Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THAM DỰ LỄ KỶ NIỆM 550 NĂM NGÀY ĐẠI ĐĂNG KHOA CỦA HOÀNG GIÁP, TẾ TỬU QUỐC TỬ GIÁM NGUYỄN NHƯ UYÊN (1469-2019)

Ngày đăng: 14/06/2019
Tóm tắt:

HỘI NGƯỜI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THAM DỰ LỄ KỶ NIỆM 550 NĂM NGÀY ĐẠI ĐĂNG KHOA CỦA HOÀNG GIÁP, TẾ TỬU QUỐC TỬ GIÁM NGUYỄN NHƯ UYÊN (1469-2019)

Nội dung:

Nhận lời mời của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Như Uyên Hạ Yên Quyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 14/6/2019 Hội người họ Nguyễn Việt Nam đã dự buổi lễ kỷ niệm 550 năm ngày đại đăng khoa của Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên (1469-2019). Buổi lễ diễn ra tại Tiền đường Nhà Thái học Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tại Từ đường họ Nguyễn Như Uyên Hạ Yên Quyết, Cầu Giấy, Hà Nội.

   Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và long trọng với sự tham gia của các sử học gia, Ban quản lý khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng đông đảo bà con trong dòng họ Nguyễn Như và bà con làng Hạ Yên Quyết.

   Hội người họ Nguyễn Việt Nam tới dự với lẵng hoa chức mừng và trao tặng dòng họ Nguyễn Như 2 cuốn sách là cuốn: “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam” do NXB Hồng Đức XB năm 2019 và cuốn: “ Di sản văn hóa dòng họ – Những đền thờ, lăng và cung điện họ Nguyeenxc Việt Nam” do NXB Hồng đức tái bản năm 2019.

   Ts. Nguyễn Văn Kiệm cũng đã đọc lời chào mừng ngày lễ, Sau đây là toàn văn lời cháo mừng:

    “Lạy các anh linh cao đằng tổ khảo, cao đằng Tổ tỷ họ Nguyễn Như, anh linh cụ Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên!

Kính thưa các cụ, các ông, các bà, trong dòng họ Nguyễn Như cũng như tất cả các con em họ Nguyễn và các dòng họ khác trong làng Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Kính thưa các quí vị đại biểu, thưa tất cả các thành viên tới dự buổi lễ ngày hôm nay!

“Con người có tổ, có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Nhớ về Tổ tiên là nét văn hóa bất hủ của người Việt, nó cho ta thêm niềm tự hào về Tiên tổ nhất là những danh nhân đã làm nên tên tuổi của dòng họ, của làng quê, của đất nước.

Sử sách ghi danh cụ Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên vừa là bậc trụ cột triều đình vừa khai khoa cho dòng họ đời nối đời khoa bảng. Đó chính là tài sản tinh thần rất quý báu của một dòng họ danh gia vọng tộc trong lịch sử nước ta – Một dòng họ có 5 vị đỗ Đại khoa.

Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học của 4 làng khoa bảng thời phong kiến, nơi phát tích của nhiều bậc đại khoa.

Với hơn 800 năm lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam (1075-1919), dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết có 5 tiến sỹ được khắc tên trong bảng vàng, bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Người khai khoa cho truyền thống khoa bảng là cụ Nguyễn Như Uyên, đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông.

Từ đây, hậu duệ của cụ đời nối đời tiếp dòng khoa bảng, thật là: “Một cây cù mộc một sân quế hoè” và thật là vinh danh gia tộc.

Các đời sau, có cụ Nguyễn Xuân Nham đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1499), làm quan tới chức Hình Bộ cấp sự trung, Thừa Chánh sứ ty.

Cụ Nguyễn Khiêm Quang đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1523), làm quan tới chức Mậu Lâm Lang phụng trí đại phu, Lạng Sơn sứ tán trị, Thừa Chánh sứ ty, Tham chính.

Cụ Nguyễn Nhật Tráng đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (năm 1595), tức Hoàng giáp, làm quan tới chức Đô cấp sự trung, Tá lý công thần. Khi mất được vua phong là Bỉnh Trung Đại vương.

Cụ Nguyễn Vinh Thịnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (năm 1659) làm quan tới chức Thẩm hình viện, Giám sát ngự sử.

Ngoài ra, dòng họ Nguyễn Như còn có 18 người đỗ trung khoa (cử nhân, tú tài Hán học). Một dòng họ với 23 người đỗ khoa bảng ở mức đại khoa và trung khoa là một dòng họ đáng được người đời trân trọng. Đây là niềm tự hào không phải dòng họ nào ở nước ta cũng có được. Đó chính là tài sản tinh thần rất quý báu của một dòng họ danh gia vọng tộc.

Không chỉ là người khai khoa một dòng họ tiến sỹ, với tài kinh bang tế thế, cụ Nguyễn Như Uyên còn là đại thần trụ cột triều đình, có nhiều công lao giúp vua trị nước. Vua Lê Thánh Tông nổi danh sử sách là đấng minh quân, với 38 năm trị quốc, xung quanh nhà vua nhiều bề tôi giỏi, hàng nguyên lão đại thần có Nguyễn Xí, những trí thức trẻ có Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh,... cụ Nguyễn Như Uyên là một trong số đó.

Trong những thành tựu vẻ vang mà vua Lê Thánh Tông xây dựng như giữ yên biên thùy, mở mang bờ cõi, xây dựng luật Hồng Đức, vẽ bản đồ Hồng Đức, đào tạo các bậc hiền tài - “nguyên khí quốc gia”... cụ Nguyễn Như Uyên đều có công lao.

Với kiến thức uyên thâm của mình, cụ Nguyễn Như Uyên được vua phong làm Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng); Nhập thị Kinh Diên (được vào cung giảng sách cho vua).

Cuối đời cụ làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ). Khi về trí sĩ (nghỉ hưu), cụ được phong tước Thái Bảo, Liêm Quận Công.

Nhân dịp kỷ niệm 550 năm ngày cụ Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên khai hoa tiến sỹ,  vinh dự lớn này không chỉ với bà con họ Nguyễn Như mà còn là của toàn thể nhân dân làng Cót và người họ Nguyễn Việt Nam. Thay mặt Hội người họ Nguyễn Việt Nam xin chúc mừng sự kiện ngày hôm nay, chúc sự kiện thành công tốt đẹp.

Kính thưa các Quí vị đại biểu, Kính thưa tất cả những người con họ Nguyễn cùng các dòng họ khác ở quê hương làng Cót!

Nói về họ Nguyễn Việt Nam. Họ Nguyễn Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở đất nước Việt Nam. Bao người con của họ Nguyễn đã có công dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi và làm rạng danh nước Việt Nam này. Theo Bách khoa toàn thư Nguyễn là tên họ phổ biến nhất của người Việt, khoảng 40% dân số Việt Nam mang họ này. Tổng hợp trên toàn thế giới, họ Nguyễn của Việt Nam vừa được xếp vị trí thứ 4 trong tốp 10 họ phổ biến nhất thế giới.

Về lịch sử họ Nguyễn Việt Nam, thời nào cũng có những vĩ nhân, anh hùng hào kiệt làm chúng ta tự hào, điển hình như: Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, nhà chiêm tinh nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Quang Trung Nguyễn Huệ là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được đánh giá là một thiên tài quân sự và cũng là một nhà chính trị kiệt suất trong lịch sử Việt Nam. Ông được sánh như Hoàng đế Napoleon của nước Pháp hay Washington của nước Mỹ. Từ khi bắt đầu làm tướng lúc 18 tuổi đến khi ông mất vừa tròn 40 tuổi chưa hề biết chiến bại là gì !!!

Cụ Nguyễn Hoàng là người dẫn đầu trong công cuộc mở mang bờ cõi rồi đến triều các vua Nhà Nguyễn. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phải thốt lên “Có thời nhà Nguyễn chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay".

GS Phan Huy Lê nói: “Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy”. Đó là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình và Mộc bản triều Nguyễn.

Nhà Nguyễn cũng đã để lại cho chúng ta bao dấu ấn tại Hà Nội: đó là Khuê Văn Các ở Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội, Đài nghiên tháp bút ở Hồ Hoàn Kiếm. Ngay cả tên nước “Việt Nam” cũng là từ Nhà Nguyễn mà ra.

Họ Nguyễn Chúng ta cũng rất tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc – Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà văn hóa thế giới.

Tờ New York Times, viết: " Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà...Ngày nay, không một tên tuổi nào ở Châu Á lại nổi tiếng như Người” “Người đứng hàng thứ 6 trong 20 nhà lãnh đạo, nhà cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX và XXI”của nhân loại”.

Trong thời đại Hồ Chí Minh chúng ta còn tự hào về “Bài Quốc ca do cố nhạc sỹ Văn Cao (tức Nguyễn Văn Cao) sáng tác và lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng Việt Nam là do liệt sỹ Nguyễn Hữu Tiến vẽ đầu tiên.

Họ Nguyễn Việt Nam còn tự hào về nguồn gốc Tổ tiên mà chưa một dòng họ nào có được. Đó là Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương của người Việt cũng là Đức Thủy tổ của Họ Nguyễn Việt Nam, Người dựng nên nước Xích Quỷ nhà nước đầu tiên trong đó có Việt Nam ngày nay, người có tên là Nguyễn Quảng, có cha là Nguyễn Minh Khiết có con là Quốc Tổ Lạc Long Quân và cháu nội của Người là Vua Hùng người dựng nên nước Văn Lang.

Họ Nguyễn Việt Nam còn có các vị Thánh oai linh đó là Đức thánh Tản Viên – Nguyễn Tuấn là vị thánh đứng đầu trong tứ bất tử, Cao sơn đại vương – Nguyễn Hiền, Quí Minh Đại vương – Nguyễn Sùng, ông Hoàng Mười (Nguyễn Sí), ông Hoàng Bẩy.

Việc tìm ra nguồn cội đó là một quá trình đầy công phu và trí tuệ. Điều này được Hội người họ Nguyễn Việt Nam tìm ra đã xuất bản thành sách.

Nhân dịp này Hội người họ Nguyễn Việt Nam xin kính tặng dòng họ Nguyễn Như một bộ sách gồm: cuốn “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam” do NXB Hồng Đức XB năm 2018 và cuốn: “Di sản văn hóa dòng họ – Những đền thờ, lăng và cung điện họ Nguyễn Việt Nam” sách vừa được NXB Hồng Đức tái bản năm 2019. Trong tác phẩm này có bài viết nhan đề: “Nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên” trang 145. Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng hậu duệ họ Nguyễn Việt Nam đã không bao giờ quên những danh nhân đã làm nên tên tuổi của dòng họ mình.

Cũng nhân dịp này Hội xin kêu gọi mọi người họ Nguyễn Việt Nam tích cực tham gia vào Hội để Hội ngày càng vững mạnh.

Cuối cùng xin kính chúc các Quí khách cùng toàn thể bà con thật dồi dào sức khỏe, thành công và hạnh phúc!”

Một số hình ảnh của buổi lễ

 

Thư viện ảnh