Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CHƯƠNG II LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ (Tiếp theo)

Ngày đăng: 14/06/2019
Tóm tắt:

CHƯƠNG II  LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ (Tiếp theo)

Nội dung:

2.3. Âu Cơ

2.3.1. truyền thuyết về Âu Cơ

* Theo “Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư” được ghi chép từ thời Tự Đức năm thứ nhất (Tự Đức nguyên niên chính nguyệt thập ngũ nhật): “ Vua Lạc Long Quân tên thuỵ là Sùng Lãm, tên tự là Phúc Thọ là con vua Kinh Dương Vương, đổi tên nước là Văn Lang, phân địa dư làm 15 bộ, phân dân làm trăm họ gọi là Bách Việt. Lấy Nguyễn (họ) làm nguyên trưởng. Lạc long Quân lấy con gái vua Đế Lai là bà Âu Cơ. Trên đầu núi có mây lành ngũ sắc rực rỡ. Bà Âu Cơ ở đó có mang sinh ra Hùng Lân nối ngôi vua là Hùng Quốc Vương, kế truyền 18 đời hơn 100 lượt vua đều lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu” (tr 43-44).

* Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470): “Bấy giờ có con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ về sống ở quê mẹ tại động Lăng Sương huyện Thanh Nguyên châu Đà Bắc (nay đổi là Lăng Sương huyện Bất Bạt). Một hôm Âu Cơ đi chơi ở châu Trường Sa, gặp khi vua (Lạc Long Quân) đi tuần thú ở Đà Giang. Vua thấy Âu Cơ dung nhan xinh đẹp, rất vừa ý, bèn lấy làm vợ, lập làm Hoàng phi

* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697), Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992) và Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993): Lạc Long Quân Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.  Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.

* Vi.wikipedia.org: Theo truyền thuyết Việt Nam, Âu Cơ (嫗姬) là tổ mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và đem về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau và sinh được 100 người con trai. Sau đó vì thủy thổ tương khắc nên hai người phải chia con ra 50 người con theo cha về biển, 50 người con theo mẹ về núi và chia nhau cai quản các vùng. Đây là tổ tiên của người Bách Việt.

Âu Cơ là một nàng tiên xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Nàng đi khắp bốn phương để giúp và trị bệnh cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con sếu mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng nở thành 100 người con trai. Một ngày nọ, Lạc Long Quân nói với nàng vì hai người đến từ chủng tộc và môi trường rất khác nhau nên không thể chung sống với nhau trọn đời được. Họ bèn chia nhau mỗi người 50 đứa con, 50 theo mẹ, 50 theo bố. 50 người con theo mẹ đi đến ở Phong Châu, người anh cả trở thành Hùng Vương đầu tiên của nước Văn Lang.

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư (từ thế kỷ thứ 15) và Lĩnh Nam chích quái (từ thế kỷ thứ 14) đều nhắc tới huyền thoại này. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư thì viết Âu Cơ là con gái của Đế Lai. (http://vi.wikipedia.org/).

2.3.2. Đền mẫu Âu Cơ

* Đền Tổ Mẫu Âu Cơ Hiền Lương, Phú Thọ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1465, vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày nay, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây xửa lại đền, thế kỷ 19 nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ.

Ngày 3/8/1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin nước CHXHCN Việt Nam cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị cao với các kết cấu kiến trúc đền chùa cổ, các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá. Khu vực đền là một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m với tường cao bao quanh.

Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Dân trong vùng từ lâu đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, Dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời.... Lễ hội có lễ tế Thành Hoàng ở đình, rước kiệu từ đình vào đền, lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục từ mùng 7-9 tháng Giêng. Ngoài đền diễn ra các trò chơi dân gian như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm… Ngày thứ ba là lễ rước kiệu từ đền trở về đình để kết thúc lễ hội chào mừng Tiên giáng.

Các ngày lễ khác trong năm: ngày 11-12 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám, ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp (http://vi.wikipedia.org/)

* Đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở Núi Vặn, Phú Thọ

Đền Quốc Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (Tên mỹ là tự là núi Ốc Sơn), thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có độ cao 170,2m so với mặt biển, nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn.

       Đứng trên đỉnh núi Vặn có thể bao quát một vùng rộng lớn sơn thuỷ hữu tình. Phía trước núi Vặn là núi Hùng, nơi thờ tự các vua Hùng. Núi Hùng trông xa giống như đầu con rồng lớn, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc ở phía sau. Bên tả có dòng sông Hồng, bên hữu có dòng sông Lô tựa như hai dải lụa đào, bao bọc lấy ba ngọn “Tổ Sơn” ở giữa. Phía sau núi Vặn là những dãy đồi lớn san sát như bát úp, gắn với truyền thuyết “Trăm voi chầu về Đất Tổ”. Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội.

Đền Quốc Mẫu Âu Cơ ở núi Vặn là một quần thể kiến trúc bao gồm: Đền chính thờ Mẫu Âu Cơ, nhà tả vu, nhà hữa vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan… được thiết kế theo phong cách xây dựng truyền thống, xen lẫn tính hiện đại. Các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn: Cột gỗ có thớt đá kê, tường xây gạch mộc đỏ, mái đền có đầu đao cong vút như cánh chim Lạc, trụ biểu đá giống như cây bút đang viết lên trời xanh… cho nhân dân ta vừa cảm giác gần gũi với mẹ vừa thiêng liêng cao quý.

Trong Hậu cung đền đặt tượng Tổ Mẫu Âu Cơ được làm bằng đồng. Phía dưới đặt tượng Lạc hầu, Lạc tướng.

Truyền thuyết xưa kể rằng: 3 ngọn “Tổ Sơn” là nơi lưu giữ dấu tích của Tổ tiên. Mẹ Âu Cơ kết duyên cùng cha Lạc Long Quân tại Động Lăng Xương - Thanh Thuỷ, về đến núi Hùng, sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Khi các con khôn lớn, Cha Lạc Long Quân đưa 50 người con xuôi về vùng biển mở mang bờ cõi. Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên vùng núi sinh cơ lập nghiệp, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải xây dựng cuộc sống. Trong dân gian hình ảnh mẹ Âu Cơ là người mẹ đầu tiên khai sinh ra cả dân tộc.

Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ là một công trình văn hoá lớn của thời đại chúng ta - con cháu các vua Hùng xây dựng nên, nhằm mục đích “quy tụ” và “hội tụ” văn hoá “Đền Hùng”. Bổ sung cho quần thể kiến trúc tín ngưỡng trong Di tích lịch sử Đền Hùng, thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Tổ Mẫu Âu Cơ người mẹ thiêng liêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. (http://thantienvietnam.com).

Công trình đền Quốc mẫu Âu Cơ do Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa Thông tin) thiết kế theo kiến trúc cổ truyền thống, Công ty Tu bổ di tích và Công ty Mỹ thuật Trung ương cùng các nhà thầu phụ thi công, được chính thức khởi công từ giữa tháng 9/2001 với tổng mức đầu tư 25 tỷ VND từ nguồn vốn trung ương và ngân sách tỉnh Phú Thọ. Đến cuối năm 2004 đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị cho việc khánh thành vào dịp giỗ Quốc tổ (10-3 âm lịch) năm 2005.

Đền có dốc khá thẳng với 553 bậc đá làm bằng chất liệu đá Hải Lựu (Lập Thạch - Vĩnh Phúc), đá Trị Quân (Phù Ninh -  Phú Thọ), dọc đường có bố trí chỗ dừng chân và nhà đón khách. Cổng tam quan cao 5,8m với ba lối vào, mái dán ngói mũi hài, các đầu đao, họa tiết đều được chạm khắc mô phỏng hình chim Lạc. Qua cổng Tam quan lên tới bậc đá thứ 500 là bắt đầu bước vào cổng tứ trụ gồm hai trụ chính cao 6,5m, hai trụ phụ cao 5,2m. Cột trụ làm bằng bê-tông cốt thép, xung quanh đắp gờ chỉ tạo hoa văn, đắp trát các con giống thời kỳ Hùng Vương.

Tiếp đến là hai trụ biểu cao chừng 14m vút thẳng giữa trời biểu thị sự giao hòa giữa thiên nhiên với trời đất, được ốp bằng đá phiến xanh từ vùng Thanh Hóa, Ninh Bình, dày 20 - 30cm có chạm khắc các họa tiết, con giống phỏng theo hình chim Lạc - đây là cặp trụ biểu được đánh giá độc đáo nhất trên cả nước. Sau trụ biểu là nhà bia được dựng theo kiến trúc đền chùa với mặt bằng hình vuông, mái chồng diêm, khung cột sườn mái làm bằng gỗ lim, nền lát gạch bát, xung quang ốp đá xanh Thanh Hóa, Hải Lựu và bố trí các con lân, ly bằng đá. Bia và trụ bia được làm bằng đá, một mặt khắc chữ Nôm, mặt còn lại khắc bằng chữ quốc ngữ, ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào khắp cả nước. 

Khu đền được đặt theo hướng Tây Nam, có bố cục kiểu chữ “đinh” gồm đền thờ chính ở giữa rộng 137m², hai bên có hai nhà Tả, Hữu vu. Toàn bộ được dựng theo kiến trúc truyền thống với cột, khung, sườn mái, vách ngăn bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường xây bằng gạch bát… Các thành lan can được chạm khắc họa tiết hình chim Lạc cùng các hoạt động văn hóa dân gian thời kỳ Đông Sơn. Hai bên Tả vu có hai bức phù điêu bằng chất liệu gò đồng khắc họa cảnh 50 người con theo cha xuống biển và 50 người con theo mẹ lên núi.

Bên trong đền chính phối thờ tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn. Riêng tượng Mẫu Âu Cơ được lấy theo nguyên mẫu pho tượng đang thờ tại đền Mẫu xã Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ) với đôi chút điều chỉnh. Các nhang án, đại tự, câu đối, bệ đặt trống đồng, giá treo chuông, treo chiêng, y môn… đều được sơn son thếp vàng trên chất liệu gỗ qúy.

Do đặc thù nằm trên núi cao với độ chênh lớn, hệ thống sân vườn đã được xây dựng khá kỳ công với ba lớp kè, lớp trong cùng là tường chắn bằng bê-tông cốt thép, lớp giữa xây bằng đá hộc, lớp ngoài ốp bằng đá ong lấy từ vùng làng cổ Sơn Vi, Thanh Đình (Lâm Thao - Phú Thọ). Trong sân trồng nhiều giống cây đặc trưng thường thấy ở đình chùa như Đại cổ thụ, Si, Cau, Ngọc lan… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Toàn bộ công trình đã sử dụng hơn 8.000m³ đá, 5.300 tấn cát, sỏi, 68 tấn xi-măng, 250m³ gỗ lim.

Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình thế kỷ với kiến trúc đẹp, hài hòa một cách tự nhiên giữa cảnh trí thiên nhiên hùng vỹ. Từ đây mỗi khi có dịp về đất Tổ, du khách thập phương không chỉ thể hiện tâm tình “uống nước nhớ nguồn” nơi lăng, miếu các vua Hùng, mà còn có cơ hội thể hiện lòng thành kính đối với mẹ Âu Cơ, một người mẹ đã từ trong huyền sử bước ra để dạy cho con dân nước Việt biết quý trọng tình anh em, nghĩa đồng bào…(http://www.aseantraveller.net/)

Để tưởng nhớ công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ - người mẹ huyền thoại đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai, nguồn gốc của cộng đồng người Việt, khởi nguồn của hai tiếng "Đồng bào" gắn bó như keo sơn chặt chẽ của dân tộc Việt Nam. Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, các con Lạc cháu Hồng hội tụ về Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ tưởng nhớ tri ân công đức Quốc Mẫu ngày "Tiên Giáng".

Lễ dâng hương và lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi để đón đồng bào và du khách thập phương.

Trong ngày lễ, ngay từ sáng sớm, đông đảo đồng bào, du khách và nhân dân đã có mặt tại Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Ốc Sơn thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (ước tính trên 1 vạn lượt người). Trong không khí ngút ngàn hồn thiêng sông núi, trước anh linh tổ tiên, tham dự Lễ dâng hương Tổ Mẫu, trong lòng mỗi người đều không khỏi xúc động và tự hào về nguồn cội dân tộc, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. 

Trong chương trình lễ dâng hương, các đại biểu, đồng bào và du khách đã tham dự nghi thức Tế Quốc Mẫu; dâng hương hoa, lễ vật, thắp hương tri ân công đức Quốc Mẫu Âu Cơ. Trước anh linh Quốc Mẫu nguyện một lòng đoàn kết, phát huy truyền thống dựng nước và đấu tranh giữ nước, xứng đáng mang trong mình dòng máu Tiên Rồng.

Nghi thức quan trọng nhất trong phần lễ là tế nữ quan theo nghi thức truyền thống được thực hiện bởi 12 cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu. Chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ... Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở thành 100 người con nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam, mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hóa, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Truyền thuyết đó đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, thể hiện bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, tính đồng bào được lưu giữ đến tận ngày nay. (http://www.phapluatplus.vn/)

* Đền mẫu Âu Cơ ở Cà Mau

Ở Cà Mau, đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ ngự tại số 336, đường Nguyễn Trãi, thành phố Cà Mau. Từ thế kỷ trước, những người dân nơi đây lập nên nơi thờ tổ của người Việt Nam chúng ta. Nơi đây có chân dung Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Đồ, Lạc Thư, cùng các bậc tiền hiền lập đền.

Qua tìm hiểu, được biết, nơi đây có hai ngày cúng lớn trong năm. Đó là ngày Quốc giỗ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 và Quốc Mẫu Âu Cơ, mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thờ cúng tại Quốc Mẫu Âu Cơ rất đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với những ai muốn tìm hiểu về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đến Quốc Mẫu, chúng ta bắt gặp những câu đối: Khai thánh địa Rồng cha truyền Bách Việt, Dựng sơn hà Tiên mẹ mở Văn Lang, tạm dịch là “ Cha Rồng truyền dòng giống Bách Việt, Mẹ Tiên lập nước Văn Lang”, theo đó, bức bình phong cùng với các dòng chữ: Nhìn non thương nhớ mẹ, trông biển nhớ ơn cha. Vào gian thờ chính, còn nhiều câu đối làm cho chúng ta suy ngẫm. Lý giải vấn đề này, người Thủ từ cho biết: Quốc giỗ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3, tháng 3 là tháng Thìn, tính theo khởi điểm của tháng ( Giêng là tháng Dần, tháng hai là tháng Mẹo, tháng ba là tháng…). Còn giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ,  thì cúng vào ngày mùng 5 tháng 5. Mùng 5 tháng 5 còn gọi là Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Đoan Dương, theo phong tục cổ truyền, mùng 5 tháng 5 là những ngày Tết lớn nhất trong năm, sau Tết Nguyên đán. Tháng 5 cũng là tháng Thìn, tính theo Lục thập hoa giáp ( 12 con giáp; Tí, Sữu, Dần, Mẹo… ) .

Nếu ngày Giỗ Hùng Vương có câu:

“ Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng ba ”

Thì ngày Giỗ Mẫu Âu Cơ :

“ Mùng 5 ăn Tết Đoan Dương

Nhớ ngày Giỗ Mẹ Việt Thường -Văn Lang ” 

2.4. Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên

Con Rồng cháu Tiên là một huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Con Rồng cháu Tiên là tên xưng hô đầy tính tự hào của tất cả dân tộc Việt Nam xuất phát từ quan niệm về xuất thân liên quan đến truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Trong cách gọi này, Rồng chỉ Lạc Long Quân và Tiên chỉ Âu Cơ. Người Việt Nam tự gọi mình là Con Rồng cháu Tiên tức là nhận mình là dòng dõi của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là tên gọi thường dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý kêu gọi sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra, dân tộc Việt Nam cũng gọi nhau là đồng bào với nghĩa tương tự, xuất phát từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ một bọc 100 trứng.

Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, trăm trứng ấy nở thành trăm người con trai. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiênthủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được". Hai người bèn chia con mà ở riêng. Năm chục người theo mẹ về núi, năm chục người theo cha xuống biển, chia nhau mà thống trị những xứ đó, đó là thủy tổ của các nhóm Bách Việt. Người con cả trong số những người con theo mẹ lên Phong Châu (Phú Thọ) và được tôn làm vua gọi là Hùng Vương lập ra nước Văn Lang.

Vì mẹ là giống Tiên, và cha là giống Rồng; và từ đó sinh ra một dòng giống Việt Nam, dòng giống Việt này được phát triển. Tiên được hiểu là người sống trên núi, hiền từ thanh thoát, sống mãi không chết. Còn rồng, được coi là chủ tể của biển cả, làm mưa làm gió, thiên biến vạn hóa, tài phép khôn lường.

Bộ sách sử cổ Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam cũng chép về huyền thoại tương tự, nhưng bỏ bớt yếu tố trăm trứng trong bọc, mà chỉ nói đến Âu Cơ và Lạc Long Quân sinh ra trăm người con. (http://vi.wikipedia.org)

Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên tuy có những yếu tố tưởng tượng, kì ảo nhưng về cơ bản đã giải thích, suy tôn nguồn gốc của người Việt. Đồng thời truyện cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý nguyện đoàn kết, thống nhất từ xa xưa của cộng đồng người Việt: dù ở bất cứ đâu, đồng bằng hay miền núi, trong Nam hay ngoài Bắc, người Việt Nam đều là con cháu các vua Hùng, có chung dòng dõi “con Rồng cháu Tiên”, vì thế phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Con Rồng Cháu Tiên' qua góc nhìn của nhà sử học Dương Trung Quốc:

Mọi quốc gia, dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Đây là nhân tố cần thiết để gắn kết đồng loại. “Con Rồng Cháu Tiên” là chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, vì lý giải chúng ta là ai, cái gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì, tại sao lại gắn kết thành quốc gia, dân tộc.

Mặc dù bắt nguồn là một truyền thuyết nằm trong dân nhưng câu chuyện đã thực sự đi vào chính sử, cụ thể là “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”. Vào thế kỷ XV, sau khi vừa kết thúc 20 năm đô hộ giặc Minh, bằng việc ghi nhận lại câu chuyện lý giải nguồn gốc, dân ta muốn chứng minh rằng dân tộc ta có cội nguồn, có nền tảng văn minh, chứ không phải là một nhánh, một bộ phận của quốc gia nào khác.

Câu chuyện tưởng chừng rất không thực tế, lại là cơ hội để lý giải vì sao từ xa xưa người Việt hình thành. Chính việc tồn tại chung một niềm tin trong tiềm thức rằng chúng ta dù già trẻ lớn bé đều là “Con Rồng Cháu Tiên”, đều chung một cội nguồn, các giá trị cốt lõi của dân tộc sẽ được trân quý một cách bền vững. Đó là lòng tự hào về dân tộc Việt duy nhất, hậu duệ của dòng dõi Lạc Rồng. Là lòng tri ân, biết ơn những người đã tạo nên hình hài đất nước. Là tình yêu thương, sự gắn kết với những người “đồng bào”, cùng sinh ra từ bọc trăm trứng Rồng Tiên. Là ý thức về đất nước mình vừa có rừng, có biển - những tài nguyên, không gian sống mà con người phấn đấu, bảo vệ.

Mặc dù câu chuyện đơn sơ thôi, nhưng sự thật rất gần gũi, có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt ở con trẻ. Chúng không đặt câu hỏi mà người lớn rất dễ đặt ra, tại sao con người đẻ trứng? Chúng ta có thể tin như thế vì đó là đặc điểm của truyền thuyết, của quốc gia, cộng đồng, và nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm của con người, tạo ra những cảm xúc mà người ta rất hồn nhiên chấp nhận nó.( https://vnexpress.net,  2/11/2017)

 

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam của tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm do NXB Hồng Đức XB năm 2018

Thư viện ảnh