Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CÔNG BỐ VỀ BẢN THIẾT KẾ NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Ngày đăng: 12/02/2020
Tóm tắt:

CÔNG BỐ VỀ BẢN THIẾT KẾ NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Nội dung:

Sau bao ngày làm việc với các Sở Ban ngành của tỉnh Bắc Ninh, với sự giúp đỡ của Công ty cổ phần BVA. Bản thiết kế công trình của Dự án Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt. Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam sẽ lần lượt công bố về bản thiết kế này để mọi người quan tâm được biết.Từ bản thuyết minh đến thiết kế chi tiết của Dự án
PHẦN THỨ NHẤT
Sự cần thiết của Công trình Dự án Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam
Họ Nguyễn Việt Nam là một họ lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 40% dân số Việt Nam và được xếp trong 10 họ đông nhất thế giới. Tuy nhiên mãi đến năm 2012 mới có một có một tổ chức chung của họ Nguyễn được thành lập bởi những người cùng chí hướng và cho đến nay đã có hàng triệu người họ Nguyễn Việt Nam biết đến và tham gia. Với câu đối tôn chỉ của hội:
Nguyễn tộc thiên chi quy nhất bản
Tử tôn vạn phái tố tòng nguyên
Dịch nghĩa: Họ Nguyễn nghìn chi quy một gốc
Cháu con vạn phái theo cùng nguồn
Nhà thờ họ hay còn gọi là từ đường là chốn tâm linh của một tộc họ. Ở đó, dòng họ thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc. Mỗi vị có thần chủ hoặc bài vị đặt trên bàn thờ. Đọc thần chủ, bài vị, sẽ biết vị nào có công trạng với nước, hoặc với địa phương, cũng như với tộc họ.
Nhà thờ họ có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn, vì vừa là nơi tiến hành nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, vừa là nơi các thành viên họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau.
Nhà thờ họ là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ. Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sắp xếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong dòng họ cũng như người ngoài tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ.
Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử xanh của đất nước, của dân tộc. Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặt biệt trong thế giới tâm linh của những con người trong dòng họ bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi con người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây.
Mỗi năm, vào ngày giỗ, con cháu về tụ họp đông đủ tại nhà thờ, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Người còn sống ngay trong làng có mặt, người làm ăn phương xa cũng về, chuyện trò, chia sẻ tình cảm, bàn cách giúp đỡ người gặp khó khăn. Vì thế, nhà thờ họ có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn, vì vừa là nơi tiến hành nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, vừa là nơi các thành viên họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau.
Truyền thống xây dựng nhà thờ họ có từ lâu đời nhưng trải qua những năm chiến tranh, công việc này không được tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Trong những năm gần đây việc xây dựng nhà thờ họ rộ lên khắp mọi miền đất nước, nhất là ở nông thôn. Song chúng ta cần phải hiểu đúng đắng về mục đích của việc xây dựng nhà thờ không phải chỉ để ngắm nhìn, khoe khoang với thiên hạ, hay để tổ chức tiệt tùng linh đình mà tạo nên công trình mang dấu ấn tốt đẹp về nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đạo lý, gia phong tốt đẹp của tổ tiên ông bà truyền lại:
- Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân hậu thủy chung.
- Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, làm cho dân giàu nước mạnh.
- Đó là tình đoàn kết sắc son, ý chí cộng đồng trong xã hội, biết gạt bỏ những cái nhỏ nhen tầm thường trong quá khứ và trong cuộc sống hằng ngày để giữ lấy cái nghĩa tình cao đẹp trong gia đình họ tộc, trong cộng đồng xã hội.
- Đó là lòng nhân ái bao dung, thương người như thể thương thân, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khi ốm đau hoạn nạn.
- Đó là tin thần cần cù, sáng tạo trong lao động và học tập, sống và làm giàu bằng bàn tay và khối óc của mình, khuyến khích làm giàu chính đáng, động viên tạo điều kiện cho con cháu được học hành, có nhiều con cháu học giỏi.
Về mặt phong thủy, có hai yếu tố luôn được quan tâm khi chọn đất xây dựng nhà thờ họ là hướng đất và thế đất. Hướng đất thường hay được chọn là hướng Nam do đây là hướng “hè mát, đông ấm”, theo đạo Phật thì đây là hướng gắn với điều thiện và hạnh phúc, theo Nho giáo thì đây là hướng của thánh nhân: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về Nam nghe lời tâu của thiên hạ). Người Việt coi tổ tiên của mình như những thánh nhân luôn theo dõi và phù hộ độ trì cho con cháu nên nhà ở cũng thường quay về hướng Nam. Tuy nhiên, ngày xưa quan niệm chọn hướng không quá phức tạp như hiện nay, nếu hướng Nam lại ở thế đất xấu thì cũng có thể quay hướng khác.
Thế đất cũng là một yếu tố quan trọng để lựa chọn khi xây dựng nhà thờ họ. Thế đất tự nhiên được coi là đẹp khi lưng có thể tựa (phía sau cao hơn phí trước), hai bên có thề “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án. Khi thế đất tự nhiên không sẵn có các yếu tố cần thiết cần có đó, người xưa có thể khắc phục bằng cách đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đấp đất trồng cây tạo thế tay ngai…
Cũng như các loại hình kiến trúc truyền thống khác, vấn đề trang trí cũng được người xưa rất quan tâm khi xây dựng nhà thờ họ. Cấu trúc nhà thờ họ tương tự như nhà ở dân gian của người Việt, chủ yếu là kết cấu khung gỗ với các hình thức kết cấu cơ bản giống nhà ở. Thông thường, một nhà thờ họ điển hình chỉ là một ngôi nhà hình chữ Nhất nằm ngang với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc, quy mô công trình thường từ 3 đến 5 gian.
Nhà thờ họ thường là công trình chuyên dụng để thờ tổ tiên, song cũng có một số nhà thờ kết hợp hai chức năng: vừa để thờ, vừa để ở (do điều kiện kinh tế của dòng họ). Đối với những nhà thờ họ kiểu này, việc thờ cúng tổ tiên được bố trí ở gian giữa, chỗ để ở được bố trí hai bên gian hồi. Tuy nhiên, đúng theo truyền thống thì nhà thờ họ thường được xây tách biệt khỏi nhà ở, có thể nằm trên một mảnh đất riêng biệt, có thể nằm trên khuôn viên đất ở của vị trưởng họ. Việc bố trí mặt bằng của nhà thờ họ phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện này.
Một nguyên tắc cơ bản luôn luôn phải tuân thủ trong bố cục nhà thờ họ là nguyên tắc đăng đối qua trục thần đạo (trục tưởng tượng đi qua chính giữ nhà thờ). Nguyên tắc đăng đối này bao trùm trong toàn bộ đồ án thiết kế nhà thờ họ: từ hình khối kiến trúc, trang trí trê kiến trúc, sắp xếp các bàn thờ, bài trí nội thất đến bố trí sân vườn cảnh quan phía trước…
Trang trí trên kiến trúc nhà thờ họ rất ít dùng hình tượng rồng mà hay sử dụng các hình tượng thuần túy mang tính trang trí (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng liêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…). Mặc dù vậy, một số nhà thờ của những dòng họ có người làm quan cũng trang trí hình rồng trên kiến trúc, nhưng rất hạn chế và các hình rồng này thường được cách điệu, biến tấu đi (trúc hóa rồng, mai hóa rồng, mây hóa rồng, lá hóa rồng, cá hóa rồng…).
Sở dĩ có đặc điểm này là do các nhà thờ họ truyền thống còn tồn tại đến nay chỉ có niên đại xây dựng từ cuối thế kỷ XVII tới đầu thế kỷ XX, khi mà Nho giáo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt. Theo quan niệm của Nho giáo thì rồng là biểu tượng cho tầng trên, đặc biệt là rồng có 5 móng chân tượng trưng cho Thiên tử. Nhà thờ họ không phải là nơi thể hiện tính quyền lực, chính vì vậy rất ít sử dụng hình tượng rồng trên kiến trúc. Tuy vậy trên các đồ thờ vẫn thường được chạm hình tượng rồng do quan niệm thần thánh hóa tổ tiên của người Việt, tuy nhiên cũng chỉ được chạm rồng 4 móng mà không được chạm rồng 5 móng.
Việc xây dựng Nhà thờ họ Nguyễn Việt Nam là ước mong của bao người con họ Nguyễn đó cũng là tiếng gọi thiêng liêng như một yêu cầu của Tổ tiên cha ông chúng ta. Của cải quan chức bổng lộc chỉ là tạm thời, nguồn gốc sinh ra mới là tồn tại mãi mãi mà không bao giờ thay đổi được.
Trong bối cảnh việc phát huy giá trị lịch sử văn hóa, thành tựu mà họ người họ Nguyễn để lại từ lúc sinh ra cho đến ngày nay và được sự quan tam của nhà nước và các ngành, các cấp, việc xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Việt nam đáp ứng nhu cầu văn hóa, xã hội và nguyện vọng của nhân dân họ Nguyễn địa phương và cả nước cũng như kiều bào nước ngoài.
Cùng là công trình trưng bày thờ cúng và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân họ Nguyễn mỗi khi về thăm nhà thờ , có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, làm tăng thêm quỹ văn hóa dân gian.
Tôn tạo cảnh quan tăng tính tôn nghiêm cho di tích khu vực và tạo cho di tích có vị trí xứng đáng với tầm vóc vốn có đã được lịch sử và thời đại công nhận.
Phục vụ thăm viếng, thờ tự tín ngưỡng, giới thiệu lịch sử văn hóa xưa và nay của họ Nguyễn giàu truyền thống, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học và phục vụ khách tới tham quan chiêm ngưỡng.

 

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh