Video
Công đức
Sách: DI SẢN VĂN HÓA DÒNG HỌ (NXB Hồng Đức XB 2016)

CHƯƠNG VI: NHỮNG CUNG ĐIỆN HỌ NGUYỄN

6.1. Hoàng thành Huế

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.

Kiến trúc

 Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.

Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.

Hoàng Thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó trục chính giữa được bố trí các công trình chỉ dành cho vua. Các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc (tính từ trong ra): "tả nam hữu nữ", "tả văn hữu võ". Ngay cả trong các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự "tả chiêu hữu mục" (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian).

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm. Mặc dù quy mô của mỗi công trình có khác nhau, nhưng về tổng thể, các cung điện ở đây đều làm theo kiểu "trùng lương trùng thiềm" (hay còn gọi là "trùng thiềm điệp ốc" - kiểu nhà kép hai mái trên một nền), đặt trên nền đá cao, vỉa ốp đá Thanh, nền lát gạch Bát Tràng có tráng men xanh hoặc vàng, mái cũng được lợp bằng một loại ngói đặc biệt hình ống có tráng men thường gọi là ngói Thanh lưu ly (nếu có màu xanh) hoặc Hoàng lưu ly (nếu có màu vàng). Các cột được sơn thếp theo mô típ long-vân (rồng-mây). Nội thất cung điện thường được trang trí theo cùng một phong cách nhất thi nhất họa (một bài thơ kèm một bức tranh) với rất nhiều thơ bằng chữ Hán và các mảng chạm khắc trên gỗ theo đề tài bát bửu, hay theo đề tài tứ thời).

Các khu vực bên trong Hoàng thành

Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.

Khu vực cử hành đại lễ, gồm các công trình:

Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành - nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới).

Điện Thái Hòa - nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quanglễ Vạn Thọlễ Quốc Khánh...

Khu vực các miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm:

Triệu Tổ Miếu ở bên trái thờ Nguyễn Kim.

Thái Tổ Miếu thờ các vị chúa Nguyễn.

Hưng Tổ Miếu ở bên phải Nguyễn Phúc Luân.

Thế Tổ Miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn.

Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).

Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạđiện Khâm văn... (phía sau, bên trái).

Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)

Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như:

Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều).

Điện Càn Thành (chỗ ở của vua).

Điện Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi),

Điện Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương),

Nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)...

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu.

6.2. Tử cấm thành

Tử Cấm thành (紫禁城) thuộc quần thể di tích cố đô Huế là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm thành có vị trí sau lưng điện Thái Hòa, được khởi xây năm Gia Long thứ 3 (1804) gọi là Cung thành (宮城) và các vua triều Nguyễn xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822)[1], vua đổi tên là Tử Cấm thành, nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó biến động qua các thời kỳ lịch sử.

Kiến trúc

Không gian kiến trúc Hoàng thành và Tử Cấm thành có mối liên quan chặt chẽ với nhau về sự phân bố vị trí của các công trình dựa theo chức năng sử dụng. Tử Cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành, cả hai vòng thành này với một hệ thống cung điện ở bên trong thường được gọi chung là Hoàng cung hay Đại Nội.

Xét về bình diện, Tử Cấm thành là một hình chữ nhật có cạnh là 324 x 290,68m, chu vi là 1.229,36m, thành cao 3,72m, dày 0,72m xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Về kiến trúc, Tử Cấm thành cũng như Đại Nội có những điểm chính sau

  • Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc chặt chẽ và đăng đối. Các công trình đều đối xứng từng cặp qua trục chính (từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự) và ở những vị trí tiền, hậu; thượng, hạ; tả, hữu; luôn nhất quán (tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục). Con số 9 và 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì theo Dịch lý, con số ấy ứng với mạng thiên tử.
  • Bố cục của hệ thống Hoàng cung biểu hiện rõ tư tưởng độc tôn quân quyền. Tử Cấm thành là một tiểu vũ trụ của hoàng gia, trong đó đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt: ăn ở, làm việc, học tập, nghỉ ngơi, giải trí, điện Càn Thành là nơi vua ăn ngủ tọa lạc tại trung tâm của vũ trụ đó.

Tử Cấm thành có 7 cửa: nam là Đại cung (Đại Cung môn) kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, lợp ngói hoàng lưu ly; đông là của Hưng Khánh và cửa Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía đông Duyệt Thị Đường, ở mặt này cũng mở thêm cửa Cấm Uyển nhưng rồi lại lấp; tây là cửa Gia Tường và Tây An; bắc là cửa Tường Loan và Nghi Phụng (trước năm 1821 mang tên Tường Lân), dưới thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn Phòng mở thêm cửa Văn Phòng.

Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, phân chia làm nhiều khu vực. Đại Cung môn là cửa chính vào Tử Cấm thành được xây vào năm 1833. Sau Đại Cung môn là một sân rộng rồi đến điện Cần Chánh, là nơi vua làm việc và thiết triều. Cách bố trí, sắp đặt trong điện Cần Chánh cũng tương tự điện Thái Hòa, gian giữa đặt ngai vua, tả hữu treo bản đồ thành trì các tỉnh.

Hai bên điện Cần Chánh có nhà Tả Vu, Hữu Vu là nơi các quan ngoài chờ và sửa sang, chỉnh đốn quan phục trước khi thiết triều. Nhà Tả Vu dành cho các quan văn, nhà Hữu Vu dành cho các quan hàng võ.

Chái bắc Tả Từ Vu là viện Cơ Mật, chái nam là phòng Nội Các, nơi đây tập trung phiến tấu của các Bộ, nha trình vua ngự lãm. Sau lưng điện Cần Chánh trở về bắc là phần Nội Đình là khu vực ăn ở, sinh hoạt của vua và gia đình cùng những người phục vụ. Điện Càn Thành là nơi vua ở, trước điện có cái sân rộng, ao sen và bức bình phong chắn điện Càn Thành và điện Cần Chánh.

Cung Khôn Thái nằm ở phía bắc điện Càn Thành, bao gồm điện Khôn Thái, điện Trinh Minh... là nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng Quý Phi và các phi tần mỹ nữ thuộc Nội Cung. Nguyên dưới triều Gia Long tên là cung Khôn Đức, đến triều Minh Mạng thứ 14 (1833), vua đổi tên là Khôn Thái.

Sau cung Khôn Thái là lầu Kiến Trung, trước đây là lầu Minh Viễn do Minh Mạng làm năm 1827, lầu có 3 tầng cao 10.8m, lợp ngói hoàng lưu ly, trên lầu có kính viễn vọng để vua quan sát cảnh từ xa. Năm Tự Đức thứ 29, lầu Minh Viễn bị triệt giải, đến năm 1913, vua Duy Tân cho làm lại lầu khác theo kiểu mới gọi là lầu Du Cửu. Năm Khải Định thứ nhất (1916), cải tên lại là lầu Kiến Trung.

Ngoài những công trình chính trên được sắp đặt trên một đường thẳng sau cửa Đại Cung, Tử Cấm thành còn có những cung điện, lầu tạ khác hai bên tả hữu là khu vực phục vụ việc ăn uống, sức khỏe và giải trí của vua và hoàng gia như: Thượng Thiện đường, Thái Y viện, Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Uyển, gác Đông Các, Tu Khuê tơ lầu, điện Quang Minh (chỗ ở của Đông Cung hoàng tử), điện Trinh Minh (chỗ ở của các bà phi), viện Thuận Huy (chỗ ở của các bà Tân), Duyệt Thị đường, lục viện...Ngoài ra, còn có một số công trình kiến trúc khác dành cho tín ngưỡng tâm linh như chùa thờ Phật, miếu thờ trời, tinh tú và Quan Công (vi.wikipedia.org/)

6.3. Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều).

Điện Cần Chánh (Hán văn: 勤政殿) trong Tử Cấm thành (Huế), là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.

Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Về tổng thể, Điện Cần Chánh được bố trí trên trục chính (đường "Dũng đạo") của Đại Nội - nằm giữa điện Thái Hoà (nơi thiết triều chính) và điện Càn Thành (nơi ở của vua). Trước Điện Cần Chánh có "Sân bái mạng", là nơi tập hợp văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà tả vu, hữu vu (phục vụ việc chuẩn bị nghi lễ và chiêu đãi khách) họp thành bố cục kiến trúc hình chữ môn.

Điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành. Nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh với diện tích mặt nền gần 1000m2. Chính điện có 5 gian, 2 chái kép; tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu. Bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên (như xuyên, trến, kèo, đòn tay, hệ thống con-xon, các liên ba...) đều được chạm trổ trang trí rất tinh xảo, công phu.

Ngôi điện này đã phá hủy hoàn toàn vào đầu năm 1947. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố Đô Huế cùng với Đại học Waseda Nhật Bản đang triển khai thực hiện dự án phục nguyên điện Cần Chánh bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 triệu USD.

Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra điện còn là nơi vua Nguyễn tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ. Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Điện Cần Chánh còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Trung Hoa, các hòm tượng bảo ấn bằng vàng và bằng ngọc của triều đại.( vi.wikipedia.org/)

Cần Chánh, ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành, tồn tại qua 13 triều vua Nguyễn, bị đốt rụi do chiến tranh năm 1947, ngày nay chỉ còn nền móng. (http://tourtcn.blogspot.com/)

6.4. Điện Càn Thành (chỗ ở của vua)

Điện Càn Thành trước năm 1811 có tên là điện Trung Hòa nằm trong Tử Cấm thành (Huế), đây là tư cung của vua triều Nguyễn. Công trình này đã trở thành phế tích sau khi bị đốt năm vào tháng 2, 1947.

Điện Càn Thành là trung tâm của Tử Cấm Thành, nằm sau điện Cần Chánh-nơi vua thiết triều, phía trước điện Khôn Thái-là chỗ ở của Hoàng Quý Phi. Phía trước điện, bên phải có điện Trinh Minh là nơi ở của các bà phi, bên trái có điện Quang Minh là nơi ở của Đông cung hoàng tử.

Điện Càn Thành đặt trên nền cao 2 thước 3 tấc (gần 1m),được làm theo lối trùng thiềm điệp ốc gồm 3 tòa nhà ghép nối với nhau, chính điện 7 gian 2 chái kép, tiền điện và hậu điện đều 9 gian 2 chái đơn, nối với nhau bằng hai trần vỏ cua đỡ hai máng nước bằng đồng dài 50 m, mái lợp ngói lưu ly vàng và lắp cửa kính. Hành lang vòng hai bên điện nối với điện Cần Chánh ở phía Nam và điện Cao Minh Trung Chính ở phía Bắc, hành lang bên hữu nối ra cung Diên Thọ.

Bên phải, ở khoảng giữa điện Càn Thành và cung Khôn Thái là viện Thuận Huy- là chỗ ở các bà Tân. Phía Tây viện Thuận Huy là viện Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan Hoà, Đoan Trang và Đoan trường- là chỗ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân cùng những tài nhân vị nhập giai, các viện trên gọi là "lục viện".

Bên phải điện Càn Thành là một vườn ngự uyển, trong đó có điện Minh Thận, hồ Quang Văn, gác Tứ Phương Vô Sự, lầu Nhật Thành...đều làm năm Thiệu Trị thứ nhất và bị triệt giải vào triều vua Thành Thái.

Trước điện có một sân rộng, giữa có đường dũng đạo lát đá, trước sân có một ao sen và một tấm bình phong.(vi.wikipedia.org/).

6.5. Điện Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi)

Trong Tử Cấm thành, Hoàng quý phi ở trong điện Khôn Thái, vị trí và cuộc sống Hoàng quý phi là cao nhất trong các phi tần.

Điện chính của cung Khôn Thái là điện Cao Minh Trung Chính được xây năm 1804 tức năm Gia Long thứ 3. Chính tịch 7 gian, tiền tịch, hậu tịch đều 9 gian, điện làm theo kiểu "trùng thiềm trừng lương", lợp ngói âm dương. Cung Khôn Thái ở vị trí ngay sau lưng điện Càn Thành.

Về thứ tự cấp bậc phi tần, Minh Mạng năm thứ 17 đặt làm chín bậc: Hoàng quý phi ở trên bậc nhất giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực và chỉnh tề công việc bên trong cung. Quý phi, Hiền phi, Thần phi bậc nhất hay là "nhất giai phi". Đức phi, Thục phi, Huệ phi bậc nhì hay là "nhị giai phi". Quý tần, Hiền Tần, Trang tần bậc ba hay là "tam giai tần". Đức tần, Thục tần, Huệ tần bậc bốn hay là "tứ giai tần". Lệ tần, An tần, Hoà tần làm bậc năm hay là "ngũ giai tần". Tiệp dư làm bậc sáu hay là "lục giai tiệp dư". Quý nhân làm bậc bảy hay là "thất giai quý nhân". Mỹ nhân làm bậc tám hay là "bát giai mỹ nhân", và Tài nhân làm bậc chín hay là "cửu giai tài nhân". Dưới tài nhân là "tài nhân vị nhập giai", là những người được tuyển chọn để làm tài nhân, kế dưới là cung nga thể nữ. Để tuyển cung phi, triều đình thường chọn các con gái của quan đại thần trong triều, con của người nào có phẩm trật cao thì được tuyển vào cấp bậc cao, phẩm trật thấp thì cấp bậc thấp. Con của thường dân được tuyển vào cung là những trường hợp đặc biệt, phải đẹp và khi mới tuyển thì chưa được xếp vào cửu giai mà chỉ được gọi là "tài nhân vị nhập lưu"

Cung Khôn Thái là nơi dành riêng cho Hoàng quý phi ở, điện Trinh Minh là nơi ở của các bà phi, viện Thuận Hy là nơi các bà Tần ở, ngoài ra còn có viện Đoan Huy, Đoạn Thuận, Đoan Hoà, Đoan Trang và Đoan trường là chỗ ở của các bậc Tiệp dư, Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân cùng những tài nhân vị nhập giai, các viện trên gọi là "lục viện". Để tổ chức mọi việc liên quan đến sự quản lý, dạy dỗ các cung phi và giữ gìn các dồ vật trong nội cung, triều đình đặt ra chức Lục Thượng, do các quan nữ đảm nhận. Quan nữ thường là các bà trong nội cung được vua tin tưởng hay do triều đình tuyển dụng, người đứng đầu tổ chức nữ quan là Hoàng quý phi. Nữ quan cũng được chia thành 6 bậc là Quản sự, Thống sự, Thừa sự, Tùy sự, Tòng sự và Trưởng ban.

Cuộc sống, công việc của các phi tần trong Tử Cấm thành nhàn hạ, no đủ về vật chất tuy nhiên địa vị phụ thuộc cấp bậc của mình và sự yêu mến của vua. Trong thời gian mới thu nhận vào Tử Cấm thành, họ phải tập trung tại Đoan Trang viện để học mọi phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế, các điều cấm kị, học nghệ thuật phục vụ vua, ăn nói, đi đứng.v.v...Cung nữ có thể giải trí, hóng mát, xem hoa tại các vườn thượng uyển hay câu cá, sáng tác thơ ca, đọc truyện...hay trong kỳ đại lễ cũng được xem tuồng cùng vua. Khi vua băng hà, các bà phi phải lên chăm lo hương khói tại lăng vua, sau hai năm lại trở về cung Diên Thọ để phục vụ Hoàng thái hậu.

6.6. Điện Kiến Trung

Điện Kiến Trung (chữ Nho: 建忠) là một cung điện trong Tử Cấm thành (Huế) được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với việc xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung.

Điện Kiến trung nằm ở điểm cực bắc của trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm thành. Kiểu thức điện là hợp thể phong cách Âu châu gồm kiến trúc Phápkiến trúc Phục hưng của Ý cùng pha thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Mặt tiền điện có trang trí những mảnh gốm sứ nhiều màu.

Trước điện là vườn cảnh, có ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện. Tầng chính trổ 13 cửa hiên: gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa, hai góc điện mỗi bên hai cửa nữa làm nhô ra hẳn. Tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính. Trên cùng là mái ngói có hàng lan can trang trí theo phong cách Việt Nam.

Điện Kiến Trung vào ngày 6 tháng 11, 1925 là nơi vua Khải Định băng hà.

Sang triều vua kế vị là Bảo Đại thì triều đình cho tu sửa lại tòa điện, tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương, trong đó có xây buồng tắm. Vua và hoàng hậu Nam Phương sau đó dọn về sống trong điện Kiến Trung. Tại điện này, Hoàng hậu Nam Phương hạ sanh Thái tử Bảo Long (4-1-1936). Ba người con sau thì sanh ở Đà Lạt (Công chúa Phương Mai 1-8-1937; Công chúa Phương Liên 3-11-1938 và Hoàng tử Bảo Thắng 9-12-1943). Riêng Công chúa Phương Dung sanh ở Cung An Định (5-2-1942)

Tháng Tám năm 1945 khi Việt Minh đoạt chính quyền ở Hà Nội thì lực lượng Quân đội Đế quốc Nhật Bản đề nghị phòng thủ điện Kiến Trung chống lại Việt Minh nhưng vua Bảo Đại bác đi vì không muốn đổ máu.

Điện Kiến Trung sau đó đã bị phá huỷ Tháng Chạp năm 1946 trong chiến lược tiêu thổ kháng chiến, chỉ còn nền điện và hàng lan can trong khu vực Tử Cấm Thành. (vi.wikipedia.org/)

Điện Kiến Trung trước khi bị phá huỷ - một kiệt tác kiến trúc kết hợp phong cách đông tây.

Trong thời gian vừa qua, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung đã được Phân Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung triển khai thực hiện. Để đảm bảo độ chính xác, thuyết phục của phương án phục hồi, nhóm dự án đã thực hiện 10 chuyên đề nghiên cứu một cách toàn diện về di tích từ lịch sử, kiến trúc cho đến kết cấu và vật liệu sử dụng như phân tích đặc điểm kiến trúc, mỹ thuật của công trình, phân tích chiều cao dựa trên ảnh tư liệu, phân tích giải pháp kết cấu, phân tích vật liệu...

Các kết quả nghiên cứu của dự án đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong công tác bảo tồn di sản (GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính, PGS. TS Đặng Văn Bài, nhà nghiên cứu Phan Thuận An…) đánh giá rất tích cực. Đồng thời, dự án cũng đã được Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch thẩm định theo Công văn số 3466/BVHTTDL-DSVH, ngày 02/10/2014. (http://khamphahue.com.vn)

6.7. Điện Thái Hoà và Sân Đại Triều Nghi

Điện Thái Hòa (Hán văn: 太和殿) là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước.

Quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính; mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Vua Gia Long khởi công xây dựng vào ngày 21 tháng 2 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924, điện Thái Hoà đã được "đại gia trùng kiến".

Qua các đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian gần đây (vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992) điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi, vẻ cổ kính ngày xưa đã giảm đi một phần. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của nó thì vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.

Điện Thái Hòa là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu.

Là nơi thể hiện uy quyền của quốc gia, điện được xây trên nền cao 1 mét, diện tích 1360 m², nguy nga bề thế trông ra một sân rộng.

Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc và được chống đỡ bằng 80 cột gỗ lim được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây - một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (thuật ngữ kiến trúc gọi là máng thừa lưu). Chính trần mai cua này nối với nửa trong tạo ra một không gian nội thất liên tục, thống nhất, rộng rãi, không còn cảm giác ghép nối hai tòa nhà. Việc ứng dụng máng thừa lưu là một sáng tạo của người xây dựng điện, nó chẳng những che kín được sự lõm xuỗng của nơi nối hai mái mà còn tạo nên nhịp điệu kiến trúc. Đây cũng là một dụng ý của kiến trúc sư. Do thời tiết và kiến trúc cổ truyền Việt Nam mà điện không thể xây cao như của Trung Quốc, vì vậy nửa ngoài mái cao hơn, nửa trong mài thấp hơn. Mục đích là tạo cảm giác "cao" cho gian ngoài- nơi bá quan hành lễ, bên trong thấp vừa làm nổi bật gian ngoài vừa là nơi vua ngồi nên kín đáo, uy nghiêm.

Hệ thống vì kèo nóc nhà sau tương đối đơn giản, chỉ làm theo kiểu "vì kèo cánh ác", nhưng hệ thống vì kèo nóc nhà trước thì thuộc loại vì kèo "chồng rường - giả thủ" được cấu trúc tinh xảo. Toàn bộ hệ thống vì kèo, rường cột, ở đây đều liên kết với nhau một cách chặt chẽ bằng hệ thống mộng chắc chắn.

Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, nhưng không phải là một dải liên kết mà được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái "chồng diêm", mục đích là để tránh đi sự nặng nề của một tòa nhà quá lớn đồng thời để tôn cao ngôi điện bằng cách tạo ra ảo giác chiều cao cho tòa nhà. Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt của tòa nhà. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn (197 bài thơ)trên những tấm pháp lam theo lối nhất thi nhất họa.

Trang trí cũng như kiến trúc của điện Thái Hòa nói chung, có một khái niệm đặc biệt đáng chú ý là con số 5, và nhất là con số 9. Hai con số này chẳng những xuất hiện ở trang trí nội ngoại thất của tòa nhà mà còn ở trên các bậc thềm của điện. Từ phía Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành đi ra điện Thái Hòa, vua phải bước lên một hệ thống bậc thềm ở tầng nền dưới là 9 cấp và ở tầng nền trên là 5 cấp. Trước mặt điện số bậc cấp bước lên Đệ nhị Bái đình và Đệ nhất Bái đình cộng lại là 9. Tiếp đó, hệ thống bậc thềm ở nền điện cũng có 5 cấp. Đứng ở sân Đại triều nhìn vào hay từ phía Tử Cấm Thành nhìn ra người ta đều thấy trên mỗi mái điện đều được đắp nổi 9 con rồng ở trong các tư thế khác nhau: lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu, lưỡng long triều nhật, hồi long (rồng quay đầu lại), rồng ngang v.v…Ở nội điện cũng thế, từ ngai vàng, bửu tán, các mặt diềm gỗ chung quanh cho đến mỗi mặt của ba tầng bệ mỗi nơi đều trang trí một bộ 9 con rồng. Ngày nay, Điện Thái Hoà trở thành một điểm du lịch nổi tiếng

Sân Đại Triều Nghi (𡓏大朝儀) hay Sân Chầu là khoảng sân rộng trước Điện Thái Hòa nơi các quan đứng chầu trong các buổi đại thiết triều của triều đình nhà Nguyễn.

Sân Đại Triều Nghi khá rộng, được lát hoàn toàn bằng đá Thanh và được chia bậc. Lúc bấy giờ sân đại triều nghi chia làm 2 bậc: Bậc trên dành cho các quan văn, quan võ ấn quan (từ hàng tam phẩm trở lên chánh nhất phẩm). Hai bên sân có hai hàng trụ đá đề rõ phẩm trật để cho các quan xem đó mà sắp hàng cho thứ tự gọi là Phẩm Sơn.

Dưới cùng, gần cầu Trung Ðạo còn một hàng nữa dành cho các kỳ cựu hương lão, thích lý đến chầu trong những dịp khánh tiết. Với cách chia của sân Đại Triều Nghi, có thể nhận biết thứ bậc vua quan triều Nguyễn lúc bấy giờ. Hai góc sân có hai con kỳ lân bằng đồng thiếp vàng để trong lồng gương bằng gỗ sơn vàng. Hai con Kỳ Lân được trang trí ở hai góc sân có ý nghĩa là đời thái bình, đồng thời nó cũng là một biểu tượng nhắc nhở sự nghiêm chỉnh giữa chốn triều nghi. Kỳ Lân này hiện nay còn khá nguyên vẹn.

Điện Thái Hòa cùng với Sân Đại Triều Nghi (sân chầu) là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. (vi.wikipedia.org).

Với vị trí trang trọng trên trục dũng đạo của Hoàng thành và nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng trong trang trí kiến trúc, điện Thái Hòa nổi bật uy nghi trong cảnh quan hoành tráng, thực sự là công trình tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc cung đình Huế cả về giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Ngày nay, thời vàng son của triều đại quân chủ không còn, nhưng với vẻ cổ kính thâm nghiêm của cung điện - nơi in dấu bao sự kiện trọng đại về một thời oanh liệt đã qua của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, cũng như những gì còn bảo lưu trong cung điện cho đến ngày nay, khi viếng thăm du khách sẽ được thỏa thích nhìn ngắm những tác phẩm nghệ thuật và hồi tưởng quá khứ mà suy ngẫm về tài nghệ của cha ông - những người đã góp phần tạo nên nét tinh vi sắc xảo trong nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.(http://www.hue.vnn.vn).

6.8. Cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ (tiếng Hán: 延壽宮) là một hệ thống kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Nằm ở phía tây Tử Cấm Thành, phía bắc điện Phụng Tiên và phía nam cung Trường Sanh, cung Diên Thọ được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế.

Trải qua nhiều lần tu sửa, khuôn viên cung Diên Thọ ngày nay rộng khoảng 17500m2 với các công trình còn tồn tại như Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du, các Khương Ninh. Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.

Được xây dựng vào tháng 4 năm 1804 để làm nơi sinh sống của bà Hiếu Khang hoàng hậu, mẹ vua Gia Long, cung Diên Thọ (khi đó mang tên là cung Trường Thọ) tiếp tục được các đời vua sau như Minh Mạng, Tự ĐứcThành TháiKhải Định cho đại tu, sửa chữa và đổi tên nhiều lần để trở thành nơi ở của nhiều vị Hoàng thái hậu triều Nguyễn. Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ vào năm 1945, dù nhiều công trình trong Đại Nội bị tàn phá nặng nề hoặc biến mất nhưng toàn bộ khuôn viên cung Diên Thọ hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 1993, cung Diên Thọ nằm trong danh mục 16 di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cung điện của Hoàng thái hậu triều Nguyễn (1804 - 1945)

Năm 1788, bà Nguyễn Thị Hoàn, mẹ vua Gia Long, chuyển từ đảo Phú Quốc về sống tại thành Bát Quái, sau khi con trai bà đánh chiếm lại Sài Gòn nhằm tập hợp và phát triển lực lượng chống Tây Sơn. Hậu Điện, một tòa nhà phía bắc Hoàng cung của Nguyễn chúa Phúc Ánh trong kinh thành Gia Định, dựng vào mùa xuân năm 1790 là chỗ ở của bà.

Năm 1802, vua Gia Long sáng lập nhà Nguyễn, lấy đô thành Phú Xuân của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn làm thủ đô của nước Việt Nam thống nhất dưới triều Nguyễn. Gia đình hoàng tộc nhanh chóng chuyển về sống tại Hoàng thành Phú Xuân và cho khởi tạo một loạt công trình kiến trúc để làm nơi ở, nhằm tỏ rõ uy quyền và đặc quyền của hoàng gia. Trong bối cảnh ấy, tháng 4 năm 1804, vua Gia Long hạ lệnh xây dựng cung Trường Thọ, thay thế cho Hậu Điện để trở thành cung điện cho vị Vương thái hậu (đến năm 1806 là Hoàng thái hậu) đầu tiên của triều Nguyễn. Sau 7 tháng thi công, cuối mùa đông năm ấy, công trình hoàn thành. Ngày 20 tháng 11 năm 1804, nhà vua thân hành đưa bà chính thức vào ở cung Trường Thọ. Năm 1811, bà mất, được truy phong làm Hưng Tổ Hiếu Khang hoàng hậu. Sau sự ra đi này, cung Trường Thọ bị triệt giải, gỗ dùng để xây dựng điện Thanh Hòa, là nơi ở của vua Minh Mạng khi ông được phong làm Hoàng thái tử năm 1816.

Năm 1820, vua Minh Mạng lên nối ngôi sau cái chết của vua cha. Ông là người đã cho quy hoạch lại và kiến thiết, xây dựng mới rất nhiều công trình cung điện trong Đại Nội, tạo nên căn bản bộ mặt Đại Nội còn tồn tại đến ngày nay. Mẹ vua Minh Mạng là bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang còn đích mẫu của vua, bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan đã mất từ lâu. Sau khi Minh Mạng lên ngôi, bà Thuận Thiên được tôn phong làm Hoàng thái hậu. Đồng thời, trên khuôn viên cung Trường Thọ cũ, vua cho đại tu xây dựng cung điện mới, đặt tên là cung Từ Thọ để làm chỗ ở cho bà. Khi ấy, ở Huế đang có dịch bệnh rất lớn, nhà vua nói với người quản giám công việc là Trần Văn Năng rằng "Nay bệnh dịch lưu hành, đáng để cho quân dân nghỉ ngơi, đình bãi các công tác. Duy dựng cung Từ Thọ là việc không thể hoãn được. Ngươi nên hiểu dụ cho quân nhân biết ý bất đắc dĩ của trẫm". Khởi công ngày 24 tháng 8, khánh thành vào mùa đông cùng năm, cung Từ Thọ được thiết kế với Diên Thọ chính điện làm trung tâm, quay mặt về phía đông; khu vực Trường Du tạ thời đó là một hoa viên duyên dáng phục vụ cho việc tiêu dao giải trí của chủ nhân di tích. Ngoài ra, ở khu vực sân trước của Diên Thọ chính điện hiện thời, đời Minh Mạng tồn tại một công trình lớn mà nền móng di tích này chỉ được phát lộ nhờ cuộc khai quật cung Diên Thọ vào năm 1999.

Năm 1846, bà Thuận Thiên hoàng hậu qua đời, ít lâu sau, cung Từ Thọ được chuyển giao cho vị chủ nhân mới, bà Từ Dũ hoàng thái hậu, mẹ vị tân hoàng đế Tự Đức vừa kế vị vào năm 1847. Ngày 4 tháng 9 năm 1848, vua hạ lệnh triệt giải kết cấu cung Từ Thọ để xây cung điện mới với kết cấu hoàn toàn khác. Lời dụ nói rằng:

"Từ trước đế vương hiếu thờ cha mẹ, trong có phòng nghỉ, ngoài có cung triều, lễ rất tôn nghiêm, phép rất lớn lao. Trẫm lấy thân nhỏ mọn, được nối nghiệp lớn, thực là nghĩ đức tính hiếu từ, phép dạy phải nghĩa của Thánh mẫu nên đến được như thế. Cung đình Trường Lạc, phụng thừa vui vẻ muôn năm; khánh điển nhà vua, sự thể rất là long trọng. Hôm trước cử viên Thái sử lệnh hỏi xin đến tháng giêng sang năm được ngày tốt nên sửa chữa lại Tây cung, đã từng ra lệnh cho người giữ việc kê tính công trình, để trù nghĩ trước cho được chỉnh đốn thư thả. Nay phái Phụ chính đại thần, Hiệp biện đại học sĩ lĩnh Lễ bộ Thượng thư, bị cách chức, lưu lại làm việc là Lâm Duy Nghĩasung chức Đổng lý đại thần; thự Chưởng vệ quyền chưởng Hùng Nhuệ dinh ấn triện là Trần Kim sung chức phó Đổng lý để chuyên trách, phàm tất cả các việc sửa chữa chuẩn cho hội đồng xét kĩ trù tính, cần được một loạt hoàn hảo vững bền, mười phần chu đáo ổn thỏa cho vừa lòng trẫm. Về các đường vũ cũ nên dỡ xuống, cần dùng lính thợ bao nhiêu ? Chuẩn cho các viên Đổng lý ấy lựa tính, phải bắt cho đủ giúp việc dỡ xuống, đợi đến mùa xuân sang năm sắp đến kì khởi công sẽ phái 6 viên quản vệ, 40 viên suất đội, 2000 tên biền binh và các hạng thợ, chia nhau làm việc để cho công việc được chóng thành".

Ngày 20 tháng 2 năm 1849, công trình xây dựng cung Gia Thọ được khởi công, tháng 4 năm ấy thì hoàn thành. Vua Tự Đức ban dụ rằng "Lần này dựng Tây cung để làm chỗ phụng thừa vui vẻ muôn năm, cung lan điện quế, phúc lộc bồi thêm; cửa ngọc thềm dao, nền nhân dựng mãi. Mong khi làm mới, hợp tình muôn người như con lại làm việc cho cha; tới lúc khánh thành, gặp tháng rất vui về tuổi thọ của trẫm. Bờ cõi thái hòa, rõ bày muôn phúc; cung đình Trường Lạc, ghi tốt nghìn thu. Lòng trẫm vui vẻ xiết bao ! Nay kính dâng tên cung gọi là cung Gia Thọ, điện sau gọi là điện Thọ Ninh, nhà tạ bên tả điện gọi là tạ Trường Du, cửa chính trước cung gọi là cửa Thọ Chỉ, để tỏ ra điều hay hợp ứng, phúc thọ hậu thêm, Thánh mẫu ta mãi hưởng phúc tốt lành, chính mình ta được sự mừng vui." Sau đó, ngày 7 tháng 5 năm 1849, bà Từ Dũ chính thức đến ở đây.

Khuôn viên cung Gia Thọ bao quanh bằng tường gạch, phía nam là cửa Thọ Chỉ (đối diện với cửa bắc điện Phụng Tiên), phía bắc là cửa Diễn Trạch (đối diện với cửa nam cung Trường Ninh, phía đông là cửa Thiện Khánh (đối diện với cửa Gia Tường của Tử Cấm thành), phía tây là cửa Địch Tường (đối diện với đài Tây khuyết của Hoàng thành). Diên Thọ chính điện vẫn là trung tâm của khuôn viên cung điện, nhưng quay mặt về hướng nam thay vì hướng đông. Hiên đông của điện, hơi lùi về phía bắc là nhà tạ Trường Du. Một hành lang vòng từ tạ Trường Du nối ra cửa Thiện Khánh qua cửa Gia Tường vắt ra sau điện Càn Thành. Trước hiên tây của điện đắp một quả núi, mang dáng dấp hoa viên. Phía nam Chính điện là Tiền điện. Nền điện cao 8 tấc 1 phân (≈32,4 cm), xây theo kiểu nhà vuông, trên mái lợp ngói phẳng, sàn lắt gạch sắt, hai phía đông tây điện 3 bậc, bên đông điện có 2 hành lang dài nối với nhà chè (có lẽ là nhà Tả Trà), bên tây điện cũng có 1 hành lang dài nối với nhà chè[11]. Phía bắc Chính điện là sân sau, hai bên đông tây sân đều có hành lang. Phía tây hành lang bên tây sân là am Phước Thọ hay còn gọi là gác Khương Ninh. Phía bắc sân là điện Thọ Ninh hướng về phía nam, hai bên đông tây điện là nhà bếp và nhà kho.

Hoàng thái hậu Tự Dũ (về sau được tôn phong làm Nghi Thiên Chương hoàng hậu) đã sống tại cung Diên Thọ trong suốt 53 năm (1849 - 1902), điều này dẫn đến việc triều đình phải cải tạo cung Trường Ninh cạnh đó để làm chỗ ở cho con dâu bà như Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức), hoặc cháu dâu bà như bà Từ Minh (vợ vua Dục Đức).

Năm 1901, vua Thành Thái đổi tên cung Gia Thọ làm cung Ninh Thọ, sau khi bà Nghi Thiên mất, nơi này thành cung của mẹ ông, bà Hoàng thái hậu Từ Minh. Bà mất năm 1906, an táng trong khuôn viên lăng Dục Đức. Tháng 9 năm sau, vua Thành Thái bị phế truất, con ông là vua Duy Tân được đưa lên kế vị. Cung Diên Thọ trở thành nơi ở của đích mẫu nhà vua là bà Nguyễn Gia Thị Anh, Hoàng quý phi của vua cha Thành Thái. Năm 1916, vua Khải Định lên ngôi, cung Diên Thọ lại đổi chủ, thuộc về bà Thánh Cung, con gái Nguyễn Hữu Độ, hoàng quý phi vua Đồng Khánh. Trong hai năm đầu đời Khải Định (1916 - 1917), cung Ninh Thọ được sửa chữa lớn và đổi tên thành cung Diên Thọ, trở thành tên chính thức của khu vực cung cho đến ngày nay. Hiện nay trong Diên Thọ chính điện còn tấm bảng vàng "Diên Thọ cung". Tuy nhiều lần sửa chữa, kiến trúc cung Diên Thọ về cơ bản vẫn giữ kết cấu xây dựng đời Tự Đức nhưng cũng có công trình bị phá đi hoặc xây mới. Chẳng hạn, năm 1927, lầu Tịnh Minh, tòa lầu hai tầng theo phong cách kiến trúc Pháp, được xây ở phía tây nam chính điện, đối xứng với nhà Tả Trà. Bà Thánh Cung (sau được tôn phong là Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) mất năm 1940. Cung Diên Thọ thành chỗ ở của bà Tiên Cung (mẹ sinh vua Khải Định, sau được tôn phong là Hựu Thiên Thuần hoàng hậu) đến năm 1944 rồi bà Từ Cung (tức Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ sinh vua Bảo Đại). Bà Từ Cung cũng là bà Hoàng thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn được ở trong cung Diên Thọ. Như vậy, tổng cộng có 8 vị Hoàng thái hậu, 4 vị Thái hoàng thái hậu nhà Nguyễn đã sống ở cung Diên Thọ.

Tháng 8 năm 1945, nhà Nguyễn chính thức cáo chung, báo hiệu một giai đoạn mới của quần thể di tích Cố đô Huế nói chung, cung Diên Thọ nói riêng.

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mẹ ông là bà Từ Cung không còn tư cách ở trong cung Diên Thọ, phải chuyển về sống tại cung An ĐịnhChiến tranh bùng nổ, Đại Nội không những là mục tiêu trong cuộc "tiêu thổ kháng chiến" mà còn trở thành nơi giao tranh ác liệt trong chiến sự tháng 2 năm 1947. Ngày 8 tháng 3 năm 1949hiệp ước Elysée được kí kết, Quốc gia Việt Nam trở thành quốc gia độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, do Bảo Đại làm Quốc trưởng nhưng trong thời gian chờ đợi Tổng tuyển cử, ông tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có địa vị quốc tế hợp pháp. Do vậy, bà Từ Cung quay trở lại cung Diên Thọ. Năm 1950, Quốc trưởng Bảo Đại về Huế thăm bà, lầu Tịnh Minh được cải tạo mở rộng hơn để làm nơi sinh hoạt tạm thời cho ông. Năm 1955, Bảo Đại bị thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm trở thành Quốc trưởng, thành lập Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Một lần nữa, bà Từ Cung phải rời khỏi cung Diên Thọ và không bao giờ còn quay trở lại nơi này nữa.

Trong hai cuộc chiến tranh, chiến tranh Đông Dương (1946 - 1954) và chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), quần thể di tích Cố đô Huế đã phải chịu thiệt hại rất nặng nề, nhiều công trình biến thành phế tích. Mặc dù, khuôn viên cung Diên Thọ hầu như còn nguyên vẹn nhưng nhà Tả Trà cũng bị tàn phá trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng với tác động từ thời gian và thiên tai, các công trình của cung có nguy cơ xuống cấp.

Sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, dự án trùng tu khuôn viên cung Diên Thọ bắt đầu thực hiện vào năm 1997 và đến nay đã cơ bản hoàn tất. Năm 2005, lầu Tịnh Minh được trùng tu, làm Trung tâm lưu trữ và bảo tồn di tích của Huế. Năm 2011, điện Thọ Ninh được tu bổ theo mẫu kiến trúc của lần cải tạo năm 1930. Dự án phục dựng nhà Tả Trà cũng được triển khai.

Vị trí

Cung Diên Thọ nằm tại phía tây của Tử Cấm thành, phía nam điện Phụng Tiên và phía bắc cung Trường Sanh. Theo quy chế đời Tự Đức, cung nằm ở hai phường Tây nhất thuộc Hoàng thành, gần với cửa Chương Đức và đài Tây khuyết. Bình diện cung Diên Thọ là một hình chữ nhật, chiều dài 138,5m, chiều rộng 126,4m, chiếm khoảng 1/20 tổng diện tích Hoàng thành Huế.

Kiến trúc

Trong khu vực cung Diên Thọ có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ, vừa phong phú về loại hình vừa đa dạng về phong cách kiến trúc. Hiện nay chỉ còn lại các công trình sau.

Diên Thọ chính điện

Công trình trung tâm của cung Diên Thọ là tòa Diên Thọ chính điện, xây bằng gạch và gỗ sơn đen. Chính điện xây hình chữ nhật, rộng 27,5m, dài 34,7m, diện tích gần 960m². Nền điện cao 1 thước 4 tấc (≈56 cm), thềm trước điện 3 bậc đá xanh, thềm sau điện hai bên 2 bậc đá xanh.

Điện là tòa nhà kép kiểu "trùng thiềm điệp ốc" rất đồ sộ, tiền điện bảy gian hai chái (thời Tự Đức chỉ có ba gian hai chái) nối với chính điện năm gian hai chái kép bằng bộ vì "vỏ cua" chạm trổ tinh xảo và hai hiên trước sau. Hiên trước rộng 2m, hiên sau rộng 4,5m. Hệ thống vì kèo tiền doanh làm theo kiểu chồng rường giả thủ, chạm trổ tỉ mỉ, thanh nhã. Nóc nhà gắn quả bầu báu, đầu đao mái nhà trang trí chim phượng, lợp ngói lưu ly vàng (thời Tự Đức lợp ngói âm dương).

Điện gắn cửa kính, hai gian hai bên được ngăn riêng thành buồng kín làm nơi ăn ở của Hoàng thái hậu, ba gian giữa đặt bục gỗ, kê bàn ghế làm nơi Hoàng thái hậu tiếp khách. Nội thất điện còn khá nguyên vẹn và có giá trị, đặc biệt là bức hoành phi "Diên Thọ cung" từ năm 1916 và tám bức tranh gương (Thiên Mụ chung thanh, Thường Mậu quan canh, Cao các sinh lương, Thanh trì hương luyện, Hàn chung, Hiên sinh thi tứ và hai bức không rõ tên) vừa được treo ở đây.

Điện Thọ Ninh

Nằm ở phía bắc sân sau cung Diên Thọ, cách chính điện khoảng 20m. Diện tích điện Thọ Ninh chỉ bằng 1/2 diện tích chính điện, gồm ba gian hai chái, kiến trúc đơn giản nhưng rộng rãi, thoáng mát. Thời Tự Đức, điện có quy mô rộng lớn hơn, gồm bảy gian hai chái và hai hiên đông tây, nền điện cao 1 thước 4 tấc (≈56 cm), thềm phía trước phía sau đều 6 bậc, xây bằng đá xanh. Nóc điện gắn quả hồ lô báu, lợp ngói âm dương, sàn lát ván màu, cửa ra vào gắn kính. Sau lần cải tạo năm 1930, điện mới mang dáng dấp hiện nay. Điện Thọ Ninh bị hư hại khá nặng qua thời gian, dự án tu bổ điện bắt đầu triển khai vào năm 2011.

Tạ Trường Du

Nằm ở phía đông chính điện cung Diên Thọ, được dựng vào năm 1849 trong lần đại tu cung Gia Thọ, chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh tiết của bà Từ Dụ. Tạ dựng trên hồ nước hình chữ nhật, chiều dài 28m, chiều rộng 20m. Mặt bằng kiến trúc tòa tạ bằng nửa diện tích mặt hồ.Tạ Trường Du nằm sát bờ bắc của hồ quay mặt về hướng nam.

Kết cấu tạ Trường Du kiểu nhà rường truyền thống Huế với hình thức vuông (phương đình), một gian bốn chái, 16 cột trụ, mái lợp ngói lưu ly men xanh. Cả ba mặt đông, tây và nam của tạ Trường Du đều có hành lang bao bọc. Về sau hành lang này bị dỡ bỏ, phần phía nam thì cải tạo thành một ngôi nhà vỏ cua với tên gọi đình Lương Phong. Nền tạ lát gạch hoa, vách gắn kính sáng (trước năm 1850vách tạ bằng gỗ), trổ cửa sổ xung quanh bốn mặt nên rất thông thoáng. Nội thất trang trí tinh xảo bằng các bức ván chạm lộng, chạm thủng tỉ mỉ. Trên nóc chấp bầu rượu bằng pháp lam. Quanh tạ xây lan can ôm kín lối đi hẹp. Trước mặt tạ ngang qua đình Lương Phong có chiếc cầu nhỏ nối với bờ nam của hồ. Hai bên hồ đắp hai hòn non bộ, trên đó xây 5 cái am nhỏ và 2 chiếc cầu nhỏ nối hai hòn non bộ. Hai hòn non bộ này đã qua khá nhiều lần chỉnh sửa, lần gần nhất là đợt đại trùng tu cung Diên Thọ năm 1997.

Trường Du tạ được đánh giá là một công trình kiến trúc tương đối nhỏ và đơn giản, nhưng bù lại, do đặt trong một không gian hợp lý, lại tạo được vẻ đẹp rất hài hoà và giàu chất thơ, xứng đáng dành làm nơi thưởng tiết ưu du cho các bà Hoàng thái hậu tại cung Diên Thọ. Trường Du tạ cũng là một trong 4 ngôi nhà tạ duy nhất còn sót lại tại Cố đô Huế.

Các Khương Ninh

Nằm ở phía tây bắc của hiên tây Diên Thọ chính điện, được xây dựng vào năm 1830 đời Minh Mạng. Đây là một công trình kiến trúc hai tầng bằng gỗ, nơi thờ cúng các vị Phật, Thánh Thần nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của các bà Hoàng thái hậu.

Hầu như các bà Hoàng thái hậu triều Nguyễn là những người sùng đạo Phật, chẳng hạn như Hiếu Khang hoàng hậu, Thuận Thiên hoàng hậuNghi Thiên hoàng hậu, Phụ Thiên hoàng hậu, Đoan Huy hoàng thái hậu... đều thường xuyên đi chùa, thành tâm quy y và chăm lo Phật sự. Vậy nên, mặc dù dùng Nho giáo làm kế sách và khuôn phép để trị vì đất nước, nhưng các vua đầu triều Nguyễn cũng phần nào chịu ảnh từ sự sùng bái tín ngưỡng của các bà Thái hậu: điều này lí giải thái độ ứng xử của Gia LongMinh MạngThiệu Trị với Phật giáo. Ngoài ra, tuổi tác và sức khỏe là một khó khăn lớn trong việc lên quốc tự Thiên Mụ lễ Phật của các bà. Do đó, yêu cầu tạo lập một tự viện thờ Phật để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của hậu cung là chính đáng và cần thiết. Năm 1830, vua Minh Mạng hạ lệnh xây dựng Khương Ninh các - một ngôi chùa thờ Phật nằm ngay trong Hoàng thành.

Các Khương Ninh là một tòa lầu hai tầng bằng gỗ, kiến trúc cân đối và xinh xắn. Toàn bộ kiến trúc nằm trong một khuôn viên độc lập, được ngăn cách với bên ngoài bằng vòng tường khép kín. Tòa các quay mặt về phía tây. Tầng dưới cùng làm nơi ăn ở, sinh hoạt của các bà phi tần lớn tuổi đã quy y hoặc xuất gia tu Phật. Tầng trên chia làm hai phần.

Phía trước được trần thiết lộng lẫy, có đầy đủ cờ phướn, khám thờ, tranh tượng, bài vị... với năm gian thờ. Gian giữa thờ ba pho tượng Phật Tam Thế: Phật A Di ĐàPhật Thích Ca và Phật Di Lặc cùng các vị Bồ tát: Dược Sư, Văn Thù, Phổ Hiền..., phía trên treo bức hoành phi "Khương Ninh các". Gian thứ nhất bên trái thờ Quan Công, có Quan Bình và Châu Xương hầu hai bên cùng với ngựa Xích Thố, cây thanh long đao. Gian thứ nhất bên phải thờ tượng Phật A Di Đà, tranh Bồ tát Quán Thế ÂmĐại Thế Chí. Các gian thứ hai bên phải và bên trái, mỗi gian thờ tượng và bài vị của 6 vị Hộ pháp trong 12 vị Dược Xoa Đại tướng.

Phía sau cũng có 5 gian thờ, gian giữa thờ tranh và bài vị của Thành mẫu Thiên Y A Na, phía trên treo bức hoành phi "Phước Thọ am". Các gian bên thờ thành thần thuộc hàng đồ đệ của Thánh mẫu, bài vị của công chúa Diên Phúc, công chúa Mỹ Tường, Cô Hoàng nữ đệ tam, là chị và cô của vua Gia Long. Ðặc biệt, ở đây còn thờ hai tượng tổ sư của nghề hát bội.

Sân trước Khương Ninh các lát gạch Bát Tràng, xây bể cạn, đắp non bộ và trồng cây cảnh. Sân sau có xây một am nhỏ, thờ vong linh các Bà và các Cậu là đệ tử của Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Có thể thấy, chức năng của Khương Ninh các khá đặc biệt: vừa là nơi thờ cúng (tầng trên), vừa là nơi trú tất, sinh sống (tầng dưới); vừa là nơi thờ Phật (Phật giáo), vừa là nơi thờ Thánh (Thiên Tiên Thánh giáo), thờ cả vong linh người trong hoàng tộc triều Nguyễn hay tổ sư nghề hát bội. Việc tôn sùng không chỉ một tôn giáo, một hệ thống thần linh là đặc điểm của tín ngưỡng bấy giờ. Vô hình trung, Khương Ninh các - Phước Thọ am trở thành nơi dung hòa, kết hợp giữa Phật giáo và Thiên Tiên Thánh giáo, hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của hoàng gia triều Nguyễn và đại bộ phận người dân xứ Huế đương thời. Khương Ninh các là nơi duy nhất trong các công trình kiến trúc triều Nguyễn có hai tên gọi và chức năng lạ lùng như thế.

Về giá trị điêu khắc, ba pho tượng Tam Thế Phật trong Khương Ninh các được đánh giá là bộ tượng Phật đẹp nhất thời Nguyễn. Tượng làm bằng gang, mạ vàng, đúc vào năm 1831, phía sau tượng có khắc bài minh ngự chế của chính Minh Mạng. Kiến trúc Khương Ninh các là sự kết hợp kiến trúc cung đình Nguyễn qua nhiều triều đại, từ bộ vì kèo cánh ác thuở đầu triều Nguyễn, lan can chạm trổ chấn song con tiện thời Tự ĐứcĐồng Khánh đến cửa sổ ghép kính màu phong cách Khải Định.

Qua thời gian, Khương Ninh các bị hư hỏng nặng và được trùng tu hoàn chỉnh vào năm 2000. Tuy nhiên, dư luận cũng phê phán gay gắt chất lượng trùng tu, không đúng nguyên bản nhiều chi tiết trang trí, thậm chí còn tự sáng tác kiến trúc! Họa sĩ Phan Thanh Bình nhận xét "quá sức tự nhiên chủ nghĩa", "kém cỏi" còn Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đánh giá là "mỹ thuật hạ lưu". Bên cạnh đó, các gian thờ trong các vẫn chưa được trần thiết như cũ. Phần lớn các pho tượng, đồ tế khí hiện còn bảo quản trong kho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, ở chái tây Diên Thọ chính điện hoặc bày tại nhà Tả vu.

Lầu Tịnh Minh và nhà Tả Trà

Nằm ở phía tây nam Diên Thọ chính điện, đối xứng với nhà Tả trà qua sân trước cung Diên Thọ. Lầu Tịnh Minh được xây vào năm 1927 đời vua Bảo Đại, trên nền của Thông Minh đường - một trong số nhiều nhà hát tuồng được triều Nguyễn dựng trong Đại Nội. Đây là một tòa lầu xây theo kiến trúc hiện đại phương Tây, dành cho bà Từ Cung, mẹ nhà vua, sinh sống. Năm 1950, tòa lầu được mở rộng quy mô để làm nơi sinh hoạt tạm thời cho Bảo Đại. Trong đợt đại trùng tu cung Diên Thọ bắt đầu năm 1997, dư luận phê phán gay gắt việc trùng tu Tịnh Minh lâu đã làm sai lệch nguyên gốc công trình. Năm 2005, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Viện Di sản thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) hợp tác xây dựng văn phòng dự án đồng thời là Trung tâm phối hợp Nghiên cứu đào tạo và Bảo tồn di tích Huế tại lầu Tịnh Minh với tổng mức đầu tư hơn 500.000 USD.

Đối xứng với lầu Tịnh Minh qua sân trước chính điện cung Diên Thọ là nhà Tả Trà, nơi những ai vào yết kiến Hoàng thái hậu ngồi chờ trước khi được bà tiếp đón. Tòa nhà ba gian hai chái xây bằng gạch và gỗ, được cải tạo bê tông vào năm 1927. Nhà Tả Trà bị bom đánh trong Tết Mậu Thân, 1968. Năm 2011, dự án phục hồi nhà Tả Trà bắt đầu được thực hiện.

Các công trình khác

Khuôn viên cung Diên Thọ được giới hạn bằng bức tường gạch cao trên 2m, trổ bốn cửa theo bốn hướng. Cửa phía bắc là cửa Diễn Trạch, phía tây là cửa Địch Tường, phía đông là cửa Thiện Khánh, cửa phía nam là cửa Thọ Chỉ. Trong bốn cửa này, cửa Thọ Chỉ và cửa Thiện Khánh là hai cửa quan trọng nhất. Cửa Thọ Chỉ là cửa kiểu lầu chồng, lát đá xanh, cửa nách bên phải và bên trái là Trinh Ứng và Thụy Quang. Cửa Thiện Khánh đối diện với cửa Gia Tường của Tử Cấm thành, hành lang nối thông các cửa này vắt thẳng đến sau điện Càn Thành, chính điện nơi nhà vua sinh hoạt. Nhà vua sẽ theo hành lang này, đến cung Diên Thọ thăm hỏi Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu.

Phía bắc cửa Thọ Chỉ có một bức bình phong rất dài bằng gạch, mặt trước đắp nổi khá sinh động. Phía nam cửa Diễn Trạch cũng có bức bình phong. Bình phong tiền và hậu cung Diên Thọ vừa có tác dụng ngăn tà khí theo quan niệm phong thủy, vừa tạo nên sự uy nghiêm chốn hoàng cung.

Trong khuôn viên cung Diên Thọ có 4 chiếc giếng trong tổng số 13 chiếc còn tồn tại ở Đại Nội. Đó là giếng vuông phía đông nam cung (thành xây gạch vồ có vữa, kích thước lòng giếng 184 cm x 194 cm, kể cả thành là 244 cm x 250 cm, lòng được kè xếp gạch từ dưới lên trên, sâu khoảng 4m, nước trong, còn sử dụng); giếng vuông phía tây bắc cung, nằm gần Khương Ninh các (lòng rộng 177 cm x 177 cm, thành giếng xây gạch, cao 64 cm, dày 30 cm, lòng được kè xếp gạch vồ từ trên xuống dưới, nước trong và sâu, còn sử dụng); giếng vuông ở góc đông bắc điện Thọ Ninh (thành cao 124 cm, xây gạch vồ, dày 30 cm, lòng giếng kích thước 170 cm x 170 cm, xếp kè bằng gạch vồ, hiện không còn sử dụng, lòng giếng lấp đầy cỏ rác); giếng tròn ở góc đông bắc cung (giếng lớn, đường kính 274 cm, thành xây gạch, cao 87 cm, dày 30 cm, sâu khoảng 5m, toàn bộ lòng giếng được kè gạch vồ, còn sử dụng).

Hệ thống hành lang trong cung Diên Thọ nối thông tất cả các công trình kiến trúc trong khuôn viên cung. Hành lang cung Diên Thọ thường là trường lang hoặc hồi lang (hành lang vòng), lợp ngói lưu ly xanh, tạo nên sự bền vững thống nhất, vừa tạo được vẻ uyển chuyển, mềm mại của tổng thể kiến trúc cung.

Cung Diên Thọ cũng là nơi lưu giữ nhiều cây cổ thụ vào loại quý nhất của Đại Nội, đều có ý nghĩa và phù hợp cảnh quan của cung. Chẳng hạn, cây tùng la hán nằm sau lầu Tịnh Minh. Đây là loài cây thể hiện sự trường thọ vì cây sống rất lâu năm mà lá mãi xanh (do đó còn gọi được gọi là cây vạn niên thanh hoặc Phật bà). Có một thời, cây tùng này bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng sau đó đã cứu vãn được. Ở cung Diên Thọ còn có hai cây me toả bóng xanh rợp cả một khoảng sân rộng và hai cây nhãn cổ gốc to, mấy người ôm không xuể. Cây ngọc lan cổ thụ của cung chính là "ông tổ" của hàng ngọc lan ven đường cửa Hòa Bình (phía bắc Hoàng thành Huế) bây giờ.(wikipedia.org)

6.9. Cung Trường Sanh

Trong quần thể di tích cố đô HuếCung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh (chữ Hán: 長生宮, phiên âm: Trường Sanh cung), còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh (長寧宮), được xây dựng phía Tây BắcHoàng thành Huế với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu.

Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy và được vịnh thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh liệt kê 20 thắng cảnh của kinh đô Huế.

Cung Trường Sanh được khởi công xây dựng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1821), ở phía Tây Bắc Hoàng thành, sau cung Diên Thọ. Trong giai đoạn đầu khi mới xây dựng, Cung mang tên Cung Trường Ninh, mang dáng dấp của một hoa viên. Kiến trúc ban đầu của cung có hình chữ Tam (三) gồm một điện chính ở giữa, một điện phía trước và một lầu phía sau trong hệ thống với một số công trình phụ khác xung quanh.

Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cung Trường Ninh được trùng tu lớn, với sự nâng cấp quy mô và kiểu dáng kiến trúc[2]. Kiến trúc chính của cung giai đoạn này xếp theo hình chữ Vương (王) với hệ thống hành lang tạo nét sổ (丨) giữa chữ, nối kết các cung điện với nhau. Hệ thống cung bao gồm điện Thọ Khang đặt chính giữa, tòa Ngũ Đại Đồng Đường phía trước và lầu Vạn Phúc đứng sau cùng. Ngoài ra, phía trước nhà Ngũ Đại Đồng Đường có Phường Môn, phía sau lầu Vạn Phúc có xếp mấy ngọn đá giả sơn mang tên núi Bảo Sơn, núi Kình Ngư, núi Hổ Tôn v.v. Vòng quanh Cung còn có lạch nước Đào Nguyên nhân tạo nối qua hồ Nội Kim Thủy ở phía Bắc. Ngang qua con lạch bắc những cây cầu sơn màu đỏ để tiện đi lại.

Năm 1923, vua Khải Định tiếp tục cho tu bổ cung, đổi tên thành cung Trường Sanh đồng thời dựng thêm hai tòa nhà để xe ở phía trước, gần cổng vào cung.

Cụm di tích cung Trường Sanh bị đánh sập năm 1945. Từ năm 1954 vùng đất này trở thành thành khu dân cư và bị biến dạng cảnh quan nghiêm trọng.

Năm 1990, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dời các hộ dân đã ở trong phạm vi phế tích Cung Trường Sanh ra ngoài khu vực.

Ngày 5 tháng 1 năm 2005Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi khu di tích Cung Trường Sanh, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Dự án hoàn thành vào năm 2007 với việc tu bổ 4 gian nhà trong cung, phục hồi lạch Đào Nguyên, các hòn non bộ, hồ Tân Nguyệt, vườn cảnh, tường thành, cổng hoàng cung, đồng thời lát gạch Bát Tràng trong sân của toàn cung.(vi.wikipedia.org)

6.10. Điện Phụng Tiên

Điện Phụng Tiên (chữ Hán 奉先殿, điện nơi thờ phụng người trước) là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng ThànhThành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên HuếViệt Nam. Ngôi điện dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế.

Thời gian xây dựng của điện là không rõ, chỉ biết là nó đã được xây dựng khi vua Gia Long vẫn còn sống. Khi đó nó là một ngôi điện bằng gỗ có tên là Hoàng Nhân, vị trí gần cửa Hiển Nhân (ngày nay là Đại học Nghệ thuật Huế). Khi Gia Long mất, quan tài của ông đã được quàn tại đây 3 tháng trước khi được an táng ở lăng Gia Long. Điện Hoàng Nhân là nơi thờ cúng Gia Long kể từ năm 1820.

Năm 1829, vua Minh Mạng cho đổi tên điện Hoàng Nhân thành điện Phụng Tiên. Và đến năm 1837, ông cho dời điện từ vị trí gần cửa Hiển Nhân đến vị trí ngày nay, gần cửa Chương Đức.

Mặc dù về sau, triều đình nhà Nguyễn có xây Thế Miếu với cùng một chức năng là thờ cúng Gia Long và các vị vua kế vị nhưng điện Phụng Tiên vẫn được duy trì để thờ các vua ấy, vì một lý do đặc biệt: theo quy định của Triều đình, Thế Miếu là "công miếu", các cuộc tế lễ ở đây đều là những buổi lễ có tính chất quốc gia với sự hiện diện của vua, hoàng thân và đình thần; tuyệt đối cấm nữ giới cho dù họ có là người trong Hoàng gia, nhưng họ có thể tới điện Phụng Tiên để thực hiện việc thờ tự.

 Điện cũng là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhà Nguyễn, nhưng đến tháng 2 năm 1947, toàn bộ đã bị thất thoát cũng như đốt cháy theo điện trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Hiện giờ chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.

Điện Phụng tiên là một tòa nhà kép to lớn, to ngang Thế Miếu nhưng có thêm mái lưa ở phía trước. Phần chính doanh có 9 gian 2 chái, mỗi gian thờ một vua; phần tiền doanh có 11 gian. Mái điện được lợp ngói ống hoàng lưu ly cùng với ngói câu đầu trích thủy; phần nền thì được lát bằng gạch Bát Tràng tráng men. Sân trước điện khá rộng cũng được lát bằng gạch Bát Tràng. Sát hiên trước có một hàng chậu sứ trồng cây cảnh được đặt trên các đôn bằng đá chạm. Cuối sân có một bể cạn lớn làm bằng đá, bên trong có một hòn non bộ, xây bằng đá tựa vào một bức bình phong giăng dài phía sau cửa tam quan. Ở giữa mặt trước khuôn viên có vòng thành bao quanh.

Khi còn hoạt động với chức năng thờ tự của mình, điện Phụng Tiên là một đền thờ nguy nga lộng lẫy với rất nhiều đồ tự khi mà khi sinh thời các vua Nguyễn đã dùng. Một người Pháp tên Robert R. de la Susse đã gọi điện Phụng Tiên là một bảo tàng ở Hoàng cung Huế, qua lời mô tả của Susse, năm 1913 điện trông như một bảo tàng với việc năm 1911 hầu hết các bảo vật của các Vua và Hoàng hậu đều được thống kê và đưa vào tủ kính để ở đầu điện. Đồ được đặt trong tủ có rất nhiều loại: các khẩu súng hỏa mai nguyên do Pháp chế tạo của vua Tự Đức, các đồ đồng do người Việt đúc ở thời Minh Mạng, các loại đồ đồng tráng men, bộ sưu tập tiền đồng, các bảo vật của các đời vua và các chậu lung với cây cỏ, canh san hô được làm bằng vàng và ngọc, cùng với các đồ dùng của vua Tự Đức... Trong số đó bảo vật đặc biệt nhất là hai bộ đồ thờ "tam sự" bằng ngọc bích, hai đĩa lớn đường kính 40 cm; hai bức trấn phong bằng ngọc thạch nguyên bản. Ngoài ra điện còn lưu trữ các bảo ấn, các kim sách, vương miện, đồ uống trà làm bằng vàng nguyên chất.

Về việc chăm sóc hương khói, như trong phần lịch sử có nói về sự phân biệt nam nữ trong thờ cúng ở Điện Phụng Tiên và Thế Miếu. Điện Phụng Tiên do "các cô phụng trực", với đa số là thành viên của Hoàng tộc góa bụa hoặc không lấy chồng ăn ở trong các ngôi nhà phụ trong khuôn viện điện cho đến trọng đời, đảm nhiệm (còn Thế Miếu là do Ty Từ Tế phụ trách). (vi.wikipedia.org).

 6.11. Điện Long An 

Điện Long An nằm trong tổng thể kiến trúc cung Bảo Ðịnh được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1845 ở bờ Bắc sông Ngự Hà (gần cầu Vĩnh Lợi phường Tây Lộc). Hiện nay, điện Long An nằm trên đường Lê Trực, phường Thuận Thành, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Là một di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993. Di tích này được xếp hạn cấp quốc gia theo Quyết định số 872QÐ/BVHTT ngày 12/5/1997.

Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh.

Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh,... Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong tám tháng, trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An - nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội.

Sở dĩ ngôi điện ở vị trí hiện nay (số 3 Lê Trực, Huế) trong khu vực Thành nội, vì năm 1885, sau trận đánh úp đồn Mang Cá của Pháp do Tôn Thất Thuyết chỉ huy bị thất bại, vua Hàm Nghi và tam cung chạy khỏi Hoàng Thành, ra Quảng Trị. Kinh thành Huế thất thủ, quân Pháp chiếm cung Bảo Định làm sở chỉ huy, lục soát thô bạo điện Long An và tiếp đó ngôi điện bị triệt hạ, vật dụng được xếp vào kho.

Cho đến năm 1909, đời vua Duy Tân, ngôi điện được chuyển ra vị trí mới hiện nay và phục dựng làm Tân Thơ Viện lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ HánPhápAnh,... chủ yếu phục vụ cho học sinh trường Quốc Tử Giám.

Ngày 24/8/1923, Khâm Sứ Trung kỳ và vua Khải Ðịnh cùng ban sắc dùng Ðiện Long An làm Bảo tàng Khải Ðịnh.

Hiện nay, điện Long An còn gọi là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi trưng bày cổ vật cung đình Huế.

Ðiện Long An hình chữ nhật dài 35,70 m, rộng 28 m, vỉa ốp đá thanh nền cao 1,1 m. Diện tích phần mái rộng đến 1.750 m², nằm trên dàn trò được chống đỡ bằng hệ thống 128 cột gỗ lim. Ðây là tòa nhà kép "Trùng thiềm điệp ốc". Nhà trước 7 gian với 8 bộ "vì kèo chồng rường giả thủ". Nhà sau 5 gian với 6 bộ "vì kèo cánh ác". Điều khác biệt với các ngôi điện khác là những chi tiết gỗ không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật chạm trổ tinh xảo theo đồ án "lưỡng long triều nguyệt", "long, lân, quy, phượng". Các liên ba, đồ bản chạm khắc nhiều bài thơ là trước tác của vua Thiệu Trị, được bố trí sắp xếp hầu hết ở các khu vực bên trong ngôi điện một cách hài hòa.

Trong điện còn có hai bài thơ "Vũ trung sơn thủy" (Cảnh trong mưa) và "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm" (Đêm thơ ở Phước Viên) hết sức đặc biệt được làm theo kiểu "hồi văn kiêm liên hoàn" gồm 56 chữ Hán, có thể đọc xuôi ngược nhiều chiều thành 64 bài thơ khác nhau mà việc giải mã những tác phẩm của vị vua thi sĩ này hiện nay các nhà thơ đương thời vẫn còn chưa tìm ra đáp án.

Năm 1913 (đời vua Duy Tân), Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập trên cơ sở sưu tầm những hiện vật liên quan đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và những vấn đề văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Học hội đã đặt nền móng ban đầu cho việc sưu tập và tàng trữ cổ vật cho bảo tàng này. Hội cũng ấn hành tập san riêng có tên Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, gọi tắt là B.A.V.H.) và lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên của Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được.

Đến năm 1945, số hiện vật đã lên đến hàng ngàn đơn vị, gồm các sưu tập đồ đồng, đồ gốm sứ, tranh vẽ trên kính, tranh dệt trên song mây, tranh bằng gỗ sơn, sưu tập cổ thư bằng đồng, bằng lụa, trang phục hoàng gia, các loại đồ dệt và đồ ngự dụng, quan dụng, của triều đình, cung cấm,...

Ngoài ra, còn có một bộ sưu tập hiện vật điêu khắc Chăm niên đại rất sớm. Phần lớn là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ những nghệ nhân có "bàn tay vàng" được làm ra theo lệnh của triều đình, cho sản xuất tại chỗ, đặt mua từ ngoại quốc, hàng do các phái bộ ngoại giao biếu tặng, hoặc hàng tiến vua... thuộc hàng quý hiếm không tìm được cái thứ hai.

Nhiều trong số đó là những mặt hàng chỉ có một bản. Có những vật dụng hiện được trưng bày như những bộ Đầu hồ - một bộ đồ trò chơi ngày xưa trong cung điện dành cho vua chúa và giới thượng lưu.

Trang trí nội ngoại thất của điện phong phú, giàu tính nghệ thuật, lộng lẫy và thanh nhã, khéo léo điểm sáng những chi tiết chính, tô mờ những chỗ phụ là một công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách kiến trúc Nguyễn. Các sưu tập ở đây phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm sưu tập y phục của hoàng gia, sưu tập đồ sứ, các đồ dùng trong sinh hoạt nơi cung cấm, những bộ tranh vẽ trên gương có tuổi thọ trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các cuộc lễ hội chốn cung đình... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Điện chứa đựng một bộ sưu tập khá phong phú và quý hiếm bởi số hiện vật được trưng bày tại đây.Có những cổ vật chỉ còn duy nhất một bản và một số cổ vật thuộc hàng "độc" như đầu hồ gắn liền với một trò chơi đã lui vào quá khứ. Các cổ vật kia là những bức tranh phản ánh sinh hoạt cung đình, các quá trình lịch sử cùng những dấu ấn văn hoá, kỹ thuật chế tác tinh vi và tài hoa của nghệ nhân xưa.

Nhưng do nhiều biến cố của đất nước (từ 1845 - 1975), sự huỷ hoại của thời gian, chiến tranh,... và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật tại đây không còn nguyên vẹn như xưa. Hiện vật bị trôi nổi, đánh cắp do chiến tranh, mua bán cổ vật, trong đó có một số cổ vật hiện nay đang nằm tại một số bảo tàng của Pháp. Hiện nay Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế đang ra sức phục dựng, bổ sung, phục chế, gìn giữ chăm sóc cẩn thận, chu đáo để phục vụ khách khách tham quan.

Được xem là bảo tàng duy nhất có số lượng hiện vật khổng lồ của một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là một trong những tòa nhà đẹp nhất của các cung điện Việt Nam. Thế nhưng trong khi khu vực đại nội và các lăng tẩm, chùa chiền và cảnh quan sông nước ở Huế đón một lượng khách khá đông đúc, thì ngược lại số du khách đến với Điện Long An - nay là Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế - có vẻ thưa thớt. Nguyên nhân do dưới những tác động của nhiều biến cố xã hội và sự thay đổi của thời tiết khắc nghiệt, điện Long An hiện đang bị xuống cấp trầm trọng.

Việc tiến hành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi điện Long An là một trong nhiều nỗ lực của Trung tâm Bảo tàng di tích cố đô Huế trong việc gìn giữ di sản văn hóa Huế, ứng dụng và phát huy thế mạnh về khoa học trùng tu di tích. Với tổng mức đầu tư 15.336 triệu đồng, dự kiến việc tu bổ, phục hồi sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2010. (/vi.wikipedia.org)

6.12. Hiển Lâm Các 

Hiển Lâm Các là một công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, trong khu vực các miếu thờ, được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng, cùng lúc với Thế Miếu. Hiển Lâm Các nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17 m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành [1]. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.

Hiển Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ cao tầng, xây dựng trên khối nền cao hình chữ nhật, lát gạch Bát Tràng, xây bó bằng gạch vồ, vôi vữa và đắp nổi mảnh sành để trang trí. Từ dưới bước lên mặt nền bằng hai hệ thống bậc cấp đá Thanh, ở trước và sau mỗi hệ thống có 9 cấp bậc. Hai bên thành bậc cấp đắp hình rồng ở giữa là giới hạn lối đi dành riêng cho vua.

Kiến trúc của Hiển Lâm các được chia làm 3 phần rõ rệt chia làm 3 phần mái chính. Tầng 1 có tất cả 5 gian, kiến trúc của tầng 1 được xem là sắc sảo với những bản điêu khắc đạt đến trình độ điêu khắc tinh xảo. Tại các cột, kèo của tầng 1, các bản điêu khắc có in hình rồng, hoa, lá có giá trị rất cao về mặt kiến trúc. Ở hàng cột 3 tính từ mặt trước, dựng một dãy đố bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hoá thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn đề ba chữ "Hiển Lâm Các" trên nền sơn màu lục, khung chạm 9 con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.

Chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ được bắc lên tầng 2 được xem là một tác phẩm giá trị nhất của Hiển Lâm Các. Tầng 2 được chia làm 3 gian và tầng 3 chỉ có 1 gian. Trên cùng của tầng 3 có đựng một bình rượu màu vàng.

Kết cấu của kiến trúc Hiển Lâm Các khá vững chãi một phần nhờ vào sức chống đỡ của 24 cột. Độc đáo của Hiển Lâm Các nhất chính là công trình này được làm hoàn toàn bằng gỗ và có tất cả 12 mái, 4 cột chính chạy suốt chiếu cao của Hiển Lâm Các 13 m Diện tích mặt bằng Hiển Lâm Các là 300 m².

Hiển Lâm Các là công trình đẹp và độc đáo của khu vực Hoàng Thành. Nó là công trình được bảo quản tốt và được trùng tu nhiều lần, lần mới nhất vào năm 2001 (được xem là lần trùng tu hoàn chỉnh nhất). Cụm từ Hiển Lâm Các, Thế Miếu và Cửu Đỉnh là 3 cụm từ mà mọi người luôn nhắc liền nhau để cho thấy sự liên kết về mặt kiến trúc cũng như về công dụng, chức năng của các công trình này và là một tổng thể không thể tách rời, chính sự phối hợp với bố cục xung quanh cùng cảnh quan khiến cho giá trị của Hiển Lâm Các rất quan trọng. Các đời vua Nguyễn, tất cả các công trình xây dựng đều phải thấp hơn Hiển Lâm Các.(vi.wikipedia.org)

6.12. Thái Bình Lâu

Thái Bình Lâu (太平樓) tọa lạc tại phía đông bắc Tử Cấm Thành trong Hoàng thành Huế (Việt Nam).

Thái Bình Lâu là một tòa nhà hai tầng bằng gỗ nằm giữa một khuôn viên hình chữ nhật rộng 32m, dài 58m. Công trình được vua Khải Định ra lệnh xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, để nhà vua làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách...Thái Bình lâu được trùng tu 1990-1991.

Công trình là một tòa nhà kép, gồm tiền sảnh, chính doanh, hậu doanh nối liền nhau bằng hai máng thoát nước. Mặt nền cao hơn đất 1m, mặt trước là bốn cột xây bằng gạch trát vữa. Phía trước có 3 chữ Thái Bình Lâu và hai bên là hai bài văn do vua Khải Định ngự chế.

Sau tiền sảnh là chính doanh. Đây là một ngôi nhà 2 tầng cao 9.55m, mái được lợp bằn ngói âm dương tráng men vàng với nhiều trang trí rất đẹp và lộng lẫy như hình những con dơi tượng trưng cho Ngũ Phúc và hai bờ nóc đắp nổi hai hình hồi long đầy uy lực.Hậu doanh có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, hai đầu hồi có đắp nổi đề tài Hải ốc thiêm trù với hình ảnh ba ông già chúc thọ cho nhau. Nhìn chung, nổi bật nhất ở đây là nghệ thuật hoa viên và khảm sánh sứ.(vi.wikipedia.org)

6.13. Nhật Thành Lâu 

Nhật Thành Lâu là ngôi lầu hai tầng nằm ở phía đông Càn Thành Điện, phía nam 
Thái Bình Lâu. Trước đây là vị trí của Minh Thận Điện. Theo một số tác giả , ngôi lầu nầy là Phật điện của vua trong Tử Cấm Thành (?). Lối lên lầu cũng được làm hành lang che.

 (http://tourtcn.blogspot.com).

Theo báo Dân trí ngày 16/1/2015 năm 2015 là năm trùng tu lớn nhất trong lịch sử bảo tồn di tích Huế trong đó có Nhật Thành Lầu

6.14. Duyệt Thị Đường 

Duyệt Thị Đường  (Duyệt: xem xét để phân biệt điều phải trái; Thị: xem; Đường: ngôi nhà) là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và là nơi biểu diễn các vở tuồng dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Tuồng biểu diễn trong Duyệt Thị Đường là các vở tuồng cung đình. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam.

Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) nằm bên trong Tử Cấm Thành. Duyệt Thị Đường có tổng diện tích 11.740 m². Diện tích xây dựng nhà hát 1.182 m². Toàn bộ khuôn viên nhà hát trước đây được dùng để trồng các loại cây thuốc Nam quý hiếm. Bên hữu nhà hát là Ngự y viện, nơi để sao chế thuốc chữa bệnh cho nhà vua và hoàng gia. Bên tả là sở Thượng Thiện, nơi dùng để chế biến các món ăn phục vụ nhà Vua. Tất cả đều được ngăn với nhà hát bằng bức tường.

Nhà hát hình chữ nhật rộng rãi với bộ mái có những bờ quyết cong giống như những đình chùa ở Huế, được chống đỡ bởi hai hàng cột lim sơn son có chiều cao 12 m, vẽ rồng ẩn mây cuốn chung quanh chia làm 2 tầng. Ở lưng chừng mỗi cột treo thêm một bức tranh sơn thuỷ vẽ cảnh Huế với khung chạm rồng nổi thiếp vàng. Trên cao hơn, mặt trời, mặt trăng, tinh tú tượng trưng cho vũ trụ được vẽ hoặc chạm nổi lên trần nhà màu xanh lơ. Tòa nhà nối liền với các cung điện của nhà vua và các bà hoàng bằng một dãy hành lang có mái khúc khuỷu, quanh co.

Sân khấu chính làm nơi biểu diễn ở giữa nhà hát, vị trí tốt nhất dành cho vua ngồi là ở vị trí lầu hai, phía trước hai bên vòm có treo hai câu đối bằng chữ Hán của vua Minh Mạng:

Âm nhạc tinh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi

Dịch nghĩa:

Âm nhạc cùng phô bày, hoà lòng người để nuôi dưỡng chí khí
Thiện ác đồng trình diện, khiến giữ được cái tốt (cái đúng) mà giới hạn cái xấu (cái sai).

Sân khấu có ba mặt. Phần bức tường ở cuối sân khấu trổ hai cửa. Các diễn viên vào ở phía phải và ra ở phía trái. Phía sau bức tường là một phòng rộng đựng tủ kệ để chứa các bản tuồng, hia, mão và đạo cụ biểu diễn. Ở vị trí cao nhất trong phòng là một khám thờ hai ông làng tổ sư của nghề hát bội. Phòng này lại trổ cửa hướng ra sân ở mé đông Tử Cấm Thành (các nghệ nhân ra vào bằng lối này). Ðối xứng với bức tường qua sân khấu là một đài cao chia ra làm hai bậc. Bậc cao nhất nằm sát tường phía tây dành cho các bà hoàng và cung tần mỹ nữ. Bậc thấp đặt ngự tọa, nơi nhà vua ngồi xem hát. Hai bậc này được ngăn bởi một lớp sáo trúc thưa làm cho người ngồi bên trong nhìn rõ được người bên ngoài, nhưng người xem ở bên ngoài không thấy mặt người đẹp trong cung cấm. Hai bên chỗ tả và bên hữu của chỗ vua ngồi là dành cho quốc khách, các quan của triều đình ngồi hai bên.

Duyệt Thị Đường được tu bổ nhiều lần dưới thời các vua Nguyễn. Năm 1962, khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa cải tạo, sửa chữa Duyệt Thị Đường để làm cơ sở giảng dạy của Trường Quốc gia âm nhạc Huế, các công trình chung quanh bị triệt hạ để xây chỗ ở cho giáo viên và sinh viên, cấu trúc của nhà hát bị thay đổi không còn như cũ. Trải bao năm chiến tranh, thiên tai và cả sự vô ý thức của con người, DuyệtThị Đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1995 đến năm 2002, nhà hát được trùng tu, phục chế hoàn chỉnh lần cuối, và chính thức đi vào hoạt động thường xuyên từ tháng 3/2003. Phần ghế của quan khách và phần ghế dành cho các quan xưa kia nay được sửa chữa lại để phục vụ khách du lịch

Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch với thể lại nhã nhạc cung đình Huế khá thu hút du lịch. Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc), Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá, Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương,..,.. Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở "Người khởi nghiệp đàng trong" được công chúng đánh giá cao.(vi.wikipedia.org)

6.15. Quốc Tử Giám Huế

Quốc Tử Giám (chữ Hán: 國子監) ở Huế, nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện ở số 1 đường 23 tháng 8, thành phố Huế (Việt Nam). Đây là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam, và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Ngày 11 tháng 12 năm 1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới.

Năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay)

Quốc Tử Giám trước đây thuộc địa phận làng An Bình, giáp với làng Long Hồ Hạ, huyện Hương Trà, thành phố Huế là trường Ðại học quốc gia ngày xưa do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài. Ở nước ta, Quốc Tử Giám đầu tiên đã được thành lập vào năm 1076 tại Kinh đô Thăng Long dưới thời Lý. Ngay từ đầu nó đã có tên gọi là Quốc Tử Giám và từ đó về sau nó vẫn giữ nguyên vị trí ở kinh đô Thăng Long, trong khuôn viênVăn Miếu Hà Nội ngày nay.

Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường - đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trường được xây tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương.

Thời Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy.

Tháng 3 năm 1820vua Minh Mạng cho đổi tên thành trường Quốc Tử Giám. Lúc này Quốc Tử Giám được phát triển to lớn hơn. Quốc Tử Giám tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp sau đó.

Năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài.

Đến thời vua Tự Đức, trường được tiếp tục xây dựng và mở mang thêm. Năm 1848, xây thêm tường bao bọc và dãy cư xá, mỗi bên 2 gian. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên ra vào. Vì lúc bấy giờ cả nước chỉ có một trường Quốc Học nên tập trung một lượng sinh viên về học rất đông. Một lần ghé thăm trường, vua Tự Đức đã làm một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ nội dung bài văn này được khắc vào tấm bia dựng trước sân trường. Do trận bão năm Giáp Thìn (1904), trường bị hư hỏng nặng, nhưng sau đó, trường được phục hồi.

Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay). So với kiến trúc cũ, Quốc Tử Giám mới được xây dựng mới thêm nhiều công trình phụ, trong đó, kiến trúc cũ của Di Luân Đường được giữ nguyên. Hai bên là hai dãy phòng học vẫn như cũ và cư xá sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế TửuTư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định). Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường.

Năm 1945, sau khi triều đình nhà Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử của mình, Quốc Tử Giám cũng không thay đổi kiến trúc kể từ đó đến nay.

Đứng đầu Quốc Tử Giám là quan tế tửu, có quan tư nghiệp hiệp sức cùng một số giáo viên.

Học sinh là tôn sinh (con cháu trong hoàng tộc), ấm sinh (con cháu các quan) và học sinh (thường dân trúng tuyển). Những người đỗ tú tài cũng được ghi danh vào học. Học sinh đều được cấp tiền lương trong khi đi học. Vào đầu thập niên 1900 thì các hạng tôn sinh và ấm sinh lãnh hai đồng rưỡi/tháng. Học sinh thì lãnh một đồng tám.

Dù đã chấm dứt vai trò của mình, thế nhưng trường Quốc Tử Giám đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quốc Tử Giám Huế đã đóng góp công sức của mình trong việc đào tạo ra những nhân tài của đất nước và phản ánh một thời kỳ của lịch sử. Kể từ khi Quốc Tử Giám Huế ra đời đến nay, nền giáo dục đại học ở Huế đã có lịch sử gần hai thế kỷ.Tuy nhiên, trong lịch sử, việc dời Quốc Tử Giám vào Phú Xuân (Huế) đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thi Hội - Đình tại Thăng Long.

Quốc Tử Giám hiện nay còn khá nguyên vẹn, và khá may mắn so với một số công trình khác trong quần thể di tích cố đô Huế. (vi.wikipedia.org)

6.16. Hoàng Thành Thăng Long thời Nhà Nguyễn và Hậu Lâu

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, ấy là vua Gia Long, vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn. Gia Long chọn đóng đô ở Huế. Thăng Long sau đó được đổi thành tổng trấn Bắc Thành với 11 trấn trực thuộc. Nhà Nguyễn bấy giờ đặt quan tổng trấn Bắc Thành và trao quyền hành rất lớn. Quan tổng trấn Bắc Thành được quyền tự quyết cắt đặt quan lại, bãi quan miễn chức, xét xử kiện tụng, sau khi tiến hành xong rồi mới tâu trình. Bởi vậy, quan phủ ở Thăng Long – Bắc thành bấy giờ gần như một triều đình thu nhỏ. Điều đó cho thấy, nhà Nguyễn vẫn đề cao tầm quan trọng của Thăng Long đến mức nào.

Vua Gia Long cho phá dỡ Cấm thành Thăng Long, cho xây dựng lại một tòa thành mới hình vuông, mô phỏng theo kiểu Vauban của Pháp. Mỗi mặt thành được bố trí 2 pháo đài, mỗi góc đều có pháp đài góc. Thành ngoài được mở 7 cửa, trên mỗi cửa có lầu và cột đồng. Xung quanh thành đều có hệ thống hào được dẫn nước từ sông Tô Lịch. Cầu bắc qua hào để vào thành được xây bằng gạch nung chín. Nền thành rộng chừng 28m, mặt thành rộng khoảng 8m. Trên thành có xây tường nhỏ bằng gạch làm chỗ núp cho quân bắn xuống khi có chiến tranh.

Vua Gia Long cho xây thêm tòa điện phía sau điện Kính Thiên làm hành cung, xây các cửa thành Đông Nam, Tây Nam, Đông, Tây và Bắc. Phía trước Hoàng thành Thăng Long cũ, vua Nguyễn cho xây cột cờ, gọi là Điền Đài, cao 100 thước.

Tháng 7 năm 1820, vua Minh Mạng lại bổ sung thêm một số công trình ở Thăng Long. Vua Nguyễn cho dựng thêm các điện, đường hành cung và làm các quán dịch để tiếp sứ thần Trung Quốc từ Kinh Bắc lên tới Lạng Sơn. Phía trước điện Kính Thiên, vua Minh Mạng cho dựng điện Thị Triều và điện Cần Chánh. Ở bờ Nam sông Nhĩ đặt nhà tiếp sứ lợp ngói, bờ Bắc sông Nhĩ đặt các trạm sứ quán từ trạm Gia Quất đến Lạng Sơn cả thảy 7 trạm. Ở giữa trạm dựng một nhà ngói, các tòa nhà trước, sau và hai bên đều dùng gỗ tạp và lợp cỏ tranh.

Tới năm 1931, vua Minh Mạng thực hiện công cuộc cải cách hành chính với quy mô lớn. Thủ phủ của Tổng trấn Bắc Thành, gồm khu vực Kinh thành Thăng Long các triều đại trước và mở rộng thêm, được cắt thành tỉnh Hà Nội. Bấy giờ, tỉnh Hà Nội được triều Nguyễn cắt đặt cho 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa và Lý Nhân; 15 huyện là Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thượng Phúc, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Nam Xang, Duy Tiên, Bình Lục, Phú Xuyên, Kim Bảng và Thanh Liêm.

Thành tỉnh Hà Nội trước đó được nhà Nguyễn dựng lại với chu vi 1.728m, cao 4,5m, hào bao quanh rộng khoảng 16m. Đến lúc vua Minh Mạng chia lại tỉnh hạt, bèn cho bạt bớt đi 1 thước 8 tấc cho phù hợp với quy chế thành của một tỉnh.

Như vậy, đến thời Nguyễn, dù Kinh đô được đặt ở Huế, nhưng Thăng Long – Hà Nội vẫn tồn tại như một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn, rất được triều đình coi trọng. (hoangthanhthanglong.vn/)

Hậu lâu ở Hoàng Thành Thăng Long  

Hậu Lâu là một trong 5 di tích hiện còn của Thành cổ, còn có tên khác là Tĩnh Bắc Lâu hoặc lầu Công chúa, hay Hậu điện.

Công trình này có thể là nơi ở của các cung tần mĩ nữ trong đoàn tuỳ tùng mỗi khi hoàng đế triều Nguyễn từ Phú Xuân ngự du Bắc Hà.

Tòa thành Hà Nội thời Nguyễn xây theo kiểu Vô-băng, thành mới xây ở chỗ Đông Cung của nhà Lê cũ. Các di tích hiện còn trong “Thành cổ Hà Nội” là Cột Cờ, thẳng đường chính đạo vào tới điện Kính Thiên, rồi Đoan Môn, chếch sang phía Tây có lầu Tĩnh Bắc và Bắc Môn ở chính Bắc thành. Các kiến trúc tạo thành một tổng thể liên kết, gắn bó, bổ sung cho nhau.

Hậu Lâu là một trong 5 di tích hiện còn của Thành cổ Hà Nội. Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc lâu, Lầu Công chúa, hay tòa “Hậu điện”. Kiến trúc trên có 5 tầng mái đan xen nhau, lầu dưới cũng có 3 tầng mái... mái được lợp giả ngói ống, trát vữa xi măng, các góc mái đều tạo dáng cong thanh thoát. Dưới cùng của tòa nhà xây tường dạng hình hộp.

Hậu Lâu cũ đã bị đổ nát trong thời kỳ Pháp xâm lược vào năm 1876, sau người Pháp đã cải tạo, xây giá lắp để lấy chỗ ở và làm việc của quân đội Pháp.

Từ khi tiếp quản Thủ đô (1954), Hậu Lâu nằm trong khu vực quản lý của Bộ Quốc Phòng và cũng tiếp tục cải tạo đổi chỗ. Kiến trúc hiện tại của Hậu Lâu mang đậm nét kiến trúc của thế kỷ XIX.

Diện tích được bàn giao từ Bộ Quốc Phòng sang thành phố Hà Nội quản lý là 2.392m2, ngày 6-4-1999 Bộ Văn hóa Thông tin đã ký quyết định công nhận di tích lịch sử “Thành Cổ Hà Nội”, trong đó có Hậu Lâu.

Hậu Lâu cũng mới được đại tu trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội.  (http://thanglong.cinet.vn).

 

                                                        Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2016

                                                                     Ts. Nguyễn Văn Kiệm