Video
Công đức
Sách: DI SẢN VĂN HÓA DÒNG HỌ (NXB Hồng Đức XB 2016)

CHƯƠNG III: NHỮNG ĐỀN THỜ VỀ CÁC VỊ THÁNH KHÁC CỦA HỌ NGUYỄN

3.1. Đền thờ ông hoàng Mười (Nguyễn Xí ) ở Nghệ An

Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười

Ngôi đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.

Đền cả, còn gọi là Dinh Đô Quan Hoàng Mười: theo sắc phong bảo lưu thì Dinh Đô được xây dựng vào năm 1060 thời nhà Lý (Sắc phong của vua Lý Thánh Tông)

Về sau được trùng tu bởi thời nhà Lê bởi (Sắc phong vua Lê Ý Tông 1726) và đến triều nhà Nguyễn 1427 trùng tu toạ lạc vùng Mỏ Hạc Linh Từ, là ngã ba giao nhau giữa sông Minh Giang (xưa là kênh nhà Lê)&,sông La và sông Lam 

Xưa kia thuộc làng cổ "Minh Lang Minh Lương Vân Chàng " thời nhà Lý thuộc bộ Việt thường cổ Vương quốc kinh đô ngàn Hống cư dân bộ lạc Việt thường quốc bên cạnh Sông La, Kênh nhà Lê (sông Minh giang) và Sông Lam (Cựu Đô Ngàn Hống) của cư dân bộ lạc Việt Thường dưới chân núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, (cựu Đô) (Ngàn Hống)  nay là Hồng Lĩnh có 199 ngọn (Theo Ngọc Phả Hùng Vương hiện lưu giử tại bảo tàng Hùng Vương)

Ngày xưa ngôi đền toạ lạc nơi ngã ba sông vào chính lễ quan binh,hương,lý và nhân dân cả tổng xứ Nghệ an châu trấn:Tập trung về dự đại yết nên nhân dân trong vùng quen gọi là Đền Cả nay thuộc tổ dân phố Hầu Đền (có Hói Cửa Đền) Phường Trung Lương Thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh

Dinh Đô Quan Hoàng Mười hiện nay gần như bị phế tích hoàn toàn.

Hiện nay, ngôi mộ (ý niệm mộ vọng) của ông Hoàng Mười nằm trong quần thể di tích của đền.

Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười.

Cùng với ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười là một trong số các ông Hoàng hay về ngự đồng nhất. Theo tín ngưỡng thờ Tứ phủ thì ông Hoàng Mười thuộc địa phủ, là người có tài về văn chương, thơ ca, điều binh khiển tướng... và lúc chấm đồng cũng thường được các thanh đồng hầu theo những đặc điểm trên.

Ngoài lễ hội chính diễn ra vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hằng năm còn có lễ hội khai điểm vào ngày rằm tháng 3. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người... Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược. ( wikipedia.org).

Theo http://nld.com.vn/ Hàng năm vào dịp đầu năm mỗi ngày đền ông Hoàng Mười đón hàng chục ngàn người dân địa phương và khách thập phương đến đi lễ. Mọi người dâng cờ quạt, bút sách, tiền vàng... để cầu tài cầu lộc, cầu mong bình yên, cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

3.2. Đền thờ ông hoàng Bẩy ở Bảo Hà, Lào cai

Ông Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa... lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”.

Ông Bảy là Ông Hoàng hay ngự về đồng nhất, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, ông rất hay chấm lính bắt đồng (có quan niệm cho rằng, những người nào mà sát căn Ông Bảy thì thường thích uống trà tàu, hay đánh tổ tôm, xóc đĩa...). Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi thuốc lá có tẩm thuốc phiện.

Đền thờ Ông Hoàng Bảy được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại là Đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà). Ngày tiệc chính của ông là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông tập nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu (kẹo lạc)... (www.dothotuongphat.vn; )

Theo http://www.anninhthudo.vn/:Ông Hoàng Bảy thực sự là ai cho đến nay vẫn là một bí ẩn, dù trong dân gian có nhiều câu chuyện truyền kỳ khác nhau giải đáp điều này. Người Bảo Hà chỉ biết ông Hoàng Bảy là “thần vệ quốc” - một vị anh hùng của miền sơn cước từng đánh giặc phương Bắc bảo vệ nhân dân. Khi ông mất, đền thờ ông được xây dựng trên ngọn núi Cấm, quay mặt ra phía sông Hồng, đúng thế “tựa sơn đạp thủy” để “trấn yểm” cho vùng đất biên giới được bình yên, thịnh vượng. 
Một trong số các truyền thuyết kể rằng, vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vỹ và Châu Văn Bàn (thuộc Yên Bái, Lào Cai hiện nay) thường xuyên bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, khắp vùng loạn lạc, cư dân điêu tàn. Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến đấu không cân sức, tướng Hoàng Bảy anh dũng hy sinh. Thi thể ông trôi theo dòng sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt xác, an táng ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của vị anh hùng.

Theo ông Phạm Văn Chiến - Trưởng ban quản lý đền Bảo Hà, đó chỉ là truyền thuyết, còn không ai biết ông Hoàng Bảy chính xác là ai, quê quán ở đâu và cũng không rõ năm sinh năm mất của ông. Hiện nay, trong đền Bảo Hà còn một bộ trống âm dương và một chuông đồng cổ với hoa văn rất tinh xảo. Theo ông Chiến, đó là hai bảo vật của đền, vừa mang tính tâm linh, vừa mang tính văn hóa lịch sử. “Trống và chuông cổ có từ bao giờ thì tôi không được biết, chỉ biết rằng, nó có từ rất lâu rồi. Đó là hai vật thiêng của đền Bảo Hà và có mối liên hệ mật thiết với cá nhân ông Hoàng Bảy”, ông Chiến nhận định.

3.3. Đền thờ Lâm Cung Thánh Mẫu (林宮聖母) hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn.

3.3.1. Tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian trong đời sống văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như trời, đất, sông nước, rừng núi..) hay thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các vị thần tự nhiên với hình ảnh của các nữ thần Mẹ.

Theo thời gian khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị Thánh Mẫu như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu… hoặc Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ… hay Vương Mẫu như người mẹ của Thánh Gióng được tôn vinh là Vương Mẫu…

Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở người Việt đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ với Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ hay Tứ phủ - có thêm Địa phủ. Mẫu Thượng Thiên, còn gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp gồm có: Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.

Đó chính là 4 vị nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước. Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú.

Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở nhiều nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ thuộc tỉnh Bắc Giang và Bắc Lệ, thuộc tỉnh Lạng Sơn. Mẫu Thủy, có khi gọi chệch là Mẫu Thoải - còn gọi là Mẫu Đệ Tam cai quản miền sông nước.

Mẫu Thoải gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa, liên quan trực tiếp tới Thủy Tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Mẫu Địa cai quản đất đai và đời sống sinh vật.

Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành - đó là Đạo Mẫu. So với tín ngưỡng thờ nữ thần, với các phủ, các hàng (hàng Cô, Cậu….) tương đối lớp lang, rõ rệt

Điện thần của Đạo Mẫu có hàng chục vị thần linh nhưng đều quy tụ dưới sự điều khiển củ Tam Toà Thánh Mẫu, trong đó có một vị thần Mẫu cao nhất, mang tư cách như một vị giáo chủ, đó là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem như là một hoá thân của Mẫu Thượng Thiên.

Trong điện thần của tín ngưỡng thờ mẫu, Tam Toà Thánh Mẫu được thờ chung một hàng ngang với thứ bậc vị trí rõ ràng: Mẫu Thượng Thiên choàng khăn màu xanh, bên phải là Mẫu Thoải choàng khăn màu trắng.

Khi Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, bà được đề cao, mang tư cách là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên. Ở Phủ Giầy, Nam Định tương truyền là quê hương của Mẫu Liễu từ lâu đã trở thành trung tâm thờ Mẫu của người Việt. Những nghi lễ của Đạo mẫu đã bước đầu được chuẩn hoá, trong đó nghi lễ hầu đồng là một điển hình.(http://phunutoday.vn/)

3.3.2. Lâm Cung Thánh Mẫu (林宮聖母) hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Bà được tạc thành hình một phụ nữ đẹp, phúc hậu, ngồi ở tư thế thiền, chân xếp bằng và hai tay chắp và mang trang phục màu xanh khi được đặt cùng hai vị mẫu kia là Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng trong một điện. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng hầu bóng tam phủ hay tứ phủ. 

Bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh ). Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.

La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng. Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản, ông đã dạy dân không thiếu điều gì, từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước v.v. hay dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Ông cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. Do luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc.

Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc

Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.

Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét ...

Bà dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, bà đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, bà cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là bà lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra mãi.

Bà cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, ở cha bà mới chỉ là bắt đầu. Làm nhà không những đã chắc chắn, lại còn phải biết chạm trổ cho thật đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng thế, có khắc cả hình hai đầu rồng chạm hẳn vào nhau. Cách nấu nướng thức ăn, chẳng những chỉ có kho, luộc mà còn chế thêm ra được nhiều món mới. Rồi công việc đồng áng, bà dạy mọi người cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống. Lại đi phân phát hạt giống, cho nên nơi nào cũng có cơm dẻo nếp thơm. Trong các con vật nuôi trong nhà, bà đem về thêm nhiều giống gia súc mới. Lại trồng thêm nhiều giống cây ăn quả. Rồi trồng cả những hoa thơm cỏ lạ lấy từ trên rừng núi về ...

Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn.

Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhiều người gọi bà là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.

Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của bà. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho bà là công chúa.

Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.

Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ AnThuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt ĐộngChúc ĐộngChi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.

Công chúa Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhiều người tôn thờ, và được coi là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập điện thờ, thờ phụng bà. Tuy nhiên, đại bản doanh của bà vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Mẫu Đợi ở làng Dụ Đại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để tưởng nhớ công ơn của Ngài đối với địa phương và dân tộc Việt Nam. (vi.wikipedia.org; phunutoday.vn)

3.3.3. Đền Mẫu Thượng Ngàn trên núi Chúa Đà Nẵng

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn (đền còn có tên gọi là Lĩnh Chúa Linh Từ hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Lâm Cung Thánh Mẫu) là một trong ba vị mẫu được thờ trong đền hoặc điện theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung.

Nhiều người tin rằng, cùng với nhiều vị thần thánh khác, Mẫu Thượng Ngàn đem đến sự may mắn, bình yên cho dân chúng và gọi bà là Mẫu một cách tôn kính và gần gũi.

Tọa lạc ở nơi cao nhất của núi Chúa – với độ cao 1,487m so với mặt biển, đền Mẫu Thượng Ngàn là nơi trời đất giao hòa, âm dương hội tụ thích hợp cho những chuyến hành hương tâm linh về Bà Nà Đại Ngàn.

Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Lĩnh Chúa Linh Từ là nơi tôn thờ Bà Chúa linh thiêng của cả vùng núi Bà Nà. Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú.

Theo truyền thuyết, Bà là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Lúc còn con gái, Bà có tên là La Bình. Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương, theo lệnh Ngọc Hoàng trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha trông coi tất cả các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi của nước ta. Ảnh: đền Bà Chúa Thượng Ngàn trên đỉnh Bà Nà, núi Chúa, Đà Nẵng.

Con đường dốc quanh co dẫn lên một khoảng sân rộng phía bên trái ngôi đền (bên phải ảnh). Giữa sân là ngôi nhà lục giác, hai tầng mái ngói, làm nơi an vị pho tượng Phật Di Lặc ngồi khá lớn. Sau nhà lục giác là bình phong, án trước khoảng sân nhỏ trước chính điện.

