Ngày đăng: 01/10/2021
Tóm tắt:
LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II: CHƯƠNG III HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI TIỀN LÊ (980-1009), NHÀ LÝ (1009-1225)
Nội dung:
CHƯƠNG III: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI TIỀN LÊ (980-1009), NHÀ LÝ (1009-1225)
3.1. Nhà tiền Lê: Nhà Lê (Hán-Nôm: 家黎 • 黎朝, nhà Lê •Lê triều) (980-1009) hay còn được gọi là nhà Tiền Lê (Hán-Nôm: 家前黎 • 前黎朝, nhà Tiền Lê • Tiền Lê triều) (để phân biệt với nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra) là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980, trải qua ba đời vua và chấm dứt khi Lê Ngọa Triều qua đời, và hoàng tử kế vị đang còn nhỏ tuổi. Quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt. Là triều đại tiếp sau nhà Đinh (968-980) và được kế tục bởi nhà Lý (1009-1225).
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám hại, Vệ Vương Toàn lên làm vua, Lê Hoàn làm phụ chính, xưng là Phó Vương. Triều thần sợ Lê Hoàn cướp ngôi vua nhỏ, Định Quốc Công Nguyễn Bặc và ngoại giáp Đinh Điền dẫn quân về kinh đô định giết Lê Hoàn, thua trận bị Lê Hoàn giết.
Năm 980, quân Tống nhân cơ hội đem quân sang muốn cướp nước, triều thần và thái hậu họ Dương (về sau giới văn nghệ đặt tên bà này là Dương Vân Nga) đưa Lê Hoàn lên làm vua lập ra nhà Tiền Lê. (https://vi.wikipedia.org)
Vua Đại Hành tên húy là Hoàn, người Ái châu (Thanh Hóa ngày nay), thời nhà Đinh giữ chức Thập đạo tướng quân. Khi vua Đinh bị giết, ông trở thành người nắm quyền trong triều đình và đến năm 980 thì lấy ngôi vua của nhà Đinh, lập ra nhà Tiền Lê.
Lê Đại Hành là người có công đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống năm 981. Tuy nhiên, theo quan điểm Nho giáo của các nhà chép sử sau này, như trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết thì ông bị chê trách về đạo vợ chồng do ông đã lập Dương Vân Nga, hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng làm một trong năm hoàng hậu của mình cũng như về việc không sớm lập người kế vị để sau này dẫn đến việc tranh giành quyền bính giữa các con. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho nhà Tiền Lê nhanh chóng sụp đổ.
3.2. Nguyễn Đê (chữ Hán: 阮氐) là một vị quan dưới triều tiền Lê và nhà Lý. Ông là con trưởng của Định Quốc Công Nguyễn Bặc.
Khi Nguyễn Bặc bị Lê Hoàn giết, ông cùng vợ và hai con cùng với Nguyễn Đạt chạy về lánh nạn ở Gia Miêu (Tống Sơn, Thanh Hóa). Sau đó, ông và người em là Nguyễn Đạt ra học ở Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Theo các tài liệu còn lại, được biết ông có ba người con trai là Nguyễn Quang Lợi, Nguyễn Viễn và Nguyễn Phúc Lịch. Ông có một người em là Nguyễn Đạt.
Về năm sinh, năm mất của Nguyễn Đê chưa thấy tài liệu nào nói tới. Chỉ biết rằng, khi cha ông còn tại chức trong triều đình Hoa Lư thời Đinh Tiên Đế thì ông luôn được bên cạnh Người, được nuôi dạy cả về văn chương và võ nghệ.
Ở Kinh Bắc Nguyễn Đê xung quân. Vừa để xoa dịu lòng dân, lại khống chế được Nguyễn Đê, Lê Đại Hành dùng ông vào quân cấm vệ của triều đình. Ngay cả Vệ Vương Đinh Toàn (con trai vua Đinh Tiên Hoàng) sau khi bị phế truất, Lê Đại Hành cũng cho làm tướng, luôn bên cạnh nhà vua, một phần gia công ân đức để thiên hạ nhìn vào, một mặt để dễ bề khống chế. Nguyễn Đê không nguôi mối thù của cha mình, nhưng chưa có cơ hội để nổi dậy. Ông vẫn tỏ ra trung thành với nhà Lê, như không hề nghĩ gì về mối thù phải trả với Lê Đại Hành. Đến thời Lê Ngọa Triều (1005-1009), Nguyễn Đê được phong tới chức Hữu Điện tiền Chỉ huy sứ, coi giữ 500 quân tùy long (quân luôn đi theo nhà vua). Ông lại là chỗ tâm phúc, tâm giao với Lý Công Uẩn, lúc này đang giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ và ngầm liên kết với quan Chi hậu Đào Cam Mộc để lật đổ Lê Ngọa Triều, phò Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế. Đại Việt Sử ký ghi lại rằng: Khi Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) băng hà, vua nối (chỉ Lê Xạ, con Lê Long Đĩnh) còn bé, Lý Công Uẩn cùng với Hữu Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là Nguyễn Đê, mỗi người được đem 500 quân tùy long canh giữ, Đào Cam Mộc là quan Chi Hậu đã gặp quan Thân Vệ là Lý Công Uẩn, phân tích thời thế, lòng người và khuyên Lý Công Uẩn: “Nhân lúc này, vận dụng mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ Thang Vũ, gần thì xem việc làm của Đinh – Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo lòng dân” để lên ngôi Hoàng đế, thay nhà Lê đã đổ nát. Nguyễn Đê đã cùng Đào Cam Mộc dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, lập làm vua. “Trăm quan đều lạy rạp ở dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều”. Như vậy, cùng với Đào Cam Mộc, Nguyễn Đê đã sáng suốt tìm thấy chân chúa anh minh là Lý Công Uẩn để thay thế nhà Lê đã đổ nát, suy vi. Hành động sáng suốt đó của ông vừa báo ơn nước, vừa trả được thù cho cha. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, sắc phong cho Nguyễn Đê làm Quốc Công, Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín Hầu.
Con cháu Nguyễn Đê về các triều đại sau này rất phát đạt, sinh ra những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ứng Long, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Lý, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, đặc biệt là Nguyễn Hoàng con trai Nguyễn Kim là người khai sáng ra nhà Nguyễn sau này
3.3. Nhà Lý hay Lý triều (Hán-Nôm: 家李 • 李朝, nhà Lý • Lý triều), còn được gọi là nhà Hậu Lý (Hán-Nôm: 家後李 • 後李朝, nhà Hậu Lý • Lí Hậu triều) (để phân biệt với nhà Tiền Lý của Lý Nam Đế), là một triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này bắt đầu khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê, trải qua 9 triều vua và chấm dứt khi vua Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới có 7 tuổi bị ép thoái vị để nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225 – tổng cộng là 216 năm.
Trong thời đại của vương triều này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn hai trăm năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm, ngoài ra nhà Lý còn bảo toàn và mở rộng lãnh thổ của mình. Trong nước, mặc dù các vua đều sùng bái đạo Phật, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo đã bắt đầu lớn dần, với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070) và Quốc tử giám (1076), và các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075. Về thể chế chính trị, đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng hơn và sự cai trị đã dựa nhiều vào pháp luật hơn là sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân. Sự kiện nhà Lý chọn thành Đại La làm thủ đô (sau là Thăng Long tức Hà Nội ngày nay) đánh dấu sự cai trị dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân hơn là sức mạnh quân sự để phòng thủ như các triều đại trước.
Ở thời này có những sự kiện đáng nhớ của lịch sử Việt Nam: việc dời đô từ Hoa Lư, một nơi ở góc đông nam đồng bằng Bắc Bộ, thưa dân, hiểm trở ra Đại La, rồi đặt tên mới là Thăng Long theo hình tượng con rồng, một hình tượng đặc thù của thời này; quốc hiệu Đại Việt của Việt Nam có từ tháng 10 âm lịch năm 1054 và được duy trì đến đầu thế kỷ 19; Văn Miếu và Quốc tử giám, biểu tượng của văn hiến Việt Nam, được xây dựng; và việc thi cử cũng như hệ thống pháp luật bằng văn bản bắt đầu có dưới triều đại này.( http://vi.wikipedia.org/).
3.4. Vạn Hạnh (Hán tự: 萬行) (938 – 1025) là tên một vị thiền sư người Việt có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là cố vấn của vua Lê Đại Hành, là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông cũng là một nhà tiên tri.
Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo.
Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thuyền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng: Hồi Lê Ngọa Triều đang thi hành chính sách bạo ngược bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp có một con chó trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ "thiên tử" lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sẽ sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (tức năm 1010). Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, vua triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ông đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi vua Lê Ðại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả bị Chiêm Thành bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và trận ấy quân Lê thành công.
Ngày Rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30 tháng 6 năm1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). Bài kệ như sau: "Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xanh tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông"
Ảnh hưởng
Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ "Truy tán Vạn Hạnh thiền sư" (追贊萬行禪師):
Nguyên văn chữ Hán:
萬行融三際
真符古讖詩
鄉關名古法
拄錫鎮王畿
Phiên âm Hán Việt:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ
Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:
Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua
Bản dịch của Nguyễn Văn Trình (1872-1949):
Học thông tam giới ghê thay
Rằng thầy Vạn Hạnh thi tài rất cao.
Cửa làng Cổ pháp tiếng reo
Gậy tăng đủng đỉnh bay vào Đế đô.
Trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam có một viện đại học mang tên ông là Viện Đại học Vạn Hạnh. Hiện nay, nhiều thành phố ở Việt Nam có tên đường "Sư Vạn Hạnh" để tưởng nhớ một vị thiền sư đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.
Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi lại bài Sấm – Vĩ của Vạn Hạnh:
Thọ căn diễu diễu
Mộc biểu thanh thanh
Hoa đào mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Dị mộc tái sanh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Dịch là:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Mười tám hạt thànhCây hoa đào rụng
Cành đông xuống đất.
Cành khác lại sanh
Đông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình (http://vi.wikipedia.org).
Theo http://www.hoalinhthoai.com: Thiền sư Vạn Hạnh người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Ngài sinh vào khoảng năm 932. Gia đình Ngài có truyền thống thờ Phật. Từ thuở nhỏ ngài đã rất thông minh, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông, tức là đời pháp thứ bảy của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông tịch rồi, ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam-ma-địa”, mỗi khi nói câu gì cũng lạ thường, người đời đều cho ông nói là những câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, hoàng đế hết lòng tôn kính, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hậu Nhân Bửu đem quân qua đánh nước ta, khi giặc đóng quân ở núi Cương Giáp Lãng, vua Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi: “Quân ta thắng bại thế nào?” Ngài tâu: “Chỉ trong bảy ngày thì giặc tất lui”. Sau quả nhiên y như lời ngài đã nói, ngoài ra ngài còn rất giỏi về sấm ngữ và độn số, vua Lê Đại Hành và quần thần rất tôn kính, thán phục.
Thiền sư Vạn Hạnh là một vị cao tăng, đắc đạo. Ngài có thể biết được sự hưng thịnh của đất nước theo dòng lịch sử thuận theo duyên nghiệp chúng sinh. Sư sống trong bối cảnh vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) đang nắm giữ đất nước. Vua Lê Ngọa Triều là một vị vua chỉ biết ăn chơi, không lo cho dân, cho nước làm cho dân chúng phải lầm than. Thiền Sư Vạn Hạnh với tinh thần “ từ bi” mong sao đất nước được hòa bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Ngài luôn luôn canh cánh ước vọng đó trong lòng. Để thay đổi vận mệnh của đất nước, không gì hơn là phải đổi ngôi vua. Lúc này Ngài có một người con nuôi là Lý Công Uẩn đang giữ chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lê. Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Và về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, nơi đất an bình để tính kế muôn đời cho con cháu. Ngày rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
Cảm mộ đức hạnh của Thiền sư, về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán rằng:
“Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ”.
Nghĩa là:
“Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua”.
Thiền sư Vạn Hạnh, người đã cùng Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long, suốt đời tận tụy với sự nghiệp “Hộ quốc an dân”, và từng được xưng tán là “Chống gậy thiền trấn giữ kinh vua” một thời...! Ngài có công lớn, là đạo diễn xây dựng nên vương triều nhà Lý, là tiền đề cho các triều đại sau, phát triển rực rỡ, nhất là triều đại nhà Trần.
Thiền Sư Vạn Hạnh là một tu sĩ, nên sự nghiệp của ngài là “Trí Tuệ”, cái dụng của trí tuệ đó đã tác động vào cuộc đời tạo nên sự nghiệp lớn lao là thành lập củng cố và phát triển một vương triều vàng son của đất nước ta thời phong kiến.
Năm Thuận Thiên thứ 9 (l018), vào ngày rằm tháng 5 năm Mậu ngọ (30-06-1018), ngài không đau ốm gì mà tịch, thọ 80 tuổi. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước ngài lên đài hỏa táng rồi thâu hài cốt xây tháp để thờ.
Trước khi tịch ngài để lại bài kệ rằng :
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch :
Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.
Sá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Về sau vua Lý Nhân Tôn (l072 - 1 127) cũng có bài truy tán ngài rằng:
Vạn Hạnh dung tam tế,
Nhơn phù cổ sấm cơ (ky).
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ .
Dịch :
Thiền sư học rộng bao la,
Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời.
Quê hương Cổ Pháp danh ngời,
Tháp bia đứng vững muôn đời Đế Đô.
Vị vua thứ 4 này đã phong ngài là: “Chống gậy giữ kinh đô”.
Thiền Sư được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, nhưng vẫn ở tại Chùa. Khi quốc gia hữu sự mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về Chùa.
3.5. Nguyễn Quang Lợi (?-?) là một đại thần nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Quang Lợi không rõ quê quán, làm quan dưới thời Lý Thái Tổ. Năm 1028, Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu dẹp Loạn tam vương, Nguyễn Quang Lợi tham gia phò Thái tử Phật Mã lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tông.
Tháng 11 năm 1028 (ÂL), vua Lý Thái Tông phong thưởng các quan chức, Nguyễn Quang Lợi được nhận chức Thái úy, xếp dưới Thái sư Lương Nhậm Văn, Thái phó Ngô Thượng Đinh, Thái bảo Đào Xử Trung và Trung thư Thị lang Liêu Gia Trinh, xếp trên cả Nguyễn Khánh và Lý Nhân Nghĩa.
Năm 1029, Nguyễn Quang Lợi bị giáng xuống làm Đô úy, được vua Lý Thái Tông sai đi đón thiền sư vào kinh thành. (https://vi.wikipedia.org/)
3.6. Lý Quốc Sư – Nguyễn Minh Không (chữ Hán: 李國師; 15 tháng 10 năm 1065 – 1141) là tên gọi theo quốc tính họ Vua do nhà Lý ban cho ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một vị thiền sư từng được gọi là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu Nguyễn Minh Không (chữ Hán: 阮明空). Ông là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo, là những nhân vật lịch sử có thật, sau này được người Việt tôn sùng là đức thánh Nguyễn, đức thánh Trần. Trong dân gian, Nguyễn Minh Không còn được coi là một vị thánh bất tử của Việt Nam và là ông tổ nghề đúc đồng. Ông được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (阮志誠) sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Theo một số tài liệu, ông còn có đạo hiệu Không Lộ, từng tu ở chùa Không Lộ (Nam Định) và được thờ ở núi Không Lộ (chùa Thầy ngày nay)
Cha của thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Tràng An.
Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn nay làng Phả Lại, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh (nơi giáp với phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương).
Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành.
Cha mẹ mất sớm, Chí Thành làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long. Chí Thành nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, lúc thì đăng sơn kích thỏ, khi thì phóng thuỷ cầu ngư.
Lập chùa, mở mang phật giáoNguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Khi ông mất rồi được rất nhiều đền chùa thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả." Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý - là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam.
Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo và kết nghĩa anh em với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở vùng châu thổ sông Hồng... để tu hành, lấy vị hiệu là Không Lộ rồi Minh Không. Trong suốt cuộc đời, trên cương vị quốc sư thống lĩnh lực lượng phật giáo quốc gia, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên,... Quốc sư Minh Không là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam.
Pháp sư tài danh
Thiền sư Minh Không đồng thời là một dược sư nổi tiếng thời Lý, một trong những kỳ tích của ông được sử sách ghi lại là chữa thành công bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm quốc sư.
Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ dọa, Người nói: "Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế." Từ Đạo Hạnh hối hận: "Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi tôi sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với tôi có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu tôi." Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của trẻ con rằng:
"Bắc nam có tây đông
Đáy bể ẩn có rồng
Vua mắc bệnh khó chữa
Hãy đón Nguyễn Minh Không.".
Vua bèn sai sứ tìm gặp Sư. Khi Sư đến, Tôn túc thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy Sư ăn mặc quê mùa, họ khinh khí không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột, lên tiếng nói: "Ai có thể nhổ cái đinh đó ra trước thì đáng được tôn trọng". Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: "Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?" Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim châm cứu cho vua. Bệnh liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Trong quốc sử còn ghi rằng: "Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này."
Vùng đồi núi Gia Sinh, Gia Viễn hiện còn cái tên làng Sinh Dược (làng thuốc sống) do Lý Quốc Sư dùng cây thuốc ở đây chữa bệnh. Từ các loại thảo dược này ông đã chữa bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông và bào chế ra nhiều loại thuốc chữa bệnh cho nhân dân, ông đã truyền lại cho dân nhiều bài thuốc hay và sử dụng thuốc nam, châm cứu chữa bệnh. Đến nay vùng đồi núi Sinh Dược, Gia Sinh vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: Bình vôi, Ngành ngạnh, Hoài sơn, Khúc Khắc, Mặt quỷ, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, chè vằng, Thiên niên Kiện, Bố chính sâm...
Phục hưng nghề đúc đồng
Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng mặc dù trước đó từ thế kỷ X, Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng đồng đầu tiên trong lịch sử. Với vai trò là quốc sư triều Lý, ông tham gia mở mang nhiều công trình phật giáo. Lý Quốc Sư là người đúc tượng phật chùa Quỳnh Lâm; đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên góp phần tạo nên "An Nam Tứ đại khí" là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý - Trần. Ông là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng.
Đầu năm 1118 Nguyễn Minh Không đến chùa Tống Xá ở Nam Định, đã đi thăm các cánh đồng ở đây và thấy có một khu đất rộng, có loại đất sét tốt có thể làm khuôn đúc ở đây. Ông bèn hướng dẫn dân làng nghề đúc đồng. Từ đó cánh đồng có hố đào để lấy đất sét được gọi là cánh đồng Hố, từ thời Lê bắc thêm cầu nên gọi là cánh đồng Cầu Hố. Ngày nay ở thôn Tống Xá có đền thờ ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam Nguyễn Minh Không.
Tôn vinh
Đức Thánh Nguyễn
Là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng... Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Quốc sư triều Lý. Dân gian có câu:
Đại Hữu sinh Vương
Điềm Dương sinh Thánh.
Tại núi Dương Sơn, có chùa Lạc Khoái xã Gia Lạc (Gia Viễn, Ninh Bình) còn câu đối:Trong hai câu ca trên thì Vương ở đây chỉ Đinh Tiên Hoàng, Thánh chỉ Nguyễn Minh Không. Hai ông được sinh ra ở hai làng liền kề nhau thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Điềm Xá chung linh sinh Nguyễn thánh
Hoa Lư dục tú xuất Đinh Hoàng.
Trong tín ngưỡng Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng có 4 vị thần trong nhóm tứ bất tử đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa. Tuy nhiên, thực tế các vị thánh trong bất tử từng được ghi chép còn có Lý Quốc Sư. Kiều Oánh Mậu người làng Đường Lâm là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục có viết:
"Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào."
Ông tổ nghề đúc đồng
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không được những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố nghề Ngũ Xã, phố Lò Đúc (Hà Nội); Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa), các làng nghề đồng Châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) và Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh) đều thờ và tôn vinh ông là ông tổ đúc đồng.
Một số nơi như làng nghề đúc đồng Đông Sơn, Thanh Hóa và đền thờ sư tổ nghề đồng ở số 5 phố Châu Long –Hoàn Kiếm thì Tổ sư nghề đúc đồng là ông Khổng Minh Không. Trong các tài liệu lịch sử không có tên Khổng Minh Không. Dân gian đã hoà nhập Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không làm một thành Khổng Minh Không. Nhân dân những vùng này coi hai ông là tổ sư nghề đồng của Việt Nam. Đây cũng là một sự tích của Không Lộ dân gian nhập vào với Minh Không. Điều này còn tìm thấy trong văn bia chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Hành Thiện - Nam Hà), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều - Quảng Ninh), chùa La Vân (Quỳnh Phụ - Thái Bình).
Theo truyền thuyết dân gian một số vùng ở Nam Định và Thái Bình, Thánh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không hầu như được đồng nhất với nhau trong một thánh Không Lộ. Một số tư liệu, thư tịch cổ cũng cho rằng Nguyễn Minh Không, húy Chí Thành, hiệu Không Lộ và Không Lộ chỉ là tên ngôi chùa mà nhà sư Minh Không từng ở. Sách "Lĩnh Nam chích quái" chép rằng "chùa Không Lộ ở làng Giao Thuỷ có nhà sư Minh Không". Có ý kiến rằng Dương Không Lộ thực chất là tên lấy theo họ mẹ của Minh Không ghép với hiệu Không Lộ.
Một số tư liệu, thư tịch cổ và ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai ông đã từng chữa khỏi bệnh cho vua. Tuy nhiên, tài liệu quan trọng và đầy đủ như Đại Việt sử ký toàn thư lại hoàn toàn không có nhân vật Dương Không Lộ, chỉ thấy 3 đoạn ghi chép về đại sư Minh Không.
Hơn nữa, Theo sách "Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược" (Phòng Địa chí - Thư viện tỉnh Nam Định chế bản) tại trang 146, trong mục chùa Keo thì: Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành người xã Điềm Xá huyện Gia Viễn cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viết Y đạo hiệu là Giác Hải, sau gặp sư Từ Đạo Hạnh người Yên Lãng cùng sang Tây Trúc học đạo đều thành.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ là một mô típ độc đáo trong nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Không Lộ vốn là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hoá để trở thành một ông Không Lộ - có yếu tố của một anh hùng văn hoá. Từ sự tích của thiền sư Dương Không Lộ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hoá, tín ngưỡng khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hoá, lịch sử hoá, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ Tổ nghề và lớp văn hoá Phật giáo để một nhân vật "vốn có lẽ không có thật" trở thành một thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 của dòng thiền Vô Ngôn Thông với tiểu sử, hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị Thánh.
Thờ phụng
Tên tuổi của Nguyễn Minh Không đã gắn liền với nhiều truyền thuyết đầy kỳ bí. Rất nhiều nơi, đặc biệt là các chùa ở Việt Nam thờ vị quốc sư này theo kiểu "tiền phật hậu thánh". Trong số các chùa, đền thờ quốc sư, tập trung nhiều nhất là các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình... Trong dịp lễ hội ở các đền thờ này, thường có tục bơi chải vào ngày hội, tục này chắc liên quan đến giai thoại nhà sư đi thuyền một đêm mà đến được Kinh đô.
Tại quê hương Ninh Bình có đền thờ đức Thánh Nguyễn trên mảnh đất sinh ra ông thuộc địa phận hai xã Gia Thắng - Gia Tiến, Gia Viễn. Xưa đây là chùa Viên Quang, sau khi ông mất nhân dân biến Viên Quang Tự thành đền thờ trấn Bắc Hoa Lư tứ trấn. Đền thờ Nguyễn Minh Không ở khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính là nơi ông đã phát hiện ra các động và biến chúng thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Tại chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn, nơi được mệnh danh là "Nam thiện đệ tam động", tức động đẹp thứ 3 của trời Nam cũng có đền thờ và tượng của ông. Khu di tích động Hoa Lư thì phối thờ tượng ông cùng với tượng vua Đinh Tiên Hoàng trong ngôi đền cổ. Lý Quốc Sư còn được thờ ở đình Ngô Đồng, xã Gia Phú, Gia Viễn; đền thờ Tô Hiến Thành và chùa Lạc Khoái ở bên sông Hoàng Long gắn với giai thoại tuổi thơ ông. Ông cũng được thờ ở chùa Nhất Trụ và động Am Tiên ở cố đô Hoa Lư. Tại đền Thượng xã Khánh Phú và đền Tam Thánh ở xã Khánh An, Yên Khánh ông được suy tôn là đức Thánh cả.
Ở Nam Định cũng có khá nhiều chùa thờ quốc sư Minh Không mà tiêu biểu nhất là chùa Cổ Lễ, ngôi chùa do Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Đại sư Minh Không cũng được thờ ở chùa Xuân Trung xã Xuân Bắc (Xuân Trường) và xã Điền Xá (Nam Trực). Ở Ý Yên, Thánh tổ Minh Không được thờ ở đình Cổ Hương xã Yên Phương; đình Phúc Thọ xã Yên Thành và đền Tống Xá xã Yên Xá. Ông còn được phối thờ cùng Lý Thần Tông và Giác Hải tại chùa Nghĩa Xá ở xã Xuân Ninh Xuân Trường. Lễ hội chợ Viềng hàng năm gắn liền với việc thờ ông Nguyễn Minh Không, ông tổ đúc đồng, nên trước đình ông Khổng, người dân thường bày bán đồ đồng, đồ sắt. Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng cũng hòa nhập thần tích của Nguyễn Chí Thành và Dương Minh Nghiêm thành một thánh Không Lộ.
Ở Thái Bình các di tích thờ quốc sư Minh Không có nhiều ở huyện Quỳnh Phụ như: Chùa Hóa Long ở thôn Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ; đền thờ và chùa La Vân ở xã Quỳnh Hồng; đền Soi ở thôn Đồng Mỹ xã Quỳnh Lâm. Các nơi khác thờ đại sư như đền Ngũ xã Điệp Nông, Hưng Hà; Chùa Am ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương. Riêng khu vực Chùa Keo (Vũ Thư) thì có nhiều di tích, thần tích liên quan đến Nguyễn Minh Không.
Ở Hà Nội có đền thờ Lý Quốc Sư trên con phố mang tên Lý Quốc Sư. Chùa Quán Sứ ở phố Quán Sứ hiện là trụ sở giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có ban thờ riêng để tôn vinh vị cao tăng này. Đền Thần Quang (Ngũ Xã) và chùa Tổ Ong ở 79 phố Lò Đúc cũng thờ ông với tư cách tổ nghề đúc đồng. Ông cũng được thờ ở chùa Thiên Vũ ở La Dương, phường Dương Nội, quận Hà Đông và đền Lạc Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ông cũng được phối thờ cùng Giác Hải tại khu di tích Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy.
Ở Hải Dương có chùa Trông (Hưng Long - Ninh Giang); Đình Cao Dương (Đình Hói) ở xã Gia Khánh và Đình Hậu Bổng (Đình Bóng) tại xã Quang Minh, Gia Lộc; chùa Kính Chủ ở xã An Sinh, huyện Kim Môn là nơi thờ Nguyễn Minh Không.
Ở Quảng Ninh, Nguyễn Minh Không là sư tổ chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều.
Ở Hưng Yên, 3 trong 5 làng nghề đúc đồng tạo lên làng Ngũ Xã (Hà Nội) là Châu Mỹ, Long Thượng (xã Đại Đồng) và Đông Mai (xã Chỉ Đạo) thuộc huyện Văn Lâm đều thờ ông với tư cách tổ nghề đúc đồng của các làng nghề này.
Ở Bắc Ninh, việc thờ Nguyễn Minh Không có tới hàng chục di tích thuộc địa bàn các huyện: thành phố Bắc Ninh, Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài, Gia Bình xưa vốn là quê ngoại của người, tiểu biểu như chùa Phả Lại ở Đức Long, Quế Võ và đình làng Đào Viên và Điện Tiền thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành thờ thánh Nguyễn với vai trò sư tổ của nghề đúc đồng.
Ở Bắc Giang, Lý Quốc Sư cũng được thờ ở đình Thắng xã Đức Thắng, Hiệp Hòa,..
Tên tuổi của quốc sư Minh Không được đặt cho nhiều đường phố ở Việt Nam như đường Lý Quốc Sư ở các thành phố Nha Trang, Hà Nội, Tam Điệp,... hay đường Nguyễn Minh Không ở các thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng,...
Trong thơ ca
Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược trang 127 có viết giai thoại về sư Minh Không như sau: "Sư Nguyễn Chí Thành quê ở Điềm Xá, Gia Viễn thường câu cá tại núi Tai Mèo, rồi chèo thuyền ra cửa biển Thần Phù, để thẳng đến Tây Chân đi bán, thường gánh đá một bên cho cân với cá, đi đường đá bị rơi sư đạp viên đá ra viên đá vỡ còn dấu tại xã Liên Tỉnh xã Tương Đông" và trích bài thơ của sử gia Lê Tung (đời Lê Sơ) khi về thăm di tích này như sau:
Nguyên bản: Bài "Kiến Liên xã thuyết đáo Nguyễn thiền sư nhân tác thi sĩ lưu vu tự bi chi hậu":
Miêu lĩnh thuyền hành xuất hải tần,
Thần phù bắc hướng đáo Tây Chân,
Bộ trình đảm thạch lưu Liên xã,
Khứ mãi lai cư hữu toạ ngân,
Tây Lạc thị chiền dân thượng ký,
Quần Hàn cổ sát ấp tôn thân.
Lý triều chư xứ phương danh tại,
Linh khí y nhiên mục tự tân.
Dịch: (Thấy người xã Liên Tỉnh tới nơi Nguyễn thiền sư, nên làm bài thơ khắc vào mặt sau bia chùa:
Núi Mèo ra biển cửa Thần Phù,
Thuyền hướng Tây Chân chở lướt đi,
Liên Tỉnh đá rơi đường chẳng mất,
Chỗ ngồi bán cá vết như y,
Chợ nơi Tây Lạc dân còn nhớ,
Chùa đất Quân Hàn nghĩa vẫn ghi.
Triều Lý các nơi di tích ấy,
Khí thiêng nêu đậm buổi tu trì). (https://vi.wikipedia.org)
Theo https://giacngo.vn: Việc chữa căn bệnh “hóa hổ” lạ lùng của vua Lý Thần Tông của sư Minh Không đến nay vẫn là câu chuyện mang đậm chất huyền thoại và gây ra nhiều tranh cãi.
Một truyền thuyết nói rằng, khi Minh Không và Từ Đạo Hạnh học đạo từ Tây Thiên trở về, giữa đường, Đạo Hạnh muốn thử tài của Minh Không liền vượt trước, hóa thành một con hổ phục trong bụi, rồi chồm ra dọa Minh Không. Minh Không đã biết trước, cứ ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à? Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…” Từ Đạo Hạnh biết mình còn kém Nguyễn Minh Không, hiện lại nguyên hình, lạy tạ và khẩn khoản nói: “Ngu đệ không tự biết mình, trót làm điều xúc phạm, xin đạo huynh tha thứ. Quả báo sau này có sa vào nghiệp chướng ấy, xin đạo huynh ra tay cứu giúp”. Quả báo mà Từ Đạo Hạnh nói đến sau này chính là việc ông phải đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông và mắc phải căn bệnh “hóa hổ” kỳ lạ mà không danh ý nào có thể chữa được.
Tuy nhiên, nhiều người cũng nói rằng, chính sự nhầm lẫn giữa sư Không Lộ và Minh Không đã dẫn đến câu chuyện nói trên. Người bị Đạo Hạnh hóa thành hổ dọa trên đường từ Thiên Trúc trở về chính là Giác Hải và Không Lộ.
Chuyện kể rằng, khi ba người ngồi thuyền đến Thiên Trúc, Từ Đạo Hạnh ở lại giữ thuyền còn Giác Hải và Không Lộ lên bờ học phép. Sau khi học được phép thiêng, Giác Hải và Không Lộ đã bỏ về trước. Từ Đạo Hạnh ngồi giữ thuyền 3 ngày mà không thấy tin tức của 2 bạn đồng hành đâu, đúng lúc đó bỗng thấy một cụ già đi đến. Từ Đạo Hạnh vái chào rồi hỏi: “Cụ có thấy 2 người lên học đạo đó không? Cụ già nói: “Hai người đó đã học được phép thiêng của Ta và đã trở về nước rồi”.
Từ Đạo Hạnh bèn vái lậy và kể rõ cho cụ biết mọi chuyện, cụ già nghe nói bèn sai Từ Đạo Hạnh gánh 2 thùng nước về nhà rồi dạy cho mọi phép thiêng cùng phép rút đất chân truyền Đà-la-ni. Sau khi học xong phép thiêng, Từ Đạo Hạnh tự hiềm vì 2 người bạn đã thất ước, bèn đọc thần chú khiến 2 người bạn đang đi đường đau bụng quá phải ngồi nghỉ. Sau đó, Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất vượt lên phía trước, rồi hóa thành một con hổ núp trong bụi rậm đợi Giác Hải và Không Lộ đi qua mới nhảy ra dọa. Sau đó, chính Đạo Hạnh đã nhờ Giác Hải và Không Lộ cứu mình tránh khỏi nghiệp chướng sau này.
Không Lộ lúc ấy mới nói với Từ Đạo Hạnh rằng: “Chúng tôi bây giờ đã lớn tuổi, xin trông cậy cả vào Minh Không”. Chính vì vậy, về sau này, khi sắp viên tịch, biết mình sẽ hóa thân làm con hóa thân Lý Thần Tông sau này, Từ Đạo Hạnh mới cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: “Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Nói xong, đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: 20 năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.
Dẫu Minh Không là bạn hay là học trò của Từ Đạo Hạnh, thì có một điều chắc chắn rằng, người chữa căn bệnh “hóa hổ” kỳ lạ của vua Lý Thần Tông chỉ có một mình Minh Không. Chuyện kể rằng, Từ Đạo Hạnh sau khi viên tịch đã đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông, được đặt tên là Dương Hoán. Khi Lý Nhân Tông qua đời, Dương Hoán được chọn làm người kế vị, tức vua Lý Thần Tông.
Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi trong cả nước được mời đến chữa bệnh nhưng bệnh của vua không thuyên giảm. Triều đình phái sứ giả đi khắp nơi tìm người có thể chữa bệnh cho đức vua. Khi sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông, có Nguyễn Minh Không chữa được mình rồng thiên tử…” Sứ giả thấy lạ liền hỏi thăm và tìm được Nguyễn Minh Không, mời ông vào triều chữa bệnh cho vua.
Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái niêu nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo họ rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết được niêu cơm. Khi bọn lính ăn xong, Minh Không lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều lên ta hãy bắt đầu ra đi”. Bọn lính đồng ý, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới kinh đô, bọn lính bơi chèo tỉnh dậy đều lấy làm lạ, phục tài của thiền sư Minh Không.
Khi sư Minh Không đến, thấy nhiều pháp sư khác cũng đang ở trên điện làm phép chữa bệnh cho vua. Họ thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh thường không thèm chào hỏi. Sư Minh Không thấy vậy, lấy từ trong túi một chiếc đinh lớn, dài hơn 5 tấc rồi đóng sâu vào cột, sau đó lên tiếng hỏi: "Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì hãy nói chuyện chữa bệnh". Minh Không nói thế ba lần nhưng chẳng vị pháp sư nào dám làm. Thấy vậy, Minh Không ung dung bước lại gần, lấy hai ngón tay trái, cầm vào rồi nhẹ nhàng rút ra. Mọi người chứng kiến đều khiếp phục sức mạnh phi thường của Minh Không nên nhường ông vào chữa bệnh cho vua.
Chuyện kể rằng, khi được đưa vào gặp vua Lý Thần Tông, Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?” Vua nghe thấy vậy, rất run sợ, không dám kêu gầm nữa. Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần. Minh Không dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, rồi tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của vua đã bớt ngay. Ít lâu sau thì vua khỏi hẳn. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của ông, vua Lý Thần Tông phong cho Minh Không là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của vua, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế má. Vì vậy, sau này người ta mới gọi sư Minh Không là Lý Quốc sư, ý chỉ vị Quốc sư họ Lý.
Không chỉ nổi tiếng vì đã chữa bệnh cho vua, thiền sư Minh Không còn là người có công xây dựng rất nhiều ngôi chùa trên nước Đại Việt. Sử chép rằng, sau khi tu hành đắc đạo, sư Minh Không trở về quê nhà ở Ninh Bình, dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình)... để tu hành. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Ông qua đời vào năm 1141, niên hiệu Thái Bình thứ 22, thọ 76 tuổi.
3.7. Nguyễn Viễn là một vị quan dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) và Lý Nhân Tông (1072 - 1127). Do có nhiều công lao nên ông được vua Lý Nhân Tông phong chức Tả Tướng Quốc, Tham Tri chính sự. Có gia phả chép ông và anh của ông là Nguyễn Quang Lợi đều là tỳ tướng của Lý Thường Kiệt.
Ông là con thứ hai của Đô Hiệu Kiểm Nguyễn Đê.
Theo các ghi chép còn lại, chỉ biết ông có con trai là Nguyễn Phụng.
Ông có hai anh em:
Hòa Quốc Công Nguyễn Quang Lợi.
Thái Bảo Nguyễn Phúc Lịch. ( http://vi.wikipedia.org/ )
3.8. Nguyễn Phúc Lịch Ông là con thứ ba của Đô Hiệu Kiểm Nguyễn Đê. Ông làm quan dưới các triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) và Lý Thần Tông (1127-1138). Có tài liệu chép tên ông là Nguyễn Phúc.
Con cháu của ông truyền xuống gồm Nguyễn Dương (làm quan chức Thái Bảo) và về sau truyền xuống đến ông Nguyễn Thuyên (đời Trần, nổi tiếng về thơ văn nôm thời kỳ đầu tiên). (http://vietnamgiapha.com)
3.9. Nguyễn Phụng, con trưởng của Tả Tướng Quốc Nguyễn Viễn. Ông làm quan, chức Tả Đô Đốc dưới triều vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Năm Ất sửu (1145) ông dâng lên vua con rùa mắt có 6 ngươi, ức có 4 chữ "Vương dĩ công pháp" (Vua theo việc công).
Về sau, vì liên quan đến việc chống Đỗ Anh Vũ mà ông bị sát hại. Đỗ Anh Vũ tư thông với Thái hậu (họ Lê) lúc bấy giờ đang cầm quyền nhíp chính. Đỗ được quyết đoán mọi việc, tự do ra vào cung cấm, khinh rẻ đình thần nên các quan trong triều là Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc đều lo việc mưu trừ Đỗ Anh Vũ. Việc không thành nên Vũ Đái cùng 20 người liên can đều bị hại. Theo tài liệu các gia phả, Nguyễn Phụng, Nguyễn Quốc và Nguyễn Dương đều bị hại trong dịp này.
Ông mất vào năm Canh Ngọ (1150). Như vậy, dưới triều Lý Anh Tông, họ Nguyễn có 3 người làm quan to đều bị giết hại. (http://vietnamgiapha.com)
3.10. Nguyễn Công Bình (chữ Hán: 阮公平, ? - ?), theo Danh sách trạng nguyên Việt Nam là người đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ năm Kiến Gia thứ 3 (Quý Dậu, 1213), đời vua Lý Huệ Tông, tuy nhiên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư không thấy chép việc này.
Ông là người đất Yên Lạc, phủ Tam Đới (huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Làm quan đến Hàn lâm học sĩ.( http://vi.wikipedia.org/)
Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam NXB Hồng Đức xuất bản 2018
- CHƯƠNG X HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI TÂY SƠN (1788 - 1802)
- CHƯƠNG IX HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI CHÚA NGUYỄN (1600-1802)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM: CHƯƠNG VIII: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI KỲ TRỊNH NGUYỄN PÂN TRANH
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM: CHƯƠNG VII: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ LÊ TRUNG HƯNG (1533-1789)
- CHƯƠNG VI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ MẠC (1527- 1592)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II, CHƯƠNG V: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ HẬU LÊ - LÊ SƠ (1428-1527)
- LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM PHẦN II, CHƯƠNG IV: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ TRẦN (1225-1400), NHÀ HỒ (1400-1407), NHÀ HẬU TRẦN(1407 – 1413)
- PHẦN THỨ II: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI: CHƯƠNG II HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI LOẠN 12 XỨ QUÂN VÀ NHÀ ĐINH (944-980)
- PHẦN THỨ II: LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI. Chương I: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI NHÀ TRIỆU(207-111 TCN), NHÀ NGÔ (939 - 944 SCN)
- CHƯƠNG IV ĐỨC THÁNH TẢN VIÊN - NGUYỄN TUẤN
- TIẾN TỚI ĐẠI HỘI HỌ NGUYỄN VIỆT NAM LẦN THỨ III NHIỆM KỲ 2024-2029 - HỌ NGUYỄN TỈNH HÒA BÌNH HỌP BÀN VỀ PHÂN CÔNG LÀM NHIỆM VỤ TRONG ĐẠI HỘI
- HĐHNVN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI HĐ HỌ NGUYỄN TỈNH BẮC GIANG
- HOAN NGHÊNH ĐẠI HỘI HỌ NGUYỄN QUẬN NGÔ QUYỀN TP. HẢI PHÒNG
- HDĐHNN NHẬN ĐƯỢC CÔNG VĂN TRẢ LỜI ĐƠN KIẾN NGHỊ CỦA HĐHNVN VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT NHÀ THỜ TỔ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở Á LỮ, BẮC NINH
- HĐHNVN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI ÔNG ĐỖ VĂN KIỆN – CHỦ TỊCH HĐ HỌ ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM – CHỦ TỊCH TỘC BIỂU CÁC DÒNG HỌ VIỆT NAM
- HỘI ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THĂM ÔNG NGUYỄN SINH HÙNG – NGUYÊN UVBCT –NGUYÊN CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CHXHCNVN
- DOANH NHÂN TRẺ VIỆT NAM – NGUYỄN THỊ HÀNG – GĐ CTY SỮA ĐỒNG CỎ BA VÌ ĐÃ CÓ CHUYẾN ĐI HƯỚNG TỚI ĐỒNG BÀO LŨ LỤT
- ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HĐHN QUẬN DƯƠNG KINH TP. HẢI PHÒNG THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
- TIN VUI TÀI TRỢ MUA ĐẤT VÀ XÂY DỰNG NHÀ THỜ Ở BA VÌ HÀ NỘI NGÀY 10/9/2024
- Dự kiến cử người vào các chức vụ và các Ban của HĐHNVN khóa III nhiệm kỳ 2024-2029
- KHU KINH TẾ THANH NIÊN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
- ĐƯỢC TẶNG CHỮ “KHỎE”
- “MỘT ĐỀ TÀI KHOA HỌC THÚ VỊ VỀ HAI TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC”
- LỜI CỤ HỒ CA NGỢI VUA GIA LONG BỊ CẮT BỎ, HÃY TRẢ CHỮ LẠI CHO CỤ HỒ ĐI !
- Trưa 8/7, thêm 355 ca Covid-19 tại 16 tỉnh thành
- SÁCH VÀ TRI THỨC
- NĂM TÂN SỬU NÓI CHUYỆN SỬU
- TIẾN ĐỘ THI CÔNG NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM Ở THÔN Á LỮ XÃ ĐẠI ĐỒNG THÀNH HUYỆN THUẬN THÀNH TỈNH BẮC NINH
- LỜI TÂM SỰ: Phần thứ hai: Cái tâm với dòng họ
- LỜI TÂM SỰLỜI TÂM SỰ: Phần thứ nhất: Chữ BẠN và nghĩa trong dòng họ