Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CHƯƠNG III VUA HÙNG (Các Truyền Thuyết)

Ngày đăng: 27/09/2021
Tóm tắt:

CHƯƠNG III:  VUA HÙNG (Các Truyền Thuyết)

3.1.2. Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương

Nội dung:

3.1.2. Truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương

Theo Lĩnh Nam Chích Quái: Thời Hùng Vương thứ 6, thiên hạ thái bình, dân gian giàu có. Vua nhà Ân lấy cớ nước Nam không có triều kiến, sai tuần thú đem quân sang đánh. Hùng Vương nghe tin, triệu tập quần thần hỏi kế chống cự. Có người tâu rằng: “Sao không cầu Long Vương đưa âm quân lên giúp”. Vua nghe lời, bèn ăn chay, lập đàn, bày vàng bạc lụa là lên trên, thắp hương cầu đảo ba ngày. Trời nổi mưa to gió lớn, bỗng thấy một cụ già cao hơn sáu thước, mặt to bụng lớn, mày râu bạc trắng, ngồi ở ngã ba đường mà cười nói múa ca. Những người trông thấy đều cho là kẻ lạ thường, mới tâu lên vua. Vua thân hành ra vái chào, rước vào trong đàn. Cụ già không nói năng cũng không ăn uống. Vua đến hỏi: “Nghe tin quân phương Bắc sắp sang xâm lược, ta thua được thế nào”?. Cụ già ngồi im một lúc, kính cẩn rút thẻ ra bói, bảo vua rằng: “Ba năm nữa, giặc Bắc sẽ sang đây”. Vua lại hỏi kế chước ra sao?. Cụ già đáp: “Kế giữ nước, ấy là phải nghiêm ngặt chỉnh đốn khí giới, rèn luyện binh lính cho tinh nhuệ, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phong cho tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi, có thể dẹp được giặc vậy”. Dứt lời, bay mất lên không, mới biết đó là Long Quân vậy.

Ba năm sau, người biên giới cấp báo có giặc Ân tới. Vua làm theo lời cụ già dặn, sai sứ đi khắp các nơi cầu tìm người hiền tài. Tới làng Phù Đổng, huyện Vũ Ninh, trong làng có một phú ông tuổi hơn sáu mươi, sinh được một bé trai, đã ba tuổi còn không biết nói, nằm ngửa không ngồi dậy được. Người mẹ nghe tin sứ giả tới mới nói giỡn rằng: “Sinh được thằng con trai này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy thưởng của triều đình, báo đáp công ơn bú mớm”. Bé trai nghe mẹ nói, đột nhiên bảo: “Mẹ mời sứ giả tới đây, hỏi xem có việc gì”. Người mẹ kinh ngạc vô cùng, vui mừng kể lại với hàng xóm rằng con mình đã biết nói. Hàng xóm cũng lấy làm kinh ngạc, tức tốc mời sứ giả tới. Sứ giả hỏi: “Mày là đứa trẻ mới biết nói, mời ta đến làm gì?”. Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: “Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh sợ bại trại, vua phải lo gì nữa?”. Sứ giả vội về tâu với vua. Vua mừng nói rằng: “Ta không lo nữa”. Quần thần tâu: “Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?”. Vua nói: “Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa”, rồi ra lệnh cân năm mươi cân sắt đúc thành ngựa, nón”.

Sứ giả tới gặp, người mẹ sợ hãi nói con rằng tai họa đã đến. Người con cả cười bảo rằng: “Mẹ hãy chuẩn bị cơm, rượu cho con ăn, việc đánh giặc mẹ chớ có lo”. Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn nhiều, người mẹ cung cấp không đủ. Hàng xóm sửa soạn trâu bò, bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng. Vải vóc rất nhiều mà mặc vẫn không kín thân, phải đi lấy lau lách buộc thêm vào cho kín người. Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu (Trâu Sơn), người con mới duỗi chân đứng dậy, cao hơn mười trượng, ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: “Ta là tướng nhà trời đây!” rồi vung kiếm, đội nón cưỡi ngựa, ngựa chồm lên hí dài mà chạy như bay, quan quân theo sau, tiến sát đồn giặc, đánh nhau ở dưới núi Trâu, huyện Vũ Ninh. Quân giặc đại bại, chém giết lẫn nhau. Vua nhà Ân bị giết ở núi Trâu, quân lính còn lại đều bái lạy, xưng gọi “Tướng nhà trời” rồi cùng hàng phục. Đi đến đất Sóc Sơn, thôn An Việt, Tướng nhà trời cởi áo, cưỡi ngựa bay lên trời, còn để vết tích ở hòn đá trên núi.

Vua Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một ngàn mẫu ruộng, sớm hôm hương khói. Nhà Ân, qua hơn 27 đời vua, 644 năm không dám đem quân quấy nhiễu. Bốn phương nghe tiếng thảy đều đến thần phục vua Hùng.

Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu thờ ở làng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ.(Lĩnh Nam Chích Quái  - https://trandinhhoanh.wordpress.com).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Truyền thuyết kể rằng: "Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng (còn gọi là làng Phù Đổng), thuộc bộ Vũ Ninh (nay huyện Gia Lâm, Hà Nội), có hai vợ chồng ông bà lão nghèo chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng lại chẳng có mụn con nào. Một hôm, bà vợ  ra đồng thấy một vết chân rất to, bà liền đặt chân vào ướm thử. Nào ngờ, về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Kì lạ thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy.

Vua ghi nhớ công ơn, phong ông là Phù Đổng Thiên Vương (nhân dân còn gọi ông là Thánh Gióng) và lập đền thờ tại quê nhà. Về sau, Lý Thái Tổ phong ông là Xung Thiên Thần Vương, đền thờ ở chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng. Hội đền Gióng được tổ chức long trọng tại hai nơi: Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và núi Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày mồng 9 tháng Tư  âm lịch hằng năm".(http://phudongdn.edu.vn).Gặp lúc giặc Ân sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, nhà vua bèn truyền sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi ra giúp nước. Ngày hôm ấy, hay tin sứ giả đến, cậu bé ngồi bật dậy, bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ giả vào và nói: " Xin ông về tâu với Đức Vua rèn cho tôi một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một chiếc nón sắt và một roi sắt, tôi nguyện đánh tan lũ giặc này!". Từ hôm ấy, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Dân làng phải góp gạo lại nuôi cậu bé. Khi nhà vua ban cho ngựa sắt, áo giáp sắt, nón sắt và roi sắt thì cậu bé bỗng vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, đầu đội nón sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận. Ngựa hí lên, phun lửa và xông thẳng vào quân thù. Tráng sĩ vung roi sắt đánh chết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ tre hai bên đường quật vào giặc. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn) thì dừng. Đến đấy, một người một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi nhìn về quê hương, lạy tạ cha mẹ già, cởi áo giáp sắt, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.

Hội đền Gióng được tổ chức long trọng tại nhiều nơi trong đó có hai nơi: là hội Gióng ở đền Sóc Sơn tại núi Sóc huyện Sóc Sơn vào 6/1 âm lịch và hội đền Phù Đổng, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội vào ngày mồng 9/4 âm lịch và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phong giao Kinh Bắc xưa có câu: "Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng kéo về xem hội Gióng".

Tượng đài Thánh Gióng được khánh thành ngày 5 tháng 10 năm 2010, trên đỉnh núi Ðá Chồng của khu du lịch tâm linh Ðền Sóc - Chùa Non thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Tượng được đặt tại nơi tương truyền rằng sau khi dẹp xong giặc Ân, cậu bé làng Phù Ðổng đã cởi áo giáp, vẫy chào quê hương bay về trời ( https://vi.wikipedia.org).

3.1.3. Truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử (Nhất Dạ Trạch hay Đầm một đêm)

Chử Đồng Tử (chữ Hán: 褚童子) là tên của một vị thánh nổi tiếng, một trong "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng Việt Nam.Truyền thuyết về Tiên Dung-Chử Đồng Tử là một trong những huyền sử được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái kể về thời kì cổ xưa của nước Việt Nam.

Truyền thuyết

Tương truyền Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội (có bản viết là Chử Vi Vân. Theo "Việt sử Giai Thọai" của Nguyễn Khắc Thuần - Nhà xuất bản Giáo dục). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố phải thay nhau mà mặc. Lúc người cha lâm chung, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố theo cha, mình thì chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền bán cá hoặc xin ăn.

Thời ấy vua Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đến thăm vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.

Vua Hùng nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung-Chử Đồng Tử làm chúa (Theo "Việt sử Giai Thọai" của Nguyễn Khắc Thuần-Nhà xuất bản Giáo dục). Một hôm có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Tiên (có bản ghi là Quỳnh Vi - tham khảo "Việt sử Giai thọai" Chuyện kể Chử Đồng Tử) Đây là tên một ngọn núi chỉ có trong thần thoại), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một đạo sĩ tên Phật Quang. Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.

Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng la liệt. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Nghe tin, vua Hùng cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân nhà vua đóng ở bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung-Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.

Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Thị.

Thực sự về mặt lịch sử thì có thể Chử Đồng Tử cũng là một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ ở nước ta. Truyền thuyết cũng khẳng định đạo Phật cổ đã du nhập vào nước ta từ thời kỳ Hùng vương khoảng 200-300 năm trước công nguyên. Truyền thuyết cũng cho thấy ban đầu cũng có xung đột chính trị giữa tín ngưỡng đạo Phật và tín ngưỡng cổ Văn Lang, giữa Phật giáo cổ và giới cầm quyền của các vua Hùng.

Thờ cúng

Đền thờ Chử Đồng Tử bao gồm hai đền chính.

  • Đền Hóa (nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa về trời) là đền thờ "Chính" thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trong đền thờ còn có ban thờ Triệu Việt Vương (Do ngày xưa Triệu Việt Vương đóng quân ở đây - đằng sau đền thờ, sâu dưới đất các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích doanh trại có niên đại thời nước Vạn Xuân). Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ đã đốt đền thờ nhưng không đốt được bia đá. Các di vật như 3 pho tượng cổ bằng vàng-đồng đen, lọ cổ 100 chữ thọ đã được dân cất dấu và sau này chuyển tạm về đền thờ "Tránh" Đa Hòa. Đền đã được nhân dân Khoái Châu dựng lại.
  • Đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau khi bình định Bắc Kỳ, trước sự phản ứng của dân chúng, để lấy lòng dân, thực dân Pháp buộc phải chi tiền để khôi phục lại đền Hóa Dạ Trạch. Nhưng tri phủ Khoái Châu đã lấy kinh phí này xây một đền mới ở Đa Hòa tục gọi đền "Tránh" Đa Hòa (tránh nạn) và chuyển các cổ vật như 3 pho tượng vàng - đồng đen và bình cổ 100 chữ thọ về đây. Hướng của Đền Đa Hòa không vuông góc với Sông Hồng mà chéo hướng về phía đền "Chính" Dạ Trạch. Khi đến vái Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở đền này là vái vọng về đền Hóa Dạ Trạch.(Khi Pháp phát hiện điều này đã buộc tri phủ Khoái Châu phải huy động dân chúng dựng lại đền "Chính" Hóa Dạ Trạch nhưng không trả lại các cổ vật).

Cả hai đền đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân

Ngoài ra còn một số đền Làng thờ như: Đền Ngự Dội Làng Màn Trầu, huyện Đông Yên nay là thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền Làng Quan Xuyên xã Thành Công huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Lễ hội

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung  hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch, lễ hội cầu tình yêu) được tổ chức ở hai ngôi đền là đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch) cùng huyện Khoái Châu. Lễ hội hằng năm đều đ­ược tổ chức như­ng với quy mô tổng (tổng Mễ xưa có 9 làng) thì 3 năm một lần, thời gian vào giữa tháng 2 âm lịch. Lễ mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về tr­ước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là minh chứng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Truyền thuyết về các bà vợ

Có thuyết kể rằng Chử Đồng Tử trong lúc chu du tìm thầy học đạo cùng vợ đã lấy thêm một người vợ thứ hai là công chúa Hồng Vân. Cả ba người đã giúp dân chữa bệnh.

Công Chúa Tiên Dung

Hùng Vương thứ 18 có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Vào một ngày đẹp trời, nàng cho thuyền dạo chơi dọc sông Hồng, lúc đó Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai thị nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Tr­ước ng­ười con gái có thân thể ngọc ngà, Chử sợ hãi định chạy trốn nhưng Tiên Dung ngẫm thấy là duyên trời định bèn nói: "Ta và chàng tình cờ gặp nhau thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt", liền đó nàng truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.

Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống cuộc đời bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến vợ chồng họ, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử, sau đó Chử và Tiên Dung đi khắp vùng Khoái Châu dùng phép thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ…

Sau kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua rằng vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, vua Hùng sai quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ.

Cảm động tr­ước mối tình bất tử, đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhân dân thờ phụng nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và Trung du Bắc bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng.

Công chúa Hồng Vân

Hồng Vân công chúa tên thường gọi là Tây Nương, hay Tây Sa (có tài liệu gọi là nàng Nguyễn). Bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đức độ, hiền lành tại làng Đông Miên, huyện Chu Diên (tức thôn Đông Kim, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hiện nay).

Tương truyền rằng, một đêm nọ mẹ bà mộng thấy một con chim xanh lớn bay vào màn, rồi hóa thành người con gái đẹp. Tiếp đó, một người đàn bà xuất hiện ngoài màn, tự xưng là Tây cung vương mẫu từ thiên đình giáng xuống, đem con xuống gửi nhà người cõi trần trong 3 kỷ (36 năm). Từ đó bà thụ thai, đến ngày mùng 10/2 âm lịch hạ sinh con gái, đặt tên là Tây Nương. Tây Nương lớn lên có sắc đẹp lạ thường "chim sa, cá lăn, hoa tủi, trăng hờn".

Chuyện tình duyên giữa Hồng Vân công chúa và đức thánh Chử Đồng Tử được ghi lại như sau: "Trong một chuyến đi chữa bệnh cho người dân, đức thánh và công chúa Tiên Dung gặp Tây Nương đang cắt lúa bên đường đã tới hỏi chuyện. Thấy nàng có sắc đẹp lạ thường, hiền lành mà đối đáp trôi chảy, Tiên Dung tỏ ra mến phục và kết nghĩa chị em". Sau cuộc trò chuyện "tâm đầu ý hợp" của ba người, Tây Nương đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử.

Cũng năm đó, vua Hùng cha của công chúa Tiên Dung ốm nặng, không ngự y nào chữa khỏi được. Biết Tây Nương giỏi về chữa bệnh,Tiên Dung đã nhờ nàng vào cung chữa cho vua cha. Sau 

khi vua Hùng khỏi bệnh định mang vàng bạc, châu báu ra tạ ơn, nhưng nàng không nhận mà trở về chung sống với Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tiếp tục chữa bệnh cứu dân.

Sau sự kiện Tam vị đồng thăng, vua Hùng đã sa giá đến nơi để xem xét. Khi đó, vua nhìn lên trời thấy có người con gái cưỡi hạc trắng từ từ bay đến, tự xưng là Tây cung vương nữ, vâng mệnh Chử Đồng Tử - Tiên Dung đến tạ phụ vương và xin thứ tội cho các con. Vua nhận ra đây chính là người chữa khỏi bệnh cho mình lúc trước. Ngài vô cùng hối hận và xúc động đã phong cho Tây Nương là " Nội trạch Tây cung Tiên nữ – Hồng Vân công chúa". Để tỏ lòng nhớ ơn công ơn của ba vị, dân làng trong vùng và nhiều nơi khác đã lập đền thờ họ.

Nhiều làng thuộc các tỉnh nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam đều có thờ đức thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Nhưng ở Hưng Yên là có nhiều đền nhất, có 45 làng cùng thờ. Hằng năm vào ngày 10, 12/2 âm lịch, lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung lại được diễn ra tại các đền Hóa Dạ Trạch, đền Tránh Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền thờ Hồng Vân công chúa (xã Đông Tảo, Khoái Châu) để ghi nhớ công ơn đồng thời tô đậm thêm thiên tình sử muôn đời của đức thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân.(https://vi.wikipedia.org)

3.1.4. Truyện Núi Tản Viên và truyền thuyết Sơn Tinh,Thủy Tinh

Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long nước Nam Việt. Núi cao một vạn hai nghìn ba trăm trượng, chu vi chín vạn tám nghìn sáu trăm trượng. Ba núi đứng xếp hàng, đỉnh tròn như cái tán cho nên có tên ấy. Theo sách Ai giao châu tự của Đường Tăng thì Đại Vương núi này là Sơn Tinh họ Nguyễn, vô cùng linh ứng. Khi hạn hán, lúc lụt lội cầu đảo để phòng tai trừ hoạn lập tức có ứng nghiệm. Kẻ thờ cúng hết lòng thành kính. Thường thường, vào những ngày quang đãng như có bóng cờ xí thấp thoáng trong hang núi. Dân trong vùng nói rằng đó là Sơn thần hiển hiện. Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật đó. Biền đem thuật đó để tiến đại vương núi Tản Viên, thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây nhổ nước bọt vào mà bỏ đi. Biền than rằng: "Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Cái vượng khí đời nào hết được!" Sự linh ứng đã hiển hiện ra như vậy đó.

3.1.5. Truyện bánh trưng, bánh dàyXưa kia đại vương trông thấy phong cảnh núi Tản Viên đẹp đẽ bèn làm một con đường từ bến Bạch Phiên đi lên phía nam núi Tản Viên, qua động An Vệ, tới các ngọn nguồn lạch suối đều dựng điện để nghỉ ngơi. Rồi lại đi qua ria núi đến chỏm núi có mây che thì định cư ở đó. Đôi lúc rong chơi trên sông Tiểu Hoàng Giang xem đánh cá, phàm đi qua các làng xóm đều dựng điện để nghỉ ngơi. Về sau, nhân dân theo dấu vết các điện đó mà lập đền miếu để thờ cúng. Lại theo truyện cũ ở sách Giao Châu ký của Lỗ Công, tương truyền rằng Đại Vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu. Thời vua Hùng Vương thứ 18. Vua có người con gái tên là Mỵ Nương (cháu gái 27 đời của Thần Nông) có sắc đẹp; Thục Vương Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền. Mấy hôm sau, bỗng thấy hai người, một người xưng là Sơn Tinh, một người xưng là Thủy Tinh đến để cầu hôn. Hùng Vương truyền tỉ thí pháp thuật. Sơn Tinh chỉ núi, núi lở, ra vào trong đá không có gì trở ngại. Thủy Tinh lấy nước phun lên không biến thành mây mưa. Vua nói: "Hai vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho". Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang ngọc quý, vàng bạc sơn cầm, dã thú... các lễ vật đến tiến, vua y cho. Thủy Tinh đến sau, không thấy Mỵ Nương, cả giận đem loài thủy tộc định đánh để cướp lại. Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy Tinh bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh Vương. Dân ở chân núi thấy thế bèn cắm một hàng rào thưa để đón đỡ, đánh trống gõ cối, hò reo để cứu viện. Thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi tắc cả khúc sông. Hàng năm vào khoảng tháng bảy tháng tám vẫn thường như vậy. Dân vùng chân núi hay bị gió to nước lớn, lúa má thiệt hại cả. Người đời tương truyền rằng đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau lấy Mỵ Nương. Đại Vương được bí quyết trường sinh của thần tiên nên rất hiển linh, đó là vị đệ nhất phúc thần của nước Đại Việt vậy. (Lĩnh Nam Chích Quái - http://www.lyhocdongphuong.org.vn/)

Sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi hai vị quan lang và công chúa lại mà phán rằng: "Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi". Các con đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới bể, nhiều không sao kể xiết. Riêng có vị công tử thứ 18 là Lang Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, vì cô đơn mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an. Một đêm kia, mộng thấy có thần nhân tới nói rằng: "Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ". Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: "Thần nhân giúp ta vậy!". Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh dày. Đến kỳ, vua vui vẻ truyền các con bày vật tiến lên. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thức gì. Lúc đó Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua kinh ngạc mà hỏi, Lang Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Lang Liêu được nhất. Đến ngày Tết, vua thường lấy bánh này dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước, đến nay đổi tên Lang Liêu thành Tiết Liêu. Vua bèn truyền ngôi cho Liêu, anh em 21 người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau, các tướng tranh giành nhau thường dựng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự; cho nên, từ đó mới có sách, thôn, trang, phường. (Lĩnh Nam Chích Quái - http://www.lyhocdongphuong.org.vn/)

3.1.6. Truyện sự tích Dưa Hấu

Vào đời Hùng Vương thứ 18 có viên quan tên là Mai Tiêm vốn người ngoại quốc, khi lên 7, 8 tuổi, vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc. Kíp tới khi lớn lên diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên phú quý, bổng lộc rất nhiều. Sau Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: "Đó đều do tiền thân của ta, không phải do ơn chúa". Vua nghe nói cả giận, phán: "Làm thần tử của người mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chúa, lại nói là do tiền thân! Nay đưa nhà ngươi ra một nơi không có người ở giữa bể xem có còn tiền thân không?" Bèn đày ra ngoài cửa bể huyện Nga Sơn (còn gọi là Giáp Sơn), bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết. Vợ Tiêm than khóc, Tiêm cười mà bảo: "Trời sinh ta tất nuôi nổi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng". Bỗng thấy một con bạch trĩ từ phương Tây bay lại đậu ở đầu núi, kêu lên 3, 4 tiếng 6,7 hạt dưa theo tiếng kêu mà rơi xuống cát, mọc lên xanh rì rồi kết thành quả. An Tiêm mừng rỡ mà nói: "đây không phải là dị vật mà là trời cho để nuôi ta đó". Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái, mới giữ lấy hạt, năm sau đem trồng. Ăn không hết, lại đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Tiêm không biết gọi là quả gì, nhân vì chim trĩ ngậm hạt từ phương Tây bay tới nên gọi là quả Tây Qua (dưa hấu). Phường chài phường buôn ăn đều cho là ngon. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua để lấy giống. Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem còn sống hay đã chết. Người đó về tâu lại với vua, vua thở dài mà than rằng: "Hắn nói là do ở tiền thân, điều đó thực không ngoa". Bèn ra chiếu gọi về cho phục chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. Bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, làng đó gọi là Mai thôn. Có người lại suy tôn nơi tổ tiên An Tiêm ở mà cho rằng nơi đó là châu An Tiêm thuộc tỉnh Thanh Hóa.

 (Lĩnh Nam Chích Quái - http://www.lyhocdongphuong.org.vn/)

Trích nguồn: Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh