Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG 26/6/2022 (Tiếp theo) Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang

Ngày đăng: 16/06/2022
Tóm tắt:

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG 26/6/2022 (Tiếp theo)

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang

Nội dung:

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG 26/6/2022 (Tiếp theo)

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang

Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên), cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 18km về phía Đông Bắc, là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.

Khu du tích Bạch Đằng Giang là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” bao gồm: không thương mại, không thu phí, không rác thải. Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa - lịch sử yên bình đúng nghĩa.

Các công trình thuộc Khu Di tích Bạch Đằng Giang

Khu di tích Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử đặc biệt nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng.

Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Tràng Kênh cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh - Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù. Bạch Đằng - Tràng Kênh thực sự là một địa danh có lịch sử truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc:

"Vạn cổ Bạch Đằng lưu chính khí"

Việc xây dựng khu di tích Bạch Đằng ngay tại chiến trường oanh liệt từ xa xưa là một việc làm lưu giữ hồn thiêng dân tộc, như lời thán tuyệt diệu của thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần Phạm Sư Mạnh:

“Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”

(tạm dịch: khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Quá trình xây dựng khu di tích là quá trình tạo dựng cảnh quan, không gian mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc, vừa hùng vĩ của núi sông, vừa linh thiêng và thấy như tiếng ông cha từ ngàn xưa vẫn vang vọng về.

Từ năm 2008 đến 2016, các công trình trong khu di tích đã lần lượt được xây dựng, tạo nên một quần thể di tích uy nghi, lung linh soi bóng xuống Bạch Đằng Giang lịch sử. Khu di tích lưng tựa núi, chân đạp sông, mắt dõi biển Đông, tạo thành điểm tựa tâm linh cho cả vùng Đông Bắc tổ quốc. Quần thể di tích gồm có:

- Vườn cuội cổ và Trụ chiến thắng: Nằm trung tâm vườn cuội kết triệu năm tuổi,  Trụ Chiến thắng được chế tác từ đá hồng ngọc nguyên khối lấy từ mỏ đá gốc Nam Trường Sơn,  cao chừng 5,5 mét, tiết diện 2,25 mét vuông, nặng chừng trăm tấn. Sau chế tác trụ có 4 mặt hình chữ nhật, khắc nổi 108 chữ tương ứng với 72 vị thiên can, 36 vị địa chi, mặt tiền 7 chữ “Giang San Vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt tả, hữu, hậu khắc công lao và thần tích của Đức vua Ngô Quyền, Lê Đại Hành Hoàng đế và Đức Thánh Trần. Các chữ khắc cùng một mẫu, các bản thần phả đều từ cung sinh, kết thúc ở cung sinh theo Kinh dịch thể hiện sự trường tồn

- Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt 1117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn Minh Đại Việt.

 - Đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành, năm 981 ngài đã tái tạo lại địa cọc của Ngô Quyền, có công đánh Tống bình Chiêm, đưa Đại Cồ Việt ngang hàng với Đại Hán.

- Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - ngài có công 3 lần đánh bại Nguyên Mông, đỉnh điểm là chiến thắng Bạch Đằng 1288, đập tan dã tâm xâm lược nước ta của Đế chế Nguyên Mông, mở ra nền văn minh Đông A rực rỡ.

- Trúc Lâm tự Tràng Kênh: Chùa mô phỏng theo mô hình Chùa Đồng - Yên tử. Chùa thờ Phật Tổ Như lai, các Đạt ma và Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đứng đầu quân dân Đại Việt trong 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau này ngài cùng Pháp Loa và Huyền Quang sang lập phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Dưới chân chùa là tượng Bạch Ngọc 18 vị La Hán, cây đa cổ thụ trên trăm tuổi được mang từ nhà máy xi măng Hải Phòng cũ để trồng, bảo tồn truyền thống.

- Đền thờ Thánh Mẫu: tín ngưỡng tôn thờ lấy hình tượng Mẫu (người mẹ) với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ, che chở con người đã đi sâu vào đời sống văn hóa dân tộc Việt, “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đền thờ Thánh Mẫu trong khu di tích thờ Mẫu đệ Nhất thượng Thiên, Mẫu đệ Nhị thượng ngàn, Mẫu đệ Tam thoải phủ. Trong đền còn có hương án và pho tượng thờ tự Ngũ vị tôn ông, tam vị ông Hoàng, Đức Nam Hải thần vương và Mẫu Sơn Trang.

- Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người luôn trong trái tim mọi người dân đất Việt. Nhiều đền, chùa đình, đền, miếu trong cả nước đã lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và thu khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, nhớ thương Người.

- Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng; sơ đồ diễn biến các trận Bạch Đằng; các di chỉ khảo cổ đồ gốm các thời kỳ Lê, Trần..; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ cũng như hình ảnh các vị lãnh tụ đã tới thăm, dâng hương và chiêm bái khu di tích.

- Quảng trường Chiến thắng: công trình được hoàn thành vào tháng Chạp năm Bính Thân 2016, đón xuân mới Đinh Dậu 2017. Quảng trường được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2, lát đá granit vươn ra sông. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.

Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dánh hiên ngang trong tư thế: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước, là sự hòa quyện linh khí Thiên - Địa - Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.

*** Những công trình văn hóa liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang như phần nào phản ánh tầm vóc của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương mà còn là nơi tham quan vãn cảnh tìm cảm giác an yên, tạm xa rời cuộc sống tất bật ngày thường. 

Kể từ năm 2008 đến nay, khu di tích đã không ngừng mở mang, hoàn thiện, đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước về thăm quan.

Tại Bạch Đằng Giang Họ Nguyễn Việt Nam cũng có một người có công lớn đó là Nguyễn Tất Tố (913 – 984) là Đô Đốc Thủy Quân giúp Ngô Quyền đánh quân Nam Hán năm 938 và giúp Lê Hoàn phá giặc Tống trên sông Bạch Đằng năm 981

Theo lời dịch bản Thần tích: Đô đốc Nguyễn Tất Tố (còn có tên là đô đốc Kiên, Nguyễn Hải…) còn lãnh nhiều trọng trách khác nhau phù thế hệ vua đời nhà Ngô, Đinh, Lê cùng các tướng lĩnh khác dẹp loạn 12 xứ quân, đánh tan giặc Tống…

Theo ngọc phả Ngô Quyền của làng Da Viên và  tài liệu thu thập trong dân gian năm 1977 -1978 lưu trữ tại Bảo tàng Hải Phòng:

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai, Nguyễn Tất Tố rất giỏi bơi lặn. Tổ tiên ông và người họ Đào thuộc dân Thủy Đường (Thủy Nguyên ngày nay). Do bị bọn phương Bắc cai trị ức hiếp, gia đình phải rời sang vùng đầm lầy bên sông Cấm sinh sống.

Bố Nguyễn Tất Tố làm nghề thuyền câu, mẹ làm ruộng. Nguyễn Tất Tố thường cùng cha chèo thuyền trên dòng sông Cấm để câu cá. Ông lại bơi giỏi, ngụp lặn rất tài và là một thanh niên có võ nghệ hơn người.

Do việc liên kết chống giặc biển vào cướp phá dân làng mà Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận trở thành đôi bạn thân.

Khi Ngô Quyền đưa quân về vùng An Dương, xây đồn, chiêu mộ nhân tài hào kiệt, chuẩn bị đánh quân Nam Hán, Nguyễn Tất  Tố và Đào Nhuận đã tự nguyện tham gia, được Ngô Quyền trọng dụng cho làm gia tướng.

Trong trận phục kích ở sông Bạch Đằng năm 938, Đào Nhuận được Ngô Quyền giao cho chỉ huy dẫn quân lính cùng nhân dân vào rừng lấy gỗ đẽo cọc nhọn cắm ở cửa sông rồi cùng Ngô Xương Ngập và Dương Tam Kha đem quân mai phục hai bên bờ sông. Còn Nguyễn Tất Tố được Ngô Quyền sai đem 20 thuyền nhẹ ra cửa biển chờ giặc tới thì khiêu chiến nhử giặc vào trận địa cọc của quân ta.

Khi thuyền quân Nam Hán tới, cũng là lúc nước triều lên cao, Nguyễn Tất Tố đã đưa thuyền ra nghênh chiến, lúc đánh, lúc rút làm cho Hoằng Thao tức tối. Đợi lúc thủy triều rút, quân ta giả vờ thua rút chạy. Hoằng Thao cho thuyền đuổi theo. Khi thuyền giặc vượt qua bãi cọc cũng là lúc thủy triều rút nhanh mấp mé đầu cọc nhọn. Nguyễn Tất Tố phất cờ hiệu tấn công. Phục binh của ta ở hai bên bờ sông do Tam Kha, Xương Ngập, Đào Nhuận chỉ huy với những chiếc thuyền nhỏ nhẹ từ trong hàng lau sú tiến ra đánh phá, chia cắt đội hình quân giặc. Ngô Quyền chỉ huy đại binh ào ạt xông lên phối hợp tiêu diệt giặc. Quân Nam Hán lúng túng run sợ, quay thuyền tháo chạy. Thuyền xô vào hàng cọc vỡ, đắm. Hoằng Thao bị chết ngay tại trận. Máu giặc loang đỏ cả vùng sông biển Bạch Đằng. Vua Nam Hán được tin thua trận, con chết vội vàng lui binh.

Theo http://vi.wikipedia.org/: Cuối đời, ông về an nghỉ và mất tại quê nhà: vùng Thiết Lâm-Khu Trung Hậu -Huyện Phong Doanh - Phủ Thiên Trường nay là thôn Ninh Xá - Xã Yên  Ninh - Huyện Ý Yên - Tỉnh Nam Định. 

Triều đình nhà Lê đã tổ chức tang lễ theo nghi thức Đại thần. Đương thời, vua Lê đã thân chinh đến thăm viếng lăng mộ ông và ban cho một đặc ân là cấm phạm địa bàn khu lăng mộ.

Ngày 2/1/2021, tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, huyện Thủy Nguyên, UBND thành phố tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Buổi lễ nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc đã có công lớn trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng; khẳng định tiềm năng và trí tuệ của con người Việt Nam; những giá trị nổi bật của các trận thắng trên sông Bạch Đằng đối với lịch sử Việt Nam và thế giới. Khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới; tuyên truyền những giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của khu Di tích quốc gia Bạch Đằng Giang, từng bước nghiên cứu, bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, buổi lễ cũng nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích quốc gia Bạch Đằng Giang và những tiềm năng của Hải Phòng, giới thiệu về một Hải Phòng với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế đang vươn mình mạnh mẽ hội nhập quốc tế.

Hà Nội, ngày 16/6/2022

Chủ tịch HĐHNVN

Ts. Nguyễn Văn Kiệm


Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh