Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Thiền sư Vạn Hạnh

Ngày đăng: 30/08/2019
Tóm tắt:

Thiền sư Vạn Hạnh

Nội dung:

Thiền sư Vạn Hạnh

Vạn Hạnh (Hán tự: 萬行) (938 - 1025) là tên một vị thiền sư người Việt có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là cố vấn của vua Lê Đại Hành, là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông cũng là một nhà tiên tri.

Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo.

 Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, vua triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ông đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi vua Lê Ðại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả bị Chiêm Thành bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và trận ấy quân Lê thành công.

Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thuyền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng: Hồi Lê Ngọa Triều đang thi hành chính sách bạo ngược  bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp có một con chó trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ "thiên tử” lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sẽ sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (tức năm 1010).

Ngày Rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30 tháng 6 năm1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Bài kệ như sau: "Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xanh tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

 Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông"

Ảnh hưởng

Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ "Truy tán Vạn Hạnh thiền sư” (追贊萬行禪師):

Nguyên văn chữ Hán:

萬行融三際

真符古讖詩

鄉關名古法

拄錫鎮王畿

Phiên âm Hán Việt:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ

Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:

Vạn Hạnh thông ba cõi

Thật hợp lời sấm xưa

Quê hương tên Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh vua

Bản dịch của Nguyễn Văn Trình (1872-1949):

Học thông tam giới ghê thay

Rằng thầy Vạn Hạnh thi tài rất cao.

Cửa làng Cổ pháp tiếng reo

Gậy tăng đủng đỉnh bay vào Đế đô.

Trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam có một viện đại học mang tên ông là Viện Đại học Vạn Hạnh. Hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam có tên đường "Sư Vạn Hạnh” để tưởng nhớ một vị thiền sư đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.

Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi lại bài Sấm - Vĩ của Vạn Hạnh:

Thọ căn diễu diễu

Mộc biểu thanh thanh

Hoa đào mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông a nhập địa

Dị mộc tái sanh

Chấn cung kiến nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình

Dịch là:

Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây hoa đào rụng

Mười tám hạt thành

Cành đông xuống đất.

Cành khác lại sanh

Đông mặt trời mọc

Tây sao ẩn hình

Sáu bảy năm nữa

Thiên hạ thái bình (http://vi.wikipedia.org).

Theo http://www.hoalinhthoai.com: Thiền sư Vạn Hạnh người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Ngài sinh vào khoảng năm 932. Gia đình Ngài có truyền thống thờ Phật. Từ thuở nhỏ ngài đã rất thông minh, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông, tức là đời pháp thứ bảy của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông tịch rồi, ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam-ma-địa” , mỗi khi nói câu gì cũng lạ thường, người đời đều cho ông nói là những câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, hoàng đế hết lòng tôn kính, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hậu Nhân Bửu đem quân qua đánh nước ta, khi giặc đóng quân ở núi Cương Giáp Lãng, vua Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi: “Quân ta thắng bại thế nào?” Ngài tâu: “Chỉ trong bảy ngày thì giặc tất lui”.  Sau quả nhiên y như lời ngài đã nói, ngoài ra ngài còn rất giỏi về sấm ngữ và độn số, vua Lê Đại Hành và quần thần rất tôn kính, thán phục.

Thiền sư Vạn Hạnh là một vị cao tăng, đắc đạo. Ngài có thể biết được sự hưng thịnh của đất nước theo dòng lịch sử thuận theo duyên nghiệp chúng sinh. Sư sống trong bối cảnh vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) đang nắm giữ đất nước. Vua Lê Ngọa Triều là một vị vua chỉ biết ăn chơi, không lo cho dân, cho nước làm cho dân chúng phải lầm than. Thiền Sư Vạn Hạnh với tinh thần “từ bi” mong sao đất nước được hòa bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Ngài luôn luôn canh cánh ước vọng đó trong lòng. Để thay đổi vận mệnh của đất nước, không gì hơn là phải đổi ngôi vua. Lúc này Ngài có một người con nuôi là Lý Công Uẩn đang giữ chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lê. Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Và về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, nơi đất an bình để tính kế muôn đời cho con cháu. Ngày rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

Cảm mộ đức hạnh của Thiền sư, về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán rằng:

“Vạn Hạnh dung tam tế 

Chân phù cổ sấm cơ 

Hương quan danh Cổ Pháp 

Trụ tích trấn vương kỳ”.

Nghĩa là:

“Vạn Hạnh thông ba cõi 

Thật hợp lời sấm xưa 

Quê hương tên Cổ Pháp 

Chống gậy trấn kinh vua”.  

Thiền sư Vạn Hạnh, người đã cùng Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long, suốt đời tận tụy với sự nghiệp “Hộ quốc an dân” , và từng được xưng tán là “Chống  gậy thiền trấn giữ kinh vua” một thời...! Ngài có công lớn, là đạo diễn xây dựng nên vương triều nhà Lý, là tiền đề cho các triều đại sau, phát triển rực rỡ, nhất là triều đại nhà Trần.

Thiền Sư Vạn Hạnh là một tu sĩ, nên sự nghiệp của ngài là “Trí Tuệ” , cái dụng của trí tuệ đó đã tác động vào cuộc đời tạo nên sự nghiệp lớn lao là thành lập củng cố và phát triển một vương triều vàng son của đất nước ta thời phong kiến.

Năm Thuận Thiên thứ 9 (l018), vào ngày rằm tháng 5 năm Mậu ngọ (30-06-1018), ngài không đau ốm gì mà tịch, thọ 80 tuổi. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước ngài lên đài hỏa táng rồi thâu hài cốt xây tháp để thờ.

Trước khi tịch ngài để lại bài kệ rằng:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch:

Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.

Sá chi suy thạnh việc đời,

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Về sau vua Lý Nhân Tôn (l072 - 1 127) cũng có bài truy tán ngài rằng:

Vạn Hạnh dung tam tế,

Nhơn phù cổ sấm cơ (ky).

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ .

Dịch:

Thiền sư học rộng bao la,

Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời.

Quê hương Cổ Pháp danh ngời,

Tháp bia đứng vững muôn đời Đế Đô.

Vị vua thứ 4 này đã phong ngài là: “Chống gậy giữ kinh đô”.

Thiền Sư được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, nhưng vẫn ở tại Chùa. Khi quốc gia hữu sự mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về Chùa.

 

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh