Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG DI SẢN NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG ĐỂ LẠI

Ngày đăng: 20/10/2021
Tóm tắt:

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG. DI SẢN NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG ĐỂ LẠI

Nội dung:

Nhà Nguyễn đã để lại nhiều di sản cho dân tộc Việt Nam, một số di sản đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Nhã nhạc cung đình Huế, Quần thể di tích Cố đô Huế hoặc Mộc bản triều Nguyễn. Giáo sư sử học Việt Nam Phan Huy Lê nhận xét rằng:

“Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy.”

Không phải là ba mà là bốn di sản được UNESCO công nhận

Nhà Nguyễn cũng để lại hệ thống thư tịch khổng lồ; hệ thống giáo dục, kho lưu trữ châu bản; hàng ngàn đình, chùa miếu, nhà thờ... trải dài từ Nam chí Bắc... Nhiều di sản trong số này có thời kỳ dài bị lãng quên và bị coi như một thứ "tàn dư của phong kiến thối nát".

1. Nhã nhạc

Nhã nhạc Cung đình Huế được xem là loại hình âm nhạc chính thống, là Quốc nhạc, được sử dụng trong các cuộc tế lễ của Triều đình (như lễ Đăng quang, lễ Băng hà, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã tắc, và nhiều lễ trang nghiêm khác...). Loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho Vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của Triều đại. Chính vì vậy, các Vua nhà Nguyễn đã coi trọng việc phát triển Nhã nhạc Cung đình. Qua từng thời kỳ lịch sử, âm nhạc Cung đình được kế thừa và tiếp tục phát huy phục vụ cho các Vương triều phong kiến.(http://thegioidisan.vn)

Nhã nhạc cung đình lại được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 7/11/2003 (https://vi.wikipedia.org)

2. Quần thể di tích Cố đô Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Hiện tại, cố đô Huế đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ như đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát dưới triều vua Gia Long năm 1803 đến khi hoàn chỉnh triều vua Minh Mạng vào năm 1832.

Phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh thành Huế thực sự là một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà một thuyền trưởng người Pháp là Le Rey khi tới Huế năm 1819 phải thốt lên: "Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng".(https://vi.wikipedia.org)

Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc... (https://www.thuathienhue.gov.vn)

3. Mộc bản

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn. Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiểu trừ giặc dã.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009. Số mộc bản này hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng (xưa và nay vẫn là Biệt điện Trần Lệ Xuân - Khu Di tích của TP. Đà Lạt).

Mộc bản triều Nguyễn còn bao gồm cả những ván khắc in thu ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ tại Quốc Tử Giám, dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ cây nha đồng. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý. Do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ dụ: "Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (Kinh đô Huế)".

Năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã làm hồ sơ trình UNESCO và đến ngày 31/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO đưa vào "Chương trình Ký ức thế giới".( https://vi.wikipedia.org)

Theo Cục Di sản văn hóa (http://dch.gov.vn): Đây là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Nội dung của khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao. Trong 34.619 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài “Nam quốc sơn hà”. Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Về địa lý: có hai bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam đã thống nhất và ghi chép về hoàng thành Huế. Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc mộc bản mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về các sự kiện xảy ra từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trải qua chín đời chúa (1558 - 1777), đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa) thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi

Về chính trị xã hội: có năm bộ sách gồm 16 quyển, ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Về quân sự: có năm bộ sách gồm 151 quyển, ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc kỳ, Nam kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

Về văn hóa - giáo dục: có 31 bộ sách gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn.

Về tư tưởng triết học - tôn giáo: có 13 bộ sách gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.

Về văn thơ: có 39 bộ gồm 265 quyển, ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam.

Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách gồm 50 quyển, giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.

Về quan hệ quốc tế: tài liệu mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử và văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...

Trước năm 1960, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Huế. Từ năm 1960 được chuyển từ Huế về Đà Lạt. Quá trình di chuyển tài liệu mộc bản triều Nguyễn từ Huế về Đà Lạt rất công phu và cẩn trọng, phải di chuyển làm ba lần mới hoàn thành. Từ năm 1961 - 1975, tài liệu mộc bản triều Nguyễn được cất giữ tại chi nhánh văn khố Đà Lạt; do điều kiện bảo quản không tốt nên bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Sau năm 1975, được giao về Cục Lưu trữ nhà nước (nay là Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước), bảo quản tại tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984, được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV). Hiện nay, khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản, đã phân loại, chỉnh lý khoa học, đồng thời được in rập ra giấy dó và số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng. Để bảo tồn và phát huy giá trị khối tài liệu này, năm 2004, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cho phép biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn - đề mục tổng quan, giới thiệu toàn bộ nội dung khối tài liệu quý hiếm trên với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

4. Phố cổ Hội An. Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày 4/12/1999.

Di sản tại Hà Nội Nhà Nguyễn Và Gia Long đã để lại các di sản như toà Khuê Văn Các tại khu Quốc Tử Giám, nay đang được lấy là biểu trưng của Hà Nội, cột cờ Hà Nội, quần thể đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên-Tháp Bút, cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm, Cột cờ Hà Nội mà không người Việt Nam nào quên được cả khi đi xa Tổ quốc.

Trích nguồn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm, NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh