Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh - Người mở cõi Nam Bộ

Ngày đăng: 12/01/2017
Tóm tắt:

Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh - Người mở cõi Nam Bộ

Nội dung:

Nguyễn Hữu Cảnh (chữ Hán: 阮有鏡, 1650-1700), tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh là Lễ , là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn-Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay. Ông sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện.

Nguyễn Hữu Cảnh là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi. Ông nội của ông là Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu, tước Triều Văn hầu, phò triều  và Nguyễn sơ), trước ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau theo chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) di cư vào đất Thuận Hóa

Bình định, an dân đất Chiêm Thành

Vào những năm 1690-1691, vua Chiêm Thành là Kế Bà Tranh thường đem quân vượt biên giới, sát hại dân Việt ở Diên Ninh (Diên Khánh). Đầu năm1692, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh ThuậnBình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh đi đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (còn được gọi Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa-Ninh Thuận). ào những năm 1690-1691, vua Chiêm Thành là Kế Bà Tranh thường đem quân vượt biên giới, sát hại dân Việt ở Diên Ninh (Diên Khánh). Đầu năm1692, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh ThuậnBình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh đi đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (còn được gọi Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa-Ninh Thuận)

Xác lập chủ quyền vùng đất mới

Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên thì vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai.

Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù lao Phố, là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ. Từ đấy, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch.

Sách Đại Nam liệt truyện (Tiền biên, quyển 1) ghi công: Nguyễn Hữu Cảnh đã chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) trở vào Nam vào đất ấy (tức đất Trấn Biên và Phiên Trấn), rồi đặt xã thôn, phường ấp, định ngạch tô thuế và ghi tên vào sổ đinh. Và cũng theo Trịnh Hoài Đức thì nhờ Nguyễn Hữu Cảnh mà đất đai mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có thêm bốn vạn hộ.

Theohttp://www.thuviendongnai.gov.vn:

Về hành chính: Ông lấy đất Đồng Nai đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai, lập dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu Phủ Cai Bộ và Ký lục để cai trị. Theo tổ chức hành chính của Nguyễn Hữu Cảnh, thì Dinh (hay doanh) là đơn vị hành chánh (như tỉnh hiện nay). Dinh chia làm nhiều phủ, phủ chia làm nhiều huyện, huyện chia làm nhiều tổng, tổng chia làm nhiều xã hay thôn... Trước đây, dân chúng được tự do khai khẩn và trưng chiếm ruộng đất, chia lập làng xóm, phố chợ. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào, ông tiến hành lập xã, thôn, phường, ấp chuẩn bị thuế đinh, thuế điền và lập sổ bộ đinh, điền… Việc làm trên của ông là một bước ngoặt lịch sử trọng đại trong lịch sử khẩn hoang xứ Đàng Trong. Vậy là lần đầu tiên người Việt được chính thức thành lập tại đất Đồng Nai - Gia Định. Từ đây, chấm dứt giai đoạn lưu dân tự phát, tự quản và bị khép vào luật pháp. Dinh hay điền đều phải ghi vào sổ bộ, đều phải đóng thuế theo quy định. Xã, thôn, phường, ấp phải chia ra bộ phận có ranh giới, có bằng cấp, có con triện và các sổ bộ riêng.

Nguyễn Hữu Cảnh đã hợp thức hoá việc khẩn hoang và lập phố chợ của Trần Thượng Xuyên trên đất Đồng Nai. Đối với người Hoa, Ông cho thi hành chính sách đồng hoá, ghép vào sổ bộ tịch, nghĩa là có quốc tịch Việt Nam, có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi người dân khác. Song song với việc lập ấp và xây dựng hệ thống chính quyền mới, Nguyễn Hữu Cảnh cho chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam và phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi cho dời vào đây mở mang đất đai. Ông cho dân tự chiếm đất trồng cau và làm nhà cửa, lại cho thu con trai, con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tì cho tự lấy nhau, sinh con đẻ cái, làm nương, làm rẫy, trỉa lúa, trồng cây... Bởi vậy, đất đai xứ Đàng Trong ngày càng được mở mang, thóc gạo rất nhiều. Sau khi xếp đặt và ổn định hệ thống chính quyền, ruộng đất khai hoang đã được hàng ngàn dặm, dân số đã lên đến 200.000 người, Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tiếp tục chiêu mộ thêm dân vào đây khai khẩn đất hoang, lập làng mạc trù phú. Ông thay mặt chúa Nguyễn ban hành chính sách cho mua bán nô tì, khuyến khích thương mại, không hạn chế việc chi tiêu xa xỉ, chưa quy định đong lường chặt chẽ, cho tự ý khai báo thuế má. Với chính sách thả lỏng đó, chẳng bao lâu chốn rừng sâu, đầm lầy đã biến thành những trang trại, xã, thôn, phố phường mọc lên rất nhiều, làng mạc phong phú, đồng lúa phì nhiêu, gia súc đầy sân, cuộc sống người dân thoải mái hơn nhiều so với trước.

Về thương mại: Nguyễn Hữu Cảnh cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu chợ nổi Nhà Bè cổ nơi ngã ba sông Bình Dương làm trung tâm giao dịch, thương lưu với các ngả Cù Lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ… Ông nới rộng thị trường buôn bán cho cư dân người Hoa, cho tất cả mọi người đều nhập sổ bộ nhà Đại Việt. Ông chăm lo khuyến khích thương nhân khuếch trương thêm bộ mặt cảng Đại Phố, khách thương ngoại bang được thêm phần dễ dãi, thuyền bè ra vào tấp nập…

Về tổ chức quân sự: Nguyễn Hữu Cảnh cho đem đến mỗi dinh một lực lượng quân sự tinh nhuệ, gồm có cơ, đội, thuyền, hai ngành thuỷ, bộ do một Giám quân chỉ huy để thực hiện và bảo vệ chủ quyền của lưu dân người Việt.

Cuối năm 1698, công tác viên mãn, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cho quy hồi Bình Khương dinh. Như vậy, chỉ vỏn vẹn trong một năm, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược ông đã làm được một việc vô cùng trọng đại trong công cuộc khẩn hoang đất Đàng Trong mà đến nay sử sách còn lưu truyền ngàn đời cho con cháu mai sau hiểu và biết ơn về công lao to lớn của ông. Người dân úc bấy giờ xem ông như một vị ân nhân đã mở đường đưa họ đến một cuộc sống ấm no, phồn thịnh.

Nguyễn Hữu Cảnh mất vào ngày 16 tháng 5 (âm lịch) năm Nhâm Thìn (1700), khi ông đang kéo quân về đến Rạch Gầm - Sầm Giang, hưởng thọ 51 tuổi, linh cữu của ông được chuyển về dinh Trấn Biên. Tin ông mất bất ngờ trên đường đi làm công vụ. Chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc liền truy tặng ông là: ''Hiệp tướng công thần đặc Trấn Dinh Trưởng'' với tước ''Tráng Hoàng Hầu''. Đến đời Nguyễn Trung Hưng lại được truy phong lên “Thượng đẳng công thần Trấn Phủ Quốc Trưởng Cơ'' với tước ''Lễ Thành Hầu'' cho trùng tu tại Thái Miếu, nơi thờ các Tiên vương nhà Nguyễn.

Với việc mộ dân, lập ấp Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh rất được nhân dân khắp nơi biết ơn và tôn thờ. Khi mất, người ta lập đền thờ của ông ở khắp mọi nơi. Ông là vị danh nhân được thờ nhiều nhất ở miền Nam. Không những người Việt mà còn những người kiều bào ở Nam Vang cũng gìn giữ hương khói. Đặc biệt, vua tôi Chân Lạp tuy bị ông đánh bại nhưng lại không hề oán giận thù hằn ông nên khi ông mất họ lập đền thờ, một lòng sùng bái.


Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Biên Hòa, Đồng Nai

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của ông, tại Đồng Nai chính quyền và nhân dân đã xây dựng Đền thờ mang tên ông, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn gọi là Bình Kính Miếu, xưa kia thuộc thôn Bình Hoành, tổng Trấn Biên nay là ấp Bình Kính, xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Tên tuổi cũng như công lao của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh luôn được các thế hệ con dân Đồng Nai tôn thờ và lưu truyền mãi mai sau.

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam của Ts. Nguyễn Văn Kiệm; http://www.thuviendongnai.gov.vn/

Thư viện ảnh