Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Năm Dần nói chuyện Hổ

Ngày đăng: 18/01/2022
Tóm tắt:

Năm Dần nói chuyện Hổ

Nội dung:

Năm Dần nói chuyện Hổ

Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước qua một năm âm lịch mới, năm Canh Dần, năm con Hổ! Theo luật tuần hoàn của Tạo hóa, Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần: Trâu đi thì Hổ đến, hình tượng của Chúa Sơn Lâm lại xuất hiện trong hơn 360 ngày sắp tới.

Trong 12 con giáp, có lẽ Hổ hội đủ các đặc chất: dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà Hổ là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người thần thánh hóa, không riêng ở nước ta mà cả nhiều nước khác cũng đưa Hổ dự phần vào đời sống xã hội, văn hóa, tâm linh và nghệ thuật.

Hình tượng Hổ có mặt trên các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, lăng miếu.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hổ là con vật được tôn thờ từ lâu, tên của nó được thần hóa và được gọi là ‘Ngài, ‘Ông Ba Mươi,’ ‘Hổ.’ Nó được tạo dựng thành biểu tượng của sức mạnh của niềm tin. Tranh vẽ được biết đến nhiều nhất, qua nhiều thế hệ, là bức Ngũ Hổ của phố Hàng Trống, được vẽ trên giấy khổ 55 cm x 75 cm. Nó vẽ tả năm con Hổ được bố cục cân đối trên không gian được định sẵn, mỗi con một dáng: con đứng, con ngồi, con lướt gió… Đây là loại tranh bản (khắc gỗ rồi in trên giấy). Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bảng nét rồi dùng cọ lông để tô màu. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân vờn màu, tạo độ đậm nhạt, chuyển sắc sáng tối, âm dương, với cách thức sáng tạo độc đáo ấy, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nét đặc thù của dòng tranh riêng mà còn làm bật lên sức sống nội tại của tác phẩm. Người xem tranh rất dễ nhận ra điều này qua hình ảnh những con Hổ: những khối thân chắc khỏe, dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong, đặc biệt là những cái đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn cong lên trước khi đập xuống đất để phóng mình lên. Độc đáo nhất phải kể đến đôi mắt Hổ: hùng hực, ánh lên sức mạnh của loài chúa sơn lâm.

Màu sắc trong bức Ngũ Hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh, nhưng vẫn hòa hợp với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm con Hổ. Lối dùng màu này của các nghệ nhân thể hiện rõ một hàm ý và mang tính triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống:

- Hoàng Hổ: Hổ vàng, tượng trưng hành Thổ, ứng với trung ương chính điện.

- Thanh hổ: Hổ xanh, tượng trưng hành Mộc, ứng với phương Đông.

- Bạch hổ: Hổ trắng, tượng trưng hành Kim, ứng với phương Tây.

- Xích hổ: Hổ đỏ, tượng trưng hành Hỏa, ứng với phương Nam.

- Hắc hổ: Hổ đen, tượng trưng hành Thủy, ứng với phương Bắc.

Và như thế, 5 con Hổ được vẽ bằng năm màu khác nhau tượng trưng ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quan niệm tạo hình, cách phối màu, mang tính ước lệ trong nghệ thuật dân gian xưa là phổ biến, mà nếu gạt qua cái vỏ ngoài của sự mê tín, dị đoan, thì đây là bức tranh có giá trị nghệ thuật cao.

Quan ngũ hổ là một trong những vị quan binh của nhà Thánh. Quan ngũ hổ được thờ ở hạ ban, trong quan niệm dân gian hổ là vị chúa cai quản rừng núi, hình tượng hổ biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi đền, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất. Ngũ Hổ Thần Quan bao gồm năm vị với năm màu sắc khác nhau, danh xưng cấu trúc theo thứ tự: Ngũ Phương – Can – Ngũ Hành – Ngũ Sắc.

Hà Nội, 17/1/2022

Người sưu tầm

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

 

 

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh