Nội dung:
7.1. Nhà Lê trung hưng (1533–1789) là một triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn sau của nhà Hậu Lê, được thành lập sau khi vua Lê Trang Tông với sự giúp đỡ của cựu thần nhà Lê sơ là Nguyễn Kim được đưa lên ngôi. Đây là triều đại dài nhất so với các triều đại trong lịch sử Việt Nam (ngoại trừ triều vua Hùng theo truyền thuyết) với 256 năm và đây cũng là thời kỳ lãnh thổ Việt Nam được mở rộng nhất.
Từ thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực, chính sự nhà Hậu Lê bắt đầu suy. Các cuộc khởi nghĩa nông dân và sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ khiến nhà Lê nghiêng ngả. Năm1516, giữa lúc đang đối phó với lực lượng khởi nghĩa của Trần Cảo sắp đánh vào kinh thành thì trong cung đình nhà Lê xảy ra phế lập. Đại thần Trịnh Duy Sản giết chết vua Lê Tương Dực và lập vua mới Lê Chiêu Tông, mang xa giá vào Thanh Hóa.
Sau khi Trần Cảo bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long, các quyền thần Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân chia bè phái đánh lẫn nhau. Tình hình tạm yên, Trần Chân trở thành người nắm binh quyền. Vua Chiêu Tông bất bình với quyền hành của Trần Chân bèn giết chết Trần Chân. Các thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng khởi binh báo thù cho chủ.
Tháng 9 năm 1518, Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư lập một tông thất có họ xa với Chiêu Tông là Lê Do làm vua tranh thủ được sự ủng hộ của Nguyễn Kính.
Chiêu Tông phải dựa vào võ tướng Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương về cứu. Đăng Dung một mình cầm quân dẹp loạn và dần dần trở thành quyền thần mới.
Tháng 7 năm 1519, Đăng Dung dẹp được Lê Do, bắt giết Do và Nguyễn Sư. Trịnh Tuy bỏ chạy vào Thanh Hoá, Nguyễn Kính đầu hàng. Năm 1521, Mạc Đăng Dung dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Năm 1522, Chiêu Tông chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông.
Vua Chiêu Tông được một số đại thần ủng hộ, dàn quân đánh nhau với Đăng Dung. Nhưng sau đó các tướng cần vương bất hòa, chia rẽ và lần lượt bị Mạc Đăng Dung đánh bại. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng và lên làm vua, lập ra nhà Mạc. Nhà Lê sơ truyền đúng 100 năm và mất chỉ 30 năm sau cái chết của vua Lê Thánh Tông.
Sau khi nhà Mạc thành lập, một số đại thần nhà Lê không thần phục, muốn khôi phục lại nhà Lê. Anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh nhưng nhà Minh không đáp ứng. Hai anh em chết già ở Trung Quốc. Năm 1529, tông thất nhà Lê là Lê Ý khởi binh chống Mạc nhưng không lâu sau bị dẹp tan.
Dù sao, việc vua Lê được lập lại khiến một bộ phận nhân dân, sĩ phu theo về vì thiên hạ còn nhớ nhà Lê. Nguyễn Kim mang quân về nước đánh chiếm Thanh Hoá. Từ đó sử gọi nhà Mạc là Bắc triều và nhà Lê Trung Hưng là Nam triều.Từ năm 1529, một tướng của nhà Lê sơ là Nguyễn Kim chạy vào vùng núi Thanh Hóa rồi sang Ai Lao chống nhà Mạc. Đến năm 1533, Nguyễn Kim tìm được con vua Chiêu Tông là Duy Ninh đưa lên ngôi tại Ai Lao, tức là vua Lê Trang Tông. Các sử gia nghi ngờ tính xác thực của việc Ninh là con vua Chiêu Tông vì cha con chênh nhau quá ít tuổi. Nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh còn nói “Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, xưng bừa là con vua Chiêu Tông”.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Năm 1548 vua Trang Tông mất, con là Trung Tông lên thay. Được 8 năm Trung Tông mất không con nối, Trịnh Kiểm tìm một người tông thất dòng dõi là Lê Trừ (anh Thái Tổ) lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con Trịnh Cối, Trịnh Tùng tranh ngôi. Con lớn là Cối yếu thế sang hàng Mạc. Vua Anh Tông muốn giành lại quyền lực từ tay Tùng nên mâu thuẫn với Tùng, chạy đi nơi khác. Tùng lập con út của vua lên ngôi, tức là Lê Thế Tông và lùng bắt cha con vua mang về giết chết. Việc triều chính từ đó hoàn toàn do họ Trịnh quyết định không cần hỏi vua Lê. Chiến tranh Lê-Mạc là trên danh nghĩa, thực ra là chiến tranh Trịnh-Mạc.
Nhờ tài năng của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, quân nhà Lê dần dần thắng thế. Năm 1592, quân Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc bỏ chạy lên cát cứ ở Cao Bằng.
Sau khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long (1592) và giết cha con Mạc Mậu Hợp, năm 1593, Lê Thế Tông được rước về Thăng Long. Nhưng lúc đó thế lực họ Mạc vẫn rất mạnh ở bên kia sông Hồng, thường tập hợp tấn công trở lại. Vì vậy Trịnh Tùng vài lần phải rước vua Thế Tông trở về căn cứ Thanh Hóa.
Vài năm sau, thế lực họ Mạc suy yếu hẳn, chỉ có ảnh hưởng quanh khu vực Cao Bằng, Thái Nguyên, vua Lê lại được đưa trở về Thăng Long.
Do họ Mạc từng được nhà Minh nhận hàng (năm 1540 khi Mạc Đăng Dung lên biên giới xin quy phục) và khi thất thế chạy sang Trung Quốc báo với nhà Minh, vua Minh chưa công nhận nhà Lê trung hưng ngay. Tháng 3 năm 1597, nhà Minh sai ủy quan là Vương Kiến Lập đến trấn Nam Giao đòi lễ cống và hội khám (diễu binh). Ngày 28 tháng 3 vua Lê Thế Tông thân đốc hữu tướng Hoàng Đình Ái, thái úy Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu cùng tả hữu đô đốc 7, 8 viên, voi và 5 vạn quân đến trấn Nam Giao đề phòng khi mở cửa quan, hội khám quân Minh tràn sang giúp phía Mạc lưu vong bắt vua, hiếp tướng. Hoàng Đình Ái đề nghị với Trịnh Tùng được tùy nghi đối phó, Trịnh Tùng đồng ý.
Tại cửa ải Nam Quan, ủy quan Vương Kiến Lập cùng tàn quân Mạc trông thấy quân Lê đông đúc, binh tướng hùng mạnh, phải lẳng lặng từ bỏ những ý đồ đánh chiếm. Cuộc hội khám cử hành đúng nghi lễ, từ đó nhà Minh phải công nhận nhà Lê, nhưng vẫn can thiệp để họ Mạc được giữ đất Cao Bằng tới gần 80 năm nữa.
Các chúa Bầu họ Vũ ở Tuyên Quang, vốn ủng hộ nhà Lê trung hưng khi nhà Mạc còn ở Thăng Long, từ khi nhà Lê trở lại Thăng Long lại ly khai, tiếp tục cát cứ và liên kết với họ Mạc chống nhà Lê. Họ Vũ còn chiếm giữ Tuyên Quang thêm 100 năm sau mới bị dẹp hẳn.
Vì vậy từ khi nhà Lê trở lại Thăng Long, tuy trên danh nghĩa đã thống nhất Đại Việt, nhưng riêng tại Bắc Bộ bị cắt hai vùng Tuyên Quang, Cao Bằng do họ Vũ và Mạc chiếm đóng. Ngoài ra, một nguy cơ chia cắt mới tiềm ẩn ở phía nam, do công thần họ Nguyễn mâu thuẫn với công thần họ Trịnh và ngấm ngầm ý định ly khai.
Ngôi vua nhà Lê trung hưng vốn do tướng Nguyễn Kim dựng lại. Nguyễn Kim chết (1545), con rể là Trịnh Kiểm nắm quyền, từ đó họ Trịnh đóng vai trò phụ chính. Con thứ Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng, sau khi thấy anh cả là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm hại, bèn xin vào nam trấn thủ Thuận Hóa (1558) rồi Quảng Nam (1570). Vì họ Trịnh phải tập trung vào cuộc chiến với nhà Mạc phía bắc nên Nguyễn Hoàng được kiêm quản hai vùng đất rộng lớn.
Nhà Mạc bị diệt (1592), Trịnh Tùng bèn tính tới việc thanh trừng Nguyễn Hoàng, nên triệu tập ra bắc nhân danh cùng dẹp dư đảng họ Mạc. Sau một số trận đánh chống họ Mạc, Nguyễn Hoàng bỏ trốn về nam (1600). Năm 1613, con Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay trấn thủ Thuận - Quảng, bắt đầu thực hiện ý định ly khai.
Năm 1627, với lý do Nguyễn Phúc Nguyên có hành động chống đối, bỏ cống nạp nhiều năm, Trịnh Tráng nhân danh Lê Thần Tông mang quân nam tiến. Cuộc chiến giữa họ Trịnh và họ Nguyễn bùng nổ. Họ Nguyễn cũng nhân danh "phù Lê" chống họ Trịnh lộng quyền lấn át vua, chiêu binh dựng lũy, đúc súng ống chống lại. Từ năm 1627 đến 1672, hai họ đánh nhau 7 lần, trong đó 6 lần họ Trịnh đánh vào nam, 1 lần họ Nguyễn đánh ra bắc. Để có chính danh, các chúa Trịnh từng rước vua Lê đi thân chinh. Sau 7 lần xung đột bất phân thắng bại, hai họ ngưng chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới. Phía bắc sông Gianh thuộc chính quyền vua Lê chúa Trịnh gọi là Đàng Ngoài, phía nam sông Gianh thuộc chúa Nguyễn gọi là Đàng Trong. Bề ngoài, họ Nguyễn cũng tôn phù nhà Lê, nhưng trên thực tế đã biến lãnh thổ Đàng Trong thành một vùng cai trị độc lập, có thể chế riêng về mọi mặt.
Nắm quyền chi phối triều chính và chỉ huy quân đội, họ Trịnh nắm thực quyền thời Lê trung hưng. Mọi chính sách từ ngoại giao, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa đều do họ Trịnh quyết định.
Trịnh Tùng bãi bỏ chức Tả, Hữu thừa tướng và Bình chương của thời trước, đặt ra chức Tham tụng làm việc Tể tướng. Quyền lực của Tham tụng rất lớn, đều do chúa Trịnh tiến cử từ các viên Thượng thư (tương đương với Bộ trưởng) hoặc Thị lang lên. Năm 1601, Trịnh Tùng đặt thêm chức Bồi tụng đảm đương trọng trách trong phủ Chúa. Dưới Tham tụng và Bồi tụng, chúa Trịnh đặt thêm các Phiên, tương đương với các Bộ bên cung vua.Từ năm 1600, với công lao đánh bại nhà Mạc phục hưng nhà Lê, Trịnh Tùng chính thức xác lập địa vị là "Chúa", lập phủ riêng. Họ Trịnh được hưởng thế tập ngôi chúa. Từ đây họ Trịnh lập ra hệ thống tổ chức chính quyền ở phủ chúa tương ứng với chính quyền có sẵn bên cung vua, ngoài cung vua phía đông còn có phủ chúa ở phía tây. Chính thể Đàng Ngoài do đó được gọi là chính quyền "vua Lê chúa Trịnh", đây là thời kỳ duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam có sự điều hành của quyền thần được thế tập, truyền nối nhiều đời.
Đến các đời chúa Trịnh sau hoàn chỉnh bộ máy với việc lập ra Ngũ phủ (ban võ) và Phủ liêu (Ban văn) cùng các cơ quan giúp việc (Lục phiên). Đó là quá trình thâu tóm quyền hành từ cung vua về phủ chúa. Triều đình vua Lê cuối cùng chỉ còn vài chức quan hư hàm làm nhiệm vụ nghi thức. Về danh nghĩa, chúa Trịnh chỉ xưng vương và đứng đầu Ngũ phủ, Phủ liêu nhưng trên thực tế lại nắm hết quyền điều hành việc nước.
Sau cái chết của vua Anh Tông, cháu vua là Lê Kính Tông (Duy Tân - con vua Thế Tông) cũng có ý định chống Trịnh Tùng và cũng bị thắt cổ năm 1619. Kể từ đó các vua Lê hoàn toàn “khoanh tay rủ áo”, như cách nói của các sử gia đương thời, đối với chính sự. Mọi công việc từ trị sự đến quân sự đều do chúa Trịnh đảm đương.
Vì vậy, mọi thành tựu, sự kiện, từ quân sự đến xã hội, thịnh trị hay rối ren, đều do tay họ Trịnh. Các chúa Trịnh đều là những người giỏi cai trị và ngoại giao nên tình hình Bắc Hà - khi họ Nguyễn đã cát cứ trong Nam - nhìn chung ổn định. Chẳng những việc chính sự mà ngay cả chuyện vợ con của các vua Lê cũng do các chúa Trịnh sắp đặt. Phần nhiều vợ các vua Lê là con gái họ Trịnh để ràng buộc.
Sau Kính Tông, trong một thời kỳ dài không có vua Lê nào chống đối họ Trịnh. Tuy nhiên, các tông thất không phải hoàn toàn chịu mất quyền, điển hình là Lê Duy Mật và thái tử Duy Vĩ. Lê Duy Mật định làm binh biến ở Thăng Long lật đổ họ Trịnh nhưng không thành nên trốn ra ngoài khởi nghĩa, cát cứ ở Trấn Ninh 30 năm trời. Thái tử Duy Vĩ (con vua Hiển Tông) cũng muốn khôi phục quyền cho nhà Lê nhưng bị chúa Trịnh Sâm giết năm 1771.
Các vua Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Hy Tông, Thuần Tông và nhất là Hiển Tông (Cảnh Hưng) sau này là những ông vua “khoanh tay rủ áo” như vậy. Khi Nguyễn Huệ ra bắc dẹp họ Trịnh (1786), vua Hiển Tông than thở: “Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì”. Câu nói đó phản ánh tư tưởng an phận giữ mình của các vua Lê.
Sau khi Hiển Tông mất, đúng lúc Tây Sơn rút về nam. Cháu vua là Duy Kỳ (con Duy Vĩ) lên thay, tức là vua Chiêu Thống. Được tác động của anh em Tây Sơn, vua Lê muốn khôi phục lại địa vị cũ, báo thù cho cha, nên khi họ Trịnh ngóc đầu trở lại, lập tức Chiêu Thống gọi tướng giỏi nhất Bắc Hà lúc đó là Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra cứu. Chỉnh đánh tan quân Trịnh, đuổi Trịnh Bồng đi mất tích. Nhưng sau đó vua Lê lại bị Chỉnh lộng quyền. Tây Sơn kéo ra giết Chỉnh, rồi tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm cũng mưu đồ cát cứ. Chiêu Thống phải bỏ đi lưu vong.
Bản ý của Nguyễn Huệ vẫn muốn tôn phò nhà Lê, nhưng Chiêu Thống lại không muốn sống chung với Tây Sơn nên sang cầu viện nhà Thanh (1788). Nhà Thanh phát binh đánh Việt Nam. Trước tình thế đó, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, tức là vua Quang Trung mang quân đánh tan quân Thanh (1789), Chiêu Thống bỏ chạy theo về Trung Quốc.
Dù sau đó Lê Duy Kỳ cố xin viện binh lần nữa nhưng bằng chính sách ngoại giao khéo léo, nhà Tây Sơn đã tránh được cuộc đụng đầu khác với nhà Thanh. Vua Thanh không phát binh nữa, phân tán các bầy tôi nhà Lê, tách khỏi Duy Kỳ để cô lập dần. Duy Kỳ uất hận chết ở Bắc Kinh năm 1792 lúc mới 28 tuổi.
Nhà Hậu Lê chính thức mất năm 1789, trước sau tồn tại 355 năm, chỉ có 6 năm gián đoạn, là triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam (không tính Hồng Bàng).
Về nguyên nhân sụp đổ của nhà Lê là do Lê Chiêu Thống bán nước, cõng rắn cắn gà nhà khiến lòng người dân bấy giờ chán ghét hơn trước và sụp đổ là lẽ tất yếu của lịch sử, dù cho sau này nhiều thế lực khác nổi dậy đòi khôi phục nhà Lê cũng đều thất bại. (https://vi.wikipedia.org/)
7.2. Nguyễn Cảnh Huy (?-?) người làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương tỉnh Nghê An, là tướng nhà Lê trung hưng, tước Hoàng Hưu tử, Bình Dương hầu. Về sau này được gia phong Phúc Khánh Quận công.
Gia phả dòng họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An chép: Nguyễn Cảnh Lữ người làng Thiên Lý huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh do loạn lạc vào định cư tại Nghệ An. Cảnh Lữ sinh Cảnh Luật, Cảnh Luật sinh Cảnh Cảnh, Cảnh Cảnh lấy vợ người họ Nguyễn ở làng Trung Lâm sinh được bảy trai, hai gái. Cảnh Huy là con thứ năm. Họ nhà ông từ đời Cảnh Lữ đến Cảnh Huy làm nghề thuốc chữa bệnh và chèo đò ngang trên sông Lam.
Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Cung Hoàng và cướp ngôi lập ra vương triều Mạc. Cựu thần nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim không chịu thần phục nhà Mạc chạy lên Sầm Châu chiêu nạp hào kiệt và đưa Lê Duy Ninh lên ngôi vua, là Lê Trang Tông (1533-1548) mở đầu cho thời kì Trung Hưng nhà Lê.
Thời kì này vùng Thanh - Nghệ trộm cướp và giặc giã nổi lên như ong. Cảnh Huy cùng năm con trai là Nguyễn Cảnh Noãn, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Hân, Nguyễn Cảnh Vạn, Nguyễn Cảnh Chiêu lập đồn trại, chiêu mộ quân sĩ và khởi binh tại thôn Chiêu Quả ở huyện Nam Đường, tiễu trừ các đám sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần các thế lực đối địch ở địa phương, cả vùng Nam Đường từ đó mới được yên tĩnh, nhân dân được yên ổn cày cấy làm ăn.
Năm 1536, cha con ông mang quân sĩ đến Sầm Châu theo Lê Trang Tông và được trọng dụng. Nguyễn Cảnh Huy được phong làm Bình Dương hầu, Cảnh Hoan tước Dương Đường hầu dưới quyền điều khiển của Nguyễn Kim.
Thời gian cuối đời ông trở về quê nhà cày cấy, làm thuốc chữa bệnh cứu người và an hưởng tuổi già. Các con ông tiếp tục sự nghiệpTrung Hưng nhà Lê. Năm ông mất không rõ, chỉ biết ông thọ 64 tuổi mộ táng tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Năm 1549 nhân khi lên ngôi Trung Tông Vũ Hoàng đế truy phong cho các cựu công thần, Nguyễn Cảnh Huy được gia phong là Dương Vũ dực vận tán trị công thần, hành hạ Nghệ An đạo Đô tổng binh sứ, tước Phúc Khánh quận công.
Đền thờ ông được xây dựng quy mô không rõ năm nào tại Tường Phong giáp, Đại Đỗng xã, Nam Đường huyện, Nghệ An xứ nay là xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.Trải qua mưa nắng thời gian và các cuộc chiến tranh, nhà thờ đã xuống cấp nên được trùng tu nhiều lần nhưng các lần trước năm 1832 không thấy ghi chép lại. Theo bút tích còn để lại trong thượng điện, năm 1832 (thời vua Tự Đức) nhà thờ được trùng tu từ đầu xuân đến cuối hạ mới xong.
Năm 1942 nhà thờ được xây dựng thêm cổng tam quan và tường bao xung quanh cũng như bổ sung, mua sắm thêm các linh vật, linh quan bên tả, bên hữu.
Tháng 3 năm 1974, thực hiện chủ trương của địa phương (di dân lên vùng đồi để mở rộng diện tích canh tác) nhà thờ được chuyển đến địa điểm hiện nay là thôn Lộc Sơn, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khi đó chỉ chuyển được Thượng điện và Trung điện còn cổng tam quan và các hạng mục khác không chuyển được.
Tháng 11/2013 phần mộ và đền thờ ông được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ông có 5 con trai đều là những vị tướng giỏi trong triều đình Hậu Lê.
< >Nguyễn Cảnh Noãn: Phấn Võ hầuNguyễn Cảnh Hoan: Thái phó Tấn quốc côngNguyễn Cảnh Hân: Trung quận côngNguyễn Cảnh Vạn: Cường quận côngNguyễn Cảnh Chiêu: Lập quận côngNguyễn Cảnh Kiên Thái bảo Tả Tư không Thư quận công,Nguyễn Cảnh Hà Thiếu phó Đô úy Tả Tư mã Thắng quận công. (https://vi.wikipedia.org/)
7.3. Nguyễn Cảnh Hoan (阮景節 1521-1576) là tướng nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam, có tài liệu chép là Nguyễn Cảnh Mô, Trịnh Mô, Nguyễn Hoan tước Tấn Quận công, giữ chức Binh bộ Thượng thư, hàm Thái phó về sau được tấn phong Quốc công.
Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Cung Hoàng và cướp ngôi lập ra vương triều Mạc. Cựu thần nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim không chịu thần phục nhà Mạc chạy lên Sầm Châu chiêu nạp hào kiệt và đưa Lê Duy Ninh lên ngôi vua, là Lê Trang Tông (1533-1548) mở đầu cho thời kì Trung Hưng nhà Lê.
Thời kì này vùng Thanh - Nghệ trộm cướp và giặc giã nổi lên như ong. Cha con Nguyễn Cảnh Hoan lập đồn trại, chiêu mộ quân sĩ và khởi binh tại thôn Chiêu Quả vùng núi Thanh Chương, tiễu trừ các đám sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần các thế lực đối địch.
Năm 1536, cha con ông mang quân sĩ đến Sầm Châu theo Lê Trang Tông và được trọng dụng. Nguyễn Cảnh Huy được phong làm Bình Dương Hầu, Cảnh Hoan tước Dương Đường Hầu dưới quyền điều khiển của Nguyễn Kim.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Trịnh Kiểm lên thay, Cảnh Hoan là tướng dưới quyền.
Tháng 12, năm 1547, Đại tướng nhà Mạc là Tây Quận công Nguyễn Kính đem quân đi đánh nhà Lê. Quân hai bên đánh nhau to ở Lôi Dương thuộc Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Đại tướng Nguyễn Kính thua trận đang đêm bèn rút khỏi quan ải, trên đường rút lui trúng phục binh của Cảnh Hoan, quân Mạc thua to. Trận này Cảnh Hoan được phong Đề đốc Tấn quận công.
Tháng 1 năm 1553, do có nhiều chiến tích trong các đợt chống quân Mạc, Nguyễn Cảnh Hoan được phong làm Thái Bảo. Trịnh Kiểm thấy ông là người mưu lược nên rất kính nể, coi như thần tử thân thuộc và gọi ông là Trịnh Mô, cho quyền thu thuế và trông coi hai huyện Nam Đường và Chân Phúc thuộc Nghệ An.
Năm 1555, Thọ quốc công và Vạn Đồn hầu nhà Mạc đem quân xâm lấn huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trịnh Kiểm và quan quân nhà Lê ra nghênh chiến. Cảnh Hoan trận này bắt sống được tướng Mạc.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, các con là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối và Phúc Lương hầu Trịnh Tùng tranh quyền. Phúc Lương hầu Trịnh Tùng cùng các tướng Tấn quận công Nguyễn Cảnh Hoan, Lai quận công Phan Công Tích, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách chạy vào Yên Trường.
Nhà Mạc nhân việc này kéo quân vào xâm lấn, các tướng nhà Lê đồn trú các nơi đều theo về Yên Trường để chống giữ. Trịnh Tùng được phong làm Trưởng quốc công tiết chế thủy bộ chư dinh. Anh Tông hội các tướng bàn việc mở chiến dịch lấy lại đất đai. Quân Lê theo ba hướng mà tiến.
Nguyễn Cảnh Hoan cùng các tướng An quận công Lại Thế Khanh, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu đem quân từ An Định qua Vĩnh Phúc đánh lấy Tống Sơn. Tháng 12, quân Mạc rút về bắc.
Tháng 2 năm 1571, gia phong Trịnh Tùng làm Thái Úy Trưởng Quốc công, Cảnh Hoan được gia phong làm Thiếu phó ngồi hàng dưới.
Tháng 7 năm 1571, Khiêm vương Mạc Kính Điển và các tướng vào đánh cướp Nghệ An, dân phía Nam sông Lam phần lớn đều quy phục quân Mạc. Các tướng nhà Lê ở đây là Nguyễn Bá Quýnh cự không được đành bỏ chạy, Hoàng quận công bị quân Mạc bắt sống.
Tháng 9 năm 1571, Nguyễn Cảnh Hoan và Phan Công Tích đem quân vào cứu Nghệ An. Mạc Kính Điển và Nguyễn Quyện giao chiến với hai tướng, đại quân Mạc thế chừng ở lâu đánh không được phải rút về bắc.
Tháng 7 năm 1572, quân Mạc vào đánh cướp Nghệ An. Nguyễn Cảnh Hoan cùng 2 tướng An quận công Lại Thế Khanh, Lai quận công Phan Công Tích đem quân vào cứu, quân Mạc rút về.
Năm 1573, Lê Duy Đàm lên ngôi. Trịnh Tùng được phong làm Đô tướng, Thái úy Trưởng quốc công. Nguyễn Cảnh Hoan là chiến tướng xông pha nhiều năm, rất có tiếng tăm, có tài biện luận nên được phong sang ban văn làm Hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Binh bộ thượng thư, Thái phó, kiêm Hành tướng sự.
Năm 1574, tướng Mạc là Nguyễn Quyện đem đại binh vào quấy phá Nghệ An. Tướng nhà Lê là Hoành quận công sợ hãi bỏ chạy, đến Bố Chính thuộc Quảng Bình bị Nguyễn Quyện bắt sống. Quân Lê phái Nguyễn Cảnh Hoan và Phan Công Tích vào cứu. Hai bên đánh nhau mấy tháng liền, Nguyễn Quyện rút quân về bắc.
Năm 1575, Thạch quận công Nguyễn Quyện nhà Mạc đem đại binh vào đánh cướp Hoan Châu. Cảnh Hoan cùng hai tướng là Thái phó An quận công Lại Thế Khanh, Lai quận công Phan Công Tích đem quân vào cứu, chia 3 nơi phòng ngự.
Nguyễn Cảnh Hoan cùng 30 chiến tướng dưới quyền lập doanh trại tại đạo Thanh Thủy, chiêu mộ binh sĩ, đắp lũy kéo dài từ vùng Hồ Nón, Nam Đàn cho tới Lựu Sơn, Đô Lương để chống đại quân Mạc.
Vì dụng binh sơ suất nên Phan Công Tích bị Nguyễn Quyện dùng kì binh bắt giết tại lèn Hai Vai, Yên Thành. Tiếp đó đại binh nhà Mạc chuyển quân lên vùng thượng lưu, xuôi theo sông Lam để đánh phá quân Lê. Cảnh Hoan và Nguyện Quyện đánh nhau chí tử tại vùng Thanh Chi, Võ Liệt, Phuống thuộc Thanh Chương bất phân thắng bại.
Lo ngại Lại Thế Khanh đem quân tiếp ứng, Nguyễn Quyện rút quân xuôi sông Lam ra biển, Cảnh Hoan biết được đặt phục binh tại Rú Nguộc giết chết Kỳ quận công nhà Mạc tại trận. Nguyễn Quyện cùng đại quân tháo chạy ra biển về Bắc. Quân Lê thắng to.
Năm 1576, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh Thanh - Nghệ. Khiêm Vương Kính Điển đánh vùng sông Chu huyện Thụy Nguyên, Mạc Ngọc Liễn đánh vùng sông Mã thuộc Yên Định, Nguyễn Quyện tiến theo đường biển đánh phá Nghệ An, trăm họ rúng động.
Trịnh Tùng cho người đưa chỉ vào triệu Cảnh Hoan về bàn bạc kế hoạch chống giữ. Thuộc tướng của Cảnh Hoan là Lâm quận công làm phản, đầu hàng Nguyễn Quyện và tiết lộ tin tức. Nguyễn Quyện đem quân trở ra Ngọc Sơn, Thanh Hóa đóng đồn từ Cầu Quán đến Mạo Lạp, lại cho quân mai phục hai bên đón đường.
Trên đường ra Yên Trường, Cảnh Hoan và quân túc vệ rơi vào mai phục của Nguyễn Quyện tại Bông Đồn, Độc Hiệu. Đánh nhau hơn một ngày, Cảnh Hoan đem quân theo ít, chống không được đại binh nhà Mạc nên yếu thế dần. Nguyễn Quyện thấy vậy bảo tướng sĩ rằng:
Trịnh Mô thua chạy, tướng lệnh vô phèng, ta nhất định bắt được y
Rồi đốc quân đuổi theo và bắt được Cảnh Hoan đem về Thăng Long.
Đại Việt Sử kí Toàn thư ghi rằng :Từ đấy, oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, trở thành viên danh tướng của họ Mạc. Các tướng hùng, tôi giỏi cả miền Giang Đông đều cho là không bằng Nguyễn Quyện
Trịnh Tùng phái người ra bắc tìm cách đem vàng chuộc ông nhưng không được. Nhà Mạc biết Hoan là tướng giỏi bèn cho các đại thần, đặc biệt là Nguyễn Quyện tới tìm cách lôi kéo nhưng ông cự tuyệt.
Nguyễn Quyện đến gặp ông và nói rằng:
Ta nghe ở thôn quê có câu sấm truyền rằng: “Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt hẳn sẽ thành tro dưới mồ thôi (Mô giả, Mộc mạc dã; bất bi Mạc dụng, tất thành hưu mô chi mộ)”. Ý giả sấm truyền cũng muốn nhắc nhở Tấn quận công đấy thôi, thế mà Tấn quận công lại một mực không tỉnh ngộ
Cảnh Hoan đáp rằng:
“Bình sinh khi qua chơi nhà ông, ta thấy thân sinh của ông bảo ông tuy thông minh nhưng lười học, nên mới đặt tên cho ông là Quyện, nhốt ông trong thư phòng, có câu răn rằng: “Quyện là người của sách, vì quay lưng lại sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù”(Quyện giả, quyển nhân giã; hữu vi ư quyển, quả thụ khuyên tù chí nhục)”. Sao ông không suy nghĩ về điều đó. Người đọc sách không thể làm trái với sách. Sách có nói: “Tôi ngay không thờ hai chúa”, ông sao làm trái lời đó?”
Nguyễn Quyện nói:
“Đại trượng phu không thờ hai vua, thế là trung. Quyện này nếu về với chủ cũ sẽ thất trung”.
Nguyễn Quyện nói xong phẩy áo mà đi. Sau cuộc viếng thăm này, biết không thể thu phục được Cảnh Hoan nên nhà Mạc đem ông giết đi. Là địch thủ nhiều năm trên chiến trường Hoan Châu, tiếc ông là người cương liệt trung nghĩa, Nguyễn Quyện đã cho người khâm liệm và xin chúa Mạc cho người đưa thi hài về Hoan Châu và có nói về ông rằng:
Trung nghĩa, cương liệt đời hiếm hoi, sau này ắt sẽ thành thần lớn
Trước khi chết (tháng 9 năm 1576) Nguyễn Cảnh Hoan viết hai bài thơ tuyệt mệnh rằng:
Nhân trung bẩm cương nghị
Thế thượng đốc trung trinh
Thiên địa quang chính khí
Nhật nguyệt chiếu lâm tình
Lăng lăng thanh bất hủ
Lẫm lẫm tử do sinh
Sát phạt chư ma quỷ
Tróc phược chúng tà tinh
Túng hữu chân tâm đảo
Lai lâm tự luật linh
và viết thêm:
Thế thụ thao kiềm
Đàn đăng tướng súy
Kiên trì kình tiết thanh
Lưu thử đan tâm tử
Thân thượng tri Lê Trịnh triều
Diện khẳng tâm trung nghĩa quỷ
Nhan Đường,Văn Tống liên tiền hiền
Liệt nhật thu sương thùy hậu thế
Sắc chỉ triều đình nhà Lê lập đền thờ chính của ông ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương.
Năm 1602, đền thờ ông được xây dựng quy mô ở xã Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Năm 1787 được trùng tu, Năm 1895 xây thêm trung điện và nhà bia. Định kì mười năm tổ chức lễ chay một lần, là lễ hội lớn của vùng Nghệ An. Năm 1991, đền thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Vùng Nghệ An có nhiều đền thờ ông, ngoài nơi thờ tự chính ở Tràng Sơn còn có đền Phú Thọ ở xã Lưu Sơn huyện Đô Lương, đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn huyện Thanh Chương, đền thờ tại Hồ Nón, huyện Nam Đàn...
Phần mộ của ông hiện nay thuộc Rú Cấm xã Tràng Sơn huyện Đô Lương.
Trong thời kì đem quân vào ứng cứu Nghệ An, Cảnh Hoan và các tùy tướng đóng đại bản doanh, xây hào lũy khu vực Nam Đường, vỗ về dân chúng ở đây. Vùng Lưu Sơn, Đô Lương được ông hướng dẫn cho cách ép mía làm mật, dân cư ven sông Lam nghề nuôi tằm dệt vải, cho bắc nhiều cầu trên sông Đa Cương .
Bùi Huy Bích làm Hiệp trấn Nghệ An, khi đi qua vùng núi Hồ Cương, Nam Đàn thăm thành lũy cũ do Cảnh Hoan xây có đề thơ rằng:
Tấn quốc đương sơ phạt Quyện nhân
Thử gian thụ sách trú tam quân
Bách niên mã cứu câu thăng tại
Thiên điệp sơn thành thảo thạch xuân
Mạc phủ tích công thành lão tướng
Sa trường toàn nghĩa tác danh thần
Hất kim di chỉ Hồ Cương bạn
Tưởng tượng phong yên hộ chiến trần
Tổ tiên của Nguyễn Cảnh Hoan truyền đời có làm thuốc bắc, đến đời ông tuy là danh tướng xông pha trận mạc nhưng vẫn để tâm nghiên cứu về sách thuốc. Trước khi bị nhà Mạc giết hại tại Thăng Long, ông có nhờ người đem về truyền lại cho con cháu những ghi chép của bản thân về y thuật. Đến con trai ông là Nguyễn Cảnh Kiên tuy làm tướng nhưng vẫn chuyên tâm tiếp tục nghề thuốc của tổ tiên truyền lại, và trở thành môt thầy thuốc nổi tiếng Thăng Long lúc bấy giờ. Cảnh Kiên được phong làm Thái Y viện chưởng kiêm Tế Sinh đường.Hiện nay tại thành phố Vinh, Nghệ An có một con đường mang tên ông.
Tại đền Khai Long tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vốn được lập để thờ tự Nguyễn Cảnh Hoan và vị thần Khai Long sứ hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong thần cho Nguyễn Cảnh Hoan.
Nội dung một số sắc phong như sau:
Sắc phong cho đền thờ Khai Long thờ thần Khai Long sứ và Nguyễn Cảnh Hoan vào năm Tự Đức thứ 31
Nguyên văn:
敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神;嘏純禧妙感純正開隆使君。節經頒給敕封準其奉事。嗣德三十一年正值朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登怵準許依舊奉事用誌國慶而伸祀典。 欽哉
Phiên âm:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Dịch nghĩa:
Sắc chỉ cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 gặp đúng đại lễ mừng thọ 50 của trẫm nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!
Sắc phong năm thứ nhất niên hiệu Đồng Khánh:
Nguyên văn:
敕俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神玄嘏純禧妙感純正開隆使君之神向來護國庇民稔著靈應。節蒙頒給敕留祀.。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈翊保中興各等神仍準許乂安省梁山縣純忠社依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉
Phiên âm:
Sắc Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân chi thần hướng lai hộ quốc tí dân nhẫm trước linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng các đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Dịch nghĩa:
Sắc cho vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân từ trước tới nay bảo vệ nước che chở dân linh ứng rõ rệt. Đã được ban tặng sắc phong để thờ. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, đáng được tặng phong là: Các đẳng thần Dực bảo Trung hưng, vẫn chuẩn cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân ta. Kính thay
Sắc phong của vua Duy Tân: Nguyên văn:
敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事卓偉翼保中興開隆使君上等神卓偉翼保中興功神太傅晉郡公阮上等神。節經頒敕封準其奉事。維新元年晉光大禮經頒頒寶詔覃恩禮隆登秩榫依舊奉事用志國慶而申祀典。欽哉
Phiên âm: Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long sứ quân thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Lê trung hưng công thần Thái Phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai
Dịch nghĩa:
Sắc chỉ cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị Thượng đẳng thần Khai Long sứ quân vốn được tặng mỹ tự là Trác vĩ Dực bảo Trung hưng; vị thượng đẳng thần công thần triều Lê trung hưng Thái Phó Tấn Quận công họ Nguyễn (vốn được tặng mỹ tự là) Dực bảo Trung hưng. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm đầu niên hiệu Duy Tân cử hành đại lễ lên ngôi nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!
Anh em và con cháu ông tiếp tục sự nghiêp trung hưng nhà Lê đều làm tướng, nhiều đời quý thịnh, 18 người được phong quận công, 72 người tước hầu có tiếng là Trung Cần Nhân Nghĩa như Thái bảo Tả Tư không Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô Úy Tả Tư mã Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Tả đô đốc Phó tướng Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế, …
Năm 1787 đầu Lê Chiêu Thống, Nguyễn Cảnh Thước là cháu mấy đời, làm tướng trấn thủ vùng Kinh Bắc nổi tiếng hùng mạnh và mưu lược. Lúc Vũ Văn Nhậm dẫn quân Tây Sơn ra diệt Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Thước là dòng dõi công thần muốn lấy làm chỗ dựa để khôi phục nhà Lê, vượt sông sang Kinh Bắc. Thước cáo ốm và ngầm thả thủ hạ cướp tư trang, tiền bạc và lột áo báo của xa giá, giấu thuyền bè không cho sang sông. Về sau Thước theo Tây Sơn nhưng không được tin dùng.
Thời hiện đại có: GS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn, Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Song Tùng, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình.(https://vi.wikipedia.org)
7.4. Nguyễn Hữu Liêu (阮有僚, 1532-1597) là tướng nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Tây Đam, nay là xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Ông có công đánh đổ nhà Mạc, giúp nhà Lê trung hưng.
Nguyên quán của Nguyễn Hữu Liêu vốn ở tại làng Hương Mặc (Tiên Sơn, Bắc Ninh). Sau cụ tổ 6 đời của ông di cư sang làng Tây Đam thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Liêu sinh ra khi nước Đại Việt bị chia cắt trong thời chiến tranh Lê-Mạc. Nguyễn Hữu Liêu mồ côi cha từ nhỏ. Năm 17 tuổi (1549), ông bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa (thuộc đất của nhà Lê trung hưng), sau đó tìm gặp được người cậu họ là Nguyễn Khải Khang - người cũng bỏ nhà Mạc theo nhà Lê năm 1552. Nguyễn Khải Khang nhận ông làm con nuôi.
Phù Lê diệt Mạc, Phòng thủ ở Thanh Hóa
Năm 1555, Nguyễn Hữu Liêu theo Nguyễn Khải Khang tấn công huyện Yên Định, giết được nhiều quân tướng bên địch, từ đó được trọng dụng.
Tháng 8 năm 1557, các tướng lĩnh từng bỏ Lê sang Mạc là anh em Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn bỏ trốn về hàng nhà Mạc. Riêng Nguyễn Khải Khang không về. Tháng 9 năm 1558, cháu ruột Khải Khang là Mạc Ngọc Liễn sai thổ dân ở Mỹ Lương trá hàng cậu Khải Khang, rồi lừa bắt Khải Khang mang về. Mạc Tuyên Tông sai dùng hình xé xác Khải Khang.
Năm 1559 và 1560, Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong, liên tiếp lập công ở Yên Mô (Ninh Bình), Kinh Bắc (Bắc Ninh), nên càng có tiếng tăm ở Nam triều.
Năm 1561, tướng Bắc triều là Mạc Kính Điển tấn công Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Liêu được gọi gấp về chi viện. Ông đánh bại quân Mạc ở An Trường (Thanh Hóa), giải nguy được cho nhà Lê. Sau đó, trong các năm 1563, 1565, ông tham gia đánh lui các cuộc tấn công của quân Mạc vào nam.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, các con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền. Cối yếu thế sang hàng nhà Mạc. Nguyễn Hữu Liêu bỏ Cối về với Trịnh Tùng. Trước cuộc tấn công của Mạc Kính Điển, Hữu Liêu phòng thủ kiên cường ở Trường Yên. Sau đó, Hữu Liêu còn giao chiến với quân Mạc ở Nghệ An và các huyện thuộc Thanh Hóa là Nông Cống, Ngọc Sơn, Yên Định, Tống Sơn.
Năm 1578, Hữu Liêu lại đẩy lui một cuộc tấn công khác của Mạc Kính Điển ở Thanh Hóa. Năm 1579, Kính Điển lại đánh Hà Trung, ông phối hợp với thái phó Đặng Huấn đánh lui quân Mạc.
Do lập nhiều công lao, năm 1581, ông được phong làm Tây quân đô đốc. Từ năm 1582 đến 1589, Hữu Liêu liên tiếp bẻ gãy các đợt tấn công của quân Mạc vào Thanh Hoá.
Tiến ra Thăng Long
Năm 1589, ông theo Trịnh Tùng mang quân đánh ra bắc. Nguyên soái nhà Mạc là Mạc Đôn Nhượng (em Kính Điển đã mất) dẫn đại quân đến, Hữu Liêu mang hơn 1 vạn quân mai phục, dụ Đôn Nhượng đến nơi hiểm yếu rồi tấn công, phá tan quân Mạc, bắt được 2 viên tướng.
Năm 1591, Trịnh Tùng khởi đại quân đánh Thăng Long, ông làm tiên phong. Ngày 27 tháng 12 âm lịch, Hữu Liêu đến xã Phấn Thượng, huyện Phúc Lộc (Sơn Tây), phá quân Mạc ở sông Hát. Quân Mạc rối loạn bỏ chạy. Hữu Liêu mang quân tấn công cửa tây bắc kinh thành. Vua Mạc là Mạc Mậu Hợp bỏ kinh thành chạy. Hữu Liêu tiến quân vào kinh, đốt phá điện nhà Mạc rồi rút lui.
Mạc Mậu Hợp trở về Thăng Long. Ngày 6 tháng giêng năm 1592, ông cùng Trịnh Tùng lại đánh Thăng Long. Ông lĩnh hơn 1 vạn quân qua sông Tô Lịch đến Cầu Mọc, phá cổng thành Cầu Dừa theo cửa tây tiến vào kinh thành. Mạc Mậu Hợp bỏ chạy, không lâu sau bị bắt và bị giết.
Công thần
Nhà Lê trung hưng, họ Mạc phải chạy lên Cao Bằng, Nguyễn Hữu Liêu được ghi công hàng đầu, được phong chức Thái uý, Dương quốc công.
Tàn dư họ Mạc vẫn đánh phá ở miền bắc. Trong năm 1593 – 1594, ông ra quân đánh bại quân Mạc ở Hải Dương, Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Nguyễn Hữu Liêu được phong thưởng, được quyền thu thuế ở 4 phủ xứ Sơn Tây, đồng thời ăn lộc một số làng thuộc Đường Hào (Hưng Yên), Ngọc Sơn (Thanh Hoá), La Sơn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Chân Phúc (Nghệ An).
Tháng 3 năm 1597, ông cùng Hoàng Đình Ái, Trịnh Đỗ và Nguyễn Hoàng mang 5 vạn tượng binh đưa vua Lê Thế Tông đến ải Nam Quan hội cùng sứ thần nhà Minh.
Tháng 5 âm lịch năm 1597, Nguyễn Hữu Liêu mất, thọ 66 tuổi. Hiện nay ở xóm Thạch Khê, thôn Tây Tựu, huyện Từ Liêm (Hà Nội) có đền thờ ông.
Nhận định
Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:
“Ông là người tinh anh, sáng suốt, dũng cảm và quyết đoán. Mỗi khi ra trận, khí hăng hái lên tận mây, tiếng gầm thét như thổi gió mạnh, ba quân vì thế hăng say chiến đấu, không trận nào không thắng. Thế mà vẫn chất phác, trung thực, giữ đúng lễ, đương thời khen ông là tướng giỏi”.
Theo một số tài liệu thì chính ông là người giới thiệu Đào Duy Từ cho Trấn thủ Thuận Hóa Nguyễn Hoàng. (https://vi.wikipedia.org)
Nhà thờ họ Nguyễn Hữu Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 13/2/1996, hiện, do UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý trực tiếp theo phân cấp của thành phố.
Di tích gồm cổng, điện thờ mẫu và nhà thờ chính (gồm tiền đường và bái đường). Hạng mục nhà thờ chính hiện đã xuống cấp: Bộ khung đỡ mái làm bằng gỗ đã bị mối mọt nhiều; hệ cột chịu lực nứt dọc toàn bộ; mái ngói xô, vỡ gây thấm dột; nền lát gạch gốm không phù hợp… Vì vậy, việc tu bổ tôn tạo các hạng mục hiện đã xuống cấp của di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị là cần thiết.
UBND TP thống nhất với đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao cho phép lập dự án tu bổ tôn tạo nhà thờ họ Nguyễn Hữu Liêu từ nguồn vốn ngân sách của quận Bắc Từ Liêm, đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét thỏa thuận về chủ trương lập dự án tu bổ tôn tạo đối với hạng mục nhà thờ chính của nhà thờ họ Nguyễn Hữu Liêu.(https://hanoi.gov.vn, 20/10/2015)
7.5. Nguyễn Cảnh Kiên (阮景健 21/8/1553 - 04/08/1619) là một vị tướng thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam, làm quan tới chức Tả Đô đốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ, Thái y viên chưởng viện sự, kiêm Tế sinh đường sứ, tước Thư Quận công, hàm Thiếu Phó. Về sau được gia phong là Tả Tư Không, Mặc tướng hồng đồ, hàm Thái Bảo. Ông người xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Ông xuất thân trong gia đình tướng lĩnh. Ông nội là Phúc Khánh quận công Nguyễn Cảnh Huy. Cha là Thượng thư Bộ Binh, Thái phó, Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Mẹ là người họ Nguyễn, con gái của Phấn Vũ hầu ở xã Đỗ Liêu, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc,Hà Tĩnh).
Nguyên tổ của ông là Nguyễn Cảnh Lữ người làng Thiên Lý huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, do loạn lạc cuối đời nhà Hồ nên di chuyển vào Nghệ An. Cảnh Lữ sinh Cảnh Luật, Cảnh Luật sinh Cảnh Cảnh, Cảnh Cảnh sinh Cảnh Huy, Cảnh Huy sinh Cảnh Hoan, Cảnh Hoan sinh Cảnh Kiên.
Đời ông nội ông là Cảnh Huy theo Nguyễn Kim trung hưng nhà Lê và được trọng dụng. Từ đó anh em con cháu nhà ông nối tiếp đều là những võ tướng nổi danh thời Hậu Lê.
Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Cung Hoàng và cướp ngôi lập ra vương triều Mạc. Cựu thần nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim không chịu thần phục nhà Mạc chạy lên Sầm Châu chiêu nạp hào kiệt và đưa Lê Duy Ninh lên ngôi vua, là Lê Trang Tông (1533-1548) mở đầu cho thời kì Trung Hưng nhà Lê.
Năm 1536 Cảnh Huy và Cảnh Hoan đem thuộc hạ lên Sầm Châu theo Lê Trang Tông.
Xuất thân trong gia đình tướng lĩnh, ông được thừa hưởng sự giáo dục của gia đình về nghiệp binh. Thời trẻ ông theo gia phụ Nguyễn Cảnh Hoan chinh chiến, tham gia nhiều trận đánh chống quân Mạc, ghi được nhiều công lao nên được phong là Nham Lĩnh hầu.
Tháng 8 năm 1576, cha ông là Nguyễn Cảnh Hoan rơi vào tay quân Mạc. Cảnh Kiên được điều về hoạt động dưới quyền điều khiển của Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu.
Tháng 8/1576 quân Mạc do Khiêm vương Kính Điển và Thạch Quận công Nguyễn Quyện tiến đánh Thanh Hóa. Nguyễn Quyện tiến quân vào sông Đồng Cổ. Nghe tin quân Mạc tới Trịnh Tùng cùng Đại tướng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu đem quân chặn đánh phá được quân Mạc. Sau đó quân Mạc tiến đến Hà Đô, Nguyễn Quyện phục binh ở ngoài đê sai Hoằng Quận công Lại Thế Mỹ khiêu chiến, Trịnh Tùng sai Thái úy Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu nghênh địch. Dương quận công cho sắp sửa khí giới và sai thuộc tướng là Nguyễn Cảnh Kiên làm tiên phong. Cảnh Kiên bày trận "nhạn" rồi hô quân xung phong. Lại Thế Mỹ phóng ngựa, chĩa giáo xông lên chỉ tay bảo rằng:
Cảnh Kiên! Cha ngươi tài trí như thế mà còn bị bắt. Nay ngươi là thằng con nít, dám chống lại quân nhà vua [Mạc] hay sao? Hãy mau đầu hàng quy thuận hoàng triều [nhà Mạc] thì cha con người đều được an toàn.
Cảnh Kiên ngồi trên lưng voi lớn tiếng mắng rằng:
Đồ phản tặc bội chúa hàng giặc, nay lại tới đây định nộp đầu hay sao?
Thế Mỹ tức giận, thúc ngựa vượt hàng quân tiến lên. Quân tiên phong của Cảnh Kiên là Trọng Giang Hầu trông thấy Thế Mỹ nạp đạn vào súng bắn một phát, Thế Mỹ trung đạn rơi xuống đất chết tươi. Quân Bắc xua nhau chay. Nguyễn Quyện cho quân tới ứng cứu, Cảnh Kiên thấy Nguyễn Quyện nổi cơn thịnh nộ ra lệnh cho quân lính xông tới hét lớn:
Nhanh lên liều chết bắt sống cho được Thạch Quyện
Nguyễn Quyện trông thấy sát khí đằng đằng liền rút chạy, Cảnh Kiên cho quân đuổi theo hơn mười dặm mới thôi. Với chiến công này Nguyễn Cảnh Kiên được thưởng kim bài, gia phong làm: Cẩm y vệ sự, Tín Quận công.
Ngày 16 tháng 9 năm 1576, cha ông là Nguyễn Cảnh Hoan không chịu quy phục nhà Mạc nên bị giết chết.
Năm 1583 quân Lê hành quân đến Kinh Dự. Trịnh Tùng sai Dương Quận công và thuộc tướng Nguyễn Cảnh Kiên làm cầu phao bí mật qua sông rồi bày quân mai phục, vờ rút lui, quân Mạc rơi vào ổ phục kích thua bỏ chạy, đua nhau trốn về kinh ấp.
Tháng 12 năm 1591, quân Lê-Trịnh tập trung binh mã theo đường núi ra Sơn Tây tập kích Thăng Long. Quân Mạc cho rằng biên ải đã yên tĩnh, sau nghe cấp báo quân Thanh Hoá xâm lấn, thanh thế chấn động, bèn xuông chiếu điều binh mã bốn trấn, bốn vệ, năm phủ. Chỉnh đốn xong nhà Mạc bèn cho quân khiêu chiến. Tiên phong của quân Nam là Dương Quận công cho quân bày trận, sai thuộc tướng là Cảnh Kiên dẫn quân tinh nhuệ tiến lên. Cảnh Kiên kịch chiến với quân Mạc ngay giữa trận tiền, giết được hai tướng giặc là Khuông Định Công và Tân Quận công. Quân Mạc dần lùi bước. Quân Nam tiếp tục truy đuổi, quân Mạc mất tinh thần cờ quạt nghiêng ngả, hàng ngũ rối loạn, đến cửa sông Hát vua Mạc là Hồng Ninh sang sông tẩu thoát. Đến nửa đêm 30 tết Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu tiến công đến chân thành Thăng Long cho bắn liền bảy phát súng rồi cho đốt nhà cửa dưới chân thành, lửa cháy rực trời, kinh thành náo động. Hồng Ninh sai gói gém vàng bạc của cải tụ tập ở cửa quân chờ trời sáng để chạy trốn.
Sau Tết Nguyên Đán, quân Lê-Trịnh tiếp tục tấn công dồn dập. Ngày 6/1/1592, Trịnh Tùng đốc quân qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục xứ Xạ Đôi thì đóng quân lại rồi chia đường cùng tiến, hẹn trong ngày phải nhổ được thành Thăng Long. Nguyễn Quyện dẫn quân Mạc mai phục ngoài cửa cầu Dền. Trịnh Tùng bắn ba phát pháo hiệu, các tướng theo lệnh cùng tiến. Thái phó Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu sai Nguyễn Cảnh Kiên làm tiên phong. Cảnh Kiên xông lên đến cầu Dừa đặt súng lớn trên đường cái bắn mở cửa đột phá để tấn công quân Mạc. Tướng Mạc là Bùi Văn Khê và Trần Bách Niên thấy sức không thể địch nổi để quân lính mạnh ai nấy chạy, thấy vậy Mạc Ngọc Liễn sợ hãi tìm đường lẩn trốn, cung điện bị đốt phá, phố xá kinh thành khói lửa mù trời. Trịnh Tùng đốc tướng sĩ triệt phá cầu Dền, quân mai phục của Nguyễn Quyện trở tay không kịp bị chết sạch, Nguyễn Quyện cùng hai con là Bảo Trung và Nghĩa Trạch chạy về doanh trại rồi bị bắt. Vua Mạc bỏ chạy về trấn thủ Hà Bắc. Quân Lê-Trịnh đại thắng. Vua sai triều đình luận công khen thưởng, Tín quận công Nguyễn Cảnh Kiên được thăng làm Đô đốc thiêm sự.
Tháng 4/1593 vua Lê trở về kinh thành Thăng Long và tiến hành ban thưởng cho các tướng lĩnh. Tín Quận công Nguyễn Cảnh Kiên được gia phong Đô đốc Đồng tri. Sau đó công lao ngày một nhiều được tiến phong là Hiệp mưu công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, rồi thăng lên là Dương võ uy dũng công thần Nam quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc.
Ông tuy theo đuổi việc quân nhưng vẫn để tâm đến nghề thuốc của tổ tiên. Phàm những bệnh đặc biệt, không bệnh nào là không chữa được, trên từ công thần, dưới đến dân chúng đều đến nhà ông xin thuốc, ngựa xe đầy cổng. Vua chúa càng ngày càng quý tài năng của ông, gia phong cho ông là Hiệp mưu Dương võ uy dũng công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam quân phủ Tả Đô đốc, tri Thái y viên chưởng viện sự, kiêm Tế sinh đường sứ, Thư quận công. Người đến nhà lấy thuốc thường gọi ông là "Thầy Thư".
Năm 1601, Trịnh Tùng ra lệnh Đông chinh truy quét tàn dư họ Mạc. Nhà Mạc sai Nam Quận công và Nga Quận công đem quân nghênh chiến, địch không nổi phải tháo chạy. Cảnh Kiên cùng hai con là Cảnh Hải và Cảnh Hà hợp đồng tác chiến truy kích đến thôn Cổ Lệnh Thượng, xã Cổ Lệnh phóng hỏa đốt hết thuyền quân Mạc. Nam Quận công thế cùng cứa cổ nhảy sông tự vẫn. Thừa thắng giết luôn cả Nga Quận công, bắt sống Tào Quận công và Vị Quận công nhà Mạc.
Tháng 03 năm 1601, Mạc Kiền Thống chiếm cứ Hải Dương. Quân Lê sai Hoàng Đình Ái dẫn quân đi đánh dẹp. Tả phủ Nguyễn Cảnh Kiên làm tiên phong dẫn hai con là Cảnh Đại và Cảnh Hà tới sông Bạt Kiều bắc cầu phao tiến quân qua địa giới Thanh Lâm. Quân Lê theo các hướng mà tiến đuổi quân Mạc đến huyện Kim Thành, đốt phá hết doanh trại. Quân Mạc do các tướng Triều Lộc, Phú Ninh chỉ huy tan rã hết, Mạc Kiến Thống chạy thoát. Quân Lê thu được 50 chiến thuyền, vũ khí nhiều vô kể.
Tháng 8 năm 1601, Các quan đón Kính Tông Huệ Hoàng đế về Thăng Long. Triều đình định công, xuống chiếu ban thưởng cho các quan văn võ. Cảnh Kiên xông pha trận mạc, nhiều công tích được gia phong: Hiệp mưu công thần Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, tri Thái y viên chưởng viện sự, kiêm Tế sinh đường sứ, Thiếu bảo Thư quận công.
Tháng 8 năm 1615, Thiếu bảo Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên cùng với Hình Bộ Thượng thư kiêm Đông các học sĩ Mỹ Khê hầu Nguyễn Lễ đón tiếp sứ thần Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh trở về.
Tháng 2 năm 1618, Mạc Kính Khoan cháu Mạc Kính Cung xưng vương ở Vũ Nhai, Thái Nguyên, quân lính vào ra cướp phá. Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem thuộc tướng là Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Lễ Quận công Nguyễn Văn Giao, Bạt Quận công (không rõ tên), Hữu Quận công Tạ Thế Phúc, Đặng Quận công Nguyễn Khải, Phụ Quận công Nguyễn Hắc cùng với Đốc thị Lễ Bộ Tả thị lang Phương Lan hầu Nguyễn Thực; lại sai Thái bảo Vạn Quận công Trịnh Xuân đem thuộc tướng là Cống quận công Hoàng Đình Phùng, Luân quận công Trịnh Thúc, Phổ quận công Trịnh Trân, Lãng Quận công Trịnh Liêm cùng với Đốc thị là Phó Đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì, chia thành hai đạo tiến quân hợp đánh Khánh Vương họ Mạc. Quân nhà Mạc nghe tin, đều trốn xa. Thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng mật sai Phú Lộc hầu (không rõ tên) chém được Lập Quận công nhà Mạc.
Năm 1619, do tuổi cao, nhiều lần vâng mệnh đi đánh dẹp ở các đạo cảm nhiều sương gió, sức lực ông suy giảm cuối cùng bị ốm nặng. Hoàng thượng sai Trung sứ mang sắc dụ cùng năm trăm quan tiền ban cấp cho ông chữa bệnh sau đó còn nhiều lần cho người đến thăm hỏi. Ngày 4/8/1619 ông mất ở chính tẩm thọ 67 tuổi. Hoàng thượng nghe tin ra lệnh bãi chầu 3 ngày, sai quan Bộ Lễ mang vật cúng cùng hai chiếc hốt bằng vàng và ba ngàn quan tiền cổ đến viếng, đồng thời gia phong cho ông là Hiệp mưu Dương vũ uy dũng Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam quốc Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Thự phủ sự Tri Thái y viện chưởng viện sự, Thiếu phó, Tả Tư Không, Thư Quận công sai binh lính thủy bộ cùng mười lăm chiếc thuyền chiến đưa linh cữu về bản quán, an táng tại xứ Mô Sơn, thôn Cẩm Hoa Thượng, xã Đô Lương, huyện Nam Đường (nay là xã Tràng Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An)
Về sau ông được phong thêm là Mặc tướng hồng đồ, Thái Bảo
Hiện nay ông được phối thờ cùng đền thờ cha là Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
Sau khi ông mất con cháu tiếp tục nối nghiệp làm tướng trong triều Hậu Lê. Ông có bốn con trai đều làm tướng cùng triều và hai người con gái:
< >Nguyễn Cảnh Đại: Thự vệ sự, Dương Nghĩa hầu.Nguyễn Cảnh Hà: Thiếu phó, Tả Tư Mã, Thắng Quận công, Phò mã.Nguyễn Cảnh Cống: Tham đốc, Đô Úy, Lỵ Quận công, Phò mãNguyễn Cảnh Ất: Hiển Nghĩa hầu.Nguyễn Thị Ngọc (hiệu Nhất Nuơng) chồng là Uy lộc hầu.Nguyễn Thị Ngọc Quý.Nguyễn Cảnh Hà và Tham đốc, Đô úy, Lỵ quận công Nguyễn Cảnh Cống được Bình An vương Trịnh Tùng gả con gái. (https://vi.wikipedia.org/)
7.6. Nguyễn Văn Nghi là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Văn Nghi người làng Ngọc Bội, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1554 đời Lê Trung Tông, ông đỗ nhất giáp chế khoa.
Là người đoan chính, trọng khuôn phép, ông được Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện hàn lâm.
Năm 1556, Lê Anh Tông lên ngôi. Ông được cử vào cung dạy học cho vua, được vua Lê trọng vọng. Sang năm1557, ông được lên chức Cấp sự hộ khoa kiêm quản lý tài chính.
Sau đó Nguyễn Văn Nghi đổi sang làm Tả thị lang bộ Binh, Tổng ký lục chính dinh.
Năm 1580 thời Lê Thế Tông, ông sang làm Tả thị lang Bộ Lại, vào hầu vua trong điện kinh diên, kiêm học sĩ Đông các. Lê Thế Tông còn trẻ, lại được ông giảng dạy.
Không rõ Nguyễn Văn Nghi mất năm nào, được truy tặng là Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái bảo. Trong một năm đại hạn, người ta cầu ở đền thờ ông được mưa, nên vua Lê phong ông làm phúc thần.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:
“Ông là bậc danh nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời trung hưng”
Ông được thờ tại đền thờ Phúc Khê, thuộc làng Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá và là một di tích bằng đá hiếm thấy. (https://vi.wikipedia.org/)
7.7. Nguyễn Văn Giai (chữ Hán: 阮文階, 1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần "khai quốc" thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, ông đồng thời cũng là một nhà thơ.
Nguyễn Văn Giai, sinh năm Giáp Dần (1554), tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Khi đã có vốn chữ nghĩa, cần học lên, ông tìm đường ra xứ Bắc, làm thuê để tiếp tục học ở Thăng Long. Ông học rất thông minh, nổi tiếng về thơ Nôm và về tài ứng đối.
Năm 1579, nhà Lê trung hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa, ông lại ra thi và lại đỗ Giải nguyên.
Tháng 8 năm 1580, nhà Hậu Lê mở khoa thi Hội đầu tiên ở sách Vạn Lại, ông đi thi tiếp, đỗ Hội nguyên (đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân), rồi vào thi Đình đỗ luôn Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê trung hưng.
Ngay trong năm này, Nguyễn Văn Giai được Trịnh Tùng bổ nhiệm chức Tán ký lục trong quân đội. Ông đóng vai trò tham mưu kế sách quân sự trong trướng cho Trịnh Tùng, đóng góp công lao vào việc đánh bại nhà Mạc, chiếm kinh thành Thăng Long năm 1592. Năm sau, Nguyễn Văn Giai được thăng chức Đề hình Giám sát Ngự sử.
Năm 1608, ông được thăng làm Đô ngự sử. Lúc đó nhà Lê làm chủ Bắc Bộ, bắt đầu giao hiếu với nhà Minh. Trịnh Tùng giao cho ông và Đỗ Uông tới Nam Quan để hội khám nhưng tướng nhà Minh không đến.
Năm 1609, ông lại vâng mệnh lên Nam Quan hội khám cùng vua Lê. Năm đó gặp tướng nhà Minh. Sau khi tiếp kiến trở về, ông được thăng làm Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, nắm việc cả 6 Bộ kiêm Đô ngự sử, Thiếu bảo, Lễ quận công.
Năm 1623, con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân gây biến. Vua Lê Thần Tông phải chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Văn Giai tham gia bày mưu giúp chúa Trịnh dẹp yên biến loạn. Sau đó ông có công cùng đi đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, được thăng làm Thiếu úy, gia phong Dực vận tán trị công thần, rồi thăng làm Thái bảo, được xem là người có công lao đứng đầu lúc đương thời.
Ông mất khi đang tại chức ngày 13 tháng giêng năm Mậu Thìn, tức 27 tháng 2 năm 1628, thọ 75 tuổi. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ.
Dưới quyền cai quản của Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê trung hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dầu xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619 nhưng ông ra sức nắm cương triều chính, không để xảy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng. Khi có những mâu thuẫn tranh chấp giữa hai con Trịnh Tùng là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân, Nguyễn Văn Giai đã cố sức dập tắt, cuối cùng bắt được Xuân về cho Tùng trị tội, nhờ đó các thế lực phản loạn bị dẹp yên.
Để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã có sáng kiến lập ra Phủ Thừa tướng bên cạnh Phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê.
Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể. Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần: Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy. Nhưng ông cũng là người mang tư tưởng chính thống cứng nhắc, đem tài sức mình dựng lại một thế lực thực tế đã mất vai trò lịch sử.
Ông còn là một nhà thơ Nôm nổi danh, có cái cười trào tiếu và triết lý thâm thúy về mọi sự ở đời, tuy số lượng thơ để lại không nhiều.
Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,
Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn.
Công nghiệp chưa thành sanh cũng uổng
Quan tài sẵn đó chết thì chôn.
Giang hồ, lang miếu, trời đôi ngả,
Bị gậy, cân đai, đất một hòn.
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn
Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên đường Nguyễn Văn Giai nối đường Đinh Tiên Hoàng với đường Mai Thị Lựu.( https://vi.wikipedia.org/)
Theo http://giadinh.net.vn/,ngày 7 Tháng 2, 2011. Đạo sắc bằng lụa gấm, dài gần 5m vừa được phát hiện ở dòng họ Nguyễn Văn (Hậu Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một dải đạo sắc rất có giá trị. Ông Nguyễn Văn Tân- hậu duệ đời thứ 13 của danh thần Nguyễn Văn Giai, người đang trực tiếp lưu giữ đạo sắc này
Trước khi bê tráp gỗ đựng 43 đạo sắc còn lưu giữ được từ trên ban thờ xuống, ông Tân không quên "triệu tập" các bậc cao niên trong dòng họ đến thành kính làm lễ xin phép trước ban thờ tổ tiên. Trong khi ông Tân và các bậc cao niên dòng họ Nguyễn Văn làm lễ, có một cụ già 86 tuổi đứng bên tôi thì thầm: "Không phải ai cũng được họ đồng ý cho coi mô đâu (xem đâu). Tui (tôi) sống đã bạc đầu rồi mà vẫn mới chỉ nghe kể lại chứ chưa khi mô (bao giờ) được nhìn thấy đạo sắc một lần. Tui cứ ao ước mần răng (làm sao) coi (xem) đạo sắc một lần tui chết cũng thỏa mãn. Hàng năm, đến ngày giỗ tổ, bầy tui (chúng tôi) làm lễ cúng tại từ đường nhà tộc trưởng rồi để nguyên cả tráp ơ rứa (như thế) rước lên kiệu và rước ra đình thờ cụ chứ không hề bóc tách ra vì sợ mắc tội".
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục không thể thiếu, ông Tân đại diện cho cả dòng họ cẩn trọng bê tráp nhỏ, làm bằng gỗ lim, có sơn son thiếp vàng nhưng đã bị trầy xước khá nhiều xuống sân và nhẹ nhàng lần dở từng tấm đạo sắc. Trong mùi thơm của hương trầm, không gian như vỡ òa khi dải đạo sắc bằng lụa gấm được ông Tân lấy ra và trải dài trên tấm bạt đã trải sẵn trên sân.
Ông Tân cho biết, hiện dòng họ ông còn giữ được tất cả 43 đạo sắc, trong đó chỉ duy nhất đạo sắc này bằng lụa, còn lại là bằng giấy có hoa văn. Thực ra, ngày xưa số lượng đạo sắc nhiều gấp đôi số hiện có và ngoài dải đạo sắc bằng lụa gấm này còn có một dải đạo sắc tương tự. Nhưng vì chiến tranh loạn lạc, phải di chuyển nhiều nơi những đạo sắc đó đã bị thất lạc lúc nào không ai hay biết. Từ ngày hòa bình, con cháu dòng họ đã quyết định gom tất cả các đạo sắc lại để chung trong một tráp gỗ và thờ cúng trên ban thờ chứ không bao giờ lấy xuống, ngoại trừ ngày giỗ tổ.
Theo tìm hiểu, tất cả đạo sắc này là của các vị vua nhà Lê và nhà Nguyễn phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai - người đã từng làm tể tướng ba triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), là bậc "khai quốc" công thần nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh.
Hiện trên bia mộ của ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do chính vua Lê Kính Tông tặng trước lúc ông tạ thế:
"Quốc thạch trụ tam triều danh tướng
Địa giang sơn vạn cổ phúc thần"
(Tạm dịch nghĩa: Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/ Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương). Sau khi ông mất được 60 năm, con cháu dòng họ Nguyễn Văn đã lập một tấm bia đá ghi lại công trạng của ông qua các thời kỳ lịch sử. Hiện trong đền thờ của ông còn lưu giữ nguyên xi tấm bia đá này cùng với hai bản di huấn dạy con cái trong nhà và các quan chức dưới quyền của ông thời bấy giờ về đạo lý làm con, làm tôi.
Theo tìm hiểu, trong 43 đạo sắc còn lưu giữ được, có một số đạo có niên đại khá sớm: 3 đạo có niên hiệu Quang Hưng năm thứ 14 (1593), Quang Hưng năm thứ 16 (1595), Quang Hưng năm thứ 20 (1599); 1 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), 2 đạo có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 (1607), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 9 (1608), 2 đạo niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1611), 1 đạo Hoằng Định năm thứ 19 (1618)… Phần lớn trong số đó đã bị rách do ẩm ướt và mối mọt. Ngoài ra, chưa hề có đạo sắc nào được phiên âm, dịch nghĩa.Vua ca ngợi hết lời
Trước đây, số sắc phong đó được thờ tại đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai, nhưng do điều kiện bảo quản không đảm bảo nên vào khoảng những năm đầu thập niên 1970, hội đồng gia tộc Nguyễn Văn mới quyết định chuyển về gia đình ông Nguyễn Văn Tân để tôn thờ và bảo quản.
Riêng đạo sắc bằng lụa gấm có chiều dài 4,5m, rộng 0,5m, màu vàng, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng ngang, 5 hàng dọc, được viết trực tiếp lên lụa. Qua khảo cứu sơ bộ, ông Hồ Bách Khoa - Phó phòng Quản lí di sản của Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách nên chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua. Tuy nhiên, bằng các nghiệp vụ chuyên môn, bảo tàng đã xác định được đạo sắc có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.
Còn dựa vào nét chữ trên đạo sắc, PGS - TS Hán Nôm Nguyễn Văn Thịnh nhận định: Chữ viết trong đạo sắc rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp. Đây là kiểu chữ Khải đá hành (kiểu chữ chân phương được mềm mại hóa) rất đặc trưng của dạng chữ Khải thời Lê. Ngoài ra, nếu xem qua nội dung của dải đạo sắc có thể thấy đây là một dạng "chế" chứ không phải "sắc".
"Chế cũng là một dạng đạo sắc mà nhà vua hay dùng để ban truyền, phong tặng cho một ai đó (tương tự giấy khen, bằng khen thời nay), nhưng chế có phạm vi rộng hơn. Chế không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định như sắc mà có thể nói được nhiều điều hơn. Với thể loại chế, nhà vua có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật mà Ngài muốn ban tặng…" - PGS, TS Nguyễn Văn Thịnh nói.
Hòa thượng Thích Thanh Nguyện - Trụ trì chùa Linh Ứng, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội sau khi xem xét phần nguyên tác chữ Hán đã cho biết, nội dung chính của đạo sắc này là nhà vua thuận theo mệnh trời đặc tiến cho Kim Tử Vinh Lộc đại phu, chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô Ngự sử của Ngự sử đài, Vĩnh Lộc hầu, là bậc trụ quốc (chỗ dựa của đất nước) Nguyễn Văn Giai.
Ông vốn là bậc chân nho trong một gia đình khoa bảng, từng làm trụ cột cho nhà vua trong việc chỉnh đốn đất nước. Ông là người có tài kinh bang tế thế, giỏi cả văn lẫn võ, bày đặt mưu lược cho nhà vua, giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước láng giềng. Sinh thời ông cũng là người bộc trực, thẳng thắn, luôn làm theo lẽ phải và lúc nào cũng hết mình vì dân, đề cao chữ đức.
"Nhìn nhận về giá trị văn học thì đây là một bài “chế” giàu giá trị văn học vì nó mang nhiều cảm xúc chủ quan của người viết. Riêng về giá trị lịch sử thì rõ ràng nó đề cập khá đầy đủ chân dung của một vị danh thần, có nhiều đóng góp với triều đình qua nhiều giai đoạn lịch sử. Còn xét ở góc độ văn hóa thì đây đúng là một di sản quý hiếm, cần phải được nghiên cứu và bảo tồn" - Hòa thượng Thích Thanh Nguyện nói.
Soi chiếu vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, Nguyễn Văn Giai từng được nhà vua và sĩ phu Lê - Trịnh nhiều đời tôn xưng là một công thần bậc nhất bởi ông là người trực tiếp tham dự vào công cuộc đánh Mạc, khôi phục lại ngai vàng cho nhà Lê. Ông đã từng hai lần cùng với đại quân Lê - Trịnh nắm giữ các đạo quân tiến ra Bắc, chiếm lại Thăng Long từ quân nhà Mạc, bình định thành trì. Sau đó lại giúp nhà Lê thu phục lại Thăng Long, xa giá vua Lê trở về kinh thành. Tiếp đấy, ông còn được cử đi dẹp dư đảng của nhà Mạc và chủ trì việc giao hảo với Trung Quốc, để Trung Quốc thừa nhận nhà Lê Trung hưng.
Cuộc thương nghị kéo dài trên một năm, từ tháng Ba năm 1596 đến tháng Tư năm 1597 mới hoàn tất. Ông còn được nhà vua giao chuyên việc từ hàn, soạn văn thư đặt quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Năm 1599, Mạc Kính Cung lên ngôi vua, cấu kết được với một số võ tướng Lê - Trịnh đã kéo đại quân về bao vây Thăng Long khiến vua Lê Kính Tông phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Văn Giai lại cùng Trịnh Tùng xuất quân đốc chiến, đánh bại quân Mạc, giành lại Thăng Long. Sau trận này ông được thăng Hữu Thị lang Bộ Lại.
Năm 1600, Mạc Kính Cung cất quân đánh xuống Thăng Long một lần nữa. Đang lúc về quê chịu tang cha nhưng ông vẫn trở lại kinh đô dẫn quân băng vào sào huyệt đánh lui quân giặc và được phong Đô ngự sử ở Ngự sử đài. Năm 1604, ông được phong Thượng thư Bộ Hộ và hai năm sau được gia phong Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Hầu. Đến năm 1612, được đặc phong Quận công. Năm 1617 thăng lên Thiếu phó và chỉ một năm sau được giao quyền cai quản cả lục bộ. Ông cùng Trịnh Tráng (1623-1657) thân chinh đi đánh Mạc Kính Khoan (1623-1638) thắng trận, trở về được thăng Thiếu úy, liệt vào hàng “Kiệt tiết tuyên lực dực vận tán trị công thần”.
Trong những năm vua Lê chúa Trịnh có nhiều lục đục, tranh giành quyền bính, Nguyễn Văn Giai là người đứng ra giải quyết êm thấm những sự cố đầy bi thương này. Ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn, tức 27 tháng Hai năm 1628, ông mất tại chức, được truy phong chức Tư đồ. Các triều đại sau đều ra sắc chỉ nâng chức tước, phẩm hàm của ông lên những bậc cao hơn.
7.8. Nguyễn Đăng (1577-?) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Đăng người làng Đại Toán, huyện Quế Dương, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Ông có học vấn sâu xa, sở trường về thơ Đường luật và phú tám vần. Mỗi bài ông soạn ra đều được mọi người truyền tụng cho là bài mẫu, đến nỗi mang tiền đến xin mua văn của ông.
Nguyễn Đăng đi thi Hương, đỗ Giải nguyên. Năm 1602 đời Lê Kính Tông, ông đỗ Hội nguyên. Cả 4 kỳ thi ông đều đứng đầu hạng ưu; sau đó vào thi Đình, ông đỗ Hoàng giáp đình nguyên, ứng chế đỗ thứ nhất.
Văn chương của Nguyễn Đăng hơn các đồng nghiệp, được triều đình tôn trọng.
Năm 1603, Nguyễn Đăng cùng Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Đường Xuyên đi sứ nhà Minh. Dọc đường, ông ngâm vịnh thơ cùng các quan lại Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên, có nhiều câu hay. Khi đi qua Phi Lai, ông làm bài phú 8 vần, được mọi người truyền tụng. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có chép lại bài phú này.
Khi đi sứ về, ông được thăng làm Hữu bộ thị lang Bộ Hộ, tước Phúc Nham hầu.
Ít lâu sau ông qua đời không rõ năm nào, được phong làm phúc thần ở xã Hán Đà, trước thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, nay thuộc huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái.( http://vi.wikipedia.org/)
Theo http://bacninh.gov.vn/: Thần tích kể rằng: Bấy giờ 4 thôn Tỏi đều có nghề đan dó bị bằng cói. Nhà nghèo, Nguyễn Đăng thường phải gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Đến đâu thấy có trường học là Nguyễn Đăng lân la tới gần, đứng ngoài học lỏm. Có một thầy đồ thương tình nhận vào cho học. Nguyễn Đăng nghèo không đủ tiền mua giấy bút, thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nhưng Nguyễn Đăng lại tưởng là tấm ván quan tài, cho nên hôm sau chàng liền vác sang nhà thầy một tấm ván thượng mà người ta cất mả vứt bỏ ở bãi tha ma. Bọn học trò thấy thế cười ồ cả lên chế nhạo. Thầy đồ nhìn tấm ván mà rằng:
Các trò chớ coi thường Nguyễn Đăng. Cậu bé này về sau sẽ làm đến thượng quan đó, chúng ta không theo kịp đâu.
Một lần, Nguyễn Đăng đi học gặp mưa phải vào đình Hán Đà, bấy giờ quan viên trong đình đang làm lễ tế thần. Khi Nguyễn Đăng vào đến cổng thì đèn nến trong đình tự dưng phụt tắt, chiêng trống vấn khua nhưng chẳng hiểu tại sao không phát ra tiếng kêu. Lễ tế thần đành phải dừng lại. Lúc ấy, thần hoàng đình nhập vào chủ tế nói rằng:
Có quan bác tới chơi, phải ra nghênh tiếp.
Mọi người tìm khắp cả đình, chỉ thấy Nguyễn Đăng ngồi co ro tránh rét ở giải vũ, mới mời ngồi vào chiếu thần vị. Vừa lúc ấy đèn nến lại tự dưng cháy sáng, chiêng trống lại kêu vang, ai nấy làm ngạc nhiên lắm.
Sau, Trạng Tỏi Nguyễn Đăng đi sứ, được vua nhà Minh phong làm Trạng nguyên.
Lúc về qua làng Hán Đà, tự nhiên vô bệnh mà mất. Dân làng Hán Đà nhớ đến chuyện xưa liền lập bàn thờ ông, gọi là đền Trạng nguyên. Bốn giáp Đông Ngạn, Tây Ngạn, Đông Đà, Tây Đà phiên phụng sự.
Đó là ký ức dân gian được các quan bộ lễ sưu tập đưa vào thần tích, vậy nên đã có phần huyền thoại hóa. Song qua đó, có thể thấy rõ phần cốt lõi hiện thực là khiếu thông minh, hiếu học, tài năng, đức độ của Nguyễn Đăng. Đồng thời, đó cũng là thể hiện sự mến mộ của dân gian đối với ông.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần “Khoa mục chí” ghi về sự đỗ đạt của Nguyễn Đăng như sau:
“Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 3 (1602), khoa nhâm dần, lấy đỗ tiến sĩ 10. Hội nguyên, đình nguyên, hoàng giáp: Nguyễn Đăng, thi hương, hội đình đều đỗ đầu”.
Chính vì từ thi hương đến thi đình ông đều đỗ đầu nên thời bấy giờ người ta gọi là Tam nguyên Nguyễn Đăng, mặc dù khoa thi đình ấy không lấy Trạng nguyên mà người đỗ đầu gọi là Hoàng giáp. Trường hợp này giống như ông Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi nho học tam trường năm 1075, khi đó vua Lý Nhân Tông cũng không lấy Trạng nguyên.
Với quan niệm người đỗ đầu khoa thi đình là Trạng nguyên, nên khi Nguyễn Đăng mất, người ta lập đền thờ gọi là đền Trạng nguyên. Còn như khẩu khí dân gian thì quen gọi ông với cái tên gần gũi, chân quê: Trạng Tỏi (tức là ông Trạng làng Tỏi)
Cách gọi ấy âu cũng là tấm lòng mến mộ của người đời đối với ông vậy!
Nguyễn Đăng làm quan được thăng tới chức Hộ bộ tả thị lang, tước Phúc nham hầu. Ông đã từng phụng mệnh vua đi sứ nhà Minh phong làm Trạng nguyên, vì thế mà không ít người quen gọi ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần “nhân vật chí” viết về chuyến đi sứ và tài thơ phú của Nguyễn Đăng: “Văn chương của ông hơn các bậc đồng bối..Năm quý sửu (1613) ông cùng Lưu Đình Chất, Nguyễn Đường Xuyên vâng mệnh vua đi sứ Minh. Dọc đường ngâm vịnh và họa đáp các bài thơ của người Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên, có nhiều câu hay. Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài phú tám vần, mọi người tranh nhau truyền tụng”
Về sự nghiệp văn chương, Nguyễn Đăng để lại cho người đời sau tác phẩm “Phi Lai tự phú”. Sách “Danh thần danh nho truyện ký” chép rất tỷ mỉ về bài phú nổi tiếng này. Sách viết rằng Nguyễn Đăng “về từ phú đứng đầu thiên hạ. Đàn bà, trẻ con ai cũng biết tên, đặt câu mà nói rằng “Phú ông Tỏi, hỏi làm chi!”…Ông cùng Thượng thư Lưu Đình Chất đi sứ Trung Quốc. Lưu cũng là người nổi tiếng giỏi phú, ngày thường nghe tiếng ông vẫn có ý không phục. Gặp lúc cùng đi công cán, dọc đường qua chùa Phi Lai, mới ngầm soạn một bài phú tám vần, điệp thể, sớm chiều gọt rũa, tự lấy làm đắc ý. Khi tới chùa, Lưu mới bảo ông làm bài phú. Ông vẩy bút một chốc mà thành. Hai thể so nhau. Lưu bất giác thán phục. Tục truyền rằng người Trung Quốc thấy bài phú của ông (Nguyễn Đăng) đều xuống ngựa vái lạy và khắc bài phú ấy vào bia đá đề ở cạnh chùa…”
Chùa Phi Lai nằm trên núi Phi Lai thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Truyền rằng vào đời Tấn, một nhà sư Ấn Độ tên là Tuệ Lý leo lên núi đó ngạc nhiên mà than rằng “Đây là một ngọn nhỏ của núi Linh Thứu nước Tây Trúc (đất Phật) không biết bay về đây (Phi Lai) từ năm nào”, nhân đó mới đặt tên là núi Phi Lai. Lại có truyện cho rằng: Xưa, có con vượn trắng tu ở chùa Phi Lai đắc đạo, hóa thành mỹ nữ gọi là Viên Thị. Viên Thị gặp Tôn Khác rồi lấy nhau sinh được hai con. Rồi đó, Viên Thị hết hạn ở hạ giới phải về trời. Tuy ở cõi tiên, nhưng Viên Thị lại đau khổ vì không thể quên những ngày hạnh phúc đã được hưởng ở chốn trần gian. Thượng đế thương tình cho nàng xuống tái hợp với Tôn Khác…
Nguyễn Đăng đã cảm hứng trước những truyền thuyết trên mà làm ra bài “Phi Lai tự phú” Ông Nguyễn Khắc Hạnh dịch như sau (trích):
“Sự việc cần nghiên cứu về thời cổ, lý luận còn chiêm nghiệm ở đời nay.
Lạ, miệng nhẩm dễ tin, buồn, dấu xưa khó kiếm.
Miệng cứ đồn chùa có thể bay, lơ lửng tầng không xòe cánh phượng.
Tai vẫn nghe chuông dồn độ cuối, vang vang xa lắng tiếng chày kình
Nọ loài vật sánh làm chồng vợ, mà kìa ai lẫn với thú câm.
Tuy: Lý không lời hư nhuyễn, không là sắc, sắc là không.
Nhưng: Khách có hứng đăng lâm, phật tức tâm, tâm tức Phật”
Trạng Tỏi Nguyễn Đăng mất vào khoảng những năm 1638 – 1639. Tuy ông chỉ hưởng thọ hơn sáu mươi tuổi, nhưng ngày nay – gần 400 năm sau, người dân quê hương ông vẫn thờ phụng, vẫn ghi nhớ, truyền tụng và mãi tự hào về ông Trạng Tỏi Nguyễn Đăng hiếu học, tài hoa. Đền thờ ông ở làng Hán Đà, xã Hán Quảng (Quế Võ) đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.
7.9. Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652) quê ở thôn Yên Lan, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguyễn Duy Thì là một danh nhân văn hóa tầm cỡ quốc gia. Tại khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đời vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, được triều đình Lê Trịnh trọng dụng. Ông đã hai lần đi sứ Trung Quốc (năm 1606 và 1620) được cả triều đình nhà Minh nể phục. Khi trở về ông được phong làm Thiêm ngự sử, tước Phương Tuyền bá.
Nguyễn Duy Thì dâng khải lên chúa Trịnh Tùng, khuyên làm những điều nhân đức có lợi cho dân chúng. Ý kiến của ông được Trịnh Tùng khen ngợi và nhận lời làm theo.
Trịnh Tùng làm chúa, lấn át quyền hành của vua Lê Kính Tông. Vua Lê liên kết với con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân để chống lại.Năm 1616, ông được đổi sang làm Đô ngự sử rồi thăng Tả thị lang bộ Lễ.
Năm 1619, Trịnh Xuân nhân danh giúp Lê Kính Tông, khởi binh chống lại Trịnh Tùng. Lúc đó Nguyễn Duy Thì cùng Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ đều khuyên Trịnh Tùng làm việc phế lập, với danh nghĩa theo gương phụ chính của Hoắc Quang nhà Hán phế Xương Ấp vương Lưu Hạ. Trịnh Tùng nghe theo, bèn bắt giết Lê Kính Tông và Trịnh Xuân, lập vua mới là Lê Thần Tông lên ngôi.
Thời Lê Thần Tông, Nguyễn Duy Thì được đổi sang làm Tả thị lang Bộ Lại, tước hầu. Năm 1623 vì có công hộ giá vua và đi sứ nhà Minh, ông được phong làm Vận Dực tán trị công thần.
Năm 1626, ông được thăng làm Thượng thư Bộ Công, rồi Tuyền quận công, gia thăng làm Thiếu phó.
Năm 1642, ông đổi sang làm Thượng thư bộ Binh, rồi gia thăng làm Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, giữ việc 6 Bộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, coi học viện Hàn lâm. Sau đó ông được thăng làm Thái phó, được mở phủ gọi là Bỉnh Quân.
Cùng năm ông qua đời, thọ 81 tuổi, được truy tặng là Thái tể.(http://vi.wikipedia.org/).
Theo PGS.TS Ngô Đức Thọ, cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã được nhiều cuộc hội thảo đề cập, cũng như được ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều văn bia, sắc phong dành cho ông.
Vào thời đó, chính quyền triều Lê - Trịnh tuy đã thiết lập khá ổn định, trong nước đã tương đối được yên bình, nhưng do cuộc nội chiến với nhà Mạc suốt mấy chục năm khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều chưa phục hồi, mất mùa liên tiếp nhiều năm. Lo lắng trước tình đó, tháng 8 năm Hoằng Định 13 (tức tháng 9 năm 1612), Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát ngự sử Phạm Trân (TS năm 1592 đời nhà Mạc) và mấy đồng liêu khác nữa đã trình lên chúa Trịnh Tùng một bản khải văn bày tỏ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, nêu lên những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai họa thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người.
Tờ khải viết: "Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay Thánh thượng (chỉ chúa Trịnh - TG) để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy... Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời và chuyển tai họa thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy”.
Triết vương Trịnh Tùng khen và phê chuẩn các điều trong bài khải của Nguyễn Duy Thì. Khoảng cuối năm 1613, triều đình sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu dạt thì tha tạp dịch 3 năm để về yên cư phục nghiệp.
Những điều mà Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì làm tới giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ông được chia ấp. Sau này, khi ông mất đi, dân lập thành phủ thờ ông. Nay con cháu vẫn còn hương khói và giữ được các sắc phong dành cho ông và người con trai cả Nguyễn Duy Hiểu.
Vẫn theo PGS.TS Ngô Đức Thọ thì hơn 50 năm giữ trọng trách dưới 3 triều vua 2 đời chúa, uy danh Thái Tể Nguyễn Duy Thì lừng lẫy một giai đoạn nhiều biến động lịch sử đầu thời Lê Trung hưng. Nguyễn Duy Thì là nhà chính trị có tài, biết lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người dân. Tờ Khải năm 1612 do ông khởi thảo có tác dụng với đương thời và được lưu ghi trong sử sách. Ông còn là nhà Nho có uy vọng, nhiều năm giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám - trường đại học đào tạo nhân tài Nho học cho các triều đại Việt Nam.(http://www.baomoi.com/).
Sách “Toàn Việt thị lục” của Lê Quý Đôn đã có những dòng chữ trang trọng khắc ghi về uy danh Tướng công Nguyễn Duy Thì.
Suốt 50 năm làm quan, ông lần lượt được thăng chức từ Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, đến những chức ngang hàng Tể Tướng, giúp chúa Trịnh điều hành mọi công việc trong phủ Chúa.
Nguyễn Duy Thì là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân.
Ngày nay, tên ông được đặt cho một trường trung học ở thị trấn Quang Hà, huyện Bình Xuyên; phủ đường nơi ông làm việc ở quê, được người dân Thanh Lãng sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng khi ông mất và tồn tại đến ngày nay đã hàng trăm năm.
Ghi nhận những giá trị kiến trúc và văn hóa của đền thờ ông, năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là Vĩnh Phúc) đã công nhận đền thờ Tướng công Nguyễn Duy Thì là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hàng năm vào ngày 11 tháng 9 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Duy Thì, nhân dân địa phương, nhân dân các xã trong vùng với lòng thành kính đã về dâng hương tưởng niệm tại di tích, nhiều trò chơi dân gian mang sắc thái truyền thống quê hương cũng được tổ chức, như chọi gà, chơi đu, cờ người rất tưng bừng náo nhiệt.(http://mobile.coviet.vn/)
7.10. Nguyễn Danh Thế (1573-1645) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Danh Thế người làng Viên Nội, huyện ứng Hòa, Hà Nội. Năm 1595 đời Lê Thế Tông, ông đi thi lần đầu đỗ ngay đồng tiến sĩ khi 23 tuổi.
Thời Lê Kính Tông (1600-1619), ông làm Hiệu thảo Viện Hàn lâm, nhưng vì có tang nên xin ở nhà.
Tuy nhà Lê đã trung hưng nhưng thế lực nhà Mạc còn mạnh. Mạc Kính Cung lập mẹ Mạc Mậu Hợp (đã chết năm 1592) là Bùi thị làm quốc mẫu, mang quân tiến vào Thăng Long. Trịnh Tùng phải rước vua Lê chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Danh Thế đang có tang ở nhà, ẩn náu không ra theo họ Mạc.
Khi quân Trịnh Tùng kéo ra đánh đuổi quân Mạc, khen thưởng Danh Thế trung thành với nhà Lê, phong ông làm Hiến sát ở Sơn Tây. Ít lâu sau ông được gọi làm Đô cấp sự trong Hộ Khoa (Cơ quan trong phủ chúa Trịnh, tương đương Bộ Hộ của vua Lê), Bồi tụng trong phủ chúa. Sau đó ông lại được điều làm Thái bộc khanh.
Đầu năm 1606, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh, khi trở về được thăng làm hữu thị lang bộ Lại, tước tử.
Đầu năm 1609, ông cầm quân đi đánh Mạc Kính Chỉ ở Thái Nguyên nhưng không gặp quân Mạc nên trở về.
Năm 1616, ông được phong làm Tả đường bộ Hộ; cuối năm 1618 đổi sang làm Đô ngự sử.
Năm 1621, ông lại ra làm Đốc thị trấn thủ Lạng Giang. Cuối năm đó chúa Trịnh ra quân đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, Nguyễn Danh Thế theo Trịnh Tráng tiến quân phá được quân Mạc.
Năm 1623, Trịnh Xuân làm loạn, Danh Thế cùng thế tử Trịnh Tráng dẹp loạn. Ông bàn mưu với Trịnh Tráng đón vua về Thanh Hóa, tập hợp các lộ quân thủy bộ dẹp Trịnh Xuân. Sau khi dẹp yên Trịnh Xuân, ông được thăng làm Thượng thư bộ Công và phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Đoan Dương hầu.
Cuối năm 1624, ông làm Đốc thị theo đường Thái Nguyên đánh họ Mạc ở Cao Bằng có công. Sang năm sau ông được phong làm Thiếu phó.
Năm 1626 ông sang làm Thượng thư bộ Hình, xét xử việc kiện cáo trong nước. Lúc này Trịnh Tráng chuẩn bị đánh Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Hóa, sai ông cùng Nguyễn Khải mang quân đến huyện Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) sắp đặt việc biên giới phía nam với họ Nguyễn. Sang năm sau (1627), Trịnh Tráng rước Lê Thần Tông đi thân chinh nhưng quân Nguyễn phòng thủ vững không phá được nên sai Nguyễn Danh Thế viết thư dụ Nguyễn Phúc Nguyên nhưng không kết quả. Quân Trịnh phải rút về.
Cuối năm 1627, ông được kiêm chức Đô ngự sử. Năm 1629, ông thăng lên chức Đường quận công. Năm 1632 ông làm Tham tụng, dự bàn việc nước, ít lâu sau lại gia phong làm Thái bảo.
Năm 1638, ông làm tham mưu theo Trịnh Tráng đi đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng.
Năm 1640, Nguyễn Danh Thế được giao thêm việc ở Đông các, coi việc tòa Kinh diên và kiêm Thượng thư bộ Lễ.
Đầu năm 1643, vua Lê chúa Trịnh lại đi đánh họ Nguyễn ở Thuận Hóa, sai ông ở lại trấn thủ kinh thành Thăng Long.
Năm 1645, ông qua đời, thọ 73 tuổi, được triều đình truy tặng là Thái phó, Thượng thư bộ Hộ, Tả tư không, thụy là Văn Trung.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:
Ông giữ mình ngay thẳng cứng cỏi, biết cách làm việc chính trị, quen việc binh; làm quan trong kinh ngoài trấn cả thảy 50 năm, là người bề tôi giỏi lúc bấy giờ.(http://vi.wikipedia.org/)
7.11. Nguyễn Cảnh Hà (1583-1645) giữ chức Thiếu phó Tả tư mã Đô úy tước Thắng quận công. Người gốc xã Ngọc Sơn huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Làm tướng nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Ông là đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Cảnh nổi tiếng ở Nghệ An, xuất thân trong gia đình tướng lĩnh nhiều đời làm tướng. Ông nội là Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, cha Thái bảo Tả tư không Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, mẹ người họ Nguyễn ở huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An) cháu mấy đời của Cương quốc công Nguyễn Xí. Do có nhiều công lao với triều đình, ông được chúa Trịnh ban quốc tính nên còn có tên gọi khác là Trịnh Tông.
Nguyễn Cảnh Hà xuất thân từ gia đình nhà võ, nên ông cùng các anh em của mình như Cảnh Đại, Cảnh Cống theo cha là Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên đánh trận từ nhỏ, phục dịch trong doanh trại của cha và theo hiệu lệnh sai phái.
Năm 1601 Trịnh Tùng ra lệnh Đông chinh tiêu diệt nhà Mạc. Nguyễn Cảnh Kiên làm tiên phong, theo lệnh Cảnh Hà cùng với các tướng giết được Nga quận công, Nam quận công, bắt sống được Tào quận công và Vị quận công nhà Mạc. Thu được nhiều tàu thuyền, hàng binh, chiêu nạp vỗ về dân chúng. Bấy giờ Cảnh Hà mới 18 tuổi, Trịnh Tùng qua theo dõi đã hết lời khen, lại thưởng cho kim bài.
Tháng 8/1601 vua Kính Tông trở về kinh đô Thăng Long triều đình bình công khen thưởng cho các quan văn võ, Nguyễn Cảnh Hà được phong Quảng phú hầu.
Tháng 9/1601 Nhờ có công bắt được Ngụy Kiền Vương lúc này đã trốn vào chùa Mô Khê, hóa trang bằng cách, cắt tóc, cạo răng giả làm sư để xóa đi tung tích, nên chúa Trịnh Tùng được tin, vỗ tay tán thưởng rằng:
"Thiên hạ đấu nhau hạng dũng mãnh có nhiều. Riêng Quảng phú hầu, cháu của Tấn quốc công, con của Thư quận công là hạng danh gia phiệt duyệt, trí dũng hơn đời, trèo non, vượt biển xông pha nguy hiểm như vào chốn không người, ai dám đối địch?".
Nói xong bèn cho triệu vào gặp, Vương rất hài lòng bèn phán bảo Cảnh Hà rằng:
"Ông nội của anh đã có nhiều công lao đối với đất nước. Nay anh lại phá được giặc, tài năng xuất chúng có thể làm một Phò mã để đáp công xưa".
Cảnh Hà lạy tạ lui ra, sau đó Trịnh Thị Ngọc Thanh là con gái của Trịnh Tùng được gả cho ông.
Năm 1613 Nguyễn Cảnh Hà cùng với gia quyến cho tu bổ cầu cống, đường sá tại quê hương thôn Bụt Đà (thuộc Đô Lương ngày nay), tháng 11/1615 lại cho trùng tu lại chùa trên núi Bụt Đà thêm khang trang, sạch sẽ.
Năm 1618 do có nhiều công lao, Cảnh Hà được thăng làm Chưởng vệ sự Thắng quận công, người con gái cả là Nguyễn Thị Ngọc Thơm tiến cung làm phi tần của vua Thần Tông được đặc biệt sủng ái. Bấy giờ thế tử Trịnh Tráng thấy cha là Bình An Vương tuổi già sức yếu, em là Trịnh Xuân lại có ý làm phản. Nghệ An là đất trọng yếu nên Trịnh Tráng tâu vua cử Nguyễn Cảnh Hà vào trấn giữ.
Tháng 7/1626 Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cầm quân cử Nguyễn Cảnh Hà làm tiên phong tiến đánh nhà Mạc lúc này đang chiếm cứ Cao Bằng. Cảnh Hà đốc thúc quân lính phá vỡ thành lũy, đốt cháy doanh trại, quân Mạc số bị giết số còn lại trốn vào sào huyệt.
Năm 1639 nhà Mạc lại chiếm cứ địa phận Hồi Trang thuộc hai huyện Đông Triều và Chí Linh. Chúa Trinh Tráng cử Nguyễn Cảnh Hà tới Hồi Trang bắt đảng ngụy và vỗ về dân chúng, chỉ trong ba bốn hôm đã đến nơi, bắt được đảng ngụy đóng cũi giải về Kinh sư, chiêu an trăm họ, với chiến công này ông được gia thăng Thiếu phó Tả tư mã. Bấy giờ triều đình coi Nguyễn Cảnh Hà như chân tay tâm phúc, được vào triều dự bàn chính sự, cấp cho quân 4000, dân 4 huyện Nam Đường, Chân Phúc,Thanh Miện, Phù Dung, ngựa hơn một trăm con, voi 30 thớt cùng thuyền son, thuyền sắt.
Năm 1643 lúc này Cảnh Hà đã ngoài sáu mươi tuổi, qua nhiều năm bôn ba ngoài chiến trường ông được gọi về triều, lại được cấp cho kỷ trượng để dưỡng lão. Ngày 6/9/1645 ông mất tại phủ đường thọ 63 tuổi chúa Thanh Vương đau xót ra lệnh bãi chầu 3 ngày, cấp cho 2000 quan tiền cổ, 15 thuyền chiến đưa linh cữu về an táng tại quê nhà.
Hiện nay được phối thờ cùng với ông nội Nguyễn Cảnh Hoan tại đền thờ xã Tràng Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An
Ông có nhiều vợ trong đó có một vợ là con gái của Lai quận công Phan Công Tích, một vợ là con gái của chúa Bình An Vương Trịnh Tùng, các bà vợ sinh cho ông 11 con trai và 8 con gái. Các con trai ông tất thảy đều được phong Quận công hoặc tước hầu trong đó có Nguyễn Cảnh Quế làm đến Tả đô đốc Phó tướng Liêu quận công, vợ là Trịnh Thị Ngọc Loan con gái của chúa Nghị vương Trịnh Tráng, Nguyễn Cảnh Ích làm Đề đốc Gia quận công lấy quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cẩn. (http://vi.wikipedia.org/)
7.12. Nguyễn Cảnh Cống(1585-19/5/1643) Tham đốc Đô úy Lỵ quận công; người làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An làm tướng trong triều đình Hậu Lê Việt Nam.
Ông là đời thứ 7 của dòng họ Nguyễn Cảnh tại Nghệ An; Cha là Thái Bảo, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, vợ ông là Trịnh Thị Ngọc Thịnh con gái của Bình An Vương Trịnh Tùng, có 2 con trai cũng làm tướng cùng Triều: Thọ lộc hầu (không rõ tên) và Tùy trung hầu Nguyễn Cảnh Sử. Hậu duệ hiện nay tập trung chủ yếu tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương. (http://vi.wikipedia.org/)
7.13. Nguyễn Ư Dĩ (? - 1602)
Nguyễn Ư Dĩ có tài liệu ghi là Ư Kỷ, tự là Vô Sự, quê Hải Dương, sau dời vào Thanh Hoá, Ông là anh vợ của Nguyễn Kim, là cậu ruột Nguyễn Hoàng, ông từng giữ chức Thái phó Uy quốc công triều Lê ở Thanh Hoá.
Năm 1532, ông cùng Nguyễn Kim tái lập nhà Lê, lập Lê Duy Ninh lên ngôi tại Lào, tức là vua Lê Trang Tông, chiêu mộ binh sĩ, chuẩn bị về chống lại nhà Mạc. Ông là người có công muôi dưỡng và dạy dỗ Nguyễn Hoàng từ thuở ấu thơ và lo liệu cho Nguyễn Hoàng làm chúa phương Nam.
Năm 1548, ông thấy Trịnh Kiểm (rể Nguyễn Kim) sau khi ám hại Nguyễn Uông, còn muốn trừ nốt Nguyễn Hoàng. Ông bàn với bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, mới có thể sống sót. Trịnh Kiểm chấp thuận vì nghĩ rằng vào Thuận Hoá nơi xa xôi, rừng thiêng nước độc, coi như Nguyễn Hoàng bị đày. Năm 1569, ông với Tống Phúc Trị, Mạc Cảnh Huống... cùng thân thuộc theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. Từ đấy Đàng Trong phát triển đời sống dân chúng và lực lượng quân ngũ mạnh mẽ, đủ sức đối đầu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm 1593, ông cùng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ra Bắc Hà dẹp loạn cho vua Lê, chúa Trịnh. Đến năm 1600, dẹp loạn xong, ông hiến kế Nguyễn Hoàng, lén giong buồm về Thuận Hoá. Ông là người suốt đời lo liệu cho chúa Nguyễn. Trong các công thần của chúa Nguyễn, ông đứng đầu, nên được liệt thờ chung với Nguyễn Kim ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hoá). Đến thời vua Thiệu Trị, được truy tặng khai quốc công thần, thuỵ Trung Trinh, tước Uy quốc công, được liệt thờ trong Thái miếu ở Huế.
Cảm phục: Nguyễn Ư Dĩ
Nguyễn Ư Dĩ, nguyện thủy chung lòng!
Lo lường Chúa Nguyễn, giữ Đàng Trong
Nhọc nhằn hung hiểm, không ngần ngại
Nguyễn triều vĩnh viễn nhớ nhung công!(https://vietbao.com/, 12/06/2015)
Kỳ thú cổ vật: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng
Nằm giữa cánh đồng làng thuộc tỉnh Quảng Trị, pho tượng Nguyễn Ư Dĩ bằng đồng khối nặng hơn 300 kg và trên dưới 500 năm tuổi như một chứng nhân lịch sử với nhiều huyền thoại.
Đối với những nhà sử học, khảo cổ học thì tượng Nguyễn Ư Dĩ là một báu vật để nghiên cứu. Với người dân thôn Trà Liên Tây (xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, Quảng Trị), tượng này là hiện thân của bậc thánh nhân, là “thành hoàng” của thôn làng được thờ cúng với nhiều nghi thức tâm linh. Không ai biết tác giả và niên đại chính xác của pho tượng nhưng theo các cụ cao niên trong thôn Trà Liên Tây, bức tượng này có “tuổi” trên dưới 500 năm, được đúc bằng đồng đặc. Trước đây, tượng được thờ ở chùa Liễu Bông (cũng thuộc thôn Trà Liên Tây, khá gần QL1), về sau được đưa về cánh đồng cạnh đình làng để tiện hương khói.
Thường bị trộm rình rậpNguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử có thật, tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía nam của Nguyễn Hoàng (vị chúa đầu tiên của vương triều Nguyễn). Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nhiều trung thần của nhà Lê không phục vua mới, trong số đó có Hữu vệ Điện tiền tướng quân An thành hầu Nguyễn Kim. Ông trốn sang Ai Lao (tên cũ dùng gọi nước Lào), chiêu mộ quân sĩ rồi đi tìm và lập người con út của vua Lê Chiêu Tông là Duy Ninh lên ngôi (Lê Trang Tông) tính việc khôi phục. Dưới trướng Nguyễn Kim có một vị tướng trẻ, thao lược xuất chúng theo phò, đó là Trịnh Kiểm. Nguyễn Kim gả người con gái đầu lòng là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm. Năm 1542, khi phò Trang Tông về đánh chiếm vùng Thanh Hóa - Nghệ An, Nguyễn Kim bị tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng, đánh thuốc độc chết, binh quyền lọt vào tay người con rể là Trịnh Kiểm. Ít lâu sau, Trịnh Kiểm nghi kỵ hai người em vợ là Lạng Quận công Nguyễn Uông và Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (2 con trai của Nguyễn Kim) sẽ đòi lại binh quyền nên ra tay sát hại Nguyễn Uông. Sợ mình cũng khó lòng bảo toàn tính mạng nên Nguyễn Hoàng nhờ cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ đến tận làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình đã “bày vẽ” cho Nguyễn Hoàng bằng câu sấm bất hủ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghe lời Trạng Trình, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị mình nói khéo với Trịnh Kiểm để được phép vào trấn thủ đất Thuận Hóa - phía nam đèo Ngang. Năm 1558, Nguyễn Hoàng năm ấy 34 tuổi, được cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ phò tá, mang theo họ hàng và hàng ngàn phiên thuộc đi vào vùng đất mới và chọn đất Ái Tử (huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị) lập dinh trại. Nhờ uy tín, đức độ của Nguyễn Ư Dĩ mà rất nhiều anh hùng hào kiệt tìm về đầu quân dưới trướng Nguyễn Hoàng. Người dân nghèo đến nơi này được tự do khai khẩn đất hoang lập ruộng, biến một nơi khô cằn thành màu mỡ, trù phú… Khi Nguyễn Ư Dĩ qua đời, ông được truy phong Thái phó Uy Quốc công, được đúc tượng để thờ…Nhân vật lịch sử
Tượng Nguyễn Ư Dĩ đầu đội mũ hai bậc, khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, tai như tai Phật được tạc ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống trùm cả hai chân (để lộ phần mũi hia). Hai tay vòng ra trước bụng, khuất trong áo choàng chỉ lộ ngón tay cái bên phải. Tượng để hở phần bụng tròn, ngực to. Trên ngực có một dải vòng đai hình bán cầu…
Theo ông Nguyễn Huỳnh, Trưởng thôn Trà Liên Tây, số phận của bức tượng Nguyễn Ư Dĩ có rất nhiều thăng trầm: “Năm 1972, khi tượng còn được thờ trong chùa Liễu Bông, bom đạn ác liệt đã đánh sập ngôi chùa nhưng pho tượng vẫn uy nghi trên bệ đá. Từ sau giải phóng đến nay, tượng đã bị trộm hụt 2 lần nhưng chưa lần nào đi ra khỏi làng này...”. Ông Huỳnh bấm đốt ngón tay kể khoảng năm 1991, khi tượng đang ở vị trí cũ đã bị kẻ trộm khiêng đi, người dân phát hiện và tỏa đi tìm thì thấy tượng bị giấu ở bến sông. Năm 1996, tượng chuyển về chỗ mới, người dân quen gọi là “Nhà tượng”. Tượng được đặt trên bệ xi măng, xây kín 3 mặt, chỉ chừa một khoảng trống phía trước để chiêm bái và nhang khói. Vậy mà năm 1998, tượng lại bị trộm viếng. Chúng cạy tượng ra khỏi phần đế bằng bê tông, cưa mất hai dải mũ cánh chuồn nhưng không sao khiêng đi được…
“Một sự kiện nữa mà dân làng không thể quên là khoảng năm 2006, có cán bộ ngành văn hóa về nghiên cứu tượng nhưng lại đập bỏ tường bao quanh để lấy tượng ra. Dân làng biết chuyện, kéo ra làm rùm beng lên và buộc họ phải xây lại như cũ mới chịu thôi”, ông Huỳnh chép miệng nói.
Chính vì bức tượng thường xuyên bị kẻ xấu rình rập nên người dân thôn Trà Liên Tây hết sức cảnh giác. Nếu ai lảng vảng lâu ở quanh khu vực đặt tượng đều bị “hỏi thăm”, lớ ngớ làm bậy thì bị bắt ngay, kể cả PV khi có ý định chụp hình bức tượng cũng phải vào trình bày, xin phép thôn, xóm lần lượt. “Bảo vệ cẩn trọng vậy chứ “Ông” linh lắm, không ai bưng “Ông” đi được đâu. Chuyện xưa kể lại rằng thời chiến tranh khi dân đưa “Ông” đi cất giấu thì nhẹ hều nhưng khi đưa về lại thì phải 8 người khiêng cơ mà...”, một người dân nói vẻ tâm đắc.( https://thanhnien.vn/, 21/03/2013)
7.14. Nguyễn Uông là con trai cả của danh tướng Nguyễn Kim (1468-1545) và là anh trai của chúa Nguyễn Hoàng.
Ông từng làm Lãng Xuyên Hầu, sau tiến phong Tả tướng quân.
Nguyễn Uông có hai người con. Con trưởng là Nguyễn Thân Không. Con thứ là Uyên, theo Nguyễn Hoàng vào Nam, làm quan đến Đề lĩnh Thượng khố Đội trưởng.
Uyên có hai con là Thao và Thanh, đều làm đến Chưởng doanh Quận công.
Con Thao là Tráng, có dũng lược, thường đi đánh dẹp, nhiều lần lập được quân công.
Năm 1588 mùa thu, chúa Nguyễn Phúc Tần mới nối ngôi chúa, cho rằng Quảng Bình thủy doanh tham tướng Nguyễn Triều Văn vốn hèn nhát, bèn triệu về dùng Tráng lên thay. Sau khi đến nơi, Tráng sửa khí giới, dạy sĩ tốt, việc phòng bị ngoài biên càng được nghiêm mật.
Năm 1596 mùa hạ, Tráng theo tiết chế Nguyễn Hữu Tiến đem quân lấy Nghệ An, cùng Phó tướng Nguyễn Cửu Kiều đem chu sư đánh nhau với thủy quân giặc.
Năm 1606, mùa đông, Tráng được thăng Cựu doanh trấn thủ.
Năm 1627 mùa hạ, Nguyễn Phúc Thái nối ngôi chúa, thăng Chưởng doanh quận công. Năm ấy Tráng mất.
Đến năm Gia Long thứ 4 (1805) vì là thần hồi quốc sơ, Tráng được liệt vào bậc ba, ấm thụ một người cháu được thế tập làm thứ đội trưởng để giữ việc thờ cúng, cấp cho 3 mẫu ruộng thờ, 1 người coi mả.
Tráng có 6 trai là Định, Đạt, Đồng, Vĩnh, Thuận, Kính. Định và Đồng đều làm đến Chưởng doanh, Đạt và Kính đều làm đến Cai cơ, Vĩnh và Thuận đều làm đến Cai đội.( https://vi.wikipedia.org).
Theo http://www.vietnamgiapha.com: Nguyễn Uông, con trưởng của đức Triệu Tổ, Tiểu sử không rõ. Lúc đức Triệu Tổ mất, ông được tập ấm là Lãng Xuyên Hầu, sau được tấn phong là Tả tướng Lãng Quận Công. Trịnh Kiểm muốn tranh đoạt quyền bính nên ám hại ông. Ông mất ngày 11 tháng giêng âm lịch, không rõ năm. Lúc đầu mộ táng ở Thanh Hoá, sau cải táng đến vùng Long Thọ làng Dương Xuân Thượng (Thừa Thiên). Lăng và phủ thờ đều ở Long Thọ.
Ông có một người con trai là Nguyễn Uyên theo đức Thái Tổ vào Nam làm quan đến chức Đề lãnh Thượng khố Đội trưởng.
Ông đứng đầu phòng Lãng Quận Công hệ I trong Nguyễn Phúc Tộc
7.15. Nguyễn Hoàng (chữ Hán: 阮潢; 28 tháng 8 năm 1525 – 20 tháng 7 năm 1613) là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua; nhưng cũng là người mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn sau này.
Nguyễn Hoàng (sinh tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa) là con trai thứ 2 của Chiêu Huân Phụ Tiết Tĩnh Công Nguyễn Kim (1468 - 1545) và Bà Chính thất Nguyễn Thị Mai, con gái của Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Thư Vệ Sự Nguyễn Minh Biện (quê ở Phạm Xá, tỉnh Hải Dương). Theo Phả hệ họ Nguyễn ở Gia Miêu, ông là hậu duệ của Nguyễn Bặc.
Giai đoạn đầu đời
Năm 1527, xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng, lúc ấy Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi. Nguyễn Kim đã phải tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, tìm cách khôi phục nhà Lê. Nguyễn Kim để Nguyễn Hoàng lại cho em ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng.
Thực là hổ phụ sinh hổ tửLúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng làm quan dưới triều Lê, lúc đầu được phong là Hạ Khê hầu, cầm quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, được vua khen:
Dưới triều nhà Lê trung hưng, ông là một tướng tài lập nhiều công lớn, được vua Lê Trung Tông phong tước Thái úy Đoan Quốc Công.
Xây dựng cơ đồ - Mở mang bờ cõi
Trấn thủ Thuận Hóa-Quảng Nam
Năm 1545, cha ông là Nguyễn Kim bị Dương Chấp Nhất đầu độc, quyền lực trong triều rơi vào tay anh rể ông là Trịnh Kiểm, anh cả là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, do lo sợ bị anh rể lúc đó đang kiểm soát binh quyền của nhà Hậu Lê sát hại đã cho người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên, Trạng Trình đã nhìn hòn non bộ và ngâm rằng:
Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân
Ông nhờ chị ruột mình là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ ở Thuận Hoá (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Trịnh Kiểm thấy Thuận Hóa là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi nên Trịnh Kiểm đã đồng ý, bèn tâu vua Lê Anh Tông nên cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ (1558).
Năm 1558, Nguyễn Hoàng và gia quyến cùng các tướng Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Văn Nham, Thạch Xuyên, Tường Lộc, Thường Trung, Vũ Thì Trung, Vũ Thì An và hàng nghìn đồng hương thân tín Thanh - Nghệ đi vào Thuận Hóa. Khi đến nơi, đoàn thuyền đã đi vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng trại tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và đã chọn nơi này để lập Thủ Phủ gọi là dinh Ái Tử. Lưu Thủ Thuận Hóa Tống Phước Trị (quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa) đã dâng nộp bản đồ, sổ sách trong xứ cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, và theo phò tá ông.
Mùa đông năm 1560, Nguyễn Hoàng cho đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải, do bấy giờ quân Mạc thường theo đường biến vào cướp Thanh Nghệ nên phải đề phòng.
Tháng 3 năm 1568, Tổng trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán mất. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh làm tổng binh thay giữ đất ấy.
Năm 1569, Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa yết kiến Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp Nam triều đánh nhà Mạc, rồi đến phủ Thái sư lạy mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hài lòng, phong cho ông trấn thủ luôn đất Quảng Nam, thay cho Quận Công Nguyễn Bá Quýnh. Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa. Lệ mỗi năm phải nộp thuế là 400 cân bạc, 500 tấm lụa.
Tháng 1 năm 1570, Nguyễn Hoàng từ Tây Đô về, dời dinh về làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc (nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Gọi là Dinh Trà Bát.
Thuận Hóa có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu.
Phủ Tiên Bình lĩnh 3 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh; 1 châu: Bố Chánh.
Phủ Triệu Phong lĩnh 6 huyện: Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Điện Bàn; 2 châu:Thuận Bình, Sa Bồn.
Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện.
Phủ Thăng Hoa lĩnh 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang.
Phủ Hoài Nhân lĩnh 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn.
Phủ Tư Nghĩa lĩnh 3 huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang.
Năm 1571, Tham đốc Mỹ Lương, thự vệ Văn Lan và Nghĩa Sơn định đánh úp Nguyễn Hoàng ở dinh Vũ Xương. Mỹ Lương sai Văn Lang và Nghĩa Sơn đem quân phục ở huyện Minh Linh rồi tự mình dẫn quân lẻn theo đường núi đến chỗ Cầu Ngói ở Hải Lăng mai phục, định ngày giáp đánh. Nguyễn Hoàng biết được tin ấy liền sai phó tướng Trương Trà đánh Nghĩa Sơn, và tự đem quân ngầm đến Cầu Ngói đánh úp Mỹ Lương và đốt trại. Mỹ Lương trốn chạy, bị đuổi theo và chém chết. Trà tiến quân đến xã Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Vợ Trà là Trần Thị nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Chúa Trịnh. Chúa Trịnh phong Trần thị làm quận phu nhân.
Năm 1572, nhân lúc Trịnh Kiểm mới mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc sai đem tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền đánh vào Thuận Hóa, đổ bộ lên làng Hồ-xá và ở làng Lạng-uyển (thuộc huyện Minh-linh) để tấn công Phủ Chúa nhưng đã bị Nguyễn Hoàng thân chinh đi đánh, đóng giữ bên bờ sông Ái Tử. Lập Bạo bị bắt sống và giết chết do mỹ nhân kế. Quân Mạc đem nhau đầu hàng, Nguyễn Hoàng cho hàng quân ở đất Cồn Tiên đặt làm 36 phường.
Tháng 3 năm 1586, vua Lê sai Hiến sát sứ Nguyễn Tạo đến xứ Thuận Quảng làm sổ kê khai ruộng đất cày cấy đề thu thuế. Tạo để cho các phủ huyện tự làm sổ, không đi khám đo đạc, làm sổ xong rồi đem về.
Năm 1593, ông đưa quân ra Bắc Hà giúp Trịnh Tùng đánh dẹp họ Mạc trong 8 năm trời rồi bị họ Trịnh lưu giữ lại do lo sợ sự cát cứ và thế lực lớn mạnh của ông. Vua Lê phong ông là Trung Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc Chưởng Phủ Sự Thái Uy Đoan Quốc Công.
Năm 1599, Trịnh Tùng tự xưng là Đô Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Trượng Phu Bình An Vương và lập Phủ Chúa và các cơ quan hành chính để làm đối trọng với Triều đình Nhà Lê, bộc lộ việc tiếm quyền của họ Trịnh đối với vua Lê. Chúa Trịnh Tùng bấy giờ hống hách tuy không cướp ngôi vua Lê, nhưng trong thực tế đã biến vua Lê thành bù nhìn và nắm quyền chuyên chế lấn át quyền của Triều đình và tìm cách diệt các phe cánh phò Lê chống Trịnh.
Cũng năm đó, Nguyễn Hoàng nhân việc Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê và Ngô Đình Nga nổi loạn chống lại họ Trịnh ở cửa Đại An (thuộc Nam-định), ông xin Trịnh Tùng cho mình đánh dẹp, để người con thứ năm là Hải và cháu là Hắc làm con tin. Sau đó kéo quân theo đường Hải Đạo về Thuận Hoá.
Sau khi Nguyễn Hoàng trở về, Trịnh Tùng đã gửi thư dọa trách:
“Mới đây bọn nghịch thần Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga manh tâm bội phản, cháu và cậu đã lo liệu việc binh, sai đi đánh dẹp, chẳng ngờ cậu không đợi mạng, tự ý bỏ về, làm dao động nhân dân, không biết ấy là ý của cậu, hay là mắc kế bọn kia… Cậu, trong việc binh, thường lưu tâm đến kinh sử, xin hãy xét nghĩ lại, đừng để hối hận về sau”.
Để làm dịu tình hình, Nguyễn Hoàng đã viết thư nhận lỗi, lấy thóc lúa vàng bạc ra Bắc cống nộp cho Trịnh Tùng, và hẹn kết nghĩa thông gia. Mùa đông năm 1600, Nguyễn Hoàng đã gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, con cả của Trịnh Tùng.
Từ đó, Nguyễn Hoàng không ra chầu ngoài kinh nữa, quyết 'rạch đôi sơn hà', lo phát triển cơ sở, mở mang bờ cõi, phòng bị quân Trịnh vào đánh phá.
Thiết lập nền tảng độc lập
Năm 1600, sau khi từ Bắc trở về, ông dời dinh sang phía đông của dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng cho lập dinh Thanh Chiêm (Quảng Nam) giao cho công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Năm 1604, Nguyễn Hoàng cho lập phủ Điện Bàn tách ra từ đất của phủ Triệu Phong của Xứ Thuận Hóa, lệ thuộc xứ Quảng Nam. Phủ Điện Bàn sát nhập với 3 phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn để thành lập Dinh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn quản 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu.
Xây dựng Dinh trấn tại Thanh Chiêm trên đất phủ Điện Bàn ở bên bờ bắc Sông Chợ Củi, tục gọi là Dinh Chiêm và cử công tử Nguyễn Phúc Nguyên làm quan trấn thủ.
Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng dưới thời Nguyễn Hoàng cũng như thời kỳ các Chúa Nguyễn kế nghiệp, là cơ sở đào luyện các quốc vương của Đàng Trong (làm quan trấn thủ trước khi lên ngôi Chúa Nguyễn), là trung tâm điều hành việc phát triển và hậu cần kinh tế cho Đàng Trong, nhất là việc chỉ đạo hoạt động của thương cảng quốc tế Hội An, là bộ tham mưu đảm bảo an ninh cho Dinh Quảng Nam, góp phần quan trọng bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền của Đàng Trong chống lại sự tấn công của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và mở rộng bờ cõi về phương nam.
Năm 1609, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng Chùa Kinh Thiên trên huyện Lệ Thủy ở Dinh Quảng Bình,Chùa Long Hưng bên cạnh Dinh trấn Thanh Chiêm trên huyện Diên Phước, Dinh Quảng Nam (về sau qua thời gian chùa bị hư hỏng) và Chùa Bảo Châu trên huyện Duy Xuyên, Dinh Quảng Nam (nơi về sau Thống Thái Phó Mạc Cảnh Huống tu hành sau khi nghỉ hưu) về sau bị quân Tây Sơn phá hủy khi chiếm được Dinh Quảng Nam vào năm 1774.
Mở mang bờ cõi
Lãnh thổ mở rộng thời Nguyễn Hoàng, gần tương đương với tỉnh Phú Yên ngày nay. Trên bản đồ có vị trí các địa danh: Đèo Cù Mông, Đèo Cả, Núi Đá Bia.
Năm 1597, Lương Văn Chánh đang là tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông CáiNăm 1578, quân Chiêm Thành kéo đến đánh phá, Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh đem quân tiến đến sông Đà Diễn, Hoa Anh đánh chiếm thành An Nghiệp, là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chăm Pa.
Năm 1611, do quân Chăm Pa tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Nguyễn Hoàng đã sai Văn Phong đi dẹp, quân Chăm Pa nhanh chóng bị đánh bại trước lực lượng của chúa Nguyễn. Vua Po Nit của Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng, Văn Phong làm lưu thủ.
Cho tới khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa. Diện tích 2 xứ Thuận Quảng rộng khoảng 45000 km².
Không rõ vào năm nào, hai gia tướng người Việt gốc Chăm của Tĩnh Công Nguyễn Kim là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi Cát Vàng khi còn là một vùng đất vô chủ mà không một nước nào phản đối hay bảo lưu. Như vậy, các Quần đảo Hoàng Sa và Trường sa đã thuộc lãnh thổ và chủ quyền của Đại Việt - Việt Nam từ cách đây 400 năm dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng vào thế kỷ XVI.
Thu phục nhân tâm
Để trụ vững ở nơi hiểm trở, nếm mật nằm gai, Nguyễn Hoàng đã dựa vào lòng dân.
Lúc Nguyễn Hoàng cùng những người đồng hương ở Tống Sơn, những người nghĩa dũng ở Thanh Hóa mới vào đến bãi cát Ái Tử, người dân ở đây đã đem dâng 7 chum nước trong. Nguyễn Ư Dĩ mừng rỡ nói:
Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem "nước" dâng lên, có lẽ là điềm "được nước" đó chăng?".
Với tầm nhìn xa của người mở cõi, năm 1597, Nguyễn Hoàng (lúc này đang ở đất Bắc giúp vua Lê ứng phó với quân Mạc và bang giao với nhà Minh) đã có công văn lệnh cho Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định) chiêu tập lưu dân vào khai khẩn vùng đất Phú Yên, đồng thời căn dặn không được sách nhiễu dân:
“Kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như lệ thường. Nhược bằng vì việc mà nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội”.
Nguyễn Hoàng xây dựng nên màu sắc tín ngưỡng, huyền thoại về bản thân ông. Đó là chuyện Nguyễn Hoàng lúc đóng quân bên sông Ái Tử để chống giặc Lập Bạo, đã nghe vẳng lên từ lòng sông có tiếng "trao trao", liền khấn thần sông giúp sức đánh giặc và được thần sông báo mộng, thông qua hình ảnh một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt, đến thưa rằng:
“Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức”.
Sau khi dùng kế mỹ nhân để diệt Lập Bạo, Nguyễn Hoàng đã phong thần sông làm "Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân" và lập đền thờ. Năm 1601, ông cho xây chùa Thiên Mụ như một cột mốc cho lịch sử của Đàng Trong. Nguyễn Hoàng đã dựa vào tín ngưỡng, Phật giáo… nhằm "thiêng hóa" sức mạnh thu phục lòng dân của mình.
Năm 1608, Thuận Quảng được mùa lớn, giá gạo rẻ, còn ở phía Bắc từ xứ Nghệ An trở ra gạo đắt, nên dân chạy nhiều vào với Chúa Nguyễn làm cho dân số Thuận Quảng ngày thêm đông đúc.
Năm Mậu Thân, niên hiệu Hoằng Định thứ 9 (1608) các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy khô, giá thưng gạo một đồng tiền, có nhiều người chết đói, đói khổ như thế đến hơn một năm. Duy chỉ có hai Xứ Thuận Hóa Quảng Nam mưa thuận gió hòa, một đấu gạo chỉ có ba tiền, ngoài đường không ai nhặt của rơi, bốn dân sĩ nông công thương đều an cư lạc nghiệp
Không chỉ dựa vào dân, Nguyễn Hoàng còn vỗ về dân, yên dân, đặc biệt là biến giặc thành dân. Sau khi sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng dẹp yên bọn thổ mục nổi loạn, cướp giết lẫn nhau ở Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã giao Mai Đình Dũng ở lại giữ đất và thu phục, vỗ yên tàn quân. Sau khi đánh thắng giặc Lập Bạo, Nguyễn Hoàng đã không giết hàng binh mà cho họ quyền được sống và khai phá vùng đất mới:
Chúa cho ở đất Cồn Tiên (tức tổng Bái Ân bây giờ) đặt làm 36 phường.
Cảm kích trước ân nghĩa lớn lao của Nguyễn Hoàng, về sau, thế hệ con cháu của những người được tha mạng sống ở các phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân đã dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Mở mang ngoại thương
Nắm được lòng dân, để đưa Đàng Trong phát triển Nguyễn Hoàng đã cho mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển. Dưới thời Nguyễn Hoàng, "thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn".
Đặc sản tiêu Quảng Trị đã được Nguyễn Hoàng cho mua, chở cùng vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hàng hóa, sản vật. Theo Lê Quý Đôn, họ Nguyễn đã mua tiêu Quảng Trị "chở về phố Thanh Hà, bán cho khách tàu, không cho dân địa phương bán riêng", "hồ tiêu cứ cho 100 cân làm một tạ, giá 5, 6 quan, khách Bắc và khách Mã Cao thường buôn về Quảng Đông".
Sau một thời gian suy thoái kéo dài đến 150 năm - từ 1306 đến 1558 - trải qua các giai đoạn dưới thời Nhà Trần, Nhà Hồ và Nhà Lê, cảng thị Hội An mới hồi sinh trở lại dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) nhờ đường lối mở cửa buôn bán với nước ngoài, khôi phục hoạt động ngoại thương của Hội An nhằm mục đích tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội và quân sự của Đàng Trong để đương đầu với Chúa Trịnh ở Đàng NgoàiChúa Tiên Nguyễn Hoàng đã vượt qua tư tưởng "trọng nông ức thương" thời bấy giờ. Ông quan tâm hơn đến hoạt động ngoại thương tại cảng thị Hội An sau một thời gian suy thoái kéo dài nhờ đường lối mở cửa buôn bán với nước ngoài vào đầu thế kỷ XVII, nên đã cho thành lập Phố Nhật vào năm 1589 và Phố Khách vào khoảng năm 1608 làm cho cảng thị Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó.
Để chủ động "xúc tiến thương mại", khuyến khích thương gia Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản). Lời lẽ trong các lá thư ngoại giao vừa sang trọng, lịch lãm, vừa tha thiết, mềm mỏng, có những thư được gửi kèm theo các món quà tặng là những vật phẩm quý như kỳ nam, lôi mộc, khổng tước… nội dung 1 số đoạn như sau:
"An Nam quốc Đại Đô Thống Đoan Quốc Công xin ngỏ lời đến Nhật Bản Quốc vương điện hạ!
Thời gian qua, tình hình kết giao của hai nước diễn ra tốt đẹp. Năm ngoái, Ngài đã tặng tôi bảo kiếm, nay lại còn gửi tặng 10 trường đại đao quý, thật cảm kích vô cùng. Hy vọng thương thuyền của quý quốc làm ăn buôn bán ở nước tôi hanh thông thịnh vượng, có thể thấy đây là chốn an cư. Bản quốc sản vật quý không nhiều nhưng cũng xin kính tặng Quốc Vương điện hạ một ít (có danh mục kèm theo) gọi là lễ mọn.
Từ năm nay trở đi, bản quốc sẽ chú trọng mậu dịch, buôn bán với quý quốc, lấy việc thông thương an toàn làm chữ Nghĩa. Vạn vọng Quốc vương lấy việc kết giao để dựng xây sự phát triển như đã giao ước.
Một lời trong thư khó nói hết, xin được minh giám.
Ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (Nhật Bản Khánh Trường năm thứ 9 - Tây lịch năm 1605)”.
Nguyễn Hoàng nhận một thương gia Nhật Bản là ông Hunamoto Yabeije (Di Thất Lang) làm con nuôi và viết thư báo cho phía Nhật Bản biết về mối giao hảo tốt đẹp này:
“An Nam quốc Đại Đô Thống Đoan Quốc Công báo thư - Nhật Bản Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần trân quý! Thư đi thư lại giao hảo đã lâu, tấm lòng đã hiểu. Cảm thần được tính cách trung hậu của Di Thất Lang. Tôi nhận Di Thất Lang làm nghĩa tử; chăm sóc ân cần chu đáo mọi bề. Nay Di Thất Lang trở về quý quốc. Sẽ khôn nguôi nhớ, đành tặng chiếc áo tình cảm để mặc lúc đi đường. Rồi đây trong lòng thương nhớ xiết bao. Hy vọng rằng những tình cảm đó sẽ được chuyển đến Bạch Quốc Vương. Và năm tới như đã hứa Di Thất Lang sẽ chỉnh đốn ba thuyền sớm đến bản trấn giao dịch, như thế là lưỡng toàn ân nghĩa. Có một chút lễ mọn (Bạch quyên 2 thất, Kỳ nam 1 phiến) xin gửi tặng làm tin…
Ngày mồng 6 tháng 5 năm Hoằng định thứ 6 (1606) - Nhật Bản năm Khánh Trường thứ 10”
Tóm lược ý nghĩa chính sách mở mang ngoại thương:
Ngoại thương đã trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp không có gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt.
Qua đời
Năm 1613, ông lâm bệnh nặng, cho gọi người con thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về và căn dặn:
“Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam.
Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.
Ông cũng nói với các cận thần lúc hấp hối bên giường bệnh:
“Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”.
Ban đầu mộ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng lăng mộ chuyển về Núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ban đầu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được thờ tại Chùa Long Phước (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), về sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phối thờ cùng Tĩnh Công Nguyễn Kim tại Chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân (nay là Thành phố Huế) Năm 1804, vua Gia Long (1780 - 1820) cho dựng Thái Miếu rộng mười ba gian để thờ các Chúa Nguyễn và các công thần đời trước, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở áng chính giữa. Vua Gia Long hoàng đế nhà Nguyễn truy phong cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Triệu Cơ Tùy Thống Khâm Minh Cung Úy Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ hoàng đế và miếu hiệu là Thái Tổ.
Nhận định
Trong suốt 55 năm cai trị Thuận- Quảng, ông vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, cho nên dân chúng Thuận Quảng cảm mến, gọi ông là Chúa Tiên, dù đương thời ông chỉ có chức Đoan Quốc công.
Nhẫn nhịn để chờ thời cơ, không manh động gây hấn với địch thủ giết người thân, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau.
Đánh giá về tài trí, đức độ Nguyễn Hoàng, nhà bác học Lê Quý Đôn viết:
“Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã làm cho Đàng Trong hưng thịnh và chính sự hưng thịnh này đã góp phần quyết định tạo nên trọn vẹn dáng hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam như ngày nay. Cái gốc, điểm tựa và bệ phóng cho sự phát triển và hưng thịnh đó, chính là mảnh đất Quảng Trị với vai trò quan trọng như A.Laborde, Công sứ Pháp tại An nam trước đây đã nêu qua bài viết "Tỉnh Quảng Trị", rằng:
“Nếu dòng họ nhà Nguyễn không xuất phát tại Quảng Trị, thì ít nhất sự nghiệp lịch sử của họ phải xem là có gốc từ mảnh đất này,
Con người của triều đại này sinh ra từ đất Thanh Hoá, nhưng sự nghiệp của triều đại Nguyễn thì sinh ra từ đất Quảng Trị”.
Gia đình
* Vợ:
* Con:Nguyễn Thị, lăng táng tại làng Hải Cát (Hương Trà, Thừa Thiên). Năm 1806 vua Gia Long truy tôn: Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Dũ Hoàng Hậu. Bà được phối thờ với Nguyễn Hoàng ở Thái Miếu. Tên lăng là Vĩnh Cơ.
Nguyễn Hà
Nguyễn Hán
Nguyễn Thành
Nguyễn Diễn
Nguyễn Hải
Nguyễn Phúc Hiệp
Nguyễn Phúc Trạch
Nguyễn Phúc Dương
Nguyễn Phúc Khê
Nguyễn Phúc Ngọc Tiên
Nguyễn Phúc Ngọc Tú (http://vi.wikipedia.org/)
7.16. Nguyễn Xuân Chính (chữ Hán: 阮春正, 1587 - 1693) người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc (nay là xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đỗ trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637), đời Lê Thần Tông khi đó ông đã 50 tuổi, là trạng nguyên già nhất trong lịch sử. Làm quan đến Tả thị lang Lại bộ, Nhập thị Kinh diên, tước Đạo Ngạn bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước hầu. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Xuân Sinh. (vi.wikipedia.org/wiki/)
Theo sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, tờ 147a, được biết: Nguyễn Xuân Chính sinh năm Mậu Tý (1588), người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn), trước khi đi thi đã làm chức Huấn đạo. Năm 50 tuổi, ông đỗ Hội nguyên, vào thi đình, ông đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hoà thứ 3, đời Lê Thần Tông (1637). Khoa đó, nhà vua lấy đỗ 20 Tiến sĩ, trong đó có 3 tiến sĩ Cập đệ (Tam khôi), 2 Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và 15 đồng Tiến sĩ xuất thân. Khi thi Ứng chế, Nguyễn Xuân Chính lại đỗ đầu.
Nguyễn Xuân Chính làm quan trong triều 8 năm, được thăng đến chức Tả Thị lang Bộ Lại. Ông tham gia nhiều trận mạc, lập được nhiều công lớn, được phong tước Thọ Ngạn hầu (một số sách chép ông được phong tước Đạo Ngạn bá là tước trước đó của ông).
Nguyễn Xuân Chính mất năm Bính Thìn (1676), thọ 89 tuổi. Sau khi mất được triều đình truy tặng hàm Thượng thư Bộ Binh.
Nguyễn Xuân Chính sáng tác nhiều thơ văn, nhưng bị thất lạc cả. Hiện nay, mới chỉ sưu tầm được văn bia Trấn Quốc tự bi ký, soạn năm Dương Hòa thứ 5 (1639), hiện còn lưu ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội), văn bia Tu tạo Vĩnh Thái tự, soạn năm Dương Hòa thứ 7 (1641) ở chùa Vĩnh Thái thôn Ngọc Lịch, xã Nghĩa Trai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, bài Văn sách thi đình và văn bia Bái Giang kiều bi là những tác phẩm của ông.( http://baobacninh.com.vn/, 27/05/2016 )
7.17. Nguyễn Khả Trạc (chữ Hán: 阮可濯, 1598-1672), tên thật Nguyễn Văn Trạc (阮文濯), là người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Ông theo Nho học, sau làm quan đến chức Công bộ thượng thư, tước Hầu thời Lê trung hưng
Nguyễn Khả Trạc xuất thân trong dòng họ Nguyễn Khả có tiếng tăm nhất trong làng Mai Dịch, cầu giấy, Hà Nội. Hiện ở xóm Thị vẫn còn nhà thờ ông, còn lưu 14 đạo sắc phong chức tước cho ông và bức hoành phi "Liêm Quận công". Nhà thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Tên ông được đặt cho đường phố Hà Nội.
Ông sinh năm Mậu Tuất (1598) tại làng Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Theo gia phả ghi lại thì trước ngày sinh ông, thân mẫu nằm mơ thấy hàng tổng đến giúp đỡ đắp nền nhà nên khi sinh ra đặt tên húy là Nền, tự Văn Trạc. Ngoài ra ông còn tên tự nữa là Đôn Nghiêm.
Ông vốn sinh ra trong gia đình có học, được cha kèm cặp dạy dỗ, năm 24 tuổi đã đỗ Quốc Tử Giám, giám sinh. Khi đang học ở Quốc Tử Giám, ông được điều vào cung thuyết giảng.
Năm Đức Long thứ 3 mở khoa thi, lúc ấy ông trạc 33 tuổi ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa thi này hiện còn bia dựng ở Văn Miếu
Kể từ khi đỗ tiến sĩ cho đến lúc về nghỉ hưu ông đã trải nhậm những chức vụ sau: Cần Chánh sự lang Hải Dương - Đạo giám ngự sử.
Năm Đức Long thứ 6 (1634), ông lại được bổ nhiệm làm Mậu lâm lang đẳng xứ Nghệ An, Thanh hình Hiến sát sứ ti hiến sát. Theo sách Từ Liêm đăng khoa lục, khi giữ chức Hiến sát ở Nghệ An, ông đã thẳng tay trừng trị bọn tuần nha ở Biện Sơn, làm nhiều điều hà nhũng, được triều đình và phủ chúa hài lòng khen ngợi.
Năm Dương Hòa thứ 5 (1639), ông lại được thăng Mậu lâm lang – Đề hình hiến sát Ngự sử. Sau đó ông được phong Hoằng tín đại phu. Năm Dương hòa thứ 8 lại được phong Hoằng tín đại phu Thái bộc tự khanh (1642).
Dự bồi tụng phụng sai, bồi thị tham nghị quân vụ cấp đốc thị, có công được triều thần bàn luận.
Năm Dương Hòa thứ 8 (1642), một lần nữa lại được thăng đặc tiến Kim tử vĩnh lộc đại phu thái bộc tự khanh diễn thọ tử, Tả trị thượng khanh. Năm Phúc Thái thứ 3 (1645), triều vua Lê Chân Tông, theo tiến cử của Tả tướng thái úy Tây quốc công Trịnh Tạc, được chúa Trịnh Thanh Đô Vương ưng chuẩn và tâu lên nhà vua sắc phong cho ông làm Hộ bộ hữu thị lang, tước Diễn Thọ bá, Trụ quốc trung trật.
Giám thí khoa thi hội năm Nhâm Thìn (1652), khoa thi này diễn ra nghiêm túc đạt kết quả tốt ông được khen là người có trí tuệ năng lực. Năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) ông lại được thăng từ Hộ bộ hữu thị lang lên Lại bộ tả thị lang, tước Diễn Thọ bá.
Năm 1655, ông làm tham nghị quân vụ trong quân của Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng, khi đó lĩnh ấn nguyên soái cầm quân đánh chúa Nguyễn ở đàng trong.
Thịnh Đức năm thứ 4 (1656) ông được giữ chức Binh bộ tả thị lang bồi tụng. Trong năm này ông đã đi cùng chúa Trịnh Tráng đến thăm cảnh chùa Láng – một thắng cảnh ở sát kinh thành Thăng Long. Vâng ý Chúa, ông đã soạn bài văn bia tạo lệ Chiêu Thiền tự (Chùa Láng). Văn bia này đã được chép vào tuyển tập văn bia Hà Nội. Thịnh Đức năm thứ 5 (1657) lại được thăng chức Ngự sử và tước Diễn Thọ Hầu. Khi thăng chức này, triều đình và phủ chúa khen ông là người làm khá, được vua Lê Thần Tông ban tặng chữ Khả, và tên ông cũng đổi tên từ Nguyễn Văn Trạc thành Nguyễn Khả Trạc bắt đầu từ đó.
Lễ bộ tả thị lang Diễn Thọ hầu.
Năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) triều vua Lê Huyền Tông, vì tuổi già yếu ông đã dâng sớ xin về trí sĩ[4], triều đình và phủ chúa xét thấy ông từ khi đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631) trải nhậm các chức ngoài trấn trong kinh, lại dự bồi tụng tham nghị sự vụ mọi công việc đều hoàn thành nên gia thăng Công bộ thượng thư Liêm quận công trụ quốc thượng trật. Khi ông về hưu, các quan đồng liêu, đồng triều từ tể tướng đến các vị thượng thư, thị lang các bộ, ngự sử hàn lâm viện,… mở tiệc tiễn. Khi ấy ông có làm một bài thơ tạ từ đại ý nói nhờ ơn tổ tiên, ông cha và thầy nên may mắn được đỗ đạt và được vào triều nói đến công việc đã làm và công lao chủ yếu là của bao người tài giỏi giúp xây đời thái bình, về hưu dưỡng già ngắm cảnh yên vui. Các quan đều làm thơ tiễn, tất cả có đến 60 bài từ tể tướng đến các vị thượng thư, các bộ và các vị khác trong triều đều ca ngợi ông là người có học vấn sâu rộng, cốt cách trung thực, trong sáng, tận tâm với công việc xây đời thịnh trị quốc thái dân an như thời Nghiêu Thuấn ngày xưa vậy. Về hưu ông thường làm vườn và đọc sách, giao tiếp với bạn bè và anh em gần xa. Ông đã có đôi câu đối để khuyên răn con cháu:
Canh độc trì gia vô biệt sảo
Kiệm cần xử kỉ hữu dư năng
Đại ý là: Làm ruộng, học tập, giữ nếp nhà không có gì khéo hơn; tiết kiệm chăm chỉ biết xử sự của mình trong cuộc sống thì rất là hay.
Cũng trong thời gian về hưu, ông có về quê bà vợ hai là con gái quan Phụ quốc thượng tướng Vân quận công ở Vĩnh Lộc. Tại đây ông đã xây dựng cho hai làng Hữu Bằng và Vĩnh Lộc một cái chợ và làm nhiều việc công đức. Ở làng Hữu Bằng đã dựng bia ghi nhận công đức của ông. Cả hai làng đều hậu thờ ông ở đình làng phối hưởng cùng Bản Thổ Đại Vương.
Ông mất năm Nhâm Tý, tháng 8 ngày 9 vào năm Dương Đức thứ 2 (1672), thọ 75 tuổi. Vua Lê Gia Tông và triều thần xúc động tuyên dương công trạng ông, người đã phù giúp lâu dài, trải nhậm nội ngoại các chức lại nhiều lần trong khoa cầm quân đánh giặc, có nhiều công lao đã truy thăng từ bồi tụng Công bộ thượng thư Liêm quận công lên Hộ bộ thượng thư Liêm quận công, Thượng trụ quốc thượng trật. Lại gia phong Thái tử thiếu bảo và ban cho ông tên thụy là Trung Mẫn phủ quân.(https://vi.wikipedia.org/)
7.18. Nguyễn Quốc Trinh (chữ Hán: 阮國楨, 1624-1674), người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Đỗ trạng nguyên khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), đời Lê Thần Tông. Có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Quốc Khôi (阮國櫆) (toàn bộ các đoạn của quyển XIX trong Đại Việt Sử ký toàn thư khi viết về ông đều dùng tên gọi này).
Tháng 3 âm lịch năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) thời Lê Huyền Tông ông làm Hình bộ Hữu thị lang. Cảnh Trị năm thứ 5 (1667) ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Tháng 2 năm 1669, đoàn sứ thần Nguyễn Quốc Khôi, Nguyễn Công Bích, Lê Vinh về nước. Theo lệ cũ, cứ 3 năm một lần sang tiến cống, quà cáp tiễn đưa phiền phức. Đời Vạn Lịch nhà Minh đã cho phép cứ 6 năm cống gộp cả hai lần. Đến đây, nhà Hậu Lê lại muốn theo lệ cũ từ thời nhà Minh, liền soạn bản tâu, sai Quốc Khôi sang nhà Thanh tâu xin một thể. Hoàng đế Thanh Thánh Tổ (Khang Hy) y cho. Từ đấy về sau theo đó làm thường lệ. Tới tháng 6, xét công đi sứ, ông được giao làm Lễ bộ tả thị lang, tước Ngọc Trì tử.
Tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) ông cùng Lại bộ hữu thị lang Đặng Công Chất vào hầu kinh điện.
Sau khi vua Lê Gia Tông lên ngôi, vào tháng 3 năm Dương Đức thứ 2 (1673) ông được giao làm Hộ bộ hữu thị lang.
Tháng 12 năm 1673, ông được giao làm Lại bộ tả thị lang. Ngày 9 tháng 5 âm lịch năm Dương Đức thứ 3 (1674), Bồi tụng Lại bộ hữu thị lang Liên Trì Nguyễn Quốc Khôi chết. Quốc Khôi là người khảng khái dám nói. Tin cáo phó đến, Tây Định vương Trịnh Tạc thương tiếc lắm, truy tặng ông chức Binh bộ thượng thư, tước Trì quận công, ban thụy hiệu là Cương Trung.
Về cái chết của ông, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng:
“Quân lính nổi loạn, giết viên bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh, cướp phá nhà viên tham tụng Phạm Công Trứ.
Bấy giờ ưu binh Thanh, Nghệ cậy có công lao, sinh ra kiêu ngạo phóng túng. Quốc Trinh và Công Trứ bàn cách kềm hãm ức chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng...Quân sĩ bèn reo hò ầm ĩ, đón đường giết Quốc Trinh, rồi đến cướp nhà Công Trứ. Công Trứ phải trốn ra ngoài mới được thoát nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cho tiền bạc, bấy giờ quân lính mới chịu yên tĩnh.
Tạc vời Công Trứ vào trong phủ ban cho vàng bạc để an ủi, sau bắt giết ba người đứng đầu nổi loạn để tế Quốc Trinh, lại truy tặng Quốc Trinh chức thượng thư bộ Binh, tước Trì quận công, cho tên thụy là Cương Trung và lục dụng con cháu.
Quốc Trinh khi làm quan ở triều, khảng khái dám nói đều phải đều trái, nay chết ở trong tay loạn quân, nên người ta đều thương tiếc”
Phần chú giải cho văn bia số 41 của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam cũng có viết: Tháng 5 năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên thứ 1 (1674), quân Tam phủ cậy công, sinh ra kiêu ngạo phóng túng, ông và Phạm Công Trứ bàn cách hạn chế bớt đi. Nên ông bị quân Tam phủ đón đường giết chết, dân chúng Thăng Long đều thương tiếc. Triều đình truy tặng ông chức thượng thư Bộ Binh, tước Trì quận công, tên thụy là Cương Trung, phong làm phúc thần. (http://vi.wikipedia.org/)
7.19. Nguyễn Hy Quang (1634-1692), húy Vẹ, tự Hy Quang, sinh ngày 28 tháng 3 năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long (tức năm 1634), quê ở làng Trung Tự, phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Đây vốn là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê.
Dòng họ Nguyễn ở phường Đông Tác của gia đình ông đã đến định cư tại Thăng Long từ giữa thế kỉ XV (Lê sơ) và đến Nguyễn Hy Quang là đời thứ 7. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XVI, dòng họ này bị một viên Thái Phó là Việt Quận công chiếm đất để lập Quân Doanh ở tây bắc Trung Tự. Do bị mất đất, người dân làng Trung Tự phải sang trú nhờ làng Kim Hoa kế bên. Nguyễn Hy Quang là đời thứ 4 trú nhờ tại làng Kim Hoa.
Năm 23 tuổi (1657), ông tham dự kì thi thi Hương và đỗ Giải nguyên nhưng sau đó thi Hội không đậu. Năm 1670, ông đỗ khoa Sĩ Vọng. Được bổ làm Giáo thụ phủ Thường Tín, chỉ sau hai năm tiếng đồn về tài năng và tính cương trực cùng lối sống thanh bạch cần cù của ông đã lan xa.Nguyễn Hy Quang ra đời trong cảnh nghèo khó. Ông cần cù học tập đêm ngày, đặc biệt là rất chú trọng học kỹ các môn thiết thực với việc kinh luân. Hiếu học và minh mẫn hơn người, ông thông Nho thạo Nôm, giỏi nhiều môn văn, sử, thiên văn, y lý, phong thủy. Vì thế, Đề đốc Văn Phụng hầu Phạm Công Túc, người làng Kim Hoa ở bên cạnh đã gả con gái cho.
Năm 1673, chúa Tây Vương Trịnh Tạc cho đặc triệu ông vào phủ làm tân khách giúp Thái Phó Lương Mục Công Trịnh Vịnh là đích tôn của Chúa, con trưởng của Thế tử Nguyên soái Điển quốc chính Trịnh Căn. Năm Chính Hòa thứ 5 (1684) Nguyễn Hy Quang được cử giữ chức Lang trung bộ Lại kiêm Tri bộ Hộ.
Lúc này theo chế độ các chúa Trịnh, khi con hay cháu có khả năng làm được việc nước thì cho lập phủ riêng để tham dự hoặc nắm chính quyền, Chúa đang chuẩn bị cho đích tôn ra mở phủ. Nguyễn Hy Quang được giao thêm việc dạy Trịnh Bính, con của Thái Phó.
Đối với việc dạy Trịnh Bính, Nguyễn Hy Quang nghĩ chuyện dài lâu nên coi trọng dạy những kiến thức và đức tính cần thiết với quản lý đất nước. Khi Trịnh Bính còn ít tuổi, ông thường dắt lên điện đình, chỉ bảo cặn kẽ. Không may Thái Phó mất sớm, em là Khiêm Công Trịnh Bách được chuẩn bị mở phủ, nhưng sau đó cũng bị bệnh nguy cấp và mất sau khi mở phủ được 3 năm. Do đó, năm 1688 Chúa Định Vương Trịnh Căn phong đích tôn Trịnh Bính làm Tấn Quốc Công (sau phong là Tấn Quang Vương), cho mở phủ Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền và ủy cho Tả Thị Lang Nguyễn Viết Thứ và ông phụ tá việc nhiếp chính của Trịnh Bính. Chính vị thế quan trọng này đã gây cho ông bao phức tạp, tuy nhiên, ông đã đem hết tâm sức làm tròn, khiến uy tín ngày càng tăng.
Ông có đóng góp lớn đối với làng Trung Tự trong việc đòi lại đất bị quan lại lấn chiếm từ nhiều đời trước. Sau khi đỗ Giải Nguyên năm 1657, ông đã vận động đoàn kết các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ. Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674, sau khoảng 80 năm phải "ở nhờ", người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất cũ của mình. Năm 1674, ông bỏ tiền lương cùng dân làng Trung Tự sửa sang làng xóm, làm đẹp bộ mặt quê hương.
Tháng 6 âm năm 1691, ông được thăng Công khoa Đô cấp sự trung, tước Hiển Phương bá. Nhưng cùng năm ấy, Nguyễn Hy Quang xin nghỉ hưu.
Nguyễn Hy Quang hay làm thơ Chữ Nôm và có soạn sách. Ông để lại cuốn sách “Quốc âm sự dẫn”, được coi là của gia bảo của dòng họ Nguyễn làng Trung Tự. Đặc biệt, bài thơ "Cảm tác" bằng chữ Nôm được sáng tác khi xây xong nhà ngay trước hồ Ba Mẫu ngày nay là một trong những áng thơ Nôm thể lục bát cổ xưa nhất còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay, có niên đại rõ ràng (1674), đã rất hoàn chỉnh, văn từ mượt mà. Bài thơ là một đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà của Nguyễn Hy Quang trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát. Bài thơ đó như sau:
Bốn bề cây cối lơ thơ
Thung thăng con cá vật vờ đàn ong
Ngẫm thay người thật khách song
Nhân tri kinh phật sinh không có lời
Đồng lần vật đổi sao rời
Một nền trải mấy muơi đời dân gia
Nào trăm năm trước ắt là của aiTới ta rằng của riêng ta
Làm chi cho vẩn lòng người
Của đời ắt để cho đời phân minh
Năm 1692, ông lâm trọng bệnh. Cảm công ơn dạy dỗ của ông, Tiết chế kiêm Tổng Chính quyền Trịnh Bính đã tận tình chăm sóc thầy, thậm chí đích thân xuống lập đàn cầu trời và tự mình viết bài “mật đảo văn” cho thầy qua khỏi. Ông mất ngày 06 tháng 5 năm Nhâm Thân đời Lê Chính Hòa (1692). Khi ông qua đời, Chúa thương xót và lệnh nghỉ chầu 3 ngày và sai các quan trong bộ Lễ lo việc tang tế. Hiện nay, phần mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh - Hà Nội).
Sau khi qua đời, ông được chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công.
Năm 1745 niên hiệu Cảnh Hưng, ông được phong Trung đẳng phúc thần, tặng phong mỹ tự Trực Ôn Văn Nhã Đại vương.
Năm 1783, Đoan Nam vương Trịnh Khải ra lệnh sai quan đến tế theo lễ Thiếu lao cho dân hai phường Đông Tác và Kim Hoa là dân tạo lệ, 99 suất đinh, được miễn phu dịch, để trông nom đền miếu, hàng năm Xuân - Thu hai kỳ tế lễ).
Nguyễn Hy Quang được thờ trong đình Trung Tự, quê hương của ông
Tại kì họp thường kì tháng 10 năm 2011, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố Nguyễn Hy Quang cho một tuyến phố nằm trên địa bàn quê hương ông tại quận Đống Đa - Hà Nội.
Ngày 10/8/2008 tại đình Trung Tự - phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, Hội Sử học Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội, UBND phường Phương Liên - Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về “Nguyễn Hy Quang - Nhà giáo tài đức có công lao góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ XVII”. Hội thảo đã đánh giá ông là người tài năng, cương trực, có lối sống thanh bạch, cần cù, gắn bó với nhân dân, có công lớn trong việc gây dựng lại làng quê Trung Tự.
Thời Lê trung hưng. Ông còn có tên là Trạng Bịu. (http://vi.wikipedia.org)
Theo https://baomoi.com, 21/10/2013 : Năm 1692 ông lâm bệnh qua đời. Chúa lệnh nghỉ chầu 3 ngày, sai quan lo việc tang tế và tặng phong ông là Thượng Thư, tước Quận Công. Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền Trịnh Bính không những đã tận tình chăm sóc thầy khi ốm, nay lại thân soạn văn tế thầy rất chân thành, thiết tha: "Học tất phải có thầy, lễ trước tiên là trọng đạo… Thầy có tài Kinh luận, truyền bảo cho trò. Trò nhờ dạy dỗ mà có kiến thức, vận dụng thực thi, làm lợi nước nhà. Tất cả hoàn toàn là nhờ ơn thầy!... Nhớ thuở học xưa, nghe lời giảng sáng, được đọc sách hay, thương xót khôn cùng!"…
Năm mươi năm sau, ông được gia phong làm Phúc Thần Đại Vương với lời đánh giá khá cao: "Sắc... Nguyễn Hy Quang... tài cao bậc lương đống (rường cột triều đình), vật báu như ngọc quý Phan Dư. Trong màn trướng đã bồi giảng nền học thánh hiền. Kịp thời đúng lúc và hết lòng phụ tá, góp nhiều ý hay vào mưu lược quốc gia. Ngày ngày lo nghĩ giúp (triều đình) hoàn thành nền thịnh trị...".
Chắc rằng qua thực tiễn kiểm nghiệm một thời gian dài như thế, việc đánh giá về ông thêm khách quan chính xác. Tra cứu sách sử lại càng hiểu rõ thêm, ví dụ Lịch Triều tạp kỷ (NXB KHXH 1995, tr.59) viết: "Chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị và Chính Hòa (1675-1704) đáng gọi vào bậc nhất đời (Lê) Trung Hưng. Kỷ cương thì chấn hưng, thưởng phạt thì nghiêm túc mà công minh, trăm quan kính giữa pháp chế độ, nhân dân được yên nghiệp làm ăn".
Về sự nghiệp Giáo dục và văn chương, cụ Nguyễn Hy Quang đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm xuất sắc. Chúa Trịnh qua nhiều lần đàm đạo tỏ ý hài lòng về ông và tặng thơ, ông nhân đó soạn dâng Chúa bản "Quân thần luận" mong góp phần chấn chỉnh kỷ cương đất nước và yên dân. Bản "Quân thần luận" đã nêu rõ các đạo lý về quan hệ vua tôi, vấn đề hiểu biết và dùng người, vấn đề yên dân, và đặc biệt là hai vấn đề nóng hổi đương thời: Việc binh và việc hình cần phải thiết thực. Chúa Trịnh Tạc tán thưởng và ban khen, thăng làm Lang trung bộ Lại kiêm tri bộ Hộ. Chúa khen: "Bản Thập Tiệm của Ngụy Trưng cũng không hơn được".
7.20. Nguyễn Quán Nho (1638-1708) là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Quán Nho là người làng Đông Triều, xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên, thuộc thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê; sau Cách mạng tháng Tám (1945) là làng Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa và nay thuộc tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.
Nguyễn Quán Nho sinh ngày 2 tháng 10 năm 1638 (Mậu Dần), thuộc đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Quán. Cha ông là Nguyễn Quán Hoàn, mất sớm khi Nguyễn Quán Nho còn nhỏ. Mẹ là Trịnh Thị Phúc quê ở làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc
Sự nghiệp
Năm 1657, ông tham gia thi Hương và đỗ Hương cống.
Năm 1659, ông thi Hội đỗ tam trường và được tuyển vào làm việc trong triều.
Năm 1667 đời Lê Huyền Tông, ông đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi, lúc 30 tuổi.
Năm 1672, ông được bổ làm Đô đốc liên tỉnh Hải Dương - Yên Quảng.
Năm 1684, ông được bổ nhiệm làm Phó đô ngự sử. Đầu năm 1691, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Lại. Cuối năm 1692, ông được kiêm thêm chức Đô ngự sử.Trong các năm từ 1674 đến 1681, ông đã bốn lần tham gia vào phái đoàn của triều đình Lê - Trịnh đi công cán sang nhà Thanh.
Sang năm 1693, Nguyễn Quán Nho được thăng làm Thượng thư bộ Binh rồi cùng Thượng thư bộ Hình là Lê Hy vào phủ chúa Trịnh làm Tham tụng. Năm 1694, ông đã cùng Lê Hy dâng tờ khải xin thi hành 6 điều mà hai ông đã kiến nghị như kiểm tra lại mốc giới ruộng đất, chỉnh đốn việc xử kiện, việc khảo công quan lại... và đã được chúa Trịnh phê chuẩn thi hành. Ông ở ngôi tể tướng 5 năm, làm việc giản dị, không giấu giếm.
Năm 1696, triều đình tổ chức thi cho các quan. Chúa Trịnh Căn triệu ông vào nghĩ đề bài và dặn giữ bí mật. Ông nói chuyện với người khác, đề thi bị lộ ra. Trịnh Căn giận dữ giáng ông xuống làm Tả thị lang bộ Binh. Sau đó Đô ngự sử Nguyễn Quý Đức cũng bị giáng chức, Trịnh Căn lại điều ông thay Quý Đức làm Đô ngự sử. Ông đảm nhận công việc Đô ngự sử trong 7 năm.
Năm 1702, ông được phục ngôi Tể tướng, Thượng thư bộ Lễ, coi việc tòa Trung thư, tước Hương Giang bá. Ông cùng Lê Hy làm Tể tướng, nhưng Lê Hy nghiêm khắc còn Nguyễn Quán Nho khoan dung hơn, nhiều người được nhờ cậy. Vì vậy đương thời có câu ca dao:
Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi, Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca cũng ghi:
Bởi ai thiên hạ âu ca.
Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi.
Năm 1707, Nguyễn Quán Nho về hưu. Ngày 12 tháng 8 năm 1708, ông qua đời, thọ 71 tuổi.
Ghi công
Sau khi qua đời, Nguyễn Quán Nho được truy tặng là Thượng thư bộ Lại, tước quận công, đồng thời phong là phúc thần và giao cho dân địa phương thờ phụng.
Nhà thờ cùng với khu mộ Nguyễn Quán Nho tại thị trấn Vạn Hà đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993. Dòng họ Nguyễn Quán cũng lưu giữ được bức họa chân dung Nguyễn Quán Nho được một họa sĩ Trung Quốc vẽ trong một lần đi sứ
Hiện nay tại huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có một trường trung học phổ thông mang tên Nguyễn Quán Nho.
Những câu chuyện lưu truyền
Học theo Mạc Đĩnh Chi
Nhà nghèo, cha mất sớm nhưng thuở nhỏ Nguyễn Quán Nho rất ham học. Lúc theo mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, ông áp tai vào vách nhà để nghe lỏm lời thầy giảng và lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Về nhà ông học bài bằng cách lấy que vạch chữ trên thân cây xương rồng, trên lá chuối. Về đêm, ông bắt đom đóm bỏ vào quả cà đã khoét ruột hoặc vỏ trứng để học bài.
Chàng Cháy
Nhà nghèo nên phải nấu cơm bằng nồi đất nhưng loại nồi này hay vỡ, ông phải thường xuyên mượn nồi của hàng xóm để nấu cơm. Hàng xóm thương tình nên thường để lại ít cơm cháy trong nồi khi cho mượn. Sau này dân làng gọi đùa ông là Chàng Cháy.
Quan trạng vớt bèo
Ngày Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng, mặc cho các quan lại hàng tổng hàng huyện chuẩn bị đón rước, mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Khi lý trưởng mời bà về dự lễ rước quan trạng, bà nói rằng:
- Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!
Nguyễn Quán Nho nghe kể lại, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao làng cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về nhà rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ. Đến nay làng Dương Hòa còn lưu truyền câu ca Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy.
Đùm tro áo lụa
Nguyễn Quán Nho trong thời làm quan ở Ninh Bình, vì việc công bận bịu không về thăm mẹ được nên nhân ngàyTết mới gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa và sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo quý chưa từng được mặc, nhưng lại tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính. Bà nói Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân hay sao, rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Khi mở ra, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ, suốt đời ông đã sống thanh liêm, không bòn rút của dân lành.
Khi ông mất, dân quê ông khóc thương ông:
Chàng về Vạn Vạc chàng ơi.
Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng.( https://vi.wikipedia.org/)
“Tể tướng Vạn Hà, thiên hạ âu ca”
Nhận xét về thời trị vì của vua Lê Hy Tông, sử gia Phan Huy Chú cho rằng “Trong khoảng Vĩnh Trị và Chính Hòa, trên dưới bình yên, trong ngoài vô sự. Người cầm quyền chính đại lấy sự ung dung làm đức độ, sự chín chắn làm thể thống, như các ông: Nguyễn Mậu Tài ở Kim Sơn, Nguyễn Quán Nho ở Vãn Hà và Nguyễn Quý Đức ở Thiên Mỗ đều có lòng khoan hậu, được xứng chức; thực là đáng lương thần đời trị”.
Hai chữ “lương thần” dành cho quan Nguyễn Quán Nho, thực chẳng ngoa ngôn. Cứ xem những việc làm của ông khi đương chức, thật xứng là tấm gương soi cho những kẻ tôi thần của vua chúa.
Đời làm quan của Nguyễn Quán Nho kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, nhưng nhất nhất đều tỏ được sự ngay thẳng, thanh bạch. Năm Giáp Tý (1684), ông làm Phó đô ngự sử thuộc Ngự sử đài, giữ nhiệm vụ can gián vua, đàn hặc quan lại làm sai phép nước.
Đến năm Tân Mùi (1691), ông làm Tả thị lang bộ Lại, rồi như ghi chép trong “Đại Việt sử ký tục biên”, ông được thăng Đô ngự sử năm Nhâm Thân (1692), năm sau làm Thượng thư bộ Binh rồi cùng làm Thượng thư bộ Hình với Lê Hy. Sau này vào năm Nhâm Ngọ (1702), ông còn làm Thượng thư bộ Lễ.
Dẫu giữ chức vụ cao, làm tể tướng trong triều, nhưng tính tình ông được khen là giản dị, việc gì cũng không giấu giếm. Giữ chức cao là vậy nhưng ông sống thanh bạch để lại tiếng tốt cho đời, được nhân dân ca tụng là “Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Có lần về quê thấy dân đang làm đường, đắp đê sông Chu, ông cho voi và quân lính ra phụ dân, người Vạn Hà xúc động ngâm nga:
“Ai về làng Vạn mà coi.
Coi ông quan Thượng cho voi làm đường”.
Trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi nhận thành quả làm quan của vị danh thần xứ Thanh:
“Bởi ai thiên hạ âu ca.
Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”.(http://baophapluat.vn/, 8/1/2017 )
7.21. Nguyễn Đăng Cảo (chữ Hán: 阮登鎬, 1619-?), người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Năm 28 tuổi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (tức Thám hoa) khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) thời Lê Chân Tông Do khoa thi này không lấy Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (trạng nguyên) và Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (bảng nhãn) nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ khoa này. Sau ông lại đỗ đầu khoa Đông các và làm quan Đông các Đại học sĩ (1659).
Ông là anh của tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, bác của tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân và trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.(Văn bia số 46) (vi.wikipedia.org/wiki)Ông được bổ chức Đông các Đại học sĩ, nhưng sau đó bị bãi chức, vì ông là người cương trực, không theo thói đời nên bị nhiều người ghen ghét, vì thế mà không được trọng dụng.
Giai thoại văn học về đình Nguyên Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo
Do trí thông minh, tài ứng đối siêu nhân nên mỗi khi có sứ nhà Thanh sang hạch sách, vua Lê đều vời ông ra tiếp đãi, ứng đối. Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông đã làm cho sứ nhà Thanh phải kinh ngạc, nể phục. Dân gian truyền tụng ca ngợi:
“Làng Bựu có đấng Thám hoa. Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài”.
Truyền kể thời niên thiếu: Từ nhỏ Đăng Cảo đã rất thông minh học giỏi, 13 tuổi đọc sách một lượt là thuộc hết, mọi người suy tôn là thần đồng. Vốn là người ưa tự do phóng khoáng, ông thường đi du ngoạn và giao thiệp rộng rãi với mọi người, sớm thể hiện tính cách sắc sảo. Năm 16 tuổi một hôm đi chơi, gặp một thuyền buôn, ông hỏi người chủ cho xem tấm vải gấm và hỏi giá bán. Ông chủ thuyền vốn là người hay chữ nên ra một vế đối thử tài Đăng Cảo, như sau: “Hữu nhất thuần cẩm, thượng cầm hạ thú, sắc nhiều toàn thuyền, khang ninh phúc thọ”. Nghĩa là: (có một tấm gấm quý, trên con cầm, dưới con thú, màu huyền sắc đẹp, mạnh khoẻ giàu sang sống lâu). Đăng Cảo có đồng tiền đúc mang theo, nghĩ ngay ra vế đối lại: “Hữu nhất văn tiền, nội phương ngoại viên, diện đế tứ tự, thông bảo khai nguyên”; Nghĩa là: (Có một đồng tiền, trong thì vuông, ngoài thì tròn, mặt đề bốn chữ, thông bảo khai nguyên). Người chủ hàng nghe xong rất cảm phục liền biếu tặng Đăng Cảo tấm vải gấm quý đó.
Truyện kể Nguyễn Đăng Cảo đi thi: Ông thi 3 kỳ ở huyện đều đứng đầu. Khi về tỉnh dự thi vấn đáp, quan trường thi thấy Đăng Cảo vào không quỳ lạy mà chỉ chào, tỏ vẻ không hài lòng, nên đã dùng những câu hỏi hiểm hóc của kinh lễ đưa ra những câu khó nhất để hỏi; nhưng Đăng Cảo đều trả lời trôi chảy. Nhưng quan Tả Tham chính còn chất vấn thêm. Đăng Cảo bèn nói; “Theo điều lệ của triều đình, chỉ được hỏi 6 câu; nay các ông đã hỏi tôi đến 12 câu rồi, tôi biết nhưng tôi không trả lời nữa”. Quan Hiến sát thấy vậy bèn nói nhỏ với viên quan Tham chính rằng: Đây là một nhân tài lớn. Do đó việc vấn đáp được kết thúc. Khoa này Đăng Cảo đỗ Giải nguyên (đỗ đầu Hương Cống), khi ấy mới 24 tuổi (1638).
Truyền kể: Đăng Cảo sớm trở thành bậc tiên tri, nên trước khi vào thi Hội và thi Đình ông đã tiên đoán trước kết quả đỗ đạt. Khoa thi năm 1464, ngày thi đến nơi, Đăng Minh lo lắng cho rằng khoa này có nhiều người giỏi, chưa chắc hai anh em đã đỗ, Đăng Cảo liền nói rằng: Chú cứ yên tâm, khoa này triều đình lấy nhất giáp chắc là về phần ta, thứ hai về ông bạn người Thanh Hoá, thứ ba-đệ tam giáp về phần chú. Kết quả kỳ thi đúng như dự đoán của Đăng Cảo: Ông đỗ đệ nhất giáp, còn Đăng Minh đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ. Ngày vào Điện nhà vua thi, Đăng Cảo sức học uyên thâm, văn lý hùng hồn đáng bậc Trạng nguyên, nhưng vì triều thần thấy ông là người ương ngạnh ngang tàng nên chỉ chấm đỗ đến Thám hoa.
Về tài ứng đối với sứ thần nhà Thanh: Một lần Đăng Cảo nhận mệnh nhà vua mang lễ vật lên biên giới gặp sứ nhà Thanh để tìm cách sao cho quân Thanh không kéo về Thăng Long. Đến Lạng Sơn, sứ thần nhà Thanh ra câu đối rằng: “Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng”? (nghĩa là chim vào gió ăn sâu mà hoá phượng)-chữ “phượng” do chữ “Điểu” viết trong lòng chữ “phong” mà thành. Đăng Cảo liền đối rằng: “Nhân cư nham, đả thi thạch chĩ thành tiên”. Nghĩa là: Người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên. Chữ “nhân” đứng bên cạnh chữ “nham”, bỏ chữ “thạch” thành chữ “tiên”. Đến cửa ải, sau một tuần mưa dầm, bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ nhà Thanh mang sách ra phơi; Đăng Cảo cũng kê gối trải chiếu rồi nằm phơi bụng mình ra. Sứ Tàu ngạc nhiên lắm, hỏi Sao ông làm như vậy?. Ông trả lời: Sứ thần Thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng (ý nói có sách ở trong bụng). Sứ Tàu thán phục, nhưng vẫn thử tài thêm, nói rằng: Sách “Đại học” bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho thì tốt quá? Đăng Cảo nhận lời và ngồi viết ngay lại từ chính vận đến chú giải lớn, nhỏ y như bản gốc. Sứ Tàu kinh ngạc nói rằng; Năm trước quan Thái tử tâu vua sao Vân Khúc giáp ở An Nam, nay quả đúng như vậy. Tiếng đồn đến nhà vua, vua Thanh liền cho vời ông tới bảo làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Đăng Cảo làm xong sớm liền trình lên vua Thanh. Xem xong vua Thanh phê rằng: Lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm cho Đăng Cảo làm khôi nguyên Bắc triều… rồi liền ra lệnh bãi binh.
Truyền kể: Đăng Cảo ra làm quan, nhưng tính ngang tàng, nên mấy lần bị triều đình giáng chức, ông chán ngán xin từ quan về quê làm ruộng, kéo vó làm vui. Khi thong thả ông lại ra chợ Nội Duệ uống rượu thịt chó rồi lại thủng thỉnh ra về. Một lần ông bế cháu (gọi là ông là bác, tức Nguyễn Đăng Đạo) và nói rằng: Triều đình ghét ta ngang bướng, đánh xuống Thám hoa, nhưng cháu ta-thằng bé này nhất định sẽ đỗ Trạng nguyên, không đánh nó xuống được đâu. Sau đó quả đúng như vậy.
Bấy giờ sứ nhà Thanh sang đến Xương Giang thì dừng lại, rồi sai quân đưa đến triều đình ta một vuông gấm có viết chữ “Càn” rất lớn và nói-nếu Đại Việt không giảng được thì sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long. Triều đình ta không hiểu ra làm sao, bèn cho triệu Đăng Cảo vào kinh để giảng. Đăng Cảo nghe xong nói: Cái trò đánh đố chữ nhỏ mọn ấy bõ gì mà triều đình phải bận tâm, sau đó ông lấy bút quét một nét sổ trên giấy cho sứ triều mang về tâu vua, dặn cứ thế đưa cho sứ Thanh. Quả nhiên, sứ nhà Thanh rất phục và đi tiếp vào Thăng Long. Vua vẫn còn chưa hiểu ra sao, lại cho quân về hỏi Đăng Cảo. Đăng Cảo nói: Ở kinh dịch tượng cho quẻ “Càn” là ba nét ngang, thêm một nét sổ thì thành chữ “vương”. Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi.
Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Đăng Cảo.
Một lần khác vua nhà Thanh tiếp sứ thần Đại Việt là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, có ra vế đối như sau: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền thệ nguyệt”. Nghĩa là: “Chó già rụng lông còn ngó ra sân sủa lên bóng trăng”. Biết đó là ý miệt thị của vua Thanh, Đăng Cảo bực tức đối ngay rằng: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy tiên”. Nghĩa là: “ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng ngó lên trời”. Thấy vế đối nội dung ngang tàng, lại có ý mỉa mai, coi nhà Thanh kiến thức hẹp hòi “như ếch ngồi đáy giếng”, vua Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa, rồi sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.
Giai thoại nêu trên góp phần minh chứng sâu sắc hơn về tài năng của Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo-nhà khoa bảng tiêu biểu đã có nhiều đóng góp to lớn cho dân cho nước. Các thế hệ kế tiếp ông từ xưa tới nay đều rất tự hào, phấn đấu học tập noi theo. (Baobacninh.com ngày 14/12/2012)
Theo www. Vietgle.vn: Sách “Bắc Ninh địa dư chí” ghi tóm tắt về ông: “Trẻ có tài lạ, kinh, truyện đọc một lần là nhớ, bấy giờ gọi là thần đồng. Thi hương, thi hội, thi đình, thi đông các đều đỗ đầu. Đi sứ nổi tiếng ở nước Tàu. Vua nhà Thanh châu phê tặng là khôi nguyên. Làm đến Đông các đại học sĩ tước Liên Thuỵ nam. Em trai Đăng Minh đỗ cùng bảng, cháu ruột là Đăng Đạo tiếp sau cũng đỗ trạng nguyên”.
Tác phẩm còn lại là những câu đối đi sứ, tiếp sứ và bài kí bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn có kho giai thoại, truyền thuyết về ông. Khoảng tháng 3-1662 ông bị bãi chức do tính hạnh khác người dù văn chương tài lạ.
Một lần nhà Thanh sai sứ sang sách nhiễu. Triều đình bí quá phải triệu ông hồi cung tiếp sứ. Sứ Thanh đòi nộp 1 cái giường đồng, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Nghe xong ông cười to bảo “Bắc triều loạn đã lâu chi dùng không đủ nên vòi ta chu cấp. Nộp cho họ 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái”. Người nhà Thanh thấy vậy kính phục. Sứ Thanh lại đưa 10 vuông gấm (4m2) đòi may thành các loại áo, mũ, xiêm, khăn, chăn, màn. Ông cho may 1 cái áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt. Ông viết chữ đề quạt: “Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ, buông xuống là màn, che mình là chăn, trải giường là nệm”. Sứ Thanh đọc xong kính phục nói: “Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Cảo”.
Hiện nay làng Hoài Bão có đền thờ thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Quang tiến thân lộc đại phu Đông các đại học sĩ và đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo gần đình làng.( http://baobacninh.com.vn,14/12/2012)
7.22. Nguyễn Đăng Minh (chữ Hán: 阮登明, 1623-1696) người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) thời Lê Chân Tông, cùng khoa thi với anh trai là Nguyễn Đăng Cảo.
Ông làm quan cho nhà Lê trung hưng tới Quốc tử giám Tế tửu, tước Diễn Lộc nam.
Ông là em của thám hoa Nguyễn Đăng Cảo (cùng khoa), cha tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân (khoa 1673) và trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (khoa 1683). (http://vi.wikipedia.org/wiki)
7.22. Nguyễn Đăng Tuân (chữ Hán: 阮登遵, 1649-?) là người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Quý Sửu niên hiệu Dương Đức thứ 2 (1673) thời Lê Gia Tông.
Ông là con Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh (khoa 1646), là cháu ruột Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo (khoa 1646), và là anh ruột Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (khoa thi 1683) (Văn bia số 15).
Nguyễn Đăng Tuân làm quan cho nhà Lê trung hưng, trải đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên ở Thăng Long, sau bị truất xuống Cấp sự trung.(https://vi.wikipedia.org/)
7.23. Nguyễn Viết Thứ (1644-1692) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Viết Thứ người làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam.
Năm 21 tuổi (1664), ông đỗ Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ đời Lê Huyền Tông, được triều đỉnh bổ dụng.
Năm 1676, Nguyễn Viết Thứ được thăng làm Bồi tụng, Đô cấp sự trung Lại Khoa. Sau đó ông đỗ thứ 2 khoa thi Đông các, được thăng làm Hiệu thư Đông các.
Năm 1691, ông được thăng làm Thượng thư bộ Hình, tước Mai Sơn nam, sau đó vào phủ chúa Trịnh làm Tham tụng
Năm 1692, ông qua đời khi mới 49 tuổi, được truy tặng là Thượng thư bộ Lại, tước tử.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:
Ông cầm quyền chính giữ đúng pháp luật, không có tư vị; lại tiến cử người giỏi, là bậc danh thần lúc bấy giờ (http://vi.wikipedia.org/wiki)
Nhà cổ Sơn Đồng và huyền thoại ân nghĩa người xưa
Ở xã Sơn Đồng, có một ngôi nhà gỗ chỉ được dựng trong vỏn vẹn... một đêm ! Tồn tại qua hơn ba thế kỷ mưa nắng, câu chuyện về việc dựng nhà vẫn còn được người dân lưu truyền như một huyền thoại.
Nhà dựng một đêm, đứng vững ba thế kỷ
Nói đến nhà cổ Sơn Đồng, người dân nơi đây tự hào về một ngôi nhà được xây chỉ trong... một đêm, gắn với cuộc đời của Tham tụng (Tể tướng), Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644-1692), một danh thần nhà Lê.
Cụ Nguyễn Viết Thứ đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, sau đó, được triều đình bổ dụng vào nhiều vị trí quan trọng. Năm 1691, được bổ làm Tham tụng, tức Tể tướng. Dân làng vẫn gọi cụ với cái tên thân mật : Cụ Thượng Sơn Đồng.
Trải hơn ba thế kỷ, ngôi 'nhà một đêm' vẫn vững chãi. Gia chủ vẫn giữ nếp xưa nên ba gian chính ngày nay được dùng làm không gian thờ cúng và tiếp khách. Toàn bộ mặt trước của ngôi nhà vẫn được giữ nguyên kiểu cửa bức bàn. Những cột kèo gỗ lim vẫn lên nước sáng bóng. Nhiều đồ thờ cúng vẫn còn được lưu giữ từ ngày ngôi nhà mới được dựng. Theo người trông nom ngôi nhà, ông Nguyễn Viết Vy, hậu duệ của cụ Nguyễn Viết Thứ, mấy trăm năm trôi qua, ngôi nhà hầu như chưa phải trải qua một lần tu sửa lớn nào. Đến đời ông Vy, chỉ sửa chữa có hai lần, chủ yếu là đảo ngói, thay một vài cấu kiện bị mọt.Người làng Sơn Đồng còn lưu truyền một câu chuyện rằng : Mới đêm hôm trước, khu đất nhà cụ Thượng Sơn Đồng vẫn trống trải. Nhưng rồi bỗng một hôm, người làng Sơn Đồng bỗng nghe những tiếng thình thịch suốt đêm. Khu đất nhà cụ Thượng làng mình sáng trưng đèn đuốc. Dân làng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi sương tan, người ta đã thấy một ngôi nhà lớn năm gian hai chái dài hơn 18 mét đứng sừng sững đứng ở đó. Cả làng sững sờ đổ ra xem. Vô vàn câu hỏi được đặt ra : Tại sao ngôi nhà lại được dựng trong đêm ? Cụ Thượng Sơn Đồng đã làm gì để dựng được ngôi nhà trong thời gian ngắn kỷ lục đó ?
Câu chuyện từ gia phả
Ngôi 'nhà một đêm' ở làng Sơn Đồng không phải do Thượng thư Nguyễn Viết Thứ cho dựng, mà do một người bạn vong niên, làm quan đồng triều, đồng hương huyện Hoài Đức - cụ Nguyễn Công Triều - làm tặng. Nguyễn Công Triều (1614 -1690) người làng Đông Lao - xã Đông La, từng làm đến Đô đốc Thái bảo Thượng tướng quân, thường được gọi với cái tên: cụ Thượng Đông Lao. Với lòng yêu quê hương, cụ Thượng Đông Lao dành nhiều của cải tích cóp được xây dựng đình chùa miếu mạo, đường sá cho làng quê. Nguồn gốc việc dựng nhà, bắt đầu từ chính nghĩa cử này. Để tiện cho công việc cụ Nguyễn Công Triều mượn voi của triều đình kéo vật liệu. Chẳng may khi làm việc voi bị chết. Theo luật thời ấy, hoặc là phải đúc một con voi bằng bạc to bằng kích thước voi thật để đền cho triều đình, hoặc phải chịu trọng tội. Đô đốc Nguyễn Công Triều dồn hết sản nghiệp cũng chỉ đúc được... 4 cái chân voi bằng bạc.
Cụ Nguyễn Công Triều đem sự tình giãi bày với bạn đồng liêu Nguyễn Viết Thứ. Cụ Thượng Sơn Đồng suy nghĩ lung lắm, làm thế nào để giải tội cho một bậc trọng thần của triều đình. Cụ Thượng Sơn Đồng là cận thần của Chúa Trịnh Tạc. Trong một cuộc cờ với nhà Chúa, cụ Thượng Sơn Đồng thua liền ba ván. Nhà Chúa thấy lạ, vì xưa cụ Thượng Sơn Đồng có tiếng cờ cao. Cụ Thượng Sơn Đồng mới tâu : Khải Vương thượng, có tên gia nhân mượn nhà thần con trâu về cày. Hắn làm trâu chết. Thần đang tính quở phạt thế nào cho phải. Nhà Chúa ngắt lời : Có vậy mà quan Tả phải suy xét, nó là tôi tớ trong nhà, lỡ làm chết trâu thì tha cho nó, nó tiền đâu ra mà đền. Cụ Thượng Sơn Đồng cả mừng, sụp lại Chúa về chuyện voi chết. Nhà Chúa thấy hợp tình hợp lý, bèn tha bổng. Không những thế, nhà Chúa còn hết lời khen ngợi tài trí của Cụ Thượng Sơn Đồng.
Ân lớn khó đền. Cụ Thượng Đông Lao có nói rằng, cha mẹ là cha mẹ chung. Song thân của quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ sống trong cảnh bần hàn với một ngôi nhà tranh xiêu vẹo là mình chưa làm tròn đạo hiếu. Đô đốc Nguyễn Công Triều ngỏ ý dựng tặng phụ mẫu của Tham tụng Nguyễn Viết Thứ một căn nhà. Thượng thư Nguyễn Viết Thứ kém Đô đốc Nguyễn Công Triều nhiều tuổi. Từ chối thì mang tiếng không trọng bậc cao niên, cụ cười bảo rằng : Tấm lòng của đại nhân tôi không dám không nhận. Nếu quan lớn làm ngôi nhà trong một đêm thì tôi xin vâng. Thực chất, đó là một câu từ chối khéo...
Nhưng rồi, cụ Thượng Đông Lao đã tìm cách để tri ân người giúp đỡ mình. Ngôi nhà được dựng đúng trong một đêm. Người Sơn Đồng vẫn truyền rằng, cụ Thượng Đông Lao mất không ít công sức suy tính để giải bài toán khó này. Chỉ có cách làm sẵn tất cả, rồi cho người đến lắp ghép. Khi ấy, cụ Thượng Đông Lao đang chuẩn bị xây nhà thờ họ, thế rồi, cụ đem nguyên ngôi nhà thờ họ đã chuẩn bị sẵn sang bên Sơn Đồng. Để đảm bảo ngôi nhà hoàn thành đúng thời gian, các chi tiết cột, kèo, rui, mè... đều chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ cho người ''tập dượt', lắp thử nhà tại làng đến khi thành thục. Người san nền cứ san nền, người làm phần mộc cứ làm phần mộc. Vì thế, chập tối đem vật liệu sang Sơn Đồng dựng nhà, đến tảng sáng là kịp cho mừng nhà mới.
Giữ chữ Đức bền lâu
Thời gian dựng ngôi nhà được cho vào khoảng năm 1676, tức một năm sau khi Đô đốc Nguyễn Công Triều thoát khỏi hạn lớn. Thời cải cách ruộng đất, ngôi nhà từng bị tịch thu dùng làm nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ. Sau khi sửa sai, ngôi nhà được trả lại cho dòng họ Nguyễn Viết. Cho đến nay, ngôi nhà cổ này vẫn gần như nguyên vẹn.
Điểm khác biệt lớn nhất là xưa, do thời gian dựng gấp, các cụ cho thưng ván quanh nhà, sau, ván được thay bằng gạch xây. Chỉ tiếc rằng, các di tích liên quan đến họ Nguyễn làng Sơn Đồng như từ đường họ Nguyễn và di tích liên quan đến cụ Nguyễn Công Triều đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, ngôi nhà có giá trị như vậy vẫn chỉ được các thế hệ họ Nguyễn Viết giữ gìn bằng... tình yêu, lòng tự hào.
Ông Nguyễn Viết Vàng cho biết : Dòng họ từng cử người đi hỏi thủ tục làm di tích, nhưng không hiểu lý do gì, cấp trên bảo rằng họ phải chi đến 50-60 triệu đồng. Thế nên mọi việc đành để đấy.
Trong các tiểu vùng văn hoá, xứ Đoài là một trong số ít những vùng được vinh danh là 'văn hiến xứ Đoài'. Truyền thống văn hiến ấy được tạo nên bởi những con người tài đức như Nguyễn Viết Thứ, Nguyễn Công Triều. Các thế hệ con cháu cụ Nguyễn Viết Thứ còn kể rằng, khi cụ đã làm đến Thượng thư, mà nhà vẫn nghèo. Có năm đến 30 Tết, cụ bà Thượng thư vẫn chưa biết lấy gì gói bánh. Sinh thời cụ Nguyễn Viết Thứ hay giúp người, tình cờ, đến đúng buổi chiều, có một người từng được cụ Thượng Sơn Đồng gia ân đội một thúng gạo nếp đến biếu. Như thế, gia đình mới có bánh chưng đón Tết.
Đến Sơn Đồng, thăm ngôi nhà cổ, ai cũng say mê khi nghe lại câu chuyện kỳ thú của người xưa - một nét đẹp về đối nhân xử thế cần được nhân lên khi văn hoá xứ Đoài hoà vào mạch chảy văn hoá Thăng Long. Gian chính giữa, bức hoành phi ba chữ 'Đức giả viễn' (Giữ chữ Đức lâu dài) vẫn sáng ánh màu vàng son, như nhắc nhở các thế hệ sau về tâm - đức tiền nhân.( http://www.nhandan.com.vn, 05/08/2011).
7.24. Nguyễn Quý Đức (chữ Hán: 阮貴德, 1648 -1720), húy là Tộ (祚), tự Bản Nhân (体仁) hiệu Đường Hiên (堂軒); là nhà thơ, nhà giáo, nhà sử học, nhà chính trị Việt Nam thời Lê trung hưng.
Thân thế và sự nghiệp
Nguyễn Quý Đức sinh tại làng Thiên Mỗ, thuộc Thăng Long (tức làng Đại Mỗ, nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha ông đỗ sinh đồ, khi ông đỗ Thám hoa cha được ấm phong Đô đài Ngự sử Nguyễn Quý Cường.
Năm lên 8 tuổi, Nguyễn Quý Đức theo học với chú họ (tự là Đạo Thông, nguyên là Tri huyện), và nổi tiếng là "kỳ đồng" ngay từ thuở nhỏ.
Năm 15 tuổi (1663), ông đỗ Hương cống (cử nhân), được thụ chức Hàn lâm viện Hiệu thảo. Sau đó, ông theo học với Tiến sĩ họ Lê (người làng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa).
Năm 28 tuổi (1676), đời vua Lê Hy Tông, Nguyễn Quý Đức đỗ Đình nguyên Thám hoa. Khoa này không chấm đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nên chỉ mình ông đứng tên trong bảng Tam Khôi. Sau đó, ông được thăng làm Hàn Lâm viện đãi chế.Năm 22 tuổi (1670), ông đỗ khoa thi Hoành từ, được thăng làm Thị nội văn chức.
Năm 1678, ông giữ chức giám thị trường thi Nghệ An.
Năm 1680, Nguyễn Quý Đức lĩnh chức Đốc đồng Cao Bằng. Ở đây, ông cùng quan Trấn thủ trấn ấy, phá được cuộc nổi dậy Phù Canh.
Năm 1681, cha từ trần, ông về quê cư tang trong 3 năm, từ năm Tân Dậu (1681) dến năm Giáp Tý (1684). Trở lại triều, ông được thăng làm Thiêm sai Bồi tụng, Lễ khoa cấp sự trung.
Năm 1686, ông được thăng làm Thiêm đô ngự sử (cố vấn và can gián vua).
Năm 1690, ông được cử làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang tuế cống triều Thanh (Trung Quốc). Về nước, được thăng chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Liêm Đường nam.
Năm 1694, thăng ông làm Tả thị lang bộ Lễ, tước Liêm Đường bá, rồi sung làm Bồi tụng trong phủ chúa Trịnh Căn.
Năm 1695, thăng ông làm Đô ngự sử.
Năm 1696, vì người thân ông nhận hối lộ, ông bị giáng làm Tả thị Lang bộ Binh, nhưng vẫn lo việc Bồi tụng.
Năm 1697, chúa Trịnh Căn sai ông cùng Lê Hy xem xét và sửa chữa bộ sử cũ, rồi viết tiếp bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, bao gồm lịch sử 13 năm từ đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) đến đời vua Lê Gia Tông (1672-1675).
Năm 1698, đổi ông làm Tả thị lang bộ Lại.
Năm 1703, chúa Trịnh Căn lập Trịnh Cương làm Thái tử theo lời khuyên của Nguyễn Quý Đức.
Năm 1708, thăng ông làm Thượng thư bộ Binh, rồi làm Tham tụng (tương đương chức Tể tướng).
Năm 1709, chúa Trịnh Căn mất. Trước khi mất, chúa giao cho ông làm cố mệnh, để giúp Trịnh Cương lên nối ngôi chúa. Sau đó, ông đổi sang giữ chức Thượng thư bộ Hộ, thăng Thiếu bảo, tước Liêm Đường hầu, kiêm Đông các Đại học sĩ, gia phong Tá lý công thần.
Năm Giáp Ngọ (1714), Nguyễn Quý Đức được thăng làm Thiếu phó.
Năm 1716, ngày 10 tháng 7, Nguyễn Quý Đức dâng tờ khải xin và được chấp thuận việc lập bia Tiến sĩ (21 bia) tại nhà Thái học (tức Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội ngày nay) từ các khoa Bính Thân (1656) cho đến khoa Ất Mão (1715), và việc dựng bia được tiến hành vào năm sau (1717). Ngoài việc này, trong thời gian kiêm lĩnh chức Tri Quốc Tử Giám, ông còn lo trùng tu, xây dựng thêm các công trình ở đây như dựng điện Đại Thành, trang trí cho nhà Thái học...
Tháng 10 năm đó (1717), ông dâng thư xin trí sĩ mấy lần mới được chúa Trịnh Cương ưng cho. Trước khi về quê, ông được gia phong Thái phó Quốc lão, vẫn được tham dự chính sự, được chúa ban 2 bài thơ tiễn, lại cấp cho xe ngựa và ruộng lộc (lộc điền).
Nguyễn Quý Đức về trí sĩ tại quê nhà là làng Thiên Mỗ. Thường ngày, ông dạo chơi quanh vùng, dựng đình Lạc Thọ để có chỗ họp bạn xướng họa thơ văn. Cuối năm Kỷ Hợi (1719), chúa Trịnh Giang nhân lên chơi Sài Sơn, có ghé thăm ông và mời ông cùng đi.
Danh thần Nguyễn Quý Đức mất vào tháng 5 năm Canh Tý (1720), thọ 72 tuổi, được truy tặng là Thái tể, ban tên thụy là Trịnh Mục. Sau lại truy tặng ông là Đại tư không, sắc phong làm Cung thần tuấn đạt định sách Đại vương, và được dân làng thờ làm Phúc thần thưởng đẳng.
Tác phẩm
< >Thi châu tập (Tập thơ châu ngọc)Hoa trình thi tập (Tập thơ trong chuyến hành trình sang đất Trung Hoa).Lê Hy soạn tiếp bộ Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên. Ông có đến 72 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục do Lê Quý Đôn biên tập.
Đánh giá và ghi công
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép về Nguyễn Quý Đức như sau:
Ông đã làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu,...cấm việc phiền hà, tha cho người trốn tránh và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông; dân được nhờ ơn...Ông là người khoan hậu, trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng, vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông cố giữ ý kiến mình (rồi) bàn ba bốn lần, không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần nhiều do tay ông (thảo). Bàn đến ông, ai cũng khen...
Đánh giá khái quát sự nghiệp của ông, trong Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ "Nguyễn Quý Đức", có đoạn:
Nguyễn Quý Đức là "bề tôi xã tắc" nổi tiếng nhân đức, khoan hậu: "Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui"; là bậc thầy đạo cao đức trọng, dạy ở trường Quốc Tử Giám, đào tạo hàng nghìn học trò; là nhà sử học nghiêm túc, luận bàn xác đáng, khen chê minh bạch. Tham gia biên soạn "Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên", đề tựa "Việt sử thông khảo", sao lục "Quần hiền phú tập", soạn bia tiến sĩ và phụ trách tu tạo Quốc Tử Giám. Tác giả "Thi châu tập", "Hoa trình thi tập" và nhiều bài thơ chữ Hán, chữ Nôm. Thơ Nguyễn Quý Đức mực thước, bình dị, tình cảm khoan hoà, hồn hậu, không dụng công trau chuốt mà ý tứ vẫn sâu.
Tên ông cũng được đặt cho một con đường tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.Hiện nay ở làng Đại Mỗ có từ đường thờ Nguyễn Quý Đức. Nơi ấy, còn lưu giữ được tấm bia ca ngợi công đức của ông do Bảng nhãn Hà Tông Huân soạn. Từ đường này được xây từ năm 1721, bên trong thờ cả ba cha, con, cháu ông được tôn làm thành hoàng làng Đại Mỗ. Từ đường đã được xép hạng di tích lịch sử văn hóa
Hậu duệ
< >Nguyễn Quý Ân (1673-1722), là con Nguyễn Quý Đức. Ông Ân đỗ Hoàng giáp năm 1715, làm đến Đề hình Tả tư giảng. Sau khi mất, ông được truy tặng Thượng thư bộ Công, và truy phong làm Phúc thần.Nguyễn Quý Cảnh hay Nguyễn Quý Kính (1693 - 1766), là cháu Nguyễn Quý Đức. Ông thi đỗ Hương cống, làm quan trải đến các chức Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Hộ, Đại tư mã, hàm Thái phó, tước Thống (hay Kính) Quận công. Sau khi mất, ông được truy tặng làm Đại tư đồ, tước Huyên Trung Công, và cũng được truy phong làm Phúc thần.(https://vi.wikipedia.org)http://360.hncity.org (27, Tháng Hai 2016): Ở tuổi 72, Nguyễn Quý Đức về hưu sau 3 lần xin cáo quan, chúa Trịnh Cương ban 4 chữ “Thái sơn Bắc đẩu”, gia phong hàm Thái phó Quốc lão, vẫn cho tham dự chính sự, lại ban 2 bài thơ tiễn, cấp cho xe ngựa và ruộng lộc.
Sinh thời, ông đã dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban để tặng dân làng và trích 4 mẫu xây chợ Khánh Nguyên (chợ Mỗ) và Lạc Thọ đình. Ông cũng góp tiền bắc cầu Thiên Khánh qua sông Nhuệ và mở rộng con đường đến làng Cót. Ông còn góp tiền dựng lại và soạn bài minh khắc trên chuông đồng, khánh đá ở ngôi chùa cổ Trùng Quang Tự
7.25. Nguyễn Đăng Đạo (chữ Hán: 阮登道, 1651–1719) là một trong số rất ít trạng nguyên làm quan tới chức tể tướng
Ông sinh năm 1651, người xã Hoài Bão (có tục danh là làng Bịu), tổng Nội Duệ (nay là xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Thân phụ ông là tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, giữ chức Quốc tử giám tế tửu trong triều Lê. Ông còn là cháu ruột của thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em trai Nguyễn Đăng Tuân. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, hoạt bát.
Năm 16 tuổi Nguyễn Đăng Đạo đi thi và đỗ tam trường (tú tài). Năm 19 tuổi lại đỗ đầu hương cống (cử nhân), được triều đình cho vào học tại Quốc Tử Giám. Năm Chính Hòa thứ 4 (Quý Hợi, 1683) ông thi đình và đỗ trạng nguyên.
Sau khi đỗ trạng, ông được triều đình giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng từ Đô đài ngự sử, Binh bộ Thượng thư rồi lên chức quan cao nhất là Tể tướng đời nhà Hậu Lê.
Từ tháng 1 năm Đinh Sửu 1697 đến tháng 4 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh Trung Quốc. Văn tài của Nguyễn Đăng Đạo đã làm kinh ngạc cả triều đình nhà Thanh cùng sứ thần các nước. Vua Thanh phong cho ông là Trạng nguyên của Bắc triều, ban mũ áo, võng lọng cho ông vinh quy về nước.
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và mối tình“sét đánh”
Năm 16 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo thi đỗ Tam trường rồi được gia đình cho lên kinh đô Thăng Long học tập. Trong thời gian học ở kinh đô, nhân ngày rằm tháng Giêng, tục gọi là Tết Nguyên tiêu, Đăng Đạo cùng vài đứa tiểu đồng đến chùa Báo Thiên vãn cảnh.
Đến trước cổng chùa, ông thấy một cỗ xe hoa, xung quanh là đầy tớ theo hầu xúm xít. Từ trên xe bước xuống là một tiểu thư đài các. Chàng trai Đăng Đạo sững sờ trước vẻ đẹp của tiểu thư, chỉ biết theo gót chân nàng bước vào chùa.
Tại đây cô gái thắp hương cầu Phật. Đăng Đạo cũng bước đến bên cạnh, chắp tay khấn vái. Chàng khấn rằng: "Nam mô a di đà Phật. Con cầu khấn Phật Tổ phù hộ độ trì cho vợ chồng con bách niên giai lão". Chàng không khấn thầm, mà lại khấn thành lời, cốt cho tiểu thư nghe được.
Các thị tỳ theo hầu nghe lời khấn, cho là chàng cớt nhả, bèn thi nhau mắng nhiếc chàng là vô lễ, cả gan mạo phạm tiểu thư con nhà danh giá. Riêng tiểu thư không giận gì chàng vì cho rằng đó chỉ là trò đùa của đám học trò tinh nghịch. Nàng mắng khẽ những người theo hầu, rồi lên xe trở về dinh. Nguyễn Đăng Đạo liền bám theo xe cho đến cổng dinh thự để biết nơi ở của nàng.
Nguyên đây là Phủ đệ của viên Đề lĩnh họ Ngô, chỉ huy cấm quân bảo vệ Kinh thành. Ngô Đề lĩnh chỉ sinh có mỗi mụn con gái, đã tới tuần cập kê, đang có ý định chọn rể trong đám văn chương khoa bảng hoặc bọn con em nhà công hầu khanh tướng.
Đăng Đạo bèn lân la, quà cáp cho những người gác cổng để tìm hiểu đường đi lối lại trong phủ và phòng ở của tiểu thư.
Thế rồi một đêm kia, chàng trèo tường đột nhập vào dinh thự, đến thẳng phòng cô gái rồi trèo lên giường ngủ chung. Tiểu thư bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy, vô cùng hoảng hốt. Hai người lời qua tiếng lại, bọn con hầu đầy tớ biết được, chạy tới. Họ giữ chàng lại rồi đi báo cho Đề lĩnh, cha nàng.
Ngô Đề lĩnh là một người nghiêm khắc, xét xử mọi chuyện dứt khoát theo lối nhà binh. Ông cho trói chàng trai lại để mai sớm giải lên Pháp quan. Chuyện ồn ào trong dinh Đề lĩnh lan sang cả tư dinh bên cạnh của quan Tham tụng Phạm Công Trứ. Quan Tham tụng, xuất thân văn học, đỗ Tiến sĩ 1628 là người quý trọng nhân tài.
Thấy Đăng Đạo xưng là danh sĩ đất Kinh Bắc, bèn bảo chàng làm một bài phú theo đề tài mới ra cho học viên ở trường Giám hôm ấy. Ông sai cởi trói cho Đăng Đạo, rồi đưa đầu bài, giấy bút cho chàng. Đăng Đạo đọc đề, mài mực rồi cầm bút, trải giấy ra, viết một lèo xong bài.
Phạm Công Trứ đọc bài làm, tấm tắc ngợi khen, bảo: "Văn này xứng đáng Trạng nguyên, bảng nhãn". Ngô Đề lĩnh rất đẹp lòng, bảo: Ta bằng lòng nhận anh làm con rể và cho anh vào dinh học hành, nhưng phải đại đăng khoa (thi đỗ) rồi mới được tiểu đăng khoa (lấy vợ) đấy nhé.
Từ đó Nguyễn Đăng Đạo dọn đến dinh Đề lĩnh ở, ngày đêm dùi mài kinh sử. Một năm sau, chàng thi hương đỗ đầu, mấy năm sau nữa chàng đỗ thi hội, rồi vào thi Đình được đỗ Trạng nguyên.
Lúc này Nguyễn Đăng Đạo mới báo cho bố mẹ mình đến hỏi tiểu thư con quan Đề lĩnh làm vợ. Quan Đề lĩnh họ Ngô không ngờ rằng, chàng rể của mình lại xuất thân từ một danh gia vọng tộc.
Bố Nguyễn Đăng Đạo là Nguyễn Đăng Minh, đỗ Tiến sĩ và bác ruột ông là Nguyễn Đăng Cảo, đỗ Thám hoa, đều là những vị quan to của triều đình. Mặc dù vậy, Nguyễn Đăng Đạo không muốn dựa thế gia đình mà muốn tự tài năng và ý chí của bản thân mình mà chinh phục được vợ và gia đình vợ. Thật là một người con rể xứng đáng. (http://kienthuc.net.vn)
Theo https://baomoi.com 08/11/2016: Quê hương của Nguyễn Đăng Đạo gắn với vùng đất giai thoại tiên giáng trần du ngoạn. Khung cảnh thiên nhiên nên thơ với bao câu chuyện như Từ Thức – Giáng Hương trên núi Phật Tích; Vương Chất gặp tiên ở núi Tiên Du; hay những lời ca quan họ tình tứ đắm say… Và câu chuyện bà Ngọc Nhĩ khi mang thai Đăng Đạo cũng đầy huyền hoặc: Một đêm mùa hạ trăng sáng, bà Ngọc Nhĩ nằm mộng ra giếng lấy nước, sao sa xuống thùng nước, bà bèn lấy khăn bịt lại mang về. Hôm sau, nghe kể lại, thám hoa Nguyễn Đăng Cảo khuyên bà nên lấy thùng lấy nước đó để chứa nước dùng. Ít lâu sau bà mang thai…
Lúc nhỏ, Đăng Đạo hay lên núi Lạn Kha để học hỏi thiền sư Chuyết Công. Nhưng người thầy ảnh hưởng đến tính khí Nguyễn Đăng Đạo có lẽ là từ người bác ruột - thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Lúc Đăng Đạo mới 3 tuổi, được bác cho lên biên giới phía Bắc để tiếp sứ giả nhà Thanh. Trông thấy cậu bé 3 tuổi vượt bao hiểm trở, vẫn nhanh nhẹn, nói năng nhanh nhảu, sứ giả khen: “Thực là kỳ đồng”. Và đó cũng chính là ý mà có đôi câu đối tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ngày nay: “Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc; Thập niên tể tướng trong triều Nam”.
Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo thường nói với bè bạn: “Triều đình ghét ta không cho đỗ trạng nguyên (khoa thi 1646 không lấy trạng nguyên và bảng nhãn), nhưng còn thằng bé này thì không cho nó đỗ không được”.
Hay chữ nên 16 tuổi, Đăng Đạo đỗ tam trường, 19 tuổi đỗ Giải nguyên (năm 1673). Năm ấy, vào tiết Nguyên tiêu, khi ngang qua chùa Báo Thiên, Đăng Đạo thấy một xe song loan dừng lại. Một tiểu thư xinh đẹp vén rèm bước xuống cùng thị nữ. Đăng Đạo bị hút hồn, đi theo. Khi người đẹp đang khấn vái ở tam bảo, Đăng Đạo đến bên, khấn to: “Nam mô a di đà phật, cầu Phật tổ phù hộ cho hai vợ chồng tôi đây được khỏe mạnh, sống lâu”. Lập tức, thị nữ quở mắng Đăng Đạo và định sai người hạch tội. Tiểu thư ngăn lại. Tưởng thế đã là “càn rỡ” nhưng đêm ấy, Đăng Đạo khăn áo chỉnh tề vượt tường vào phủ, đi đến bên phòng tiểu thư rồi ngồi đó. Thị nữ phát hiện gọi tiểu thư, ông nói: “Ta là danh sĩ Bắc Hà đến xin quan lớn cho làm rể”. Tiểu thư sai thị nữ đem vàng bạc ra cho, nhưng ông từ chối. Việc kinh động, quan đề lĩnh họ Ngô sai lính trói ông rồi bẩm lên quan Tham tụng Phạm Công Trứ. Quan Tham tụng cũng thử tài thi phú. Đăng Đạo múa bút một chặp trình lên. Hai vị quan kinh ngạc với bài phú rất hay. Quan đề lĩnh ưng Đăng Đạo làm rể nhưng bắt hứa phải giành đại đăng khoa thì mới cho tiểu đăng khoa.
Trước kỳ thi đình 1683, Đăng Đạo cầu mộng ở đền Trấn Vũ (ở Gia Lâm, Hà Nội), thấy thần nhân báo: khoa thi này cậu trượt. Sáng dậy, Đăng Đạo liền đề lên vách câu thơ: “Thần nhân bất thức nhân sự; Ngã thị tư khoa trúng trạng nguyên”. Nghĩa là: “Thần đâu biết được việc người; Khoa này ta đỗ, đỗ thời trạng nguyên”. Quả nhiên, khoa đó ông đỗ thật.
Đường công danh của vị trạng nguyên hanh thông, thật hợp với tên Đăng Đạo (đường sán, tiến lên...). Đỗ xong, ông được bổ chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu; thăng chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị kinh diên thọ lâm bá. Sau đó là: Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh kiêm Bồi tụng và thăng đến chức Tham tụng (Tể tướng).
Góp công cho sự nghiệp giáo dục, Đăng Đạo còn tiến cử những hiền tài như: Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Bùi Sĩ Tiêm...
Vốn ngay thẳng, chính trực, Nguyễn Đăng Đạo dám “cự lại” quy định của chúa Trịnh Căn: Về nhà thay triều phục sang thường phục sau khi chầu thiên tử để sang chầu chúa ngày sóc vọng. Bị hạch, Đăng Đạo khẳng khái: “Mũ áo triều đình ban cho là để chầu thiên tử. Nay nhà chúa cũng đòi trăm quan như thế với mình e thiên hạ dị nghị là trái đạo vua tôi”. Trịnh Căn phải khen Đăng Đạo là “Trung” và bãi lệ.
Quan to, nhưng Đăng Đạo lại thanh liêm. Năm 1698, khi đi sứ về, thấy vợ làm thêm hai gian nhà ngói, ông tỏ ý không bằng lòng. Tiết kiệm với gia đình nhưng ông lại hào phóng với dân làng. Đỗ trạng, ông dành tiền tu bổ đình đền miếu mạo ở quê hương. Không thể không nhận ruộng công, nên ông nhận ruộng xấu, bị bỏ hoang lau lách ở cánh đồng cầu Vực rồi thuê người nghèo phát cỏ. Cải tạo thành ruộng tốt, ông chia luôn cho các hộ nghèo. Có năm hạn hán mất mùa, ông và vợ phát chẩn cứu đói cho dân.
Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo được cử làm chánh sứ cùng Nguyễn Thế Bá, Đặng Đình Tường, Nhữ Tiến Hiền sang nhà Thanh xin trả lại ba động. Trước những lập luận và chứng cứ pháp lý không thể chối cãi, quan lại nhà Thanh đều bị thuyết phục. Tuy nhiên, cuối cùng vua nhà Thanh cũng không đồng ý vì sợ Đại Việt đòi được sẽ lấn lướt đòi thêm. Trong những ngày đi sứ, ông tỏ rõ vị thế nước Đại Việt, và nhiều lần vượt qua những lần “thử tài”. Có lần, vua Thanh ra vế đối: “Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách ứng tương tư khách”. Nghĩa là: “Đêm xuân trăng gió, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư nhớ nhung khách tương tư”. Một vế đối đầy chất thơ, luyến láy bởi những âm điệu trầm bổng giàu nhạc điệu.Đăng Đạo còn lập công khi đi sứ. Trong khoảng 10 năm từ 1688 đến 1697, quan lại nhà Thanh nhiều lần xâm chiếm biên giới nước ta. Sách Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí ghi lại sự việc này. Ví như: Tháng 5/1688 thổ ty Vân Nam xâm chiếm biên giới ba châu thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa giáp liền địa phủ Khai Hóa nhà Thanh; Tháng 6/1689, biên giới Na Oa châu Lộc Bình (Lạng Sơn) bị chiếm… Triều đình đã cử những đại thần đi sứ như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tiến Sách, Trần Thọ sang nhưng đều không thu được kết quả.
Thực là một vế đối khó khiến các sứ thần ngơ ngẩn. Rồi sứ giả Triều Tiên đối: “Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên tùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân”. Nghĩa là: “Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc này cành xinh, cành liền lá, lá liền cành, lá lá cành cành sát lầu tùng, người hữu tình hiểu người hữu tình”. Còn Đăng Đạo đối: “Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình ngu hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân”. Nghĩa là: “Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hòa tình ta, tính vươn tình, tình vươn tính, tính tính tình tình vui ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm”. Vế đối của Đăng Đạo được vua quan nhà Thanh khen là “chung đúc cả tạo hóa trong một con người”. Trong khi đi sứ Nguyễn Đăng Đạo viết được tập thơ Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập.
Năm 1718, Đăng Đạo về hưu. Năm sau, ông mất. Vua Lê Dụ Tông ban tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng. Dân làng cũng thờ ông làm thành hoàng làng.
Năm 1999, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được xây dựng lại tại nghĩa trang ven thành phố Bắc Ninh. Hai bên mộ có đối câu đối:
Tiến sĩ thượng thư thiên hạ hữu
Trạng nguyên tể tướng thế gian vô
Nghĩa là: Tiến sĩ (làm) thượng thư thiên hạ có (nhiều); Trạng nguyên (làm) tể tướng thiên hạ không có ai.
7.26. Nguyễn Quý Ân (1673 - 1722) là con trai của Tể tướng Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) thời Lê Trung Hưng. Quê thôn Phú Thứ xã Đại Mỗ nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nguyễn Quý Ân đậu Hoàng Giáp năm 1715. Năm 1713 vì lụt lội, mất mùa, ông đi phát chẩn ở vùng Thanh Trì, Thanh Oai, Thượng Phúc, Phú Xuyên được dân dâng sớ tôn vinh công đức. Năm 1717 ông được thăng Tham tụng. Nguyễn Quý Ân là người nổi tiếng có tài bút thiếp. Ông có tập Thiên tự văn cấp cho học sinh cả nước làm khuôn mẫu. Năm 1718 triều đình mở cuộc thi soạn sách học cho các thế tử, ông đoạt giải nhất. Năm 1719 khảo xét công trạng các quan, ông được phong hạng nhất. Ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Dần 1722 ông mất, thọ 50 tuổi. Triều đình cấp hàng ngàn quan tiền và cử quan khâm sai về tế lễ, cho thờ làm phúc thần ở bản xã.
Sau khi mất, ông được truy tặng Thượng thư bộ Công, và truy phong làm Phúc thần. (http://hanoimoi.com.vn; https://vi.wikipedia.org)
Theo http://www.tuyengiao.vn, 19/7/2010: Người con trai cả của Nguyễn Quý Đức là Quốc sư Đại vương Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân. 21 tuổi cụ đỗ Hương cống (cử nhân), năm 25 tuổi đỗ khoa sỹ vọng được tuyển vào làm Thị nội văn chức, 30 tuổi làm nội giảng ở Quốc Tử Giám. Năm 1715 cụ đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng giáp), vào Hàn lâm viện lĩnh chức Bồi tụng, được giao viết 4 văn bia ở Quốc Tử Giám trong tổng số 21 bia mới được xây dựng năm đó. Bút pháp của cụ vào hàng đầu, qua các kỳ khảo sát quan lại trong triều đình đều đạt loại nhất, nên chúa Trịnh Cương giao nhiệm vụ Quốc sư dạy con trai là Trịnh Giang. Là người chính trực, thanh liêm, cương nghị, thiện ác phân minh, cụ lấy lời thẳng giúp vua, dùng học thuật kinh thư giúp chúa, văn không tô vẽ bay bướm mà giản dị tự nhiên, để lại 2 tác phẩm Thiên tự văn và Tứ thư đại chú.
Đang ở tuổi 48, cụ về cư tang cha rồi bị bệnh, mất ở tuổi 50, còn ấp ủ hoài bão lớn lao cho nước, cho dân. Triều đình ra sắc chỉ định rõ “Người giữ trọng trách Quốc sư, vua chúa đang được trông cậy, giúp rập rất nhiều thì nay không còn nữa, thật xiết bao đau xót”, truy tặng Thượng đẳng phúc thần, phong Đại vương. Các làng trong Tổng Mỗ thờ cụ là Thành hoàng.
7.27. Nguyễn Tất Khang (1674 – 1754) Phụ quốc đại tướng quân, tước Tào Xuyên Hầu
Phụ quốc Đại Tướng quân Nguyễn Tất Khang(Tào Xuyên Hầu) đã có công đánh đuổi giặc Minh và giúp Vua chấn hưng triều nhà hậu Lê giữa thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Cụ là người có công mở các tuyến đường giao thông huyết mạch bắc nam và bắc nhiều cây cầu, nhiều cây cầu đã được mang tên Ông như cầu Tào Xuyên(Thanh Hoá), cầu Tào(ý yên Nam Định) Cụ đã được các vị Vua triều Nguyễn ban sắc phong: Lê Triều Phụ Quốc Đại Tướng Quân Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tướng Công Gia phong: Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Gia tặng: Quang Ý - Trung Đẳng Thần (https://vi.wikipedia.org)
Quả nghị tướng quân Nguyễn tất Khang được phong vượt bậc 5 cấp lên Đặc tiến phụ quốc đại tướng quân, tước Tào Xuyên Hầu. Theo bản dịch của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đến thời hậu Lê, chắt viễn của Nguyễn Tất Tố. Nguyễn Tất Khang (1674 – 1754) cũng lập đại công, được sắc phong Lê Triều Đặc Tiến Phụ quốc Đại tướng quân- Tào Xuyên Hầu Nguyễn Tướng công, gia phong Linh Phù – Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng Quang Ý – Trung Đẳng Thần vì có công đánh giặc giúp nước.
Phụ quốc đại tướng quân, tước Tào Xuyên Hầu Quê ở Ninh Xá - Xã Yên Ninh - Huyện Ý Yên - Tỉnh Nam Định. Sau chiến tranh, Ngài lãnh đạo dân binh khai khẩn một dải đồng bằng ven biển từ Nam Định vào đến miền Trung, giúp dân khơi thông kênh mương, có ruộng cày cấy. Ngài còn cho bắc nhiều cầu qua sông cho dân đi lại thông thương”.
Đó chính là cây cầu Tào (trên Quốc lộ 10 qua Ý Yên - Nam Định) và cầu Tào Xuyên (trên Quốc lộ 1A qua Thanh Hóa). Cách đặt tên cầu theo tước Tào Xuyên Hầu của ông để người đời sau ghi nhớ công trạng của vị quan yêu nước thương dân. Do có công với nước nên dòng họ Nguyễn Tất được Vua ban 3 sào đất bên sông Sắt làm nơi mai táng các vị dũng tướng, nơi ấy gọi là Mả Bến, gần cầu Tào hiện nay. Khi mất, ông được tổ chức tang lễ theo nghi thức đại thần, nhân dân huyện Phong Doanh (khu vực Ý Yên ngày nay) tôn làm Phúc thần.
Theo http://dantri.com.vn/ 09/01/2014, trong bài Phát hiện mộ cổ và 5 sắc phong ở Ý Yên, Nam Định đã nêu:Được nhà Nguyễn sắc phong, hiện gia tộc vẫn còn giữ được 5 bản sắc phong, gồm 1 sắc phong năm Thành Thái thứ 3 (1891), 1 sắc phong đời vua Duy Tân (1909) và 3 sắc phong thời vua Khải Định (1924). Dẫu thời gian đã lâu, nhưng nét chữ trên những bản sắc phong này vẫn tươi nguyên, rõ ràng, có ấn son của các vị Vua nhà Nguyễn. Nội dung suy tôn công đức của các vị tướng dòng họ Nguyễn Tất, chuẩn cho dân chúng phụng thờ, cầu mong các vị trung thần tiếp tục hộ quốc an dân.
Do có công với nước nên dòng họ Nguyễn Tất được Vua ban 3 sào đất bên sông Sắt làm nơi mai táng các vị dũng tướng, nơi ấy gọi là khu Mả Bến, gần cầu Tào hiện nay. Các cụ già trong làng vẫn còn nhớ lời dặn của đời trước về khu nghĩa địa: “ đông tây ba chục mét dài, Bắc- Nam hai tám tháp đài trung tâm. Là nơi cấm địa ngàn năm, Con con cháu cháu hãy tầm nhớ ghi”. Vì thế, ngoài khu trung tâm có xây tháp để cúng tế, tất cả đều bằng phẳng, vị trí các ngôi mộ không được xác định rõ ràng.
Đây là một dòng họ có nhiều vị tướng tài có công lớn với dân với nước, được triều đình phong kiến nhiều lần sắc phong công trạng. Việc xác định giá trị về văn hóa, lịch sử, khảo cổ liên quan đến các danh tướng này cần được sự vào cuộc một cách trách nhiệm và khoa học của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trung ương và địa phương. Trong khi chờ kết quả cuối cùng, thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Nam Định cần chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp bảo vệ hiện trường, tránh xáo trộn không cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra, nghiên cứu sau này, nhằm mục đích tôn vinh các bậc tiền nhân có công với đất nước.
Đặc biệt trong quá trình bị khai quật (2013) một trong hai ngôi mộ của hai vị tướng quân Nguyễn Tất Tố, Nguyễn Tất Khang đã phát hiện ra là được an táng bằng chiếc tiểu làm bằng đồng thau có một không hai chưa từng thấy ở các ngôi mộ cổ Việt Nam. Đây là niềm tự hào cho họ Nguyễn Việt Nam nói chung và họ nguyễn Tất nói riêng. (http://vov.vn, 09/01/2014; http://dantri.com.vn/ 09/01/2014 ).
7.28. Nguyễn Huy Nhuận hay Nguyễn Quang Nhuận (1677 hoặc 1678 - 1758) là một thượng thư thời Lê trung hưng, đã đỗ tiến sĩ vào thời Lê Hy Tông.
Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Nguyễn Quang Nhuận là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội), theo một số nguồn thì ông sinh năm 1677. Ông được cho là cận tổ của dòng họ Nguyễn Huy tại làng Phú Thị, một dòng họ được cho là có nhiều người đỗ đạt và làm quan.
Nguyễn Quang Nhuận đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 24 năm 1703, khi đã 26 tuổi, vào thời Lê Hy Tông, theo Lịch triều hiến chương loại chí thì ông mới đi thi một lần đã đỗ, rồi đổi tên thành Huy Nhuận. Năm Vĩnh Thịnh Mậu Tý 1708, Nguyễn Huy Nhuận làm phó đô ngự sử, được chúa Trịnh ban tước Nghĩa Xuyên hầu.
Ông sung phó sứ sang cống nhà Thanh vào năm 1723, khi tới Yên Kinh ông cùng với chính sứ Phạm Khiêm Ích mừng vua Thanh Thế Tông lên ngôi, dâng ba bài thơ, được vua Thanh khen ngợi và thưởng ba bộ sách. Khi đi sứ về vào năm 1726, ông được thăng tả thị lang bộ Hình, tước Triệu quận công, sau đổi thành tả thị lang bộ Binh.
Năm 1728 Nguyễn Huy Thuận và Nguyễn Công Thái được cử đi giao thiệp về việc cắm dấu mốc biên giới giữ vững mỏ đồng Tụ Long với nhà Thanh tại biên giới.
Ông được thăng thượng thư bộ Công vào năm 1733. Mùa thu năm 1734 được làm thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu phó và được làm tham tụng trong phủ. Đồng thời ông cũng được cùng cầm quyền chính với Nguyễn Công Thái và Nguyễn Quý Cảnh, đến năm 1741 được chúa cho kiêm chức đốc đồng tại Kinh Bắc.
Sau ông được trải thăng thượng thư bộ Hộ, hàm Thái bảo và vào hầu giảng tòa Kinh duyên, trông coi việc tại Quốc tử giám do có nhiều công lao, theo Lịch triều hiến chương loại chí thì ông đã "nắm giữ hết cả việc quân việc dân, cai quản tướng sĩ, khuyên răn quan lại, yên dân, dẹp giặc".
Ông về hưu năm 1742, khi đã 65 tuổi, do đã già, ông được chúa gọi ra làm bậc ngũ lão hầu chúa, trải lên chức đại tư không. Đến năm 81 tuổi thì mất năm Mậu Dần 1758, được tặng đại tư mã.
Vinh danh
Có một con đường được đặt theo tên ông tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, dài đến 1140 m, rộng 10,5 m.
Nhận định
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, thuộc Nhân vật chí, Phan Huy Chú có viết riêng một mục về ông tại phần "Người phò tá có công lao tài đức" (quyển 8).
Gia đình
Nguyễn Huy Nhuận có một số anh em như Nguyễn Huy Mãn và Nguyễn Huy Thuật, đều thành đạt và đỗ tiến sĩ. Ông có vợ cả là con gái của Hiến sát sứ Nguyễn Cộng tại làng Tử Đình thuộc xã Cổ Đinh, Gia Lâm. Vợ thứ của ông là con gái Hữu Tham nghị tại xã Bất Căng.
Con ông là Nguyễn Huy Dẫn đỗ giải nguyên, đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn thời Cảnh Hưng năm 1748, sau làm đến đại học sĩ Đông các. Ông có cháu là Nguyễn Huy Cẩn, là con Nguyễn Huy Dẫn, đã đỗ Hội nguyên tiến sĩ năm 1760. (https://vi.wikipedia.org)
7.29. Nguyễn Công Thái (chữ Hán: 阮公寀, 1684-1758) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Công Thái người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 1715 đời Lê Dụ Tông ông đỗ Đồng tiến sĩ khi 32 tuổi. Ra làm quan tới năm 1728 ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám, coi Binh phiên. Tháng 6 đến tháng 9 âm lịch năm Bảo Thái thứ 9 (1728), ông cùng Nguyễn Huy Nhuận lên vùng biên giới Tụ Long tổng Phương Độ châu Vị Xuyên phủ Yên Bình trấn Tuyên Quang, tra xét thực địa, tranh biện lý lẽ để đòi lại được đất đai đã mất cho nhà Thanh, xác định vị trí sông Đồ Chú nằm xa về phía bắc vùng đất Tụ Long, cùng hội với quan nhà Thanh (đương thời vua Ung Chính) dựng bia định biên giới ở hai bờ sông Đổ Chú. Đại Việt sử ký toàn thư viết: (六月,...。命兵部左侍郞阮輝潤,祭酒阮公寀,往會淸委差於宣光,認地立界,疆事始定。 Lục nguyệt,... Mệnh Binh bộ Tả thị lang Nguyễn Huy Nhuận, Tế tửu Nguyễn Công Thái, vãng hội ủy sai ư Tuyên Quang, nhận địa lập giới, cương sự thủy định.). Tháng 6,.. Sai Binh bộ Tả thị lang Nguyễn Huy Nhuận, Tế tửu Nguyễn Công Thái, đến hội họp ủy sai bang giao ở Tuyên Quang, nhận đất lập biên giới, lần đầu tiên việc cương giới được xác định ổn định. Sau đó ông đỗ hàng thứ 3 trong Đông các, được kiêm chức Hiệu thư Đông các.
Năm 1733 thời Lê Thuần Tông, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Công, sau đó thăng làm Hữu thị lang bộ Hình. Chúa Trịnh Giang rất tín nhiệm tài văn học của ông.
Thời Lê Ý Tông (1735-1740), Nguyễn Công Thái làm Tả thị lang bộ Lại, tước Ứng quận công, vẫn làm Bồi tụng như cũ. Lúc đó Trịnh Giang chơi bời bỏ chính sự, trong nước nhiều nơi nổ ra các cuộc nổi dậy. Nguyễn Công Thái bàn với Nguyễn Quý Cảnh đưa em Giang là Trịnh Doanh lên ngôi chúa. Việc đổi ngôi thực hiện thành công năm 1740.
Trịnh Doanh lên ngôi chúa, phong Nguyễn Công Thái làm Suy trung dực vận công thần, cùng Nguyễn Quý Cảnh vào làm Tham tụng. Sau đó ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ.
Sau dó vì mắc lỗi, ông phải ra trấn thủ Thanh Hoa, nhưng lại được về làm Tham tụng. Vì lời gièm pha của Đỗ Thế Giai, ông lại bị đưa ra trấn thủ Sơn Nam.
Ít lâu sau, ông được thăng hàm Thiếu bảo và về hưu. Nhưng Trịnh Doanh sau đó lại mời ông ra làm quốc lão, rồi Thượng thư bộ Lại, hàm thái tử thái phó, rồi quay trở lại chức Tham tụng.
Do không hợp với sủng thần Đỗ Thế Giai là người được lòng Trịnh Doanh, ông lại xin rút lui.
Năm 1758, Nguyễn Công Thái qua đời, thọ 75 tuổi. Ông được truy tặng là thái phó, thụy là Trung Mẫn.
Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông như sau:
Tính ông trong sạch, giản dị, thẳng thắn, có công to lập ngôi chúa, nên được Ân vương (tức Trịnh Doanh) rất tin cậy và quý trọng. Ông về già bị bầy tôi yêu của chúa gièm pha nên không thi hành được chí mình, dư luận lấy làm tiếc.
Tên của ông được đặt cho một con phố thuộc Khu đô thị mới Đại Kim, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (https://vi.wikipedia.org)
Tể tướng Nguyễn Công Thái - Người có công dựng cột mốc biên giới năm 1728
Trong cuộc đời làm quan của mình, Tể tướng Nguyễn Công Thái đã có nhiều công lao ghi dấu ấn trong sử sách, như nhận mệnh đến ải Nam Quan trấn thủ, giúp cho biên cương được ổn định, đồ cống nạp được trả về; làm quan ở nhiều nơi rất được nể trọng... Đặc biệt, ông đã dũng cảm, mưu trí thu được đất mỏ đồng, chì ở Tụ Long (Tuyên Quang), cắm được cột mốc biên giới, lấy lại 40 dặm đất trả về cho quốc gia.
Vào những năm trước 1728, ở biên giới hai nước Đại Việt và Mãn Thanh rất căng thẳng, nhà Thanh có ý đồ cướp đất mỏ đồng, mỏ chì Tụ Long, Vị Xuyên - Tuyên Quang. Sự kiện này được sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú (1782-1840) viết rằng: “Các đèo ải ở Vị Xuyên, Tụ Long... là những nơi chứa góp của cải, nguồn lợi của các đời đều do đó mà sinh ra”.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn (giữa thế kỉ XIX) cũng viết: “núi Tụ Long ở địa phận xa Tụ Long, châu Vị Xuyên. Khoáng sản trong núi có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn cả ngân sa, nên cũng gọi là Xưởng Bạc. Sách này còn cho biết: “Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập mốc giới hai bên ở núi “Xưởng Chì”. Còn núi Tụ Long của nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh. Thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế. Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm”.
Chính sử ghi nhận sự xâm lấn của nhà Thanh đối với mỏ khoáng sản của nước ta. Và vấn đề ngoại giao vừa kiên quyết, vừa mềm đã được triều đình Lê - Trịnh ráo riết tiến hành từ nhiều năm, cuối cùng đã giành lại chủ quyền. Sách vở từng ghi nhận, trải qua nhiều cuộc thương thuyết căng thẳng, cho đến năm 1728, nhà Thanh đã phải trả lại vùng biên cương Vị Xuyên có mỏ Tụ Long cho nước Việt, lấy con sông nhỏ, có tên là Đỗ Chú dùng làm ranh giới.
Trong cuộc ngoại giao ấy, Sứ bộ Nguyễn Công Thái được nhận lệnh cùng quan Thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận lên miền địa đầu phía Bắc, hội khám cùng các quan chức nhà Thanh, giải quyết việc phân định biên giới. Tuy nhiên, khi vào cuộc “hội khám” thì lũ quan lại nhà Thanh - được sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi rằng: “Bọn ngạc nhĩ Thái, Phan Doãn Mẫn, Hằng Dịch Lộc, nhậm Lan Chi, Ngô Sĩ Côn, Vương Võ Đảng… vì muốn ăn chặn, đã chỉ ra một dòng sông khác, ở mạn phía dưới mỏ Tụ Long, nói rằng đó là sông Đỗ Chú”. Sách còn ghi rõ: “nguyễn Công Thái biết là có gian trá, đã xông pha lăn lộn ở những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các vùng “Xưởng Bạc”, “Xưởng Đồng”, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú”.
Điều này có nghĩa là nguyễn Công Thái đã thực sự đi ngược nữa lên mạn trên vùng núi có mỏ Tụ Long, để cho miền đất biên cương giàu khoáng sản này được xác định là nằm hẳn ở mạn nam sông Đỗ Chú, bên trong lãnh thổ Tổ quốc. Đấy là giá trị và kết quả của cuộc “hội khám” năm 1728. Không những thế, nguyễn Công Thái còn quyết liệt và sáng tạo, cho dựng tấm bia cột mốc ở nơi đó. Sử cũ còn chép rằng: “Dựng bia ở nơi giáp giới ngay”.
Một tấm bia đá, với lời văn bia hào hùng, đã xuất hiện: “Lấy mốc sông Đỗ Chú làm căn cứ, ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1728) chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.
Từ đó biên giới hai nước được xác lập và ổn định. Điều đó cũng thể hiện được chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo và kiên trì của Nguyễn Công Thái. Nhưng sâu sắc hơn là thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với vấn đề biên giới quốc gia, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh được triều đình giao phó. Tấm bia đá đã đứng vững chãi, tồn tại gần 300 năm nay trên biên giới phía Bắc đất nước.
Hơn trăm năm sau, vua Tự Đức (1848-1883) nhà Nguyễn nhân đọc lại sử cũ về năm 1728, đã cầm bút, viết lời châu phê rằng: “Đạo bầy tôi phải như thế”! Lời phê này được giới nghiên cứu sau này đánh giá rằng: vua Tự Đức có ý khen Nguyễn Công Thái, chịu khó lặn lội tìm được đúng chỗ sông Đỗ Chú, để dựng mốc biên giới ở đó (http://hanoitv.vn, 17/08/2013)
7.30. Nguyễn Huy Mãn là người Gia Lâm, Phú Thị. Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, trang 182a ghi rõ: “Nguyễn Huy Mãn sinh năm Mậu Thìn (1688) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở tỉnh, năm 34 tuổi, ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 12) khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2, đời Lê Dụ Tông (1721) ông làm quan đến chức Tự khanh”.
Năm 1721 cụ Nguyễn Huy Mãn đỗ Tiến sĩ, nhưng trước đó, theo Di trạch đường gia phả thì từ năm Vĩnh Thịnh thứ 10, khoa Giáp Ngọ (1714) cụ thi Hương đỗ Giải nguyên, bấy giờ 27 tuổi làm gia sư ở phủ Lượng Quốc công.
Theo lệ xưa, các nho sinh ở các tỉnh sau khi học ở các trấn, về Quốc tử giám ở kinh đô dự thi nếu trúng thì thường ở lại kinh đô học tại Quốc tử giám hoặc tìm các vị tài cao học rộng để xin làm môn sinh học tập chuẩn bị cho các cuộc dự thi Hội, thi Đình sau này.
Qua các tư liệu ở Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả và đặc biệt là các dòng chữ Hán trong Di trạch đường thế phả biên soạn năm Gia Long nguyên niên (1802) do cháu lãnh chức Tiền quân văn hàn là Nguyễn Huy Doanh, tự Hàm Phủ bái soạn nên lượng thông tin trên là rất đáng tin cậy.
Cuốn gia phả họ Nguyễn Huy ở Phú Thị - Gia Lâm, Kinh Bắc còn thấy mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh ở các tình tiết sau:
“Cụ Nguyễn Huy Mãn sinh năm Mậu Thìn (1688) người xã Phú Thị - Gia Lâm - Kinh Bắc, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, làm quan đến chức Đông các Đại Học sĩ, Tự khanh, có thời gian làm gia sư phủ Lượng Quốc công, cụ dạy đến hơn nghìn học trò. Học trò cụ đỗ đạt nhiều như anh em Nguyễn Huệ (1705 - 1733), Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776) ở Tiên Điền…(http://www.hannom.org.vn, 24/02/2015).
Theo http://disanlangviet.com/ : Làng Phú Thị là một làng khoa bảng. Ngày nay nói tới làng Phú Thị là mọi người nghĩ ngay đó là quê hương của bậc đại nho chọc trời khuấy nước: Chu Thần Cao Bá Quát. Song Phú Thị không chỉ có Cao Bá Quát mà còn có một bề dày văn hóa đáng nể. Trong hai thế kỷ XVII, XVIII làng này trước sau có trên ba trăm người đỗ từ tú tài đến tiến sĩ. Riêng chỉ trong khoảng 1735 – 1745, Phú Thị có “tứ Thượng thư đồng triều” tức là cùng lúc có 4 người làm Thượng thư trong triều (Nguyễn Huy Nhuận, Đoàn Bá Dung, Cao Dương Trạc, Trịnh Bá Tường). Làng này lại từng có gia đình ba đời nối nhau đỗ tiến sĩ: Nguyễn Huy Nhuận (bố), Huy Dẫn (con), Huy Cận (cháu). Có khoa thi hai chàng trai làng Phú Thị cùng đỗ tiến sĩ như Trịnh Bá Tường và Nguyễn Huy Mãn (khoa 1721), hay Nguyễn Huy Thuật và Nguyễn Đình Nhất (khoa 1733). Còn cử nhân tú tài thì nhan nhản. Câu ngạn ngữ “Nhất môn tam tiến sĩ, đồng triều tứ thượng thư” và câu ca trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự “Chung linh đất Sủi ai bì, Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh” xuất xứ từ đây.
7.31. Nguyễn Quý Cảnh (1669-1743) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Quý Cảnh người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông là cháu nội của thám hoa Nguyễn Quý Đức, con hoàng giáp Nguyễn Quý Ân. Từ khi đỗ hương cống, Nguyễn Quý Cảnh được làm quan ở trong phiên của chúa Trịnh.
Thời Lê Thuần Tông, Nguyễn Quý Cảnh được tiến cử vào triều làm chức tự khanh, coi việc ở Hộ phiên, giảng bài cho em chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh.
Thời Lê Ý Tông, Trịnh Giang ăn chơi sa đọa, tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ. Công Phụ chuyên quyền, triều chính nghiêng ngả trước các cuộc nổi dậy của nông dân.
Nguyễn Quý Cảnh cùng đại thần Nguyễn Công Thái đề nghị Vũ thái phi dựng Trịnh Doanh lên ngôi để cứu vãn tình hình. Đầu năm 1740, ông cùng Nguyễn Công Thái thu quân lính tại kinh thành, cùng nhau khởi sự trừ phe cánh Hoàng Công Phụ rồi tâu lên Lê Ý Tông. Được sự phê chuẩn của Ý Tông, Nguyễn Quý Cảnh mang sắc dụ ra tuyên bố, cùng các quan lập Trịnh Doanh làm chúa.
Tình hình bên ngoài vẫn không yên ổn vì sự chống đối của các cuộc nổi dậy. Trịnh Doanh cần ông làm tham mưu, giữ luôn ở trong phủ, đêm ngày bàn chính sự. Tình hình dần dần sáng sủa lên nhờ đóng góp của ông, do đó được Trịnh Doanh thăng làm Tham tụng, Thượng thư bộ Binh, Thống quận công.
Sợ bị người khác đố kỵ, sau lần đó Nguyễn Quý Cảnh giấu mình, không phát lộ tài năng, giả có bệnh, rồi xin thôi chức Tham tụng. Trịnh Doanh không nghe, vẫn dùng ông vào chức cũ. Trịnh Doanh lại sai ông điều hành việc ở bộ Lại, ông cố từ không được.Năm 1741 thời Lê Hiển Tông, ông kiêm chức Đốc phủ ở Sơn Tây, thống lĩnh việc quân. Bấy giờ triều đình ưu đãi cho kiêu binh để họ hăng hái đánh dẹp, nhưng ông bác bỏ bớt những yêu sách thái quá của họ. Vì vậy đám kiêu binh thù hận ông, kéo nhau tới phá nhà ông. Trịnh Doanh sai bắt kẻ cầm đầu vụ đó giết chết.
Ông được lệnh cùng Thượng thư Vũ Công Tể làm chiêu phủ sứ chia nhau đi các đạo khuyên dân phiêu tán vì loạn lạc về làm ruộng để ổn định cuộc sống.
Đầu năm 1742, Nguyễn Quý Cảnh bày tỏ việc mình bị nhiều người ghen ghét, xin thôi những chức vụ trọng yếu.
Giữa năm 1743, ông lại được chúa Trịnh Doanh phong làm Thượng thư bộ Hộ, hàm thái tử thái phó, Đại tư mã, rồi cho về hưu.
Ít lâu sau ông lại được gọi ra làm Ngũ lão hầu chúa. Ít lâu sau ông mất, thọ 74 tuổi, được truy tặng làm Đại tư đồ, Huyên trung công, truy phong làm phúc thần.( https://vi.wikipedia.org/).
7.32.Nguyễn Quý Kính (1693 – 1766)
Quốc sư công vị Đại vương Nguyễn Quý Kính là con trưởng của Nguyễn Quý Ân, cháu đích tôn của Nguyễn Quý Đức.
Năm 22 tuổi cụ đỗ Hương cống, được tuyển vào Thị nội văn chức, rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông, đến 40 tuổi làm Thái học tự khanh, dạy em chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, rồi giữ chức Bồi tụng.
Sau đó, dưới thời vua Lê Thuần Tông, cụ được thăng chức Thái bộc tự khanh, Thanh Hoa sứ, tiếp đến là làm Thị giảng rèn dạy em chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh. Năm 1738, dưới thời vua Lê Ý Tông, cụ lĩnh chức Bồi tụng, Công bộ hữu thị lang, năm sau thăng Lại bộ hữu thị lang.
Cống hiến trọn đời cho dân, cho nước, Danh nhân Nguyễn Quý Kính đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp cao cả, đáng trân trọng, được sử sách ghi nhận. Các tác phẩm của cụ để lại gồm các bộ “Tứ thư” và “Ngũ kinh”, “Trung hiếu kinh chú giải”...
Tượng đồng do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc. Tượng có được là nhờ Chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng.Nhân kỷ niệm 250 năm ngày mất của Danh nhân Nguyễn Quý Kính, ngày 18/6, Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, diễn ra nghi thức trao tặng tượng đồng Danh nhân Nguyễn Quý Kính và rước tượng đồng về Từ đường dòng họ Nguyễn Quý (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho biết: Dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm-Hà Nội) là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan to và có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nho, danh thần một thời. Cả ba cha con ông cháu gồm Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính đều được truy phong Đại vương và Phúc thần (https://baomoi.com, 19/06/2016)
7.33. Nguyễn Tông Quai (阮宗乖; trước đây có sách viết là Nguyễn Tông Khuê 阮宗奎, 1692 – 2 tháng 4 năm 1767), hiệu Thư Hiên (舒翰); là nhà giáo, nhà thơ và là đại quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Ông cùng với Đoàn Trác Luân (anh trai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân được người đời xưng tặng là Trường An Tứ hổ hay Trường An tứ tài.
Nguyễn Tông Quai là người ở xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, phủ Thái Bình (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Lúc nhỏ, theo cha mẹ lên sống ở Thăng Long (Hà Nội), từng là Giám sinh trường Giám và theo học Thám hoa Đình nguyên Vũ Thạnh (1664 - ?). Nhờ chăm học, ông sớm nổi tiếng là người hay chữ khắp vùng.
Khoa Tân Sửu (1721) đời vua Lê Dụ Tông, Nguyễn Tông Quai thi đỗ Hội nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được bổ làm quan ở Viện hàn lâm. Sau đó, ông lần lượt trải chức Thừa chính sứ Kinh Bắc và Đốc đồng Tuyên Quang.
Năm 1734, ông được cử đi đón sứ giả nhà Thanh (Trung Quốc) sang sắc phong.
Năm 1742, ông được cử làm Phó sứ (Chánh sứ là Nguyễn Kiều, chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh).
Năm 1745, ông trở về nước được thăng làm Tả thị lang bộ Hình, tước Ngọ Đình hầu. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông bị vu cáo, bị giáng chức, dẫn việc phải bỏ quan về nhà.
Năm 1748, Nguyễn Tông Quai được triệu về kinh, cho khai phục chức cũ, và được cử làm Chánh sứ dẫn đoàn sang Yên Kinh lần thứ hai.
Năm 1750, ông trở về nước, được làm Tả thị lang bộ Hộ. Cũng vì ông vốn tính ngay thẳng, ghét sự tà vạy, không kiêng tránh, nể nang...nên không được lòng một số quan đồng triều. Một lần, ông bị Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc mượn chuyện đàn hặc, mà bị giáng xuống làm Hàn lâm thị độc, rồi sau đó bị truất bỏ.
Về làng, ông mở trường dạy học. Học trò ông có nhiều người thanh danh, trong số đó có Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục...
Nguyễn Tông Quai mất tại quê nhà ngày 4 tháng 3 năm Đinh Hợi (1767)
Tác phẩm của Nguyễn Tông Quai có:
< >Sứ Hoa tùng vịnh (Chùm thơ vịnh trên đường đi sứ Trung Hoa), hiện có rất nhiều dị bản. Đây là tập thơ gồm khoảng 200 bài thơ chữ Hán, xướng họa cùng Chánh sứ Nguyễn Kiều. Ngoài 6 bài Tựa (trong đó có sứ giả Triều Tiên Lý Bán Thôn, tức Lý Tông Lâm và danh sĩ Việt Nam là Hồ Sĩ Đống), Bình ở đầu tiền, hậu tập, phần cuối của thi phẩm là ngót trăm bài thơ xướng họa tặng đáp với nhân sĩ Trung Quốc (như Trương Hán Chiêu, Âu Dương Vượng, Vương Văn Tường,..) và sứ giả Triều Tiên Lý Bán Thôn. Nhiều bài thơ trong tập thanh cao, diễm lệ, hài hòa, giữa thơ và họa, cân đối giữa tình và ý, rất điêu luyện về mặt dùng chữ đặt lời, về cách phối hợp các hình ảnh, nhịp điệu, âm thanh...được nhiều danh sĩ trong và ngoài nước khen.Sứ trình tân truyện (Truyện mới về lộ trình đi sứ). Đây là một tác phẩm có tính chất ký sự, gồm 670 câu thơ lục bát chữ Nôm và một số thơ Nôm làm theo Hàn luật. Nội dung là ghi lại tâm tư, cảm xúc, ngâm vịnh về danh lam thắng tích, sơn kỳ thủy tú của tác giả trên dặm dài từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh) trong lần đi sứ lần thứ nhất (1742 – 1745). Giữa mạch lục bát, có xen vào 8 bài thơ Nôm Đường luật, được nhiều nhà nghiên cứu văn học xem là một chùm thơ đẹp.Ngũ luân tự (Thuật lại năm điều luân thường), gồm 646 câu thơ Nôm song thất lục bát.
Nhà thờ Nguyễn Tông Quai (http://ditichlichsuvanhoa.com)
Ngoài ra, Nguyễn Tông Quai còn cùng với Nguyễn Trác Luân, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Luân làm ra quyển Vịnh sử thi tuyển (Quyển thơ vịnh sử) gồm 334 bài thơ chữ Hán, đề vịnh các thắng cảnh, sự tích, danh nhân...Trong quyển này, phần Nguyễn Tông Quai có 80 bài thơ.
Nhận xét
Nguyễn Tông Quai có những trang rất đẹp miêu tả cảnh vật đất nước và khí thế của dân tộc, có những dòng chân thực và đầy tình nhân ái khi thể hiện tình cảm của một sứ thần.
Tập Sứ trình tân truyện và số thơ Nôm Hàn luật của ông, chứng tỏ ông là nhà thơ khai sáng dòng ca Nôm sứ trình, là cây bút thể hiện tâm chí ái quốc và bản lĩnh văn hóa Vô tốn bất dị (không kém, không khác so với văn hóa Trung Hoa) của sứ thần Đại Việt trên đất nước Đại Thanh. Tập Sứ Hoa tùng vịnh được sứ giả Triều Tiên và nhân sĩ Trung Quốc khen tặng là không thua kém thơ thời thịnh nhà Đường. Dư luận trong nước cũng từng đánh giá cao tài thơ của ông. Ngô Thì Sĩ khen ông là "lừng tiếng thơ hay khắp cõi", còn Phan Huy Chú thì khen ông là "điêu luyện, mới mẻ, đáng ưa"...
Tóm lại, Nguyễn Tông Quai với tư cách một sứ thần không những đã hai lần hoàn thành trọng trách của một nho thần trung tâm ái quốc, mà còn để lại hai giai tác Sứ trình tân truyện và Sứ Hoa tùng vịnh, tiêu biểu cho thơ văn bang giao thời Lê Trung hưng.
Nhà thờ Nguyễn Tông Quai hiện ở tại xóm Dinh, thuộc làng Sâm, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây chính là quê gốc của Nguyễn Tông Quai. Năm 1993, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Nguyễn Tông Quai, Sở Văn hóa và thể thao Thái Bình kết hợp với Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tổ chức hội thảo cấp quốc gia về ông tại huyện Hưng Hà.( https://vi.wikipedia.org).
7.34. Nguyễn Kiều (1695-1752), hiệu là Hạo Hiên; là nhà thơ và là đại quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông là chồng của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Nguyễn Kiều sinh tại làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Thuở trẻ, ông nổi tiếng hay chữ, có tài văn chương. Khoa Ất Mùi (1715) đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan, dần lên đến chức Đô ngự sử, tước bá.
Sau khi góa vợ, khoảng năm 1742, ông lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế. Cũng trong năm ấy, ông được cử làm Chánh sứ cùng Nguyễn Tông Quai làm Phó sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc).
Năm 1745, ông dẫn đoàn về nước. Năm 1748, ông được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Trên đường theo chồng đi nhậm chức, Đoàn Thị Điểm bị cảm nặng rồi qua đời vào mùa thu năm ấy.
Thương cảm người bạn đời vắn số, ông viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà.
Tác phẩm Nguyễn Kiều có:
< >Hạo Hiên thi tập gồm những bài thơ đề vịnh (danh thắng, núi sông, đền miếu…) và xướng họa với Nguyễn Tông Quai trên đường đi sứ sang Trung Quốc năm 1742-1745.Hồng Hà phu nhân di văn chép những bài xướng họa, thơ văn của ông và Đoàn Thị Điểm mới được phát hiện gần đây.
Nhìn chung, thơ đi sứ của Nguyễn Kiều là loại thơ hay, có phong cách. Có những bài, những câu diễm lệ, ý tứ có phần mới mẻ, giọng thơ tao nhã, tươi đẹp. Tất cả thường được thể hiện với niềm xúc động chân tình.
Trước đây, Tiến sĩ Nguyễn Kiều được an táng tại khu vực Vườn Đào (thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội ngày nay). Do yêu cầu giải phóng mặt bằng để tiến hành thi công công trình phục vụ dân sinh, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ ông vào ngày 24 tháng 7 năm 2011, và đưa về hợp táng bên mộ vợ ông là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tại thôn Phú Xá (nay là cụm 4, cũng thuộc phường Phú Thượng), sau "259 năm xa cách". (https://vi.wikipedia.org)
Mối tình Nguyễn Kiều (1695-1751) và Đoàn Thị Điểm (1705-1748)
Nguyễn Kiều hai lần góa vợ đã cưới Đoàn Thị Điểm. Người vợ cả là con quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn người làng Thanh Mai, Thượng Mai và cũng là cha nuôi Đoàn Thị Điểm từ năm 16 tuổi. Người vợ thứ hai là con quan đại thần Nguyễn Quí Đức, người làng Tây Mỗ, Thượng Mỗ. Gs Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm bị khảo. Minh Tân Paris 1953 tr 34, trích dẫn sách Đoàn Thị Thực Lục:
"Một hôm, cô (Đoàn Thị Điểm) đang giảng bài. Học trò ngồi nghe có hơn năm chục. Thình lình gió thoảng rèm tre. Nhìn ra, thấy một người từ ngoài tiến vào, theo sau có vài ba đầy tớ, mang một cái quả sơn son, thiếp vàng. Trong quả có một phong thư dán kín. Cô mở thư xem, thì đó là thư của quan Thị lang người làng Phú Xá, tên là Nguyễn Kiều, gửi tới cầu hôn.
"Đọc thư xong, cô than rằng: Khi trẻ ta mong đợi kẻ tới cầu hôn. Trải qua đã hơn hai mươi năm rồi. Chung qui, ta không còn quan tâm đến việc ấy nữa. Ta từng tự bảo rằng: hạng giai nhân tài tử từ xưa vẫn hiếm; chi bằng ta rửa sạch lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí tượng thanh bình. Vì vậy, ta đã thôi nghĩ đến việc vợ chồng từ lâu. Người này là ai, mà đem đến việc hôn nhân làm ta phiền não?"
Nghĩ vậy rồi cô từ chối. Nhưng Nguyễn Kiều quyết tâm cầu cho được. Ông là một tay văn hào, đậu Tiến sĩ sớm, nổi tiếng hay chữ đương thời. Đã từng được các vị đại thần Lê Anh Tuấn và Nguyễn Quí Đức đều gả con gái cho ông. Nhưng bây giờ ông đang góa vợ. Với lòng tự kiêu, ông cố kết duyên cho được với tài nữ kia. Huống chi, vừa được triều đình cử đi Chánh sứ nước Thanh, ông cần có nội trợ chăm sóc gia đình, trong khi mình vắng mặt. Vì những lẽ ấy, ông cố nài cầu hôn.
Hơn mười ngày sau, quan Thị lang lại sai cháu diệt (con anh, chị hay em mình) mang thư tới. Trong thư nói rằng: "Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày phải lên đường. Việc nhà, không có ai coi sóc và cai quản. Tôi nghĩ rằng Phu nhân cùng nội trợ tôi khi trước có tình chị em, có phận keo sơn (vợ cả Nguyễn Kiều, con Thượng Thư Lê Anh Tuấn, cha nuôi Đoàn Thị Điểm, hai người là chị em). Nếu Phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi, thì thật là may mắn cho cả nhà đó !"
"Lời thơ rất khẩn thiết, tình tả rất thê lương. Cô nghe, có phần thương xót. Nhưng nhà giảng thanh sảng, cửa Phật êm đềm. Cô ghét sự phiền, cho nên còn ngần ngại. Học trò, ai ai cũng bàn, tán thành cuộc hôn nhân và khuyên bà mẹ nhận lời. Bất đắc dĩ cô mới nhận."
Đoàn Thị Điểm năm ấy 37 tuổi. Vì cảnh gia đình, cha anh mất sớm, phải đảm đương nuôi mẹ già, hai cháu con anh Đoàn Trác Luân, chị dâu tàn tật chưa gặp kẻ xứng đáng nên chưa nhận lời một ai. Bây giờ gặp Nguyễn Kiều, là bậc tài hoa có tiếng. Tuổi mới 47, góa vợ, chức Thị Lang (tương đương Thứ Trưởng ngày nay) lại được vinh dự đi Chánh Sứ sang nhà Thanh. Chốc lát từ là một bà đồ dạy trẻ đã lên địa vị bà Nghè, bà Thị, bà Sứ mà lại vừa có bạn văn chương, lại chỗ chị em, anh rể thân thiết. Tuy có ngần ngại lúc ban đầu, cô chắc đã vui lòng ưng thuận.
Năm ấy là cuối năm Nhâm Tuất (đầu năm 1743) Đoàn Thị Điểm về nhà Nguyễn Kiều ở Thăng Long. Phận bà dâu đã biết trước, là phải xa chồng sau khi sum hợp. Cưới vợ chưa đầy một tháng. Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ phương Bắc. Bà ở nhà coi sóc gia trang, xem con chồng như con đẻ, dạy dỗ thay làm cha, làm thầy. Nào ngờ cuộc đi sứ kéo dài đến ba năm. Nguyễn Kiều về đến Nam Ninh nhưng không qua biên giới được vì Lạng Sơn có loạn phải chờ đợi dẹp xong loạn mới về được.
Nguyễn Kiều, một nhà khoa bảng đỗ đạt sớm, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, tài năng còn đứng trên cả Nguyễn Tông Khuê (Phó Sứ), một người được thi nhân Trung Quốc, Triều Tiên sánh với Lý Bạch; Phạm Đình Hổ xem là bậc thầy thi ca, và nhất là lọt vào mắt xanh một nữ sĩ tài ba nhất văn chương Việt Nam: Đoàn Thị Điểm, nhiều bài thơ đi sứ đã nói lên nỗi lòng, mối tình mới sum họp đã chia xa.
Trong cảnh quạnh hiu sau ngày tân hôn, chồng phải đi sứ xa vạn dặm. Đoàn thị Điểm đã đem Chinh Phụ Ngâm khúc của Đặng Trần Côn phổ thành thơ song thất lục bát. Đó là áng văn được nhiều người diễn thành Nôm nhất trong thi ca Việt Nam.
Năm 1745, Chánh sứ Nguyễn Kiều dẫn phái bộ về nước. Được triều đình đón rước linh đình, lại được thăng quan tiến chức, và về nhà nghỉ ngơi. Đoàn Thị Điểm chắc đã đưa bản dịch Chinh Phụ Ngâm cho chồng xem:
Vì chàng, tóc mướt chải thưa, 477
Vì chàng, phấn ngọc sớm trưa điểm giồi.
Lấy chàng coi khăn xưa quẹn tủi,
Bức cựu tình dở dói Chàng nghe 480…
Tính Nguyễn Kiều tự phụ. Đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, tự xem mình là kẻ tài hoa hơn tất cả mọi người. Nhưng Đoàn Thị Điểm còn tự cao hơn ông. Bà bảo các học trò bà đi chép đầu bài ra các trường thi có tiếng đem về. Hai vợ chồng đều làm, mỗi người một bài. Đến lúc đem phê bình, thì tuy bài chồng thua, mà ông vẫn cãi gượng.
Sách Đoàn Thị Thực lục còn chép lời đoán của bà về vận mệnh chồng.
"Mùa hè năm Mậu Thìn (1748), một ngày kia xong việc công, ông vào tư thất, nói chuyện cùng bà và phê bình thơ, tra điển văn cũ định xếp thành thi văn tập của đôi vợ chồng. Thình lình, rèm tung lên, gió cuốn, bụi bay. Bà ngồi lặng, ngẫm nghĩ, bấm đốt tay mà suy tính. Rồi bà bảo ông rằng:
"Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy,
Nam thùy xuân vũ trước quân ân."
"Cửa Bắc xe mây điềm thiếp rõ,
Bờ Nam mưa ấm tỏ ơn vua. "
Ý bà muốn nói rằng luồng gió vừa qua là điềm bà sắp mất, và ông sắp được thăng chức và đổi vào miền Nam.
Ông hỏi vặn bà. Hỏi đi, hỏi lại, nhưng bà không giảng thêm gì nữa. Chưa qua dăm ba ngày sau, thì quả nhiên ông được mệnh vào coi việc trấn Nghệ An.
Ông bảo bà cùng đi. Bà lấy cớ bận việc nhà, xin ở lại; giả nói rằng xin sẽ đi sau. Nhưng ông cố nài. Bất đắc dĩ bà phải nghe. Sau khi từ giã mẹ già, bà cùng chồng xuống thuyền trẩy vào xứ Nghệ.
Thuyền xuông sông Nhị, rẽ lối Vân Sàng; ra cửa Thần Phù, vào sông Chính Đại. Một hôm thuyền đậu ở bến đền Sòng (ở núi Sùng Sơn, đền bà chúa Liễu Hạnh, vị thần có danh tiếng từ vùng Nam Định, Thanh Hóa. Đoàn Thị Điểm có viết truyện Vân Cát thần nữ kể chuyện vị thần này). Lúc ấy bà đang nghĩ đến mẹ. Bên đèn mở sách đọc, chưa nhắm mắt ngủ được. Dần dần đêm chẩy gió mát, bà thiu thiu ngủ quên. Thoắt, nghe trên trời có tiếng chuông khánh đeo ở xe dần dần tới, mùi hương lạ sực nức trong thuyền. Bỗng thấy mình bước lên xe. Bà sực tỉnh dậy. Biết đó là điềm xấu, ứng vào câu thơ 'Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy” bà không vui.
Chắc là đêm lạnh, bà ngủ quên không đắp chăn, nên cảm hàn. Bà bị ốm. Cố gắng gượng ăn uống, nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng.
Năm sáu ngày sau, thuyền đến trấn Nghệ An. Ấy vào ngày mồng 4 tháng 8. Bệnh đã nguy kịch. Chồng chạy thầy khắp nơi, cầu cúng hết đền chùa. Nhưng không công hiệu.
Ngày 11 tháng 9, bà mất. Trước lúc mất, bà tự dậy, ăn mặc chỉnh tề, dung quang như bình thường. Bà bảo thị tì mời chồng vào, dặn dò việc nhà và nói : "Chàng nên gắng gỏi việc nhà vua cho yên, để được về triều, kẻo phải ở lại lâu chỗ biên cảnh này đầy gió bụi."
Nói xong thì mất. Bà thọ 44 tuổi.
Nguyễn Kiều thương xót vô cùng; làm lễ thành phục, rồi giữ quan tài một tháng ở trấn sở. Hàng ngày buổi sáng, buổi chiều cúng tế. Sau đó chọn ngày, sai đưa về táng ở quê. Ông bận việc quan, không theo về được: chỉ lập đàn trên bến, đọc bài văn tế. (http://www.hocviet.info/ 2 October, 2017)
7.35. Nguyễn Bá Lân (阮伯麟, 1701-1785) là nhà thơ và là đại quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Ông cùng với Đoàn Trác Luân (anh trai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm), Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Tông Quai được người đời xưng tặng là Trường An Tứ hổ hay Trường An tứ tài
Nguyễn Bá Lân sinh tại xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong (cũ), trấn Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Quê tổ ba đời của ông ở làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc; sau vì thích phong thủy làng Cổ Đô nên mới dời đến đây.
Cha ông là danh sĩ Nguyễn Công Hoàn, từng được xếp hàng thứ ba trong "tứ hổ" ở kinh thành Thăng Long xưa (nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn). Tuy vậy, ông Hoàn lại lận đận về đường khoa cử, không đỗ đạt gì, chỉ chuyên nghề dạy học. Các chức tước mà ông có, đều là nhờ con (Nguyễn Bá Lân) làm chức lớn nên cha được phong tặng theo tục lệ ngày trước.
Vốn hiếu học, có tài văn chương, lại được cha dạy dỗ chu đáo; nên khoa Tân Hợi (1731) đời vua Lê Thuần Tông, Nguyễn Bá Lân thi đỗ Tiến sĩ.
Buổi đầu, ông được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội, rồi Phiên tào ở phủ chúa Trịnh Giang. Đến 1740, tức đầu đời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, thì ông đã làm Tả chấp pháp ở bộ Hình.
Sau đó, ông cùng với Đốc lãnh Trần Đình Miên (còn có tên là Cẩm) đem quân đi đánh Sơn Tây trong cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất.
Năm 1744, bổ ông làm Lưu thủ trấn Hưng Hóa, sau làm Đốc trấn Cao Bằng.
Năm 1756, ông được triệu về kinh đô Thăng Long nhận chức Thiêm đô ngự sử, vào phủ chúa giữ chức Bồi tụng (chức thứ hai sau Tham tụng), tước Lễ Trạch hầu, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng).
Đến năm Bính Tuất (1766), ông xin về hưu. Nhưng chẳng lâu sau, ông lại được chúa Trịnh Doanh mời ra coi việc từ tụng.
Năm 1767, xảy ra nạn hạn hán, chúa Trịnh Sâm cầu lời nói thẳng. Nguyễn Bá Lân dâng sớ xin tha thuế cho dân và minh oan cho nhiều người, đều được chúa nghe theo.
Ít lâu sau, ông lại tâu với chúa việc quân sự ở Hưng Hóa và bày mưu kế đánh dẹp cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất, được chúa khen giỏi, cho cai quản cơ Tả Nhuệ và làm Tuyên phủ sứ đạo Hưng Hóa.
Năm Canh Dần (1770), ông lại xin về hưu vì tuổi đã cao, nhưng chúa Trịnh Sâm chưa cho nghỉ hẳn, vì vẫn muốn lưu ông ở kinh để phòng khi hỏi đến. Xét công lao đánh dẹp, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, rồi Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu chúa.
Năm Ất Tỵ (1785), Nguyễn Bá Lân mất, thọ trên 80 tuổi, được đưa về an táng tại quê nhà. Khi mất, ông được truy tặng chức Thái tể, tước Quận công.
Thơ văn Nguyễn Bá Lân thất lạc nhiều, hiện chỉ còn:
* Ngã Ba Hạc phú. Đây là một bài phú chữ Nôm hay có bút pháp tả thực, trào lộng, hóm hỉnh, với niềm tự hào trước vẻ nên thơ cổ kinh của một ngã ba sông
* Dịch đình thừa dương xa phú (Bài phú vua cưỡi xe dê ra ngự dịch đình). Đây là bài phú chữ Hán, còn có tên là Nhất độ giang thành chương phú (Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang). Tương truyền ông đã làm bài này xong trước cha ông trong cuộc đọ tài văn chương giữa cha con (cha ông đề xướng) khi xuống đò qua sông.
Theo PGS. Hoàng Thạch Giang thì ông còn có nhiều bài phú chữ Hán khác nữa, như Cung nhân trúc điệp phú, Trương Hàn tư thuần lô phú,...được chép rải rác trong các tuyển tập phú. Ngoài ra, ông còn là tác giả một số bài thơ chữ Hán và chữ Nôm được ghi chép rải rác trong các thi tuyển xưa như: Vịnh sử thi quyển, Quốc âm thi, Mao thi ngâm vịnh thực lục...
Trích một vài nhận xét về Nguyễn Bá Lân:
* Phan Huy Chú:
Ông nổi tiếng trong sạch, cẩn thận...Khi làm tả chấp pháp, ông giữ công bình, không a dua. Gặp lúc bốn phương nhiều việc, ông được ra chốn biên trấn, vỗ về người Man, dẹp yên bọn cướp, mấy lần tỏ rõ công lao...Lúc về làm thiêm đô ngự sử và bồi tụng, khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói...
Nguyễn Bá Lân làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua... (Đại Nam nhất thống chí). Bá Lân là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn dám nói" (Việt sử thông giám cương mục).
Nguyễn Bá Lân được tôn làm Thành hoàng Ngũ xã (linh thần chi phù). Lễ tế vào ngày 27 tháng Giêng hàng năm..
Nhằm đánh giá và khẳng định một cách công bằng và khoa học về Nguyễn Bá Lân, ngày 23 tháng 12 năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Chính quyền huyện Ba Vì đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học về ông. Tham dự hội thảo có các nhà sử học và nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.
Ngày 25 tháng 02 năm 2000, tại Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam, Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Chính quyền huyện Ba Vì...đã đứng ra tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Bá Lân (1700 -.2000).
Ngày 18 tháng 02 năm 2004, mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô đã được ngành chức năng xếp hạng là di tích cấp quốc gia, theo quyết định số 04/2004.(http://vi.wikipedia.org/)
Theo http://quehuongonline.vn, 19/09/2007 Nguyễn Bá Lân trọn đời mang hết tài năng và đức hạnh của mình ra giúp dân, giúp nước trên mọi cương vị, văn võ song toàn, văn hóa - giáo dục uyên bác. Cho nên không lấy gì làm lạ khi thấy những danh nhân đương thời đều nói về ông với những lời trân trọng nhất. Phan Huy Chú nhận xét: "Khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói". Sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn về sau cũng viết: "Nguyễn Bá Lân... làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua..." (Đại Nam nhất thống chí). "Bá Lân là người có văn học, chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn dám nói" (Cương mục).
7.36. Nguyễn Huy Tự (阮輝嗣, 1743-1790): còn có tên là Yên, tự Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai; là danh sĩ và là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huy Tự sinh tháng 7 năm Quý Hợi (tháng 8 năm 1743) trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Ông là con trai trưởng của danh sĩ Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, và là con rể của Tiến sĩ Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du) ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 17 tuổi, Nguyễn Huy Tự đỗ thứ 5 kỳ thi Hương tại trường Nghệ An. Buổi đầu, ông được bổ chức Thị nội văn chức tùy giảng ở phủ Lượng vương (phủ của Trịnh Sâm khi còn là thế tử). Ít lâu sau, đổi ông làm Binh phiên câu kê (một chức quan thanh tra) ở phủ chúa Trịnh Doanh.
Năm 1767, ông nhậm chức Hồng lô tự thừa. Năm sau (1768), cử ông làm Tri phủ Quốc Oai.
Năm 1770, ông thi Hội trúng Tam trường, được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam.
Năm 1774, Nguyễn Huy Tự xin cải bổ sang võ ban, được cử làm Quản binh. Năm 1778, thăng ông làm Trấn thủ Hưng Hóa, trực tiếp giữ đồn Bách Lẫm.
Năm 1779, ông được đặc cách làm Tiến triều ứng vụ, tiếp đó là Hiệp lý lương hướng Sơn-Hưng-Tuyên, rồi Đốc đồng Hưng Hóa. Ở đây, ông cùng với cha vợ là Nguyễn Khản, và chú vợ là Nguyễn Điều đánh dẹp được cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng ở vùng mỏ Tụ Long[1]. Vì có quân công, ông được Tổng đốc Quảng Tây (nhà Thanh) tặng 4 chữ "Võ khố hùng lược".
Năm 1781, ông được phái làm Khâm sai Giám đằng kiêm ấn quyển ở khoa thi Hội. Năm 1782, đổi ông làm Thanh hình hiến sát sứ Sơn Tây, rồi Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, tước Uẩn Đình hầu. Cũng trong năm này, ở kinh đô Thăng Long có loạn kiêu binh. Vương triều và đất nước cùng lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc. Nhân có tang mẹ, Nguyễn Huy Tự xin về chịu tang (1784) và ở hẳn ở nhà không ra làm quan nữa. Về lại Trường Lưu, ông giúp cha (Nguyễn Huy Oánh) chăm lo cho Phúc Giang thư viện.
Năm 1790, ông được vua Quang Trung triệu tới Phú Xuân. Ông nhận lời làm Hữu thị lang cho nhà Tây Sơn. Nhưng liền sau đó, ông mắc trọng bệnh và mất ngày 27 tháng 7 năm 1790 tại Phú Xuân, lúc 47 tuổi, thụy là Thông Mẫn.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Tự có truyện thơ Hoa tiên (còn có tên là Hoa tiên ký) bằng chữ Nôm, được viết vào khoảng giữa thế kỷ 18.
Vợ con
Nguyễn Huy Tự cưới Nguyễn Thị Bành (1750 - 1773), con gái của Nguyễn Khản làm vợ. Năm 1773, vợ mất. Sau đó, ông tục huyền cùng em gái vợ là Nguyễn Thị Đài (1752 - 1819), được 9 trai, 4 gái.
Một số người con như Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Vinh và Nguyễn Huy Hổ đều tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình và đều là những văn nhân có tiếng, trong số đó có người con trai út là Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841), là người tinh thông thiên văn, y học, lý số, giỏi sáng tác văn chương, và là tác giả tập thơ Nôm Mai đình mộng ký viết năm 1809.( https://vi.wikipedia.org/)
7.37. Nguyễn Huy Lượng (chữ Hán: 阮輝諒; ? - 1808) là văn thần và là nhà thơ ở cuối đời Lê trung hưng, nhà Tây Sơn đến đầu đời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huy Lượng bút hiệu là Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, sau dời sang làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
Họ Nguyễn Huy là một trong những họ có nhiều người hiển đạt của làng Phú Thị. Nguyễn Huy Nhuận đỗ tiến sĩ năm 1703 (làm quan trải đến chức tể tướng). Con ông là Nguyễn Huy Dẫn đỗ tiến sĩ năm 1748. Con ông Dẫn là Nguyễn Huy Cẩn đỗ tiến sĩ năm 1760, v.v...Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, thì dường như cha Nguyễn Huy Lượng có dính líu đến vụ tố cáo âm mưu Trịnh Khải chống lại cha là chúa Trịnh Sâm, nên khi Trịnh Khải lên làm chúa thì ông phải lánh sang tị nạn ở làng Lương Xá. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Lộc thì cha Nguyễn Huy Lượng không đỗ đạt gì, chỉ ở nhà chuyên làm ruộng.
Dưới thời Lê-Trịnh, Nguyễn Huy Lượng thi đỗ hương cống (cử nhân), được bổ làm Phụng nghị ở bộ Lễ (tức là một chức quan nhỏ phụ trách việc xem xét các lễ vật khi cúng tế).
Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung ra Bắc, đại phá quân Thanh (Trung Quốc), giải phóng Bắc Hà. Nguyễn Huy Lượng sau đó ra làm quan cho triều Tây Sơn.
Năm 1801, vua Cảnh Thịnh làm lễ tế giao ở một địa điểm gần hồ Tây, đã giao cho Nguyễn Huy Lượng, bấy giờ đang là Hữu thị lang bộ Hộ (nên còn được gọi là Hữu Hộ Lượng, tước Chương Lĩnh hầu), soạn một bài thơ và một bài phú tiến dâng, và bài Tụng Tây Hồ phúnổi tiếng đã ra đời nhân dịp này.
Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, triều Nguyễn (Gia Long) triệu tập ông, bổ làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi vua Gia Long đi tuần du, ông được đi theo. Nhờ vậy, ông soạn được bài Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).
Theo sách Minh đô sử thì ông bị bức tử năm 1808.
Tác phẩm
Sáng tác của Nguyễn Huy Lượng đều viết bằng chữ Nôm, hiện còn:
< >Tụng Tây Hồ phú (Phú ca tụng hồ Tây). Đây là bài phú chữ Nôm, gồm 86 liên, dùng chỉ một vần "hồ" (độc vận). Dụng ý của tác giả là mượn cảnh Tây Hồ để tán tụng sự nghiệp và công đức của nhà Tây Sơn. Đây là lúc triều đại này đã suy mà ông vẫn viết nên bài phú với một niềm say sưa không hề giảm.Phạm Thái lấy nguyên vận bài này làm ra bài Chiến tụng Tây Hồ phú để chống lại lời tán tụng của Nguyễn Huy Lượng.
< >Lượng như long phú (Phú Lượng như rồng).Ngự đạo hành cung nhật trình (Con đường từng ngày của nhà vua qua các hành cung).Cung oán thi (Thơ về nỗi oán của người cung nữ). Đây là tập thơ gồm 100 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú). Có tài liệu nói đây là tác phẩm của Vũ Trinh hoặc Nguyễn Hữu Chỉnh, tuy nhiên gần đây mới xác định là của ông.Văn tế tướng sĩ trận vongNguyễn Huệ Chi và GS. Nguyễn Lộc cho biết: Bấy lâu nay có nhiều sách ghi bài này là của Tổng trấn Trần Văn Thành. Nhưng theo một vài tài liệu Hán Nôm còn giữ được, trong đó có bộ Minh đô sử do Lê Trọng Hàm làm chủ biên, thì trước khi làm lễ tế các tướng sĩ nhà Nguyễn tử trận, Tổng trấn Thành đã cho mời Nguyên Huy Lượng và Phan Huy Ích đến dinh để cùng làm văn tế. Sau đấy, bài của ông Lượng được chọn dùng... Tuy nhiên, phát hiện này vẫn có người chưa đồng thuận. (https://vi.wikipedia.org)
- CHƯƠNG X HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI TÂY SƠN (1788 - 1802)
- CHƯƠNG IX HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI CHÚA NGUYỄN (1600-1802)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM: CHƯƠNG VIII: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI KỲ TRỊNH NGUYỄN PÂN TRANH
- CHƯƠNG VI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ MẠC (1527- 1592)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II, CHƯƠNG V: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ HẬU LÊ - LÊ SƠ (1428-1527)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II, CHƯƠNG IV: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ TRẦN (1225-1400), NHÀ HỒ (1400-1407), NHÀ HẬU TRẦN(1407 – 1413)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II: CHƯƠNG III HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI TIỀN LÊ (980-1009), NHÀ LÝ (1009-1225)
- PHẦN THỨ II: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI: CHƯƠNG II HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI LOẠN 12 XỨ QUÂN VÀ NHÀ ĐINH (944-980)
- PHẦN THỨ II: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI. Chương I: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ TRIỆU(207-111 TCN), NHÀ NGÔ (939 - 944 SCN)
- CHƯƠNG IV ĐỨC THÁNH TẢN VIÊN - NGUYỄN TUẤN
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM LẦN THỨ III NHIỆM KỲ 2024-2029 - HỌ NGUYỄN TỈNH HÒA BÌNH HỌP BÀN VỀ PHÂN CÔNG LÀM NHIỆM VỤ TRONG ĐẠI HỘI
- HĐHNVN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI HĐ HỌ NGUYỄN TỈNH BẮC GIANG
- HOAN NGHÊNH ĐẠI HỘI HỌ NGUYỄN QUẬN NGÔ QUYỀN TP. HẢI PHÒNG
- HDĐHNN NHẬN ĐƯỢC CÔNG VĂN TRẢ LỜI ĐƠN KIẾN NGHỊ CỦA HĐHNVN VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHÀ THỜ TỔ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở Á LỮ, BẮC NINH
- HĐHNVN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI ÔNG ĐỖ VĂN KIỆN – CHỦ TỊCH HĐ HỌ ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM – CHỦ TỊCH TỘC BIỂU CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM
- HỘI ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THĂM ÔNG NGUYỄN SINH HÙNG – NGUYÊN UVBCT –NGUYÊN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CHXHCNVN
- DOANH NHÂN TRẺ VIỆT NAM – NGUYỄN THỊ HÀNG – GĐ CTY SỮA ĐỒNG CỎ BA VÌ ĐÃ CÓ CHUYẾN ĐI HƯỚNG TỚI ĐỒNG BÀO LŨ LỤT
- ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HĐHN QUẬN DƯƠNG KINH TP. HẢI PHÒNG THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- TIN VUI TÀI TRỢ MUA ĐẤT VÀ XÂY DỰNG NHÀ THỜ Ở BA VÌ HÀ NỘI NGÀY 10/9/2024
- Dự kiến cử người vào các chức vụ và các Ban của HĐHNVN khóa III nhiệm kỳ 2024-2029
- KHU KINH TẾ THANH NIÊN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
- ĐƯỢC TẶNG CHỮ “KHỎE”
- “MỘT ĐỀ TÀI KHOA HỌC THÚ VỊ VỀ HAI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC”
- LỜI CỤ HỒ CA NGỢI VUA GIA LONG BỊ CẮT BỎ, HÃY TRẢ CHỮ LẠI CHO CỤ HỒ ĐI !
- Trưa 8/7, thêm 355 ca Covid-19 tại 16 tỉnh thành
- SÁCH VÀ TRI THỨC
- NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN SỬU
- TIẾN ĐỘ THI CÔNG NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở THÔN Á LỮ XÃ ĐẠI ĐỒNG THÀNH HUYỆN THUẬN THÀNH TỈNH BẮC NINH
- LỜI TÂM SỰ: Phần thứ hai: Cái tâm với dòng họ
- LỜI TÂM SỰLỜI TÂM SỰ: Phần thứ nhất: Chữ BẠN và nghĩa trong dòng họ