Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ NGUYỄN, GIA LONG VÀ CÁC CHÚA NGUYỄN (tiếp theo)

Ngày đăng: 18/10/2021
Tóm tắt:

HÃY TRẢ LẠI SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÊN ĐƯỜNG PHỐ CHO NHÀ NGUYỄN VÀ GIA LONG.

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ NGUYỄN, GIA LONG VÀ CÁC CHÚA NGUYỄN (tiếp theo)

Nội dung:

"Phải trả về cho lịch sử những “không gian bị bỏ rơi”, phải lấp đầy những “khoảng trống” và làm rõ những “điểm mờ”... Sứ mạng cao cả nhất của sử học làm thế nào viết nên những trang sử tôn trọng sự thật khách quan, dựa trên những cứ liệu khoa học” – chia sẻ của Giáo sư Phan Huy Lê trong buổi nói chuyện, thông tin khoa học tại Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 22/2/2017. Theo ông đối với chúa Nguyễn, các nhà sử học đều đi đến thống nhất, nhà Nguyễn có hai tội lớn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, duy trì nền Nho học mà lúc đó đã trở nên lỗi thời ở những quốc gia khác, dẫn đến khước từ các đề nghị canh tân đất nước của những nhà trí thức tiến bộ.

Nhưng mặt tích cực bao trùm là có công khai phá, mở mang bờ cõi, xóa bỏ sự chia cắt đất nước đằng Trong, đằng Ngoài; thống nhất toàn bộ lãnh thổ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Những nghiên cứu đã cung cấp một niên đại rõ ràng là năm 1757, chúa Nguyễn đã định hình về cơ bản lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền cả đằng Trong, đằng Ngoài và bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa. Thời chúa Nguyễn, quân đội triều đình trực tiếp quản lý Hoàng Sa, Trường Sa; vua Gia Long trực tiếp chỉ đạo, duyệt các văn bản liên quan, vì thế mà đã để lại nhiều tư liệu châu bản quý không ai có thể chối cãi. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngày nay chúng ta khẳng định toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, từ thời chúa Nguyễn, bộ máy nhà nước tương đối hoàn chỉnh đã được xây dựng, sự phân chia các địa phương dựa trên địa hình và truyền thống văn hóa, phong tục, đến nay vẫn còn cho thấy tính hợp lý và khoa học. (http://www.tuyengiao.vn, Thứ Năm, 23/2/2017 )

Nhà thơ Nguyễn Duy đã có ý kiến:"Cho đến bây giờ, nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hoá."

Cũng theo Giáo sư Phan Huy Lê thì các nhà sử học tham gia hội thảo quốc gia về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" năm 2008 đều nhận thấy "sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội... các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực." (vi.wikipedia.org/wiki).

GS Phan Huy Lê cho rằng, nhà Nguyễn đã để lại một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ bắc chí nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo trên biển Đông. Trên lãnh thổ đó là một di sản văn hoá đồ sộ bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Cố đô Huế là nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc trong một thời kỳ lịch sử khi mà kinh đô này lần đầu tiên trong lịch sử trở thành trung tâm chính trị, văn hoá của một quốc gia tương đương Việt Nam hiện đại. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ 11/12/1993 và ngày 7/11/2003 Nhã nhạc cung đình lại được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong số các đô thị hình thành và phát đạt trong thời kỳ này, Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày 4/12/1999. Ông nói: “Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy”.

Cũng theo ông: “Phải có đánh giá khách quan, công bằng, và gần với sự thật lịch sử nhất. Bên cạnh đó, triều Nguyễn có liên quan mật thiết với thời đại của chúng ta, đó là chưa kể tới việc người họ Nguyễn có thể coi là đông con cháu hàng đầu Việt Nam. Những nhận định thiếu khách quan, công bằng đã gây tâm lý xã hội ấm ức, thậm chí bất bình. Dân chúng nhìn nhà Nguyễn khác các nhà khoa học, vì sao vậy? Đây là câu hỏi chúng ta cần phải trả lời. Trên tinh thần nhận thức khoa học sẽ có tính thuyết phục cao, tiến tới giải toả tâm lý xã hội trong cộng đồng dân cư, như ở Thanh Hoá, ở Huế, ở Nam Bộ. Khi nói một vương triều là bán nước thì di sản còn lại có giá trị gì nữa?”

Về SGK và tên đường phố, GS nhận định: “SGK, sách phổ cập cần có chỉnh sửa cho phù hợp. Tất nhiên sớm là khó, và tất nhiên không phải nhảy từ cực đoan này sang chiều cực đoan khác. Không nên hiểu nhận thức mới là giải quyết toàn bộ các vấn đề. Vương triều nào cũng có vấn đề của nó, nhà Hồ, nhà Mạc chúng ta đều đã hội thảo cả rồi, nhưng nhà Nguyễn là gay cấn nhất. Cũng là mất nước nhưng An Dương Vương khác, Hồ Quý Ly khác, nhà Nguyễn khác. Phải phân tích đầy sức thuyết phục. Lộ trình sửa sách giáo khoa thì thẩm quyền thuộc về Bộ GD&ĐT, chứ chúng tôi có quyền gì đâu? Chúng tôi đưa ra quan điểm để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nhưng, Bộ GD&ĐT và các bộ phận chuyên trách không phải cứ ngồi một chỗ để chúng tôi mang công trình đến cho các anh. Phải tự vận động. Tôi quan sát sau 1975, tại miền Nam tên đường phố triều Nguyễn là bị bỏ sạch cả. Dân không hiểu nhưng không giải thích nổi. Sắp tới có thể Hội sử học sẽ kiến nghị với UBND TP Hà Nội đưa vào một số nhân vật nổi bật của thời kỳ này để đặt tên đường”. (http://thethaovanhoa.vn, ngày 19/10/2008).

Trích nguồn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm, NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh