Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Ngày đăng: 15/10/2022
Tóm tắt:

DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Nội dung:

Đại thi hào Nguyễn Du: Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu 1765- mất năm Canh Thìn 1820 tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Ông là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông.

Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh (Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh) nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3.254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

Về giá trị hiện thực: Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ  trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Về giá trị nhân đạo: Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lý tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng.

Cùng với đó, Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực đó được điển hình hóa qua các nhân vật như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, qua bộ mặt quan tham như Hồ Tôn Hiến… Đó còn là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn người bất lương tàn bạo, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán, chà đạp.

Về giá trị nghệ thuật: Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.

Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca nhạc họa sau này.

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc thế. Với Truyền Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Đánh giá về Truyện Kiều, trong Lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều (1974), Giáo sư Đào Duy Anh viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta …”.

Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó tiếng Pháp có trên 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc trên 10 bản, tiếng Nhật có 5 bản…

Ngày 15/8/2014, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 8467-CV/VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư về việc “Đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới trong năm 2015. Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự”. (https://hanam.gov.vn/)

Ảnh hưởng của tác phẩm truyện Kiều

Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Hơn nữa nó lại rất năng sản. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau. Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu.

Ít có tác phẩm ngay khi ra đời cho đến mãi mãi về sau vẫn được nhân dân cả nước yêu chuộng như Truyện Kiều. Không phải chỉ yêu thích mà còn gửi gắm niềm tin. Niềm tin khẳng định sức mạnh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Niềm tin chia sẻ kinh nghiệm văn chương, nghệ thuật. Nhưng nhất là niềm tin về tình yêu và cuộc sống. Truyện Kiều đã là một bài ca tình yêu và là một cuốn sách Đời.

Một tác phẩm như thế đã là một công trình vĩ đại, một vinh dự tuyệt vời. Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị như một thông điệp cho con người giao cảm với thế giới vô hình, dạt dào xúc động, mơ mà như thực, ảo huyền mà minh bạch lạ lùng. Và cũng là một bản tổng kết cuộc đời, tổng kết nhưng là cáo trạng, cáo trạng về cuộc đời bao nhiêu nỗi thương tâm (bách niên đa thiểu thương tâm sự). Ở kia: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!". Ở đây lại là một "trường dạ tối tăm trời đất!". Tác phẩm ấy là bài Văn tế thập loại chúng sinh, với cái tên quen thuộc: Bài ca chiêu hồn.

Vinh dự của Nguyễn Du đã vượt khá nhiều tác giả xưa nay. Chỉ riêng với một Truyện Kiều, văn học nghệ thuật Việt Nam trở nên thêm phong phú. Ca nhạc dân gian có giọng "lẩy Kiều". Sân khấu dân gian có "trò Kiều". Hội họa có nhiều tranh Kiều. Và Truyện Kiều từ xưa đến nay đã là đầu đề của nhiều trang bình luận và bút chiến. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Tuồng Kiều, phim Kiều xuất hiện. Và tiếng nói hằng ngày của nhân dân có thêm nhiều thành ngữ rút từ Truyện Kiều. Kiều đi vào mọi nẻo đường sinh hoạt: "Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy; Ra chiến trường vẫn thấy tiếng Kiều ngân” là như vậy.

Đã có nhiều sách chú giải, nghiên cứu Đoạn trường tân thanh, có Từ điển Truyện Kiều, có tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ. Nhưng vấn đề "Nguyễn Du và Truyện Kiều” thì chưa bao giờ hết? Cuộc đi tìm Nguyễn Du sẽ mãi là những gắng công của nhiều thế hệ

Nỗi sầu của ông mênh mông, tấm lòng của ông rộng lớn, ngòi bút của ông thần kỳ, chính ông cũng không nhận ra mà vẫn chờ đợi những ứng đáp của nhiều thế hệ hậu sinh tri kỷ:

... Hận xưa khôn hỏi trời già,

Nỗi oan phong vận mình ta buộc ràng,

Ba trăm năm lẻ mơ màng...

Biết ai hậu thế khóc chàng Tố Như?

Thơ văn viết về Nguyễn Du (trích)

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên

“Tiếng thơ ai động đất trời

 Nghe như non nước vọng lời nghìn thu

 Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

 Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

(Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu)

“Trải qua một cuộc bể dâu

  Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình

  Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

  Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!”

                                                    (Tố Hữu )

  Đời nay đẹp gấp trăm lần thuở trước

Giở trang Kiều còn rung động ý thơ

Thơ Người mãi sống cùng đất nước

Dù mai sau dù có bao giờ

(Thăm mộ cụ Nguyễn Du - Hoàng Trung Thông)

 “Quê hương tôi có hát xoè, hát đúm...

 “Có Nguyễn Du và có một Truyện Kiều”

(Bài thơ quê hương - 1966 - Nguyễn Xuân Lập )

Từ đầu thế kỷ XX, học giả Phạm Quỳnh đã có câu nói nổi tiếng "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Trải qua hàng trăm năm với biết bao dâu bể từ khi Đại Thi hào Nguyễn Du viết ra, Truyện Kiều vẫn mãi lay động tâm trí hàng triệu triệu người trên khắp thế giới. Có thể nói chưa có một áng văn thơ nào của Việt Nam được truyền tụng, thấm đẫm nhân văn trong đời sống xã hội như Truyện Kiều. (https://baomoi.com/, 27/11/2011)

“Truyện Kiều” hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả.

“Truyện Kiều” không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trở thành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị nhất cho đến những người trí thức, am hiểu về văn chương bác học.

Trong ca dao, người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng những hình ảnh trong “Truyện Kiều”.  Ví dụ:

                                          “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,

                                    Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.

                                           Anh xa em như bến xa thuyền.

                           Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!”

 “Truyện Kiều” đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách của mọi thời. Có câu:

                                            “Làm trai biết đánh tổ tôm

                                 Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.

Trong cuộc đời đầy bất trắc, dường như ai ai cũng thấy một vài câu thơ trong truyện Kiều nói lên thân phận mình. Như hoàn cảnh đưa đẩy phải làm một việc liều lĩnh, biết mai kia ra làm sao, người trong cuộc đành chép miệng:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

Hoặc số phận hẩm hiu, bước trầm luân không dứt, kẻ xấu số đành an ủi:

Phận bèo bao quản nước sa,

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911. Trong suốt 30 năm ở xứ người nhiều lần Bác đã lẩy Kiều để bộc lộ tư tưởng, tâm trạng của mình

Năm 1919, sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận họp “Hội nghị hoà bình” ở Vecrsaille (Pháp) có 27 nước liên quan tới dự. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách 8 điểm” cho Hội nghị, sau này là “bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” được Bác sáng tác thành bài “Việt Nam yêu cầu ca” theo thể lục bát và song thất lục bát có cả thảy 56 câu. Trong đó có 4 câu cuối theo dạng lẩy Kiều:

Đồng bào bình đẳng tự do

Xét mình rồi lại đem so mấy người (câu 3080)

Ngổn ngang lời vắn tình dài (câu 183)

Anh em đã thấu lòng này cho chưa? (câu 2716 - 2717)

Cũng tại Pháp vào khoảng năm 1921 - 1922, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí lập ra “Hội liên hiệp thuộc địa”.  Nguyễn Ái Quốc đã giải thích ý nghĩa đoàn kết đấu tranh mới tạo nên sức mạnh bằng câu Kiều lẩy:

Rằng đây bốn biển một nhà (câu 2435)

Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em

Năm 1928-1929, với tên mới là Thầu Chín, Bác đến Xiêm (Thái Lan) để vận động Kiều bào tham gia cách mạng, một hôm trời đã chập tối, Thầu Chín thoáng nghe tiếng một người mẹ ru con, Bác liền tức cảnh:

Xa nhà chốc mấy mươi niên (câu 2923)

Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con

Giữa năm 1931, Bác bị thực dân Anh bắt giam ở Hương Cảng. Ngồi trong tù Bác lo hết việc này đến việc khác, lo nhưng không giải quyết được gì, ngồi lo trong ngục mà lòng đầy ngổn ngang, Bác bèn ngâm câu Kiều lẩy:

Ngổn ngang trăm mối bên lòng (câu 183)

Ngủ không yên giấc, ăn không ngon mồm

(Nguồn trang tin điện tử ban quản lý lăng chủ tịch Hồ Chí Minh -http://bqllang.gov.vn/ ngày 02 tháng 8 năm 2012).

Lẩy Kiều đã phát sinh không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả những chính khách của thế giới

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2000 với cương vị Tổng thống, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước:

 “Sen tàn cúc lại nở hoa;

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

Ông Clinton mượn hình ảnh "sen tàn” và "cúc nở hoa” để nói về hình ảnh băng giá của thời quá khứ đã bắt đầu tan và thay vào đó là những cơ hội trong tương lai của quan hệ Việt-Mỹ. (http://dantri.com.vn/ 10/07/2015).

Và gần đây nhất, ngày 7 tháng 7 năm 2015, sau cuộc gặp với Tổng thống Obama ở Nhà Trắng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự tiệc chiêu đãi do Phó tổng thống Joe Biden chủ trì tại Bộ Ngoại giao nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Phó tổng thống Biden - người kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam khi lần đầu tiên được bầu làm thượng nghị sĩ năm 1972. Ông kết thúc bài phát biểu bằng việc dẫn hai câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bày tỏ hy vọng vào tương lai tươi sáng của quan hệ song phương sau một giai đoạn lịch sử khó khăn:

"Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". (http://vietnamnet.vn/, 08/07/2015)

Trong bài phát biểu 30 phút trước các trí thức và giới trẻ Việt Nam, để kết thúc bài phát biểu của mình Tổng thống Obama đã dẫn 2 câu Kiều để nói về khát vọng cho tương lai Việt - Mỹ:

 "Rằng trăm năm cũng từ đây/

 Của tin gọi một chút này làm ghi."(https://news.zing.vn, 24/05/2016)

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh