Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

DANH NHÂN HỌ NGUYỄN - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ NHỮNG GIAI THOẠI

Ngày đăng: 05/01/2022
Tóm tắt:

DANH NHÂN HỌ NGUYỄN - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ NHỮNG GIAI THOẠI

Nội dung:

DANH NHÂN HỌ NGUYỄN - NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ NHỮNG GIAI THOẠI

Nguyễn Công Trứ (chữ Hán: 阮公著, 1778 – 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:

Làm trai đứng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Về Nguyễn Công Trứ có rất nhiều giai thoại. Sau đây là một vài giai thoại nói về ông.

1.Ngông ngay từ lúc chào đời …. Cho đến chết

Ngày mồng Một tháng Mười một năm Mậu Tuất (1778), tại tư gia của viên quan Tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, bà huyện họ Nguyễn, sau cuộc vượt cạn kinh hoàng đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao.

Các cụ xưa nói “Trai mồng một, gái ngày rằm” quả không sai - vừa mới lọt ra khỏi lòng mẹ, cậu bé đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt nhòm và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác. Người nhà và hàng xóm đưa hết nồi đồng, mâm thau đến khua gõ liên hồi, cậu cũng điềm nhiên mặc! Chỉ đến khi cả đám người lớn đã mỏi rã rời, xuôi tay lắc đầu thì cậu mới dõng dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng!

Người cha của đứa bé mừng khôn xiết, vì ông vốn hiếm muộn, năm đó đã ngót nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi. Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm triệu báo điều hỉ, ông bèn ra thư phòng lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng - theo chữ Nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng; còn tên chữ là Trứ - nghĩa là rõ ràng, nổi trội.

Cậu bé đó chính là Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ tương lai, và cũng là nhà thơ trác việt kiêm tay chơi số một một thời. Cả cuộc đời của cậu Củng - Trứ về sau quả đúng như những quan sát dân gian và ước vọng thầm kín của người cha già - bền gan vững chí và lẫy lừng sáng tỏ!

Nhưng đó chỉ mới là cái ngông khởi đầu. Tới tận khi đón cái chết, Nguyễn Công Trứ vẫn ngông.

Theo lời truyền, trước khi sang thế giới bên kia - chắc là cũng sẽ tiếp tục cái cuộc chơi bất tuyệt - Cụ dặn con cháu không nên bày cuộc tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng, mà cứ để Cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong! Nhưng không biết là các con cháu có dám nghe theo lời Cụ hay không? Xưa nay người đời sau vốn coi trọng cái “lễ” của mình hơn là hiểu và tuân theo được cái lí, cái lòng giản dị và khoáng đạt, không chấp nê của những bậc vĩ nhân vừa khuất.

Cụ mất, theo Niên biểu ghi là ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858), nhưng chính trong Gia phả lại chép là ngày Rằm. Nếu như vậy, thì quả là Cụ lại “chơi ngông” quả chót: lựa đúng ngày Sóc (mồng một) để đến nhập cuộc tang bồng, rồi chọn đúng ngày Vọng trăng tròn (15 Âm lịch) để vĩnh viễn rũ trường danh lợi ra đi.

Đúng là… đến cả chết cũng ngông!

2. Có ai vô lý như thi sĩ

Gần làng Uy Viễn có bến Giang Đình trên bờ sông Lam, là một trong “Nghi Xuân bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Nghi Xuân), trên bến có khu chợ nổi tiếng với những đặc sản miền quê và cũng là nơi thường lượn lờ, gặp gỡ của trai thanh gái tú. Và một điều thú vị là trên con đường dẫn vào chợ, nơi ngã ba, có một mảnh đất nhỏ không hiểu sao mọi bàn chân đều không dẫm lên, đi vòng qua, nên chỗ đó cỏ xanh bốn mùa, những bụi cây nở hoa đẹp tươi và duyên dáng.

Một chiều xuân nọ, Nguyễn Công Trứ vừa thơ thẩn đến ngã ba đó thì thấy từ đằng xa một cô gái cũng đang đi lại. Chàng trai làm ra vẻ đang mê mải ngắm hoa, nhưng thực ra là câu giờ để đợi giai nhân đến. Biết tỏng chàng Nho sinh kia là ai và vốn không lạ gì những mẹo vặt kiểu đó, khi đến gần cô gái mỉm cười đọc, như bâng quơ:

Có ai vô lí như thi sĩ,

Hoa nở giữa đường cũng vấn vương.

Cô gái ấy vốn là một nghệ sĩ dân gian làng nghệ thuật Ca Trù Cổ Đạm, tài sắc có thừa. Biết đã gặp “đối thủ” cao tay, chàng thi sĩ dù vô lí vẫn không hề bối rối, mà lại buông giọng ỡm ờ như nói với bông hoa ven đường:

Trời đà cho sắc cho hương,

Hoa kia nỡ để gió sương đãi đằng.

Chuyện đến đây, có người nói cô gái tự biết mình không phải là “kì phùng địch thủ” của chàng “thi sĩ vô lí” kia nên e thẹn bước đi, kéo theo cái nhìn xao xuyến của kẻ đa tình; nhưng cũng có người kể, sau một phút lúng túng, nàng đã trả đòn ngoạn mục:

Sắc hương là của đất trời,

Phận ai ai giữ, ai người phải lo!

Rồi không đợi chàng thi sĩ kịp đáp lời, sắc hương đã nhẹ gót xa dần với tiếng cười khúc khích…

3. Ba vạn anh hùng đè xuống dưới

Một lần có việc đi xa, trời rét, chàng học trò Nguyễn Công Trứ ghé vào quán nước bên đường nghỉ chân, rồi rúc vào ổ rơm trong quán ngủ nhờ. Vừa lúc đó, Tả quân Lê Văn Duyệt dẫn một đạo quân đi ngang qua cũng ghé vào quán. Những người trong quán thấy quan quân rầm rập thì sợ hãi nép tận vào các góc xa, riêng Nguyễn Công Trứ vẫn đắp chiếu nằm trên ổ rơm ngủ khì như không có chuyện gì xảy ra. Một viên quản cơ thấy vậy nạt nộ om sòm, hất chiếu đánh thức kẻ vô lễ dậy. Chàng thư sinh điềm nhiên, chậm rãi ngồi lên, không tỏ vẻ gì là sợ hãi cả. Thấy vậy, Tả quân Lê Văn Duyệt lấy làm lạ, hỏi:

- Nhà ngươi là ai, mà thấy đạo quân của ta đến vẫn cứ nằm lì, không đứng dậy chào cho phải phép? Ngươi không sợ ta trách phạt hay sao?

Chàng học trò khôn khéo đáp lời quan:

- Bẩm quan lớn, tiểu sinh vốn biết đạo quân của ngài là đạo quân nhân nghĩa, chẳng vô cớ làm hại ai bao giờ, nên không việc gì phải sợ. Vả lại, tiểu sinh là học trò, đi đường xa mệt, gặp trời mưa lạnh lại có ổ rơm ấm quá nên trót ngủ quên mất ạ.

Thấy Nguyễn Công Trứ quả có dáng vẻ nho nhã, Tả quân liền bảo:

- Nếu ngươi đúng là học trò thì hãy làm vài câu thơ vịnh cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu như vừa rồi, nếu hay ta sẽ tha, bằng không sẽ chịu phạt đó.

Cậu Nho sinh dường như chỉ đợi có thế, ứng khẩu đọc ngay:

Ba vạn anh hùng đè xuống dưới

Chín lần thiên tử đội lên trên.

Tả quân Lê Văn Duyệt nghe xong, giật mình khen hay, hỏi tên tuổi, thưởng cho Trứ một số tiền rồi thả cho đi, và ghi nhớ trong lòng về người học trò kì tài ấy.

4. Thơ vạn năng

Có thể nói Nguyễn Công Trứ là Người - Thơ, nghĩa là chỗ nào cũng thơ, cái gì cũng thơ, sống bằng/với thơ, dùng thơ như một công cụ giao tiếp, như vũ khí, như tình ái…

Sau đây là mấy cách Nguyễn Công Trứ “dụng thơ” từ hồi còn trẻ:

Dùng thơ khất nợ

Sau một lần đánh tổ tôm, tay chơi Công Trứ bị thua rồi mang nợ. Chủ nợ là một ông già đòi mãi không được, cuối cùng ông đến tận nhà ăn vạ. Trước mặt ông lão, con nợ lục lọi hết mọi rương hòm xem có gì đáng giá đem đi cầm, nhưng khốn thay chỉ thấy có mấy quyển sách đã cũ sờn. Bí quá, chàng Nho sinh đành phải “cầu cứu” đến… Nàng Thơ, tức cảnh ngâm nga:

Thân "bát văn" tôi đã xác vờ,

Trong nhà còn biết "bán chi" giờ?

Của trời cũng muốn, "không thang" bắc,

Lộc thánh còn mong "lục sách" chờ.

Thiên tử "nhất văn" rồi chẳng thiếu,

Nhân sinh "tam vạn" hãy còn thừa.

Đã không "nhất sách" kêu chi nữa?

"Ông lão" tha cho cũng được nhờ!

Ông lão vốn rắp tâm đến là để đòi cho bằng được nợ, thấy Nguyễn Công Trứ giở thơ thẩn ra đã có ý bực, nhưng rồi nghe hết cả bài thì thấy thơ hay quá, lại tài nữa, câu nào cũng có tên một quân bài tổ tôm mà lại nói lên được cảnh học trò nghèo kiết không tiền... Vừa thương vừa phục, ông lão đã bằng lòng cho nhà thơ khất nợ.

Dùng thơ chuộc tội

Một lần, vì lỡ… si, cậu học trò Trứ táo gan trêu chọc một tiểu thư xinh đẹp nhưng cũng khá kiêu kì bằng cáchdẫm bắn nước bẩn tung toé lên vạt tấm áo lụa mới tinh của nàng. Bị bắt giải vào trình quan Đốc học là cha của cô gái, chàng Nho sinh Nguyễn Công Trứ đã chuộc tội bằng bài thơ tinh nghịch sau:

Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ,

Bầu trời vần vũ kín vầng ô,

Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại.

Ai biết trời tuôn lộc nước cho.

Khi nãy nắng nôi ra thế ấy,

Bây giờ mát mẻ biết chừng mô.

Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ,

Có rứa rồi ra mới được mùa.

Cả hai cha con quan Đốc học nghe thơ xong tha luôn tội cho Nguyễn Công Trứ, tiểu thư còn đỏ ửng má cúi đầu mỉm cười kín đáo.

Dùng thơ cảm ơn

Một ngày trời nắng chang chang có việc phải đi qua ngọn đèo toàn đá, mà đôi chân hàn sĩ Trứ lại… không giày. Vừa may có hai cô gái gánh giầy đi cùng đường thương tình cho mượn tạm đôi giầy để đi. Khi đã qua đèo an toàn, chàng học trò Trứ liền cởi giầy, hai tay nâng lên ngang mày trả cho hai cô và xin phép đọc bài thơ “cây nhà lá vườn” gọi là cám ơn:

Lật đật qua đèo nóng nực thay,

Hai cô thương đến lại cho giày.

Ơn này biết lấy chi mà giả,

Xin quỳ hai gối, chống hai tay!

Nghe nói, chàng học trò hiền lành vừa xong câu cuối, hai cô hàng giầy mặt đã đỏ nhừ như say nắng và… ù té chạy!

Dùng thơ khuyên giải

Một lần có chị nhà quê mất mấn! Ròng rã đứng chửi đã hai ngày liền, chị ta doạ sẽ chửi đủ tám ngày nữa mới thôi làm mọi người xung quanh xanh mắt. Đầu xứ Trứ nghe chuyện vừa thương vừa buồn cười, liền làm một bài thơ Nôm khuyên chị ta như sau:

Thằng cha con bợm thật gớm ghê!

Trộm mấn bà đi đã độc hề!

Những chắc ra đi còn có bận,

Nào hay mất trộm lấy chi che?

Thương thay lạnh lẽo ba mùa rét,

Tội nhỉ trần truồng một nố tê!

Của mất, người còn, còn có của,

Thôi thôi đừng chửi, xóm làng chê!

Sau khi nghe bài thơ của Đầu xứ Trứ, chị ta liền thôi không chửi nữa.

5. Ngay lòng ở với nước nhà

Khi cụ Trứ đã về hưu nhưng vẫn được nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn nhớ ơn khẩn điền cho họ làng quê, việc làm nên lập sinh từ Cụ rồi rước Cụ từ quê Hà Tĩnh ra chơi. Có một viên Thị vệ thấy thế, bèn bịa đặt mật tâu về Kinh là cụ Trứ đang tìm cách thu phục nhân tâm, có ý mưu đồ làm phản. Nhà vua vội vàng cho triệu cụ vào Kinh để tìm cớ trừ “hậu hoạ”. Tuy nhiên, khi tỉnh táo lại suy xét, triều đình cũng hiểu được rằng đó chỉ là những lời đồn xằng bậy,xấu xa. Tương truyền, lúc cụ đã vượt hàng ngàn dặm đường đất về Kinh, vua Tự Đức vời Cụ vào bệ kiến để Cụ giãi bày tâm sự cho rõ thực hư. Nhân nhà vua hỏi Cụ: “Ở hạt Tiền Hải và Kim Sơn dân tình làm ăn thế nào?”, Cụ mới tâu rằng:

- Thưa bệ hạ, dân hai huyện ấy làm ăn rất là vui vẻ, ngày thì chăm lo cày cấy, tối về đập lúa ca hát, thật đúng là cảnh “Muôn dân trăm họ, thái bình âu ca”. Họ thường đặt ra những câu hát đố rất là thú vị để hát đối đáp với nhau.

Nhà vua hỏi:

- Như những câu gì, có thể đọc cho trẫm nghe được không?

- Tâu Bệ hạ, chẳng hạn như câu này:

Đem thân cho thế gian ngồi,

Rồi ra lại nói những lời bất trung.

Vua hỏi là cái gì, cụ Trứ đáp:

- Tâu Bệ hạ, họ bảo đấy là cái phản.

Tự Đức lại hỏi:

- Còn câu gì hay nữa không?

- Tâu Bệ hạ: còn câu này cũng hay lắm:

Ngay lòng ở với nước nhà,

Người dù không biết trời đà biết cho.

Vua hỏi: Là cái gì?

- Tâu Bệ hạ, họ giảng đấy là cái máng nước.

Tự Đức biết ý Cụ ám chỉ việc Cụ bị vu oan và trách triều đình không biết xét việc minh bạch có trước có sau, nên tìm lời an ủi cụ rồi cho cụ trở về nguyên quán ở Hà Tĩnh.

6. Làm cây thông đứng giữa trời

Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.

Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài, có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo, khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!

Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:

Giữa trời vách đá cheo leo,

Ai mà chịu rét thì trèo với thông!

Nhân vật chết, hết giai thoại!

Còn một điều cuối cùng là lời băn khoăn buồn của những hậu duệ trông coi và hương khói nhà thờ Cụ Trứ: họ đã nhiều lần trồng thông xanh bên mộ Cụ đúng theo di chúc, nhưng thông không sống được - quê Cụ toàn đất cát. Đất nghèo.Đất này cây khó sống, nhưng người vẫn phải sống. Mà lại sống kiêu sa, ngang tàng. (https://www.vanhoanghean.com.vn/ 17 Tháng 12 2009)

Nguồn : "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" NXB Hồng Đức xuất bản năm 2018

 

Trích nguồn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm, NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh