Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Chữ duyên trong cuộc đời

Ngày đăng: 17/11/2022
Tóm tắt:

Chữ duyên trong cuộc đời

Nội dung:

Cuộc đời một con người chữ duyên cũng rất quan trọng, trong cuộc sống có nhiều chuỗi sự việc tình cờ liên hệ hay nối tiếp nhau rất thú vị, nó quyết định rất lớn hay hoàn toàn tới đời sống, nghề nghiệp của một con người. Những người thành công trong cuộc sống cũng chẳng thể chạy khỏi chữ duyên. Duyên trời, duyên kỳ ngộ, trần duyên, nhân duyên, khuôn duyên, dây duyên, duyên đôi lứa, duyên bạn bè… Hay là sự gặp gỡ, giao hòa như một điều ước định trước. Duyên vốn là từ gốc Hán (  ) có nghĩa là nguyên nhân, duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc. Sau hàng nghìn năm "giao duyên" với tiếng Việt, chữ duyên còn mang nghĩa duyên số, duyên phận của con người. Ca dao xưa có câu: “Phải duyên thì gắn như keo/Trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh” hay “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”(Truyện Kiều, NXB Hồng Đức 2015). Cuộc đời cho ta gặp người này, người nọ, cho ta đến với nghề này hay nghề khác âu cũng là do cái duyên mà thành.

 Truyện Kiều có 47 chữ duyên trong 43 câu lục bát (4 câu có hai chữ duyên). Đấy là chưa kể một nhân vật có tên là vãi Giác Duyên. Trong 47 chữ duyên đó, có 38 chữ là lời Thúy Kiều hoặc có liên quan đến Thúy Kiều. Đó là mối quan hệ giữa hai người không cứ là nam nữ. Người khách viễn phương với Đạm Tiên: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta”. Thúy Kiều với Kim Trọng ngày đầu gặp gỡ:  “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”; với Thúc Sinh: “Xót vì cầm đã bén dây/ Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta”; với Từ Hải: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”; với Kim Trọng ngày tái hợp: “Còn duyên may lại còn người/ Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”. Hoặc là mối liên hệ với cuộc đời, với những điều tiền định: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi”.  Có duyên ngắn (Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi), duyên một ngày (Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta), duyên dài trăm năm (Trăm năm biết có duyên gì hay không), duyên ba kiếp (Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi). Lại còn có duyên hài  (Nàng rằng: gia thất duyên hài/ Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng), duyên bẽ bàng (Mái tây để lạnh hương nguyền/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng), hết duyên (Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên”)…

Hò Huế có câu: “Tình về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long” là thể hiện sự phân định ấy. Quan họ cổ có câu: “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”.(https://moj.gov.vn/)

Quan niệm về chữ Duyên trong Phật giáo

Phật giáo rất hay dùng chữ Duyên. Các tín đồ đạo Phật cho rằng, mọi kết quả ngày nay đều do cơ duyên mà ra, cơ duyên từ nhiều kiếp trước mà có. Một sự việc không phải tự nhiên mà thành. Nó đều là kết quả của cơ duyên.

 

Cảnh giới của người biết tu đó là: ''Sống là thương mà lòng chẳng vấn vương''. Có thể xem nhẹ, xem nhạt được bao nhiêu thì thống khổ sẽ càng rời cách xa bạn bấy nhiêu.

''Gặp gỡ trong đời một chữ Duyên

Trân trọng bên nhau phút hiện tiền

Người đến, ân cần cho hết dạ

Người về, thôi vướng bận niềm riêng''. (https://phatgiao.org.vn/)

Mọi thứ bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Khó có ai trong đời chưa một lần thốt lên cái câu quen thuộc: “Thôi thì cái duyên cái số”, hay “Duyên phận đã định rồi”.

Hà Nội, ngày 17/11/2022

Người sưu tầm: Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh