Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Gia Thọ: Người hùng của “con rồng” Song Long

Ngày đăng: 20/07/2015

Nội dung:

 Nói đến cơ ngơi to lớn hiện nay của Song Long, đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, người ta không thể không nói đến một người hùng của hợp tác xã này. Đó là anh chủ nhiệm Nguyễn Gia Thọ.

Dũng sĩ trên mặt trận Quảng Đà Tháng 12/1971, mới được bổ sung vào tiểu đoàn 557 Mặt trận 44 Quảng Đà, sang năm 1972, anh Thọ đã gặp ngay một trận càn quy mô lớn của địch. Ngoài bộ binh, chúng còn huy động cả xe tăng và máy bay trực thăng càn quét ba ngày trời ở xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn) nằm bên quốc lộ 1 và là vành đai bảo vệ cho căn cứ quân sự khổng lồ Đà Nẵng. Trận chống càn diễn ra rất ác liệt. Đơn vị anh phải rút lui. Trong trận này, anh Thọ đã bị thương ở chân và vùng chẩm (phía sau đầu), phải đưa về trạm phẫu thuật tiền phương chữa trị. Chưa lành hẳn vết thương, anh lại xin được tiếp tục tham gia chiến đấu. Nhiều lần bị thương, anh vẫn không rời vị trí và nhiều lần đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ. Trên mặt trận Quảng Đà, anh đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, đánh hàng trăm trận, góp phần xây dựng đại đội 3 trở thành "Đại đội anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Nhưng đối với anh, trận đánh ấn tượng nhất, ý nghĩa nhất là trận đánh vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Anh xúc động kể về những giây phút hào hùng đó: Tiểu đoàn 577 đang đánh ở Đá Đen, Nam Phước (huyện Duy Xuyên) thì được lệnh phải vượt sông Thu Bồn, tiến về Đà Nẵng. Lính ngụy và dân trong nội thành lũ lượt đổ ra ngoại thành. Đại đội hỏa lực chúng tôi vừa đánh địch vừa lướt tới. Sáng 29/3/1975, chúng tôi đánh vào căn cứ Non Nước và cầu Trịnh Minh Thế, vượt qua sông Hàn, tiến vào trung tâm thành phố, tấn công tiêu diệt Liên đoàn biệt kích 311, góp phần giải phóng Đà Nẵng.
Sang năm 1976, anh cùng đơn vị hành quân vào Tây Nguyên tiễu phỉ Fulrô. Một năm sau, anh lại cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế ở mặt trận Campuchia.
Với những chiến công xuất sắc trên chiến trường, anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và hai Bằng khen của Mặt trận 44.

Những quyết định đúng đắn có tính chiến lược
Là một thương binh hạng 4/4, sau khi hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 1979, anh Thọ trở về Hà Nội tham gia xây dựng kinh tế tập thể. Lúc này, tình hình sản xuất của các HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún, lãnh đạo và xã viên HTX còn nặng tư tưởng bao cấp. Với HTX Song Long trong giai đoạn này lại càng khó khăn hơn. Trải qua rất nhiều ngành nghề như sản xuất bao bì, xà phòng, dệt chỉ..., nhưng sản xuất cũng chỉ cầm chừng, xã viên không có việc làm. Nhiều xã viên đã rời bỏ HTX. Bế tắc về phương hướng sản xuất, HTX đứng trước nguy cơ giải thể.
Đúng vào thời điểm này, năm 1992, anh Thọ được bà con xã viên bầu làm chủ nhiệm HTX. Những người còn lại của HTX đã nhất trí với đề xuất của anh, chuyển đổi HTX theo mô hình mới, kiên quyết kiện toàn lại tổ chức và quyết định đầu tư tập trung vào chuyên ngành sản xuất các mặt hàng nhựa dân dụng và công nghiệp, bằng công nghệ hiện đại.
Lúc bấy giờ chỉ có 9 xã viên với số vốn hơn 300 triệu đồng, nhà xưởng thì chật hẹp. Lấy đâu ra vốn lớn để đổi mới công nghệ? Trong những ngày đầu năm mới thành lập, theo Luật HTX mới, HTX huy động trong xã viên được 2,2 tỷ  đồng; hết năm đó đã huy động được 4,5 tỷ đồng. Song Long là HTX đầu tiên ở Hà Nội tìm đến Công ty cho thuê tài chính của Ngân hàng Công thương Việt Nam, vay tiền bằng thiết bị. Nhờ đó, HTX đã có 6 máy ép nhựa nhập từ Đài Loan, trị giá gần 4 tỷ đồng.
Để mở rộng sản xuất, HTX liên hệ với Xí nghiệp thủy sản Phú Viên (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) thuê mua được 10.000m2 đất, để chuyển cơ sở sản xuất từ phố Cao Thắng (quận Hoàn Kiếm) sang, xây nhà xưởng kiên cố và lắp đặt máy móc, thiết bị, HTX đã cho ra đời hàng trăm loại mẫu mã sản phẩm mới, chất lượng cao, giá cả phù hợp. Nhờ đó, sản phẩm của HTX dần dần chiếm lĩnh được thị trường hàng nhựa miền Bắc. Chỉ một năm sau chuyển đổi, HTX đã có doanh thu 985 triệu đồng.
Phát huy kết quả ban đầu đã đạt được, anh chỉ đạo HTX tiếp tục huy động vốn, mua thêm thiết bị, máy móc hiện đại, xây thêm nhà xưởng ở Sài Đồng (quận Long Biên), Phố Nối (Hưng Yên) và Hòa Khánh (Đà Nẵng). Hiện nay, HTX đã có 150.000m2 nhà xưởng, hơn 170 máy ép phun tự động, 25 giàn máy thổi hiện đại, thế hệ mới do Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông ... sản xuất. HTX còn đầu tư thêm 1 máy ép phun cỡ lớn có lực ép 2.200 tấn và 30 máy dệt và in bao bì nhựa hiện đại, với công suất 2.000 tấn sản phẩm nhựa/tháng để vận chuyển hàng xuất khẩu cũng như nguyên liệu nhập từ cảng về. HTX hiện có 25 xe ô tô từ 1,25 tấn đến 9 tấn và 2 xe công-ten-nơ. Các cơ sở sản xuất của HTX ở Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng đang thu hút 875 xã viên và lao động. Có thể nói: Việc đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sang Phố Nối với tổng diện tích hơn 12 ha, có quy mô nhà xưởng khang trang hiện đại, đã tạo điều kiện tốt cho việc quản lý, điều hành sản xuất tập trung và nâng cao năng lực sản xuất, là một quyết định sáng suốt, táo bạo, có tầm nhìn chiến lược của chủ nhiệm Nguyễn Gia Thọ.

Có chính sách cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng ổn định
Ngay những ngày đầu làm chủ nhiệm, anh Thọ đã chỉ đạo Song Long có chính sách cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng ổn định, không ngừng cải tiến mẫu  mã, hạ giá thành sản phẩm.
Bộ phận kỹ thuật do anh thành lập và trực tiếp đào tạo đã trưởng thành, vận hành tốt những cỗ máy tự động, làm chủ các kết  cấu của máy về phần điện, điện tử, thủy lực ... HTX thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Nhựa Việt Nam và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Liên minh HTX Thành phố Hà Nội mở các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật chuyên ngành nhựa cho công nhân, thợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTX còn thuê các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài về HTX, đào tạo tại chỗ cho thợ kỹ thuật.
Năm 2000, anh đã cùng HTX quyết định triển khai đi tiên phong trong việc quản lý sản xuất bằng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng phương pháp quản lý toàn diện TQM. Như vậy, Song Long trở thành HTX đầu tiên của Việt Nam áp dụng thành công hệ thống ISO 9001: 2000 và TQM vào sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, xã viên và công nhân có được tác phong làm việc khoa học và ý thức rõ rệt về chất lượng sản phẩm. Tỷ lệ hàng hỏng của HTX chỉ còn 1%. Do mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nên HTX đã cho ra đời hàng trăm loại mẫu mã sản phẩm mới, chất lượng cao như: chai PEP, bình 5 ga-lon, ghế tựa đại bông, vỏ ti-vi, đế yên xe, yếm xe máy, các linh kiện xe máy, quạt, các loại kệ, tủ nhựa, thùng có dung tích lớn ... Trên 500 mặt hàng được sản xuất mang nhãn hiệu "Song Long plastic" đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Lào và Trung Quốc, luôn luôn giữ được chữ tín với khách hàng. Đã 12 năm liền, hàng của Song Long được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2004 - 2009, thương hiệu "Song Long plastic" còn được báo chí bình chọn là một trong 100 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Những năm qua, mặc dù ngành nhựa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Thọ đã đóng góp xuất sắc vào sự phát triển vượt bậc của HTX, mà có người ví nó như một "con rồng" trên lĩnh vực kinh tế tập thể của Hà Nội.
Giá trị sản xuất công nghiệp, doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách của HTX hàng năm đều tăng cao. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 734,5 tỷ đồng, bằng 474,7% so với năm 2002; doanh số năm 2011 đạt 864,6 tỷ đồng bằng 552,8%; nộp ngân sách đạt 17,5 tỷ đồng, bằng 486% so với năm 2002. Hiếm có một HTX công nghiệp nào ở Hà Nội trong vòng 5 năm đổi mới (1999 - 2003) đã tăng doanh số tới 760%, nộp ngân sách tăng tới hơn 30 lần. Riêng năm 2009, mặc dầu kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của HTX, nhưng Song Long vẫn đạt 710  tỷ đồng doanh số, gấp 4 lần năm 2002. Nếu so với năm mới chuyển đổi (1991) thì doanh số của HTX năm 2009 đã tăng 600 lần. HTX đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới". Năm 2011 thu nhập bình quân một xã viên là 2,5 triệu đồng/tháng.
Với những đóng góp xuất sắc xây dựng HTX, chủ nhiệm Nguyễn Gia Thọ đã được thặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba (Năm 2011 và 2006); Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc (2005); là 1 trong 41 giám đốc giỏi trong cả nước được Chủ tịch nước tặng quà lưu niệm (2006), 4 năm liền (từ 2006 - 2009) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng bằng khen.

 

  Trung Kiên Theo Hanoi.gov.vn
 

Thư viện ảnh