Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM – SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN Bài I. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt

Ngày đăng: 11/11/2022
Tóm tắt:

CỘNG ĐỒNG HỌ NGUYỄN VIỆT NAM – SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Bài I. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt

Nội dung:

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt là thể hiện sự biết ơn, là lòng thành kính hướng về cội nguồn. Đạo thờ Tổ tiên được triết lý hóa bằng các mệnh đề “ Vật bản hồ thiên / Nhân sinh do tổ” ( muôn vật sinh ra là nhờ ở trời  / con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên), “ Ẩm thủy tư nguyên”( uống nước nhớ nguồn),

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn”

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên còn là sự linh thiêng, sự cộng hưởng tình yêu, niềm tin tạo nên sức sống nội sinh của con người. Hướng về Tổ tiên, về cội nguồn với một tình cảm thiêng liêng nhất, là phẩm chất thấm sâu trong tâm can mỗi người Việt Nam từ nghìn đời nay. Thờ cúng Tổ tiên là còn mong Tiên tổ phù hộ cho cả cuộc đời mình, con cháu mình, gia đình, dòng họ mình.

Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành một tín ngưỡng.  Đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà, đây là lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ, là một tín ngưỡng rất quan trọng và gần như không thể thiếu trong phong tục Việt Nam.

 Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã viết:

“Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của con người”.

Tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ họ khi nguy khó, mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ.

Ngoài ra, hình thức thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình, đồng thời cũng là nền tảng cơ sở cho quan hệ gia đình.

Người Việt coi trọng việc cúng giỗ hằng năm vào ngày mất còn hơn cả ngày sinh nhật.

Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên ĐánTết Hàn thựcTết Trung thu, ... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cầu tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nướcquả trứngnén hương cũng giữ được đạo hiếu.

Hà Nội, ngày 10/11/2022

Ts. Nguyễn Văn Kiệm – Chủ tịch HĐHNVN


Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh