Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Những cuộc đổi sang họ Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 05/01/2013

Nội dung:

Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có nhiều trường hợp và sự kiện mang nhiều người đến với họ Nguyễn.

Năm 1225, nhà Lý suy vong, Trần Thủ Độ đã bắt con cháu của dòng họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, ông ta đã giết rất nhiều con cháu của dòng họ Trần. Vì thế, sau khi nhà Hồ sụp đổ, con cháu của họ Hồ vì sợ trả thù nên tất cả đã đổi sang họ Nguyễn.

Năm 1592, nhà Mạc suy tàn, con cháu của dòng họ Mạc cũng lại đổi họ sang Nguyễn. Khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802 (vua Gia Long), một số con cháu của họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc. Trong luật của triều đại nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng, và vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt và được hưởng lộc...

             1. Từ họ Lý ra họ Nguyễn

       Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).

Nguyên Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm giáp thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (trị vì 124-1225). Lý Huệ Tông lên làm thái thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang thiền sư. Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông.

Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái". Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: "Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi". Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận. (1)

Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.

Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. 

Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ. (3)

Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác ?. Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta.  Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước (nguồn Vietsciences)

         2. Họ Mạc đổi thành họ Nguyễn và các họ khác

        Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đỉnh Chi, đỗ cử nhân võ và làm đô chỉ huy sứ năm 1508 (mậu thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng dần lên chức thái phó tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chánh lật đổ vua Lê Cung Hoàng (trị vì 1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1527-1530) lập ra nhà Mạc.

     Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những họ nầy không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu họ nhà nầy.

             Qua các cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ nầy đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.(nguồn Vietsciences).

         3. Họ Hồ sang họ Nguyễn

      Nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, dòng dõi Hồ Quý Ly. Họ theo chân chúa Nguyễn vào lập nghiệp miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê - Trịnh tới Nghệ An (năm 1655). Ông cố (cụ nội) của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.

Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753. Ông còn có tên là Quang Bình, Văn Huệ hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình hoặc Đức ông Tám.(Nguồn diễn đàn lịch sử Việt Nam 2010)

    

       4. Một họ lớn không thay đổi

      Theo Thế phả, "Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc, thân phụ và thân mẫu của ngài không được rõ, ngài được xem là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Phúc.

Nguyễn Bặc (924-979) là bạn chí thân từ thuở hàn vi và là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979). Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công, đứng đầu các công thần. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Nguyễn Bặc bắt giết ngay kẻ thích khách là Đỗ Thích, và tôn phò con của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Tuệ. Lê Hoàn có ý làm phản nhà Đinh, Nguyễn Bặc chống đồi, cầm quân đánh Lê Hoàn, nhưng bị Lê Hoàn bắt giết.

Theo sách Thế phả, tức sách gia phả của dòng họ nầy, từ thời Nguyễn Bặc cho đến ngày nay, thời nào họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa) cũng đều có người giữ những địa vị cao trong các triều đại, và thường được phong tước công. Chỉ có một thay đổi nhỏ so với lúc ban đầu là họ nầy lót thêm chữ "Phúc" vào thế kỷ 16. Tương truyền rằng khi sắp sinh, vợ của Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy thần nhân cho một tờ giấy viết đầy chữ "Phúc". Có người đề nghị bà lấy chữ "Phúc" đặt tên cho con, thì bà trả lời rằng: "Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng phúc, chi bằng lấy chữ "Phúc" đặt làm chữ lót thì mọi người đều được hưởng phúc". Bà liền đặt tên con là Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635, cầm quyền 1613-1635). Từ đó, họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang đổi thành họ Nguyễn Phúc. (14)

Dù có người nghĩ rằng các tác giả Thế phả đương nhiên tâng bốc tổ tiên mình, nhưng không ai có thể phủ nhận những khuôn mặt lớn trong quá trình lịch sử dân tộc như Nguyễn Bặc, Nguyễn Nộn (?-1229), Nguyễn Kim (1468-1545), Nguyễn Hoàng (1525-1613), Nguyễn Phúc Tần (1620-1687, cầm quyền 1648-1687) ...

Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc llên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Các vua Nguyễn rất đông con nên ngoài việc lập Tôn nhân phủ  như các triều đại trước để quản lý người trong hoàng gia, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840) còn làm một bài đế hệ thi và mười bài phiên hệ làm chữ lót cho con cháu Nguyễn Phúc để phân định thứ bậc các hệ phái từ con cháu của Gia Long trở xuống.

Năm 1945, vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) thoái vị tại Huế, chấm dứt chế độ quân chủ tại nước ta, nhưng họ Nguyễn Phúc, vốn rất đông người từ thời các vua Nguyễn, vẫn cứ phát triển vững vàng, và có nhiều nhân vật nổi tiếng trong khắp các lãnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, học thuật, kinh tế, khoa học ... chẳng những ở trong nước mà cả trên thế giới.(nguồn Vietsciences)

Thư viện ảnh