Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HĐHNVN DỰ LỄ GIỖ TỔ HỌ NGUỄN ĐÔNG TÁC Ở TRUNG TỰ HÀ NỘI

Ngày đăng: 14/04/2021
Tóm tắt:

HĐHNVN DỰ LỄ GIỖ TỔ HỌ NGUỄN ĐÔNG TÁC Ở TRUNG TỰ HÀ NỘI

Nội dung:

Ngày 14/4/2021 (tức ngày 3 tháng 3 năm Tân Sửu) HĐHNVN đã tham dự buổi lễ giỗ Tổ của dòng họ Nguyễn Đông Tác tại Trung Tự, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội. Đoàn gồm Chủ tịch HĐ Ts. Nguyễn Văn Kiệm, ông Nguyễn Khắc Long UV BCH TƯ HĐ.  Đoàn đã cùng các cụ lão niên của dòng họ làm lễ dâng hương trước án thờ các cụ Tổ của dòng họ. Nhà giáo Nguyễn Trà đã đọc lời khấn. Sau khi làm lễ các vị khách cùng con cháu dòng họ đã tổ chức buổi gặp mặt nghe Nhà giáo Nguyễn Trà nhắc lại những hiển công của các cụ Tiên tổ khoa bảng làm nên cho dòng họ để con cháu lấy đó làm điều tự hào. Tiếp theo là báo cáo của ông trưởng ban tổ chức dòng họ và bài phát biểu của Ts. Nguyễn Văn Kiệm về dòng họ Nguyễn Đông Tác và HĐHNVN nhất là về Tổ Tiên của người họ Nguyễn Việt Nam, của việc HĐHNVN đã xin được đất và đang xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở Thôn Á Lữ, Bắc Ninh nhờ công đức của những người con họ Nguyễn và đặc biệt là của doanh nhân Nguyễn Hùng Anh. Sau đây là nguyên văn bài phát biểu:

Kính thưa Nhà giáo Nguyễn Trà, kính thưa các cụ các ông các bà cùng toàn thể con cháu dòng họ Nguyễn Đông Tác!

Được đến dự buổi lễ giỗ Tổ hôm nay. thay mặt cho HĐHNVN tôi xin kính chúc các cụ các ông các bà, chúc toàn thể con cháu dòng họ lời chúc tốt đẹp nhất, sức khỏe dồi dào an khang hạnh phúc! chúc cho dòng họ ta mãi mãi trường tồn con cháu đoàn kết giúp nhau dựng xây dòng họ góp phần dựng xây cho họ Nguyễn Việt Nam và đất nước Việt Nam mạnh giầu hạnh phúc!

Dòng họ Nguyễn Đông Tác là một trong những dòng họ định cư lâu đời nhất tại khu vực Thăng Long - Hà Nội liên tục từ thế kỉ 15 cho đến hiện nay. Đây cũng là dòng họ khoa bảng, đã sinh ra nhiều danh nhân cho Hà Nội và đất nước

Đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Đông Tác có cụ Nguyễn Hy Quang (1634-1692)  Cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương khoa Đinh Dậu (1657), vào thi Hội trúng Tam trường, đỗ khoa Sĩ vọng (khoa Canh Tuất-1670), được bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Chúa Trịnh Tạc biết tiếng cụ, bèn triệu vào Phủ Chúa, làm thầy giáo dạy các cháu nhà chúa.

Nói riêng về cụ Nguyễn Hy Quang cụ ra đời trong cảnh nghèo khó. Cụ cần cù học tập đêm ngày. Hiếu học và minh mẫn hơn người, cụ thông Nho thạo Nôm, giỏi nhiều môn văn, sử, thiên văn, y lý, phong thủy. Vì thế, Đề đốc Văn Phụng hầu Phạm Công Túc, người làng Kim Hoa ở bên cạnh đã gả con gái cho. Tiếng đồn về tài năng và tính cương trực cùng lối sống thanh bạch cần cù của ông đã lan xa. Cụ có đóng góp lớn đối với làng Trung Tự trong việc đòi lại đất bị quan lại lấn chiếm từ nhiều đời trước

Khi cụ qua đời, Chúa thương xót và lệnh nghỉ chầu 3 ngày và sai các quan trong bộ Lễ lo việc tang tế.

Sau khi qua đời, cụ được chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công.

Năm 1745 niên hiệu Cảnh Hưng, cụ được phong Trung đẳng phúc thần, tặng phong mỹ tự Trực Ôn Văn Nhã Đại vương.

Năm 1783, Đoan Nam vương Trịnh Khải ra lệnh sai quan đến tế theo lễ Thiếu lao cho dân hai phường Đông Tác và Kim Hoa là dân tạo lệ, 99 suất đinh, được miễn phu dịch, để trông nom đền miếu, hàng năm Xuân - Thu hai kỳ tế lễ.

Con trai cụ là Tổng binh Thiêm sứ, Đặc tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng (1661-1729), đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ Võ) được phong tước Tào quận công và phối thờ trong đình Trung Tự.

Cháu ruột của cụ là Nguyễn Trù (đời 8), đỗ Hoàng giáp năm 1697, sau làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Đời thứ 11, họ Nguyễn Đông Tác có ông Nguyễn Hữu Diễn đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ) khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Vệ uy thị giảng, Quả cảm tướng quân, tước Thức Võ hầu.

Cũng ở đời 11, họ Nguyễn Đông Tác lại có cụ Nguyễn Văn Lý (1795-1868), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn đời vua Minh Mạng (năm 1832), là nhà giáo, nhà văn hóa lớn, để lại nhiều tác phẩm.

Cụ Nguyễn Hữu Cầu, đời thứ 13, là một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cụ Nguyễn Hữu Tảo, đời thứ 14, là người đặt nền móng cho bộ môn Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam.

Thiều Chửu đời thứ 14 là một cư sĩ nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam trong thế kỉ 20.

Qua đây ta cho ta niềm tự hào về một dòng họ lâu đời và có quá nhiều khoa bảng.

Nhớ về cội nguồn là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt. Cũng chính vì ý nghĩa đó họ Nguyễn Việt Nam ta đã và đang xây Nhà thờ để có nơi thờ cúng Tổ tiên chung cho họ Nguyễn Việt Nam, chúng ta đã xin được đất và đang được sự công đức ủng hộ của rất nhiều người con họ Nguyễn từ mọi miền Tổ quốc và Việt kiều ở nước ngoài, trong đó có cụ Nguyễn Trà của dòng họ ta ở đây tuy tuổi cao sức yếu những mỗi lần Đại hội hay hội nghị của HĐHNVN cụ đều tích cực tham gia đóng góp và cho nhiều ý kiến vô cùng quý giá. Hy vọng rằng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam sớm thành công, dòng họ Nguyễn Đông Tác và HĐHNVN ngày càng phát triển.

Một lần nữa kính chúc các cụ và dòng họ ta luôn an khang, hạnh phúc!

Bài phát biểu được dòng họ đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh

Tiếp theo là dòng họ Đông Tác đã trao tặng bộ sách quí là các tác phẩm của các Tiền nhân khoa bảng của dòng họ để lại qua sự sưu tầm dịch biên soạn của nhà giáo Nguyễn Trà với sự giúp đỡ của thế hệ 4.0 trong dòng họ.

Buổi lễ kết thúc bằng sự hưởng lộc từ lễ giỗ Tổ.  

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh