Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

HĐHNVN THAM DỰ LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ CÁC BẬC TIÊN HIỀN VĂN HỘI THỌ XƯƠNG VÀ TỌA ĐÀM DÒNG VĂN HÓA - GIÁO DỤC HỌ NGUYỄN ĐÔNG TÁC HÀ NỘI

Ngày đăng: 12/11/2023
Tóm tắt:

HĐHNVN THAM DỰ LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ CÁC BẬC TIÊN HIỀN VĂN HỘI THỌ XƯƠNG VÀ TỌA ĐÀM DÒNG VĂN HÓA - GIÁO DỤC HỌ NGUYỄN ĐÔNG TÁC HÀ NỘI

Nội dung:

Nhận lời mời của Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đông Tác Hà Nội về lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên hiền văn hội Thọ Xương và tọa đàm dòng văn hóa - giáo dục họ Nguyễn Đông Tác hà Nội nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2023, HĐHNVN do Ts. Nguyễn Văn Kiệm – Chủ tịch HĐ và ông Nguyễn Hữu Cải thường vụ HĐ – Chủ tịch họ Nguyễn Tp. Hà Nội đã tới tham dự.

Buổi lễ đã diễn ra ngay tại ngôi đền Văn chỉ Thọ Xương ngõ 222 phố Bạch Mai, Tp. Hà Nội với sự tham dự của nhiều đại biểu và con cháu dòng họ Nguyễn Đông Tác. Sau lễ dâng hương do nhà giáo Nguyễn Trà thế hệ thứ 15 của dòng họ khoa bảng này đứng đầu đọc diễn văn buổi tế là cuộc tọa đàm về Văn chỉ Thọ Xương và dòng văn hóa – giáo dục của họ Nguyễn Đông Tác. Có rất nhiều tham luận trong đó có bài của Ts. Nguyễn Văn Kiệm. Tất cả đều nêu lên tầm quan trọng của việc “Xây dựng nền trị bình, chấn hưng văn hóa” do các nhà văn sĩ khoa bảng từ thế kỷ XIX Việt Nam đã đặt ra cho nước nhà. Việc này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong xã hội bị đồng tiền đã chi phối đôi khi trà đạp lên tất cả tình nghĩa anh em, cha mẹ, bạn bè, thầy cô...

Trong Văn chỉ hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: Bức hoành phi chạm khắc 4 chữ Hán lớn, do Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) cung tiến: “Thiên lý nhân tâm” (lòng người thuận với lẽ trời) tạo dựng năm 1844; đôi câu đối ở ban thờ tiên hiền: “Thiên niên phong hóa lưu dư địa/ Vạn cổ thanh danh tiếp cố giao” (Nghìn năm biến đổi còn nền vững/ Vạn cổ thanh danh nối đất xưa); đôi câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) cung tiến: “Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến/ Cổ đạo nghi hình định hậu sinh” (Văn phong nước cũ truyền người trước/ Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau); tấm bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” khắc chữ Hán 4 mặt. Văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868) soạn tháng 5 năm 1838, nêu ý nguyện nghiêm cẩn thờ phụng và tiếp nối các bậc tiên hiền để mở mang sự học, làm cho nước nhà ngày càng tiến bộ.

Văn chỉ Thọ Xương, thực chất là “Văn Miếu” của cả Hà Nội trong thế kỷ XIX, đây là di tích lịch sử - văn hóa quan trọng nhất nhì Hà thành thế kỷ XIX, với chí hướng chấn hưng văn hóa - giáo dục Thăng Long - Hà Nội của các bậc tiền nhân: Nghè Vũ Tông Phan, tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, phó bảng Nguyễn Văn Siêu, cử nhân Cao Bá Quát, tiến sĩ Lê Duy Trung, cử nhân Trần Văn Vi, phó bảng Diệp Xuân Huyên, Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng...là niềm tự hào của người Hà thành xưa và nay cần được bảo tồn mãi mãi.

Về dòng họ Nguyễn Đông Tác là một dòng họ khoa bảng đã sinh ra nhiều danh nhân cho Hà Nội và đất nước. Với nhiều người nổi tiếng như cụ Nguyễn Hy Quang (1634-1692) khi còn đang đi học cũng đã bày mưu kế cho dân làng tranh kiện đòi lại đất đai làng Kim Liên với các chức dịch. Về sau cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương khoa Đinh Dậu (1657), vào thi Hội trúng Tam trường, lại đỗ khoa Sĩ vọng (khoa Canh Tuất-1670), được bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Chúa Trịnh Tạc biết tiếng cụ, bèn triệu vào Phủ Chúa, làm thầy giáo dạy các cháu nhà chúa là đích tôn Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính.

Con trai của cụ Nguyễn Hy Quang là Tổng binh Thiêm sứ, Đặc tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng (1661-1729), đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ Võ) được phong tước Tào quận công và phối thờ trong đình Trung Tự.

Cháu ruột của cụ Nguyễn Hy Quang là Nguyễn Trù (đời 8), đỗ Hoàng giáp năm 1697, sau làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Đời thứ 11, họ Nguyễn Đông Tác có cụ Nguyễn Hữu Diễn đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ) khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Vệ uy thị giảng, Quả cảm tướng quân, tước Thức Võ hầu.

Cũng ở đời 11, họ Nguyễn Đông Tác lại có cụ Nguyễn Văn Lý (1795-1868), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn đời vua Minh Mạng (năm 1832), là nhà giáo, nhà văn hóa lớn, để lại nhiều tác phẩm.

Cụ Nguyễn Hữu Cầu, đời thứ 13, là một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cụ Nguyễn Hữu Tảo, đời thứ 14, là người đặt nền móng cho bộ môn Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam.

Cụ Thiều Chửu đời thứ 14 là một cư sĩ nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam trong thế kỉ 20...

Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của dòng họ Nguyễn Đông Tác mà là niềm tự hào của tất cả những người họ Nguyễn ngày hôm nay và cần phát huy hơn nữa trong cuộc sống hiện tại.

Buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp

Hà Nội, ngày 12/11/2023

Ts. Nguyễn Văn Kiệm – Chủ tịch HĐHNVN


Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh