Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Phúc Nguyên ,vị chúa của những kỳ công mở cõi

Ngày đăng: 01/12/2013

Nội dung:

 Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng, sinh năm Quý Hợi- 1663, sau khi Nguyễn Hoàng đã vào trấn thủ ở Thuận Hoá được 5 năm. Là người đại diện cho xu thế phát triển của đất nước, Nguyễn Hoàng quyết chí vào Nam dựng nghiệp với hàng loạt những dự định lớn lao. Ông toàn tâm, toàn ý chăm lo phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực về mọi mặt, chuẩn bị những buớc đi xa hơn cho các thế hệ con cháu. Lê Quý Đôn, người đứng trên lập trường của họ Trịnh cũng không thể không ca ngợi: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ nghiêm minh, không ai dám lừa dối… chính sự khoan hoà, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỷ luật, cấm chấp kẻ hung bạo. Quân dân hai xứ đều mến yêu kính phục; thay đổi phong tục xấu, ai ai cũng cám ơn và mến đức. Chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng cổng; thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế má để giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ”.

 

Trong số các con trai của Nguyễn Hoàng, người con đầu là Hà, thứ hai là Hán, thứ ba là Thành, thứ tư là Diễn đều mất sớm; người con thứ năm là Hải thì phải gửi lại đất Bắc làm con tin, chỉ còn một mình Nguyễn Phúc Nguyên là có đủ khả năng và điều kiện kế nghiệp cha. Tuổi nhỏ Nguyễn Phúc Nguyên tỏ ra thông minh, tài trí hơn người. Lớn lên ông càng bộc lộ tài năng kiệt xuất “ngày thường cùng các tướng bàn luận việc binh, tính toán có nhiều việc đúng. Thái Tổ biết có thể trao phó nghiệp lớn, vẫn để ý tới”. Nguyễn Phúc Nguyên đã không phụ lòng tin của cha, thực hiện đầy đủ và trọn vẹn tat cả những gì mà người cha- chúa Nguyễn Hoàng trông đợi và uỷ thác.

 Xây dựng một vương triều độc lập, thoát ly hẳn sự lệ thuộc với triều đình vua Lê chúa Trịnh

Đây là mục tiêu số một của Nguyễn Hoàng khi quyết định vào Nam dựng nghiệp. Tuy nhiên do điều kiện và hoàn cảnh lúc đó, ông phải hết sức kín đáo để tránh mọi sự hoài nghi của chúa Trịnh. Trên danh nghĩa và cả trong thực tế, Nguyễn Hoàng vẫn phải giữ quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê- Trịnh, vẫn làm tướng tiên phong của Nam Triều đi đánh dẹp các dư đảng của nhà Mạc ở Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây, Thái Nguyên… Cuối năm 1600, sau khi quyết định trở về ở hẳn Thuận Hoá, đẩy mạnh xây dựng chính quyền độc lập và không nghĩ đến việc quay trở về yết kiến vua Lê nữa, Nguyễn Hoàng vẫn phải giữ quan hệ hoà hiếu với chính quyền Lê- Trịnh, hàng năm vẫn phải nộp thuế má và xin kết nghĩa thông gia với Trịnh Tùng. Sự nghiệp xây dựng một vương triều độc lập của Nguyễn Hoàng tuy đã có cơ sở bước đầu nhưng vẫn còn hết sức mong manh. Đây chính là điều ông trăn trở nhất và cũng là sự uỷ thác cao nhất cho Nguyễn Phúc Nguyên trước lúc qua đời. Sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép: “Chúa yếu mệt, triệu hoàng tử thứ sáu và thân thần đến trước giường, bảo thân thần rằng: Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”. Rồi chúa cầm tay hoàng tử thứ sáu dặn: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi Sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta” .

 Thực hiện di chúc của cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã từng bước ly khai hẳn với triều đình Lê- Trịnh, không chịu nộp thuế, không về chầu triều đình và đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của Trịnh Tráng vào năm 1627, mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn kéo dài 45 năm (từ 1627 đến 1672) với 7 chiến dịch lớn (trong đó có 6 cuộc quân Trịnh chủ động tấn công vào địa phận của chúa Nguyễn). Về hình thức thì đây là cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài và không phân thắng bại, nhưng nếu xét theo mục đích của cuộc chiến tranh thì thất bại lại thuộc về chính quyền Lê- Trịnh.

 Lâu nay có nhiều cách đánh giá khác nhau về cuộc nội chiến Trịnh- Nguyễn. Đương nhiên cuộc chiến tranh đã tiêu huỷ sức người, sức của, triệt phá đồng ruộng xóm làng và dẫn đến chia cắt đất đai thống nhất của quốc gia Đại Việt. Chúng ta không thanh minh, không bao biện cho các cuộc chiến tranh, nhất là các cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nhưng chúng ta cũng không đánh đồng các bên tham chiến. Hy vọng rồi đây cuộc nội chiến Trịnh- Nguyễn sẽ được nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ có những đánh giá khách quan và chính xác về nó, nhưng trong điều kiện của tư liệu ngày nay, dưới cái nhìn toàn diện về vương triều chúa Nguyễn, chúng tôi tin rằng nhận định sau đây của GS.TSKH. Vũ Minh Giang là có sức thuyết phục: “Có thể nói việc Nguyễn Phúc Nguyên tìm mọi cách tách Thuận Quảng ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê- Trịnh không phải chỉ là hành động cát cứ phong kiến đơn thuần vì lợi ích của dòng họ Nguyễn. Nó còn phản ánh một ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặt khách quan việc làm của Phúc Nguyên có lợi cho xu thế phát triển của lịch sử dân tộc”.

 Năm 1613 được lên ngôi chúa thì ngay năm sau, năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên quyết định bãi bỏ Đô ty, Thừa ty, Hiến ty theo thiết chế quân sự của hệ thống chính quyền nhà Lê. Tại Chính dinh, ông đặt ra ty Xá sai (coi việc văn án từ tụng, do Đô tri và Ký lục giữ), Tướng thần lại (coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ giữ) và Lệnh sử (coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương cho quân đội Chính dinh, do Nha uý giữ). Bên cạnh đó còn các ty Nội Lệnh sử kiêm coi các thứ thuế, Tả Lệnh sử và Hữu Lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ về nộp Nội phủ. Tại các dinh ở ngoài, tuỳ theo từng nơi, có nơi Nguyễn Phúc Nguyên chỉ đặt một ty Lệnh sử, nhưng cũng có nơi đặt hai ty Xá sai và Tướng thần lại, có nơi kiêm đặt hai ty Xá sai và Lệnh sử để trông coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng.

 Đầu năm sau, năm 1615, các quy chế mới về chức trách và quyền hạn của các phủ, huyện được ban hành. Theo quy chế này thì Tri phủ, Tri huyện giữ việc từ tụng; các thuộc viên: Đề lại, Thông lại chuyên việc tra khám, Huấn đạo, Lễ sinh chuyên việc tế tự... Năm 1620, Nguyễn Phúc Nguyên lấy lý do chúa Trịnh vô cớ gây chiến đã quyết định chấm dứt hoàn toàn việc nộp cống thuế cho chính quyền Lê- Trịnh. Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã làm theo kế của Đào Duy Từ trả lại sắc của chúa Trịnh Tráng. Đây không chỉ là sự khẳng định dứt khoát chính quyền chúa Nguyễn ở phía Nam là chính quyền độc lập, cắt đứt hẳn mọi quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê- Trịnh ở phía Bắc, mà còn đánh dấu quá trình chuyển đổi căn bản từ một chính quyền địa phương, mang nặng tính chất quân sự của nhà Lê- Trịnh sang một chính quyền dân sự của chúa Nguyễn. Đặc biệt trong quan hệ đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng là An Nam Quốc vương, quan hệ với các nước trong tư thế của một quốc gia độc lập có chủ quyền. GS. Kawamoto Kuniye cho rằng điều này đã “biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn trước thời đại mới”.

 Cải cách hành chính của Nguyễn Phúc Nguyên là cải cách có ý nghĩa then chốt, đặt cơ sở cho những bước tiến xa hơn và vững chắc hơn của triều đình chúa Nguyễn nói riêng và đất nước nói chung.

 Mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hoá trong nước, xây dựng Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh

 Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng có một quyết định hết sức sáng suốt là giao cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam, một vùng “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” và giữ vị trí “yết hầu của miền Thuận Quảng”. Bối cảnh chính trị- kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác và đánh thức nguồn lực trong nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế phải được coi là người Việt Nam đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hoá và đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới.

 Trong số các nước phương Đông, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông không chỉ chủ động xúc tiến quan hệ giao thương với tư cách chính thức của vị đứng đầu nhà nước An Nam (An Nam Quốc vương), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, mà còn cho con gái yêu quý của mình sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật. Người con rể của ông là Araki Sotaro vốn thuộc dòng dõi samurai ở Kumamoto đi thuyền mang cờ hiệu của công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619. Theo sách Ngoại phiên thông thư (quyển 13, tr 87-88) thì cũng đúng vào năm đó chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái của mình cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này. Ít lâu sau cô đã theo người chồng Nhật Bản về định cư ở Nagasaki. Cô công chúa họ Nguyễn có cuộc sống thật sự hạnh phúc, đắc ý cùng chồng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên đất Nhật Bản.

 Từ năm 1593, Mạc phủ Toyotomi bắt đầu thi hành chính sách Châu ấn thuyền (Shuinsen) cấp giấy phép cho thuyền buôn mở rộng quan hệ thông thương với các nước Đông Nam Á. Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính không chỉ của Đàng Trong mà trên toàn khu vực tương đương với Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay, đón nhiều nhất số thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy phép chính thức. Theo nghiên cứu của GS. Iwao Seiichi thì từ năm 1604 đến 1634 (tương đương với thời kỳ Nguyễn Phúc Nguyên được giao làm trấn thủ dinh Quảng Nam (1602) và lên ngôi chúa (1613-1635)), Mạc phủ đã cấp 331 giấy phép đến 19 cang thuộc khu vực Đông Nam Á (bình quân 1 cảng là 17,42 giấy phép) và 130 giấy phép đến 6 cảng thuộc khu vực tương đương với Việt Nam hiện nay (bình quân 1 cảng là 14,33 giấy phép). Riêng cảng Hội An có 86 thuyền được cấp giấy phép (chiếm 25,98% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Đong Nam Á, gấp gần 5 lần tỉ số bình quân chung cho khu vực và chiếm 66,15% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Việt Nam, gấp 6 lần tỉ số bình quân chung cho Việt Nam).

 Bên cạnh thuyền buôn Nhật Bản, thuyền buôn Trung Quốc, Đông Nam Á và nhất là thuyền buôn phương Tây cũng cập bến Hội An ngày một nhiều hơn và thường xuyên hơn. Christoforo Borri nhận xét: “Chúa Đàng Trong [chúa Nguyễn Phúc Nguyên] không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ”. Trong bối cảnh giao lưu buôn bán quốc tế tấp nập và sôi động như vậy, Hội An những thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã đột khởi trở thành một đô thị, cảng thị quốc tế tiêu biểu ở khu vực châu Á.

 Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Christoforo Borri, sống tại thị trấn Nước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) những năm 1618-1622, đã mô tả về Hội An như sau: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam… Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Hoa và một phố người Nhật. Mỗi phố có một khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Hoa có luật lệ và phong tục của người Hoa và người Nhật cũng vậy”. Đây là  sự phát triển trội vượt, một hiện tượng kinh tế- xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, cũng không thấy lặp lại ở bất cứ đô thị nào trên đất Việt Nam nhiều thế kỷ tiếp sau.

Thư viện ảnh