Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Sự cám dỗ

Ngày đăng: 12/11/2022
Tóm tắt:

Sự cám dỗ

Nội dung:

Cuộc sống cũng đưa đến cho ta muôn vàn sự cám dỗ. Cám dỗ về đồng tiền, về sắc đẹp, về danh vọng, về quyền lực... Đã bao người không vượt qua được sự cám dỗ cuộc đời để rồi phải dừng bước hoặc đứng yên tại chỗ hoặc phải trả cái giá quá đắt. Trong thời điểm ‘giờ thử thách’ sự cám dỗ trở nên nguy hiểm nhất, sự cám dỗ thắng sẽ dẫn người ta đến chỗ phạm tội.

Vượt lên sự cám dỗ để đạt được mục đích của cuộc đời cũng đâu có phải dễ, nghị lực sẽ cho ta sức mạnh vượt qua mọi trở ngại, mọi cám dỗ để đạt được mục đích của mình.

Xã hội phát triển, sự cám dỗ cũng hiện diện trong muôn mặt đời sống. Nó dẫn dụ, quyến rũ con người vào chỗ lầm đường, lạc lối. Sự cám dỗ có khi mạnh đến nỗi cuốn không ít người vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, lạc thú, quyền lực ... và không có điểm dừng, đẩy người ta đến chỗ tâm chẳng an, thân chẳng lành. Cám dỗ là nguồn cơn khiến bao người sa ngã, tổn thương về thể xác, hủy hoại về tinh thần, chôn vùi thanh danh và sự nghiệp, đổ bể hạnh phúc gia đình, phát sinh nhiều vấn nạn xã hội và cuối cùng là con đường lao lý. “Củi tươi rồi cũng phải cháy khi lò đã nóng”.

Tiền bạc là thứ có ma lực ghê gớm với nhiều người, thậm chí với rất nhiều người. Biết ma lực của đồng tiền, những người tỉnh táo bao giờ cũng có thái độ đúng mực với tiền bạc, tránh xa cám dỗ của đồng tiền bất lương. Không lường được hậu họa của tiền bạc, nhiều người ban đầu chỉ tìm kiếm thu nhập để thỏa mãn nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình, dần dần bị cuốn vào cạm bẫy của đồng tiền tội lỗi. Có người lao vào cơn khát tiền bạc như con thiêu thân, vượt lên cả nỗi sợ luật pháp và bất chấp luân thường đạo lý. Ma lực tiền bạc có khi khiến người ta chấp nhận đánh mất cả danh sự, uy tín và phẩm giá làm người; đánh đổi cả tình nghĩa vợ - chồng, cha - con, anh - em; bỏ lại phía sau tình cảm bạn bè, đồng chí. Tiền bạc vốn dĩ là vật ngoại thân, là thứ để phục vụ con người, thế mà thói đời nhiều khi sức cám dỗ của nó lại biến không ít người thành nô lệ của đồng tiền, quay cuồng trong cơn khát tiền bạc, lúc hấp hối vẫn còn luyến tiếc những phi vụ làm ăn dang dở. Càng lao vào kiếm tiền một cách bất chính thì dường như sức cám dỗ của tiền bạc càng lớn, không có điểm dừng, chẳng khác nào con tàu không phanh, gây nhiều tổn thương hằn sâu lên cơ thể xã hội. Phật đã dạy rồi: “Tiền của, tài sản quí báu rồi cũng bỏ ta mà đi, vì khi nhắm mắt xuôi tay chẳng ai mang theo được gì cả”.

Quyền lực cũng có sức cám dỗ không kém gì tiền bạc. Người đức cao vọng trọng thì xem quyền lực là phương tiện để thực hiện khát vọng cống hiến cho mục đích công lợi. Người kém phẩm hạnh lại xem quyền lực là đích đến phải tranh đoạt bằng mọi giá để thỏa mãn tham vọng chính trị, trục lợi cá nhân. Vì thứ quyền lực vô đạo ấy, có người sẵn sàng tranh giành bằng mọi thủ đoạn, từ mua quan bán tước đến hãm hại cả người tài đức, thanh liêm, chính trực. Đối với một số người, càng có quyền lực trong tay thì sức cám dỗ càng lớn khi được dịp bắt người khác phải phục tùng, khi có nhiều kẻ luồn cúi, rào trước, đón sau, mồi chài những thứ hấp dẫn để hối lộ, mua chuộc. Khi quyền lực hình thành bằng con đường không chính đáng và mang lại những lợi lộc bất chính thì ma lực của quyền lực càng tăng lên, khiến người ta sử dụng trăm phương ngàn kế, thủ đoạn tinh vi để níu giữ quyền lực. Đạo đức xã hội cũng vì thế mà đi xuống.

Cám dỗ giống như mạng nhện giăng lưới mọi lúc, mọi nơi, chờ đợi người ta sa vào bất cứ lúc nào nếu mất cảnh giác, thiếu bản lĩnh. Nó không buông tha bất cứ ai, không phân biệt giàu hay nghèo, nam hay nữ, thường dân hay người có địa vị xã hội, chờ cơ hội là tấn công vào điểm yếu con người. Chỉ một giây phút bất cẩn là rơi vào cạm bẫy do cám dỗ giăng ra, làm hại cả cuộc đời, có khi thân bại danh liệt, có khi bị đẩy vào chốn tù tội mà khi tỉnh ngộ thường thì đôi khi đã quá muộn.

Thắng hay bại trước ma lực của sự cám dỗ tùy thuộc khả năng kiểm soát, hướng dẫn ham muốn của mỗi người. Ham muốn vừa là nhu cầu tự nhiên của con người, vừa là hiện tượng xã hội. Thái độ và con đường đúng đắn là phải kiểm soát được sự ham muốn.

Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì thật không nên.

Vậy phải chăng cám dỗ  như những viên đạn, mũi tên “bọc đường để xuyên thủng những con người bị cám dỗ.

Hà Nội, ngày 12/11/2022

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

TLTK: https://www.angiang.dcs.vn/

 


Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh