Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CHƯƠNG I KINH DƯƠNG VƯƠNG THUỶ TỔ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI KỲ TIỀN SỬ (tiếp theo)

Ngày đăng: 08/06/2019
Tóm tắt:

CHƯƠNG I: KINH DƯƠNG VƯƠNG THUỶ TỔ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM THỜI KỲ TIỀN SỬ (Tiếp theo)

Nội dung:

1.2.2. Sách chính sử viết về Kinh Dương Vương

* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).

Chương 1: Ngoại Kỷ Toàn Thư Q 1 nói về Hồng Bàng, An Dương Vương:

Kỷ Hồng Bàng Thị 

Kinh Dương Vương Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua là Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.

Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân

Lạc Long Quân Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

 Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh" . Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ?

Hùng Vương - Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).

Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: "Người Man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại". Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.

Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).

Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.

Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi". Thục Vương vì chuyện ấy để bụng oán giận. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng: "Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể". Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: "Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?". Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi, thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người Man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau).

Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương.

Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN].( http://vi.wikipedia.org/; https://quangduc.com/

* Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (1479)  Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỉ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất 2879 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long QuânLạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Theo thuyết này, người ta cho rằng từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ được chia ra thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt.

Đầu thời kỳ đồ đồng, người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng và hơn 12 nhóm Âu Việt sống ở vùng Đông Bắc, ngoài ra còn có một số nhóm người sinh sống trên các lưu vực sông thuộc khu vực Thanh Nghệ Tĩnh ngày nay. Để tiện việc trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống lại kẻ thù... những bộ lạc Lạc Việt dần được gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang và người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương.

Có ít nhất 18 đời Hùng Vương cai trị trong thời đại Hồng Bàng, cho đến năm 258 TCN. Các thông tin về các đời vua Hùng dựa nhiều trên các truyền thuyết. Cũng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn) được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam có cùng niên đại với thời kỳ Hồng Bàng, thể hiện một nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (văn hoá Đông Sơn).

Trong triều đình có các quan lạc hầu (駱侯) giúp việc, đứng đầu các bộ là các quan lạc tướng (駱將), đều có thái ấp riêng, các quan nhỏ ở địa phương gọi là "bồ chính" (蒲正). Con trai vua gọi là "quan lang" (官郎), con gái vua gọi là "mị nương" (媢娘), nữ lệ gọi là là "nô tỳ" (奴婢). Xã hội phân làm ba tầng lớp là vua quan, dân, nô tỳ.

Sinh hoạt về vật chất còn thô sơ, dùng gỗ làm nhà sàn để ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo. Ngày thường đàn ông để trần mặc khố, vua quan thì có thêm áo hai mảnh, đàn bà thì mặc váy.

Về sản xuất có trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền.

Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mìnhnhuộm răng đenăn trầuthờ cúng tổ tiên, tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên như thần núi, thần sông, thần gió... Vào các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải.(http://vi.wikipedia.org; https://quangduc.com)

Tất cả những điều trên đã được thể hiện các nét điêu khắc trên mặt trống đồng Đông Sơn. Mặt trống đồng Đông Sơn không những thể hiện cảnh sinh hoạt về tinh thần về sản xuất về văn hoá và cả về thiên văn, địa lý... Đây quả đúng là một quyển lịch được sắp xếp và vẽ một cách thông minh. Những nét chính của hình vẽ đã khiến ta chân thành khâm phục rằng: Với mức độ hiểu biết và tiến hoá của đời nay cũng chưa chắc có người bố trí nổi một bản ghi thời gian tài tình như thế. (TG)

* Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục 

Hồng Bàng thị. Đầu là Kinh Dương Vương, tương truyền là vua trước tiên của nước Việt ta. Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân. Hùng Vương là con Lạc Long Quân.

Nguyên xưa, Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông thị, đi tuần sang Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy Vụ tiên nữ, sinh con là Lộc Tục có đức tính hoàn toàn. Đế Minh yêu Lộc Tục lắm, muốn truyền ngôi cho, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi. Bấy giờ mới lập Đế Nghi làm vua nối ngôi, thống trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, thống trị phương Nam.

Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương.

Thời bấy giờ, cư dân khi xuống nước, hay bị loài giao long làm hại, Hùng Vương dạy dân lấy mực vẽ hình loài thủy quái xăm vào mình. Từ đó mới tránh khỏi nạn. Nước ta cái tục xăm mình có lẽ bắt đầu từ đấy. (http://vnthuquan.org/; https://quangduc.com).

Như vậy, chính sử cũng chỉ ra rằng tổ tiên người Việt có vua đầu gọi là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, là bậc thánh trí thông minh được Đế Minh rất yêu quý phong cho vua cai quản phương Nam, đặt tên nước là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh ra Hùng Vương đặt quốc hiệu mới là Văn Lang.

Chính sử cũng cho thấy lãnh thổ nước Việt thời tiền sử thật là rộng lớn bao trùm lên cả một phần lãnh thổ Trung Hoa. Dấu tích Vua Kinh Dương Vương của nước Xích Quỷ lại đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Điều này cho thấy Tiên tổ của người Việt chính là ở trên mảnh đất này không phải là di cư từ bất kỳ từ nơi nào khác, cho ta niềm tự hào thật là rực rỡ như câu nói của Bác Hồ:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể năm, hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”

1.3. Di ấn lịch sử về Kinh Dương Vương – Đền thờ, lăng Kinh Dương Vương ở Á Lữ

Đối với người Việt, việc thờ cúng ông bà Tiên tổ là đạo lý làm người, một phần trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa sinh thành nên thường nghĩ đến ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Đạo thờ cúng Tổ tiên, ông bà được coi là “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của dân tộc Việt..

Người Việt ai cũng biết “uống nước nhớ nguồn” vì “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là đạo con”.

Xây dựng lăng mộ, lập đền thờ các vị tiền nhân của dân tộc, dù tiền nhân là huyền thoại hay hiện thực đều thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Việc hiện hữu của những lăng mộ, đền thờ là những chứng tích lịch sử rõ nét, phải chăng đây là cách truyền đạt các thông điệp lịch sử cho thế hệ sau, nhất là khi mà con người còn chưa có chữ viết.

GS sử học Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử bất cứ nước nào cũng bắt đầu từ kho tàng huyền thoại và truyền thuyết  (http://giadinh.net.vn/). Kinh Dương Vương hay Lạc Long Quân, Âu Cơ đều là nhân vật huyền thoại. Việc ghi nhớ đến những nhân vật này là sự tưởng niệm đến nguồn gốc xa xưa của tổ tiên, của cội nguồn dân tộc. Việc tìm thấy những khu lăng mộ cũng đều là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hoá.

Từ thành phố Bắc Ninh (trước là thị xã Bắc Ninh) xuôi đường 38 đến Cầu  Hồ (trước là phà Hồ) khoảng 12km, đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km là đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh.

Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gồ, được ví như Long, Ly, Quy, Phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước.

1.3.1. Lịch sử xây dựng.

Tác phẩm “Nam Bang Thuỷ tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hoá dân tộc phát hành năm 2012 có đoạn viết:

“Cho đến nay vẫn chưa có nguồn tư liệu đáng tin cậy nào cho biết niên đại xây dựng lăng (lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), ngoài sách “Đại Nam nhất thống trí” ghi chép vào năm 1840 thời vua Minh Mệnh, lăng được trùng tu và khắc bia mang dòng chữ: “Kinh Dương Vương lăng”. Kiến trúc khu lăng đơn giản theo kiểu chồng diêm tám mái, tám đao dốc, xung quanh có tường bảo vệ. 

Đền thờ ba gian, hậu cung có ba ngai thờ: ngai giữa thờ Kinh Dương Vương, bên phải thờ Lạc Long Quân, bên trái thờ Âu Cơ. Bức hoành phi tại đền khắc 4 chữ: “Nam Bang Thuỷ Tổ” nghĩa là: “Vị Tổ đầu tiên của nước Nam”. Các bậc cao niên làng Á Lữ cho biết, nhân dân địa phương còn lưu giữ được nhiều sắc phong thời Nguyễn khẳng định nơi đây là lăng tẩm đế vương khai sáng văn minh nước Việt., hàng năm thờ phụng theo nghi lễ quốc gia.

Cũng theo “Nam Bang Thuỷ tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh: “ Tại làng Á, vùng Luy Lâu, Kinh Bắc (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) còn lưu dấu tích xưa về lăng mộ, bia đá… Thủy Tổ Kinh Dương Vương đã được sắc phong, thần phả, đồ thờ… từ đời Lý: Các đại tự, câu đối, đồ thờ (mâm rồng, chén bạc, nậm rượu, đĩa sứ cổ…); Thời Trần: Bộ bát bửu, long đao, hai sắc phong… và 15 sắc phong của các vua triều Nguyễn.

Từ thời vua Gia Long đã trùng tu miếu Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân, Âu Cơ, tôn tạo ngôi thờ Tam vị Thánh Tổ.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự: “Nam Tổ Miếu” (thờ Thuỷ Tổ) và Thần Truyền, Thánh Kê (thờ các vị thánh thần).

Xưa kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vu Tiên, Thần Long và Âu Cơ.

Thủy tổ Kinh Dương Vương còn được thờ làm Thành Hoàng làng thôn Á Lữ. Ngôi đình cổ ở phía Đông làng được khởi dựng với quy mô to lớn gồm 2 tòa: Tiền tế 7 gian và Đại đình có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ cũng chạm khắc “tứ linh tứ quý”. Hệ thống thần phả sắc phong của đình và đền đã cho biết rõ người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công khai sơn sáng thủy.

Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình.

Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống như hiện nay.

Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840).

Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924).

Theo chia sẻ của các cụ cao niên ở xã Đại Đồng Thành, trong tất cả các đạo sắc phong thời Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều có câu đầu tiên là “Thần truyền - Thánh kê”, chứng tỏ các triều đại trước đó đều coi khu di tích Kinh Dương Vương là nơi linh thiêng của dân tộc trực thuộc triều đình “Nhất thôn nhất xã” bởi tên gọi trước kia của thôn Á Lữ chính là Trang Phúc Khang.

Cũng theo người dân địa phương, đây là nơi còn lưu dấu tích xưa về lăng mộ Thuỷ Tổ Kinh Dương Vương và các bia đá, sắc phong, thần phả, đồ thờ …từ đời Lý như các đại tự, câu đối, mâm rồng, chén bạc, nậm rượu, đĩa sứ cổ…); thời Trần có: Bộ bát bửu, xà mâu, long đao…; triều Lê, nhà Mạc đều có sắc phong nhưng bị Pháp đốt mất, hiện còn lại 15 sắc phong của các vua triều Nguyễn.

Nơi đây được trùng tu, tôn tạo bậc nhất vùng Kinh Bắc từ thời Lê-Trịnh vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XVII.

Thời vua Gia Long đã trùng tu miếu Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân-Âu Cơ, tôn tạo ngôi thờ Tam vị Thánh Tổ.

Năm Minh Mệnh thứ 21(1840) được tu bổ lập bia.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự: “Nam Tổ Miếu” (thờ Thuỷ Tổ) và “Thần truyền Thánh kê” (thờ các vị Thánh Thần).

Việc còn tấm bia đá đề: “Kinh Dương Vương lăng”, được làm vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết vào thời điểm đó vua Minh Mạng đã ban ân điển 18 điều, trong đó điều 4 chỉ rõ: “Lăng tẩm đế vương các chiều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa lại, lập bia chí, cấm dân hái củi ở đó” . Tháng 7 năm đó, khi bộ Lễ tâu về việc tu lý Kinh Dương Vương, Vua Minh Mạng đã khẳng định: “Sự tích Kinh Dương Vương dẫu chép ở sách “Ngoại kỷ” nhưng buổi đầu khai thác, thực là vua bắt đầu của lịch đại nước ta, cũng theo ân chiếu mà làm”. Như vậy, chắc chắn là trước khi vua Minh Mạng cho “tu lý”  lăng Kinh Dương Vương vào năm 1840, thì ở đây đã có di tích này và rõ ràng là khu lăng tẩm này đã có từ lâu rồi. (Nguyễn Hữu Toàn – Quanh vấn đề Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân – Âu Cơ).

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập IV, NXBKHXH –Hà Nội, 1971, trang 97 ghi: “Lăng Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ huyện Siêu Loại, năm Mimh Mạng thứ 21 tu bổ và lập bia”, cũng sách này trang 99 ghi: “Miếu Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại, năm Minh Mạng thứ 4 đang thờ ở miếu lịch tại đế vương”.

Cuốn “Bắc Ninh dư địa chí” của Đỗ Trọng Vĩ-NXBVHTT, trang 188 ghi: “ Xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại, mỗi lần quốc khánh vua sai quân đến tế” (Nguyễn Duy Nhất – Những di tích thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân – Âu Cơ ở Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1981 cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Văn hoá – Thông tin cùng với Sở Văn Hoá-Thông tin Hà Bắc về thắp hương tri ân và tìm hiểu cội nguồn, gốc tích các thần phả, câu đối, đại tự, sắc phong nhà đền.

Năm 1993, đền và lăng được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2001 tỉnh Bắc Ninh có dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích và Bộ VH-TT-DL đã chính thức phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ khu di tích Kinh Dương Vương với quy mô trên 36 ha, trị giá 500 tỉ đồng. Đây là việc làm đáng ghi nhận của hậu thế với người có công khai sinh ra nước Việt.

Tương truyền trong dân gian thì lăng Kinh Dương Vương được xây từ thời nhà Trịnh, khoảng thế kỷ thứ XVII. Có câu đối ghi trong Lăng:

Nghĩa Lĩnh cổ kinh thành

Đức Giang kim lăng miếu

Tạm dịch:

Trên núi Nghĩa Lĩnh(Phú Thọ) có kinh thành cổ

Bên bờ sông Thiên Đức (Bắc Ninh) có lăng miếu mới

1.3.2. Kiến trúc của Lăng và Đền thờ

Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê, cách dòng sông Đuống ngày nay khoảng 500m, đã được tôn tạo khang trang, thoáng mát vẫn đậm dấu ấn của kiến trúc cổ.

Lăng có 8 mái “hai tầng mái”, trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, toàn bộ diện tích khu lăng mộ khoảng 4.200 m2. Nghi trượng khu lăng mộ gồm: Tấm bia đá xanh cao 1,05m, rộng 0,45m, mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng” bia khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tháng 11, ngày 16 dựng xong lăng; trước lăng có đại tự “Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam) và câu đối 

“Việt nam sơ đầu xuất

  Hồng bàng vạn đại xương”

Dịch là: “Ông Tổ nước Nam từ đây 

Hồng Bàng muôn đời thịnh vượng”

và “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ,

Phong thần tổ tích bắc thần tôn”

Dịch là: “Lập bia là để ghi lại công đức thánh tổ nước Nam

Đắp mộ là để nhớ lại dấu tích thần tôn đất Bắc”.

 cùng một số bát hương sành, sứ cỡ lớn hoa văn cổ kính…

Cổng chính khu Lăng có tấm bia đá cổ khắc nổi 2 chữ Hán “Hạ Mã” đặt ngay lối vào Lăng  theo người dân địa phương không biết có từ khi nào. Hai chữ “Hạ Mã” đường nét vô cùng tinh xảo. Hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, chứng tỏ ngày xưa vua quan triều đình mỗi khi về thăm Thủy tổ đều phải kính cẩn xuống kiệu, xuống ngựa mới được đi vào. Cũng theo người dân ở đây kể rằng, xưa kia dù công hầu, khánh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, hễ đi qua khu lăng mộ này đều phải xuống đi bộ hết địa phận của lăng.

Trong khuôn viên Lăng có Nhà thờ (đền trình) trên đường vào về phía tay phải khu lăng mộ để du khách sắp lễ…

 Có bàn thờ Tả Văn, Hữu Võ ở hai bên cánh gà đường lên Lăng Kinh Dương Vương.

Trên lăng mộ Kinh Dương Vương có hai chữ Hán cổ “Bất Vong” nghĩa là “Trường tồn mãi mãi”.

Ở lăng còn có các câu đối:

 “Thần Nông tứ thế

Việt Nam sơ đầu xuất”

      Nghĩa là:  “ Thế hệ thứ tư của vua Thần Nông

                        Nước Việt Nam bắt đầu xuất hiện”

        Câu đối: “Quốc thống khai Nam phục

                              Bi đình kỷ thành công”

Nghĩa là:   “Truyền thống mở dựng đất nước Nam

                     Thành công còn ghi bia kỷ”

Câu đối:  “Vạn cổ giang sơn ân hồn tổ

                    Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi”

Nghĩa là: “ Từ vạn đời cả nước Nam  chịu ơn sâu ngọn nguồn tiên tổ

     Một nấm mồ nhỏ, trải bao mưa gió vẫn sừng sững một tấm bia hồng” . 

Câu đối: “ Thiên cổ cương lăng linh tích lại

          Nhất đàn trở đậu quốc dân sung”

 Nghĩa là: “Ngàn năm lăng miếu linh thiêng vẫn còn đây

          Cháu con vọng bái muôn đời ân sủng” (Trần Quốc Thịnh – Nam Bang Thuỷ tổ).

Về đền thờ Kinh Dương Vương

Kinh Dương Vương được nhân dân Á Lữ tôn thờ ở đình làng, đền trong thờ Lạc Long Quân, đền ngoài thờ Âu Cơ, tuy mhiên đình và hai đền đều bị Pháp phá năm 1949.

Năm 1959 nhân dân Á Lữ rước ba vị về thờ ở khu văn chỉ (nơi thờ hiện nay).

Đền hiện nay gồm ba gian xây cất kiểu chữ công, nhà ngoài (tiền tế) gồm 5 gian, đủ để lập các ban thờ và tiếp đón du khách thăm viếng, có tường gạch bao quanh để bảo vệ, diện tích khu đền khoảng 2.347 m2.

Cổng đền ngoài nhìn vào có bốn chữ Hán đặp nổi: “THUỶ TỔ ĐÀI MÔN” (Cửa đền thờ đức Thuỷ Tổ”. Bên trong nhìn ra với ba chữ Hán đắp nổi: “ẨM TƯ NGUYÊN” (Uống nước nhớ nguồn).

Ba gian trong – gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái có ngai đặt trên bệ thờ Âu Cơ, gian bên phải có ngai đặt bệ thờ Lạc Long Quân, cùng với hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng…

Gian tiền tế với hai bức đại tự: “Nam Bang Thuỷ Tổ” (Ông Tổ đầu tiên của nước Nam) ở bên trên và bên dưới là “Thần Tiên Thiên Tử” (Con của Thần, Tiên và Trời).

Gian chính điện có long ngai sơn son thếp vàng đặt trên bệ thờ Kinh Dương Vương với các bức đại tự đặt ở vị trí trang trọng: “Nam tổ miếu” (Miếu thờ ông tổ nước Nam), “Nam bang thủy tổ” (Ông Tổ đầu tiên của nước Nam), “Thần truyền Thánh kế” (Thần (Nông) truyền cho Thánh (vua) nối tiếp), “Nhật Trùng Quang” (Mặt trời luôn sáng) và “Hải khoát sơn tràng” (Biển rộng núi dài) (Trần Quốc Thịnh – Nam Bang Thuỷ tổ).

 Các câu đối gồm có:

“ Thái cực nhất nguyên thiên địa thuỷ

Viêm giao Bàn Cổ Đế vương tiên”

Nghĩa là: “Khí âm dương trời đất tạo nên vạn vật

Có Đế Vương từ thời Bàn Cổ  xa xưa”

“Nam cực hoàng đồ vạn lý giang sơn đề tạo thủy

Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh thanh”

Nghĩa là: “ Cương vực nước Nam núi sông vạn dặm vốn tạo có từ trước

Hồng Bàng đế vương gìn giữ  ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng”

 “Phụ đạo thiên niên quốc

 Âu Cơ bách noãn bào”

vẫn là đạo của đất nước

Mẹ Âu Cơ mãi mãi là mẹ của 100 trứng sinh ra”

“ Bách nam vận sự truyền sơn hải

Nhất tộc nghiêm từ trĩ cổ kim”

Nghĩa là: “ Một trăm con trai khắp bốn phương lập nghiệp

   Gia tộc Hồng Bàng cổ xưa giữ phép nước kỷ cương”

“ Hy kỳ vận sự nam tư bách

Hiển hách linh quang bãi đế thần”

Nghĩa là: “Phúc lớn cụ Thuỷ Tổ trăm họ con Rồng cháu Tiên

Đất linh ở bãi biển có đế thần hiển hách”… (Trần Quốc Thịnh – Nam Bang Thuỷ tổ).

Ở gian chính điện chính điện bên phải còn có ngai, bài vị thờ Lạc Long Quân với bức đại tự: “Hải khoát sơn tràng” nghĩa là: “Biển rộng núi dài”. Bên trái có ngai, bài vị thờ mẹ Âu Cơ với bức đại tự: “Bách Việt Tổ” nghĩa là: “Tổ Bách Việt”

 Ở đây còn lưu giữ 15 đạo sắc của các vua triều Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ, đạo sắc có niên hiệu sớm nhất: “… Gia Long cửu niên (1810) tháng 8 ngày 11 Sắc chỉ. Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc…” Đạo sắc có niên hiệu muộn nhất “… Khải Định cửu niên (1924) tháng 7 ngày 25 sắc chỉ, Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp, sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực…”

Trong khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương ở bên tay phải nhìn vào là chùa Đông Linh Bát Nhã (Đông Linh Bát Nhã tự). Chùa thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm có

Thiên Tiên Thánh Mẫu: là Tiên Nương Công chúa, con gái cụ Vu Tiên, vợ cụ Đế Minh, thân mẫu Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương. Dân Việt Cổ tôn bà là Hương Cái Bồ Tát (hay công chúa Đoan Trang).

Thượng Ngàn Thánh Mẫu: Là nữ Thần Long (con gái cụ Động Đình Quân), vợ Kinh Dương Vương, thân mẫu của Sùng Lãm (tức Lạc Long Quân).

 Địa Tiên hay  Thuỷ Tiên Thánh Mẫu: Là mẹ Âu Cơ con cụ Đế Lai là vợ Lạc Long Quân, sinh ra bọc Rồng trăm trứng, nở trăm con, là Mẫu Tổ của giống Tiên Rồng, mẫu của vua Hùng.

Ngôi chùa này vẫn giữ được nền móng và các vật thờ cổ như:

Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế - Kinh Dương Vương. Tượng Đức Di Lặc, Đức Thánh Hiền. Tượng ba vị Mẫu (Đệ Nhất Thiên Tiên, Quốc Mẫu, Tổ Mẫu) cùng các tượng phật. Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Phật Thích Ca và các vị La Hán Ấn Độ, Trung Quốc  đã du nhập Đạo Phật sang nước ta từ thời Sỹ Nhiếp.

1.3.3. Lễ hội Kinh Dương Vương

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về con dân đất Việt trong cả nước lại hành hương về khu di tích lăng và đền Kinh Dương Vương để bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của những bậc thủy tổ có công khai sơn sáng thủy lập nên nhà nước có chủ quyền đầu tiên của nước Việt.

Thời xưa, lễ hội kéo dài hơn 10 ngày nên lễ rước nước được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng. Nhưng ngày nay, thực hiện nếp sống mới, lễ hội tổ chức gọn trong ba ngày từ 16-18 tháng Giêng Âm lịch

Đây là một lễ hội lâu đời được tổ chức theo đúng những nghi lễ truyền thống với hai phần Lễ và Hội:

Trong phần lễ, ban tổ chức lễ hội đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, lễ rước nước (còn gọi là lễ phục ruộc) và lễ tế. Lễ dâng hương nhằm tưởng niệm vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Lễ rước nước thể hiện sự thành kính của các thế hệ người Việt hậu nhân gửi đến Kinh Dương Vương.

Lễ rước nước được cử hành tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống với đủ các thành phần: hai hàng cờ ngũ sắc, kiệu long đình, kèn, chiêng, trống, nhạc, lọng, tàn... người dân làng Á Lữ tổ chức đi thuyền ra giữa sông (trước kia là sông Dâu, nay là sông Đuống) để tế lễ xin nước, rước vong linh cha về thờ phụng và cầu mong cha cứu giúp dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Mỗi năm, dân làng cử một ông trùm là người từ 60 tuổi trở lên, có đủ vợ chồng, con cháu vẹn toàn được dân tin tưởng giao trọng trách làm lễ khấn xin nước.

Sau khi dâng chóe nước vào trong đền, các bậc cao niên trong làng tập trung để tế thần, làm lễ nhập tịch. Đến chiều ngày giã hội 18 tháng Giêng, nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hồi nước trả về sông với ý nghĩa, sau khi cha về chứng kiến lòng thành của dân thì lại rước cha về lại thủy phủ. Một phần nước được đem tưới cho cây cối xung quanh đền, cầu cho dân chúng trong làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Lễ tế cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an đã thể hiện được sự giao hòa giữa con người với trời đất, hơn hết là sự thành kính của con người trước thiên nhiên và vạn vật. Có thể thấy, người Việt dù sống trong một xã hội hiện đại đến đâu họ cũng vẫn luôn tín ngưỡng vào vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Họ vẫn không rời xa cái gốc truyền thống mà tổ tiên lưu truyền lại.

Trong phần hội, các trò chơi dân gian được tái hiện một cách sinh động như: Đánh đu, Đánh cầu, Văn nghệ dân gian (Hát Chèo, Tuồng, Quan họ, Trống Quân …). Tất cả như tái hiện lại một Làng Việt cổ xưa trong lễ hội.

Văn hóa lễ hội Đền thờ Kinh Dương Vương là một loại tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên xưa. Vì vậy, đối với người dân nơi đây, việc tổ chức lễ hội này không chỉ là thể hiện sự tôn kính với một vị vua thủy tổ của một dân tộc mà còn là sự tưởng nhớ của những người con về một người cha. Theo truyền thuyết, khi người dân gặp nạn họ luôn cầu cứu đến người cha của mình là Kinh Dương Vương tôn kính. (http://www.daikynguyenvn.com)

Lễ hội làng Á Lữ hàng năm đã lan rộng khắp cả nước với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ nguồn cội tổ tông của cháu con đất Việt”.

Trong những ngày lễ giỗ có nhiều vị chính khách Việt Nam đã tới dự như: 

Ngày 16/5/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm, thắp hương tưởng nhớ Kinh Dương Vương đã ghi lưu bút: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cảm ơn nhân dân và lãnh đạo địa phương đã giữ gìn, tôn tạo một di tích, một trong những cội nguồn của dân tộc để đời đời con cháu mai sau chiêm ngưỡng, học tập” (Nam Bang Thuỷ tổ Kinh Dương Vương của Trần Quốc Thịnh, NXB Văn hoá dân tộc phát hành năm 2012)

Nguyễn Khoa Điềm –Uỷ viên Bộ chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, ngày 02/7/2004 về dự lễ dâng hương Kinh Dương Vương đã viết: “Tôi cảm ơn và hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, xã Đại Đồng Thành và bà con nhân dân địa phương đã xây dựng quê hương, giữ gìn lăng miếu Tổ tiên ngày càng tươi đẹp”.

Nguyễn Thị Doan-Phó chủ tịch nước ngày 17 tháng giêng 2012 tới dự lễ đã viết: “Đời đời ghi nhớ công ơn của Đức Vua Cha Kinh Dương Vương- Thuỷ tổ của nhân dân Việt Nam, tất cả chúng ta hãy cùng nhau ôn lại trang sử vàng dân tộc, tự hào, phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng”.

 Đoàn đại biểu Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-MTTQ Tỉnh Bắc Ninh thành kính dâng hương nhân kỷ niệm 4891 năm Thuỷ Tổ khai sinh mở nước ngày 8 tháng 2 năm 2012 đã ghi trong sổ lưu niệm của nhà Đền:

Kinh Dương Vương-Nam Bang Thuỷ Tổ, là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử vô cùng quý giá và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Việc Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử không chỉ mang ý nghĩa văn hoá sâu sắc, thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm của hậu duệ với các bậc Vương tổ, mà còn là tình cảm và sự trân trọng những giá trị lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước”.

Ngày 16 tháng Giêng năm Đinh Dậu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dâng hương và đánh trống khai hội

Như vậy qua những thư tịch xưa, các nguồn tư liệu văn tự cổ tại khu di tích, cùng sự tôn thờ ngưỡng vọng từ xưa của nhân dân địa phương cũng như sự coi trọng của các triều đại xưa và nay đã cho thấy vị trí của khu di tích trong đời sống tâm linh của người Việt.

Ngày nay, trong tất cả các bút tích về thăm, dâng hương tại lăng, đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, tỉnh Bắc Ninh của các chính khách – các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước cộng hoà XHCNVN, Bí thư Tỉnh uỷ, các nhà quân sự, các nhà sử học Việt Nam đều công nhận Kinh dương Vương là Thuỷ Tổ của dân tộc Việt.

1.4. Nhận định

Như vậy dù là truyền thuyết truyền tụng trong dân gian:

“Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Hay đã được ghi lại trong các sách như các tác phẩm lịch sử có uy tín như “Đại Việt sử ký”,Đại Việt Sử ký Toàn thư”, hoặc những ấn phẩm còn lưu truyền như “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Ngọc Phả Hùng Vương” ở đền thờ Hùng Vương, Phú Thọ. “Ngọc phả truyền thư” ở nhà thờ tổ họ Nguyễn làng Vân Nội, huyện Thanh Oai, Hà Nội; hoặc như: “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của Bùi Văn Nguyên do NXB Khoa học Xã hội, năm 2000; “Trường ca tiền sử Việt Nam”, của Đỗ Văn Bình do NXB VH-TT, năm 2014; “Nam Bang Thuỷ tổ Kinh Dương Vương” của Trần Quốc Thịnh do NXB Văn hoá dân tộc, năm 2011 như đã được trích dẫn ở trên. Các truyền thuyết đôi khi có khác nhau một chút ít về các sự tích, các biến cố có thể được huyền thoại hoá. Nhưng đều có tiếng nói chung về nguồn cội, thân thế, sự nghiệp của các Đế Thần, Vương Thần đã dựng nên nước Việt.

 Đặc biệt là qua các dấu ấn di tích còn để lại như đền thờ và Lăng mộ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã nói rõ về cội nguồn tiên tổ Việt Nam thời tiền sử đã cho ta một số nhận định sau:

1. Đế Thần (Thần Nông) sinh Đế Thừa (Sở Minh Công) sinh Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết – Khương Thái Công) sinh Kinh Dương Vương (Nguyễn Quảng – Lộc Tục người dựng nước Xích Quỷ) sinh Lạc Long Quân (dựng nước Văn Lang) sinh Hùng Quốc Vương (Nguyễn Lân và nối tiếp sau là các thế hệ Vua Hùng 18 đời).

2. Nước Việt thời tiền sử là một lãnh thổ rộng bao la. Thời kỳ Hồng Bàng theo truyền thuyết và dã sử cho rằng bắt đầu từ năm 2879 TCN, là niên đại vua Kinh Dương Vương, với quốc hiệu Xích Quỷ. Lãnh thổ của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương Vương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ XuyênTrung Hoa ngày nay).

3. Tổ tiên người Việt xuất phát từ đất Việt mà ra. Di ấn của các đền thờ, lăng mộ đang hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam và qua các dấu tích của khảo cổ học thời kỳ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng… hoặc văn hoá của các thời kỳ tiền sử như văn hoá Hoà Bình, Đông Sơn… cho ta thấy rõ điều đó. Phải chăng những di ấn tìm được trên lãnh thổ Việt Nam đã góp phần minh chứng cho giả thiết: “Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người”.

4. Tất cả những điều trên có thể đi tới kết luận là Kinh Dương Vương là Thuỷ tổ của người Việt và họ Nguyễn Việt Nam thời tiền sử.

5. Việc Việt Nam lấy vua Hùng là Vua Tổ của mình theo người viết bài này có thể vì người Việt muốn dựa vào truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” là biểu trưng của người Việt.

 

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam của tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm do NXB Hồng Đức XB năm 2018

Thư viện ảnh