Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

GS Phan Huy Lê và sứ mệnh khỏa lấp khoảng trống lịch sử

Ngày đăng: 25/06/2018
Tóm tắt:

GS Phan Huy Lê và sứ mệnh khỏa lấp khoảng trống lịch sử

Nội dung:

Các sử gia đương thời đánh giá đóng góp lớn của GS Phan Huy Lê là xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử Việt Nam.

GS Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam qua đời

Sáng 27/6, tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), lễ viếng và truy điệu giáo sư Phan Huy Lê sẽ diễn ra. Tiếc thương trước sự ra đi của ông, nhiều nhà sử học không quên nhắc lại những quan điểm tiến bộ trong viết sử của giáo sư Lê.

Đi đến tận cùng sự thật

GS Nguyễn Quang Ngọc và đồng nghiệp khi làm cuốn sách kỷ niệm 80 tuổi của GS Phan Huy Lê đều thống nhất lấy tên Nhân cách sử học. Ông Ngọc nhắc lại, GS Hà Văn Tấn từng tổng kết, trong những cuộc thảo luận, tranh luận về sử học, GS Lê luôn là người “ngang bằng, sổ thẳng”. Ông luôn muốn đi đến tận cùng sự thật lịch sử và không chấp nhận giải thích vòng vo.

Để đi đến tận cùng sự thật, GS Lê rất coi trọng thực tế. 84 tuổi, nhưng sau khi tham dự hội thảo ở Phú Yên, nhà sử học nhất quyết đề nghị lên Tây Nguyên khảo sát về Thủy Xá và Hỏa Xá. Ông Ngọc nhớ lại, hôm đó trời nắng nóng, người trẻ đi còn thấm mệt vì đường vào rừng khó khăn. Ai nấy đều can nhưng GS Lê cương quyết đến tận nơi.

GS Phan Huy Lê trong một lần đến Huế khảo sát về lăng mộ vua chúa. Ảnh: Võ Thạnh

GS Phan Huy Lê trong một lần đến Huế khảo sát về lăng mộ vua chúa. Ảnh: Võ Thạnh

“Nhìn cụ băng qua gai góc tìm khu nghĩa địa của người Thủy Xá, Hỏa Xá mà tôi sốt ruột và thương lắm. Nhưng không ai thuyết phục được cụ trở ra. Đến nơi rồi, cụ vỗ vai tôi nói, viết sử phải đi như thế này mới thật được”, GS Ngọc thuật lại.

Một trong những tâm nguyện cuối đời của sử gia Phan Huy Lê là được ra thăm Trường Sa, bởi ông quan niệm, muốn viết Quốc sử chân thực mà không thực địa thì không được. Tháng 6/2018, nghe tin ông muốn ra Trường Sa, đồng nghiệp ai cũng khuyên can. Ông Ngọc còn dẫn chuyện năm 2015 khi ngoài 60, nhưng ra Trường Sa đã phải làm giấy cam đoan chịu trách nhiệm.

GS Lê được thỏa nguyện khi Bộ Quốc phòng bố trí thủy phi cơ đưa ông ra Trường Sa. Ngày trở về, ông mang theo những tập ảnh và tư liệu phục vụ cho bộ Quốc sử. “Nhân cách làm sử của GS Phan Huy Lê là đi đến tận cùng sự thật. Đó là tấm gương và bài học lớn tôi học được”, GS Ngọc nói về thầy.

Khỏa lấp những khoảng trống lịch sử

Theo GS Vũ Minh Giang, đóng góp quan trọng nhất của GS Phan Huy Lê về tư tưởng là đã xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử Việt Nam. Tư tưởng này ông thể hiện rõ nét trong bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm mới, lịch sử Việt Nam phải bao gồm toàn bộ những nền văn minh đã tồn tại trên đất nước hiện nay. Thời cổ đại, bên cạnh văn minh Đông Sơn phía Bắc còn có văn minh Sa Huỳnh với vương quốc Chăm Pa ở miền Trung, văn minh Óc Eo với vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ.

Trước đây, giới sử học chỉ nhìn theo hướng người Việt đi đến đâu thì viết sử đến đó, vậy nên vẫn giữ quan điểm Đại Việt là “phe ta”, Chăm Pa, Phù Nam... là “phe địch”. GS Lê sớm nhận ra cách nhìn đó không đúng nên đề nghị viết khách quan, tôn trọng tất cả nền văn minh trên đất nước.

GS Phan Huy Lê luôn tiếp cận lịch sử theo quan điểm mới. Ảnh: Viết Tuân

GS Phan Huy Lê luôn tiếp cận lịch sử theo quan điểm mới. Ảnh: Viết Tuân

GS Lê chủ trương tiếp cận lịch sử toàn diện, bởi một thời gian rất dài, sách sử về các triều đại, thời đại chỉ viết về chính trị và quân sự, sử học chỉ nhấn mạnh các trận đánh, chiến dịch mà quên mất lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội. 

“Theo quan điểm cũ, nhiều người sẽ nghĩ rằng suốt thế kỷ 13, ông cha chỉ ăn rồi đánh giặc Nguyên Mông. Nhưng sự thực không phải vậy, bởi thời gian chiến tranh không kéo dài”, GS Giang phân tích.

Vì vậy, GS Lê chủ trương đặt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội đúng vị trí trong lịch sử, để thế hệ sau hiểu ngày xưa cha ông xây dựng đất nước, sinh sống ra sao. GS Giang đánh giá cách tiếp cận này là đóng góp to lớn cho khoa học lịch sử Việt Nam.

Sử gia Phan Huy Lê cũng chủ trương khắc phục những khiếm khuyết, góc khuất của lịch sử bằng góc nhìn khách quan khi có được tư liệu mới. Từ lâu, GS Lê đề nghị cần nhìn nhận khách quan công lao đóng góp của triều Nguyễn với tiến trình lịch sử dân tộc.

Trước đây triều Nguyễn chỉ được biết đến là vương triều “bán nước”, “cõng rắn cắn cả nhà”. Nhiều người quên rằng đây là triều đại tạo ra nền văn hóa tương đối rực rỡ. Cố GS Trần Văn Giàu từng nói tất cả những trước tác của triều Nguyễn nhiều hơn sách vở tất cả triều đại trước. Triều Nguyễn còn có công lao khẳng định chủ quyền và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tán thành việc xác lập quan điểm mới khỏa lấp những khoảng trống lịch sử Việt Nam, GS Vũ Dương Ninh đồng tình với GS Lê trong cách nhìn nhận về công lao nhà Nguyễn. “GS Lê đánh giá rất công tâm công lao thống nhất đất nước của nhà Nguyễn. Vua Gia Long đặt nền móng cho sự thống nhất vẹn toàn như ngày nay và xác lập chủ quyền, gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Ninh bày tỏ.

Để khách quan, bộ Quốc sử do GS Lê làm Tổng chủ biên sẽ thay những tên gọi như “nguỵ quân, nguỵ quyền” bằng “Chính quyền Sài Gòn, Việt Nam cộng hòa”. “Nếu chỉ nhìn thực thể Việt Nam cộng hòa là giai đoạn bỏ đi sẽ không khách quan. Chính quyền đó có nhiều di sản hôm nay cần khai thác như hệ thống tổ chức hành chính, hệ thống giáo dục...”, GS Vũ Minh Giang nói.

Những điểm tiến bộ này sẽ được thể hiện trong bộ Quốc sử, dự kiến hoàn thành năm 2019. 

Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ông dự định chọn học Toán - Lý, nhưng GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh đã hướng ông vào học ban Sử - Địa, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông để lại gia tài sách sử đồ sộ và cuối đời tâm huyết xây dựng bộ Quốc sự đồ sộ nhất từ trước đến nay.

Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông Phan Huy Lê được phong học giáo sư năm 1980; nhà giáo nhân dân năm 1994; giải thưởng Nhà nước (2000); giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011); giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016).

13h06 ngày 23/6, giáo sư Lê qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Viết Tuân

Trích nguồn: https://vnexpress.net/, ngày 25/6/2018

Thư viện ảnh