Video
Công đức
Sách: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM (NXB Hồng Đức XB 2018)

CHƯƠNG I: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ TRIỆU (207-111 TCN),THỜI NHÀ NGÔ (939 - 944 SCN)

1.1. Nguyễn Danh Lang

 Nguyễn Danh Lang  (阮名俍) tên hiệu Lang Công (俍公) là danh tướng nhà Triệu nước Nam Việt, em kết nghĩa của Tể tướng Lữ Gia. Lang Công chỉ được đề cập trong thần phả, không được sử sách nhắc tới.

Sách Thành Hoàng Việt Nam của Phạm Minh Thảo, Trần Thi An, Bùi Xuân Mỹ - NXB Văn hóa Thông tin 1997 và bản sách ký hiệu: TT-TS FQ 40 18/X11, 11, Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân - 1572, triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc nguyên) viết: Thời Triệu Vũ Vương (207-137 TCN) nước Nam Việt, trang Nam Trì có một người tên Nguyễn Tuyên (sách Thành Hoàng Việt Nam của Phạm Minh Thảo, Trần Thi An, Bùi Xuân Mỹ - NXB Văn hóa Thông tin 1997 chép là Nguyễn Nghị), lấy vợ người trang Đoài, xã Thổ Hoàng bên cạnh, tên là Trần Thị Huyền. Tuy chỉ làm ruộng nhưng gia đình khá giả, vợ chồng là người có lòng trung hậu, lương thiện.

Năm Nguyễn Công 51 tuổi, bà 42 tuổi vẫn chưa có con trai. Hai vợ chồng cầu đảo Trời Đất, thần linh phù hộ. Một hôm, bà Trần Thị ra sông Kim Ngưu tắm rồi ngủ và mộng thấy từ trên trời một con hổ vàng giáng xuống nằm cạnh bên trái mình. Bà trở về nhà và có mang. Ngày 9/3 năm Nhâm Thân bà sinh hạ được một con trai. Vì chiêm bao thấy hổ nên sau bách nhật đặt tên Danh Lang.

Hai năm sau, khi Triệu Vũ đế (Vũ vương Triệu Đà, 197-137 TCN) chết, Triệu Văn đế (Văn vương Triệu Hồ tức Triệu Mạt hay Triệu Muội, con Trọng Thủy) nối ngôi (136-125 TCN) lệnh cho các châu, huyện đề cử người hiền lương phương chính, văn võ toàn tài, học vấn uyên bác ra giúp nước. Bảo Công, Lang Công đều trúng lại được yết kiến nhà vua ứng đối trôi chảy nên ra sắc chỉ phong Bảo Công chức Thị tụng Tham quan (Quân sư) đảm nhiệm việc luyện quân và công văn cho Triều đình; Lang Công chức Điển binh (Cấm quân bảo vệ triều đình).Lớn lên, Danh Lang có tướng mạo kỳ lạ, cao lớn khác thường. Ông kết nghĩa với Bảo Lang tức Lữ Gia. Hai người được nhân dân Nam Trì một lòng kính nể, phục tùng gọi hai ông là Bảo Công, Lang Công. Bảo Công và Lang Công cùng nhau mộ được 1000 binh sĩ đánh Đào Hoan để trả thù cho cậu của Bảo Lang. Trả thù xong, hai ông trở lại Nam Trì. Oai danh chấn động gần xa nên nhân dân kính nể, thần phục.

Năm Văn vương thứ 6, Bảo Công được phong Tể tướng, Lang Công được phong Đốc lĩnh (chữ Đốc âm cổ là Đại tướng) châu Ái kiêm châu Hoan. Trong thời gian này, Văn vương cùng Bảo Công, Lang Công sắp đặt lại kỷ cương trật tự triều chính, quân thần hiệp đức nên thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui, no ấm. Văn vương chết, Triệu Minh Vương nối ngôi. Minh vương trọng đãi, hai họ của hai anh em quí hiển có hơn bốn mươi người làm quan truyền đời.

Bản sách TT-TS FQ 40 18/X11, 11, Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân - 1572 và Sách Thành Hoàng Việt Nam của Phạm Minh Thảo, Trần Thi An, Bùi Xuân Mỹ - NXB Văn hóa Thông tin 1997 đều viết: “...Khi gặp Lữ Gia về lại Nam Trì chiêu mộ quân sĩ ở quán đầu làng, gặp lại Nguyễn Danh Lương thì kết vi bằng hữu, tương ái tương thân, như tâm như phúc, bốn biển gặp nhau như anh em sinh đôi. Hai anh em gặp nhau như tâm Trời đã định, như anh hùng tương ngộ, bẩm sinh tương tề như cùng một gốc, thề nguyện sinh tử cùng nhau. Nguyễn Danh Lang là người học vấn uyên bác, văn võ toàn tài, lúc đầu được phong chức Điển quân tức trông coi việc binh của triều đình. Sau do công sắp đặt lại kỷ cương trật tự triều chính nên năm Văn vương thứ 6, được phong Đốc lĩnh trấn thủ Châu Ái kiêm cả Châu Hoan. Cầm quân thủy đến châu Đại Điền hội quân, đánh cho quân Tây Hán thua hơn mười trận....”

Nguyễn Danh Lang về đến Thiên Thi nhận chức Huyện lệnh thì mất.

Mộ Nguyễn Danh Lang và mộ Lữ Gia bên bờ sông Nam Trì, nay lăng mộ hai ông ở gò Ba Xã, đền thờ ở gò Vườn Soi, Nam Trì. Thời Bắc thuộc các triều đại Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống của Trung Hoa đều phong Thần Nguyễn Danh Lang là Trung Lang Tế thế Đại vương. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần của Việt Nam cũng sắc phong như vậy. Triều hậu Lê sắc phong là Dũng lược quả đoán và chuẩn cho trang Nam Trì lập đền thờ chính. Sau lại sắc phong thêm là Dực bảo trung hưng.

Sau này, đền này còn thờ cả Thánh địa lý Cao Biền, Thánh địa lý Tả Ao cùng Công chúa Hùng vương Lâu nương (phu nhân của Tể tướng Lữ Gia) cùng hai vị phu nhân của Cao Biền là Lữ Lương, Lự Lương. Sau Lữ Gia, Nguyễn Danh Lang và Cao Biền được phong Thượng đẳng Phúc thần Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Đại vương. Lễ hội tế, rước Thần gọi là Bảo, Lang, Biền. (https://vi.wikipedia.org)

1.2. Thời nhà Ngô

Nhà Ngô (chữ Hán:吳朝 Ngô Triều) là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, truyền được hai đời nhưng có tới ba vị vua, kéo dài từ năm 939 đến năm 965. Khoảng thời gian xen giữa từ 944 đến 950 còn có Dương Bình Vương tức Dương Tam Kha. Khác với các triều đại quân chủ Việt Nam sau này, các vua nhà Ngô vẫn xưng tước vương mà chưa xưng đế hiệu trên phạm vi toàn lãnh thổ do họ cai trị.

Năm 931, Dương Đình Nghệ phát binh từ Ái Châu ra bắc đánh bại quân Nam Hán, xưng là Tiết độ sứ. Bảy năm sau, năm 937, Dương Đình Nghệ bị nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết, cướp quyền, thần phục Nam Hán. Được tin Kiều Công Tiễn phản nghịch và thấy việc quy phục nước Nam Hán là nguy hại cho cuộc tự chủ mà họ Khúc và họ Dương đã xây dựng nền móng, Ngô Quyền là nha tướng của Dương Đình Nghệ, lúc ấy đang cai quản Ái châu, phát binh tiêu diệt Kiều Công Tiễn.

Năm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng từ Ái châu ra đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn sai sứ sang nước Nam Hán xin quân cứu viện. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang cứu, tự mình đóng quân làm thanh viện. Ngô Quyền hạ thành Đại La, giết Công Tiễn rồi bày trận trên sông Bạch Đằng đón quân Nam Hán.

Tháng 11 năm 938, quân Hoằng Tháo bị Ngô Quyền đánh tan trong trận Bạch Đằng. Hoằng Tháo bị giết chết. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi, tức là Tiền Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập Dương thị làm hoàng hậu; đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục.

Các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,...đều không chép rõ việc trị nước của Ngô Quyền.

Năm 944Tiền Ngô Vương mất, sai Dương Tam Kha giúp lập thái tử. Dương Tam Kha là anh (có sách nói là em) Dương Thái hậu cướp ngôi, tự xưng Dương Bình Vương.

Con trưởng Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương). Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền, làm con nuôi. Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không thực hiện được vì hào trưởng Nam Sách là Phạm Lệnh Công che chở cho Xương Ngập.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn thuyết phục được 2 tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi vua. Xương Văn không giết Dương Tam Kha, giáng làm Chương Dương công.

Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập đang trốn ở Nam Sách trở về.

Ngô Xương Ngập cũng làm vua, tự xưng là Thiên Sách Vương (951-954). Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Lên ngôi vương, Ngô Xương Ngập lấn át quyền hành của Ngô Xương Văn khiến Xương Văn bất bình rút lui việc chính sự.

Nhưng chỉ được 3 năm, đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết, chỉ còn một vua Nam Tấn vương Ngô Xương Văn làm vua.

Lúc nhà Ngô suy yếu, một số thủ lĩnh địa phương nổi dậy cát cứ không thần phục triều đình tạo nên thời 12 xứ quân (https://vi.wikipedia.org)

1.3. Nguyễn Thước

Nguyễn Thước (903-?), hay Nguyễn Phước, là một nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Theo gia phả của Gia tộc Nguyễn Hữu thì thủy tổ Nguyễn Thước là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Tĩnh Hải quân (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam). Song thân và năm sinh - năm mất của ông không rõ thông tin. Theo Nguyễn Kí Gia Phả thời Lê 1501, ông sinh năm 903. Cũng theo gia phả cho biết, ông từng là một viên tướng của Dương Đình Nghệ rồi Ngô Quyền, giống người bạn cùng quê là Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu.

Nguyễn Thước có 3 người con được ghi chép lại là: Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục và Nguyễn Bặc, đều là những khai quốc công thần của nhà Đinh, từng tham gia giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Nguyễn Thước bị ám sát bởi Dương Tam Kung em trai của Dương Tam Kha 

Ngày nay, Thủy tổ Nguyễn Thước được thờ vọng tại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Hai nơi thờ vọng chính là tại động Hoa Lư, thôn Mai Phương, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn và thôn Minh Long, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ông cũng được các hậu duệ họ Nguyễn Việt Nam lập từ đường thờ tại Bình Phước, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, ... (https://vi.wikipedia.org)

1.4. Nguyễn Tất Tố

Nguyễn Tất Tố (913 - 984) là Đô Đốc Thủy Quân giúp Ngô Quyền đánh quân Nam Hán năm 938 và giúp Lê Hoàn phá giặc Tống trên sông Bạch Đằng năm 981

Theo lời dịch bản Thần tích: Đô đốc Nguyễn Tất Tố (còn có tên là đô đốc Kiên, Nguyễn Hải…) còn lãnh nhiều trọng trách khác nhau phù thế hệ vua đời nhà Ngô, Đinh, Lê cùng các tướng lĩnh khác dẹp loạn 12 xứ quân, đánh tan giặc Tống…

Theo ngọc phả Ngô Quyền của làng Da Viên và  tài liệu thu thập trong dân gian năm 1977 -1978 lưu trữ tại Bảo tàng Hải Phòng:

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai, Nguyễn Tất Tố rất giỏi bơi lặn. Tổ tiên ông và người họ Đào thuộc dân Thủy Đường (Thủy Nguyên ngày nay). Do bị bọn phương Bắc cai trị ức hiếp, gia đình phải rời sang vùng đầm lầy bên sông Cấm sinh sống.

Bố Nguyễn Tất Tố làm nghề thuyền câu, mẹ làm ruộng. Nguyễn Tất Tố thường cùng cha chèo thuyền trên dòng sông Cấm để câu cá. Ông lại bơi giỏi, ngụp lặn rất tài và là một thanh niên có võ nghệ hơn người.

Do việc liên kết chống giặc biển vào cướp phá dân làng mà Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận trở thành đôi bạn thân.

Khi Ngô Quyền đưa quân về vùng An Dương, xây đồn, chiêu mộ nhân tài hào kiệt, chuẩn bị đánh quân Nam Hán, Nguyễn Tất  Tố và Đào Nhuận đã tự nguyện tham gia, được Ngô Quyền trọng dụng cho làm gia tướng.

Trong trận phục kích ở sông Bạch Đằng năm 938, Đào Nhuận được Ngô Quyền giao cho chỉ huy dẫn quân lính cùng nhân dân vào rừng lấy gỗ đẽo cọc nhọn cắm ở cửa sông rồi cùng Ngô Xương Ngập và Dương Tam Kha đem quân mai phục hai bên bờ sông. Còn Nguyễn Tất Tố được Ngô Quyền sai đem 20 thuyền nhẹ ra cửa biển chờ giặc tới thì khiêu chiến nhử giặc vào trận địa cọc của quân ta.

Khi thuyền quân Nam Hán tới, cũng là lúc nước triều lên cao, Nguyễn Tất Tố đã đưa thuyền ra nghênh chiến, lúc đánh, lúc rút làm cho Hoằng Thao tức tối. Đợi lúc thủy triều rút, quân ta giả vờ thua rút chạy. Hoằng Thao cho thuyền đuổi theo. Khi thuyền giặc vượt qua bãi cọc cũng là lúc thủy triều rút nhanh mấp mé đầu cọc nhọn. Nguyễn Tất Tố phất cờ hiệu tấn công. Phục binh của ta ở hai bên bờ sông do Tam Kha, Xương Ngập, Đào Nhuận chỉ huy với những chiếc thuyền nhỏ nhẹ từ trong hàng lau sú tiến ra đánh phá, chia cắt đội hình quân giặc. Ngô Quyền chỉ huy đại binh ào ạt xông lên phối hợp tiêu diệt giặc. Quân Nam Hán lúng túng run sợ, quay thuyền tháo chạy. Thuyền xô vào hàng cọc vỡ, đắm. Hoằng Thao bị chết ngay tại trận. Máu giặc loang đỏ cả vùng sông biển Bạch Đằng. Vua Nam Hán được tin thua trận, con chết vội vàng lui binh.

Theo http://vi.wikipedia.org/: Cuối đời, ông về an nghỉ và mất tại quê nhà: vùng Thiết Lâm-Khu Trung Hậu -Huyện Phong Doanh - Phủ Thiên Trường nay là thôn Ninh Xá - Xã Yên  Ninh - Huyện Ý Yên - Tỉnh Nam Định. 

Triều đình nhà Lê đã tổ chức tang lễ theo nghi thức Đại thần. Đương thời, vua Lê đã thân chinh đến thăm viếng lăng mộ ông và ban cho một đặc ân là cấm phạm địa bàn khu lăng mộ.