Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG. NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ NGUYỄN, GIA LONG VÀ CÁC CHÚA NGUYỄN (tiếp theo)

Ngày đăng: 16/10/2021
Tóm tắt:

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG.

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ NGUYỄN, GIA LONG VÀ CÁC CHÚA NGUYỄN (tiếp theo)

Nội dung:

Lịch sử phải công minh, lịch sử càng phải là sự thật. Mà sự thật thì với những gì đã làm được cho đất nước, triều Nguyễn đã có những đóng góp hết sức to lớn cho dân tộc. Đấy là sự thật mà ta không thể phủ định!

Nguyên nhân mất nước

Có những ý kiến khác nhau về trách nhiệm của các vua nhà Nguyễn đối với việc Việt Nam mất vào tay người Pháp.

Trong Việt Sử tân biên, Phạm Văn Sơn cho rằng Việt Nam mất vào tay thực dân Pháp là một tất yếu lịch sử, hoặc ít ra cũng do trình độ dân trí Việt Nam quá thấp kém so với người Pháp. Ngược lại, các nhà sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1954-1975 có xu hướng quy trách nhiệm hoàn toàn cho các vua Nguyễn đối với việc mất nước rằng Nguyễn Ánh đã "cõng rắn cắn gà nhà" và Tự Đức "bán rẻ đất nước" cho thực dân.

Phan Huy Lê nhận xét:

“Kết luận trước đây cho rằng Tự Đức bạc nhược đầu hàng, phản bội dân tộc là chưa thỏa đáng, chưa khách quan. Ông và triều Nguyễn đã tìm mọi cách bảo vệ đất nước và cũng là bảo vệ vương triều đến cùng, nhưng do năng lực và nhãn quan chính trị nên không đề ra được đối sách đúng để giành thắng lợi trước một thế lực xâm lược hoàn toàn mới, mà lịch sử trước đây chưa để lại kinh nghiệm.

Trong cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á, tất cả các quốc gia đều mất nước, hoặc thành thuộc địa, hoặc thành nửa thuộc địa. Chỉ riêng Nhật Bản và Thái Lan giữ được độc lập...Nhật Bản thời Minh Trị thực hiện cuộc cải cách lớn, nhưng tình hình kinh tế xã hội của Nhật có khác các nước phương Đông, bắt đầu từ thế kỷ XVII khi đóng cửa với bên ngoài nhưng bên trong phát triển kinh tế rất mạnh, tạo lập những tiền đề cho cuộc cải cách. Thái Lan thì có cách ứng xử rất khôn ngoan, tận dụng được vị thế vùng đệm nằm giữa 2 thế lực đế quốc rất mạnh, Anh ở phía Ấn Độ, Pháp ở phía Đông Dương, lợi dụng được mâu thuẫn và cạnh tranh gay gắt này để duy trì thế độc lập tương đối...không thể phủ nhận trách nhiệm của triều Nguyễn là nhà nước quản lý đất nước, nhưng lúc phân tích nguyên nhân mất nước thì phải hết sức khách quan, toàn diện, đặt trong bối cảnh lịch sử mới của khu vực và thế giới, không nên quy kết một cách giản đơn”.

“Triều Nguyễn tuy không bán nước nhưng đã để mất nước (cho đến năm 1945). Tất nhiên, đây là khó khăn chung của các nước nhược tiểu mà triều đình nhà Nguyễn không thể vượt qua được thời đại trong tình hình Đông - Tây bấy giờ. Nhược điểm này chính là lý do mà một số người đã nêu ra để báng bổ vương triều ấy một cách nặng lời nếu không nói là quá đáng. Chủ yếu là do nhận thức phiến diện và thái độ cực đoan của một giai đoạn lịch sử”. Phan Thuận An.

“Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hoà, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng”. Dương Trung Quốc.

“Việc Pháp đánh Việt Nam là một tất yếu khách quan; việc nhà Nguyễn để mất nước có phải là tất yếu khách quan hay không, đó là một dấu hỏi lớn, là chủ đề của nhiều hội thảo khoa học của nhiều thế hệ nhà sử học. Thực tế cho thấy không phải nhà Nguyễn buông súng tự đầu và không phải các hoàng đế nhà Nguyễn đều bạc nhược”. Nguyễn Khắc Thuận.

Nhà Nguyễn và người dân Việt Nam không dễ đầu hàng Pháp:

Theo báo http://tuanbaovannghetphcm.vn/,ngày 29/6/2017 trong bài Luận về những nguyên nhân Việt Nam mất nước về tay Pháp của Gs. Trần Văn Giàu có đoạn viết: “Thống lãnh cuộc xâm lăng là Đô đốc Rigault de Genouilly. Lực lượng xâm lăng gồm quân Pháp, quân Tây Ban Nha và nhân công thuê. Ở phương Bắc, tất cả non già 3.000 người với 14 tàu chiến, 1 giám mục, một số giáo sĩ biết tiếng Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch là chiếm Đà Nẵng; Đà Nẵng chiếm xong, liên quân Pháp – Tây sẽ chiếm luôn kinh thành Huế, bắt vua Tự Đức phải thi hành ngay các điều khoản Hiệp ước Versailles, Pháp tính rằng sẽ chiến thắng dễ như trở bàn tay. Cung điện Huế không giàu tột bực như cung điện Bắc Kinh song cũng đủ hấp dẫn quân Pháp – Tây Ban Nha.

1-9-1858, quân Pháp – Tây tiến công Đà Nẵng; 2-9, họ chiếm xong cả thị trấn Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Quân Việt Nam lùi ra, lập phòng tuyến chặn địch ở một rẻo bờ biển. Một sĩ quan gởi thư về Pháp viết: “Đất mà chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ vài nhà tranh của những người đánh cá, tôi chưa thấy một con gà”.

Số là quân Pháp được các cha cố hứa hẹn rằng hễ Pháp đến thì dân bản xứ sẽ nổi lên hưởng ứng. Nhưng quân Pháp – Tây đổ bộ rồi mà chẳng thấy ma nào hưởng ứng cả.

Bản thân Đô đốc Rigault de Genouilly báo cáo về cho Chính phủ Pháp: “Chính phủ bị đánh lừa về bản chất cuộc chinh phục nước Việt Nam. Người ta trình bày rằng cuộc viễn chinh này chỉ là một việc nhỏ, một việc dễ. Thực ra nó không nhỏ, không dễ. Xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt sông rạch, sông thì cạn, đồng thì lầy. Xứ này có quân chính quy đông, còn dân quân thì gồm tất cả những ai không đau ốm tàn tật”.

Rigault có vài lần thử lên đèo Hải Vân và vào sông Hương để vào Huế. Không được. Đèo cao, sông cạn. Đi sâu vào nội địa tỉnh Quảng Nam cũng không nổi: ruộng thì lầy, đằng sau xa là núi rừng hiểm trở… Ở mãi Đà Nẵng làm gì? Các cha cố khuyên đô đốc kéo quân ra Bắc, ở đó có bọn Tạ Văn Phụng (phe cha cố Tây Ban Nha) có thể giúp liên quân Pháp – Tây đắc lực. Nhưng Rigault tính không xong, Bắc bộ xa Huế mà gần Trung Quốc, nếu Trung Quốc can thiệp thì làm sao? Y bèn giải quyết cái bí bằng cách kéo quân từ Đà Nẵng vào đánh chiếm Gia Định, ở đây sông sâu tiện cho hải quân hoạt động và ở đây có nhiều lúa gạo để vừa nuôi quân, vừa có thể cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực cho Huế”.

Thư viện ảnh