Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Toàn bộ công văn số: 10/2022/HNHNVN ngày 9/7/2022 trả lời những nội dung mà các công văn của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh yêu cầu:

Ngày đăng: 01/08/2022
Tóm tắt:

Toàn bộ công văn số: 10/2022/HNHNVN ngày 9/7/2022 trả lời những nội dung mà các công văn của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh yêu cầu:

Nội dung:

 

HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

*****************

Số: 10/2022/HNHNVN

V/v:Trả lời công văn số 496TRr-NV2 của Thanh tra  tỉnh Bắc Ninh

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

***************

Hà Nội, ngày 9 tháng 7 năm 2022

 Kính gửi:  - Thanh tra tỉnh Bắc Ninh

  •  Các ban ngành tỉnh Bắc Ninh

Ngày 7/7/2022 Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã nhận được công văn số 496TTr-NV2 của Quí cơ quan về việc báo cáo và cung cấp hồ sơ tài liệu bổ sung liên quan đến khu đất Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở thôn Á Lữ xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hội người họ Nguyễn Việt Nam báo cáo trả lời những yêu cầu mà nội dung công văn của Quý vị đã nêu ra như sau:

  1. Về địa vị, pháp lý, tổ chức, bộ máy của Hội người họ nguyễn Việt Nam - đại diện duy nhất cho Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam:

Hội Người họ Nguyễn Việt Nam được thành lập ngày 24/2/2012 khi đó còn là Ban vận động thành lập Hội. Năm 2014 trước khi đại hội lần thứ nhất Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã làm hồ sơ thành lập Hội lên Bộ Nội vụ, bản thân chủ tịch Hội đã mang hồ sơ lên tận nơi và đã được các đồng chí phụ trách về vấn đề này tiếp, trả lời và mở tủ cất giữ hồ sơ của chúng tôi vào đó, trong đó có cả hàng chồng hồ sơ của các dòng họ khác và nói rằng hiện nay Nhà nước chưa cho thành lập các Hội của dòng họ, chỉ cho lập Hội của những người cùng sở thích, cùng nghề nghiệp… và cũng có nói với chúng tôi là việc không cho thành lập nhưng cũng không cấm nên các bác cứ hoạt động, còn khi nào có việc lớn thì phải báo chính quyền địa phương sở tại để chính quyền biết. Như vậy không riêng gì họ Nguyễn Việt Nam mà tất cả các dòng họ khác trên đất nước Việt Nam cũng đều  như vậy. Hiện nay hồ sơ pháp lý của Hội còn nằm trên tủ hồ sơ của Ban chuyên ngành Bộ Nội vụ.

Như vậy việc thành lập Hội người họ Nguyễn Việt Nam cũng như các tổ chức của các dòng họ khác là đúng nguyên tắc theo pháp luật của Nhà nước.

Hội người họ Nguyễn Việt Nam là người đại diện duy nhất cho Cộng đồng người họ Nguyễn Việt Nam trên toàn quốc. Đây là một tổ chức xã hội về dòng họ đã được đã được tổ chức các dòng họ Lê, họ Phạm, họ Dương, họ Trần...trong cả nước và nhiều tổ chức xã hội khác như Hội Đá cảnh, Sinh vật cảnh, Kiều học, Chất độc da cam... công nhận và quan hệ.

Đến nay đã qua 2 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc vào các năm 2014 tại hội trường Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2019 tại cung văn hóa Kinh Bắc thành phố Bắc Ninh.  Hàng năm đều tổ chức tổng kết hoạt động trong năm của Hội. Năm 2017 tại hội trường UBND huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang Hội đã tổ chức lễ tổng kết 5 năm thành lập Hội và 3 năm ngày Đại hội lần thứ nhất 27/12/2014 – 27/12/2017.

Hội người họ Nguyễn Việt Nam có Ban tư vấn là các ông nguyên là UV BCH TƯ ĐCSVN như ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam; Ông Nguyễn Duy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam; Thượng tướng viện sỹ, Ts, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu – nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam…

Từ ngày thành lập năm 2012 đến nay đã có hàng triệu người họ Nguyễn trong và ngoài nước tham gia vào tổ chức. Đây là một tổ chức có từ cấp Trung ương đến các cấp cơ sở là tỉnh, thành phố, quận, huyện và cấp phường xã.

Song song với đại hội cấp Trung ương, nhiều tỉnh, huyện, xã đã thành lập và mở đại hội ở cấp của mình như:

 Tỉnh Bắc Ninh mở đại hội thành lập năm 2015 với hàng trăm con em là người họ Nguyễn tham dự.

Tỉnh Bắc Giang mở đại hội đại biểu thành lập Hội ngày 26/3/2016, cũng với hàng trăm con em là người họ Nguyễn tham dự. Tại Bắc Giang nhiều huyện, xã cũng đã mở đại hội thành lập Hội cấp cơ sở của mình.

Tỉnh Hòa Bình mở Đại hội đại biểu thành lập Hội ngày 12/7/2020 cũng với hàng trăm con em là người họ Nguyễn tham dự. Ông Nguyễn Văn Cửu – nguyên phó bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Hòa Bình là người trong Ban tư vấn của Hội, nay là Chủ tịch Hội.

Ngày 10/4/2022 Đại hội đại biểu họ Nguyễn Việt Nam tỉnh Bình Định đã tiến hành với hàng trăm đại biểu tham dự và trong BCH của Hội đồng họ Nguyễn tỉnh Bình Định có rất nhiều ông là nguyên UV BCB TƯ ĐCSVN như Ông Nguyễn Duy Quý – nguyên UV BCH TƯ ĐCSVN nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định được bầu là chủ tịch Hội, ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên UV BCH TƯ ĐCSVN nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định được bầu là phó chủ tịch Hội. Tại đây đang tiến hành đại hội cấp cơ sở quận, huyện và các phường xã.

Mới đây nhất là ngày 26/6/2022 đại hội họ Nguyễn thành phố Hải Phòng với rất nhiều các ông nguyên là ủy viên BCH TƯ ĐCSVN tham dự và có Thượng tướng PGS -TS. Nguyễn Văn Thành – UV BCH TƯ ĐCSVN – phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương - nguyên bí thư Thành Ủy, nguyên thứ trưởng bộ Công An tới dự. Ông Nguyễn Xuân Sang – nguyên UV thường vụ – nguyên Trưởng ban tổ chức thành ủy Hải Phòng được bầu là chủ tịch Hội.

Và còn nhiều tỉnh thành phố khác trên cả nước cũng đã có Ban vận động thành lập Hội như Thái Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Đắc lắc, Thành phố Hồ Chí Minh…

Như vậy không thể nói Hội người họ Nguyễn Việt Nam chỉ là một nhóm người, không đại diện cho Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam.

2. Về Tôn chỉ, mục đích, điều lệ và quy chế hoạt động:

- Về tôn chỉ: Hội lấy Thuỷ tổ Kinh Dương Vương của nước Việt là Thuỷ tổ của Họ Nguyễn Việt Nam, Người có tên là Nguyễn Quảng là người lập nên nước Xích Quỷ tiền thân của nước Đại Việt, là cha đẻ của Lạc Long Quân và là ông nội của Vua Hùng - Người đã có công dựng nước Văn Lang được cả nước tôn thờ, ngày giỗ của vua Hùng đã trở thành ngày Quốc giỗ.

Hội tôn thờ đức thánh Tản Viên - Nguyễn Tuấn, vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong tứ bất tử là ông Tổ. Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh hết lòng vì nước vì dân đã được truyền tụng từ ngàn xưa đến nay, là biểu hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt; cái thiện thắng cái ác.

Hội người Họ Nguyễn Việt Nam là một tổ chức tự nguyện rộng rãi của những người cùng mang Họ Nguyễn ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài không phân biệt tôn giáo, tầng lớp, nghề nghiệp, tuổi tác, địa vị xã hội có cùng tâm huyết tôn vinh, giữ gìn bảo tồn dòng họ mình.

Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, có con dấu LOGO riêng.  Hội hoạt động tuân thủ theo các qui định của Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

- Về mục đích:  Hội hoạt động nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục đem lại cho những người cùng mang Họ Nguyễn ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài có được những hiểu biết về lịch sử của dòng họ mình, từ đó khích lệ những người cùng mang Họ Nguyễn có tinh thần thương yêu giúp đỡ đùm bọc nhau, xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, làm rạng danh Tổ tông, khích lệ con cháu họ Nguyễn noi theo các bậc tiền bối để xây dựng cuộc sống mới, văn minh. Góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Hội giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hội liên kết với các tổ chức xã hội và các dòng họ khác trên đất nước Việt Nam như họ Trần, họ lý, họ Lê, họ Dương… trên tinh thần đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

- Về điều lệ : Ngay từ ngày thành lập Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã ban hành Điều lệ  của Hội và Hội hoạt động trên cơ sở của Điều lệ. Điều lệ của Hội ngày càng được hoàn thiện và đã được thông qua lấy biểu quyết tán thành của Đại hội và được sửa đổi bổ sung qua các kỳ Đại hội (có bản chi tiết đính kèm báo cáo này)

- Về quy chế hoạt động: Hội hoạt động theo quy chế tập thể cá nhân phụ trách. Với nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Nhiệm kỳ Đại hội cơ sở và chi Hội là 3 năm, nhiệm kỳ Đại hội của Hội là 5 năm. Đại hội bất thường khi có 2/3 cơ sở đề nghị yêu cầu và chỉ được triệu tập khi nhiệm kỳ đã được ½ thời gian quy định.

3. Danh sách các tổ chức, hội viên của Hội:

3.1. Tổ chức Trung ương Hội có tên là Hội người họ nguyễn Việt Nam nay đổi thành Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam

3.2  Chủ tịch danh dự: Có 01 chủ tịch danh dự là người có tuổi còn khỏe mạnh, có uy tín trong họ và trong các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam.(hiện nay chưa có)

3.3. Ban tư vấn: Gồm các lão thành người họ Nguyễn có uy tín trong họ và trong các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam, có tính thần ủng hộ Hội. Số lượng có thể từ 3-7 người, do Đại hội đại biểu toàn quốc lựa chọn quyết định. Hiện nay là các ông: ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam; Ông Nguyễn Duy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam; Thượng tướng viện sỹ, Ts, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu – nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra còn có các ông Nguyễn Văn An – Nguyên UV Bộ Chính Trị BCH TƯ ĐCSVN – nguyên Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN và ông Nguyễn Mạnh Cầm – Nguyên UV Bộ chính trị BCH TƯ ĐCSVN – nguyên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN, Hội thường xuyên liên hệ để báo cáo tình hình mỗi khi có nhiệm vụ mới.

3.4. Ban thường vụ Trung ương Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam gồm: chủ tịch: là Ts. Nguyễn Văn Kiệm, 5 phó chủ tịch là: Ông Nguyễn Duy Quý – nguyên UV BCH ĐCSVN – nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định; ông Nguyễn Ngọc Nguyên, ông Nguyễn Xuân Thụy, ông Nguyễn Hữu Kúc, ông Nguyễn Xuân Sang – nguyên UV BCH Thành ủy Hải Phòng , 01 thư ký là ông Nguyễn Văn Bình – nguyên cục trưởng Cục y tế dự phòng của bộ Y tế Việt Nam. Tất cả đều do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu chọn và quyết định.

3.5. Ban chấp hành Trung ương Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam  với cơ cấu mỗi tỉnh, thành phố, khu vực hoặc lĩnh vực có ít nhất một người tham gia.

Danh sách Ban chấp hành trung ương Hội người họ Nguyễn Việt Nam ở nhiệm kỳ I và II là: (Có bản danh sách đính kèm)

3.6. Ban chấp hành Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam cấp cơ sở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quận, huyện, do Đại hội đại biểu các cấp cơ sở bầu chọn và quyết định.

3.7. Ban Tổ chức Hội đồng cấp trung ương gồm: Ts. Nguyễn Văn Kiệm là trưởng ban, các ủy viên gồm ông Nguyễn Duy Quý, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, bà Nguyễn Thị Bích.

3.8. Ban phát triển tài chính và triển khai các dự án: Ts. Nguyễn Văn Kiệm là trưởng ban, ông Nguyễn Ngọc Nguyên là phó ban, ông Nguyễn Văn Hải – kế toán trưởng. 

3.9. Ban nghiên cứu văn hóa lịch sử và tuyên truyền: Ts. Nguyễn Văn Kiệm là trưởng ban, ông Nguyễn Thanh Sơn là phó ban, các ủy viên: ông Nguyễn Duy Quý, ông Nguyễn Hữu Kúc, ông Nguyễn Hữu Minh.

3.10. Ban khuyến học khuyến tài: Ts. Nguyễn Văn Kiệm là trưởng ban, ông Nguyễn Văn Bình phó ban, các ủy viên gồm: ông Nguyễn Duy Quý, ông Nguyễn Hữu Kúc, ông nguyễn Thanh Sơn.

Về Hội viên hiện nay có hàng triệu người tham gia. Danh sách đại biểu tham gia Đại hội lần thứ nhất là 152 người tham dự (có danh sách kèm theo).

4. Tình hình hoạt động của Hội từ khi thành lập đến thời điểm hiện nay:

Các hoạt động của Hội: Ngoài việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc theo nhiệm kỳ 5 năm một lần tính từ Đại hội lần thứ nhất năm 2014. Hội còn tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động hàng năm, năm 2017 Hội đã tổ chức lễ tổng kết 5 năm thành lập Hội và 3 năm ngày Đại hội lần thứ nhất 27/12/2014 – 27/12/2017.

 Ngoài ra hàng năm Hội còn tổ chức hướng về cội nguồn đi dâng hương lễ Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương ở đền thờ Ngài ở thôn Á Lữ, tỉnh Bắc Ninh, Đức Quốc tổ Lạc Long Quân ở đền thờ Đồi Sim và Đức Vua Hùng ở đền thờ Vua Hùng núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ, Mẹ Âu Cơ ở đền thờ Núi Vạn, Động Đình Tiên Nữ, tên húy là Đăng Ngàn vợ Kinh Dương Vương ở đền Tiên Phú Thọ. Đức Thánh Tản Viên – nguyễn Tuấn ở đền Hạ, đền Và Ba vì Hà Nội vào các ngày giỗ kỵ của các Ngài…

Tổ chức tham gia các Đại hội, lễ hội của các dòng họ bạn như họ Lê, họ Trần, họ Bùi, họ Trương… và của các tỉnh như lễ hội Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình, tham gia Hội nghị vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng tổ chức…

Tổ chức thăm viếng và động viên các gia đình hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Tổ chức các buổi lễ khuyến học, khuyến tài tại một số địa phương.

Tuyên truyền và giáo dục các con em trong dòng họ thông qua các buổi nói chuyện tại các ngày giỗ Tổ của các chi họ, các buổi lễ tổng kết hàng năm và qua các cuốn sách mà Hội đã viết  và xuất bản.

Trong những năm qua Hội đã xuất bản được 3 tác phẩm đó là:

Cuốn “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh” do NXB Văn hóa & Thông tin xuất băn năm 2014.

Cuốn “ Di sản văn hóa dòng họ – Những đền thờ, lăng và cung điện họ Nguyễn Việt Nam” do NXB Hồng Đức xuất bản năm 2016 và tái bản năm 2020.

Cuốn “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam” do NXB Hồng Đức xuất bản năm 2018.

Các trang mạng xã hội của Hội cũng đã được thành lập như trang Web: honguyenvietnam.vn; rồi sau đó là các trang facebook: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM, fabet: Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam, Zalo: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM qua các trang này việc tuyên truyền quảng bá và cập nhật những việc làm của Hội ngày càng được mở rộng.

Qua các hoạt động về dòng họ đã mang lại niềm tự hào về dân tộc Việt Nam về Tổ tiên của người Việt với tinh thần đúng những điều pháp luật Việt Nam quy định.

Năm 2015 kết hợp với hội nghi tổng kết một năm sau Đại hội lần thứ nhất, Hội kêu gọi vận động mọi thành viên tích cực tham gia công cuộc xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam từ đó đến nay đã vận động được hàng trăm lượt người tham gia công đức cho cuộc vận động này.

Năm 2017 song song với cuộc vận động trên Ban chấp hành Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã tích cực làm Dự án xin đất ở thôn Á Lữ xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh nơi có đền và lăng thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương để có đất xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam. Khi đã có đất Hội tiếp tục kêu gọi công đức và tìm nhà tài trợ để xây dựng nhà thờ.  

Nói Về Kinh Dương Vương là Thủy tổ của người Việt được họ Nguyễn Việt Nam suy tôn là Thủy tổ của người họ Nguyễn. Trong cuốn “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam” do NXB Hồng Đức xuất ản năm 2018 trong lời nói đầu tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm cũng đã viết: “Dựa vào những tư liệu, chứng tích, Hội người họ Nguyễn Việt Nam có đủ cơ sở suy tôn Kinh Dương Vương là Thuỷ tổ của họ Nguyễn Việt Nam để tôn thờ. Đây là việc làm bình thường của những người có cùng chí hướng nhớ và tôn thờ các vị Tổ tiên của mình. Điều này không ảnh hưởng tới tín ngưỡng của người khác và mong những người không cùng quan điểm xin được vui lòng”.

Về những cơ sở, trước cuốn lịch sử này đã có nhiều cuốn nói về Kinh Dương Vương là người họ Nguyễn như:

Cuốn “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của tác giả Bùi Văn Nguyên – NXB Khoa học xã hội, năm 2000.

Tác phẩm “Nam Bang Thuỷ tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hoá dân tộc phát hành năm 2012

Tác phẩm “Trường ca tiền sử Việt Nam” của tác giả Đỗ Văn Bình do NXB Văn hoá-Thông tin phát hành Quý III năm 2014.

Ngoài ra chúng tôi còn dựa vào cuốn “Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư” được ghi chép từ thời Tự Đức năm thứ nhất “Tự Đức nguyên niên chính nguyệt thập ngũ nhật” được lưu giữ tại từ đường họ Nguyễn (Nguyễn tộc) ở thôn Vân Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Tp.Hà Nội do Hà Khắc Khoan phiên âm và dịch ngày 10 tháng 02 năm 2012.

Thực tế Kinh Dương Vương là người họ Nguyễn cũng như truyện Âu Cơ đẻ 100 trứng nở thành 100 người con trai, hay “Con Rồng cháu Tiên”… cũng chỉ là truyền thuyết chứ không có một chính sử nào ghi chép lại được cho nên nói về chính sử hay không chính sử là rất khó. Dân tộc nào cũng có những truyền thuyết lịch sử được thần thoại hoá thể hiện lòng tự hào của dân tộc mình, ngay cả những dân tộc mà ngày nay được xem là văn minh cũng đều có một con vật biểu trưng cho dân tộc như gà trống Gaulois của nước Pháp, Sư tử của nước Anh, Đại bàng của Hoa Kỳ…miễn  là không làm hại đến ai, làm hại đất nước, dân tộc mà chỉ có lợi cho việc khích lệ truyền thống vẻ vang của dòng họ hay dân tộc mà thôi, kể cả những chuyện “Lê Lợi trả gươm thần” hay “Đồng tiền ngửa của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ” …

Vậy thì họ Nguyễn suy tôn Kinh Dương Vương là Thủy tổ của mình có gì là sai và việc cấp đất cho Cộng đồng họ Nguyễn ở Á Lữ nơi có đền thờ Kinh Dương Vương để tạo nên một quần thể di tích tâm linh làm đẹp thêm cho quần thể Di tích lịch sử này của Tỉnh Ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh hay của UBND huyện Thuận Thành, UBND xã Đại Đồng Thành những năm 2018-2020 thì có gì là sai?

Việc cấp đất này không có gì mờ ám và không có tư lợi gì ở đây vì thay mặt Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam là Hội người họ Nguyễn Việt Nam đứng ra làm Dự án xin đất này không có tiền và không làm việc vì tiền.

II. Báo cáo về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đến thời điểm hiện nay.

  1. Về ý nghĩa, mục đích xây dựng nhà thờ

Sinh hoạt dòng họ đã trở thành nét văn hoá đẹp của người Việt Nam. Tâm nguyện của con người Việt là nhớ về cội nguồn, muốn được tri ân công đức của cha mẹ, tổ tiên, nhất là khi đã được yên ấm, no đủ, sung túc.

Lịch sử nhân loại cũng như của dân tộc hay một dòng Họ đều có những cái tinh túy, dựa vào đó con cháu tự hào noi theo, và để ta giáo dục cho thế hệ hiện tại và mai sau những phẩm chất về đạo đức làm người, từ đó biết vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Nhà thờ của một dòng họ cũng như một gia đình Việt Nam, đây là nơi thờ cúng Tổ tiên là nơi để chúng ta thể hiện sự biết ơn “Uống nước nhớ nguồn” đối với Tiên tổ cũng là nơi để tụ tập được mọi người trong dòng họ hàng năm về đây tri ân công đức Tổ tiên và giáo dục động viên con cháu.

Ngay từ ngày thành lập Hội, trong Điều lệ, Cộng đồng họ Nguyên Việt Nam đã đưa ra mục tiêu phấn đấu xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam. Tại Hội nghị tổng kết năm 2015 Hội đã kêu gọi công đức lấy quỹ để xây dựng nhà thờ. Từ đó đến nay đã có hàng trăm lượt người trong và ngoài nước, có cả người của các dòng họ khác công đức cho công cuộc này từ các cháu nhỏ tuổi đến các cụ già 90 tuổi.

Trong Dự án xin đất xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam của Hội người họ Nguyễn Việt Nam gửi Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND Huyện Thuận Thành và lãnh đạo thôn Á Lữ trước đây cũng như trong công văn gửi cho UBND xã Đại Đồng Thành, chi Ủy thôn Á Lữ ngày 05 tháng 04 năm 2021 Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã nêu rõ: “Nhà thờ họ Nguyễn được xây ở đây không ngoài mục đích làm tô đẹp và thêm một công trình văn hóa tâm linh lịch sử dòng họ, cho quê hương Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và đất nước này, là nơi xum họp của Cộng đồng người họ Nguyễn Việt Nam thì không còn có mục đích gì khác nhất là khi Nhà thờ này kết hợp với khu di tích lịch sử Đền và Lăng Kinh Dương Vương tạo nên một quần thể di tích tâm linh hoành tráng.”

Về địa điểm xây dựng nhà thờ: Tại hội nghị tổng kết năm 2015 Cộng đồng người họ Nguyễn Việt Nam đã nhất trí xin đất ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh để xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn vì Họ Nguyễn Việt Nam đã tôn vinh đức Thủy tổ Kinh Dương Vương là Thủy tổ của mình. Hội đã lập Dự án và  đã được các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, thôn đồng ý. Để có được Quyết định cấp đất như ngày hôm nay, tỉnh Ủy và UBND tỉnh đã mở rất nhiều cuộc họp, hội nghị với các sở ban ngành chức năng của tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo của huyện Thuận Thành, lãnh đạo của xã Đại Đồng Thành và lãnh đạo của thôn Á Lữ nhiệm kỳ trước tham gia.

 Chúng tôi không có mục đích lấy thu nhập về lợi ích kinh tế từ việc công đức của các con nhang đệ tử đến dâng hương khi nhà thờ đã xây dựng xong. Cho nên không nên hiểu mục đích xây dựng nhà thờ để làm kinh tế.  Khi nhà thờ được xây dựng xong Hội người họ Nguyễn Việt Nam sẽ tuân theo quy chế của UBND huyện Thuận Thành về việc phân chia những đồng tiền hương khói mà mọi người đến lễ cho người dân Á Lữ cùng hưởng thụ.

Mặt khác những người trông nom quản lý khu nhà thờ này là lấy người từ trong thôn Á Lữ và ra như vậy cũng sẽ tạo thêm công việc cho người dân Á Lữ.

 Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở Á Lữ và Hội người họ Nguyễn Việt Nam không có lợi ích nào mâu thuẫn với xã và thôn Á Lữ. Chúng tôi mong muốn Nhà thờ như một ngôi nhà của xã và thôn. Trong quá trình xây dựng Nhà thờ thì từ ngày khởi công đến nay chúng tôi cũng không làm ảnh hưởng gì đến người dân xung quanh và thôn Á Lữ, các công nhân xây dựng và nhà thầu luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trường chính sách của thôn xã. Ban quản lý xây dựng nhà thờ Họ Nguyễn luôn mong muốn sẽ trở thành là một thành viên của thôn Á Lữ và mong được đóng góp, được tôn trọng và được sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo cũng như người dân xã Đại Đồng Thành và thôn Á Lữ.

2. Nói về nội dung thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuân Thành tỉnh Bắc Ninh

Xây dựng Nhà thờ là để thờ ai là một vấn đề rất lớn đặt ra không chỉ với họ Nguyễn mà còn rất nhiều các dòng họ khác. Trong qua trình làm Dự án xin đất Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh chất vấn chúng tôi về vấn đề này.

Những Vị được thờ phụng trong ngôi nhà thờ này cũng là những Vị được cả nước, cả dân tộc Việt Nam đang thờ phụng chứ không phải chỉ riêng dòng họ Nguyễn Việt Nam đó là các Vị:

Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương, Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Đức Vua Hùng được thờ ở ban chính điện. Nơi đang thờ các Vị là đền thờ Kinh Dương Vương của thôn Á Lữ và khu di tích lịch sử Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ…

Ban mẫu là thờ mẹ và vợ của các Ngài gồm: Bà Đỗ Quý Thị (Công chúa Đoan Trang) sinh ra Lộc Tục Kinh Dương Vương đặt ở chính giữa; Bà Thanh Minh, Động Đình Tiên Nữ, tên húy là Đăng Ngàn vợ Kinh Dương Vương đặt bên tay phải và Bà Âu Cơ vợ Lạc Long Quân sinh ra Hùng Lân Vương đặt bên tay trái, Đây là ba vị đang được thờ trong ngôi chùa Bát Nhã Tự trong khu đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, ở Đền Tiên, đền Núi Vạn tỉnh Phú Thọ…

Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc có ở khắp nơi trên đất nước đang thờ.

Ban thờ Đức thánh Tản Viên – Nguyễn Tuấn, Cao Minh Đại Vương – Nguyễn Sùng, Quí Minh Đại vương – Nguyễn Hiền có ở các đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Và ở Ba Vì thành phố Hà Nội, các đền thờ ở nhiều nơi trong cả nước nhất là ở tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình.

Nhà thờ họ Nguyễn được xây dựng và tôn thờ các Vị trên quy tụ về đây để những người Việt không có điều kiện đi nhiều nơi có thể về đây chiêm bái đầy đủ các Vị.

Như vậy nhà thờ tuy mang tên là nhà thờ họ Nguyễn nhưng thực chất là nhà thờ của bách gia trăm họ việt Nam. Chúng tôi tuyệt đối không thờ ai trong từ đường là các vị vua chúa nhà Nguyễn hoặc bất kỳ vị nào riêng cho họ mình.

Việc tôn thờ các vị trên của Cộng đồng họ Nguyễn Việt không ảnh hưởng gì đến việc tôn thờ của các dòng họ khác, không làm mất đi sự đoàn kết dân tộc, không làm mất đi bản sắc dân tộc Việt Nam và ai cũng có thể vào đây dâng hương lễ Tổ.

Anh Cao Minh Khuê ở Nam Định đã có bài viết nói lên tình cảm của anh với các Vị được thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở Á Lữ, Bắc Ninh như là Tổ tiên của dòng họ anh và anh đã công đức toàn bộ bản thiết kế 3D về các Ban thờ trong nhà thờ họ Nguyễn.

Anh Cao Việt Bách giám đốc công ty thiết kế BVA đã công đức toàn bộ bản thiết kế và các bản thuyết minh dự án Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam trị giá cả tỷ đồng không những không lấy một đồng mà trong buổi trao tặng bản thiết kế công ty BVA còn công đức cho công cuộc xây dựng nhà thờ 10 triệu đồng.

Và còn rất nhiều người khác không phải người họ Nguyên đã công đức cho công cuộc xây dựng nhà thờ này. Phải chăng điều đó đã nói lên đây là  nhà thờ chung của bách gia trăm họ Việt Nam.

3. Về trình tự thủ tục khảo sát địa điểm, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải  phóng mặt bằng, giao đất, cấp Giấy CNQSD đất.

Theo công văn số 455TTr-NV2 ngày 27 tháng 6 năm 2022 của Thanh tra tỉnh chúng tôi đã  gửi đến Quí vị công văn số 03/2022/HNHNVN ngày 27/6/2022 trong đó đã thống kê và gửi kèm các bản phô tô toàn bộ hồ sơ về trình tự thủ tục khảo sát địa điểm, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất. Vậy trong báo cáo này chúng tôi xin Quí vị miễn chúng tôi phải báo cáo lặp lại.

Riêng việc cấp giấy chứng  nhận QSD đất chúng tôi đã làm hồ sơ nhưng được phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thuận Thành trả lời qua tọa đàm là đã có giấy phép xây dựng thì các bác cứ xây dựng khi nào xong thì hãy làm Giấy CNQSD đất và công trình trên đất đó một thể và chúng tôi đã nghe theo nên chưa làm Giấy CNQSD đất.

4. Về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, cấp giấy phép xây dựng, triển khai thi công xây dựng.

Chúng tôi đã nộp các bản báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đã có thẩm định của cơ quan thẩm định, dự toán công trình cho Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh để cơ quan này thẩm định lại vè duyệt ra tờ trình UBND tỉnh. Nay chúng tôi gửi Thanh tra bản phô tô của tập hồ sơ dự án này. (Bản phô tô đính kèm)

Về Giấy phép xây dựng: Sau khi nhận được  Quyết định giao đất số 100/QĐ-UBND ngày 9/4/2020 của UBND huyện Thuận Thành cấp, chúng tôi đã làm công văn xin giấy phép. Ngày 20/4/2020 UBND huyện cùng với địa chính xã Đại Đồng Thành đã bàn giao đất cho Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam mà đại diện là Hội người họ Nguyễn Việt Nam.

 Ngày 21/4/2020  Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã nhận được Giấy phép xây dựng số 11/GPXD của UBND huyện Thuận Thành cấp, (Có bản pho tô đính kèm)

5. Về ngày khởi công xây dựng công trình, kết quả thi công từng hạng mục đến thời điểm hiện nay (từng hạng mục đạt bao nhiêu % khối lượng tương ứng với giá trị kinh phí; tổng giá trị kinh phí đã thực hiện dự án…)

Về ngày khởi công xây dựng bắt đầu tính từ ngày 22/4/2020 ngay sau khi Hội người họ Nguyễn Việt Nam nhận được được Giấy phép xây dựng số 11/GPXD của UBND huyện Thuận Thành cấp, cùng ngày chúng tôi đã làm công văn số 04/2020 HNHNVN V/v: Báo cáo thi công nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam gửi UBND xã Đại Đồng Thành và lãnh đạo thôn Á Lữ trước khi cho san ủi và rào hàng rào tôn xung quanh khuôn viên nhà thờ.

Ngày 15/8/2020 dự kiến của chúng tôi là ngày làm lễ khởi công công trình. Chúng tôi đã làm công văn mời từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện và các ban ngành của tỉnh và huyện tới dự, công văn gửi xã báo cáo ngày khởi công, tuy nhiên do dịch Covid 19 nên lễ khởi công không thực hiện được

Về kết quả thi công từng hạng mục công trình ứng với giá trị kinh phí tính đến ngày 8/7/2022  được chúng tôi thống kê làm 2 bản.

- Bản của Hội người họ Nguyễn Việt Nam tính từ khi bắt đầu xây dựng dự án đến khi san ủi đổ cát rào tôn, tạo mặt bằng bà giao mặt bằng cho nhà đầu tư công đức thực hiện dự án với tổng kinh phí Hội đã chi và của các nhà công đức là 1.117.918.668 đ (Một tỷ một trăm mười bẩy triệu chín trăm mười tám  ngàn sáu trăm sáu mươi tám đồng) (có bản danh sách đính kèm)

- Bản kê khai của nhà đầu tư công đức xây dựng nhà thờ. Căn cứ vào hợp đồng kính tế giữa nhà đầu tư công đức ông Nguyễn Hùng Anh với nhà thầu xây dựng ông Phạm Tuấn Đạt ngày 20/6/2020 thì đến nay 14/7/2022 công trình đã đạt những tiến độ sau:

+ Nhà chính điện đạt 65%

39.600.000.000đ x 65% = 25.740.000.000đ

+ Cổng Tam quan là 75%

5.200.000.000đ x 75% = 3.900.000.000đ

+ Tường rào bên giáp với đường làng là 85%

1.500.000.000đ x 85% = 1.275.000.000đ

Tổng kinh phí nhà đầu tư công đức đã thực hiện là: 30.915.000.000đ ( Ba mươi tỷ chín trăm mười lăm triệu đồng)

Tổng số kinh phí gồm của Hội người họ Nguyễn Việt Nam và nhà đầu tư công đức là 32.032.918.668đ (Ba hai tỷ không trăm ba hai triệu chín trăm mười tám ngàn sáu trăm sáu mươi tám đồng).

6. Về xây dựng tường rào ngoài chỉ giới giao đất và các nội dung khác có liên quan

Khuôn viên nhà thờ họ nguyễn Việt Nam sau khi được UBND huyện Thuận Thành giao cho Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam mà đại diện là Hội người họ Nguyễn Việt Nam, ngay sau đó Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã cho tiến hành rào tôn xung quanh để bảo vệ và ngăn người dân ra đổ phế rác thải vào khuôn viên. Sau đó là xây tường rào bằng gạch để thay thế hàng rào tôn không bền vững. Việc xây hàng rào về phía Đông – Tây giáp với đường đê là việc sai của chúng tôi vì trong khi làm công văn xin UBND tỉnh chưa cho phép đã tiến hành làm và phần tường rào này đã lấn vào phần đất bảo vệ đê nhưng với suy nghĩ đây chỉ là hàng rào còn làm chắc thêm chân đê nên chúng tôi đã xây, tuy nhiên mới đổ được chân móng thì được Ban quản lý đê của huyện Thuận Thành lên làm việc yêu cầu dừng lại, chúng tôi đã tiếp thu và cho dừng ngay. Ngày 4/4/2022 UBND huyện Thuận Thành đã gửi yêu cầu là phá bỏ chân móng  tường rào này trước ngày 5/5/2022, chúng tôi đã thực hiện việc phá bỏ theo đúng yêu cuẩ của UBND huyện Thuận Thành.

Đến nay UBND tỉnh đã thay đổi quy hoạch, Khuôn viên nhà thờ đã nằm trong khu dân cư và theo luật đê thì hàng rào mà Hội người họ Nguyễn đã xây và phá bỏ lại nằm ngoài chỉ giới đê điều. Vậy chúng tôi có nguyện vọng và sẽ làm công văn với UBND tỉnh cho phép chúng tôi tiếp tục xây dựng lại tường rào này khi được UBND tỉnh cho phép.   

7. Thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, đề xuất

- Thuận lợi: Đó là sự ủng hộ rất chân tình của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã và người dân thôn Á Lữ trong những ngày đầu từ khi làm thủ tục khảo sát địa bàn vì tất cả đều hy vọng sẽ có một công trình văn hóa tâm linh mọc lên giữa vùng đất ao chuôm, nơi đổ phế, rác thải. Công trình được dựng xây ở đây sẽ kết hợp với khu di tích lịch sử đền và lăng Kinh Dương Vương tạo nên một quần thể đẹp, làm đẹp thêm cho quê hương đất nước, thu hút thêm người dân đến chiêm bái. Lãnh đạo thôn Á lữ lúc đó là ông Tưởng – nguyên bí thư thôn Á Lữ đã nói với chúng tôi trong ngày gặp mặt là sẽ cùng Hội người họ Nguyễn Việt Nam xin đất xây chùa cho dân làng vì đã bao năm nay họ xin mà chưa được. Những nhà có mộ chí trong khuôn viên nhà thờ đều nhất trí di dời phần mộ chí của gia đình nhà mình ra khỏi khuôn viên nếu đụng đến nền móng của các hạng mục công trình và họ đã ký vào biên bản trong cuộc họp giữa người dân thôn Á Lữ với lãnh đạo Hội người họ Nguyễn Việt Nam ngày 21/9/2019.

Sau khi nhận được đất lập hàng rào tôn, nhà công đức đưa máy móc xây dựng hiện đại về san ủi, đổ cát, đổ bây và đưa các cọc bê tông về nhồi cọc trong không khí phấn khởi của người dân thôn Á Lữ, hội viên Hội người họ Nguyễn Việt Nam. Tiến độ thi công liên tục được cập nhật trên các trang mạng xã hội của Hội. Điều này đã động viên các cấp lãnh đạo và hội viên trong Hội và đặc biệt là nhà đầu tư công đức.

Trên công trường nhà thầu xây dựng thực hiện theo tiến độ và chất lượng công trình. Tất cả mọi tiến độ thi công được diễn ra thuận lợi.

- Khó khăn: Cuối năm 2019 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid 19  công trình phải tạm dừng thi công,  lúc được thi công thì vật liệu khó nhập làm chậm tiến độ.

Từ năm 2021 Ban lãnh đạo chính quyền mới lên thay lãnh đạo chính quyền cũ đã hết nhiệm kỳ chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng tới tiến độ và tâm lý của lãnh đạo Hội người họ Nguyễn cũng như nhà đầu tư công đức đó là:

+ Việc giải tỏa các ngôi mộ trong khuôn viên nhà thờ không thực hiện được, mặc dù chúng tôi đã gặp và trao đổi với người dân có mộ, tăng phí dịch vụ di dời lên nhiều lần nhưng kết quả chỉ được một gia đình di dời mộ của gia đình họ.

