Video
Công đức
Sách: DI SẢN VĂN HÓA DÒNG HỌ (NXB Hồng Đức XB 2016)

LỜI NÓI ĐẦU:

Đền thờ là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố.

Nhiều đền thờ dành cho các thần thánh trong tôn giáo hoặc tín ngưỡng địa phương. Chẳng hạn ở Ai Cập cổ đại có các đền thờ chư thần (như đền thần Isis ở Philae) hoặc đền thờ pharaon, còn ở Hy Lạp có đền thờ các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp như đền Delphi thờ thần Apollo.

Trước khi các tôn giáo lớn định hình trên mảnh đất hình chữ S, người Việt đã phát triển tín ngưỡng thờ cúng của riêng mình. Nơi thờ cúng ngoài bàn thờ gia tiên thì thường được thực hiện ở các đền thờ.

Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng lên theo một câu chuyện có thực hoặc theo truyền thuyết dân gian.

Các vị thần được thờ biểu hiện sâu xa của một thứ tín ngưỡng tôn giáo ban đầu của loài người. Song trong quá trình phát triển chung của xã hội nó đã được ghép thêm một nội dung mang tính chất nêu cao tính dân tộc giống nòi, đó là nội dung chính liên quan đến thời kỳ tiền sử Thuỷ tổ Kinh Dương Vương, Quốc tổ Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ và các Hùng Vương mà trong tài liệu thần tích đã phản ánh.

Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở Á Lữ- Thuận Thành-Bắc Ninh, đền Quốc tổ Lạc Long Quân ở đồi Sim tỉnh Phú Thọ, đền Tổ Mẫu, Quốc Mẫu Âu Cơ và đền Hùng ở Phú Thọ, đền Côn Sơn Kiếp Bạc ở Hải Dương, đền Trần ở Thái Bình, Nam Định, đền Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành ở cố đô Hoa Lư Ninh Bình… thờ các vị Thuỷ tổ thời kỳ tiền sử lập nước, dựng nước và các anh hùng dân tộc.

Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh ở Hà Nội, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Và ở Ba Vì…thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.

Đền thờ nào cũng vậy, là thờ một vị thần, vị thánh, một vĩ nhân cụ thể, có bài vị hoặc tượng của vị thần, vị thánh, vĩ nhân được tôn thờ tại đó. Mỗi đền thờ có ngày lễ, ngày hội riêng. Người dân Việt Nam thường đến đây để làm lễ thờ cúng. Trước hết là thể hiện sự tri ân, sự ngưỡng vọng, tấm lòng thành kính của mình với công trạng, sự linh thiêng của vị thần, vị thánh, vĩ nhân, để từ đó gửi gắm niềm tin cậy, mong chờ và cầu xin những điều mình mong muốn. Việc đi lễ này đã thành tín ngưỡng của người Việt. Đó là một nét đẹp văn hóa, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt Nam. Bởi những vị thánh thần đó, những vĩ nhân đó dù họ là những nhân vật có thật - những vị thần nhân, hoặc là những thiên thần, đều là những người có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Họ Nguyễn Việt Nam rất tự hào vì có Thuỷ tổ người Việt - Kinh Dương Vương cũng là Thuỷ tổ của Họ Nguyễn (Hiệu của Người là Nguyễn Quảng) có cha là Nguyễn Minh Khiết (Theo “Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư”) và các con cháu của Người là Quốc tổ Lạc Long Quân và các Vua Hùng đã có công lập nước và dựng nước. Nhiều vị Thánh mang họ Nguyễn như Đức Thánh Tản Viên – Nguyễn Tuấn, Cao Sơn Đại Vương – Nguyễn Hiền, Quý Minh Đại Vương – Nguyễn Sùng … và rất nhiều anh hùng dân tộc, vĩ nhân họ Nguyễn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hiền, Nguyễn Biểu, Nguyễn Xí, Lý Quốc Sư – Nguyễn Minh Không…và ngày nay là Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc)… được người Việt lập đền thờ.

Họ Nguyễn Việt Nam còn có các triều vua như Quang Trung Nguyễn Huệ, Nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn đã để lại cho Việt Nam và cả thế giới một di sản văn hoá đồ sộ đó là Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm Cung đình và những Lăng tẩm.

Lăng tẩm là những kỳ quan được thiết kế xây dựng rất kỳ công trong những không gian hoành tráng hùng vĩ, là sự kết hợp hài hòa của kiến trúc với những cảnh quan thiên nhiên, có giá trị thẩm mỹ cao và mang đậm cá tính của mỗi vị vua. Các lăng tẩm phản ánh hình thái tâm linh, quan niệm vĩnh cửu và huyền bí phương Đông. Đây được coi như là một cung điện thứ hai của nhà vua khi về thế giới bên kia. Trong 13 vị vua triều Nguyễn, 12 vị đều có nơi an nghỉ lộng lẫy. Đến Huế chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự hoành tráng khi ngắm nhìn lăng Khải Định, Tự Đức, Minh Mạng…Và ngày nay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-Nguyễn Ái Quốc lộng lẫy toạ lạc trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội hàng ngày biết bao con người trong và ngoài nước đến chiêm bái, cảm phục.

Người viết cuốn “Những đền thờ, Lăng và Cung điện họ Nguyễn Việt Nam” này với một nguyện ước đem lại cho những người cùng mang họ Nguyễn ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở nước ngoài và cả những bạn đọc không mang họ Nguyễn có được những hiểu biết về những đền thờ, cung điện, lăng tẩm họ Nguyễn ở Việt Nam, lịch sử hình thành, quy mô, nội dung và diện mạo của khuôn viên cũng như các ngày lễ, ngày giỗ và ngày hội của từng đền thờ các vị thần, thánh và vĩ nhân mang họ Nguyễn. Qua đây có thêm được những hiểu biết về lịch sử của dòng họ Nguyễn Việt Nam và khơi dậy niềm tự hào về dòng họ, về dân tộc Việt Nam. Từ đó khích lệ chúng ta trong cuộc sống, biết tôn vinh, giữ gìn bảo tồn các di sản văn hoá dòng họ, có tinh thần thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau, xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Cuốn sách “Những đền thờ, Lăng và Cung điện họ Nguyễn Việt Nam” được viết theo trình tự thời gian, có thể được coi là những địa chỉ du lịch tâm linh, người đọc dễ tìm đến đúng địa chỉ đúng thời điểm lễ hội để thỏa chí nguyện ước của mình.

Ngày nay du lịch tâm linh đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, trong đó người thăm quan rất muốn biết về lai lịch cũng như tầm vóc của di tích được đem lại từ sự hiểu biết của các hướng dẫn viên. Do đó cuốn sách này có thể là cẩm nang cho các hướng dẫn viên du lịch có thêm tài liệu bổ xung kiến thức để hướng dẫn cho du khách – là phần không thể thiếu và đầy hấp dẫn trong các tua du lịch.

Trong cuốn “Những đền thờ, Lăng và Cung điện họ Nguyễn Việt Nam” có sử dụng những tư liệu trong dân gian, trong các ngọc phả còn lưu giữ ở một số đền thờ, chùa, miếu, trên mạng, hoặc các tác phẩm sử ký, truyện ký đã có sự chỉ dẫn rõ ràng. Cũng có thể còn có sự thiếu sót trong các chỉ dẫn này. Vậy có gì sai sót xin thành thật xin lỗi các tác giả của các tư liệu trên.

Về Thuỷ tổ Kinh Dương Vương là người họ Nguyễn (Nguyễn Quảng) ngoài cuốn “Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư” còn có các tác phẩm nhắc tới như “Nam bang thuỷ tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2012, cuốn “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của tác giả Bùi Văn Nguyên – NXB Khoa học xã hội, năm 2000,  cuốn “Trường ca tiền sử Việt Nam” của Đỗ Văn Bình do NXB Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2014. Dựa vào những chứng tích đó, Hội người họ Nguyễn Việt Nam suy tôn Kinh Dương Vương là Thuỷ tổ của họ Nguyễn Việt Nam để tôn thờ. Đây là việc làm bình thường của những người có cùng chí hướng nhớ và tôn thờ các vị Tổ tiên của mình, điều này không ảnh hưởng tới tín ngưỡng của người khác và mong những người không cùng quan điểm xin được vui lòng.

Cuốn sách lần đầu tiên được ra đời, không khỏi có những thiếu sót nên rất mong được sự ủng hộ, góp ý của các độc giả. Mọi sự góp ý xin gửi về Ban chấp hành Hội người họ Nguyễn Việt Nam 45 Kim Mã Ba Đình Hà Nội hoặc Mail: nguyenkiem@yahoo.com

Xin trân trọng cảm ơn!