Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

NGƯỜI THẦY “ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

Ngày đăng: 23/12/2012

Nội dung:

                                                                               Nhà giáo – Doanh nhân Nguyễn Văn Kiệm

                                                                         NGƯỜI THẦY “ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI”

“Cả cuộc đời làm Thầy của tôi, tôi chưa bao giờ có sự ân hận về cái nghề “lái đò” này!”. Với hơn 31 năm tuổi nghề cùng với sự nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu khoa học, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được đánh giá tốt và để lại một khối kiến thức cho thế hệ học trò mai sau. Không chỉ sự điềm đạm, đĩnh đạc toát ra từ phong thái đến cử chỉ, hành động của một người thầy, ở con người ông còn có một nội lực mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những rào cản của hoàn cảnh xã hội để hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), báo Thế giới doanh nhân (TGDN) đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với Nhà giáo-Doanh nhân Nguyễn Văn Kiệm, Cựu giáo viên Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.

Ông có thể chia sẻ với TGDN đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp? Vì sao ông lại chọn môi trường sư phạm là nơi dấn thân và cống hiến của mình?

Tôi sinh năm 1949, quê ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Năm 1979, tôi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1, chuyên ngành chăn nuôi và sau đó trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Nói đến cái “duyên” với nghề, tôi đến với sư phạm là một sự ngẫu nhiên. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cánh cửa đại học mở rộng cho tất cả mọi người (lúc này vào đại học không phải thi, cứ tốt nghiệp phổ thông là được tuyển vào). Được sự động viên của đồng chí Chủ tịch xã Phong Vân: “Địa phương còn rất nhiều em không được vào học cấp 2 vì thiếu giáo viên” nên yêu cầu tôi ở nhà mở lớp “Trường Đội” cho xã, thế là nghề giáo viên đến với tôi từ đó. Đến năm 1970, tôi lại từ giã nghề cầm phấn để lên đường đi thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước. Suốt trong thời gian ở TNXP lại một lần nữa cái “duyên” nghề nghiệp đến, khi tôi được đề xuất làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa vào buổi tối cho đoàn. Năm 1979 sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được cử vào đoàn quy hoạch ở Miền Nam, đang công tác ở Cà Mau thì nhận được điện nhà trường gọi về nhận nhiệm vụ mới. Tôi vinh dự là một trong 5 học sinh giỏi nhất trường được ở lại trường làm công tác giảng dạy. Từ đó, tôi gắn bó với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội như một duyên nghiệp.

Được sống và cống hiến hết mình với nghề dạy học là niềm vui lớn nhất của tôi, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất vì được đem những hiểu biết, những kiến thức khoa học của mình truyền đạt lại cho thế hệ sau. Những buổi lên lớp nhìn học sinh chăm chú lắng nghe lời thầy giảng làm cho tôi thêm cuốn hút vào bài giảng và quên đi tất cả những vất vả, kể cả cái đói, cái rét của sự thiếu thốn trong những năm chống Mỹ và những năm sống trong thời kỳ “Cơ chế bao cấp”. Cả cuộc đời làm Thầy của tôi, tôi chưa bao giờ có sự ân hận về cái nghề “lái đò” này.

Vậy, những khó khăn, thử thách mà ông đã phải trải qua trong sự nghiệp trồng người”?

Khó khăn, thử thách mà tôi đã trải qua thì nhiều lắm! Nhưng phải kể đến sự vượt qua chính mình, vượt qua những rào cản do hoàn cảnh xã hội đem lại. Đó là mâu thuẫn giữa ước mong của tuổi trẻ như muốn được nâng cao kiến thức, muốn được học, được hiểu biết nhưng lại cũng muốn được đóng góp sức mình cho công cuộc chống Mỹ cứu nước. Để rồi khi đã hoàn thành nhiệm vụ của người TNXP, đã qua cái tuổi hoàng kim nhất của sự học hành thì mình mới bước vào con đường học đại học và phải vượt qua sự thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống cũng như trong học tập, nghiên cứu để có được trình độ học vấn mà đứng trên bục giảng.

Nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Với tư cách là một người thầy, ông có ý kiến đánh giá gì về nhận định này?

“Nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, đây là nhận định rất đúng đắn trong mọi hoàn cảnh và trong mọi thời gian vì nó đào tạo “con người”- một sản phẩm quý giá nhất của nhân loại. Ở thời nào cũng vậy, việc dạy “con người” biết làm “người” luôn luôn được đề cao. Từ thuở xã hội loài người chưa có trường lớp thì đã có rất nhiều người muốn mình giỏi đã phải đi “tìm sư học đạo”, các vua chúa đều phải mời những người “tài giỏi” về dạy cho con cháu mình và tôn họ làm thầy. Nhận thức của con người đã cho thấy sự cần thiết của việc học hành. Nghề sư phạm cũng từ đấy mà ra. Ngày nay, trong thời buổi “kinh tế thị trường”, người dân nghèo cũng cố gắng chắt chiu để con cháu được “học lên” cho thoát cảnh nghèo, những nhà giàu có thì họ lại càng không tiếc tiền của để cho con mình được vào học ở những trường tốt nhất, lớp tốt nhất– Âu cũng là nguyện vọng chính đáng mà thôi. Tuy nhiên trong cái “cao quý” của nghề này, không thiếu “thầy” đã “thương mại hóa” cái “nghề cao quý” đó và đã bôi đen sự cao quý này. Phải chăng đây là hậu quả của thời kỳ “kinh tế thị trường” mà nạn tham nhũng đã lan tràn ra khắp mọi lĩnh vực.

Đánh giá của ông như thế nào về vai trò của “người thầy” trong xã hội hiện đại?

Muốn làm người thầy “chân chính” trong thời buổi hiện nay thật là khó vì những “áp lực” từ mọi phía đưa lại, nhất là “Tiền”. “Tiền” mọi người đều cần để làm giàu, chưa giàu thì muốn được giàu, giàu rồi thì muốn được giàu nữa và người ta có thể làm giàu bằng bất cứ giá nào: Tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt, cướp giật. Trong một xã hội như vậy, người thầy khó tránh khỏi sự cám dỗ của đồng tiền. Chính vì vậy, mà “đẻ” ra các lớp “học thêm”; nạn đi thầy “phong bì” của sinh viên qua mỗi kỳ thi hết môn ở các trường đại học… đã làm cho hình ảnh “người thầy” bị hoen ố. Ta chỉ cần ngồi trên một chuyến xe bus hỏi chuyện với một sinh viên nào đó, họ đều có một tâm sự như vậy. Không biết các nhà chức trách có biết được điều đó không? Tôi cũng rất buồn và thấy thật đau lòng cho thực tại ngày nay.

Tất nhiên không phải tất cả “thầy” là vậy, vẫn có đâu đó có những người thầy đúng nghĩa, họ luôn cháy hết mình với từng con chữ. Thời tôi còn đi dạy, niềm vui và phần thưởng lớn nhất đối với tôi là được thấy những học sinh ham học, học giỏi. Khi hỏi thi (thi vấn đáp) hoặc chấm bài (thi viết) có được những câu trả lời hoặc bài làm hay, sáng tạo là tôi thấy vui vô cùng.

Được biết, ngoài là một thầy giáo, ông còn là một doanh nhân thành đạt? Vì sao, ông lại có quyết định táo bạo làm kinh doanh trong thời điểm rất khó khăn của cơ chế Nhà nước?

Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, sống trong thời kỳ “bao cấp” kinh tế vô cùng khó khăn, là một người có trí thức, có sự hiểu biết, tôi luôn có một suy nghĩ là: “Tại sao mình lại đói khổ?”. Từ đó, tôi đặt ra câu trả lời: Sức lao động? Mình có; kiến thức? Mình có; việc làm thêm? Mình phải tạo ra và tôi đã quyết định làm kinh tế. Việc làm này có thể có người đánh giá tôi là người “chân ngoài dài hơn chân trong”. Nhưng tôi nghĩ là việc mình làm là đúng, không phạm pháp luật, nó đã tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo ra hàng trăm việc làm cho mọi người, và hàng năm đóng thuế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, dù vừa làm kinh tế nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu. Năm 1996-2000 tôi đã hoàn thành tốt luận án thạc sỹ rồi tiến sỹ; từ năm 1996 đến 2005 tôi hoàn thành 7 công trình nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ; 5 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học Nhà nước, Chủ biên 1 giáo trình; tham gia biên soạn 2 giáo trình… Về sau có nhiều người cho rằng, tôi là “người đi trước thời đại”.

Ông có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn cũng như những thành công mà ông đã đạt được trên con đường kinh doanh?

Động lực lớn nhất thôi thúc tôi phải làm giàu đó là từ đầu những năm 80, mỗi lần đi công tác về nhìn thấy vợ con đói khổ, cơm gạo không đủ ăn (tiêu chuẩn được có 13kg/tháng trong đó phải độn cả ngô, mỳ, hạt bo bo… thực phẩm thì được 0,5kg/tháng, phân phối cả rau xanh đã úa) như vậy làm sao đủ sống được. Cơ quan lại ở ngay trên một trận địa pháo phòng không đã bỏ hoang, tôi đã khai hoang ở đây trồng lúa, các cây hoa màu, từ đó nhà không còn thiếu ăn nữa. Khi đủ ăn tôi chuyển sang trồng cây hàng hóa, làm cây giống cung cấp cho vườn cây các cụ -phong trào trông cây ăn quả đang nở rộ khắp mọi nơi. Lúc này đã có của ăn, của để, năm 1986 tôi chuyển cả gia đình về sống ở nội thành Hà Nội. Và khi không còn đất làm nông nghiệp nữa, tôi lại quyết định chuyển sang một nghề hoàn toàn mới lạ đó là ngành ngoại thương, đi thu mua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bán hoặc ủy thác cho các công ty ngoại thương.

Năm 1990 xóa bỏ chế độ bao cấp, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh của tư thương lại càng thuận lợi, từ đó tôi cùng bạn bè lập Công ty Minh Khánh vừa sản xuất vừa xuất khẩu, hàng hóa chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ xuất cho Đài Loan, và chuyển một phần sang kinh doanh du lịch... Tôi thành đạt từ đó, thiết nghĩ, đời mình đã khổ nhiều nên khi có điều kiện tôi đã đầu tư cho các con đi du học ở Úc, những mong các con có thể thành đạt nên người và có lẽ đó cũng là một cách làm từ thiện khi mình đang nhân thêm những mầm giống tốt cho xã hội. Hai con tôi sau khi học ở Úc về đều đã thành đạt, hiện đang làm cho các công ty nước ngoài (Mỹ và Nam Hàn). Hiện nay, tôi đã nghỉ hưu trí và cũng đã rút vốn nghỉ kinh doanh về với cuộc sống của tuổi già vui vầy với các cháu nội, ngoại. Tôi thấy vô cùng thanh thản.

Kinh doanh là một nghề đòi hỏi đầy trí tuệ, một nghề mà người kinh doanh chân chính phải “bạc tóc”. Trong kinh doanh cũng cần phải có đầu óc sáng tạo phải dùng trí tuệ hơn là cơ bắp, phải rất am hiểu về các luật kinh doanh. Tôi đã đi từ kinh doanh nhỏ đến lớn và luôn luôn phải tự học hỏi qua sách vở, qua bạn bè để có kinh nghiệm và phải biết nắm bắt khi thời cơ đến. Tạo chữ tín đối với khách hàng cũng là yếu tố quyết định cho thắng lợi. Muốn thành công phải vượt qua được mọi rào cản, không chỉ rào cản từ đối tác khách hàng. Rào cản còn ở ngay trong nước, đó là sự cạnh tranh, là sự lừa lọc và cả ở chính sách Nhà nước, đôi khi có chính sách đưa ra không đúng lúc. Những lúc gặp khó khăn đòi hỏi người kinh doanh phải bền chí, phải tỉnh táo để tìm phương kế vượt qua.

Hiện nay, được biết ông còn là Chủ tịch Hội người Họ Nguyễn Việt Nam? Ông hãy chia sẻ những tâm nguyện của ông đối với công việc này?

Tôi là một trong những người sáng lập ra: “Hội người Họ Nguyễn Việt Nam” với mục đích tôn chỉ của hội là “Uống nước nhớ nguồn”, tôn thờ “Tổ tông” và “vinh danh những danh nhân Họ Nguyễn” để con cháu noi theo và học tập. Bên cạnh đó, tôi đang cố gắng viết một cuốn sách về Lịch sử dòng Họ Nguyễn Việt Nam để làm tư liệu lưu trữ những giá trị vốn quý mà ông cha ta đã để lại, nhắc nhớ cho con cháu mai sau. Đây là việc làm tự nguyện và tạo ra niềm vui của người đã nghỉ hưu trí.

Xin chân thành cảm ơn ông trong buổi trò chuyện!

                                                                                          Thực hiện: Đỗ Nga

 

 



 

Thư viện ảnh