Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Những đền thờ Sơn Thánh Tản Viên

Ngày đăng: 06/01/2013

Nội dung:

Đền Thính Bắc Cung ở Tam Hồng - Yên Lạc – Vĩnh Phúc, cách trung tâm huyện lỵ Yên Lạc khoảng 1km. Theo Phả hệ Việt Nam (2012) ở đây thờ đức thánh Tản Viên nên gọi là đền “Thánh”, gọi chệch đi là đền “Thính”. Cũng theo Phả hệ Việt Nam 2012, trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhân dân vùng Xứ Đoài lập nên 5 cung để thờ Thánh Tản (một trong tứ bất tử trong tâm thức của người Việt), đó là: Đông Cung, Tây Cung, Nam Cung và Trung Cung đều thuộc đất Hà Tây nay là Hà Nội (phía Nam sông Hồng) riêng đền Thính (phía Bắc sông Hồng) thuộc đất Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nên gọi là “Bắc Cung ”.

Tản Viên Sơn Thánh - con rể của vua Hùng Duệ Vương đã cùng các bậc trung thần, tướng lĩnh tài ba trong phổ hệ bách thần sơn thuỷ từ Thuỷ Tổ Âu Cơ mà thành, giúp vua cha chiến thắng thuỷ thần, đánh dẹp ngoại bang xâm lấn bờ cõi, giữ vững ổn định biên cương Văn Lang, rồi từ khung cảnh đất nước thanh bình lại khuyên Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc, dựng đô ở Cổ Loa thành, mở ra trang sử mới cho nền văn hiến Việt - một dòng truyền thuyết đầy tính nhân văn. Để rồi, Tản Viên Sơn Thánh mãi đi vào tâm khảm của quần chúng nhân dân và là một trong các vị thần được tôn vinh là “Tứ bất tử” ở Việt Nam.

Đền được khởi dựng tại nơi mà trước đó Đức Thánh nghỉ lại trong cuộc vi hành giúp dân khai điền, trị thủy. Để ghi nhớ công lao của Tản Viên Sơn Thánh, tại vị trí này nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền để thờ phụng gọi là đền Thính. Đến năm Thành Thái thứ 13 (1902) triều Nguyễn, quan huyện Yên Lạc là Lưu Đình Dương vời nhà sư Tăng ất đứng ra xây dựng hậu cung đền (cửu trùng), năm Duy Tân thứ 5 (1911) dựng thêm lầu chuông và lầu trống, đến năm Khải Định thứ 2 (1917) mở rộng đền về phía trước thêm 7 gian tiền tế và năm Khải Định thứ 6 (1921) xây cổng, lát sân, dựng nhà hành lang…Như vậy, trong khoảng 20 năm, việc xây dựng mới hoàn thành cho cấu trúc ngôi đền như hiện nay. Các việc xây dựng được ghi rõ trên tấm bia dựng năm Khải Định thứ 8 (1923) và bài văn của nhà sư Tăng ất tại tấm bia dựng năm 1936 (2 tấm bia đều còn, được dựng trước cổng đền).

 

 

Đền Thính Bắc Cung (nguồn ảnh www.thanhtanvien.com )

 

 

Trong khoảng diện tích 2000m2, khu đền có các công trình kiến trúc cơ bản gồm tiền tế 7 gian, hậu cung 7 gian nối nhau theo kiểu chữ “đinh”. Song song với hậu cung, hai bên có nhà hành lang, phía trước có sân lễ hội, ao đền, ngoài cùng có nghi môn ngoại ngăn cách không gian thờ tự trong một cảnh quan thanh tĩnh, mát mẻ với hàng cổ thụ gần trăm năm tuổi.

Ngoài những giá trị nghệ thuật về kiến trúc; cổng đền được cấu tạo như kiểu tam quan, cổng vào đền kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái, toà tiền tế cũng được nâng mái theo lối “chồng diêm”, 2 nhà hành lang tả, hữu nằm nối theo lầu chuông, trống như 2 thân rồng chầu, tất cả đã tạo nên bố cục không gian kiến trúc tổng thể khá sinh động. Từ tiền tế trở vào, hậu cung gồm 7 gian, 9 cửa thờ đều có cửa võng đục chạm cầu kỳ, sơn son thếp vàng với các đề tài tứ linh “long - ly - quy - phượng” hoặc tứ quý “thông - cúc - trúc - đào”. Mỗi lớp cửa là một tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang phong vị riêng, cùng với kỹ thuật chạm lộng vô cùng tinh xảo đến từng chi tiết đã thể hiện sự tài hoa tuyệt mỹ về nghề chạm gỗ dân gian nửa đầu thế kỷ XIX. Còn có các bức chạm ở cốn mê, cốn nách, các bức phù điêu bằng gỗ khắc hoạ hình tượng văn quan, võ tướng, là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và đặc biệt của di tích. Hai bức hình hoạ trên tường toà tiền tế cũng là những tác phẩm nghệ thuật hội hoạ đặc sắc, với đề tài thiên nhiên cây cảnh ấp ôm, hoà quyện với mái cong ngôi chùa làng, ẩn hiện trong sương mờ khói toả chiều lam. Với bút pháp trữ tình, nghệ thuật dùng màu nước trên chất liệu vôi gạch mà những bức bích hoạ tồn tại cả trăm năm còn nguyên tươi màu sắc mới thấy hết những giá trị văn hoá, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống dân tộc.

Hàng năm lễ hội đền Thính được diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch

 

Đền Tranh (Bắc Cung Thượng): nằm trên địa phận thôn Hoàng Thạch, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Đền thờ “ Tam vị Đại Vương” (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh). Đền được xây dựng vào đầu thế kỷ IV; được tôn tạo vào các triều đại : Lý (1038); Hậu Lê (1469 và 1479), Mạc (1538)… Đền được hầu hết các triều đại phong sắc và năm 1993 được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích văn hoá.

Đền Tranh có vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. Đền nằm trên một khu đất cao so với xung quanh. Thế đất bằng phẳng, núp mình dưới bóng những cây cổ thụ xanh um, trước mặt đền là những cánh đồng màu mỡ. Phía sau đền, xa xa là dãy núi Tam Đảo bồng bềnh mây trắng.

Đền được kiến trúc theo kiểu chữ đinh (J), gồm hai toà tiền tế và hậu cung. Hai cung nhỏ nằm sát  một ngôi chùa khác, ở đây cũng có gian riêng thờ Phật, thánh. Vị trí chính của ngôi đền là toà tiền tế thờ Tam Vị Đại Vương. Ở đây con lưu giữ được một số tác phẩm điêu khắc bằng gỗ và một số đồ thờ bằng đồng có giá trị mỹ thuật cao. (Báo Vĩnh Phúc 24/3/2012)

 

 

Đền Tranh - Bắc Cung Thượng  (ảnh nguồn Trung tâm nghiên cứu lý học đông phương)

 

 (Người sưu tầm: TS. Nguyễn Văn Kiệm)

 

 

 

Thư viện ảnh