hội cơ sở và các cấp. Được tham gia bầu cử đại biểu để bầu ban chấp hành các cấp.

5. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như danh dự nhân phẩm của hội viên.

6. Được cấp thẻ hội viên.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC HỘI

Điều 9:

9.1. Tổ chức Hội gồm có

9.1.1. Tổ chức Trung ương Hội

9.1.1.1.  Chủ tịch danh dự: Có 01 chủ tịch danh dự là người có tuổi, có uy tín trong họ và trong các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam.

9.1.1.2. Ban tư vấn của Hội: Gồm các lão thành người họ Nguyễn có uy tín trong họ và trong các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam, có tính thần ủng hộ Hội. Số lượng có thể từ 3-7 người.

9.1.1.3. Ban thường vụ Trung ương Hội gồm: 01 chủ tịch Hội, 5 phó chủ tịch, 01 thư ký và uỷ viên thường vụ từ 5-10người.

9.1.1.4. Ban chấp hành Trung ương Hội với cơ cấu mỗi tỉnh, thành phố, khu vực hoặc lĩnh vực có một người tham gia.

9.1.2. Ban chấp hành Hội cấp tỉnh, thành phố.

9.1.3. Các chi hội cơ sở: quận, huyện.

9.1.4. Ban phát triển tài chính và triển khai các dự án.

9.1.5. Ban nghiên cứu văn hóa lịch sử và tuyên truyền

9.2. Chức năng của tổ chức

9.2.1. Chủ tịch hội:

+ Là người có năng lực có uy tín đưa ra được các quyết sách điều hành, điều phối các hoạt động ngắn hạn và dài hạn của Hội trong nhiệm kỳ

+ Là chủ tài khoản của Hội.

+ Chịu trách nhiệm trực tiếp về các thủ tục pháp lý trong Hội người họ Nguyễn Việt Nam

+ Lập tài khoản của Hội

+ Lập con dấu của Hội.

+ Ra quyết định thành lập và giải tán Hội người họ Nguyễn Việt Nam cấp tỉnh

9.2.2. Phó chủ tịch hội: Có nhiệm vụ cùng và giúp chủ tịch Hội thực hiện các chức năng của chủ tịch Hội.

9.2.3. Thư ký hội:

+ Giúp chủ tịch và các phó chủ tịch thực hiện công việc của Hội.

+ Tổ chức các hội nghị, đại hội của Hội.

+ Tiếp thu, ghi chép các ý kiến của các hội viên, các tổ chức, các doanh nghiệp, doanh  nhân góp ý cho Hội.

+ Quản lý hồ sơ, danh sách các hội viên

9.2.4. Ban phát triển tài chính: 

+ Phát động phong trào quyên góp thông qua các kênh thông tin trên mạng điện tử, điện thoại, các tổ chức sự kiện, hội nghị của Hội.

+ Tổ chức các nhóm quyên góp trực tiếp đi tới các hội viên, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân.

+ Lập phương án thu, chi hàng năm hoặc nhiều năm của Hội.

9.2.5. Ban tài vụ gồm: Kế toán, thủ quỹ:

+ Quản lý quỹ của Hội.

+ Báo cáo minh bạch tình hình tài chính, các khoản thu, chi của Hội hàng quí, hàng năm.

9.2.6. Ban nghiên cứu văn hóa lịch sử và tuyên truyền

+ Tìm hiểu nguồn gốc, văn hoá họ Nguyễn Việt Nam

+ Lịch sử phát triển và sự ra đời của các chi Họ.

+ Sưu tầm gia phả các chi họ Nguyễn ở Việt Nam ( Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu, Nguyễn Phúc… ) ít nhất các chi này phải có từ 7-10 đời trở lên.

+ Tìm hiểu các nhân vật nổi tiếng của họ Nguyễn

+ Tuyên truyền mọi chủ trương, đường lối của Hội đề ra

Điều 10: Nhiệm kỳ Đại hội cơ sở và chi Hội là 2 năm, nhiệm kỳ Đại hội của Hội là 5 năm. Đại hội bất thường khi có 2/3 cơ sở đề nghị yêu cầu và chỉ được triệu tập khi nhiệm kỳ đã được ½ thời gian quy định.

Điều 11: Đại hội có nhiệm vụ:

1. Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua

2. Thông qua phương hướng nhiệm kỳ mới.

3. Thông qua tài chính Hội.

4. Thảo luận sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội.

5. Bầu ban chấp hành mới và các chức danh chủ chốt Hội và suy tôn Chủ tịch danh dự Hội nếu có yêu cầu.

Điều 12: Tiêu chuẩn hội viên được lựa chọn bầu vào BCH và các chức danh lãnh đạo Hội:

1. Có uy tín và nhân phẩm tốt, có năng lực đưa ra được các quyết sách điều hành, điều phối các hoạt động ngắn hạn và dài hạn của Hội.

2. Có nhiệt tâm giúp đỡ các đối tượng của Hội.

3. Có khả năng và sức khỏe hoạt động.

4. Là người họ Nguyễn, có lý lịch rõ ràng

Điều 13: Trong thời gian hoạt động nếu Ủy viên BCH không tham gia sinh hoạt BCH nhiệm kỳ liên tục mà không báo cáo có lý do hoặc tự thấy không đủ điều kiện tham gia thì có thể làm văn bản xin miễn nhiệm hoặc BCH có thể miễn nhiệm.

Ủy viên BCH có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Hội hoặc phạm pháp luật Nhà nước CHXHCNVN thì BCH có thể miễn nhiệm hoặc xóa tên khỏi Hội việc này do. Việc này do Hội nghị thường vụ BCH TƯ thông qua hoặc Hội nghị toàn thể BCH thông qua nhất trí với số phiếu từ 70% trở lên

Điều 14: Số lượng Uỷ viên BCH gọn nhẹ đủ năng lực do BCH cũ đề xuất và Đại hội quyết định. BCH Hội sẽ bầu ra Chủ tịch, các phó Chủ tịch, và các ban của Hội và phải được thông qua Đại hội lấy ý kiến và được quá bán hội viên của Đại hội đồng ý .

Việc bổ sung Ủy viên BCH (khi cần thiết) phải được Hội nghị thường vụ BCH TƯ thông qua hoặc Hội nghị toàn thể BCH thông qua nhất trí với số phiếu từ 70% trở lên. Nhưng số lượng bổ sung không được quá 20% tổng số Ủy viên BCH đã có.

Kỳ họp thường xuyên BCH 1 năm 1 lần để đánh giá hoạt động Hội trong năm và thông qua các chương trình công tác của Hội:

- Kiểm điểm, đánh giá công tác của Hội đã đạt được và những tồn tại cần làm.

- Xét nhân sự bổ sung, miễn nhiệm thay đổi của các cấp Hội (nếu có).

- Thông qua tài chính Hội.

- Xét khen thưởng tập thể, cá nhân trong Hội.

Điều 15: Ban thường vụ có 5 ủy viên gồm: Chủ tịch; 4 phó chủ tịch kiêm các trưởng ban: tổ chức, phát triển tài chính, văn hoá, lịch sử và tuyên truyền, kiến thiết, triển khai các dự án; thư ký Hội,

Kỳ họp thường xuyên của ban thường vụ tối đa 6 tháng 1 lần.

Nhiệm vụ của Ban thường vụ:

- Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch hàng quý,  hàng năm và đôn độc hoạt động của các cơ sở.

- Cử các chức danh để tham gia trực tiếp hoạt động của Hội và điều phối hoạt động gây quỹ, tuyên truyền hoặc tham gia các chương trình khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn của người họ Nguyễn Việt Nam, hoặc các vùng miền có thiên tai.

- Giải quyết các đề nghị của cơ sở và khiếu nại, tố cáo của hội viên.

Ban thường vụ quyết định về việc thành lập văn phòng, kế toán trưởng, thủ quỹ, thư ký tổng hợp.

Điều 16: Hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phụ trách. Chủ tịch Hội là người chịu trách nhiệm, điều hành toàn diện hoạt động của Hội theo điều lệ và quy định của pháp luật Nhà nước. Là chủ tài khoản của Hội, là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về các khoản chi của Hội, có quyền ủy quyền cho phó chủ tịch thực hiện chức năng của mình.

Các phó chủ tịch là người giúp chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ được phân công. Phó chủ tịch thường trực giải quyết thay các công việc khi chủ tịch đi vắng hoặc được chủ tịch ủy quyền.

Thư ký hội: Giúp chủ tịch và các phó chủ tịch thực hiện việc truyền đạt các chủ trương, đường lối của Hội. Tổ chức các hội nghị, đại hội của Hội. Tiếp thu, ghi chép các ý kiến của các hội viên, các tổ chức, các doanh nghiệp doanh  nhân góp ý cho Hội.

Điều 17: Ban kiểm tra do Đại hội bầu ra có 3 thành viên: Trưởng ban, phó ban và ủy viên. Ban kiểm tra có nhiệm vụ:

1. Kiểm tra hoạt động của Hội theo định kỳ việc chấp hành điều lệ và tổ chức Hội

2. Kiểm tra quỹ và tài chính Hội và thực hiện quy tắc về kế toán, thủ quỹ, thu chi..

3. Kiểm tra các tổ chức cơ sở.

4. Cùng Ban thường vụ giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động của Hội và hội viên.

CHƯƠNG V: TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 18: Nguyên tắc tài chính của Hội:

Hội phải tổ chức công tác kế toán thống kê theo đúng các quy định của pháp lệnh kế toán thống kê, chấp hành các chế độ, quy định về hóa đơn, chứng từ kết toán.

Mở sổ vàng theo dõi và thống kê đầy đủ danh sách các tổ chức, các doanh nhân, cá nhân đóng góp ủng hộ, tài trợ và được tài trợ, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh.

Lập và gửi đầy đủ đúng hạn các báo cáo tài chính và quyết toán thu chi hàng năm cho ban thường vụ và Đại hội của Hội

Điều 19: Nguồn thu và nội dung chi của Hội:

1. Nguồn thu:

- Hội phí của hội viên (chỉ dành cho những người có đủ khả năng đóng hội phí).

- Hội viên tự nguyện đóng góp (ngoài phần hội phí).

- Các nguồn thu gây quỹ qua các hoạt động của Hội.

- Các nguồn thu do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ.

- Đất đai, nhà cửa, phương tiện do tài trợ, tán trợ

2. Các khoản chi:

- Trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên họ Nguyễn nghèo học giỏi

- Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng họ Nguyễn bị thiên tai, bão lụt, tai nạn

- Trợ cấp cho trẻ em, người tàn tật, gia đình trong họ khó khăn, hoạn nạn, người có bệnh hiểm nghèo, nghèo khổ.

- Chi phí bảo đảm 1 phần cho hoạt động của BCH: xăng xe, văn phòng phẩm, tiền đi lễ tại các chi Họ.

- Chi cho các hoạt động của các cuộc gặp gỡ giao lưu, Tết, Đại hội…

- Chi cho việc thực hiện các dự án như tu bổ các di tích đền đài miếu mạo của những danh nhân mang họ Nguyễn. Xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam.

- Chi mua quần áo đỏ, quà biếu tặng các cụ trong họ hưởng thọ từ 100 tuổi trở lên

BCH Hội có quy chế cụ thể về quản lý, sử dụng tài chính, xây dựng định mức các khoản chi.

Các khoản chi được thực hiện theo quy định của điều lệ Hội phù hợp với các quy định của Pháp luật.

Điều 20: Tài sản của Hội

1. Tất cả tài sản của Hội đều giao cho BCH Hội quản lý để thực hiện nhiệm vụ của Hội.

2. Các tài sản của Hội phải được sử dụng hiệu quả đúng mục đích, đúng pháp luật

3. Trường hợp Hội ngừng hoạt động (giải thể, chia tách, sát nhập) thì tài sản Hội được sử lý như sau: Sau khi đã quyết toán tất cả các khoản nợ (nếu có) số tài sản còn lại kể cả đất đai, nhà thờ Họ sẽ được cung tiến vào việc duy trì, tu bổ cho nhà thờ Họ Nguyễn và các di tích lịch sử có liên quan đến họ Nguyễn.

CHƯƠNG VI: KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 21: Những hội viên và cơ sở có đóng góp nhiều thành tích sẽ được BCH Hội xét khen thưởng bằng nhiều hình thức như: Giấy khen, bằng khen, huy hiệu, bằng ghi công, bằng tôn vinh, tạc trên bia đá tại nơi nhà thờ, nhà truyền thống của họ Nguyễn Việt Nam do Hội tổ chức xây dựng.

Điều 22: Cá nhân đơn vị nào lợi dụng danh nghĩa Hội để hoạt động vụ lợi, vi phạm điều lệ Hội tùy theo mức độ sẽ bị phê bình hoặc xóa tên hội viên, thu hồi những đồng tiền bất chính do vụ lợi mà có. Nếu nặng hơn sẽ chuyển đến cơ quan pháp luật xử lý theo quy định.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23: Điều lệ này gồm 7 chương 24 điều đã được Đại hội đại biểu họ Nguyễn Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 12 năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 27 tháng 12 năm 2014.

Điều 24: Đại hội Đại biểu của Hội mới được quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ hoạt động của Hội và phải được 2/3 số đại biểu tán thành mới có giá trị thi hành.

           Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2016

                  Chủ tịch Hội

              TS. Nguyễn Văn Kiệm            

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh