Video
Công đức
Sách: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM (NXB Hồng Đức XB 2018)

CHƯƠNG I: KINH DƯƠNG VƯƠNG THUỶ TỔ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI KỲ TIỀN SỬ

Người Việt Nam luôn tự hào với quá khứ hào hùng của mình, tôn vinh những bậc vĩ nhân đã tô điểm rạng rỡ quá khứ hào hùng đó. Quá khứ đó có tác động mạnh mẽ vào hiện tại và tương lai

Ở lăng Kinh Dương Vương thôn Á Lữ,  xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành có câu đối:

                  “Vạn cổ giang sơn ân hồn tổ

                  Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi”

   Nghĩa là:           “Từ vạn đời cả nước Nam  chịu ơn sâu ngọn nguồn tiên tổ

                                Một nấm mồ nhỏ, trải bao mưa gió vẫn sừng sững một tấm bia hồng”

Trong quá trình đi tìm về cội nguồn, Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã có nhiều tư liệu minh chứng Kinh Dương Vương - Thủy tổ của người Việt đồng thời là Thủy tổ của họ Nguyễn Việt Nam thời kỳ tiền sử đang hiện hữu di ấn ở vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Kinh Bắc - tỉnh Bắc Ninh ngày nay - nơi có nhiều di ấn văn hóa, lịch sử với Luy Lâu; đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ,  xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành; chùa Phật Tích xã Phật Tích, huyện Tiên Du; chùa Keo xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành; đền Đô nơi thờ tám vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn… Đây là nơi cội nguồn của bao dòng họ nổi tiếng trong đó có họ Nguyễn Việt Nam.

1.1. Truyền thuyết về Kinh Dương Vương - Thủy tổ của người Việt và họ Nguyễn Việt Nam

Mỗi dân tộc đều có những truyền thuyết lịch sử được thần thoại hóa thể hiện lòng tự hào của dân tộc mình, ngay cả những dân tộc mà ngày nay được xem là văn minh cũng đều có một con vật biểu trưng cho dân tộc như gà trống Gaulois của nước Pháp, Sư tử của nước Anh, đại bàng của Hoa Kỳ… và Việt Nam là huyền thoại “Rồng Tiên”.  

Việt Nam, một dân tộc mà truyền thuyết và hiện thực đan quyện hoà lẫn với nhau đến độ khó có thể phân biệt đâu là truyền thuyết, đâu là hiện thực. Truyền thuyết Việt Nam nói đúng hơn đó là truyền kỳ lịch sử được hư cấu dưới lớp vỏ huyền thoại nhưng thực chất lại đề cao con người với ý nghĩa nhân bản truyền thống. Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hóa cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc trăm trứng nở trăm con” của Âu Cơ. Từ ý niệm “đồng bào” dẫn đến tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi, yêu quê cha, đất tổ, tất cả đã trở thành giá trị đạo lý truyền thống của nền văn minh đạo đức Việt Nam. Chẳng vì thế mà mỗi khi đất nước có hoạ xâm lăng thì tất cả các dân tộc Việt (không phân biệt già trẻ trai gái, không phân biệt Kinh, Mường, Thái, Giao…) đều cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi quân xâm lược.

Đất nước, con người Việt Nam chắc chắn là có từ khi con người Việt chưa có giấy viết mà chỉ bằng những hình tượng được ghi trên đá, không lẽ thời kỳ này Việt Nam không có sử? Để khắc phục điều đó người Việt đã truyền cho nhau và cho đời sau bằng các sự kiện thông qua truyền thuyết cho dễ nhớ “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Như vậy những truyền thuyết này không có giá trị về lịch sử sao?

Về sau, ngay cả bộ sử đầu tiên được viết là bộ “Việt Trí” của Trần Phổ và bộ “Đại Việt Sử ký” do Lê Văn Hưu biên soạn thời Trần Nhân Tông năm 1272. Cả hai bộ này đều bị giặc ngoại xâm - Nhà Minh tịch thu và tiêu huỷ nên không còn nữa. 

Đầu thế kỷ XIV, Trần Thế Pháp và Lý Xuyên đời Trần đã chép lại truyền thuyết dân gian vào bộ sách: “Lĩnh Nam Trích Quái” và “Việt Điện U Linh” để truyền lưu cho đời sau. Trần Thế Pháp tác giả “Lĩnh Nam Trích Quái” đã viết: “Khi chưa có quốc sử để ghi chép cho nên nhiều truyện bị mất đi, may còn truyện nào không bị thất lạc được dân gian truyền miệng thì đó là sử trong truyện chăng?. Biết bao truyện không khắc vào đá, viết vào tre mà chỉ truyền tụng ở ngoài bia miệng!? Từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền tụng và lấy đó làm răn, rất quan hệ đến cương thường, phong hóa. Há đâu phải là điều lợi nhỏ???”.

Trong quá trình biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử nổi danh ra đời vào năm 1697, sử gia Ngô Sĩ Liên đã nối dài dòng chảy lịch sử đất nước khi đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư thời Hồng Bàng và đưa chặng huyền sử này trở thành điểm khởi nguyên tiến trình phát triển của dân tộc.

Để thực hiện được công việc này, Ngô Sĩ Liên đã sử dụng nguồn tư liệu chủ yếu rút ra từ dã sử, những lời truyền tụng và chắc chắn không thể thiếu những truyện tập hợp từ truyền thuyết và cổ tích để tạo lập nên một bộ biên niên sử.

 Dưới triều Nguyễn, khi Quốc sử quán cho ra đời Khâm định Việt sử thông giám cương mục công trình kế thừa đồ sộ của Đại Việt sử ký toàn thư, những huyền sử này vẫn tiếp tục xuất hiện và giữ vị trí chủ chốt trong việc xác định nguồn gốc khởi nguyên của dân tộc và đất nước. (https://news.zing.vn/)

Truyền thuyết thoạt nghe có vẻ hoang đường huyền hoặc nhưng vấn đề nếu chúng ta đặt mình vào thủa ban sơ cách đây mấy ngàn năm mới thấy Tổ tiên ta sống ra sao và suy nghĩ như thế nào ở thời cổ đại? Từ đó mới có thể hiểu được những gì mà Tổ tiên ta đã gửi gắm cho chúng ta qua bức thông điệp lịch sử đó. Huyền thoại mẹ Âu Cơ “đẻ trăm trứng, nở trăm con” phải chăng người Việt cổ đã chọn vật linh biểu trưng của mình là chim hạc đã được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ bay về hướng Đông xuống miền biển, hình tượng bay lên trời cũng giống như hình tượng Tiên của mẹ Âu Cơ.

Ngày nay không ai phủ nhận được giá trị của huyền thoại và truyền thuyết được coi như lịch sử dân gian mà đôi khi nó có giá trị trung thực hơn cái gọi là chính sử của các chế độ độc tài xưa. Beaudelaire một thi sĩ nổi tiếng đã nhìn nhận sức mạnh của truyền thuyết huyền thoại vì đó là “Sử cô đọng của các dân tộc”.  Đại văn hào Pháp Victor Hugo  (1802-1885), một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ 19, đã nhận định: “Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ phản ánh tương lai và lịch sử cũng là sự phản ánh của tương lai ném vào quá khứ”.  Trong tác phẩm “Truyền Kỳ các thời đại” , Victor Hugo đã tìm về nguồn cội, khai thác các truyền thuyết thần thoại xa xưa vì đó là “Lịch sử được lắng nghe ở ngưỡng cửa của truyền thuyết. Truyền kỳ có phần nào hư cấu nhưng tuyệt đối không có ngụy tạo”.

Thật vậy, truyền thuyết tự thân nó không phải là lịch sử biên niên nhưng truyền thuyết là có thật, nó phản ảnh những ý nghĩa có thật của một thời lịch sử ban sơ mà người xưa ký thác vào đó với những hư cấu huyền hoặc để truyền lưu gửi gấm cho những thế hệ sau. Laurens va de Post đã xem huyền thoại là di sản thiêng liêng nhất vì nó diễn tả tinh thần dân tộc ở mức độ cao nhất. Micia Eliado cũng cho rằng “Huyền thoại là gia sản quý báu nhất vì tính chất thiêng liêng điển hình và mang lại ý nghĩa sống cho cả một dân tộc”.

Triết gia thời đại Jung đã viết: “Truyền thuyết huyền thoại hàm chứa những ý nghĩa lịch sử trung thực nhất, vì nhân vật thần thoại là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của một thời đại tạo dựng tỏa sáng nhưng nó phải chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý giải. Huyền thoại là đạo sống của một dân tộc”.  Chính vì vậy, Wallace Cliff khẩn thiết kêu gọi: “Nếu dân tộc nào để mất đi huyền thoại là đánh mất mạch nối vào nguồn cội quá khứ của tổ tiên và cũng sẽ mất luôn căn bản cho việc xây dựng tiền đồ của dân tộc đó”.  Karl Jung nhận định “Huyền thoại là đạo sống của một dân tộc. Nếu dân tộc nào quên đi huyền thoại thì dân tộc đó dù là những dân tộc văn minh nhất, sớm muộn cũng sẽ tiêu vong”.  (https://www.vntv.online/?p=2911)

Một triết gia đã nói: “Tất cả nền minh triết cũng như trí khôn loài người đều ẩn tàng trong các huyền thoại, truyền kỳ lịch sử dân gian”. (http://www.vietnamvanhien.net)

Truyền thuyết dân gian đã trở thành văn hóa dân gian của người Việt, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt, nó trường tồn mãi mãi với thời gian, không bị khuất phục trước cường quyền, áp bức và sự thôn tính. Chính vì vậy mà trải qua hàng ngàn năm đô hộ, thống trị của người phương Bắc (thời kỳ Bắc thuộc), người phương Bắc không những muốn thôn tính đất nước Việt về mặt địa lý mà còn muốn thay đổi cả về con người (giết hết đàn ông để đồng hóa người Việt thành người Tầu…), thu hồi sách vở, triệt phá đền đài, xoá đi những dấu ấn mà người Việt đã dựng nên, nhằm triệt tiêu nền văn hóa, ý chí của người Việt. Chúng đưa văn hóa của người phương Bắc vào bắt người Việt phải theo…Với trăm mưu, ngàn kế nhưng cuối cùng cũng không thể thôn tính được nền văn hóa của người Việt. Một nền văn hóa đã được ông cha ta dựng nên và truyền tụng cho nhau từ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau chỉ bằng những lời kể chuyện, những câu vè, ngụ ngôn... Đó chính là nền văn hóa dân gian của người Việt. Cũng chính từ đó mà lớp lớp từ thế hệ này đến thế hệ khác đã quật cường đứng lên, đã đem tất cả tinh thần, của cải, sức lực, trí tuệ và tính mạng của mình để bảo vệ lấy non sông đất nước Việt Nam này, bảo vệ nền văn hóa đó, làm cho nó trường tồn mãi mãi với thời gian. Phải chăng giá trị truyền thuyết đó không phải là lịch sử? Vậy chúng ta hy vọng rằng những quan điểm cho rằng chỉ có chính sử với những gì đã được viết thành sách mới là sử nên được cân nhắc thay đổi!

Thể chế, chế độ dù có thay đổi nhưng văn hóa của người Việt không bao giờ đổi thay, nó là nét đặc trưng cho người Việt dù ở trên đất Việt Nam hay ra định cư ở nước ngoài.

GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết (http://giadinh.net.vn/ Ngày 14 Tháng 2, 2010). Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa.

Một số huyền thoại thường được lịch sử hóa là chuyện bình thường, nằm trong quy luật lưu truyền và phát triển của loại hình văn hóa dân gian. Sử học mới chỉ chứng minh được thời kỳ Hùng Vương là có thật theo ý nghĩa là thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù còn sơ khai, phôi thai. Trong lịch sử của bất cứ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới thời cổ đại, đều có hai mốc lịch sử quan trọng. Thứ nhất là sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ nước đó, mốc mở đầu lịch sử gắn liền với cuộc sống của con người. Thứ hai là sự hình thành nhà nước đầu tiên khi cư dân nước đó bắt đầu tập hợp lại thành cộng đồng quốc gia, mở đầu lịch sử dựng nước và giữ nước. “Thời Hùng Vương là mốc thứ hai và do đó, không nên hiểu Giỗ tổ Hùng Vương là giỗ của vị tổ đầu tiên của người Việt, của dân tộc Việt Nam” , GS Phan Huy Lê (http://giadinh.net.vn Ngày 14 Tháng 2, 2010)

Truyền thuyết về Kinh Dương Vương

 Sự nghiệp của ông được tiếp nối bởi Lạc Long Quân và các vua Hùng. Niên đại của Kinh Dương Vương là trước thế kỷ VII TCN là thời kỳ Hồng Bàng (Hán tự: 鴻龐) là giai đoạn lịch sử thời đại thượng cổ (tiền sử) của lịch sử Việt Nam.Theo Bách khoa toàn thư mở (http://vi.wikipedia.org/): Kinh Dương Vương, là nhân vật truyền thuyết Việt Nam, tương truyền ông là thủy tổ dân tộc Việt. Dã sử chép Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục, là người hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm 2879 TCN), đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, đóng đô ở Hồng Lĩnh (nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân.

Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên (鶩僊), sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên Lộc Tục (祿續).

Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương (chữ Hán: 涇陽王).

Ông lấy con gái vua hồ Động Đình tên là Thần Long, sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân

Hồng Bàng là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Lãnh thổ của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa ngày nay). Về sau người Việt chỉ thấy có ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, có thể một phần do sự lấn áp của các tộc người Hoa Hạ từ phương Bắc.

Cũng theo http://vi.wikipedia.org, Xích Quỷ (chữ Hán: 赤鬼) là một quốc gia cổ đại của cư dân Bách Việt, được xem là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam vào đầu thời Hồng Bàng và  Kinh Dương Vương được coi là người khai sinh ra nước Việt Nam. Vua đặt tên nước là Xích Quỷ, bao gồm một vùng rộng lớn phía nam của Trung Quốc hiện nay đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã ở miền bắc Việt Nam. Nền tảng vật chất của nước Xích Quỷ là nền văn hóa đồng thau với  di vật tiêu biểu là trống đồng cỡ lớn có vai trò đặc biệt trong tín ngưỡng của người Xích Quỷ.

* Theo “Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư” được ghi chép từ thời Tự Đức năm thứ nhất “Tự Đức nguyên niên chính nguyệt thập ngũ nhật” được lưu giữ tại từ đường họ Nguyễn (Nguyễn tộc) thôn Vân Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội do Hà Khắc Khoan phiên âm và dịch ngày 10 tháng 02 năm 2012 có ghi:

“Từ khi khai thiên lập địa, tiền tổ của chúng ta sinh cơ lập nghiệp ở Tây Vực, trước sau bảy ngàn năm. Núi có hang làm nhà, đất đai bằng phẳng rộng rãi... Muôn đời tôn xưng Phục Hy đại đế làm tù trưởng. Tên nước là Cực Lạc, đóng đô ở đó... Cuối đời Phục Hy gặp nạn hồng thủy Nguyên trưởng còn trẻ, trong nhà có quản gia nô là Hiền Viên dùng binh làm phản. Con vua Viêm Đế phải chạy tị nạn ở Thổ Long đến khi trưởng thành ông cùng với các chúa núi huy động binh đuổi tên gia nô ra khỏi biên giới. Ông kế thừa nghiệp tổ làm Chính Nhân Minh Sứ. Nhân dân kính yêu. Từ dưới núi Tây Phương đến Phương Lãnh, Trầm Đỉnh, Linh Sơn, Tiên Lữ cùng đất Phong Châu thành một dải đất yên bình. Ông dùng cây cỏ làm thuốc trị bệnh… Được bốn trăm năm đều tôn xưng làm Thần Nông. Đến Sở Minh Công nối nghiệp sinh ba người con trai là: Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi Nhân và Nguyễn Long Cảnh. Chia đất nước làm ba nước có ba vua trong đó có nước Xích Quỷ kinh đô ở Phong Châu do Nguyên trưởng Kinh Dương Vương làm chủ. Khởi đầu Nam Việt có vua là Kinh Dương Vương. (tr 11-tr 15).

Trang 27 có ghi: “Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình ở Nghĩa Lĩnh, bà sinh Lạc Long Quân cùng bốn vị hoàng tử, tất thảy 5 vị Hoàng tử nên còn có tên gọi là 5 vị Tôn Ông”.Trang 13 có ghi: “Đế Thừa Sở Minh Công có hai bà. Bà cả sinh Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi Nhân. Bà hai sinh Nguyễn Long Cảnh hiệu Ông Ba Đại Vương. Đời sau tôn là “Tam Toà Đức Chúa Ông”.  Nguyễn Minh Khiết cùng ông Ba thống trị 15 bộ… Nguyễn Minh Khiết lấy bà Vu Nữ Tiên Nương. Nàng sinh trưởng nam là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương đóng đô ở Việt Trì, sông Bạch Hạc lập Quốc hiệu là Xích Quỷ, đô hiệu là thành Phong Châu”.

“Thời Nguyên Thủy, trong nước có giặc ở núi Tử Di. Các vị Vương tử đều bất tài sợ chết. Vua cha gọi ông Lộc Tục giao việc dẫn quân dẹp giặc. Ông ba Công Long Cảnh biết rõ ông Lộc Tục còn trẻ chưa giỏi binh pháp nên xin với vua cùng ông Lộc Tục dẫn quân dẹp giặc. Vua chuẩn y lời thỉnh cầu. Ông Lộc cùng với chú là Long Cảnh còn có tên là Lý Lang cất binh đường đường tiến. Khi đến hồ Động Đình nghỉ chân. Ông Lộc cùng các tướng đến phủ Động Đình thăm sức khoẻ vua Động Đình. Trong phủ có cô nàng áo xanh mặt hoa da ngọc thật là thần tiên có một. Ông Lộc dụng ý đề cử ông chú uống trà cùng vua. Ông vào xin phép hai vị một mình ra ngoài xem cảnh vật Động Đình. Vua sai con gái dẫn đường. Hai người cùng đi. Ông Lộc thấy con gái vua Động Đình chính là cô nàng áo xanh. Ông ngỏ ý cầu hôn. Cô gái áo xanh nói: “Hoàng tử đang gánh trọng trách quân mệnh như sơn, việc hôn thú xin đợi khi ca khúc khải hoàn”.  Ông lại hỏi họ tên nàng là gì. Cô gái đáp: “Thiếp họ Nguyễn tên Đăng Ngạn, chi thứ họ Hồng Bàng”. Hai người đều tâm đầu ý hợp. Hôm sau hành quân thẳng tới Tử Di Sơn. Ma Mạc không thể cự địch, Lý Lang Công bắt Ma Mạc chờ ngày hạ thủ. Ông Lộc biết, đến đại bản doanh xin Ba Công tha tội cho Ma Mạc. Kẻ có tội Ma Mạc cảm đại ân đức của ông bèn xin vào làm bầy tôi, ông thuận cho. Ma Mạc nói: “Ở trên núi Tử Di có người Vương Đạo tính đến nay đã hơn năm trăm tuổi biết được vận trước sau. Ngày gần đây Vương Đạo nói với ngu thần: “Nay gặp được minh chủ hẳn được trọng dụng”.  Qua nhiên là vậy. Ông nghe lời lập tức lên núi. Đi đến giữa đường thì Vương đạo đã xuống núi nghênh tiếp. Cất tiếng kính chào ông Bang Chủ. Ông nói: “Ta là tiểu trưởng vâng mệnh Vua cha bảo vệ dân thường ở khu này đâu dám tự phong là chủ trưởng”.  Người Vương Đạo nói: “Ngày nay ta bái trước, hai mươi năm sau ta lại bái. Lòng trời đã định, thần thánh và người đều theo đấy”.  Dẹp xong giặc ở phía Bắc, ông quay về đến hồ Động Đình, vua Động Đình thuận gả con gái Đăng Ngạn cho ông. Ông Lộc làm biểu về tâu vua việc chiến thắng và báo hỷ cầu hôn. Vua cha nhận được tin mừng thân hành đến hồ Động Đình mở tiệc lớn mừng phong ông Lộc Tục hiệu Kinh Dương Vương thống trị Kinh chân dương Việt. Hai mươi năm sau Thái Khương Công mất, mười lăm bộ cùng các chúa núi, bảy mươi hai động chủ tôn Kinh Dương Vương làm Nam Phương Thánh Chủ kế vị lập nước Xích Quỷ đóng đô ở Phong Châu. (tr 31- tr 36). Đến triều đại Hùng Vương tôn hiệu vua Kinh Dương Vương là “Ngọc Hoàng Thượng Đế” (tr38).

“Vua Lạc Long Quân tên thụy là Hùng Lãm, tên tự là Phúc Thọ là con vua Kinh Dương Vương, đổi tên nước là Văn Lang, phân địa dư làm 15 bộ, phân dân làm trăm họ gọi là Bách Việt. Lấy Nguyễn (họ) làm nguyên trưởng. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai là bà Âu Cơ. Trên đầu núi có mây lành ngũ sắc rực rỡ. Bà Âu Cơ ở đó có mang sinh ra Hùng Lân nối ngôi vua là Hùng Quốc Vương, kế truyền 18 đời hơn 100 lượt vua đều lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu” (tr 43-44).

Cũng tác phẩm này do Lê Xuân Khải và Đỗ Quang Liên dịch, Đỗ Đình Hạ và Nguyễn Thiên Đồng hiệu đính (tháng 7/2000 - tháng 9/2001) có đoạn viết:

“Là con cháu, há chẳng nhớ về ngọn nguồn xa xưa, vậy nay lập thành gia phả, ghi lấy mồ mả tổ tiên ta ở nơi nào, cho đến các cành nhánh, thế thứ đều có ghi chép để cho con cháu mai sau nối dõi, mãi mãi noi gương… Buổi sơ khai, tên nước là Cực Lạc có Đế Thiên (Phục Hy); rồi đến Đế Viêm là người mở ra con đường văn minh sớm nhất, đã biết dùng lửa luyện kim, nung gạch ngói; rồi đến Đế Khôi hiệu là Thần Nông. Trên toàn cõi Đông Á, các ngày lễ là đầu năm, cuối vụ (thượng điền, hạ điền, cơm mới) đều dâng hương làm lễ để nhớ ơn. Rồi đến Đế Thừa húy là Sở Minh Công. Đế Thừa (Sở Minh Công) sinh được ba con trai:

Thứ nhất là Nguyễn Minh Khiết làm hoàng đế ở phương Nam

Thứ hai là Nguyễn Nghi Nhân làm Đế ở phương Bắc (Trung Quốc)

Thứ ba là Nguyễn Long Cảnh, còn gọi là Lý Lang Công.

Đế Minh là con trưởng của Đế Thừa, húy là Nguyễn Minh Khiết. Đế Minh lấy Vu nữ Tiên Nương (sinh ở Tây Hồ) sinh ra Kinh Dương Vương

Từ cổ đến nay chỉ có một nước. Nay phân làm ba nước, ắt phải có ba vua, nên Kinh Dương Vương lấy ba chữ Vương () hợp lại thành chữ Quỷ (), gọi tên nước là Xích Quỷ. (Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh biên soạn, trang 168, Hàn Man Tử hiệu đính, Trường Thi xuất bản năm 1932: Xích Quỷ là tên một ngôi sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú trên bầu trời. Tục truyền là quốc hiệu của đất nước, được xem là cội nguồn của Việt Nam, vào thời Kinh Dương Vương. Xích nghĩa là đỏ, chỉ phương Nam. Theo Kinh Dịch, Phương Nam là nơi văn minh).

Tổ Kinh Dương Vương, húy Quảng (Nguyễn Quảng). Quốc sử gọi là Lộc Tục, tên chữ là Phúc Lộc, con của Thánh tổ Nguyễn Minh Khiết và Vu Tiên. Sau khi đánh thắng Mạc Ma ở Tử Di Sơn, được phụ vương phong làm Kinh Dương Vương, cho cai trị đất Kinh Châu, Dương Việt, có chú là Long Cảnh cùng Bát Bộ Kim Cương phù trợ. Khi Đế Minh băng hà, mười lăm bộ đồng lòng tôn ông (Ốc tổ) làm Thiên tử, sau tôn hiệu là Nam Triều Thánh tổ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Ốc tổ (Kinh Dương Vương) sinh được 5 người con là:

- Con trưởng là Nguyễn Nghiêm, húy là Hùng Nghiêm, đời sau tôn là Phong Thần.

- Con thứ hai là Nguyễn Quyền, húy là Hùng Quyền, tên chữ là Pháp Vân.

- Con thứ ba là Nguyễn Đô, húy là Vũ Thiên Hầu, tên chữ là Pháp Vũ.

- Con thứ tư là Nguyễn Khoản (sử ký ghi là Sùng Lãm) là Lạc Long Quân.

- Con thứ năm là Nguyễn Hoạch, tự là Pháp Điện, húy là Quang Anh.

Kinh Dương Vương là hậu duệ Thần Nông húy là Nguyễn Quảng (Quốc sử là Lộc Tục) sinh ra Lạc long Quân. Bấy giờ, con gái Đế Lai là Âu Cơ, tên là Mỹ có sắc đẹp được Lạc Long Quân lấy làm vợ. Bà có thai sau 10 tháng sinh ra một bọc 100 trứng. Sau 7 ngày trứng nở ra 100 người con trai, không bú mớm gì mà trưởng thành. Một hôm Long Quân nói với Âu Cơ: ta vốn là giống Rồng, nàng vốn là giống Tiên, số phận không giống nhau, xum họp thật khó khăn, hãy cùng nhau tương biệt, chia 50 người con theo cha về Biển làm Thủy thần và 50 người con theo mẹ về Núi làm Sơn thần, đó là gốc của họ Hùng.

Trước sau họ Hùng có Bách Thần Sông Núi, thường hay ứng hiệu biến hóa thần thông, âm phù giúp nước, giúp dân. Bách Thần cũng thường ứng mộng vào làm con các nhà, nhà nào có phúc thì được.

Có 18 triều vua được tôn húy là Hùng Vương, trước nhất là Hùng Quốc Vương, húy là Lâm Lang. (Tr 1-7).

* Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ do GS Ngô Đức Thọ dịch có đoạn viết:

CỔ VIỆT HÙNG THỊ NHẤT THẬP BÁT THẾ THÁNH VƯƠNG NGỌC PHẢ CỔ TRUYỆN TÍCH XƯA LƯU LẠI CỦA BẢN NGỌC PHẢ CHÉP TRUYỆN TIỀN THÁI TỔ CAO HOÀNG ĐẾ CỦA THÁNH TỔ HÙNG VƯƠNG SƠN THÁNH

[ĐẾ MINH 帝明] Cháu ba đời của vua Viêm Đế là Đế Minh sinh Đế Nghi rồi đi tuần du phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh (giới hạn ở động Bạch Hổ tỉnh Vân Nam - xưa gọi là động Xích Quỷ, nguyên thuộc nước ta gọi là quận Giao Chỉ. Động Xích Qủy sau gọi là nước Xích Quỷ, nay đổi là nước An Nam) thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra Kinh Dương vương.

[Đời thứ 1]

KINH DƯƠNG VƯƠNG 涇陽王

Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi. Đế Minh muốn truyền ngôi báu để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương Vương cố nhường cho anh. Thế là Đế Minh lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương quay mặt về phương Nam mà cai trị thiên hạ [tức là làm vua phương Nam], gọi tên là nước Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương kính tuân chỉ dụ của vua cha, đem quân theo núi Nam Miên mà đi về phía Nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp [tức quốc đô].

Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An. Nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, [núi non] muốn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn. (Xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống).

Vùng này giáp biển ở cửa Hội Thốn, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống.

Bấy giờ khí xuân ấm áp, vô vàn cảnh sắc. Vua Kinh Dương Vương bản tính thích phong thủy bèn lên thuyền ngự tuần du hải ngoại. Vua trải xem địa đồ, bất giác thấy thuyền rồng đã thẳng đến hồ Động Đình. Vua sai dừng thuyền, đứng xem cảnh trời nước. Vua chợt thấy một thiếu nữ lưng eo dung nhan tuyệt sắc từ dưới nước đi lên. Vua cho là cuộc hội ngộ hiếm có xưa nay, bèn sai quân chèo thuyền đến gần. Vua nói:

-Tiên nữ đẹp quá, từ đâu đến đây?

Thiếu nữ đáp:

-Thiếp tên là Thần Long, là con gái vua Động Đình. Thiếp ở trong thâm cung cửa ngọc, từ lâu đợi bậc anh hùng. Nay gặp thiên sứ, nguyện được hầu trầu khăn.

Kinh Dương Vương vui mừng đẹp ý, bèn dắt tay thiếu nữ bước vào trong long thuyền. Vua cho quay thuyền trở về thành đô, lập Thần Long làm Cung vi chính khổn (Hậu cung Chính khổn)

Ngày sau vua lại đi tuần thú, rong ruổi xa giá xem khắp các nơi sơn xuyên. Đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa hình đồi non chập chùng, sông đẹp núi lạ. Vua bèn tìm mạch đất, nhận được khí mạch từ trên núi Côn Lôn đi xuống, qua cửa Ải, lòng sông thoát mạch, rồng đi gần xa đến núi Tụ Long tiếp với châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chảy đến các làng Hạ Hoà, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Ninh phủ Lâm Thao, rồi đến chùa Long Hoa thôn Việt Trì ở Ngã ba sông Bạch Hạc là dừng. Mạch này bên trái từ sông Lôi Hà, núi đi đến đâu sông theo đến đó, qua các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương đột khởi núi Tam Đảo, Tả cung Tiên làm thanh long. Trùng sơn vạn thủy, nổi lên các dãy núi ở Lập Thạch, Bách Ngoã, Chu Diên, Thanh Tước, Ngọc Bội, Khai Quang. Phụ bên trái có các núi Châu Sơn, Sóc Sơn, Chung Sơn,Trà Sơn, Từ Sơn, Trạm Sơn, Tích Sơn, An Lão sơn thuộc xứ Kinh Bắc chầu về, dẫn đến Hải Dương, Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử thoát ra đến biển, Đồ Sơn tám xã làm Long đầu chầu án. Mạch bên phải từ Ba Thục, Hán Giang, Nhị Hà, Lô Giang, Thao Giang, núi chạy đến đâu sông theo đến đấy. Đến Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thập Châu, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà đến huyện Bất Bạt đột khởi núi Tản Viên. Hữu cung tiên làm Bạch Hổ, muôn nhánh quần sơn nổi lên ở Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Thạch Thất,Yên Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, hữu bật đến Chương Đức, Đại Yên, Hương Tích sơn thuộc xứ Sơn Nam. Bên phải là Na Sơn, Nam Công, Vũ Phượng sơn, Đội sơn, Điệp sơn, Nghi Dương sơn, chầu phục vào trong, chảy thoát đến núi cửa biển Thần Phù ở núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Trà Lý làm đầu hổ chầu, lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường, lấy Ngã Ba Lãnh ở sông Cả thuộc huyện Nam Xương làm Trung minh đường, núi Tượng Sơn ở Nam Hải làm Ngoại minh đường. Nghìn non nâng chủ, vạn thủy chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh. Thu tận hình thế, vua nhận ra thế cục của đất này quý đẹp hơn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh để thỉnh thoảng ngự giá đến nghỉ. Bên ngoài lại dựng đô thành Phong Châu (nay là Cựu đô thành ở thôn Việt Trì xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc), đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (Đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, đến bắc Động Đình hồ, nam tiếp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành). Rồi vua ngự giá về cựu đô ở Hoan Châu. Việc dựng đô thành của vua, trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại dựng ở núi Nghĩa Lĩnh, nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô ấp của nước Việt Thường. Bấy giờ vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh vừa lúc cung phi con gái vua Thần Long có mang, rồng hiện điềm lành, khắp nhà rực ánh sáng đỏ, trong trướng hương thơm ngào ngạt toả ra. Cung phi nghỉ trong trướng ngọc khoảng một tuần (10 ngày) thì sinh ra Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân húy Sùng Lãm, vợ Lạc Long Quân sinh một bọc trăm trứng, an lành nở ra 100 con trai. Vương định 100 họ (tính), đặt 100 tên, xưng 100 hiệu, làm 100 vị thần, mỗi vị chiếm cứ một khu, đều xưng là Thủy tổ của Bách Việt, rất mực linh thiêng. Vua cha là Long Quân hóa sinh bất diệt, trở về biển thành Rồng, là Động Đình đế quân.

Long quân bẩm sinh tư chất phi thường, tự có khí tượng đế vương, bèn được lập làm Hoàng thái tử.

Bấy giờ có con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ về sống ở quê mẹ tại động Lăng Sương huyện Thanh Nguyên châu Đà Bắc (nay đổi là Lăng Sương huyện Thanh Thủy). Một hôm Âu Cơ đi chơi ở châu Trường Sa, gặp khi vua đi tuần thú ở Đà Giang. Vua thấy Âu Cơ dung nhan xinh đẹp, rất vừa ý, bèn lấy làm vợ, lập làm Hoàng phi. Thế rồi Kinh Dương vương sai Lạc Long Quân ra ở tại đô thành núi Nghĩa Lĩnh tại Phong Châu thay vua cha làm việc nước.

Lạc Long Quân nhiếp chính.

[Đời thứ 2]

LẠC LONG QUÂN tức HÙNG HIỀN VƯƠNG 雄賢王

Lạc Long Quân lên nối ngôi, đổi hiệu là Hùng Hiền vương. Bấy giờ nàng Âu Lạc (tức Âu Cơ) có thai đã 3 năm 3 tháng 10 ngày, mây ngũ sắc sáng bừng đầu núi Ngũ Lĩnh. Giờ ngọ ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tí cái thai trong bụng Âu Cơ chuyển động, đến giờ ngọ ngày 28 khắp nhà hương thơm toả nức, ánh sáng loé lên trong trướng, hoàng phi Âu Cơ sinh ra một bọc màu trắng như ngọc. Khi hoàng phi mới sinh, hương lạ thơm nức khắp núi Nghĩa Lĩnh và cả vùng đất tổ Phong Thứu, Ngọc Lĩnh, Liên Trì (đầm sen).

Hiền vương thấy hoàng phi sinh tú bào hết sức dị thường, cổ kim thiên hạ chưa từng thấy. Người trong nước lấy làm lạ. Vua bèn triệu hội bách quan văn võ triều thần đến chầu ở chính điện. Giờ ngọ hôm ấy ba tiếng trống lệnh rung trời chuyển đất vang lên giữa không trung trong thành nội, núi sông cây cỏ muôn vật đều phải kinh hoàng, mây lành ngũ sắc sáng bừng khắp ba ngàn thế giới. Muôn chim bay chầu trên chính điện, dưới núi làn nước tung sóng cuộn dâng. Trăm kình nghê muông thú, muôn vật cá tôm đội gió mưa về chầu cống. Vua thấy quốc gia có điềm lành kỳ lạ, bèn xuống chiếu cho bá quan văn võ sửa sang áo mũ trai giới tịnh khiết đến tề tựu ở điện Kính Thiên, đèn hương phụng hầu chầu lạy Hoàng thiên thượng đế, Tứ phủ vạn linh.

Ngày hôm ấy vào giờ Thân bỗng thấy một áng mây xanh từ phía Tây bay đến hội ở sân rồng điện Kính Thiên, rồi bốn vị thiên tướng hiện ra rất kỳ lạ. Các vị tướng ấy cao hơn nửa trượng, đầu đội mũ hoa, mình mặc cẩm bào xanh, lưng thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, nói cười đều loé hào quang lưỡi lửa. Rồi giữa các tầng mây hiện lên nhiều thiên quan thiên tướng. Ngọc Hoàng thượng đế xuống sắc:

Hiền chúa Nam Miên bọc rồng trăm trứng, nở ra trăm trai trị nước. Nay sai Tứ đại Thiên vương phù giúp bảo hộ. Vậy ban sắc này.

Hiền vương sai truyền long bài, truyền các quan văn võ ngước lên trời cao vái vọng, rồi lạy tạ Thiên vương. Thiên vương nói:

Bào ngọc trăm trứng, rồng lành giáng sinh.

Thiên sứ báo cho Hiền vương đặt chiếu sắc của Ngọc hoàng Thượng đế lên chiếc mâm vàng đem đến ngôi chùa cổ ở núi Viễn Sơn, chuyển cho Từ Sơn Thiên Quang hoà thượng ở ngọn Thứu Lĩnh (sau đổi là Thiên Quang thiền tự) lưu giữ ở trong chùa, chọn quan trai giới chầu hầu, đèn hương không ngớt. Đến ngày bào trứng nở ra. Hiền vương theo lời dặn của Tứ đại thiên vương chờ đợi các trứng tự nhiên biến hóa. Hiền vương thành tâm làm lễ cầu đảo lớn.

Thế là vào giờ ngọ ngày rằm tháng giêng, trăm trứng an lành nở ra trăm con trai. Khắp Long thành đầy mây ngũ sắc, áng lành toả rạng khắp nơi, hương trời thơm ngát bay toả khắp chốn núi sông.

Trong khoảng một tháng các chàng trai không cần bú mớm mà lớn bật lên như người trưởng thành, tướng mạo phương phi, dáng hình kỳ tú, thân cao ba thước bảy tấc, cái thế anh hùng.

Hiền vương triệu phi tần sáu cung đến phát các tấm gấm lĩnh để khâu may 100 bộ áo mũ cấp cho các chàng trai. Trong một ngày các cung nữ được ba lần cười vui, thường lấy hoa sen, lá sen trên hồ đem đến tặng cho các chàng trai. Được một trăm ngày, các chàng trai đã lớn, nhưng không biết nói, chỉ biết cười. Đúng trăm ngày, vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 cả trăm chàng trai đều cười vang, nói lớn:

Trời sinh bậc thánh,

Trị nước sinh vua,

Thanh bình bốn biển,

Thiên hạ vững yên.

Thế là một trăm hoàng tử đều đến trước sân rồng ở điện Kính Thiên.

Bỗng thấy một áng mây ngũ sắc từ trên không bay sà xuống sân rồng. Hiền vương thấy 8 vị thiên tướng đầu đội mũ đồng, mình mặc áo bào giáp sắt, chân đi hia bạc, lưng thắt khăn rồng quá độ (quá độ long cân?), tướng mạo sang quý sáng láng, mắt sáng như sao, miệng nhả hào quang hoả khí, tay cầm thần kiếm linh trượng, chày ngọc búa sắt, dàn hàng đứng hai bên tả hữu chờ lệnh. Bỗng không trung biến hóa, nhất thời mưa gió nổi lên, mây mù vờn bay vây quanh chính điện trên núi Nghĩa Lĩnh. Trong khoảnh khắc núi non mất hình, sông suối tràn dâng, không ai lường được chuyện gì xẩy ra. Sau khoảng ba giờ bầu trời lại tạnh sáng. Đó là 8 vị thiên tướng gọi là Bát bộ Kim Cương vâng sắc chỉ của Chư Phật ở Thượng thiên sai xuống hộ vệ 100 vị hoàng tử. Nay các hoàng tử đã trưởng thành đôn hậu minh mẫn, tám tướng phụng sai đưa các hoàng tử đến lạy mừng vua cha trị bình trong nước.

Tâu xong các các thiên tướng biến hóa bay về trời, ban cho Hiền vương một lệnh long bài, một quả bảo ngọc thần ấn, một hòn ngọc trắng, một thanh kiếm thần, một quyển Thiên thư (sách trời), một chiếc thước ngọc, một chiêc mâm vàng, tất cả đều đặt trong chính điện. Hiền vương vâng mệnh đón nhận, coi đó là điềm lành lớn trời ban để trị yên thiên hạ.

Hiền vương thấy 100 con trai bỗng nhiên đã trở nên cao lớn, thân cao bảy thước ba tấc, tay cầm thần khí thiên bảo, chia hàng đứng chầu hai bên tả hữu. Các hoàng tử lạy mừng phụ hoàng. Hùng vương xuống chiếu truyền rằng:

Trăm con trời sinh của ta thánh văn thần vũ, hùng tài đại lược, giúp nước yên bình, thiên hạ ngước trông, thi nhân hóa đức, cha con vua tôi cùng vui.

Hiền vương cho triệu bách quan đến lạy mừng rồi cùng triều hội để nghị bàn quốc sự, đổi hiệu thay tên. Trăm con trai trăm hiệu, vị thứ cao thấp trước sau. Trăm hoàng tử đều có tư chất hơn người, anh hùng bậc nhất xưa nay, thần tài thánh trí. Các quan triều đình lúc ấy cũng không ai dám phân biệt được trong các hoàng tử thì ai là người anh minh quyết đoán hơn, cho nên cũng khó đặt các danh hiệu. Triều đình tâu rằng:

- Nước có Thánh vương, sinh các hiền tướng, đều là những bậc trong triều không ai sánh bằng, vậy nên chúng thần không ai dám bàn định danh hiệu các hoàng tử. Kính thỉnh Thánh phụ xét tài của các hoàng tử để định danh hiệu.

Hiền vương phán rằng:

- Chính sự lớn của triều đình phải có người anh tài nổi bật mới có thể đảm đương được. Trẫm vâng mệnh Trời gây dựng cơ đồ lớn lao, mở nước trị dân, theo mệnh trời sinh đựơc trăm con trai. Nay trẫm muốn phong truyền chức quan cho các con, Trẫm thành tâm lập đàn chay, mật khấn Hoàng thiên cùng vạn linh ngự hội để đặt định danh hiệu trăm quan.

Bấy giờ vua lên đàn tràng khấn lễ cầu đảo lớn. Vua vừa cầu khấn xong, tự nhiên có cảm ứng, có vị thần ở phương Tây tới. Bỗng thấy một ông già râu tóc bạc phơ đầu đội mũ Phật gấm lĩnh, mình mặc áo vải nhuộm nâu, chân đi hia, tay cầm gậy tre ra chơi chùa Hoa Long ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc. Ông già rửa chân bên sông rồi ngồi nghỉ trên tảng đá phẳng trên con sông gọi là sông Nhị Hà. Hôm ấy có triều quan là Nguyên suý tiết chế tướng quân trấn thủ đô thành Phong Châu đang ngồi trên ngôi lầu bên sông. Quan Nguyên suý trông thấy ông Tiên đang xem phong thủy, cúi đầu nhìn xuống đáy sông, một chân ghếch lên tảng đá hình lưng rùa (đá lưng rùa ở thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc; chùa Hoa Long ở bên bờ sông. Nay dấu tích ông Tiên hãy còn). Quan trấn thủ bèn mời cụ già đến hỏi chuyện. Quan đem hết chân tình quốc sự bộc bạch với cụ già, mở tiệc khoản đãi rồi mời ông về điện vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Triều quan vào tâu vua. Vua thân hành ra mời cụ già vào cung mở tiệc chúc mừng.

Hiền vương hỏi:

- Tiên ông từ đâu đến ngao du phong cảnh ở đây? Nay trong nước có chuyện lạ, nhờ Tiên ông chỉ giáo cho.

Tiên ông ha hả cười vang.

Hiền vương vẫn đứng nói chuyện, hỏi Tiên ông:

- Trẫm có điềm lành sinh đựơc trăm con trai trí tuệ thông minh thì tất cả đạo khái cũng như nhau, cho nên khó đặt định danh hiệu vị thứ, cũng không biết ai anh ai em. Kính nhờ Tiên ông đặt tên, định thứ bậc giúp cho

Tiên ông đáp:

-Ta sinh ở thời Hoàng Đế, theo học đạo Phật, ngao du nơi hải ngoại càn khôn. Trong ba ngàn thế giới ta thích đến nước Nam Miên ngắm xem phong thủy. Vua cho mời ta đến đây, ta có một quyển sách thần có thể bói xem mọi việc trong thiên hạ, gọi tên các vị Tiên. Huống chi quốc gia đã có thành tâm lập đàn cầu đảo, đã cầu tất ứng. Xin nhà vua thành tâm để lão vận trù một quẻ hỏi xem tiền định thế nào? Tiên ông bèn xem mặt các hoàng tử, phân định thứ bậc anh em. Đoạn Tiên ông lấy bút giấy ra đặt tên cho một trăm hoàng tử. Viết xong, Tiên ông đặt tờ giấy lên chiêc mâm vàng. Để phân định thứ bậc anh em. Hiền vương lại gọi 100 hoàng tử đến hội ở chính điện để nhận tên đã ghi trong sách. Mọi người xếp thành hai hàng đối nhau đợi lệnh. Một người được gọi tên lập làm thái tử để nối ngôi Vương (còn 99 người khác lần lượt nhận danh hiệu được ban. Từ đó thứ bậc anh em phân định rõ ràng, ai nấy đều vui. Xếp đặt mọi việc đã xong, Tiên ông tự nhiên biến hóa về trời. Hiền vương sai các quan thường xuyên đến chùa Từ Sơn Thiên Quang cầu Phật ứng hộ. Thái tử tục danh là Hùng Lân sau đổi là Hùng quốc vương. Các con thứ có tên là Xích Lang, Quỳnh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Huân Lang, Yến Lang, Tiêu Lang, Diệu Lang, Tĩnh Lang, Tập Lang, Ngọ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Hộ Lang, Thục Lang, Khuyến Lang, Chiêm Lang, Vân Lang, Khương Lang, La Lang, Tuần Lang, Tán Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũ Lang, Ác Lang, Hãn Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Nhiễu Lang, Lý Lang, Thế Lang, Dạng Lang, Tróc Lang, Sát Lang, Cốc Lang, Nhật Lang, Sái Lang, Chiểu Lang, Điềm Lang, Kiềm Lang, Trường Lang, Thuận Lang, Tẩm Lang, Thai Lang, Triệu Lang, Ích Lang, gồm 50 trai theo lệnh cha. Hương Lang, Thiêm Lang, Thận Lang, Văn Lang, Vũ Lang, Linh Lang, Tịnh Lang, Hắc Lang, Quản Lang, Cao Lang, Tế Lang, Mã Lang, Chiếu Lang, Khang Lang, Chỉnh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Miên Lang, Xuyến Lang, Yêu Lang, Thiếp Lang, Bái Lang, Tài Lang, Trừng Lang, Triệu Lang, Cố Lang, Lưu Lang, Lộ Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Huyền Lang, Nhĩ Lang, Tào Lang, Nguyệt Lang, Sâm Lang, Lâm Lang, Triều Lang, Quán Lang, Canh Lang, Thải Lang, Lôi Lang, Thấu Lang, Việt Lang, Vệ Lang, Mãn Lang, Long Lang, Trình Lang, Tuấn Lang, Tòng Lang, Thanh Lang, gồm 50 trai theo lệnh mẹ.

Từ đó các hoàng tử đều đã có tên gọi, trưởng thành phương trưởng, ngồi chính toạ ở triều đường, vị thứ xếp trên các quan. Hiền vương bèn phong hầu riêng cõi, chia nước làm 15 bộ:

Một là Sơn Tây, hai là Sơn Nam, ba là Hải Dương, bốn là Kinh Bắc, năm là Ái Châu, sáu là Hoan Châu, bảy là Bố Chanh, tám là Ô Châu, chín là Ai Lao, mười là Hưng Hóa, mười một là Tuyên Quang, mười hai là Cao Bình, mười ba là Lạng Sơn, mười bốn là Quảng Tây, mười lăm là Quảng Đông.

Trước đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

- Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải lìa nhau thôi. Chia 50 con theo cha về biển, làm Thủy tinh. Chia 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc.

Thời bấy giờ trên chính nhân luân, dưới hậu phong hóa, thi hành việc gì ai cũng được thích nghi. Vua vì thế đựơc rũ áo khoanh tay, hoà mục trong chốn cửu trùng. Dân nhờ thế được đào giếng cấy ruộng, vui sống ở nơi thôn dã. Không một người dân nào bị xua đuổi không chốn sinh cư, không một vật nào không được yên bề nuôi dưỡng. Công thành trị định, đứng đầu so với các tiên vương, dẫu là phong hóa của thời thái cổ cũng không sánh kịp.

Hùng Hiền vương hưởng nước dài lâu, đời đời cha truyền con nối, đều gọi là Hùng Vương. Ngọc lụa xe thư, núi sông một mối. Đó là Thủy tổ của Bách Việt.

[Đời thứ 3]

HÙNG QUỐC VƯƠNG 雄國王

Thái tử là Hùng Quốc vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn, sau khi nối ngôi thi hành chính sự đức giáo, khuyến khích nông tang, khiến dân không lo nghèo thiếu, nước có tích luỹ của dư. Hoàn vũ thanh bình, không ai gian xảo giả dối, phong tục hồn thuần chất phác. Xét xem xuyên suốt cho đến bấy giờ, vua là bậc nhiều công hưng trị, càng sáng hơn các tiên vương, các đời đều tôn xưng là bậc hiền quân. Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ sơn tinh, thủy tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, chia đất đầu núi góc biển, hùng cứ một phương. 50 trấn đầu núi đều gọi là Quan Lang phiên thần phụ đạo; 50 trấn góc biển đều gọi là Thủy thượng linh thần, tiện cho việc bảo hộ sinh dân, khuông phù xã tắc. Hùng Quốc vương sinh được con trai con gái. Vua bèn đặt quan văn gọi là Lạc hầu, đặt tướng võ gọi là Lạc tướng; các vương tử gọi là Quan Lang vương, các vương nữ (công chúa) gọi là Mị Nương. Các quan hữu ti gọi là Bồ Chính.

* Cuốn “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của tác giả Bùi Văn Nguyên - NXB Khoa học xã hội, năm 2000 có viết: “Sở Minh Công có hai vợ:

Bà chính thất, không chép tên, sinh một bọc hai con trai đầu là Nguyễn Minh Khiết (còn gọi tắt là Đế Minh) và em ra sau là Nguyễn Nghi Nhân (còn gọi là Đế Nghi).

Bà thứ hai sinh con trai là Nguyễn Long Cảnh (còn gọi là ông Ba) sau đổi là Lý Nỏ. Lý Nỏ nhận làm thái sư cho cháu, con anh trưởng là Nguyễn Lộc Tục, tức về sau là Kinh Dương Vương… Sở Minh Công chính vừa thức đổi dân tộc Kinh sang Sở vừa đặt tên gốc họ cho ba người con trai của mình trên danh nghĩa là vua trăm họ giống Việt (Bách anh em khác). Tại sao họ Nguyễn lại là họ gốc đầu tiên của dân tộc Kinh cùng nhiều dân tộc anh em khác. Tên Nguyễn ở đâu mà ra? Chữ Nguyễn () bên trái là chữ phu (cái gồ đất) bên phải là chữ nguyên  (bắt đầu, gốc, nguyên thủy…) (có lẽ họ Nguyễn bắt đầu là như vậy N.V.K). Ba người con trai của Sở Minh Công như sau:

Chi thứ nhất là chi con trưởng Nguyễn Minh Khiết

Chi thứ hai là chi con thứ hai Nguyễn Nghi Nhân

Chi thứ ba là chi em thứ ba Nguyễn Long Cảnh

… đều sinh đẻ ở Phong Châu (Việt Nam)  (tr 64-65).

Trong cuốn “Tân dính Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh (1452-1516) có nói: “Nhân giữa mùa xuân, Minh Khiết đi tuần phía nam Ngũ Lĩnh đến núi Vu Tiên gặp cô gái dung mạo đúng đắn, thuần hậu ngang nhiên từ phía trước đi lại giáp mặt, Minh Khiết lấy làm lạ, liền hỏi chuyện, thì cô Vu Tiên thưa rằng: “Thiếp là giá Vu Tiên, nhân lúc lạc đường đi qua đây”.  Minh Khiết hài lòng liền thu nạp làm phi tần, rồi thành chính thất sinh ra Lộc Tục Kinh Dương Vương” (tr 69-70).

Theo ngọc phả Hùng Vương từ đời Lê Đại Hành (năm 980) thì Kinh Dương Vương có 5 người con trai là Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Thôi, Nguyễn Lãm (sau đổi là Hùng Lãm được Kinh Dương Vương nhường ngôi cho. Đó là vua Lạc Long Quân) còn hai em là Nguyễn Huê và một người chưa có tên  đều mất sớm.

Lạc Long Quân về sau lấy con gái của Đế Lai, tức bà Âu Cơ, cháu của Đế Nghi, chi họ Nguyễn thứ hai ở  Ô Châu thuộc vùng Cối Kê. Âu Cơ có tên húy là Căn, tên chữ là Nguyệt Tiên là ái nữ của Đế Lai theo Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp. Lạc Long Quân nắm vương quyền vẫn cai quản 15 bộ như thời Kinh Dương Vương” (tr 84, 85).

Lạc Long Quan và Âu Cơ chính thức kết duyên với nhau. Ít lâu sau thì Âu Cơ có mang, đến ba năm ba tháng mười ngày. Thời đó ở đồi Nghĩa Lĩnh tức động Hoa Cái, thường có sắc mây sáng chói. Năm Giáp tý, tháng chạp ngày rằm, giờ ngọ thì Âu Cơ chuyển dạ cho đến giờ ngọ ngày 28 tháng chạp cùng năm, sinh ra một bọc trứng, cũng gọi là một bọc một trăm hòn ngọc (nhất bào bách ngọc) giữa một vùng ánh  sáng chói, hương hoa sực nức.

Ngay giờ ngọ hôm đó, nhà vua truyền nổi hiệu lệnh, triệu tập văn võ bá quan đến điện vua để chứng kiến sự lạ. Trước đó bá quan đã được lệnh chay tịnh sạch sẽ, chuẩn bị áo quần chỉnh tề, để tế lễ tạ ơn trời đất đã trao bọc trăm hòn ngọc vô cùng quý giá.

Hôm đó, trời đang tạnh ráo bỗng có mưa, nhà vua cho rằng đó là điềm tốt. Chờ các quan đến đủ, vua truyền làm lễ tế trời đất. Khoảng xế chiều bỗng thấy có một đám mây từ phía tây kéo đến phủ kín cung điện nhà vua. Từ trong đám mây ở trên cao xanh xuất hiện bóng dáng bốn vị tướng nhà trời, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo gấm, lưng thắt đai ngọc, chân đi hài thêu, tay cầm long bài (thẻ rồng có viết chữ) của vua trời vứt xuống, đại ý nói rằng: “Nhà Trời đã ban cho Bọc trăm rồng trăm trứng, nở thành trăm con trai đội mũ vua hiền để cải huấn đất nước. Lệnh này từ Nhà Trời ban xuống, sẽ được Nhà Trời bảo vệ. Y theo sắc chỉ thi hành”.

Tiếp đó Lạc Long Quân nhắc lại ý Nhà Trời trong sắc chỉ cho mọi người cùng nghe. Nhà vua chọn một số quan văn võ, trai giới chỉnh tề, hương đèn túc trực nơi để bọc rồng trăm trứng và tất cả chuẩn bị làm lễ mở bọc. Hôm đó đúng giờ ngọ ngày rằm tháng giêng (không nói năm) lễ mở bọc bắt đầu. Nhà vua liền nhấc bổng bọc rồng giơ lên thì bỗng nhiên bọc kỳ diệu đó tự mở ra. Trăm trứng như trăm hòn ngọc đã nở thành trăm em bé trai. Đô thành Phong Châu có mây sắc phủ ở trên, sông núi toả hương trời ngào ngạt. Mọi người hân hoan vái tạ trời đất.

Một tháng trôi qua, trăm em bé trai không bú mà tự lớn dần, mặt mũi em nào cũng oai hùng sắc sảo. Nhà vua truyền cung phi may áo cho các em mặc. Trước cung điện các em ở có hồ sen trải rộng, ban ngày thường có bướm lượn trên không.

Đã gần ba tháng trời mà các em vẫn chưa biết bập bẹ, chưa biết mỉm cười, kể cả em nở đầu tiên được coi như em con trưởng.

Lại đến giờ Thìn (tinh con rồng) ngày hai mươi tháng bẩy, tức 100 ngày sau, thì bỗng cả trăm cười to và tất cả nói rằng: “Trời trong xanh sinh thánh, nước lặng phắc sinh vua. Bốn biển đã thăng bình, thiên hạ ắt yên vui”.

Chẳng bao lâu 100 cậu bé đã lớn thành trăm hoàng tử. Khi các hoàng tử lên điện chầu vua cha, thì nhà vua thấy có tám vị tướng Nhà trời sai xuống bảo vệ các hoàng tử. Tám vị tướng này có thể ví như tám vị tướng Kim Cương trọng đạo Bà La Môn. Trăm hoàng tử đều to cao đến bảy thước năm tấc. Cha con chính thức gặp nhau xiết bao vui vẻ.

Nhà vua truyền vời trăm quan đến hội đồng tại điện vua, để chứng kiến lễ ban danh hiệu cao quý cho cả trăm hoàng tử, mà không cần chia thứ bậc trên dưới, để các hoàng tử cùng nhau phấn khởi. Sau đó vua truyền tổ chức lễ cầu phúc cho các hoàng tử. Bỗng có một cụ già, tự xưng là nhà tu hành ở chùa đạo Bà La Môn Hoa Long được quan trấn thủ Phong Đô triệu về chầu vua. Nhà vua ân cần tiếp và xin cụ giúp vua xử lý việc định ngôi thứ.

Nhà vua phán rằng:

- Nay Trời cho ta trăm trai trưởng thành, ta xét sức lực, tài cán các con thì như nhau, khó cho danh hiệu khác nhau, người này là anh, người kia là em. Vậy xin phiền lão nhân giúp ta.

Cụ già Hoa Long kính cẩn thưa rằng:

- Thưa thánh thượng, kẻ già nua sinh ra từ đời Tiên đế (chỉ Kinh Dương Vương), vốn theo đạo Bà La Môn, đã từng đi khắp nơi để hiểu tình hình. Kẻ già này vốn không có tài gì, may có được quyển sách Thần từ thời Tổ Phục Hy, dựa vào đó mà bói (tức là sách Bát quái).

Nhà vua truyền:

- Vậy mong lão nhân giúp ta cử đích trưởng nối ngôi và thứ tự anh em

Cụ già liền tâu:

- Việc nước rất hệ trọng. Kính mong Thánh thượng hết sức thành tâm thì mọi việc ắt sẽ suôn sẻ.

Lạc Long Quân nghe theo chỉ dẫn của cụ già và đã chọn được Hùng Quốc Vương (Nguyễn Lân) là anh cả, sau này nhường ngôi cho trở thành Vua Hùng Vương thứ nhất, lấy tên nước là Văn Lang. (tr 88- tr 92).

* Tác phẩm “Trường ca tiền sử Việt Nam” của tác giả Đỗ Văn Bình do NXB Văn hóa-Thông tin phát hành Quý III năm 2014 có đoạn viết:

“Đế Thừa (Sở Minh Công) có 2 bà vợ, bà cả là Trần Thị Phú sinh đôi hai con trai là Nguyễn Minh Khiết và Nguyễn Nghi Nhân, giống nhau như hai giọt nước; bà hai là Trần Thị Lãm (em gái bà Trần Thị Phú) sinh được Nguyễn Long Cảnh. Nguyễn Minh Khiết (“Đế Minh” sau còn gọi là Khương Thái Công) là anh cả nối ngôi vua cha Đế Thừa. Đế Minh đã chinh phục và thu phục được 72 bộ lạc (bộ tộc), sau đó phân chia hai em cùng cai quản đất nước, cụ thể là:

Giao cho Nguyễn Nghi Nhân (Đế Nghi) làm vua đất Sở…

Nguyễn Long Cảnh (con bà hai) được Đế Minh giao quản vùng đất Tây Nam…

Đế Minh khi cao tuổi, bèn giao cho con trai trưởng là Nguyễn Lộc Tục (sau này tôn là Kinh Dương Vương) làm chủ trưởng, lấy tên nước là Xích Quỷ (Quỷ là ba chữ vương ghép lại), đóng đô ở Phong Châu” (tr 226).

“Lộc Tục là con của Đế Minh và bà Ngoan Nguy. Tên thật là “Nguyễn Quảng” , sử ký ghi là “Lộc Tục” danh xưng là Kinh Dương Vương sau được dân gian tôn là “Vua cha Ngọc Hoàng - Đức Nam Bang Thánh Tổ Minh Vương; Đệ nhất Quảng Giáo Viên Minh Kinh Dương Vương” (tr 315).

“Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra thái tử Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân, Lạc Long Quân kết hôn với công chúa Âu Cơ, sau thay Kinh Dương Vương đổi tên nước là Văn Lang” (tr 339).

“Sùng Lãm tên thật là Nguyễn Khoản là con đầu của Kinh Dương Vương, được Kinh Dương Vương truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Long Quân hay còn gọi là Lạc Long Quân, lấy quốc hiệu là Văn Lang, kinh đô ở Phong Châu.

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái thì Văn Lang có kinh đô ở Phong Châu phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên Trung Quốc ngày nay), phía Bắc giáp hồ Động Đình (Hồ Nam Trung Quốc), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chămpa sau này). Nước này gồm 15 bộ”.  

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng - nở thành 100 người con trai; sau 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi. Lạc Long Quân truyền ngôi cho Hùng Quốc Vương tên thật là Hùng Lân” (tr 348, 363).

* Tác phẩm “Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 2012 đã viết:

Tổ Thần Nông

“Tương truyền từ cổ xa xưa có một cụ Thiên sư nghề nông tìm ra cây lúa nước (cây lúa thần) tạo ra hạt thóc (hạt gạo), gọi là hạt Ngọc, được con cháu người đời tôn sùng là Tổ Thần Nông.

Cụ Thần Nông sinh ra Viêm Đế. Viêm Đế sinh ra Đế Minh (tức cụ Nguyễn Minh Khiết- Theo “Họ Đỗ Việt Nam” - NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội-2001). Đế Minh tuần du đến núi Ngũ Lĩnh gặp con gái cụ Vũ Tiên là Nữ Tiên Nương công chúa, hai người kết duyên cầm sắt. Sau này dân Việt tôn thờ Nữ Tiên công chúa là Mẫu Đoan Trang Công Chúa - tức cụ Đỗ Quý Thị, sau đi tu đắc đạo, pháp danh là Hương Vân Cái Bồ Tát (theo “Họ Đỗ Việt Nam” ).

Thủy tổ Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ

Vào năm 2879 TCN có một vì sao sáng rực gọi là sao Quỷ, đỏ rực và nổi trội nhất trong 28 vì sao Nhị Thập Bát Tú. Cùng lúc đó, ở trời phương Nam có chòm sao Huyền Vũ đầu thai vào Mẫu Đoan Trang công chúa. Mẫu sinh ra người con trai khôi ngô tuấn tú, tướng mạo phi thường, được cha yêu quý đặt tên là Lộc Tục - Kinh Dương Vương”.

Theo Ngọc phả truyền lại: Nguyễn Minh Khiết (Thái Khương Công), tức Đế Minh (cháu 4 đời vua Thần Nông), sau khi thu phục được 72 bộ lạc, cụ giao quyền cho con thứ là Lộc Tục (Kinh Dương Vương) đứng đầu nước Xích Quỷ, dời nơi Phục Hy ở cũ (vùng làng Sở), sau cụ về ở với bà hai ở Khương Thượng và mất ở đấy. Mộ cụ ở làng Đình Cộng, gần đền thờ. Giỗ cụ ngày 2 tháng 2 âm lịch tại Khương Thượng (Hà Nội ngày nay).

Cụ bà, Đỗ Quý Thị, húy là Ngoan, còn gọi là Công chúa Đoan Trang, tục truyền bà là con cụ Long Đỗ, vùng Nghi Tàm (cụ Long Đỗ còn gọi là thần Bạch Mã, một trong tứ trấn Long Thành xa xưa, nay thờ ở đền Bạch Mã trong phố Hàng Buồm Hà Nội).

Hai cụ (Đế Minh, Đỗ Quý Thị) sinh ra Lộc Tục - Kinh Dương Vương, sau được tôn xưng là Vua Cha Ngọc hoàng Thượng đế (theo “Họ Đỗ Việt Nam” - tóm tắt thế thứ các vị tổ từ lúc khai sinh mở vận đất nước đến Hồng Bàng - Văn Lang - PGS Đỗ Tòng - NXB Văn hóa-Thông tin - Hà Nội - 2004).

Ngày ấy, nước Viêm Giao Bàn Cổ có một đám giặc nhà trời gọi là giặc Ma xuống quấy phá mùa màng, con người, gia súc… Cha Đế Minh định xuất quân đánh giặc, lúc này Lộc Tục đã lớn, văn võ song toàn, xin cha Đế Minh đi đánh giặc Trời (giặc Ma). Đế Minh thấy Lộc Tục dũng khí sáng ngời, bèn ưng thuận lời thỉnh cầu của Lộc Tục.

Lộc Tục xuất binh, lên thuyền ra trận trên sông Trường Giang (tức sông Hoàng Hà- Trung Quốc), đổ về sông Dương Tử. Thuyền chiến đi gần tới hồ Động Đình, cụ Động Đình Quân nghe tin Lộc Tục, con trai Đế Minh đi đánh giặc Ma nhà trời, liền sai con gái mình là Nữ tiên Thần Long mặc áo dài mầu xanh nghênh đón về nghỉ ngơi. Giặc nhà trời nghe tin con gái cụ Động Đình Quân cùng Lộc Tục đang trên đường ra trận, hoảng sợ tự rút lui tan dần. Nhờ thế trận chiến không hao tốn sức người, sức của.

Lộc Tục chiến thắng trở về, cha Đế Minh mừng rỡ, muốn truyền ngôi cho Lộc Tục kế vị. Lộc Tục trong lòng hiếu thuận, không dám nhận, xin vua cha trao cho anh là Đế Nghi. Đế Minh làm theo ý Lộc Tục, phong cho Đế Nghi làm vua cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua cai trị phần đất phương Nam, lấy sông Dương Tử làm ranh giới. Lộc Tục đặt hiệu là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.

Phần đất đai được cha Đế Minh phân chia như sau:

- Bờ bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quản.

- Bờ nam sông Dương Tử do Lộc Tục cai quản.

Ranh giới nước Xích Quỷ được xác định:

- Phía Bắc: giáp hồ Động Đình

- Phía Đông: giáp biển Đông

- Phía Tây: giáp đất Ba Thục

- Phía Nam: giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành)

(Theo “Họ Đỗ Việt Nam, sách đã dẫn- NXB Văn hóa - Thông tin, 2004).

Kinh Dương Vương kết duyên cùng Long Nữ

Lộc Tục sâu nặng nghĩa tình trước khi ra trận cùng Nữ Long (con cụ Động Đình Quân) nên xin cha mẹ cho kết duyên cùng Long Nữ.

Hai gia đình “Môn đăng hộ đối” cũng thuận tình ưng ý đôi uyên ương đang độ tuổi xuân, đã làm lễ kết duyên cho đôi trẻ. Buổi lễ có mặt đông đủ hai gia đình và mọi người trong họ tộc, cùng kính bái Thiên Địa, bái Tổ tiên, họ tộc Thần Nông, Thần sông, Thần núi, mong phù hộ cho “Gia đình bình an, con cháu hưng thịnh”.

Khi nghe tin con trai được cha Đế Minh phong làm Kinh Dương Vương cai quản đất phương Nam, Mẹ xin Đế Minh cho Mẹ mang Lộc Tục về đất phương Nam, hướng dẫn, chăm lo mong Lộc Tục trở thành vị vua anh minh, sinh con cháu giống nòi tiên tổ. Đế Minh chấp nhận lời thỉnh cầu, đồng ý cho Bà và vợ chồng Lộc Tục về đất phương Nam.

Buổi đầu mẹ con Bà trú ngụ tại động Phi Tiên, ngày đêm Bà hương đăng cầu nguyện cho con bà thuận lợi trên con đường lập nghiệp, xây dựng và mở mang giang sơn xã tắc, đông con nhiều cháu nối dõi tông đường. Bà được con cháu người Việt tôn là Hương Vân Cái Bồ Tát, là đạo Mẫu đầu tiên của con cháu đất Việt được lập đền phụng thờ ở động Phi Tiên (nay thuộc tỉnh Hoà Bình).

Kinh đô nước Xích Quỷ

Năm 2879 TCN, Lộc Tục lập nước Xích Quỷ, đây là tên Sao Quỷ (một trong 28 ngôi sao trong Nhị Thập Bát Tú) đầu thai vào Mẫu Đoan Trang. Xích Quỷ có nghĩa là Quỷ Đỏ (xích là đỏ) - Trời Nam có sao Quỷ đỏ nhất, sáng nhất.

Buổi sơ khai khi lập nước Xích Quỷ, Kinh Dương Vương đóng đô tại núi Ngàn Hống (thuộc huyện Can lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay)

Thần Long Nữ theo mẹ chồng và chồng về đất phương Nam. Trên đường về, Bà mang thai đủ tháng đủ ngày. Vào mùa xuân tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, ngày ngày đàn chim Hồng quây quần ca hót véo von. Dưới chân núi Ngàn Hống (có độ cao 778 mét và nằm phía Đông Bắc Biển Đông, trong đó ngọn cao nhất là núi Hồng Lĩnh), Bà sinh cho Đức Vương một người con trai tuấn tú khôi ngô, được cha đặt tên là Sùng Lãm.

Lộc Tục lập kinh đô ở núi Hồng Lĩnh, gọi là Kinh đô Nghĩa Lĩnh (kinh thành nước Xích Quỷ).

Lạc Long Quân

Sùng Lãm sinh ra và lớn lên trong một gia đình tôn thất Đế vương, được cha Kinh Dương Vương phong Hoàng Thái tử, sau truyền ngôi kế vị, phong là Lạc Long Quân.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu trong sách “Triết lý trong các truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ” , “Lạc” có nhiều nghĩa:

- Lạc là tên con sông (Lạc Thủy), nơi xuất hiện Lạc Thư, góp phần tạo nên bộ Kinh Dịch nổi tiếng trong nền văn hóa Trung Hoa.

- Lạc là sự vui mừng.

- Lạc còn chỉ một trong các bộ Bách Việt (Lạc Việt)...”

Vợ chồng Đức Vương cùng con trai Sùng Lãm khai hoang mở nước về phương Nam. Đức Vương về lập đô ở đất Phong Châu, nơi có ngọn núi cao nhất vùng (núi Nghĩa Lĩnh), xung quanh là rừng rậm, núi thấp bao bọc, có những mảnh ruộng cao, có cây ăn quả sum suê. Cây lúa Thần được Tổ tiên truyền nghề tiếp tục được gieo cấy, đất lành, mùa màng bội thu.

Từ Phong Châu, gia đình Đức Vương tiến dần về phía biển Nam Hải (phía Nam), qua các khu rừng nhỏ xen lẫn những mảnh ruộng cao, thấp kéo dài đến dãy rừng Rạm, rừng Chè (còn gọi là núi Rạm, núi Chè). Cách núi Rạm một khoảng có một gò đất nổi cao, xung quanh là thung lũng, gió biển thổi vào mát mẻ. Đức Vương vui mừng quỳ xuống vái lạy thiên, địa và thầm khấn nguyện: “Đây có phải là mảnh đất do Trời ban tặng cho Lộc Tục ở nước Xích Quỷ, là nơi gieo hạt thóc Thần làm nghề nông, lưu truyền cho con cháu mai sau, muôn đời kế nghiệp... ?”.

Sau lời khấn của Đức Vương, cây cối bỗng im phăng phắc, mặt trời đỏ rực hồng, oi bức nóng ran, rồi phong ba bão táp ập đến, sấm chớp vang rền vùng biển Nam Hải. Trời đổ mưa như trút từ giờ Thìn, Tỵ kéo hết giờ Ngọ, đầu giờ Mùi. Đó là trận mưa rào tháng ba. Sau trận mưa cây cối đâm hoa kết trái, nước phù sa đổ về phủ đầy vùng đất linh. Rồi nước rút đến đâu dân gieo cấy tới đó, mùa màng bội thu Đức Vương rất vui lòng.

Quốc mẫu Âu Cơ

Lúc đó Đế Nghi làm vương phương Bắc, sinh ra Đế Lai. Đế Lai nghe tin chú ruột là Kinh Dương Vương sinh con trai là Sùng Lãm, đang mở bờ cõi phương Nam, bèn đến bờ biển Nam Hải gặp chú. Cuộc hội ngộ gia đình được tổ chức trọng thể tại kinh đô Hồng Lĩnh (tức Nghĩa Lĩnh).

Gia tộc Thần Nông có Sùng Lãm là cháu 5 đời và Âu Cơ là cháu 6 đời cùng ưng ý. Đôi trẻ đang độ tuổi trăng tròn, được ông Tơ bà Nguyệt se duyên. Lễ thành hôn của hai con trẻ được tổ chức long trọng. Đức Vương vui mừng, sau ngày làm lễ kính báo tổ tiên trời đất, tấn phong cho Âu Cơ là Hoàng hậu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu: “Âu là giống chim nước, đầu to, mỏ cứng. Âu còn chỉ một trong Bách Việt cổ (Âu Việt). Cơ là nền, gốc, nguyên lai, đàn bà, số lẻ”.

Vợ chồng Đế Lai rất đỗi vui mừng sau cuộc hội ngộ ở đất phương Nam. Con gái Âu Cơ đã xây dựng gia đình hạnh phúc và là dâu trưởng được phong là Hoàng hậu đất phương Nam.

Truyền thuyết trăm trứng

Ngày qua tháng lại, Bà Âu Cơ đã có mang được 3 năm 3 tháng nhưng vẫn chưa đến kỳ khai hoa. Gia đình Đức Vương lo âu, cử người đi cầu một thiền sư tu hành lâu năm ở chùa Hương Tích (Hương Sơn ngày nay). Thiền sư tụng lễ liên tục 10 ngày, 10 đêm đến khoảng giờ Ngọ năm Giáp Tý, mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc tròn, khiến cả nhà đều sợ hãi.

Sau một lúc trấn tĩnh, Đức Vương mang mâm Rồng ra sân Rồng, trước lâu đài Viễn Cổ, cùng Thiền sư tiếp tục cầu Thiên Địa, Tổ tiên: “Âu Cơ sinh bọc lành hay dữ ? Kính mong Trời Đất, Tổ tiên độ cho nàng dâu Âu Cơ phúc lành. Bọc lành thì ở, bọc dữ biến đi..”.  

Trời đang yên lặng, bỗng mây đen kéo tới, mưa như trút nước. Một tiếng sấm nổ vang trời. Bọc Rồng tung ra 100 người con trai. Đức Vương cả mừng, mở tiệc  linh đình, phong cho cháu nội ba đời đầu tiên nở ra từ bọc Rồng là cháu trưởng đích tôn, đặt tên là Hùng Đoàn, hiệu Hùng Quốc Vương. 99 cháu còn lại, xin Thiền sư đặt tên mang họ Lang, thứ tự từ 2 đến 99. Tiệc tùng xong, Thiền sư xin phép Đức Vương trở về núi Hương Tích tu luyện.

Ông nội (Đức Vương) cùng Cha Rồng (Lạc Long Quân), Mẹ Tiên (Âu Cơ) ra sức chăm lo, dạy dỗ, tạo dựng ban đầu cho đàn cháu, con đông đúc và trưởng thành 100 người tự lực tự cường...

Mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên rừng, cha Lạc Long Quân mang 50 người con về biển

Ngày qua tháng lại, các con đã khôn lớn. Một đêm trăng thanh gió mát, mẹ Âu Cơ nằm mơ thấy một cụ Tiên râu tóc bạc, tay cầm cây Bông Thần, có hai vệ sỹ nhà Trời mang theo binh đao hộ vệ. Cụ Tiên đến gặp và nói với mẹ Âu Cơ: “Trời se duyên cho con. Con là Tiên, chồng con là Rồng. Tiên gốc mặt trăng trên trời, Rồng gốc dưới nước, các con tiếp tục ăn ở sẽ xung khắc. Con mang 50 con lên rừng, chồng con mang 50 con xuống biển, phúc đức sẽ hưởng muôn đời”.  Nói xong cụ Tiên và 2 vệ sỹ biến mất. Mẹ Âu Cơ tỉnh dậy, bàng hoàng. Hôm sau kể lại câu chuyện gặp Tiên trong giấc mơ cho cả gia đình cùng nghe.

Đức Vương nghe chuyện, bèn chọn ngày lành tháng tốt (Ngày mồng 10 tháng 3) năm Giáp Tý, dời kinh đô từ Ngàn Hống về Ao Việt (tức Việt Trì- Phú Thọ) và phong cho cháu trưởng kế ngôi Vương, cùng Mẹ Âu Cơ mang 49 người con lên rừng lập nghiệp và 50 người con theo cha Lạc Long Quân về biển Nam Hải mở mang bờ cõi.

Hùng Vương đổi tên nước là Văn Lang và nối dài được 18 đời (tr 34 - 52).

* Truyền thuyết Kinh Dương Vương trong thư tịch Hán Nôm của Ts. Nguyễn Tá Nhí (Khu di tích lăng Kinh Dương Vương và văn hóa Luy Lâu, UBND huyện Thuận Thành, Sở VHTT, 2002) có viết: “Tư liệu Hán Nôm trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn ghi lại được nhiều truyền thuyết về Kinh Dương Vương. Các bản thần tích ở làng xã, phần mở đầu đều xác nhận lịch sử nước Việt có từ thời Hồng Bàng, đã khẳng định công lao dựng nước của tổ Kinh Dương Vương. Trong sách Thiên Nam ngữ lục gồm 8.000 câu lục bát Nôm để ghi chép lịch sử nước Việt, trong đó có 130 câu lục bát viết về Kinh Dương Vương. So với tư liệu chính sử, thì các tư liệu truyền thuyết huyền thoại thường bổ sung thêm các yếu tố truyền kỳ để câu chuyện thêm sinh động...

Một bộ phận tư liệu Hán Nôm quan trọng khác là những lời nhận xét bình phẩm về Kinh Dương Vương. Đây là những bài thơ ca ngợi hành vi cao đạo không nhận ngôi ở phương Bắc của Kinh Dương Vương. Các bài thơ xưng tụng này chép trong các sách vịnh sử như: Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Vịnh sử tập, Tri vịnh sử... “

Và còn nhiều nhiều lắm truyền thuyết về Kinh Dương Vương đã được lưu truyền trong dân gian và ở các nơi tôn thờ Ngài (lăng, miếu, đình, quán…).

* Thần phả làng Á Lữ cũng ghi: “Vua Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục có tư chất thông minh, tài đức hơn người. Ngài lấy con gái Thần Động Đình là Long Nữ, sinh ra Lạc Long Quân, tự Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, con cả nối ngôi là Hùng Vương thứ nhất. Kinh Dương Vương hóa ngày 18/1 (không rõ năm) tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là Bắc Ninh)”.

“Lịch sử được lắng nghe ở ngưỡng cửa của truyền thuyết” như lời đại văn hào Victor Hugo nhận định. Ở đây truyền thuyết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã được viết thành sách như Bách khoa toàn thư mở (http://vi.wikipedia.org), Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư, Ngọc phả Hùng Vương, Việt Nam và cội nguồn trăm họ, Trường ca tiền sử Việt Nam, Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương...Tất cả đều cho thấy Kinh Dương Vương (Lộc Tục - Nguyễn Quảng) là con trai của Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết) là cha của Lạc Long Quân, ông nội của Hùng Vương. Kinh Dương Vương là người lập ra nước Xích Quỷ - quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam vào đầu thời Hồng Bàng rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa ngày nay).

1.2. Sách chính sử viết về Kinh Dương Vương

1.2.1. Các bộ chính sử nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ phong kiến

* Đại Việt sử ký (chữ Hán: 大越史記) là bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt Nam do Lê Văn Hưu đời Trần soạn ra, gồm 30 quyển, chép lịch sử Việt Nam từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Hoàn thành năm 1272 dưới thời Trần Thánh Tông. Bộ sử nay không còn nữa do quân Minh khi xâm lược đã tiêu hủy hoặc mang về Trung Quốc vào thời thuộc Minh. Song người ta cho rằng Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đã biết nội dung của nó và đưa vào Đại Việt sử kí toàn thư (http://vi.wikipedia.org)

* Đại Việt sử ký toàn thư (chữ Hán: 大越史記全書), đôi khi gọi tắt là Toàn thư, là bộ quốc sử bằng chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại Hồng Bàng truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Nó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.

Bộ sử bắt đầu được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), bộ sử mới gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ một thời điểm huyền thoại là năm 2879 TCN đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê được thành lập và mang tên Đại Việt sử ký toàn thư. Sau đó, dù đã hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở. Khoảng niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liên cách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.

Sau khi xuất bản, Đại Việt sử ký toàn thư tiếp tục được tái bản bởi các hiệu in của chính quyền và tư nhân, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, trong nhiều thế kỷ sau. Nửa cuối thế kỷ 20, ở Việt Nam xuất hiện các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ra chữ quốc ngữ, phổ biến nhất là bản dịch dựa trên cơ sở bản in Nội các quan bản - hiện đang lưu giữ tại thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ ở Paris, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành lần đầu năm 1993.

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt sử ký tiền biênKhâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư.

Đây có lẽ là bộ quốc sử nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến, đọc và nghiên cứu nhất. Và lối viết gần như rất mẫu mực, thời gian viết dài nhất. (http://vi.wikipedia.org).

Nguyễn Khánh Toàn trong lời giới thiệu cuốn “Đại Việt Sử ký toàn thư” do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993), có viết:

“Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua.

Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hóa, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua.

Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta.

Trong suốt cả một thời gian lịch sử rất dài - hai, ba nghìn năm, dân tộc Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống họa xâm lược của nước ngoài. Chính trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng anh hùng bất khuất ấy mà dân tộc ta xây dựng và phát triển nền văn hóa độc đáo và xán lạn của mình, tiêu biểu là nền văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần, Lê.

Cho nên, rất dễ hiểu, cách đây tám, chín trăm năm, khi lịch sử nước ta đi vào kỷ nguyên Đại Việt, xuất hiện những nhà sử học lớn như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.

Đối với thời kỳ lừng danh như thời Đại Việt, nó là cả một bản anh hùng ca, cái gì có liên quan đến nó, dẫu là một câu, một dòng chữ tự tay nhân vật đã sống hoặc đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng viết ra, mà ta được đọc hay được nghe, đều là tiếng nói thân thiết từ ngàn xưa vọng lại, làm rung động tâm hồn của chúng ta biết bao.

Cho nên, việc đáng mừng là chúng ta đã tìm lại được bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, mà trước đây tưởng như không hy vọng tìm thấy. Còn những bản in chúng ta vẫn thường dùng là những bản in sau đó, vào đời Nguyễn.

Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu của nền văn hóa Đại Việt. Nó là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê.

Bộ sử được đặt cơ sở đầu tiên với Đại Việt sử ký toàn thư 30 quyển của Lê Văn Hưu, viết xong năm 1272, trong thời kỳ chiến đấu oanh liệt chống quân xâm lược Mông - Nguyên. Nó được tiếp tục với Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, trong giai đoạn phát triển cao nhất của nền văn hóa Đại Việt, giai đoạn của vũ công chống Minh, của Đại Cáo Bình Ngô, của chủ nghĩa yêu nước hoàn chỉnh và tiên tiến của Nguyễn Trãi. Nó được hoàn thành và công bố năm 1697.

Một công trình sử học được xây dựng trong bối cảnh lịch sử như thế hẳn mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tương đối chính xác và đầy đủ thực tế hào hùng của đất nước. Và điều chắc chắn, nó là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của văn hóa dân tộc”.  (http://truyenviet.com/)

Lời nhà xuất bản bộ sách này đã viết:

“Năm 1967, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội đã xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Đó là một bộ sử lớn, có giá trị, được biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với tên tuổi của những nhà sử học nổi tiếng ngày xưa như Lê Văn Hưu thế kỷ XIII, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Phạm Công Trứ, Lê Hy thế kỷ XVII.

Năm 1971, bộ sử đó được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung.

Cũng thời gian đó Giáo sư sử học Phan Huy Lê, sau chuyến đi công tác ở Pháp về, cho chúng tôi biết việc phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản Nội các quan bản, và vui lòng cho chúng tôi sử dụng bản sao chụp bản in ấy do Giáo sư đem về nước. Đấy là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, còn được lưu giữ tại Thư viện của Hội Á Châu ở Paris.

Năm 1985, theo đề nghị của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, bà C. Rageau, Giám đốc Thư Viện Trường Viễn Đông bác cổ (EFFO), đã đem sang tặng Việt Nam bộ vi phim (microfilm) bản in Nội các quan bản của Đại Việt sử ký toàn thư đang lưu giữ ở Paris và đồng ý cho Việt Nam được toàn quyền sử dụng văn bản này.

Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) và đề nghị cho tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản kịp thời bộ Đại Việt sử ký toàn thư căn cứ trên bản in Nội các quan bản được in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697).

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử có giá trị về nhiều mặt, là một di sản qúy báu của nền văn hóa dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng, chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải cố gắng làm sao để cho công trình xuất bản này xứng đáng với vị trí và giá trị của bộ sử.

Nhà xuất bản Khoa học xã hội xin trân trọng và vui mừng giới thiệu với bạn đọc công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chỉ đạo do Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch, cảm ơn sự tin cậy và cộng tác tích cực của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, sự làm việc hết lòng của các nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long và các cán bộ biên tập Lê Văn Quýnh, Nguyễn Duy Chiếm.

Cũng nhân dịp bộ Đại Việt sử ký toàn thư ra mắt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Thư viện Hội Á Châu, Trường Viễn Đông bác cổ, Trường Đại học Paris VII, Hội Khoa học xã hội của người Việt Nam tại Pháp và Giáo sư sử học lão thành Hoàng Xuân Hãn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, các nhà khoa học người Việt Nam tại Pháp ở Paris trước đây đã nhiệt tình giúp đỡ Giáo sư Phan Huy Lê trong việc nghiên cứu và sao chụp bản Đại Việt sử ký toàn thư ở Pháp, nay tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc chụp lại và công bố văn bản đó, chúng tôi trân trọng cảm ơn bà Vân Bùi Mộng Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chân Mây Médiapoly đã hết lòng cộng tác giúp đỡ chúng tôi sao chụp và thu nhỏ, làm chế bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhà thơ Cù Huy Cận đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi và đặc biệt trân trọng cảm ơn ông Tổng Giám đốc UNESCO (Paris) đã tài trợ cho công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư này, nhằm bảo vệ và phát huy một di sản quý giá của nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”.  (http://www.informatik)

* Đại Việt sử ký tiền biên là bộ sử biên niên gồm 17 quyển, viết bằng chữ Hán do Ngô Thì Sĩ biên soạn, Ngô Thì Nhậm hiệu đính. Bộ sử này được khắc in năm 1800, dưới triều đại nhà Tây Sơn. Sách chép lịch sử từ Hồng Bàng đến hết thời thuộc Minh, chia thành 2 phần: ngoại kỉ từ Hồng Bàng đến Ngô sứ quân gồm 7 quyển; bản kỉ từ nhà Đinh đến hết thuộc Minh, gồm 10 quyển. Phần đầu sách liệt kê danh sách các sử gia: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ. Bình luận các sự kiện và nhân vật, người biên soạn có trích lời bàn của các sử gia trên, riêng bài tổng luận của Lê Tung được in toàn bộ. (http://vi.wikipedia.org/)

* Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chữ Hán: 欽定越史通鑑綱目) là bộ chính sử của triều Nguyễn, được viết bằng chữ Hán, do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo, được vua Tự Đức chỉ đạo biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), do Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). Bộ sách được hoàn thành vào năm 1859, sau đó trải qua các lần "duyệt nghị” (1871), "duyệt kiểm” (1872), "phúc kiểm” (1876), "duyệt định” (1878), "kiểm duyệt” (1884), đến năm Kiến Phúc thứ 1 (1884) được khắc in và ban hành.

Cuốn sách được Viện Sử học Việt Nam dịch sang chữ quốc ngữ vào năm 1960, và được Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội ấn hành năm 1998. (http://vi.wikipedia.org/; https://quangduc.com/)

* Đại Nam thực lục ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. (http://vi.wikipedia.org/)

* Việt Nam sử lược (chữ Hán: 越南史略) là tác phẩm do nhà sử học Trần Trọng Kim biên soạn năm 1919. Tác phẩm này là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt (cho đến thời Pháp thuộc) và được đánh giá là một trong những cuốn sách sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920 và được tái bản rất nhiều lần, có lúc đã được dùng làm sách giáo khoa của Việt Nam Cộng hòa cho tới năm 1975. Do là "sử lược” nên tác giả bỏ qua nhiều sự kiện và nhân vật, chỉ tập trung vào những nét chính. (http://vi.wikipedia.org/)

1.2.2. Sách chính sử viết về Kinh Dương Vương

* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).

Chương 1: Ngoại Kỷ Toàn Thư Q 1 nói về Hồng Bàng, An Dương Vương:

Kỷ Hồng Bàng Thị 

Kinh Dương Vương Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua là Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân

Lạc Long Quân Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

 Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh”.  Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ?

Hùng Vương - Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).

Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: "Người Man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại". Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.

Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).

Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.

Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi". Thục Vương vì chuyện ấy để bụng oán giận. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng: "Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể". Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: "Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?". Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi, thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người Man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương.Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.

Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN]. (http://vi.wikipedia.org/; https://quangduc.com/

* Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (1479)  Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỉ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất 2879 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long QuânLạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Theo thuyết này, người ta cho rằng từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ được chia ra thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt.

Đầu thời kỳ đồ đồng, người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng và hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc, ngoài ra còn có một số nhóm người sinh sống trên các lưu vực sông thuộc khu vực Thanh Nghệ Tĩnh ngày nay. Để tiện việc trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống lại kẻ thù... những bộ lạc Lạc Việt dần được gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang và người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương.

Có ít nhất 18 đời Hùng Vương cai trị trong thời đại Hồng Bàng, cho đến năm 258 TCN. Các thông tin về các đời vua Hùng dựa nhiều trên các truyền thuyết. Cũng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn) được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam có cùng niên đại với thời kỳ Hồng Bàng, thể hiện một nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (văn hóa Đông Sơn).

Trong triều đình có các quan lạc hầu (駱侯) giúp việc, đứng đầu các bộ là các quan lạc tướng (駱將), đều có thái ấp riêng, các quan nhỏ ở địa phương gọi là "bồ chính” (蒲正). Con trai vua gọi là "quan lang” (官郎), con gái vua gọi là "mị nương” (媢娘), nữ lệ gọi là là "nô tỳ” (奴婢). Xã hội phân làm ba tầng lớp là vua quan, dân, nô tỳ.

Sinh hoạt về vật chất còn thô sơ, dùng gỗ làm nhà sàn để ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo. Ngày thường đàn ông để trần mặc khố, vua quan thì có thêm áo hai mảnh, đàn bà thì mặc váy.

Về sản xuất có trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền.

Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mìnhnhuộm răng đenăn trầuthờ cúng tổ tiên, tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên như thần núi, thần sông, thần gió... Vào các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải. (http://vi.wikipedia.org; https://quangduc.com)

Tất cả những điều trên đã được thể hiện các nét điêu khắc trên mặt trống đồng Đông Sơn. Mặt trống đồng Đông Sơn không những thể hiện cảnh sinh hoạt về tinh thần về sản xuất về văn hóa và cả về thiên văn, địa lý... Đây quả đúng là một quyển lịch được sắp xếp và vẽ một cách thông minh. Những nét chính của hình vẽ đã khiến ta chân thành khâm phục rằng: Với mức độ hiểu biết và tiến hóa của đời nay cũng chưa chắc có người bố trí nổi một bản ghi thời gian tài tình như thế. (TG)

* Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục 

Hồng Bàng thị. Đầu là Kinh Dương Vương, tương truyền là vua trước tiên của nước Việt ta. Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân. Hùng Vương là con Lạc Long Quân.

Nguyên xưa, Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông thị, đi tuần sang Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy Vụ tiên nữ, sinh con là Lộc Tục có đức tính hoàn toàn. Đế Minh yêu Lộc Tục lắm, muốn truyền ngôi cho, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi. Bấy giờ mới lập Đế Nghi làm vua nối ngôi, thống trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, thống trị phương Nam.

Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương.

Thời bấy giờ, cư dân khi xuống nước, hay bị loài giao long làm hại, Hùng Vương dạy dân lấy mực vẽ hình loài thủy quái xăm vào mình. Từ đó mới tránh khỏi nạn. Nước ta cái tục xăm mình có lẽ bắt đầu từ đấy. (http://vnthuquan.org/; https://quangduc.com).

Như vậy, chính sử cũng chỉ ra rằng tổ tiên người Việt có vua đầu gọi là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, là bậc thánh trí thông minh được Đế Minh rất yêu quý phong cho vua cai quản phương Nam, đặt tên nước là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh ra Hùng Vương đặt quốc hiệu mới là Văn Lang.

Chính sử cũng cho thấy lãnh thổ nước Việt thời tiền sử thật là rộng lớn bao trùm lên cả một phần lãnh thổ Trung Hoa. Dấu tích Vua Kinh Dương Vương của nước Xích Quỷ lại đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Điều này cho thấy Tiên tổ của người Việt chính là ở trên mảnh đất này không phải là di cư từ bất kỳ từ nơi nào khác, cho ta niềm tự hào thật là rực rỡ như câu nói của Bác Hồ:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể năm, hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”

1.3. Di ấn lịch sử về Kinh Dương Vương - Đền thờ, lăng Kinh Dương Vương ở Á Lữ

Đối với người Việt, việc thờ cúng ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người, một phần trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa sinh thành nên thường nghĩ đến ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Đạo thờ cúng Tổ tiên, ông bà được coi là “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của dân tộc Việt..

Người Việt ai cũng biết “uống nước nhớ nguồn” vì “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là đạo con”.

Xây dựng lăng mộ, lập đền thờ các vị tiền nhân của dân tộc, dù tiền nhân là huyền thoại hay hiện thực đều thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Việc hiện hữu của những lăng mộ, đền thờ là những chứng tích lịch sử rõ nét, phải chăng đây là cách truyền đạt các thông điệp lịch sử cho thế hệ sau, nhất là khi mà con người còn chưa có chữ viết.

Từ thành phố Bắc Ninh (trước là thị xã Bắc Ninh) xuôi đường 38 đến Cầu  Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km là đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh.GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết  (http://giadinh.net.vn/). Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa.

Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gồ, được ví như Long, Ly, Quy, Phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước.

1.3.1. Lịch sử xây dựng

Tác phẩm “Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 2012 có đoạn viết:

“Cho đến nay vẫn chưa có nguồn tư liệu đáng tin cậy nào cho biết niên đại xây dựng lăng (lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), ngoài sách “Đại Nam nhất thống trí” ghi chép vào năm 1840 thời vua Minh Mệnh, lăng được trùng tu và khắc bia mang dòng chữ: “Kinh Dương Vương lăng”.  Kiến trúc khu lăng đơn giản theo kiểu chồng diêm tám mái, tám đao dốc, xung quanh có tường bảo vệ. 

Đền thờ ba gian, hậu cung có ba ngai thờ: ngai giữa thờ Kinh Dương Vương, bên phải thờ Lạc Long Quân, bên trái thờ Âu Cơ. Bức hoành phi tại đền khắc 4 chữ: “Nam Bang Thủy Tổ” nghĩa là: “Vị Tổ đầu tiên của nước Nam”.  Các bậc cao niên làng Á Lữ cho biết, nhân dân địa phương còn lưu giữ được nhiều sắc phong thời Nguyễn khẳng định nơi đây là lăng tẩm đế vương khai sáng văn minh nước Việt., hàng năm thờ phụng theo nghi lễ quốc gia.

Cũng theo “Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh: “Tại làng Á, vùng Luy Lâu, Kinh Bắc (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) còn lưu dấu tích xưa về lăng mộ, bia đá… Thủy Tổ Kinh Dương Vương đã được sắc phong, thần phả, đồ thờ… từ đời Lý: Các đại tự, câu đối, đồ thờ (mâm rồng, chén bạc, nậm rượu, đĩa sứ cổ…); Thời Trần: Bộ bát bửu, long đao, hai sắc phong… và 15 sắc phong của các vua triều Nguyễn.

Từ thời vua Gia Long đã trùng tu miếu Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân, Âu Cơ, tôn tạo ngôi thờ Tam vị Thánh Tổ.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự: “Nam Tổ Miếu” (thờ Thủy Tổ) và Thần Truyền, Thánh Kê (thờ các vị thánh thần).

Theo baobacninh.com.vn, 18/01/2013.   Xưa kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vu Tiên, Thần Long và Âu Cơ.

Thủy tổ Kinh Dương Vương còn được thờ làm Thành Hoàng làng thôn Á Lữ. Ngôi đình cổ ở phía Đông làng được khởi dựng với quy mô to lớn gồm 2 tòa: Tiền tế 7 gian và Đại đình có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ cũng chạm khắc “tứ linh tứ quý”.  Hệ thống thần phả sắc phong của đình và đền đã cho biết rõ người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công khai sơn sáng thủy.

Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình.

Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống như hiện nay.

Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng” , niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840).

Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).

Theo chia sẻ của các cụ cao niên ở xã Đại Đồng Thành, trong tất cả các đạo sắc phong thời Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều có câu đầu tiên là “Thần truyền - Thánh kê” , chứng tỏ các triều đại trước đó đều coi khu di tích Kinh Dương Vương là nơi linh thiêng của dân tộc trực thuộc triều đình “Nhất thôn nhất xã” bởi tên gọi trước kia của thôn Á Lữ chính là Trang Phúc Khang.

Cũng theo người dân địa phương, đây là nơi còn lưu dấu tích xưa về lăng mộ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bia đá, sắc phong, thần phả, đồ thờ …từ đời Lý như các đại tự, câu đối, mâm rồng, chén bạc, nậm rượu, đĩa sứ cổ…); thời Trần có: Bộ bát bửu, xà mâu, long đao…; triều Lê, nhà Mạc đều có sắc phong nhưng bị Pháp đốt mất, hiện còn lại 15 sắc phong của các vua triều Nguyễn.

Nơi đây được trùng tu, tôn tạo bậc nhất vùng Kinh Bắc từ thời Lê-Trịnh vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XVII.

Thời vua Gia Long đã trùng tu miếu Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân-Âu Cơ, tôn tạo ngôi thờ Tam vị Thánh Tổ.

Năm Minh Mệnh thứ 21(1840) được tu bổ lập bia.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự: “Nam Tổ Miếu” (thờ Thủy Tổ) và “Thần truyền Thánh kê” (thờ các vị Thánh Thần).

Việc còn tấm bia đá đề: “Kinh Dương Vương lăng” , được làm vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết vào thời điểm đó vua Minh Mạng đã ban ân điển 18 điều, trong đó điều 4 chỉ rõ: “Lăng tẩm đế vương các chiều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa lại, lập bia chí, cấm dân hái củi ở đó”.  Tháng 7 năm đó, khi bộ Lễ tâu về việc tu lý Kinh Dương Vương, Vua Minh Mạng đã khẳng định: “Sự tích Kinh Dương Vương dẫu chép ở sách “Ngoại kỷ” nhưng buổi đầu khai thác, thực là vua bắt đầu của lịch đại nước ta, cũng theo ân chiếu mà làm”.  Như vậy, chắc chắn là trước khi vua Minh Mạng cho “tu lý” lăng Kinh Dương Vương vào năm 1840, thì ở đây đã có di tích này và rõ ràng là khu lăng tẩm này đã có từ lâu rồi. (Nguyễn Hữu Toàn - Quanh vấn đề Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân - Âu Cơ).

Sách “Đại Nam nhất thống chí” , tập IV, NXBKHXH -Hà Nội, 1971, trang 97 ghi: “Lăng Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ huyện Siêu Loại, năm Mimh Mạng thứ 21 tu bổ và lập bia” , cũng sách này trang 99 ghi: “Miếu Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại, năm Minh Mạng thứ 4 đang thờ ở miếu lịch tại đế vương”.  

Cuốn “Bắc Ninh dư địa chí” của Đỗ Trọng Vĩ-NXBVHTT, trang 188 ghi: “Xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại, mỗi lần quốc khánh vua sai quân đến tế” (Nguyễn Duy Nhất - Những di tích thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1981 cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Văn hóa - Thông tin cùng với Sở Văn Hóa-Thông tin Hà Bắc về thắp hương tri ân và tìm hiểu cội nguồn, gốc tích các thần phả, câu đối, đại tự, sắc phong nhà đền.

Năm 1993, đền và lăng được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2001 tỉnh Bắc Ninh có dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích và Bộ VH-TT-DL đã chính thức phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ khu di tích Kinh Dương Vương với quy mô trên 36 ha, trị giá 500 tỉ đồng. Đây là việc làm đáng ghi nhận của hậu thế với người có công khai sinh ra nước Việt.

Tương truyền trong dân gian thì lăng Kinh Dương Vương được xây từ thời nhà Trịnh, khoảng thế kỷ thứ XVII. Có câu đối ghi trong Lăng:

Nghĩa Lĩnh cổ kinh thành

Đức Giang kim lăng miếu

Tạm dịch:

“Trên núi Nghĩa Lĩnh(Phú Thọ) có kinh thành cổ

Bên bờ sông Thiên Đức (Bắc Ninh) có lăng miếu mới”

1.3.2. Kiến trúc của Lăng và Đền thờ

Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê, cách dòng sông Đuống ngày nay khoảng 500m, đã được tôn tạo khang trang, thoáng mát vẫn đậm dấu ấn của kiến trúc cổ.

 Lăng có 8 mái “hai tầng mái” , trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, toàn bộ diện tích khu lăng mộ khoảng 4.200 m2. Nghi trượng khu lăng mộ gồm: Tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam) và câu đối 

“Việt nam sơ đầu xuất

  Hồng bàng vạn đại xương”

Dịch là: “Ông Tổ nước Nam từ đây 

Hồng Bàng muôn đời thịnh vượng”

và             “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ,

Phong thần tổ tích bắc thần tôn”

Dịch là: “Lập bia là để ghi lại công đức thánh tổ nước Nam

Đắp mộ là để nhớ lại dấu tích thần tôn đất Bắc”.

cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…

Cổng chính khu Lăng có tấm bia đá cổ khắc nổi 2 chữ Hán “Hạ Mã” đặt ngay lối vào Lăng  theo người dân địa phương không biết có từ khi nào. Hai chữ “Hạ Mã” đường nét vô cùng tinh xảo. Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, chứng tỏ ngày xưa vua quan triều đình mỗi khi về thăm Thủy tổ đều phải kính cẩn xuống kiệu, xuống ngựa mới được đi vào. Cũng theo người dân ở đây kể rằng, xưa kia dù công hầu, khánh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, hễ đi qua khu lăng mộ này đều phải xuống đi bộ hết địa phận của lăng.

Trong khuôn viên Lăng có Nhà thờ (đền trình) trên đường vào về phía tay phải khu lăng mộ để du khách sắp lễ…

 Có bàn thờ Tả Văn, Hữu Võ ở hai bên cánh gà đường lên Lăng Kinh Dương Vương.

Trên lăng mộ Kinh Dương Vương có hai chữ Hán cổ “Bất Vong” nghĩa là “Trường tồn mãi mãi”.

Ở lăng còn có các câu đối:

 “Thần Nông tứ thế

  Việt Nam sơ đầu xuất”

Nghĩa là:  “Thế hệ thứ tư của vua Thần Nông

        Nước Việt Nam bắt đầu xuất hiện”

Câu đối: “Quốc thống khai Nam phục

                  Bi đình kỷ thành công”

Nghĩa là:“Truyền thống mở dựng đất nước Nam

                     Thành công còn ghi bia kỷ”

Câu đối:  “Vạn cổ giang sơn ân hồn tổ

                    Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi”

Nghĩa là: “Từ vạn đời cả nước Nam  chịu ơn sâu ngọn nguồn tiên tổ

                 Một nấm mồ nhỏ, trải bao mưa gió vẫn sừng sững một tấm bia hồng”.

Câu đối: “Thiên cổ cương lăng linh tích lại

                 Nhất đàn trở đậu quốc dân sung”

 Nghĩa là: “Ngàn năm lăng miếu linh thiêng vẫn còn đây

                  Cháu con vọng bái muôn đời ân sủng” (Trần Quốc Thịnh - Nam Bang Thủy tổ).

Về đền thờ Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương được nhân dân Á Lữ tôn thờ ở đình làng, đền trong thờ Lạc Long Quân, đền ngoài thờ Âu Cơ, tuy mhiên đình và hai đền đều bị Pháp phá năm 1949.

Năm 1959 nhân dân Á Lữ rước ba vị về thờ ở khu văn chỉ (nơi thờ hiện nay).

Đền hiện nay gồm ba gian xây cất kiểu chữ công, nhà ngoài (tiền tế) gồm 5 gian, đủ để lập các ban thờ và tiếp đón du khách thăm viếng, có tường gạch bao quanh để bảo vệ, diện tích khu đền khoảng 2.347 m2.

Cổng đền ngoài nhìn vào có bốn chữ Hán đặp nổi: “THUỶ TỔ ĐÀI MÔN” (Cửa đền thờ đức Thủy Tổ”.  Bên trong nhìn ra với ba chữ Hán đắp nổi: “ẨM TƯ NGUYÊN” (Uống nước nhớ nguồn).

Ba gian trong - gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân, cùng với hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng…

Gian tiền tế với hai bức đại tự: “Nam Bang Thủy Tổ” (Ông Tổ đầu tiên của nước Nam) ở bên trên và bên dưới là “Thần Tiên Thiên Tử” (Con của Thần, Tiên và Trời).

Gian chính điện có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương với các bức đại tự đặt ở vị trí trang trọng: “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông tổ nước Nam), “Nam bang thủy tổ” (Ông Tổ đầu tiên của nước Nam), “Thần truyền Thánh kế” (Thần (Nông) truyền cho Thánh (vua) nối tiếp), “Nhật Trùng Quang” (Mặt trời luôn sáng) và “Hải khoát sơn tràng” (Biển rộng núi dài) (Trần Quốc Thịnh - Nam Bang Thủy tổ).

Các câu đối gồm có:

“Thái cực nhất nguyên thiên địa thủy

Viêm giao Bàn Cổ Đế vương tiên”

Nghĩa là: “Khí âm dương trời đất tạo nên vạn vật

Có Đế Vương từ thời Bàn Cổ  xa xưa”

“Nam cực hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy

Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh thanh”

Nghĩa là: “Cương vực nước Nam núi sông vạn dặm vốn tạo có từ trước

Hồng Bàng đế vương gìn giữ  ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng”

 “Phụ đạo thiên niên quốc

 Âu Cơ bách noãn bào” …

Nghĩa là: “Đạo người cha hàng ngàn năm vẫn là đạo của đất nước

Mẹ Âu Cơ mãi mãi là mẹ của 100 trứng sinh ra”

“Bách nam vận sự truyền sơn hải

Nhất tộc nghiêm từ trĩ cổ kim”

Nghĩa là: “Một trăm con trai khắp bốn phương lập nghiệp

Gia tộc Hồng Bàng cổ xưa giữ phép nước kỷ cương”

“Hy kỳ vận sự nam tư bách

Hiển hách linh quang bãi đế thần”

Nghĩa là: “Phúc lớn cụ Thủy Tổ trăm họ con Rồng cháu Tiên

Đất linh ở bãi biển có đế thần hiển hách” … (Trần Quốc Thịnh - Nam Bang Thủy tổ).

Ở gian chính điện chính điện bên phải còn có ngai, bài vị thờ Lạc Long Quân với bức đại tự: “Hải khoát sơn tràng” nghĩa là: “Biển rộng núi dài”.  Bên trái có ngai, bài vị thờ mẹ Âu Cơ với bức đại tự: “Bách Việt Tổ” nghĩa là: “Tổ Bách Việt”

 Ở đây còn lưu giữ 15 đạo sắc của các vua triều Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ, đạo sắc có niên hiệu sớm nhất: “… Gia Long cửu niên (1810) tháng 8 ngày 11 Sắc chỉ. Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc…” Đạo sắc có niên hiệu muộn nhất “… Khải Định cửu niên (1924) tháng 7 ngày 25 sắc chỉ, Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp, sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực…”

Trong khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương ở bên tay phải nhìn vào là chùa Đông Linh Bát Nhã (Đông Linh Bát Nhã tự). Chùa thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm có

Thiên Tiên Thánh Mẫu: là Tiên Nương Công chúa, con gái cụ Vu Tiên, vợ cụ Đế Minh, thân mẫu Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương. Dân Việt Cổ tôn bà là Hương Cái Bồ Tát (hay công chúa Đoan Trang).

Thượng Ngàn Thánh Mẫu: Là nữ Thần Long (con gái cụ Động Đình Quân), vợ Kinh Dương Vương, thân mẫu của Sùng Lãm (tức Lạc Long Quân).

 Địa Tiên hay  Thủy Tiên Thánh Mẫu: Là mẹ Âu Cơ con cụ Đế Lai là vợ Lạc Long Quân, sinh ra bọc Rồng trăm trứng, nở trăm con, là Mẫu Tổ của giống Tiên Rồng, mẫu của vua Hùng.

Ngôi chùa này vẫn giữ được nền móng và các vật thờ cổ như:

Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế - Kinh Dương Vương. Tượng Đức Di Lặc, Đức Thánh Hiền. Tượng ba vị Mẫu (Đệ Nhất Thiên Tiên, Quốc Mẫu, Tổ Mẫu) cùng các tượng phật. Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Phật Thích Ca và các vị La Hán Ấn Độ, Trung Quốc  đã du nhập Đạo Phật sang nước ta từ thời Sỹ Nhiếp.

1.3.3. Lễ hội Kinh Dương Vương

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về con dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.

Thời xưa, lễ hội kéo dài hơn 10 ngày nên lễ rước nước được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng. Nhưng ngày nay, thực hiện nếp sống mới, lễ hội tổ chức gọn trong ba ngày từ 16-18 tháng Giêng Âm lịch

Đây là một lễ hội lâu đời được tổ chức theo đúng những nghi lễ truyền thống với hai phần Lễ và Hội:

Trong phần lễ, ban tổ chức lễ hội đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, lễ rước nước (còn gọi là lễ phục ruộc) và lễ tế. Lễ dâng hương nhằm tưởng niệm vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Lễ rước nước thể hiện sự thành kính của các thế hệ người Việt hậu nhân gửi đến Kinh Dương Vương.

Lễ rước nước được cử hành tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống với đủ các thành phần: hai hàng cờ ngũ sắc, kiệu long đình, kèn, chiêng, trống, nhạc, lọng, tàn... người dân làng Á Lữ tổ chức đi thuyền ra giữa sông (trước kia là sông Dâu, nay là sông Đuống) để tế lễ xin nước, rước vong linh cha về thờ phụng và cầu mong cha cứu giúp dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Mỗi năm, dân làng cử một ông trùm là người từ 60 tuổi trở lên, có đủ vợ chồng, con cháu vẹn toàn được dân tin tưởng giao trọng trách làm lễ khấn xin nước.

Sau khi dâng chóe nước vào trong đền, các bậc cao niên trong làng tập trung để tế thần, làm lễ nhập tịch. Đến chiều ngày giã hội 18 tháng Giêng, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hồi nước trả về sông với ý nghĩa, sau khi cha về chứng kiến lòng thành của dân thì lại rước cha về lại thủy phủ. Một phần nước được đem tưới cho cây cối xung quanh đền, cầu cho dân chúng trong làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Lễ tế cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an đã thể hiện được sự giao hòa giữa con người với trời đất, hơn hết là sự thành kính của con người trước thiên nhiên và vạn vật. Có thể thấy, người Việt dù sống trong một xã hội hiện đại đến đâu họ cũng vẫn luôn tín ngưỡng vào vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Họ vẫn không rời xa cái gốc truyền thống mà tổ tiên lưu truyền lại.

Trong phần hội, các trò chơi dân gian được tái hiện một cách sinh động như: Đánh đu, Đánh cầu, Văn nghệ dân gian (Hát Chèo, Tuồng, Quan họ, Trống Quân …). Tất cả như tái hiện lại một Làng Việt cổ xưa trong lễ hội.

Những hình ảnh đặc sắc của lễ hội tôn vinh vị vua thủy tổ đất Việt:

Văn hóa lễ hội Đền thờ Kinh Dương Vương là một loại tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên xưa. Vì vậy, đối với người dân nơi đây, việc tổ chức lễ hội này không chỉ là thể hiện sự tôn kính với một vị vua thủy tổ của một dân tộc mà còn là sự tưởng nhớ của những người con về một người cha. Theo truyền thuyết, khi người dân gặp nạn họ luôn cầu cứu đến người cha của mình là Kinh Dương Vương tôn kính. (http://www.daikynguyenvn.com)

Lễ hội làng Á Lữ hàng năm đã lan rộng khắp cả nước với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ nguồn cội tổ tông của cháu con đất Việt.

Trong những ngày lễ giỗ có nhiều vị chính khách Việt Nam đã tới dự như: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm 2012…

Ngày 16/5/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm, thắp hương tưởng nhớ Kinh Dương Vương đã ghi lưu bút: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cảm ơn nhân dân và lãnh đạo địa phương đã giữ gìn, tôn tạo một di tích, một trong những cội nguồn của dân tộc để đời đời con cháu mai sau chiêm ngưỡng, học tập” (Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương của Trần Quốc Thịnh, NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 2012)

Nguyễn Khoa Điềm - Uỷ viên Bộ chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, ngày 02/7/2004 về dự lễ dâng hương Kinh Dương Vương đã viết: “Tôi cảm ơn và hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, xã Đại Đồng Thành và bà con nhân dân địa phương đã xây dựng quê hương, giữ gìn lăng miếu Tổ tiên ngày càng tươi đẹp”.

Nguyễn Thị Doan-Phó chủ tịch nước ngày 17 tháng giêng 2012 tới dự lễ đã viết: “Đời đời ghi nhớ công ơn của Đức Vua Cha Kinh Dương Vương- Thủy tổ của nhân dân Việt Nam, tất cả chúng ta hãy cùng nhau ôn lại trang sử vàng dân tộc, tự hào, phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng”.

 Đoàn đại biểu Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-MTTQ Tỉnh Bắc Ninh thành kính dâng hương nhân kỷ niệm 4891 năm Thủy Tổ khai sinh mở nước ngày 8 tháng 2 năm 2012 đã ghi trong sổ lưu niệm của nhà Đền:

“Khu di tích Lăng và Đền thờ kinh Dương Vương-Nam Bang Thủy Tổ, là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử vô cùng quý giá và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Việc Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử không chỉ mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm của hậu duệ với các bậc Vương tổ, mà còn là tình cảm và sự trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước”.

Ngày 16 tháng Giêng năm Đinh Dậu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dâng hương và đánh trống khai hội

Như vậy qua những thư tịch xưa, các nguồn tư liệu văn tự cổ tại khu di tích, cùng sự tôn thờ ngưỡng vọng từ xưa của nhân dân địa phương cũng như sự coi trọng của các triều đại xưa và nay đã cho thấy vị trí của khu di tích trong đời sống tâm linh của người Việt.

Ngày nay, trong tất cả các bút tích về thăm, dâng hương tại lăng, đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, tỉnh Bắc Ninh của các chính khách - các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước cộng hoà XHCNVN, Bí thư Tỉnh uỷ, các nhà quân sự, các nhà sử học Việt Nam đều công nhận Kinh dương Vương là Thủy Tổ của dân tộc Việt.

1.4. Nhận định

Như vậy dù là truyền thuyết truyền tụng trong dân gian:

“Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Hay đã được ghi lại trong các sách như các tác phẩm lịch sử có uy tín như “Đại Việt sử ký” , “Đại Việt Sử ký Toàn thư” , hoặc những ấn phẩm còn lưu truyền như “Lĩnh Nam Chích Quái” , “Ngọc Phả Hùng Vương” ở đền thờ Hùng Vương, Phú Thọ. “Ngọc phả truyền thư” ở nhà thờ tổ họ Nguyễn làng Vân Nội, huyện Thanh Oai, Hà Nội; hoặc như: “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của Bùi Văn Nguyên do NXB Khoa học Xã hội, năm 2000; “Trường ca tiền sử Việt Nam” , của Đỗ Văn Bình do NXB VH-TT, năm 2014; “Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hóa dân tộc, năm 2011 như đã được trích dẫn ở trên. Các truyền thuyết đôi khi có khác nhau một chút ít về các sự tích, các biến cố có thể được huyền thoại hóa. Nhưng đều có tiếng nói chung về nguồn cội, thân thế, sự nghiệp của các Đế Thần, Vương Thần đã dựng nên nước Việt.

 Đặc biệt là qua các dấu ấn di tích còn để lại như đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã nói rõ về cội nguồn tiên tổ Việt Nam thời tiền sử đã cho ta một số nhận định sau:

1. Đế Thần (Thần Nông) sinh Đế Thừa (Sở Minh Công) sinh Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết - Khương Thái Công) sinh Kinh Dương Vương (Nguyễn Quảng - Lộc Tục người dựng nước Xích Quỷ) sinh Lạc Long Quân (dựng nước Văn Lang) sinh Hùng Quốc Vương (Nguyễn Lân và nối tiếp sau là các thế hệ Vua Hùng 18 đời).

2. Nước Việt thời tiền sử là một lãnh thổ rộng bao la. Thời kỳ Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử cho rằng bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Lãnh thổ của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương Vương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa ngày nay).

3. Tổ tiên người Việt xuất phát từ đất Việt mà ra. Di ấn của các đền thờ, lăng mộ đang hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam và qua các dấu tích của khảo cổ học thời kỳ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng… hoặc văn hóa của các thời kỳ tiền sử như văn hóa Hoà Bình, Đông Sơn… cho ta thấy rõ điều đó. Phải chăng những di ấn tìm được trên lãnh thổ Việt Nam đã góp phần minh chứng cho giả thiết: “Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người”.

4. Tất cả những điều trên có thể đi tới kết luận là Kinh Dương Vương là Thủy tổ của người Việt và họ Nguyễn Việt Nam thời tiền sử.

5. Việc Việt Nam lấy vua Hùng là Vua Tổ của mình theo người viết có thể vì người Việt muốn dựa vào truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” là biểu trưng của người Việt.