Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

VÀI SUY NGHĨ VỀ DÒNG HỌ

Ngày đăng: 15/04/2022
Tóm tắt:

VÀI SUY NGHĨ VỀ DÒNG HỌ

Nội dung:

Trong truyền thống của mình, người Việt Nam luôn đề cao các quan hệ gia đình, họ hàng, dòng tộc. Ðiều này thể hiện qua câu tục ngữ "một giọt máu đào hơn ao nước lã" mà qua bao đời mọi người đều đã thuộc, coi đó là nguyên tắc ứng xử cần được tôn trọng. Vì thế, khi đất nước đã có những bước phát triển mới, thì vấn đề này cũng đang được đặt ra... 

Ở Việt Nam, dòng họ là một thiết chế xã hội quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên kết cấu làng xã và rộng hơn nữa là đất nước. Ðã có nhiều dòng họ nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Là người Việt Nam dù có mang tên họ khác nhau, dù thuộc các dòng họ đã trải qua quá trình hưng vong thăng trầm khác nhau nhưng đều chung một truyền thống tốt đẹp là luôn có ý niệm về gốc gác tổ tiên để thờ kính, quê hương bản quán để tìm về. Hiện nay, vấn đề con cháu góp công góp của gây dựng lại nơi thờ tự tổ tiên, quan tâm hơn đến việc họ đang trở nên phổ biến trên cả nước, đặc biệt là tại các vùng có truyền thống quần cư lâu đời.

Phải nói rằng, ở rất nhiều nơi, việc dịch gia phả, quy tập xây cất hay tu bổ từ đường và mồ mả ông bà tổ tiên, tìm gốc tích thủy tổ và các chi ngành họ hàng lưu lạc, rồi lập hòm công đức, lập quỹ khuyến học... đã trở thành hoạt động được nhiều dòng họ coi trọng. Xét về mặt tích cực, phong trào này càng góp phần khẳng định những giá trị văn hóa bất biến về phương diện tinh thần mà dòng họ mang lại cho cộng đồng, là sợi dây vô hình liên kết tâm hồn người Việt hướng đến nguồn cội.

Văn hóa dòng họ bao hàm trong đó những giá trị vật thể như bia ký, gia phả, từ đường, lăng mộ... và các giá trị phi vật thể như bề dày truyền thống của dòng họ, quy ước dòng họ, việc thờ cúng tổ tiên và nghi lễ, mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, mối quan hệ với xã hội, vai trò và vị trí của dòng họ đối với sự phát triển của địa phương hoặc đối với đất nước...

Xây dựng văn hóa dòng họ là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Trong lúc nhịp sống hiện đại ngày càng trở nên căng thẳng, bộn bề thì nhu cầu đó càng bùng phát mạnh mẽ, nghĩa là mọi người thường xem cội nguồn từ dòng họ như một niềm tin góp phần lấy lại sự cân bằng tinh thần trong cuộc sống hằng ngày.

VỀ HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Họ Nguyễn Việt Nam là một trong “Bách họ” của người Việt. Họ Nguyễn Việt Nam cho ta một niềm tự hào vì:

Họ Nguyễn là dòng họ lớn nhất nước Việt (chiếm 40% dân số cả nước). Họ Nguyễn chúng ta có rất nhiều chi phái khác nhau nhưng chúng ta cùng chung một gốc là Thủy tổ Kinh Dương Vương.

Lịch sử hình thành nước Việt Nam trải qua hơn bốn ngàn năm, dấu ấn để hình thành nên một nhà nước sơ khai đầu tiên là nước Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2879 trước Công nguyên do Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục sáng lập. Có nhiều truyền thuyết trong dân gian cũng như được lưu truyền trong các phả cổ cho biết Lộc Tục là con của Đế Minh, tên thật là “Nguyễn Quảng”, sử ký ghi “Lộc Tục” danh xưng là Kinh Dương Vương. Như vậy Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt và cũng là thuỷ tổ của họ Nguyễn Việt Nam thời kỳ tiền sử. Kinh Dương Vương là cha đẻ của Lạc Long Quân, là ông nội của Vua Hùng. Việc tôn vinh này là do HĐHNVN đã tôn vinh Người lên làm Thủy tổ. Vậy những ai không cùng chí hướng thì cũng không nên vì điều đó mà gây mâu thuẫn.

Họ Nguyễn chúng ta còn tự hào vì có các Đức Thánh như: Đức thánh Tản Viên - Nguyễn Tuấn vị đệ nhất phúc thần đứng đầu trong tứ bất tử, Cao sơn Đại Vương – Nguyễn Sùng; Quý Minh Đại Vương- Nguyễn Hiền; Ông Hoàng Mười; Ông Hoàng Bẩy...

Họ Nguyễn Việt Nam tự hào vì thời nào cũng có những danh nhân, danh tướng “tài, trung, đức” như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và thời đại ngay nay là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc.

Ta tự hào vì Họ Nguyễn Việt Nam đã để lại cho đất nước những dấu ấn mà không thể nào quên được đó là sự hoàn thiện thống nhất giang sơn hình chữ S như ngày nay. Đó là di sản Cố đô Huế là niềm tự hào không chỉ cho người họ Nguyễn mà còn cho cả dân tộc Việt. GS Phan Huy Lê đã phải thốt lên rằng: “Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy”. Tại Hà Nội đó là các di sản như toà Khuê Văn Các tại khu Quốc Tử Giám, cột cờ Hà Nội, quần thể đền Ngọc Sơn: Đài Nghiên-Tháp Bút, cầu Thê Húc. Văn Cao với bài Tiến quân ca - quốc ca của Việt Nam. Nguyễn Hữu Tiến - Xứ ủy viên Nam Kỳ, là tác giả của mẫu Quốc kỳ Việt Nam – lá cờ đỏ sao vàng. Bùi Trang Chước tức là Nguyễn Trang Chước  là tác giả của mẫu Quốc huy việt Nam...  

 Hà Nội, ngày 15/4/2022

Chủ tịch HĐHNVN

Ts. Nguyễn Văn Kiệm

Trích nguồn: HỌ NGUYỄN VIỆT NAM

Thư viện ảnh