Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CHỮ HÁN TRONG HOÀNH PHI CÂU ĐỐI

Ngày đăng: 23/10/2021
Tóm tắt:

CHỮ HÁN TRONG HOÀNH PHI CÂU ĐỐI

Nội dung:

CHỮ HÁN TRONG HOÀNH PHI CÂU ĐỐI

Khi đã chọn được chữ, nên viết theo kiểu chữ gì cũng là việc cần cân nhắc trong thời đại ngày nay: chữ Hán, Hán Nôm hay chữ Quốc ngữ.

Ở các nước Á đông trong những thế kỷ trước, chữ Hán có vai trò gần như tiếng Anh hiện nay trên thế giới, một ngôn ngữ giao tiếp giữa những người nói các thứ tiếng khác nhau.

Chữ Hán theo con đường giao lưu văn hóa, đã có mặt ở Việt Nam ít ra là từ đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên. Như vậy, đã có hơn 2000 năm lịch sử trên đất nước Việt Nam, trong đó khoảng 1000 năm được sử dụng dưới thời độc lập tự chủ.(Theo báo http://www.hannom.org.vn/ trong bài: “Di sản Hán Nôm Việt Nam”)

Trong quá khứ chữ Hán và biến thể của chữ Hán, chữ Hán Nôm là phương tiện duy nhất lưu giữ trong kho tàng tri thức của cha ông, vì vậy cần phải hết sức cẩn trọng trong các vấn đề liên quan đến văn bản Hán và Hán Nôm.

Việc thay các hoành phi câu đối bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ ở các công trình tôn giáo, văn hóa, lịch sử như đền chùa, lăng tẩm...  là một việc làm cần suy nghĩ,cân nhắc thận trọng, nhìn từ góc độ văn hóa - lịch sử thì việc làm này có nguy cơ chặt đứt dòng mạch văn hoá, lịch sử của dân tộc.

Theo báo https://tiasang.com.vn/ trong bài: “Hoành phi, câu đối bằng chữ Quốc ngữ: hồn Trương Ba da hàng thịt” xin được trích một đoạn sau:

“Xét về hình thức, đặt chữ Quốc ngữ vào cái khung hoành phi thì cũng gần như thiết kế một bộ trang phục có cà vạt, áo vét, khăn đóng, guốc mộc. Đơn giản là vì chúng không tương thích với nhau về nguồn cội, cách thức vận hành và chức năng: Chữ Quốc ngữ là một sản phẩm hoàn toàn của phương Tây, còn hoành phi, câu đối lại thuộc về văn hóa Á đông, ta có thể gặp chữ Quốc ngữ khắp nơi, nhà hàng, cửa hiệu, công sở, nhưng hoành phi câu đối thì chỉ có ở nhưng nơi có tính văn hóa, tôn giáo... tôn nghiêm, và nội dung cũng khác, một bên dùng để nói lên cái đẹp cái hay, còn bên kia thì bất chấp nội dung. Có thể ví như là “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Còn nói đến ý nghĩa lịch sử - khảo cổ, thì việc thay thế ấy là hoàn toàn phá hoại, không có quốc gia văn minh nào ứng xử như vậy với di tích, với các công trình có tính văn hóa lịch sử.

Nhìn sang hai quốc gia có gốc gác văn hóa Á đông nhưng lại tiếp thu văn minh phương Tây một cách thành công là Hàn quốc và Nhật bản, ta thấy họ vẫn sử dụng chữ Hán, mặc dù đã có chữ viết riêng. Chữ Hán trong các công trình lịch sử của họ vẫn được trân quí, vì chữ Hán chỉ là phương tiện, cái được phương tiện đó diễn đạt, lưu giữ mới quan trọng. Xóa chữ Hán là xóa luôn kinh nghiệm sống, tâm hồn và trí tuệ của cha ông.

Có người lập luận là dùng chữ Quốc ngữ để cho người thời nay hiểu. Thật ra, điều này chỉ đúng chưa được một nửa. Ví dụ, ta thay bức hoành phi chữ Hán 眞如bằngmột bức hoành phi chữ quốc ngữ chân như, liệu người đọc có hiểu không, thậm chí khi được diễn dịch chưa chắc người đọc đã hiểu nếu không có kiến thức Phật học (theo từ điển Thiều Chửu thì chân như có nghĩa là nguyên lai, viên mãn thanh tịnh, không phải mượn bên ngoài vào). Đa số các văn bản chữ Hán, hay Hán Nôm còn lại ở Việt Nam thuộc về tôn giáo, triết học, văn hoá lịch sử mà ngôn ngữ uyên áo tịch mật của tôn giáo và triết học thì không phải ai đọc được cũng hiểu được; văn hóa lịch sử cũng vậy, có bao nhiêu là bất đồng về cách hiểu của một văn bản khi bối cảnh của văn bản đang còn chưa rõ ràng.

Nếu để giúp người đọc thời nay hiểu thì tốt nhất là nên có bản dịch trên một tấm bia nhỏ dựng bên cạnh bản gốc chữ Hán hay Hán Nôm, tương tự như cách thức các quốc gia khác thường làm để phục vụ du khách, ví dụ như bản tiếng Anh bên cạnh một bản văn khắc trên đá bằng tiếng Pháp trong một lâu đài ở Pháp. Việc làm này bảo đảm không bị thất thoát vì dịch thuật, vì nếu bản chữ Quốc ngữ dịch không đúng với tinh thần của bản chữ Hán thì còn có bàn gốc bên cạnh để đối chiếu. Các nhà nghiên cứu dịch thuật đã từng căn dặn, coi chừng, dịch là diệt, dịch là phản. Có ai muốn vì vô tình mà đã phản hay đã diệt di ngôn của cha ông hay không?

Lịch sử đã sang trang, chữ Hán ở nước ta đã mai một cùng với các ông đồ, nhìn lại hai nước trong khu vực văn hóa Hán, Hàn Quốc và Nhật Bản, ta nên tự hỏi liệu việc duy trì chữ Hán có đóng góp gì cho thành công vượt trội của họ hay không, khi chữ Hán là chiếc cầu nối giúp họ trở về với túi khôn của cha ông, chứ không phải là một gánh nặng các con chữ, học để thi như ngày xưa”(hết trích đoạn).

Bản thân một từ Hán đã chứa đựng hàm ý, bao nội dung ví dụ từ Đức trong chữ Hán mà một từ “Đức” trong Quốc ngữ không thể nào cho người đọc hiểu hết được

Ý nghĩa của từ Đức trong chữ Hán (sưu tầm)

     Chữ Đức    được tạo lên từ những phần như sau: Bên trái là bộ xích  Bên phải trên cùng là chữ Thập  , dưới chữ thập là chữ Mục  , dưới chữ mục là Chữ nhất  , dưới cùng là chữ Tâm   tất cả kết hợp cấu thành chữ Đức 

Trong đó ” (Xích) chỉ bước đi chậm rãi, lâu dài, trường kỳ. Có thể hiểu rằng, “đức” là phải từng chút từng chút tích lũy mà thành, không phải là việc nhất thời mà là việc của cả một đời.

 “” (Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng đức hạnh để đối đãi với người khác.  

 là chữ mục – mắt  nằm ngang, nhấn mạnh rằng, người có đức thì có thể biết rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.

” mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có đức lấy đại cục làm trọng, không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, không tâm không tạp niệm, không vướng bận.

 là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành. Tâm (”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức (”), ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.

Qua chiết tự chữ Đức ta còn thấy được người có Đức cao thi vô vi không vội vàng mà thuận theo tự nhiên. Người có đức cao thì thuận theo tự nhiên không có ý cầu đức cho nên có đức, người có đức thấp thì luôn vội vàng và có ý cầu đức cho nên không có đức.

Có thể nói chữ “Đức” quyết định hết thảy mọi thứ của con người, sâu cạn nhiều ít của đức hạnh quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Cũng chính như “có đức mặc sức mà ăn” mà cổ nhân thường nói đến..

 “Có đức mặc sức mà ăn”

Ở đời phước đức phải năng thực hành

Trong không động ngoài không tranh

Vì người hành thiện tâm thành giúp nhau

Tương lai chắc được sang giàu

Truyền lưu con cháu ngày sau kế thừa

“Trường cữu chi kế” người xưa

Tích đức không thấy vì chưa cần dùng

Tuy rằng mờ ảo mông lung

Nhưng mà chắc chắn có dùng hiển vinh!(hết sưu tầm)

Cũng có nhiều người hiện nay đưa ra ý kiến về việc thay hoành phi câu đối Hán Nôm bằng chữ Quốc ngữ. Mục đích mà họ đưa ra là để cho nhiều người xem biết, hiểu được về nội dung các hoành phi câu đối vì người biết chữ Hán Nôm giờ quá ít. Tuy nhiên theo như trên chắc là không thể được vì chữ quốc ngữ không thể hiện được hết ý nghĩa sâu xa của từ và chúng ta nên dùng chữ Hán kèm theo đó là bản dịch thì đúng và hay hơn.

Mặt khác nhiều người lại sợ dùng chữ Hán là mất quyền tự chủ, điều này càng không đúng vì trong thời kỳ Bắc thuộc nước ta bị hàng ngàn năm ngoại bang đô họ mà còn không thể thôn tính nền văn hóa của người Việt huống chi ngày nay. Đã có câu: “Muốn thắng kẻ thù càng phải hiểu được chúng. Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Không phải vì ghét người Tầu mà chúng ta không dùng chữ Hán

Chúc các bạn thành công

Hà Nội, ngày 23/10/2021

Người viết và sưu tầm

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh