Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

THAM LUẬN VỀ “VĂN CHỈ THỌ XƯƠNG” KINH THÀNH THĂNG LONG

Ngày đăng: 02/11/2023
Tóm tắt:

THAM LUẬN VỀ “VĂN CHỈ THỌ XƯƠNG” KINH THÀNH THĂNG LONG

Nội dung:

Di tích Văn chỉ Thọ Xương ở số 3, ngõ 222, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Năm 1802, Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân và tuyên đế hiệu Gia Long, đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, tiến vào Thăng Long, bố cáo thiên hạ: “Xây dựng nền trị bình, chấn hưng văn hóa”. Tuy nhiên nhà Nguyễn lại chuyển kinh đô vào Huế và Văn Miếu Hà Nội bị triều Nguyễn bỏ rơi, nhanh chóng xuống cấp thành phế tích. Việc xây dựng Văn chỉ Thọ Xương (tên gốc, đầy đủ là: “Thọ Xương tiên hiền từ vũ” - đền thờ tiên hiền huyện Thọ Xương) nằm trong bối cảnh đó. Sự ra đời của Văn chỉ Thọ Xương là phát động phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long. Đây là một trung tâm văn hóa của Hà Nội thế kỷ XIX, có thể coi như một Văn Miếu thu nhỏ.

 Việc hoạt động chấn hưng văn hóa-giáo dục của Văn chỉ thể hiện ở bi ký, qua những công việc hữu ích mà các thành viên Văn hội và Hướng Thiện hội tiến hành tại đây, tại các đền chùa và tư thục ở nội ngoại thành Hà Nội và cả ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam  Định, Hải Dương...

Cụ Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ khoa 1832, người làng Đông Tác-Kim Liên, đồng môn và đồng chí thân thiết của Nghè Phan (Vũ Tông Phan), phát biểu tâm huyết chung của kẻ sĩ Thăng Long buổi trầm luân ấy: "Quốc vận trung hưng, nhân đạo khởi vô tái chấn?" (trung hưng vận nước mà không chấn chỉnh đạo lý làm người được sao?).

Không thể phát triển giáo dục bằng mấy ngôi trường chất lượng cao trong môi trường văn hóa suy đồi, nhóm sĩ phu Hà thành đã nhất trí “minh thệ” (thề ước) với nhau tại các cuộc tụ hội luận bàn là “chính nhân tâm” (làm cho nhân tâm đúng đắn) “chính phong tục” (làm cho phong tục đúng đắn) và “chính học thuật”  (làm cho sự học đúng đắn). Chữ “chính” hợp với chữ “phương” thành “PHƯƠNG CHÍNH” - phương châm tư tưởng và hành động của quân tử: NGAY THẲNG, CHÍNH TRỰC. Và Văn hội ra đời.

Văn hội phải có trụ sở hoạt động thường kì, mà Văn Miếu Hà Nội thì theo quy chế của triều Nguyễn, chỉ còn chức năng tế lễ Khổng Tử cùng chư vị thánh hiền là học trò Ngài. Bởi vậy năm 1836 tiến sĩ Vũ Tông Phan (1826) và tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1832) cùng đề xuất với Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng xây dựng Văn chỉ của huyện Thọ Xương ở phường Hồng Mai - cũng một địa linh từ thời Lý - Trần.

Phương châm của Văn hội và Hướng thiện hội để tu thân và giáo hóa sĩ dân nhằm chấn hưng văn hóa-giáo dục, điều này được vị Hội trưởng Vũ Tông Phan thể hiện  thành vế đối treo ở ngay bái đường, nơi hành lễ: Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh. Tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.

“Cựu bang văn nhã” chỉ tục lệ tốt đẹp của nước Văn Lang. “cổ đạo nghi hình” (khuôn và mẫu của đạo cổ) là nói đến đạo Nho cổ đại của Khổng Tử, với chữ Nhân (nhân ái) làm gốc, vì chỉ có lòng Nhân mới bất biến, không liên quan sự đổi thay triều đại.

Những kinh sách lưu truyền do Văn hội in ra khuyến khích mọi người làm việc thiện để tu dưỡng đạo đức, gìn giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, đức thuỷ chung trong tình vợ chồng, sự nhường nhịn, hoà thuận giữa anh em với nhau, thành thực trong quan hệ bạn bè, giữ chữ tín trong quan hệ với mọi người.v.v... về sau thành Tâm pháp chân kinh:

Từ rày giở về sau mãi mãi

Thề không tham của cải của người

Thề không hoa nguyệt chơi bời

Thề chừa cờ bạc, thề thôi rượu càn

Thề không dám ăn gian nói dối

Thề không còn oán mới thù xưa

Thề cứu giúp kẻ sa cơ

Thề trong việc Thiện từ giờ gắng công

Ơn cha mẹ thề không phụ bạc

Thờ sống sao thời thác làm vầy

Nước-nhà nghĩa hợp xưa nay

Thề xin sau trước thẳng ngay một lòng

Có vợ chồng thề không lỗi đạo

Sống thủy chung giai lão bách niên

Anh em nhường dưới kính trên

Thề xin hòa mục cho yên cửa nhà

Chơi với bạn nếu là lường gạt

Thề xin cam trừng phạt lần hồi

Thầy trò nghĩa lớn ở đời

Con mà bội bạc Đức Ngài chứng tri...

Về tổ chức thì theo tấm bia đá lớn "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký", dựng tại Văn chỉ Thọ Xương từ 1838, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý viết có đoạn tạm dịch là: Năm 1838 các thân sĩ huyện Thọ Xương (bao gồm 4 huyện nội thành ngày nay) sau khi tham khảo quy chế phụng thờ tiên hiền của triều đình, đã lập ra Văn hội Thọ Xương... Sau lịch sử dựng đền là những câu chung chung về tôn kính tiên hiền, thờ vua giúp nước, Ts. Nguyễn Văn Lý còn bộc lộ chủ trương rất cụ thể, thiết thực: "Vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" (làm người phải có đạo đức chân chính trong làng, làm người thầy dạy học trong xã) - một lẽ sống mà Văn chỉ Thọ Xương đề ra về sau kẻ sĩ đất Việt trong suốt ngót trăm năm cho đến các nhà Nho ở Đông Kinh nghĩa thục, vẫn noi theo. Và chẳng những trí thức Nho học mà đến cả những thanh niên "Tây học ở giữa thế kỷ XX vẫn nhận thức đó là một lẽ sống chân chính.

 Người có công đầu trong việc xúc tiến, đầu tư kinh phí và trông coi việc xây dựng Văn chỉ là sĩ phu yêu nước Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794 - 1862), Hội phó Văn hội Thọ Xương. Theo cụ Đỗ Hữu Vu, nguyên cán bộ Viện Sử học: Khởi dựng năm 1836, đến năm 1838 thì công trình được hoàn thành, mặt nhìn hướng Đông.

Trong Văn chỉ hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: Bức hoành phi chạm khắc 4 chữ Hán lớn, do Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825) cung tiến: “Thiên lý nhân tâm” (lòng người thuận với lẽ trời) tạo dựng năm 1844; đôi câu đối ở ban thờ tiên hiền: “Thiên niên phong hóa lưu dư địa/ Vạn cổ thanh danh tiếp cố giao” (Nghìn năm biến đổi còn nền vững/ Vạn cổ thanh danh nối đất xưa); đôi câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) cung tiến: “Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến/ Cổ đạo nghi hình định hậu sinh” (Văn phong nước cũ truyền người trước/ Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau); tấm bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” khắc chữ Hán 4 mặt. Văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868) soạn tháng 5 năm 1838, nêu ý nguyện nghiêm cẩn thờ phụng và tiếp nối các bậc tiên hiền để mở mang sự học, làm cho nước nhà ngày càng tiến bộ. Đáng chú ý là còn 3 di vật trên các bức tường. Trên bức tường ở bên trái đền có một bia đá nhỏ, hình vuông, kích thước 30cm x 30cm, ghi lời dặn dò các thế hệ sau lo tu bổ để Văn chỉ vững bền. Còn trên bức tường ở hậu cung có 2 bức tranh lớn, hình vuông, kích thước 2m x 2m, vẽ những dải “thanh vân” (mây xanh) bay lượn trên bầu trời, mang chủ đề tư tưởng “bình bộ thanh vân” (ý chỉ việc thi đỗ, lập công danh giống như nhẹ bước trên mây xanh)...

Văn chỉ Thọ Xương, thực chất là “Văn Miếu” của cả Hà Nội trong thế kỷ XIX, đây là di tích lịch sử - văn hóa quan trọng nhất nhì Hà thành thế kỷ XIX, với chí hướng chấn hưng văn hóa - giáo dục Thăng Long - Hà Nội của các bậc tiền nhân: Nghè Vũ Tông Phan, tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, phó bảng Nguyễn Văn Siêu, cử nhân Cao Bá Quát, tiến sĩ Lê Duy Trung, cử nhân Trần Văn Vi, phó bảng Diệp Xuân Huyên, Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng...là niềm tự hào của người Hà thành xưa và nay cần được bảo tồn mãi mãi.

Với tất cả các giá trị nghệ thuật- văn hóa, vào ngày 26/01/2006, Văn Chỉ Thọ Xương đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa số 595/QĐ- UB. Ngày 9/7/2013 UBND Quận Hai Bà Trưng phê duyệt dự án cải tạo “Văn Chỉ Thọ Xương quyết định số: 2891/QĐ- UBND với quy mô đầu tư của dự án tu bổ tổng thể di tích Văn Chỉ, thực hiện phòng chống mối mọt và phòng cháy, chữa cháy; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, sân, cổng di tích. Lắp dựng lại tấm bia cổ năm 2 tấn về vị trí cũ.

Hà Nội, ngày 2/11/2023

Ts. Nguyễn Văn Kiệm – Chủ tịch HĐHNVN

Tài liệu tham khảo: https://laodong.vn/l ngày 5/12/2021, https://laodong.vn/, ngày 12/1/2019; https://baophapluat.vn/, ngày 23/12/2018...

 

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh