Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Núi Tổ Ba Vì và bí ẩn đền thờ Thánh Tản Viên(Bài 3)

Ngày đăng: 31/03/2023
Tóm tắt:

Núi Tổ Ba Vì và bí ẩn đền thờ Thánh Tản Viên(Bài 3)

Nội dung:

Theo https://vtc.vn/:  Trong tín ngưỡng tâm linh dân gian, Việt Nam có Tam Tổ: Địa Tổ, Thủy Tổ và Sơn Tổ, Sơn Tổ là núi Ba Vì. Sơn Tổ là nơi cư ngụ của Sơn Tinh – Nguyễn Tuấn

Dãy núi Ba Vì có diện tích không rộng nhưng khá cao và độ dốc lớn. Núi có 3 ngọn nằm trên một khối gồm: Đỉnh Vua cao 1.296m, Tản Viên cao 1.281m và Ngọc Hoa cao 1.120m, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh. Mặc dù tên núi là Ba Vì nhưng dân gian gọi là núi Tản Viên.

Trong Dư Địa Chí, cuốn sách được Nguyễn Trãi soạn trong 10 ngày làm “giáo trình” dạy vua Lê Thái Tông, viết rằng: “Núi Tản Viên ấy là núi Chủ (Tổ) của nước Nam ta đó”

Hình thế của Tản Viên vô cùng độc đáo, khác hẳn với các quả núi ở Đại Việt. Theo sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (đời Trần) thì núi Tản Viên nằm ở phía tây kinh đô nước Nam Việt, lên cao núi thắt lại rồi xòe ra như cái ô nên có tên là Tản Viên.

Núi “sừng sững tráng lệ, ba đỉnh đứng dàn hàng, cao vút như trong bức họa”.

Nhắc tới Ba Vì có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là về một nền văn hoá dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ dựng nước. Đó là truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt - Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị Thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử. Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hoá có giá trị đặc biệt như: Cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9.

Tại Đền Và thờ Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) có đôi câu đối nói về núi Tản Viên:

Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không

Hạo khí quan mang vạn cổ tồn

Có nghĩa là:

Dáng hình sừng sững ngang trời rộng

Hạo khí mênh mang vạn thuở còn.

Dưới triều Nguyễn, năm Bính Thân, Minh mạng thứ 17 (1836) đúc “ Cửu Đỉnh” biểu tượng cho uy thế và sự bền vững của nhà Nguyễn. Minh Mạng cho chạm hình núi Tản Viên vào Thuần Đỉnh (cao 2,32m, nặng 1.950 kg)

Thượng cung thần điện là đền Thượng, nằm trên đỉnh của núi Ba Vì. Đền Thượng nằm ở độ cao hơn 1281 mét so với mực nước biển

Theo truyền thuyết Sơn tinh cùng Mị Nương sau khi hoàn thành sứ mệnh đã về ẩn cư tại sườn núi Tản. Về sau không ai còn thấy Sơn Tinh nữa, nhân dân cho rằng Sơn Tinh và công chúa Mị Nương đã đắc đạo và về trời. Cũng không ai biết chính xác nơi Thần thoát xác, vì thế nhân dân nơi đây đã chọn đỉnh núi Tản là nơi thờ vọng thần và coi đó là nơi Ngài thoát xác khi đắc đạo. Do thế mà đền Thượng được xây dựng.

Đền Thượng có hai đôi câu đối do ông Vũ Tuyên Hoàng – Giáo sư – Viện sỹ - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam sáng tác, chữ viết là của cụ Lê Xuân Hòa, nhà nho, nhà thư pháp của nước ta.

Câu đối thứ nhất:

Thần uy trăm trận tan kình ngạc

Thánh hiển muôn đời dựng núi sông

Câu đối thứ hai:

Núi Tản vượt tầng cao, ba đỉnh lừng danh từ vạn cổ

Sông Đà ngăn thác dữ, một dòng rực sáng đến mai sau. 

Tây cung Đền Trung

Đền Trung nằm trên lưng chừng núi Tản Viên, khoảng cốt 600. Đền Trung được người dân nơi đây truyền tụng là chốn hết sức linh thiêng. Không gian nơi đây dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, mang một không khí tĩnh mịch vô chừng, tưởng như có thể nghe thấy cả tiếng lá rơi, tiếng gió thổi...

Cuốn Ngọc Phả “ Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại Đền Và (Đông cung) do Quản giám bách thân Nguyễn Hiển sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) có ghi Đền Trung là nơi thờ bà Ma Thị Cao Sơn, mẹ nuôi của Tản Viên. Truyền thuyết kể lại rằng bà Ma Thị Cao Sơn đã lập chúc thư (di chúc) giao lại toàn bộ đất đai ở vùng núi và chân núi Ba Vì cho con nuôi là Nguyễn Tuấn và có trách nhiệm lập đền thờ để hương hỏa cho bà. Đền Trung được xây dựng từ triều Lý, đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại Đền.

Nằm ở sườn núi trên một cánh rừng tương đối bằng phẳng, cửa Đền nhìn về hướng Tây, đối diện là núi Chàng Rể, phía dưới là dòng sông Đà như một dải lụa trắng vắt ngang, lại càng tôn lên vẻ thiêng liêng hùng vĩ. Bên tả có suối Đền, bên hữu có suối Tiên, cả hai suối ấy lấy nước từ núi Tản đổ xuống khe sâu hợp thành suối Cái. Từ Đền Trung phóng tầm mắt sang bên kia sông Đà là núi Lưỡi Hái, chân núi là đất xã Trung Nghĩa (thuộc tỉnh Phú Thọ), có đền thờ thân mẫu của Đức Thánh Tản (Đền Lăng Sương).

Đền Trung là ngôi Đền có quy mô lớn, hoành tráng tạo thành quần thể di tích, là ngôi Đền có một vị thế đẹp nhất trong các ngôi Đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì.

Tây cung Đền Hạ

Ngôi nhà mà ba anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng, Nguyễn Hiền ở sau khi vượt sông, ngày nay được lập nên đền Hạ, thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa, nay là thôn Phúc Lộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. TP. Hà Nội. Nhân dân xây dựng ngôi đền này để tưởng nhớ những công ơn to lớn của ngài khi còn sống. Ngôi đền Hạ nằm bên sông Đà.

Theo Ngọc phả “Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại đền Và (Đông cung) thì đầu thế kỉ 18 đã có đền Hạ, hay còn gọi là cung Hạ thận

Đền Hạ  đã được xếp hạng Di tích Quốc gia

Năm 2008, đền Thượng, Trung và Hạ được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây đền mới với qui mô lớn hơn: có nhà thủ từ, nhà sắp lễ, nghi môn, am hóa vàng

Nam Cung - đền Ao Vua

Trên lưng chừng sườn núi Tản về phía địa phận xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, có một cái ao sâu. Ao nhỏ nhưng bốn mùa lúc nào nước cũng trong xanh và sâu thẳm. Dân địa phương gọi đó là Ao Vua.

Đông cung - Đền Và

Đông cung- Đền Và ngự tại thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Theo bia "Vân Gia đông trấn cung ký" (雲 遮 東 鎮 宮 記) dựng ở đầu hồi hai bên nhà tiền tế ở đền năm Tự Đức thứ 36 (1883) thì Đền Và đã có từ thời Việt Nam đang thuộc ách đô hộ của nhà Đường

Hà Nội, ngày 31/3/2023

Người sưu tầm: Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Tài liệu sưu tầm:  https://vtc.vn/ và tác phẩm “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam do NXB Hồng Đức xuất bản năm 2018 của chính tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm


Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh