Ngày đăng: 05/10/2021
Tóm tắt:
“MỘT ĐỀ TÀI KHOA HỌC THÚ VỊ VỀ HAI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC”
Nội dung:
Trên trang https://vandoanviet.wordpress.com ngày 2018/03/07/ trong bài “MỘT ĐỀ TÀI KHOA HỌC THÚ VỊ VỀ HAI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC” của Nguyễn Khắc Phê cũng nói về sự đánh giá vua Gia Long của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh xin trích nguyên văn để các bạn tham khảo:
Tác phẩm đó là truyện “Les lamentations de Trung Trac” (“Lời than vãn của bà Trưng Trắc”) được in lần đầu trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 24/6/1922. Nội dung toàn bài văn là “giấc mộng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc” (NAQ) mượn lời bà Trưng Trắc nhắc nhở Khải Định khi sắp đi thăm Pháp hãy nhớ những tấm gương oanh liệt của các bậc đế vương xưa, từ Ngô Quyền, Lê Đại Hành, các vua nhà Trần, Lê Lợi… đến các vua nhà Nguyễn thời Cần Vương…
Như chúng ta đã biết, lúc đó, NAQ đã là một chiến sĩ cách mạng có bản lĩnh, từng dõng dạc thay mặt nhân dân Đông Dương phát biểu tại Đại hội Tours (Đại hội Thành lập Đảng Cộng sản Pháp) năm 1920, viết các tác phẩm “Đông Dương” (1921), lên tiếng phản đối chính sách đế quốc Pháp đàn áp, bóc lột dã man đồng bào Việt Nam và cả Đông Dương, đòi quyền độc lập cho Việt Nam và các tác phẩm khác có giá trị như “Con người biết mùi hun khói”, “Thư gửi Khải Định”, “Sở thích đặc biệt”, “Đồng tâm nhất trí” đăng trên các tờ báo ở Pháp, nêu cao truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lên án thái độ nhu nhược của vua Khải Định, kêu gọi tình đoàn kết giữa những người cùng chí hướng… Có thể nói, đây là lần đầu tiên, NAQ sử dụng mặt trận báo chí – văn nghệ để tuyên truyền, vận động cách mạng – một mặt trận khiến dư luận quốc tế bắt đầu chú ý đến Việt Nam và về sau, ngày càng được coi trọng.
Trong những bài báo và tác phẩm vừa kể, “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” đã được dịch và in ở nhiều cuốn sách ở Việt Nam trong những năm qua, theo tôi, có mấy lý do: 1.- Có lẽ đây là lần đầu, NAQ sử dụng thể tài văn xuôi phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng. 2.- Nội dung tác phẩm giúp người đọc hiểu thêm lịch sử chống ngoại xâm và những vị anh hùng của dân tộc. 3.- Về nghệ thuật thể hiện, NAQ là tác giả hiện đại, đã sớm biết cách đưa giấc mơ và nhân vật có tính “huyền ảo” đối thoại với con người và cuộc sống hiện tại. Mặt khác, việc “mơ” đóng vai Bà Trưng nhắc nhở ông vua Triều Nguyễn về tinh thần yêu nước, chứng tỏ chiều kích không tầm thường của tác giả, nếu không muốn nói đây là sự tiên báo rằng nhà báo NAQ rồi sẽ trở thành lãnh tụ của dân tộc!
Những điều kể trên có lẽ nhiều người đã biết, nhưng một việc khá hệ trọng liên quan đến tác phẩm này thì hình như ít được phổ biến: “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” khi dịch sang tiếng Việt không phải là nguyên văn; nói chính xác là đã bị cắt bớt một đoạn. Đoạn bị cắt chính là đoạn Nguyễn Ái Quốc viết về vua Gia Long, nội dung (bản dịch) như sau:
“Với lòng quả cảm vô song và đức hạnh trong sáng không tì vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ người – vua Gia Long tôn quý và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và đau khổ vô bờ, đã để lại cho người một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng.” (Tiếp theo đoạn bị cắt này, Nguyễn Ái Quốc nhắc đến vua Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân đã bị Pháp đày ải…).
Chính là trên Tạp chí “Xưa và Nay” (Cơ quan của Hội Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam) số 409 (tháng 8/2012), trong bài “Sao lại tự tiện cắt bỏ một đoạn văn của Nguyễn Ái Quốc”,hai tác giả Đào Hùng – Thủy Trường đã công bố nội dung đoạn bị cắt bỏ đó, so với nguyên bản bài “Les lamentations de Trung Trac” (“Lời than vãn của bà Trưng Trắc”) từng được in trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 24/6/1922.
Trong Tạp chí “Xưa và nay” (số đã dẫn) đã in kèm nguyên bản tiếng Pháp bài văn của Nguyễn Ái Quốc, người tinh mắt có thể đọc được nội dung đoạn bị cắt! (Xin xem ảnh kèm). Người cung cấp văn bản gốc tiếng Pháp cho Đào Hùng-Thủy Trường là nhà sử học Pháp Alain Russio. Như thế, chúng ta có thể tin cậy đó là “của thật” do Nguyễn Ái Quốc viết. Nói như vậy vì ông Đào Hùng là con trai học giả Đào Duy Anh và ông Thủy Trường, là bút danh đại tá-tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, người từng viết nhiều công trình nghiên cứu về Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp mà tôi hân hạnh được ông gửi tặng. (Về chuyện đoạn văn bị cắt này, các bạn cũng có thể tìm thấy trên “Google”).
Việc truy nguyên lý do cắt bớt đoạn văn nói về vua Gia Long của NAQ có lẽ chúng ta không cần đi đến cùng; cũng như Di chúc của HCM, bản công bố năm 1969 khác với các bản trước đó, vì những lý do thường gọi là “tế nhị”… Tuy vậy, các bản Di chúc trước bản công bố năm 1969, đến nay đã được công khai trong Tập 5 bộ sách “HCM với văn nghệ sĩ – Văn nghệ sĩ với HCM” (NXB Hội Nhà văn, 2012). Cần lưu ý bộ sách này được thực hiện không chỉ do các văn nghệ sĩ – lớp người thường bị xem là dễ “tùy hứng” trong khi làm việc – mà có cả một Hội đồng thẩm định nội dung, trong đó có các tên tuổi giữ trọng trách các cơ quan của Đảng như GS.TS Phùng Hữu Phú, TS. Nguyễn Thế Kỷ…, như thế hẳn đã có sự thận trọng cần thiết khi cho công bố các tư liệu lịch sử quan trọng như Di chúc HCM. Vậy nhưng vì sao tác phẩm “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” cũng in trong Tập 5 này, từ trang 163-168, đã không có đoạn văn bị lược bớt nói về vua Gia Long đã dẫn ở trên? Liệu có phải do Tập 5 bộ sách in quý 2 năm 2012, khi những người biên soạn chưa có tư liệu về nguyên bản đăng trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 24/6/1922? Hoặc vì một lẽ nào khác?
Thiết nghĩ, trả lời câu hỏi này có thể là một đề tài khoa học thú vị. Chúng ta đều biết, thời gian gần đây, trên một số báo chí và mạng xã hội xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều về không ít nhân vật và sự kiện lịch sử, khiến người đọc và nhất là học sinh, sinh viên hoang mang không biết tin ai vì không có/không rõ cơ quan nào có thẩm quyền phân định “đúng-sai” và có tiếng nói cuối cùng, trong đó việc đánh giá vua Gia Long công-tội ra sao, từ lâu đã là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Nhiều người trong chúng ta từng nghe truyền rằng câu “cõng rắn cắn gà nhà” là dành cho vua Gia Long; hệ trọng hơn, câu đó là của chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM)! Mới đây, trên báo “Văn nghệ TPHCM” số 470 ngày 5/10/2017, trong bài viết “Về quan điểm cho rằng Nguyễn Ánh thống nhất đất nước” của ông Nguyễn Văn Toàn, có đoạn như sau: “Và trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1941) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Nguyễn Ánh như sau: “Gia Long lại dấy can qua / Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài / Tự mình đã chẳng có tài / Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây / Nay ta mất nước thế này / Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà / Khác gì cõng rắn cắn gà / Rước voi dầy mả thiệt là ngu si.” (Thực ra, thời điểm năm 1941, chưa mấy ai gọi Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh.)
Ở đất nước này, đã dẫn Cụ Hồ là phải rất thận trọng, nên tôi đã đối chiếu với một bản in khác và tìm thấy trong bộ sách đồ sộ 11 tập “HCM với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với HCM”, trong Tập 6 (NXB Hội Nhà văn, 2012) gồm tác phẩm thơ của HCM, từ trang 338 đến trang 347 có in 8 câu trong bài thơ “Lịch sử nước ta” như đã dẫn ở trên. Bản in còn ghi rõ “Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam). Như thế, đây là văn bản đáng được tin cậy.
Như vậy, chúng ta sẽ giải thích ra sao về cách đánh giá vua Gia Long khác hẳn nhau, nhưng đều cùng của NAQ, như đã dẫn ở trên?
Ở thời đại thông tin hiện nay, các quan điểm về những vấn đề nêu trên không còn là “của riêng” giới sử học mà trở thành dư luận xã hội, đặc biệt được các sinh viên ngành sử và học sinh trung học phổ thông chuyên sử rất quan tâm. Trong khi các “chuyên gia” cứ phê phán tranh luận “suốt ngày dài hết đêm thâu”, chẳng có ai làm “trọng tài” phân xử sai-đúng thì sinh viên học sinh có khi vấp phải những vấn đề đó trong đề thi. Biết làm bài theo “quan điểm” của “phe” nào bây giờ?
Câu trả lời là rất khó. Chính vì khó, mới cần sự vào cuộc của các nhà khoa học. Riêng về Gia Long (1762-1820), vị hoàng đế sáng lập Triều Nguyễn với cuộc đời truân chuyên 58 năm, trong đó 18 năm (1802-1820) ở ngôi vua, mặc dù đã có không ít nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu, nhưng đến nay vẫn có người gọi là “một bí ẩn lịch sử”. Mở Google, mục từ vua Gia Long, có đến hơn một triệu kết quả, cho thấy sự quan tâm của công chúng đông đảo. Có rất nhiều vấn đề quanh nhân vật lịch sử này, nhưng câu hỏi “Gia Long là tội đồ hay vĩ nhân?” có tính bao trùm hơn cả.
Với ngành sử, tôi là kẻ ngoại đạo, nhưng “mang tiếng” là người cầm bút, lại từng viết nhiều bài báo về Nguyễn Ái Quốc-HCM, nên rất quan tâm đến hai tư liệu nêu trên và nay xin nêu vấn đề, rất mong các nhà nghiên cứu lịch sử vào cuộc và có lời chỉ giáo. Tuy vậy, nhận thấy vấn đề không dễ có ngay lời đáp thỏa đáng, tôi xin mạo muội đề xuất mấy hướng giải quyết vấn đề khá là phức tạp này như sau:
1.- Nếu không còn tin cậy các chuyên gia ở Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thì cơ quan có thẩm quyền cao hơn Hội Sử học mở Hội thảo Quốc gia trao đổi thẳng thắn các vấn đề nêu trên và lập một Hội đồng khoa học cấp quốc gia có đủ trình độ và thẩm quyền ra phán quyết tối hậu phản ảnh cơ bản sự thật lịch sử để có căn cứ làm sách giáo khoa và biên soạn bộ Quốc sử đang được tiến hành. Thiết nghĩ vấn đề chẳng nên kéo dài thêm nữa vì đã gần tròn 200 năm, kể từ khi vua Gia Long qua đời, chẳng lẽ hai thế kỷ chưa đủ bằng chứng để giải mã “bí ẩn lịch sử” này ?
2.- Trong khi “phương án” nêu trên chưa thực hiện được, đề nghị ngành giáo dục cũng như Ban tổ chức các cuộc thi khác không đưa các vấn đề còn lắm ý kiến trái chiều vào đề thi cử, khiến thí sinh và cả giáo viên không biết dựa vào đâu để làm bài và chấm thi.
3.- Riêng về “Công – Tội” vua Gia Long với hai tác phẩm khác nhau của Nguyễn Ái Quốc và HCM, thiết nghĩ, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu có thể lấy làm đề tài luận án tiến sĩ. Có rất nhiều khía cạnh để phân tích, khảo cứu: Vì sao với cùng một nhân vật lịch sử, nội dung đánh giá lại khác nhau? Ảnh hưởng nhận thức của thời đại và mục đích chính trị có thể làm thay đổi cách đánh giá các nhân vật và sự kiện lịch sử như thế nào? Chúng ta nên hiểu nhận định của Nguyễn Ái Quốc về vua Gia Long trong bài viết năm 1922 như thế nào? Liệu có do điều kiện cụ thể nào (ví như chưa đủ tư liệu về vua Gia Long…) nên ý kiến của NAQ lúc đó có thể chưa phải đã là toàn bộ đánh giá của NAQ về vua Gia Long? Xin được lưu ý: Như trên đã phân tích, năm 1922, NAQ đã 32 tuổi, “tam thập nhi lập”, là một chiến sĩ cộng sản kiên cường chống đế quốc, hẳn là phải thận trọng khi nhận định về Gia Long – “ông tổ” một triều đại đang có vị vua kế nghiệp hèn yếu như Khải Định. Mặt khác, việc một số tác giả cho rằng Hồ Chí Minh, qua mấy câu thơ trích từ bài “Lịch sử nước ta” đã dẫn, quy tội Gia Long “cõng gắn cắn gà nhà” đã thật chuẩn xác chưa? (Xin lưu ý: 4 câu trên nói rõ Gia Long nhờ Tây giải vây; còn 4 câu sau nói mất nước vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà… – NKP nhấn mạnh. Trong trường hợp này, đồng nhất “Gia Long” và “vua Nguyễn” có đúng không?…). Từ đây, có thể xuất hiện thêm một khía cạnh khác nữa; Trong nghiên cứu khoa học (trong đó có môn Sử), nên vận dụng ý kiến của các vị tiền bối, như thế nào là đúng mức nhất?…
Hy vọng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu bàn luận thêm cho thấu đáo vấn đề nêu trên, góp phần làm sáng tỏ những “khoảng mờ” về Trường Nguyễn và nhất là vua Gia Long…
Nguyễn Khắc Phê
Người sưu tầm: Ts. Nguyễn Văn Kiệm
Trích nguồn: Người sưu tầm
- KHU KINH TẾ THANH NIÊN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
- ĐƯỢC TẶNG CHỮ “KHỎE”
- LỜI CỤ HỒ CA NGỢI VUA GIA LONG BỊ CẮT BỎ, HÃY TRẢ CHỮ LẠI CHO CỤ HỒ ĐI !
- Trưa 8/7, thêm 355 ca Covid-19 tại 16 tỉnh thành
- SÁCH VÀ TRI THỨC
- NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN SỬU
- TIẾN ĐỘ THI CÔNG NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở THÔN Á LỮ XÃ ĐẠI ĐỒNG THÀNH HUYỆN THUẬN THÀNH TỈNH BẮC NINH
- LỜI TÂM SỰ: Phần thứ hai: Cái tâm với dòng họ
- LỜI TÂM SỰLỜI TÂM SỰ: Phần thứ nhất: Chữ BẠN và nghĩa trong dòng họ
- Chạy chức chạy quyền và quốc nạn tham nhũng
- THÔNG BÁO CỦA HĐHNVN NGÀY 5/11/2024
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III (2024-2029)
- HĐHNVN VIẾNG CỤ THÂN SINH RA ÔNG NGUYỄN HỮU CẢI VÀ THĂM ÔNG NGUYỄN TẤN THỈNH BỊ ỐM NẰM VIỆN
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III NHIỆM KỲ 2024-2029
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI III NHIỆM KỲ 2024-2029
- KHU KINH TẾ THANH NIÊN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
- ĐƯỢC TẶNG CHỮ “KHỎE”
- “MỘT ĐỀ TÀI KHOA HỌC THÚ VỊ VỀ HAI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC”
- LỜI CỤ HỒ CA NGỢI VUA GIA LONG BỊ CẮT BỎ, HÃY TRẢ CHỮ LẠI CHO CỤ HỒ ĐI !
- Trưa 8/7, thêm 355 ca Covid-19 tại 16 tỉnh thành
- SÁCH VÀ TRI THỨC
- NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN SỬU
- TIẾN ĐỘ THI CÔNG NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở THÔN Á LỮ XÃ ĐẠI ĐỒNG THÀNH HUYỆN THUẬN THÀNH TỈNH BẮC NINH
- LỜI TÂM SỰ: Phần thứ hai: Cái tâm với dòng họ
- LỜI TÂM SỰLỜI TÂM SỰ: Phần thứ nhất: Chữ BẠN và nghĩa trong dòng họ