+ Trong thôn Á Lữ đã nảy sinh một số phần tử không ủng hộ Dự án xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam. Theo họ yêu cầu họ Nguyễn phải bồi thường số đất phế thải, rác thải mà người dân đã đổ xuống các ao trong khuôn viên và cho rằng việc xây nhà thờ ở đây là của một nhóm người muốn lấy tiền nhang khói của người đi lễ là mục đích chính, sau đó với sự trợ giúp rất nhiệt tình  của ông Vương Hữu Tấn là một cán bộ nghỉ hưu có quê hương tại thôn Á Lữ cùng một số phần tử quá khích đã yêu cầu Hội người họ Nguyễn Việt Nam sau khi xây dựng xong nhà thờ phải bàn giao nhà thờ đó cho thôn Á Lữ để làm chùa của làng cả về phần pháp lý và quản lý. Trong buổi họp với người dân Á Lữ (mà thực chất chỉ là một số phần tử quá khích) ngày 19/12/2021 do Đảng ủy và UBND xã Đại Đồng Thành cùng chi ủy thôn Á Lữ tổ chức ông Vương Hữu Tấn đã đứng lên đọc những yêu cầu trên cho thư ký hội nghị chép vào biên bản rồi yêu cầu lãnh đạo Hội người họ Nguyễn Việt Nam ký vào. Việc làm đó là sai trái  chẳng khác gì đi cướp thành quả của cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam mà đại diện là Hội người họ Nguyễn Việt Nam nên lãnh đạo Hội đã không chấp nhận và rời cuộc họp ra về. Không đạt được mục tiêu, ông Vương Hữu Tấn đã cùng một số phần tử quá khích làm đơn kiến nghị đi khắp mọi nơi nhưng vẫn không đạt được mục đích. Cuối cùng những người này đã gửi đơn lên thanh tra chính phủ, thanh tra Đảng … Theo chúng tôi đây không phải là những người đại diện cho người dân Á Lữ mà chỉ là một số rất ít người trong thôn Á Lữ mà thôi. Chúng tôi được biết rất nhiều người dân Á Lữ phàn nàn về việc làm của tốp người này.

Việc này đã ảnh hưởng đến tâm trạng đặc biệt là của nhà đầu tư công đức xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam và đã gây mất đoàn kết trong nội bộ dân trong thôn Á Lữ, gây ảnh hưởng cản trở đến việc giải phóng các ngôi mộ trong khuôn viên nhà thờ...

+ Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn sau dịch Covid và chiến tranh Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công của nhà thờ vì thép dùng cho việc xây dựng nhà thờ đều là thép nhập khẩu mác 500, mấy tháng sau dịch Covid nhà đầu tư công đức mới nhập được.

- Kiến nghị: Đề nghị các cấp chính quyền và nhất là lãnh đạo thôn Á Lữ hiểu rõ công việc của chúng tôi, giúp đỡ động viên chúng tôi hoàn thành được dự án mà Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các cấp lãnh đạo cũ đã phê duyệt vì đây chỉ là một công trình công cộng góp phần làm tô đẹp thêm cho quê hương đất nước. Đây không chỉ là nhà thờ của riêng họ Nguyễn mà có thể coi là nhà thờ của bách gia trăm họ Việt Nam.

Tiếp tục để họ Nguyễn chúng tôi xây dựng tới thành công công trình công cộng tâm linh này vì còn rất nhiều hạng mục cần phải xây dựng và  phần nội thất của công trình là rất nhiều kinh phí.

Ủng hộ giúp đỡ chúng tôi trong việc giải phóng các ngôi mộ còn nằm trong khuôn viên nhà thờ.

- Đề xuất: Cho phép chúng tôi được xây dựng tường rào phía đê để cho cân đối, ngăn được việc đổ rác phế thải vào khuôn viên nhà thờ vì hiện nay khu nhà thờ đã nằm trong diện khu dân cư nên vành đai bảo vệ đê đã được thu hẹp còn 5m cách chân đê nên việc xây tường này không ảnh hưởng đến chân đê, làm cân đối, làm đẹp cho khuôn viên nhà thờ và quần thể di tích lịch sử đền, lăng Kinh Dương Vương. Phần đất trong tường rào chúng tôi sẽ trồng hoa cây cảnh tạo nên một khuôn viên đẹp.

Dẹp yên những phần tử quá khích làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam. Những điều trong đơn từ của những người quá khích không đúng sự thật có thể ghép vào tội vu khống, bôi nhọ người khác gây mất đoàn kết trong nội bộ người dân Á Lữ và các cấp chính quyền ảnh hưởng không tốt đến tiến độ công trình.

 III. Cung cấp bổ sung các hồ sơ tài liệu có liên quan đến Mục I và II nêu trên để chứng minh

- Những văn bản có liên quan đến dự án xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam chúng tôi đã cấp cho Thanh tra theo công văn 03/2022/HNHNVN ngày 27/6/2022. Vậy xin được miễn cấp lại ở đây

- Chúng tôi xin gửi Thanh tra bộ hồ sơ Dự án với các bản photo có dấu của Hội người họ Nguyễn Việt Nam

- Chúng tôi xin gửi Thanh tra 1 USB trong đó có các video về các Đại hội, hội nghị và một số hình ảnh về hoạt động của Hội ngời họ Nguyễn Việt Nam trước đây nay là Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam để làm bằng chứng về sự ra đời và quá trình hoạt động của Hội.

Vậy Hội người họ Nguyễn Việt Nam đại diện cho Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam làm báo cáo này kính gửi Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, rất mong Thanh tra hiểu rõ về Dự án nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành để xem xét cho nguyện vọng của Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam  mà đại diện là Hội người họ Nguyễn Việt Nam về việc xin đất xây dựng nhà thờ dòng họ để cho công cuộc xây dựng nhà thờ trên mảnh đất đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện, xã, thôn cấp cho cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam thành công, tạo nên một công trình tô đẹp thêm cho quần thể di tích lịch sử đền và lăng Kinh Dương Vương .

Trân trong cảm ơn!

                                                                      Thay mặt Cộng đồng họ Nguyễn Việt Nam

                                                                        Chủ tịch Hội người họ Nguyễn Việt Nam

Nơi nhận: - Như trên

                         - Lưu vp

                                   

 

                                                                                     Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh