Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG NHỮNG BẢO VẬT NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG ĐỂ LẠI

Ngày đăng: 24/10/2021
Tóm tắt:

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG. NHỮNG BẢO VẬT NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG ĐỂ LẠI (Bài cuối)

Nội dung:

Ngoài những di tích lịch sử như đền đài, dinh thự, thời đại nhà Nguyễn cũng để lại nhiều bảo vật, là dấu tích của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18 và 19, trong đó có nhiều kim ấn, ngọc tỷ truyền quốc, bửu tỷ, bảo kiếm, hàng thủ công nghệ và mỹ thuật. Cuối năm 2010, lần đầu tiên sau 50 năm được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, những báu vật này đã được đem ra trưng bày. Riêng quốc ấn (nặng khoảng 10 kg vàng) và quốc kiếm của vua Bảo Đại, trao lại cho Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 đã bị mất trộm tại viện bảo tàng Việt Nam và thất lạc. Cả ấn tín của hoàng hậu Nam Phương cũng bị trộm mất. (https://vi.wikipedia.org)

Sáng 6/12 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế), một cuộc triển lãm với quy mô lớn nhất lần đầu tiên đã giới thiệu đến công chúng 64 bảo vật hoàng cung triều Nguyễn cực kỳ quý giá đã từng thuộc về Huế, nay quay lại cố hương.

Tại triển lãm “Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn” dưới sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 64 bảo vật rất quý báu trong số 2.500 cổ vật từ ngày xa quê hương, sau 71 năm ròng rã đã lần đầu về Huế ra mắt mọi người. Các cổ vật này phân thành 4 nhóm, quan trọng nhất nhóm này là sưu tập biểu trưng quyền lực với ấn, kiếm, kim sách, mũ miện, thẻ bài. Trong đó, ấn, kiếm được coi là trọng khí của quốc gia, là vật bảo chứng cho sự hiện diện và xác nhận ý chí, mệnh lệnh của các vua triều Nguyễn (http://dantri.com.vn/, 06/12/2016)

Theo http://www.hue.vnn.vn/: Lần đầu tiên, đông đảo người Việt Nam và du khách nước ngoài đã được chiêm ngưỡng bộ sưu tập mũ, ấn, kiếm, đĩa vàng, ấm chén và hộp đựng bằng ngọc, sách vàng - một phần di sản bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.

Hiếm có một cuộc trưng bày nào đông người xem đến thế. Những ngày đầu mở cửa, Bảo tàng đã thu hút tới bốn vạn khách tham quan mỗi ngày. Những bảo vật không chỉ là biểu tượng quyền lực của vương triều cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam mà thực sự còn là tích tụ tinh hoa nghệ thuật làm đồ mỹ nghệ của người thợ thủ công nước ta kết hợp với những chất liệu vàng bạc châu báu đẹp nhất đương thời.

Chiều ngày 30/8/1945, trước sự có mặt của 5 vạn người dân Kinh đô Huế, trên lầu Ngũ Phụng ở cửa Ngọ Môn, vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn - Vua Bảo Đại đã trao bộ ấn và kiếm, tượng trưng cho quyền lực Vương Triều cho đại diện chính quyền Cách Mạng. Ngay sau đó, ấn và kiếm đã được chuyển ra Hà Nội để tham dự lễ Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam mới. Từ đó, ấn, kiếm và nhiều vật dụng khác của nhà Nguyễn đã thuộc về quyền quản lý của nhân dân. Bảo vật cũng đi theo cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm và được Uỷ ban kháng chiến liên khu V lưu giữ. Có những lúc, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, có ý kiến đề nghị bán bảo vật nhà Nguyễn để lấy kinh phí phục vụ kháng chiến, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ quyết giữ lại vì nhận thức đây thực sự là kho di sản quý của dân tộc.

Năm 1954, các báu vật được giao về Bộ Tài Chính rồi đến Bộ Văn Hoá. Một số bảo vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn trưng bày, ngày 4/7/1961, chiếc ấn Hoàng Hậu Chi Bửu (ấn quý của Hoàng Hậu) nặng 4,9 kg vàng, có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm và 1 chiếc âu đựng trầu nặng 0,5 kg bị kẻ gian lấy trộm. Ngày 05/01/1962, lại mất thêm 1 ấn bạc mạ vàng khắc chữ “Cao Đức Thái Hoàng Thái Hậu”, 2 quyển Kim sách có khắc chữ Bảo Long và Khải Định thập niên. Trước tình hình này, nhà nước đã đóng hòm giữ các bảo vật tại Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam.

Cho đến tận năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mới lại được bàn giao các bảo vật nhưng đáng tiếc, sau khi mở hòm, phần lớn bảo vật đã bị xuống cấp trầm trọng: các chất liệu gỗ, đồi mồi bị mối xông, lưỡi kiếm sắt bị gỉ, mũ Vua bị mủn nát, nhiều chi tiết bị cong vênh, ô xy hoá. Từ những mảnh vụn của các bảo vật, các nhà khoa học đã phục chế thành công được bộ sưu tập bảo vật Hoàng Cung dựa trên nhiều nguồn tư liệu ảnh, thư tịch, các loại hiện vật đang thờ trong lăng tẩm...Ngoài ra còn có sự góp sức của các nghệ nhân đã trả lại hồn cốt cho những di sản quý giá suýt biến thành phế vật.

Thành quả lớn nhất của việc phục chế là dựng được 4 chiếc mũ của Vua Nguyễn. Trong số đó, có 3 chiếc cùng kiểu dáng, được gọi là mũ Thượng Triều, dùng khi Vua thiết triều. Các mũ này được làm từ vàng, đá ngọc (đá bán quý mầu đỏ hoặc hồng như quartz, garnet...) và pha lê thiên nhiên. Mặt trước mũ, trên đỉnh có 2 hốt thông thiên hình cánh sen, gắn 2 bông hoa vàng nhụy ngọc trên nền mây vàng. Trán mũ hình cánh cung, viền ngoài là băng hoa ngọc. Diềm trong hình cánh cung có hoa văn lá đề. Đặc biệt trang trí trên mũ có nhiều hình rồng đối xứng từng cặp và hình mây vàng, có vành bác sơn hình vương miện được dệt bằng các sợi vàng. 1 chiếc mũ Bình Thiên có dáng khác hẳn. Mũ này được nhà Vua sử dụng khi tế đàn Nam Giao. Phía trên đỉnh là một tấm phẳng hình chữ nhật, chính giữa có hình chữ Thọ theo thư pháp kiểu chữ Triện trong một ô hình chữ nhật. Phía trước mũ được kết 12 tua, tượng trưng cho 12 tháng. Mỗi tua có 6 hạt vàng, 6 hạt bạch ngọc. Phía sau mũ cũng có 12 tua tương tự. Xung quanh mũ có 12 hình rồng chầu. Viền quanh chân mũ là băng hoa văn hoa vàng nhuỵ ngọc. Hình rồng là loại có 5 móng, đuôi xoáy.

Trong dịp trưng bày này, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đưa ra 1 chiếc mũ Thượng Triều và 1 chiếc mũ Bình Thiên đã phục chế hoàn hảo.

Tượng trưng cho quyền lực của Vua và Hoàng Gia chính là các ấn tín. Có 2 chiếc ấn vàng và 1 chiếc ấn bằng đá ngọc được bày. Ấn làm bằng vàng khối, đúc hình rồng 5 móng (chỉ có nhà Vua mới được sở hữu hình tượng rồng 5 móng). Rồng có hình tượng cách điệu: mũi sư tử, thân có hình vảy cá, có bờm và sừng, đuôi có hình ngọn lửa...

Hai quyển Kim sách (sách bằng vàng), trên khắc chữ Hán và nhiều hoa văn tinh xảo. Hai chiếc kiếm có bao bằng đồi mồi và được khảm thêm vàng bạc cũng như ngọc quý. Đồ ngự dụng của nhà Vua cũng làm bằng vàng, được chạm trổ hình rồng, chữ triện, hoa lá cầu kỳ. Một bộ ấm chén bằng ngọc trắng, cẩn vàng ở vòi ấm, miệng chén, miệng đĩa và một phần thân chén. Hai chiếc hộp tinh xảo được chế tạo bằng cách ghép nhiều mảnh đá quý nhiều màu sắc: đỏ, hồng, nâu, xanh da trời, xanh lam, trắng. Trên thân hộp có 4 hình tròn khắc hoa văn và bằng chất liệu đá màu xanh nhạt. Hộp có chân đế trổ lỗ thủng.

Bộ sưu tập bảo vật Hoàng Cung bằng các chất liệu quý đã gợi nhớ một thời Hoàng Kim của các bậc Vua nhà Nguyễn, một nền văn minh và nghệ thuật cung đình mà giá trị còn mãi với thời gian.

Nguồn dẫn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" của tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm NXB Hồng Đức xuất bản năm 2018

Qua 16 bài viết về "HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG " HĐHNVN và đặc biệt là tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm có một ước mong được mọi người Việt Nam và đặc biệt là những người con họ Nguyễn thấy được sự thật đáng tự hào mà một triều đại cuối cùng của thời kỳ lịch sử phong kiến đó là triều Nguyễn hay còn gọi là nhà Nguyễn do người sáng lập và dựng lên là vua Gia Long đã để lại cho chúng ta biết bao di sản mà chưa có một thời đại phong kiến nào làm được. Vậy "HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG " như sự thật của lịch sử. Đã đến lúc chúng ta phải kêu gọi, phải thức tỉnh và phải làm, chúng ta tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được và Lịch sử sẽ TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG

Hà Nội ngày 24/10/2021

Chủ tịch HĐHNVN

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Thư viện ảnh