Ngôi chính điện có ba gian, ba tầng mái ngói theo kiến trúc đền miếu truyền thống. Bên ngoài đền có treo bảng sơn nền đỏ, chạm bốn chữ màu vàng bằng Hán tự “Lĩnh chủ linh từ” (Đền Bà chúa Thượng Ngàn).

Ngôi đền mới cất vài năm nay nhưng được chăm chút kỹ lưỡng các chi tiết theo kiến trúc đền miếu cổ bằng gỗ quý. Cả 26 góc mái và đầu giông của ngôi nhà lục giác và chính điện đều có đầu rồng chạm trổ khá chi tiết.

Bên trong điện, ba gian đều có bàn thờ chư vị thánh mẫu. Bên trên mỗi hương án đều có hoành phi Hán tự sơn son thếp vàng: Lâm Tuyền Dục Tú (gian giữa), Cầu Chi Tất Ứng (bên trái) và Đảo Chi Tất Thông (bên phải). (baomoi.com)

Có khách vãn cảnh bồng lai chốn linh thiêng thờ đền bà chúa Thượng ngàn và chùa Linh ứng, đã thốt lên rằng :

Chót vót xa trông mây lớp mây
Bà Nà núi Chúa hẳn là đây
Chuông ngân thánh thót trên đầu núi
Suối chảy rì rào dưới tán cây
Rộn rã vời nghe cơn sóng vỗ
Đìu hìu lặng ngắm cánh chim bay
Dấu thơm muôn thuở còn ghi để
Linh Ứng vang đồn Đông lại Tây.( dulichgo.blogspot.com)

3.3.4. Đền Cấm - ngôi đền linh thiêng ở  Tuyên Quang

Cùng tuyến với núi Dùm - Cổng Trời, Đền Cấm là một trong 3 ngôi đền linh thiêng của tỉnh Tuyên Quang hàng năm thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Đền Cấm ngự trên lưng núi Cấm với kiến trúc độc đáo, đây là ngôi đền linh thiêng được du khách trong cả nước biết đến. Nằm cách thị xã Tuyên Quang 4km, đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà (Tuyên Quang), nổi tiếng là linh thiêng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình

Đền Cấm được xây dựng trên lưng chừng núi Cấm Sơn, với không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô. Từ một ngôi miếu nhỏ, qua nhiều đợt trùng tu, nâng cấp, đến nay đền Cấm có kiến trúc khang trang. Đền Cấm thờ phụng Thánh Mẫu thượng ngàn. Núi Cấm Sơn là một đỉnh núi trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có Cổng trời là một thắng cảnh đẹp được nhiều du khách biết đến. Cạnh đền một dải nước len lỏi qua những triền đá dốc. Trong đền có một chiếc giếng nhỏ gọi là giếng Cô không bao giờ cạn. Người dân ở đây truyền tai nhau rằng, ai uống nước giếng Cô thì sẽ luôn khỏe mạnh.

Gian giữa đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu; phía trên án thờ treo bức Đại tự Linh Lâm miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “tối linh từ” (Đền rất linh thiêng). Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng. Bà Chúa Thượng ngàn tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ tì lư, khoác áo choàng màu xanh của núi rừng. Khuôn mặt bà chúa toát lên vẻ vị tha, nhân ái. Phía dưới án là ban thờ ngũ hổ tướng quân, oai phong lẫm liệt, thể hiện sức mạnh thiên nhiên, quan niệm về âm dương ngũ hành. Hằng năm đền có các ngày lễ: Mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng nguyên, giải hạn; mùng 2 tháng 5, ngày Bà chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng 4 lễ vào hè, cầu mát; ngày 16 tháng 2 và tháng 7 lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu.

Du khách đến đền Cấm không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm cảnh đền với dải núi non trùng điệp mà còn rất thích mua những sản vật của địa phương như: mật o¬ng rừng, măng khô, nấm hương, phấn hoa, gà chọi, gà mèo, gà tre, lợn lửng, cua đá, cơm lam, gạo nương; các loại rượu thuốc ngâm rễ mật gấu, sâm cau, sâm cò khỉ, tầm gửi nghiến, bánh củ chuối rừng. Bánh củ chuối rừng được làm từ tinh bột củ chuối rừng chộn thêm bột gạo nếp. Nhân bánh có đỗ xanh, cùi dừa nạo, thêm một ít thịt mỡ luộc tẩm đường phơi khô. Ăn bánh có vị chua, ngọt, thơm của chuối rừng, ngậy bùi của nhân bánh. Vì thế được rất nhiều du khách ưa thích. (baomoi.com)

3.3.5.Đền Bắc Lệ Lạng Sơn

Đền Bắc Lệ  nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn (nữ thần núi - là nữ thần trông coi và cung cấp, ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người), ngoài ra đối tượng được suy tôn trong đền còn là Chầu Bé - một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, là các cô, các cậu...trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

 Lễ hội đền Bắc Lê được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm với các hoạt động mang đậm nét văn hóa tâm linh như lễ rước cô Bơ Bắc Lệ từ đền Kẻng lên đền Bắc Lệ (cô Bơ đến hầu Đức Mẫu Thượng Ngàn), các nghi thức thờ cúng Mẫu, nguyện cầu, lên giá đồng....thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia.

  Đền Bắc Lệ đã có từ rất lâu đời, trải qua năm tháng ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo lại nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc và những di vật cổ có giá trị như 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối qua các đời được chạm trổ tinh tế. Nét độc đáo nhất của đền Bắc Lệ nằm ở chỗ đối tượng được suy tôn trong đền là Bà Chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thủy (Mẫu Thoải) cai quản miền sông nước. Đền còn tôn thờ Chầu Bé, theo dân gian Chầu Bé là một nhân vật có thật từng sống trong vùng, có thể thay mặt Đức Mẫu thực hiện và đáp ứng những lời nguyện cầu của người dân.

Cùng với sự linh thiêng và những hoạt động lễ hội mang tính chất tâm linh sôi nổi, lễ hội đền Bắc Lệ luôn thu hút được rất nhiều người dân và du khách gần xa tới tham quan, cầu nguyện. (langson.gov.vn)

Lễ hội gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân,... bằng giấy. Cỗ tam sinh cho ban Công đồng, ban Ngũ vị tôn ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu,... Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế.

Trong ý thức của người dân địa phương, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm. Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhà đền tổ chức ăn uống tại đền. Đến nay, người dân chỉ tổ chức vào buổi chiều ngày 20, mọi người cùng tập trung dùng đại tiệc với quan niệm "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần". Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu - người Mẹ linh thiêng của dân tộc.(lehoi.cinet.vn)

3.3.6. Đền Mẫu Đồng Đăng Lạng Sơn

 Đồng Đăng có phố Kì lừa
 Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
 Ai lên xứ Lạng cùng anh
 Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...”

Câu ca dao da diết trong lòng bất cứ du khách nào đã từng đôi lần đặt chân đến Lạng Sơn. Nhưng Đồng Đăng không chỉ nổi tiếng bởi phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh, nơi đây còn thu hút du khách bởi đền Mẫu, một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên một quả núi, gần chợ Đồng Đăng.

Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách tới đây nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên “Đồng Đăng linh tự”, là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn. Từ xa xưa, nơi đây là một ngôi chùa. Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu.... Đây là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam (http://mytour.vn)

   Lễ hội đề Mẫu được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cầu mong sự an bình thịnh vượng với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu  các môn thể thao như Đẩy gậy, Kéo co, Ném còn...và hoạt động ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc sản tiêu biểu của Xứ Lạng: Lợn quay, Vịt quay, Khau nhục, Phở chua, Mía…Vào ngày chính hội, hàng chục nghìn du khách từ khắp nơi cùng đến đây để dự lễ, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống

 Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng đặc sắc đã thực sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh nơi cửa ngõ phía Bắc nước ta mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Xứ Lạng. (langson.gov.vn)