Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Khu Di tích lịch sử về Kinh Dương Vương

Ngày đăng: 28/02/2021
Tóm tắt:

Khu Di tích lịch sử về Kinh Dương Vương (Bài viết nhân ngày hóa của Kinh Dương Vương 18 tháng Giêng âm lịch)

Nội dung:

Đối với người Việt, việc thờ cúng ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người, một phần trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa sinh thành nên thường nghĩ đến ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Đạo thờ cúng Tổ tiên, ông bà được coi là “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của dân tộc Việt.. Người Việt ai cũng biết “uống nước phải nhớ nguồn” và ai cũng thuộc câu ca: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là đạo con”.

Xây dựng lăng mộ, lập đền thờ các vị tiền nhân của dân tộc, dù tiền nhân là huyền thoại hay hiện thực đều thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Việc hiện diện của những lăng mộ, đền thờ là những chứng tích lịch sử rõ nét, phải chăng đây là cách truyền đạt các thông điệp lịch sử cho thế hệ sau, nhất là khi mà con người còn chưa có chữ viết.

GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hoá.

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở Á Lữ - Thuận Thành-Bắc Ninh.

Từ thành phố Bắc Ninh xuôi đường 38 đến Cầu  Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gồ, được ví như Long, Ly, Quy, Phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước.

Lịch sử xây dựng.

      Theo baobacninh.com.vn, Xưa kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ.

Thủy tổ Kinh Dương Vương còn được thờ làm Thành Hoàng làng thôn Á Lữ. Ngôi đình cổ ở phía Đông làng được khởi dựng với quy mô to lớn gồm 2 tòa: Tiền tế 7 gian và Đại đình có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ cũng chạm khắc “tứ kinh tứ quý”.

Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống như hiện nay.

Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội. Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)… và 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).

Theo chia sẻ của các cụ cao niên ở xã Đại Đồng Thành, trong tất cả các đạo sắc phong thời Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều có câu đầu tiên là “Thần truyền - Thánh kê”, chứng tỏ các triều đại trước đó đều coi khu di tích Kinh Dương Vương là nơi linh thiêng của dân tộc trực thuộc triều đình “Nhất thôn nhất xã” bởi tên gọi trước kia của thôn Á Lữ chính là Trang Phúc Khang.

Cũng theo người dân địa phương, đây là nơi còn lưu dấu tích xưa về lăng mộ Thuỷ Tổ Kinh Dương Vương và các bia đá, sắc phong, thần phả, đồ thờ …từ đời Lý như các đại tự, câu đối, mâm rồng, chén bạc, nậm rượu, đĩa sứ cổ…); thời Trần có: Bộ bát bửu, xà mâu, long đao…; triều Lê, nhà Mạc đều có sắc phong nhưng bị Pháp đốt mất, hiện chỉ còn lại 15 sắc phong của các vua triều Nguyễn.

Nơi đây được trùng tu, tôn tạo bậc nhất vùng Kinh Bắc từ thời Lê-Trịnh vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XVII.

Thời vua Gia Long đã trùng tu miếu Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân-Âu Cơ, tôn tạo ngôi thờ Tam vị Thánh Tổ.

Năm Minh Mệnh thứ 21(1840) được tu bổ lập bia.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự: “Nam Tổ Miếu” (thờ Thuỷ Tổ nước Nam) và “Thần truyền Thánh kê” (thờ các vị Thánh Thần).

Việc còn tấm bia đá đề: “Kinh Dương Vương lăng”, được làm vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết vào thời điểm đó vua Minh Mạng đã ban ân điển 18 điều, trong đó điều 4 chỉ rõ: “Lăng tẩm đế vương các chiều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa lại, lập bia chí, cấm dân hái củi ở đó” . Tháng 7 năm đó, khi bộ Lễ tâu về việc tu lý Kinh Dương Vương, Vua Minh Mạng đã khẳng định: “Sự tích Kinh Dương Vương dẫu chép ở sách “Ngoại kỷ” nhưng buổi đầu khai thác, thực là vua bắt đầu của lịch đại nước ta, cũng theo ân chiếu mà làm”. Như vậy, chắc chắn là trước khi vua Minh Mạng cho “tu lý”  lăng Kinh Dương Vương vào năm 1840, thì ở đây đã có di tích này và rõ ràng là khu lăng tẩm này đã có từ lâu rồi. (Nguyễn Hữu Toàn – Quanh vấn đề Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân – Âu Cơ).

Năm 1981 cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Văn hoá – Thông tin cùng với Sở Văn Hoá-Thông tin Hà Bắc về thắp hương tri ân và tìm hiểu cội nguồn, gốc tích các thần phả, câu đối, đại tự, sắc phong nhà đền.

Năm 2001 tỉnh Bắc Ninh có dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích và Bộ VH-TT-DL đã chính thức phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ khu di tích Kinh Dương Vương với quy mô trên 36 ha, trị giá 500 tỉ đồng. Đây là việc làm đáng ghi nhận của hậu thế với người có công khai sinh ra nước Việt Nam.

Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê, cách dòng sông Đuống ngày nay khoảng 500m, đã được tôn tạo khang trang, thoáng mát vẫn đậm dấu ấn của kiến trúc cổ. Lăng có 8 mái “hai tầng mái”, trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, toàn bộ diện tích khu lăng mộ khoảng 4.200 m2. Nghi trượng khu lăng mộ gồm: Tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” và câu đối “Việt nam sơ đầu xuất – Hồng bàng vạn đại xương” và “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ, Phong thần tổ tích bắc thần tôn”, cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…

Cổng chính khu Lăng có tấm bia đá cổ khắc nổi 2 chữ Hán “Hạ Mã” đặt ngay lối vào Lăng  theo người dân địa phương không biết có từ khi nào. Hai chữ “Hạ Mã” đường nét vô cùng tinh xảo. Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, chứng tỏ ngày xưa vua quan triều đình mỗi khi về thăm Thủy tổ đều phải kính cẩn xuống kiệu, xuống ngựa mới được đi vào. Cũng theo người dân ở đây kể rằng, xưa kia dù công hầu, khánh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, hễ đi qua khu lăng mộ này đều phải xuống đi bộ hết địa phận của lăng.

 Trên lăng mộ Kinh Dương Vương có hai chữ Hán cổ “Bất Vong” nghĩa là “Trường tồn mãi mãi”.

Ở lăng còn có các câu đối như:

“Thần Nông tứ thế phân

   Việt Nam sơ đầu xuất”

      Nghĩa là:   

 “ Thế hệ thứ tư của vua Thần Nông

         Nước Việt Nam bắt đầu xuất hiện”

Ngoài lăng mộ, đình, đền và những sưu tập hiện vật được bảo trọng tại Á Lữ Đại Đồng Thành, Thuận Thành, nói về thủy tổ người Việt, rành rành sử sách còn ghi: “… Vua Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, thú Động Đình quân nữ, sinh ra Lạc Long Quân – tự là Sùng Lãm, ngài thú đức Âu Cơ sinh trăm con trai, sau 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống vùng biển khai phá, gìn giữ mở mang bờ cõi, ngài truyền cho con cả nối ngôi – vua Hùng Vương thứ nhất …”

 “Kể từ khi Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hóa, vua thì lấy đức mà cảm hóa dân, dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm đế ư? Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã giàu thọ lại nhiều con trai từ xưa tới nay chưa từng có, Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban tước huệ để vỗ yên dân…”

 “Kỷ Hồng Bàng thị - Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ thần Nông…”

Phù hợp với những chứng tích tại các di tích Khảo cổ học, khu vực lăng mộ và đình miếu ghi nhận về Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đã đặt niên mốc 2873 TCN vào trang đầu lịch sử dựng nước. Tiếp đó là sự có mặt của Lạc Long Quân con trai và người kết tục sự nghiệp Kinh Dương Vương trên vùng đất này…

Tôn trọng sự thật lịch sử, ngày 2/2/1993. Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định số 74/VH-QĐ công nhận “Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành”.

Dù cho chiến tranh tàn phá, bão lũ hủy hoại, nhân dân Á Lữ luôn bảo trọng, tôn tạo khu di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để nhân dân trong làng và du khách thập phương quanh năm hương khói và tụ hội (từ 15 đến 18 tháng giêng âm lịch hàng năm) dâng hương bái lạy tiên tổ biểu thị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

 (Nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam NXB Hồng Đức XB 2018 – Tác giả: Ts. Nguyễn Văn Kiệm)

Hà Nội, ngày 28/2/2021 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu)

Chủ tịch HĐHNVN

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh