Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Hy Quang

Ngày đăng: 28/10/2021
Tóm tắt:

Nguyễn Hy Quang

Nội dung:

Nguyễn Hy Quang (1634-1692), húy Vẹ, tự Hy Quang, sinh ngày 28 tháng 3 năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long (tức năm 1634), quê ở làng Trung Tự, phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Đây vốn là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê.

Dòng họ Nguyễn ở phường Đông Tác của gia đình ông đã đến định cư tại Thăng Long từ giữa thế kỉ XV (Lê sơ) và đến Nguyễn Hy Quang là đời thứ 7. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XVI, dòng họ này bị một viên Thái Phó là Việt Quận công chiếm đất để lập Quân Doanh ở tây bắc Trung Tự. Do bị mất đất, người dân làng Trung Tự phải sang trú nhờ làng Kim Hoa kế bên. Nguyễn Hy Quang là đời thứ 4 trú nhờ tại làng Kim Hoa.

Năm 23 tuổi (1657), ông tham dự kì thi thi Hương và đỗ Giải nguyên nhưng sau đó thi Hội không đậu. Năm 1670, ông đỗ khoa Sĩ Vọng. Được bổ làm Giáo thụ phủ Thường Tín, chỉ sau hai năm tiếng đồn về tài năng và tính cương trực cùng lối sống thanh bạch cần cù của ông đã lan xa.Nguyễn Hy Quang ra đời trong cảnh nghèo khó. Ông cần cù học tập đêm ngày, đặc biệt là rất chú trọng học kỹ các môn thiết thực với việc kinh luân. Hiếu học và minh mẫn hơn người, ông thông Nho thạo Nôm, giỏi nhiều môn văn, sử, thiên văn, y lý, phong thủy. Vì thế, Đề đốc Văn Phụng hầu Phạm Công Túc, người làng Kim Hoa ở bên cạnh đã gả con gái cho.

Năm 1673, chúa Tây Vương Trịnh Tạc cho đặc triệu ông vào phủ làm tân khách giúp Thái Phó Lương Mục Công Trịnh Vịnh là đích tôn của Chúa, con trưởng của Thế tử Nguyên soái Điển quốc chính Trịnh Căn. Năm Chính Hòa thứ 5 (1684) Nguyễn Hy Quang được cử giữ chức Lang trung bộ Lại kiêm Tri bộ Hộ.

Lúc này theo chế độ các chúa Trịnh, khi con hay cháu có khả năng làm được việc nước thì cho lập phủ riêng để tham dự hoặc nắm chính quyền, Chúa đang chuẩn bị cho đích tôn ra mở phủ. Nguyễn Hy Quang được giao thêm việc dạy Trịnh Bính, con của Thái Phó.

Đối với việc dạy Trịnh Bính, Nguyễn Hy Quang nghĩ chuyện dài lâu nên coi trọng dạy những kiến thức và đức tính cần thiết với quản lý đất nước. Khi Trịnh Bính còn ít tuổi, ông thường dắt lên điện đình, chỉ bảo cặn kẽ. Không may Thái Phó mất sớm, em là Khiêm Công Trịnh Bách được chuẩn bị mở phủ, nhưng sau đó cũng bị bệnh nguy cấp và mất sau khi mở phủ được 3 năm. Do đó, năm 1688 Chúa Định Vương Trịnh Căn phong đích tôn Trịnh Bính làm Tấn Quốc Công (sau phong là Tấn Quang Vương), cho mở phủ Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền và ủy cho Tả Thị Lang Nguyễn Viết Thứ và ông phụ tá việc nhiếp chính của Trịnh Bính. Chính vị thế quan trọng này đã gây cho ông bao phức tạp, tuy nhiên, ông đã đem hết tâm sức làm tròn, khiến uy tín ngày càng tăng.

Ông có đóng góp lớn đối với làng Trung Tự trong việc đòi lại đất bị quan lại lấn chiếm từ nhiều đời trước. Sau khi đỗ Giải Nguyên năm 1657, ông đã vận động đoàn kết các dòng họ trong làng, tìm cách đòi lại đất cũ. Trải qua 3, 4 lần xét xử, đến năm 1674, sau khoảng 80 năm phải "ở nhờ", người dân Đông Tác - Trung Tự đã được trở về phục nghiệp trên đất cũ của mình. Năm 1674, ông bỏ tiền lương cùng dân làng Trung Tự sửa sang làng xóm, làm đẹp bộ mặt quê hương.

Tháng 6 âm năm 1691, ông được thăng Công khoa Đô cấp sự trung, tước Hiển Phương bá. Nhưng cùng năm ấy, Nguyễn Hy Quang xin nghỉ hưu.

Nguyễn Hy Quang hay làm thơ Chữ Nôm và có soạn sách. Ông để lại cuốn sách “Quốc âm sự dẫn”, được coi là của gia bảo của dòng họ Nguyễn làng Trung Tự. Đặc biệt, bài thơ "Cảm tác" bằng chữ Nôm được sáng tác khi xây xong nhà ngay trước hồ Ba Mẫu ngày nay là một trong những áng thơ Nôm thể lục bát cổ xưa nhất còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay, có niên đại rõ ràng (1674), đã rất hoàn chỉnh, văn từ mượt mà. Bài thơ là một đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà của Nguyễn Hy Quang trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát. Bài thơ đó như sau:

Bốn bề cây cối lơ thơ

Thung thăng con cá vật vờ đàn ong

Ngẫm thay người thật khách song

Nhân tri kinh phật sinh không có lời

Đồng lần vật đổi sao rời

Một nền trải mấy muơi đời dân gia

Nào trăm năm trước ắt là của aiTới ta rằng của riêng ta

Làm chi cho vẩn lòng người

Của đời ắt để cho đời phân minh

Năm 1692, ông lâm trọng bệnh. Cảm công ơn dạy dỗ của ông, Tiết chế kiêm Tổng Chính quyền Trịnh Bính đã tận tình chăm sóc thầy, thậm chí đích thân xuống lập đàn cầu trời và tự mình viết bài “mật đảo văn” cho thầy qua khỏi. Ông mất ngày 06 tháng 5 năm Nhâm Thân đời Lê Chính Hòa (1692). Khi ông qua đời, Chúa thương xót và lệnh nghỉ chầu 3 ngày và sai các quan trong bộ Lễ lo việc tang tế. Hiện nay, phần mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh - Hà Nội).

Sau khi qua đời, ông được chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công.

Năm 1745 niên hiệu Cảnh Hưng, ông được phong Trung đẳng phúc thần, tặng phong mỹ tự Trực Ôn Văn Nhã Đại vương.

Năm 1783, Đoan Nam vương Trịnh Khải ra lệnh sai quan đến tế theo lễ Thiếu lao cho dân hai phường Đông Tác và Kim Hoa là dân tạo lệ, 99 suất đinh, được miễn phu dịch, để trông nom đền miếu, hàng năm Xuân - Thu hai kỳ tế lễ).

Nguyễn Hy Quang được thờ trong đình Trung Tự, quê hương của ông

Tại kì họp thường kì tháng 10 năm 2011Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên phố Nguyễn Hy Quang cho một tuyến phố nằm trên địa bàn quê hương ông tại quận Đống Đa - Hà Nội.

Ngày 10/8/2008 tại đình Trung Tự - phường Phương Liênquận Đống ĐaHà NộiHội Sử học Việt Nam, Hội Sử học Hà Nội, UBND phường Phương Liên - Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về “Nguyễn Hy Quang - Nhà giáo tài đức có công lao góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ XVII”. Hội thảo đã đánh giá ông là người tài năng, cương trực, có lối sống thanh bạch, cần cù, gắn bó với nhân dân, có công lớn trong việc gây dựng lại làng quê Trung Tự.

Thời Lê trung hưng. Ông còn có tên là Trạng Bịu. (http://vi.wikipedia.org)

Theo https://baomoi.com, 21/10/2013 : Năm 1692 ông lâm bệnh qua đời. Chúa lệnh nghỉ chầu 3 ngày, sai quan lo việc tang tế và tặng phong ông là Thượng Thư, tước Quận Công. Tiết Chế kiêm Tổng Chính Quyền Trịnh Bính không những đã tận tình chăm sóc thầy khi ốm, nay lại thân soạn văn tế thầy rất chân thành, thiết tha: "Học tất phải có thầy, lễ trước tiên là trọng đạo… Thầy có tài Kinh luận, truyền bảo cho trò. Trò nhờ dạy dỗ mà có kiến thức, vận dụng thực thi, làm lợi nước nhà. Tất cả hoàn toàn là nhờ ơn thầy!... Nhớ thuở học xưa, nghe lời giảng sáng, được đọc sách hay, thương xót khôn cùng!"…

Năm mươi năm sau, ông được gia phong làm Phúc Thần Đại Vương với lời đánh giá khá cao: "Sắc... Nguyễn Hy Quang... tài cao bậc lương đống (rường cột triều đình), vật báu như ngọc quý Phan Dư. Trong màn trướng đã bồi giảng nền học thánh hiền. Kịp thời đúng lúc và hết lòng phụ tá, góp nhiều ý hay vào mưu lược quốc gia. Ngày ngày lo nghĩ giúp (triều đình) hoàn thành nền thịnh trị...".

Chắc rằng qua thực tiễn kiểm nghiệm một thời gian dài như thế, việc đánh giá về ông thêm khách quan chính xác. Tra cứu sách sử lại càng hiểu rõ thêm, ví dụ Lịch Triều tạp kỷ (NXB KHXH 1995, tr.59) viết: "Chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị và Chính Hòa (1675-1704) đáng gọi vào bậc nhất đời (Lê) Trung Hưng. Kỷ cương thì chấn hưng, thưởng phạt thì nghiêm túc mà công minh, trăm quan kính giữa pháp chế độ, nhân dân được yên nghiệp làm ăn".

Về sự nghiệp Giáo dục và văn chương, cụ Nguyễn Hy Quang đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm xuất sắc. Chúa Trịnh qua nhiều lần đàm đạo tỏ ý hài lòng về ông và tặng thơ, ông nhân đó soạn dâng Chúa bản "Quân thần luận" mong góp phần chấn chỉnh kỷ cương đất nước và yên dân. Bản "Quân thần luận" đã nêu rõ các đạo lý về quan hệ vua tôi, vấn đề hiểu biết và dùng người, vấn đề yên dân, và đặc biệt là hai vấn đề nóng hổi đương thời: Việc binh và việc hình cần phải thiết thực. Chúa Trịnh Tạc tán thưởng và ban khen, thăng làm Lang trung bộ Lại kiêm tri bộ Hộ. Chúa khen: "Bản Thập Tiệm của Ngụy Trưng cũng không hơn được".

Trích nguồn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm, NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh