Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Vua Minh Mạng đã dùng pháp luật để trị tham nhũng

Ngày đăng: 25/02/2017
Tóm tắt:

Vua Minh Mạng đã dùng pháp luật để trị tham nhũng

Nội dung:

Minh Mạng là vị hoàng đế thứ 2 của triều nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời năm 1841, ông được đánh giá là một ông vua thông minh, năng động, quyết đoán, chăm lo việc nước, mang trong mình tham vọng xây dựng một triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Sau 20 năm trị vì, vua Minh Mạng đã tiến hành nhiều cải cách nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến và đưa nước Đại Nam (tên nước thời Minh Mạng) phát triển. Có thể nói triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng là giai đoạn rực rỡ, hùng mạnh, và quy củ nhất.

honghai

Vua Minh Mạng đề cao sự tối thượng của pháp luật, có công sẽ thưởng, có tội phải phạt.

Tình hình đất nước giai đoạn này có nhiều sự khác biệt so với  các giai đoạn trước, lãnh thổ nước Nam dưới thời Minh Mạng rộng lớn, kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, điều này dẫn đến sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị của các vùng miền. Thêm vào đó, nhà Nguyễn lại vừa trải qua giai đoạn tranh giành quyền lực từ nhà Tây Sơn, nên tầm ảnh hưởng trong nhân dân chưa sâu rộng, nguy cơ bất ổn vẫn còn rất lớn. Nhìn nhận ra vấn đề này, Minh Mạng và trước đó là vua Gia Long đã sử dụng đến những yếu tố pháp trị để bảo vệ vương quyền, tập trung quyền lực vào nhà vua nhằm xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cao độ.

Pháp luật thời Nguyễn nổi tiếng nghiêm minh, nhất là giai đoạn đầu, vua Minh Mạng đề cao sự tối thượng của pháp luật, có công sẽ thưởng, có tội phải phạt. Đặc biệt là trong việc trừng trị tội phạm tham ô, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân.

Đối với Minh Mạng, mọi người, kể từ hoàng tử, hoàng thân xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Có thể dẫn đến một vài biện chứng như năm Canh Dần 1830, Đề đốc Kinh thành Huế là Nguyễn Văn Phượng cầm súng bắn lầm một người lính, làm người đó bị thương. Minh Mạng biết chuyện, ra lệnh: “Pháp luật nghiêm ngặt có cho như thế đâu. Hơn nữa, Phượng là quan võ chức to, đánh gươm bắn súng vốn là nghề nghiệp của mình, lại bắn lầm phải lính. Thử nghĩ xem, quan võ bất tài như thế, còn dùng làm việc gì được, vậy cách chức giao bộ bàn. Người lính bị thương thì bắt bảo cô”.
Ngay cả những viên quan đứng đầu tỉnh mắc tội, Minh Mạng cũng thẳng tay trừng trị. Năm Giáp Ngọ 1834, phát hiện Tuần phủ tỉnh Hà Tiên là Trịnh Đường tham ô tới 1.000 quan tiền. Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn lập tức cách chức, cho xích lại, giao viên tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên. Khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ chết ngay).

Minh Mạng là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh, đặc biệt là với tầng lớp quan lại dưới quyền của mình. Nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, ngăn tiếm quyền và lạm quyền, trong công cuộc cải cách hành chính của mình, vua đã vận dụng nguyên tắc, “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh”, để tổ chức, điều hành bộ máy hành chính nhà nước, đặt ra các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với từng quan lại.

Ngoài ra vua còn coi trọng nguyên tắc “quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng” để khuyến khích, động viên quan lại. Vua Minh Mạng từng nói: “Đạo nuôi người thanh liêm không có gì bằng cấp cho họ lộc hậu”. Năm 1839, thấy lương bổng của quan lại quá ít ỏi, ông đã quyết định tăng lương và phụ cấp cho họ. Vua nói: “Trẫm nghĩ, các ngươi lương ít không đủ nuôi đức thanh liêm, nay đã được ngoại lệ gia ân thì các ngươi phải ra sức cố gắng”. Dưới triều vua, những quan lại gần dân, hoàn thành chức phận của mình còn nhận được tiền “dưỡng liêm” để giữ đức thanh liêm.

Thực tế cũng cho thấy, nếu quan lại nào làm tốt một việc thì sẽ được ban thưởng rất hậu, nhưng ngược lại đối với tội lỗi của quan lại, kể cả những viên Thượng thư thân cận, Minh Mạng cũng xử phạt rất nặng, nhiều khi vượt khỏi cả luật pháp. Trường hợp ông xử phạt Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực là một ví dụ điển hình. Năm Bính Thân 1836, Phan Huy Thực mắc lỗi là không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dưới quyền trong việc giữ gìn, bảo quản đồ thờ trong nhà Thế Miếu, dẫn tới tình trạng bọn gian thủ đánh tráo từ vàng thật thành vàng giả. Minh Mạng đã ra lệnh cách chức Thượng thư bộ Lễ của Phan Huy Thực.

Đặc biệt với các tội tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ, Minh Mạng trị tội còn nặng hơn nhiều, vua thường áp dụng nguyên tắc: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người sợ mà tránh). Năm Nhâm Ngọ 1822, hai địa phương Quảng Đức và Quảng Trị gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc thóc để bán cho dân, người lính kho kính là Đặng Văn Khuê ăn bớt trong các hộc. Minh Mạng biết chuyện liền sai chém đầu Khuê. Năm Bính Tuất 1826, người làm việc ở kho kinh là Trần Công Trung, đòi ăn tiền làm khó dễ, việc phát giác, Minh Mạng giao Bộ Hình tra xét. Án xong, ông nói: “Vụ án Đặng Văn Khuê năm Minh Mạng thứ 3 đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những lẻ kinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được”, bèn sai chém Trung ở chợ Đông.

Minh Mạng cũng luôn luôn làm gương trong việc “sống và làm” theo pháp luật. Ông từng nói với các cận thần: “Ta từ khi lên ngôi đến nay, dùng người làm việc, giữ một mực công bằng, dẫu có kẻ tôi con thân tín từ trước cũng chỉ dùng theo tài năng chứ không tư vị một người nào. Kẻ nào có tội cũng theo pháp luật trừng trị, chưa từng gượng nhẹ bao giờ”.

Đúng như ông đánh giá về mình, cách dùng người của Minh Mạng nhiều mặt căn cứ trên tài năng. Nếu là người có tài, cho dù con cháu những người đã từng làm quan với Tây Sơn, như trường hợp dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai), Minh Mạng vẫn trọng dụng. Còn những người không có năng lực, mặc dù là người thân cận, gần gũi, hầu hạ khi ông còn ở nơi “tiềm để”, Minh Mạng cũng không trọng dụng hoặc tha thứ khi có lỗi lầm. Thí dụ như trường hợp Án sát Quảng Ngãi, Nguyễn Đức Hội thường khoe là bề tôi cũ từ lúc Minh Mạng chưa lên ngôi, dẫu có quá lắm cũng không đến tội nặng. Về sau, Hội vì tội có ý hại người, tham lam giả dối, bèn bị xử xuống làm lính.

Minh Mạng cũng quyết liệt, sát sao trong việc thực hiện các quy định của Luật Hồi tỵ. Vua luôn “cảm thấy nhức nhối” trước thực trạng “các chức thông phán, kịch liệt phần nhiều là người địa phương. Do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại”, từ đó kế thừa tư tưởng và những kinh nghiệm quý báu của vua Lê Thánh Tông, Minh Mạng đã cho ban hành luật Hồi tỵ vào năm 1831 và liên tục bổ sung vào các năm tiếp theo với phạm vi, đối tượng áp dụng mở rộng hơn, các quy định nghiêm ngặt hơn. Sử cũ ghi lại, có lần, vào năm Đinh Dậu (1837), triều đình cử Nguyễn Song Thanh là Lang trung (quan đứng đầu một cơ quan dưới bộ) làm Quyền Bố chính (như Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hiện nay) tỉnh Định Tường, nhưng khi biết vị quan này thời trẻ đã từng học ở đây, quen biết nhiều nên đã cho đổi ông ta về nhậm chức ở tỉnh Bình Định và điều người khác thay thế.

Ngoài ra để làm gương trong việc đề cao pháp luật cho mọi người, Minh Mạng không chỉ xử nghiêm đối với người ngoài, mà còn rất nghiêm khắc với cả con của mình. Sử triều Nguyễn cho biết tháng Một năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi, 1835), Hoàng tử Miên Phú, đêm đến cùng với bọn cháu chắt là Vân, Nghị và Quế phi ngựa ở phía tả ngoài hoàng thành. Miên Phú về trước, mấy người còn lại cho ngựa chạy thi. Có một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Vân xéo chết. Minh Mạng biết tin đó, cho lập ngay hội đồng điều tra xét hỏi. Khi thành án, Minh Mạng phê chuẩn Miên Phú bị tước mũ áo, cắt lương bổng hàng năm, đóng cửa ở nhà riêng để tự xét mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được xếp vào hàng các hàng tử, chỉ gọi tên là Phú mà thôi. Vân bị chém ngay, bọn Nghị, Quế đều bị phát vãng sung quân. Vua nói “Để giữ công bằng, quyết không có lý nghị thân, nghị quý. Phàm các em và con cháu chớ nên coi khinh, lấy thên để thử pháp luật. Gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính cẩn đó”.

1

Vua Minh Mạng

Đánh giá về con người cũng như sự nghiệp của vua Minh Mạng, Trần Trọng Kim – một sử thần cuối triều Nguyễn, trong sách Việt Nam sử lược đã viết đại ý như sau: “Trong đời vua Thánh Tổ làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ.,….. Dẫu thế nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài vậy.”

Có nhiều nét tương đồng giữa Minh Mạng và Lê Thánh Tông, vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam. Cả 2 vị vua này đều đề cao vai trò của pháp luật, chú trọng xây dựng và thực hiện pháp luật. Hai vị đều cho rằng: “Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn kỷ cương”, tệ nạn tham nhũng của công được vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạnh trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị tài sản không lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, kỷ cương, phép nước. Xét trên bình diện của pháp luật, cả vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng đều dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc hàng quan lại thì lại càng bị trừng trị nghiêm khắc, có khi nghiêm khắc hơn cả mức phạt đã được pháp luật đặt ra. Điều đó không ngoài mục đích gìn giữ kỷ cương, làm gương cho dân chúng.

Tư tưởng về việc xử phạt quan tham, nhận hối lộ là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với nước ta giai đoạn hiện nay, nhất là trong việc xây dựng luật pháp về phòng chống tham nhũng, về việc bổ nhiệm cán bộ, về vai trò làm gương của những người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, theo con đường nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thị trường, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để hiện thực hóa điều này, bên cạnh việc đề ra những điều luật áp dụng nghiêm khắc cho việc xử phạt, thì bài học phòng chống tham nhũng của vua Minh Mạng là rất đáng để người đời nay suy ngẫm.

Trích nguồn: http://trandaiquang.org Thứ năm, 01/12/2016

Thư viện ảnh